mercredi 19 mars 2014

THÁNH GIUSE BẠN TRĂM NĂM CỦA ĐỨC MARIA

Lễ Thánh GIUSE 19-03


Mừng lễ thánh Giuse năm nay chúng ta có điều vui mừng và phấn khởi hơn, trước là vì tên thánh Giuse đã được đưa vào đủ trong tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể, sau là chúng ta đang sống trong năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình.

Nói đến gia đình thì thánh Giuse là gương mẫu tuyệt vời cho các gia trưởng. Ngài cũng có được những nhân đức như Đức Maria : khiêm nhường, khiết tịnh và vâng lời, chúng ta cùng nhau chia sẻ những nhân đức đó của Ngài.
  • Thánh Giuse : con người khiêm nhường
Người có lòng khiêm nhường thật không cần tự hạ mình xuống trước mặt mọi người, không cần đánh giá thấp bản thân, mà là biết nhận định trung thực về những gì là tốt xấu nơi bản thân mình. Hơn nữa người có lòng khiêm nhường biết nhìn nhận giá trị của người khác. Qua đó, người khiêm nhường biết tôn trọng và quan tâm đến người chung quanh, biết đặt những nhu cầu, quyền lợi và hạnh phúc của người chung quanh lên trên nhu cầu, quyền lợi và hạnh phúc riêng của mình với cách sống : “Mình vì mọi người”.

Thánh Giuse biết mình thua kém Đức Maria và Chúa Giêsu, nhưng ngài đã khiêm nhường chấp nhận vai trò làm chồng Đức Maria và cha nuôi Chúa Giêsu.
  • Thánh Giuse : con người khiết tịnh
“Đức khiết tịnh làm giảm bớt bản năng giới tính của phái nam và phái nữ khi liên hệ đến các mục tiêu của họ. Theo ý Thiên Chúa, bản năng giới tính là một phần trong con người, buộc họ phải sống cho phù hợp với ơn gọi là con cái Thiên Chúa. Nhưng chúng ta sống trong tội lỗi và điều này khiến chúng ta có những mối quan hệ sai lệch với những điều tốt lành trong thế giới này; chúng ta có khuynh hướng tuyệt đối hoá quá mức các giá trị không thuộc về Thiên Chúa. Sống trong Nước Trời đòi buộc chúng ta phải chết cho tội lỗi và sống niềm vui cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô. Vì lý do này, khi xem xét các mục tiêu của bản năng giới tính, thánh Thomas cho rằng khiết tịnh là một nhân đức kiềm chế sự thèm khát dục tính. Sống khiết tịnh là sống bản năng giới tính theo giá trị đã được ấn định theo ý Thiên Chúa. Nhân đức này tác động đến những trạng thái sống khác nhau: hôn nhân, đời sống độc thân và đời sống độc thân thánh hiến”.(J.M. Pohier, Tâm lý và thần học, Nxb. Du Cerf, Paris 1967, tr. 341.)

Với bài Tin mừng nói về thánh Giuse hôm nay, một vài nhà Thánh Kinh gọi là câu chuyện truyền tin cho thánh Giuse. Thiên thần hiện ra với thánh Giuse trong giấc mộng, và khuyên thánh nhân đừng ngại nhận Đức Maria về nhà làm vợ mình dù đang mang thai. Vì bào thai trong lòng Mẹ là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, không phải do xác thịt hay máu huyết.

Như thế ngài được chọn, thay mặt cho Thiên Chúa, trở thành người cha của Chúa Giêsu ở trần gian. Ngài đã sẵn sàng đón nhận Mẹ Maria, đồng hành với Mẹ, giữ gìn Mẹ, mà vẫn luôn tôn trọng sự trinh khiết của Mẹ.
Gương thánh Giuse là một bài học cho các bậc làm chồng về đức khiết tịnh. Không phải tới tuổi già mới sống đời khiết tịnh.
  • Thánh Giuse : con người vâng lời
Đức Maria thưa lời “xin vâng” thánh ý Chúa, còn thánh Giuse thì không nói gì mà chỉ thực hiện “xin vâng” mọi nơi mọi lúc trong suốt đời.
Ngài đã vâng lời nhận Đức Maria về nhà làm vợ.
Ngài đã vâng lời đưa Đức Maria về quê quán Bêlem để kê khai sổ bộ và chấp nhận cảnh Chúa Giêsu sinh ra trong hang bò lừa.
Ngài đã vâng lời đem Hài Nhi và Mẹ Người giữa đêm khuya trốn sang Ai Cập.
Ngài đã vâng lời đem Hài Nhi và Mẹ Người trở về Nagiarét.
Ngài đã vâng lời đem Hài Nhi lên Giêrusalem theo Lề Luật qui định.

Sự vâng phục của thánh Giuse có nguồn gốc từ nội tâm. Ngài vâng phục Thiên Chúa bằng một bản năng siêu nhiên. Thánh Giuse vâng phục không phải chỉ bảo sao làm vậy mà còn do tâm trí của ngài phải luôn hoà hợp với thánh ý Thiên Chúa.

Vâng lời như là một bài kiểm tra về tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Thực thi thánh ý Chúa là chứng minh tình ta yêu Chúa. Ở đâu có vâng phục, ở đó có tình yêu. Ở đâu có sự vâng phục nhiều, ở đó có tình yêu nhiều.

Như vậy, một cách để “gia tăng đức ái” theo chủ đề sống trong năm nay của giáo phận là chúng ta noi gương thánh Giuse luôn biết sống vâng phục thánh ý Chúa dù gặp phải bất cứ hoàn cảnh nào.
 
Tác giả bài viết: Lm. F.X Trần Đăng Đức  

Nguồn tin: Gpquinhon.org

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire