dimanche 30 novembre 2014

SỐNG MÙA VỌNG

 


Mùa Vọng, ngày xưa thường gọi là “Mùa Áp” (theo tiếng Latinh là Adventus, từ động từ Advenire, tiếng Anh là Advent, có nghĩa là “đến gần”), với ý nghĩa là Mùa “trông đợi”, “mong chờ”.
Theo truyền thống Giáo Hội, Mùa Vọng có bốn ý nghĩa sau: Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô "đã đến" lần thứ nhất; Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" lần thứ hai vào ngày tận thế; Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta; Mùa chuẩn bị tâm hồn Kitô hữu xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.

1/ Mùa Vọng là Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô “đã đến” lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm.  Kỷ niệm ở đây không đơn thuần là hoài niệm, không chỉ là những hình ảnh hay biến cố để ghi nhớ, nhưng là một thực tại để sống.
Mùa Vọng trước tiên là Mùa để chúng ta sống lại lịch sử ơn cứu độ của Đức Kitô trong cuộc đời mình, bắt đầu từ việc dân Do thái mong đợi và chuẩn bị Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để "giải phóng" họ khỏi ách nô lệ, đặc biệt là nô lệ tội lỗi.  Isaia đã loan báo, Gioan Tẩy Giả đã dọn đường, dân chúng cũng đã chịu phép rửa sám hối để đón nhận Đấng Messia.
Đấng Messia là Đức Kitô đã đến, ban đầu người ta cũng hồ hởi đón nhận Ngài, nhưng rồi thấy Ngài là Đấng không giống như mình nghĩ, không hành động như mình mong, không thực hiện những điều như mình muốn, nên người ta dần dần bỏ Ngài.  Hơn nữa, vì quyền hành và tham vọng, vì kiêu căng và lòng chai dạ đá, nên các vị lãnh đạo tôn giáo muốn khai trừ Ngài.
Quả thật,“Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).  Người Do Thái đã muốn nắn đúc Vị Cứu Tinh theo ý đồ và tham vọng của họ, muốn đúc khuôn một Vị Cứu Thế theo quan niệm và mơ ước của họ, nên đã không nhận ra hay không muốn nhận ra Ngài.  Cuối cùng, Chúa Giêsu đã chết cho những ảo tưởng, kiêu căng và tội lỗi của họ, và thật ra cũng là của nhân loại, của mỗi người chúng ta.
Cho tới ngày nay họ vẫn còn gục đầu vào bức tường than khóc để chờ đợi một Đấng Messia như lòng họ mong ước, chứ không như Thiên Chúa ước mong.  Như vậy, sống lại lịch sử của ơn cứu độ trong Mùa Vọng là để chúng ta xác tín rằng, thái độ mong đợi và chuẩn bị Chúa đến trước tiên phải là hành vi tẩy nãothanh lọc cuộc sống mình, để không rơi vào tình trạng vong thân và lạc mất ơn cứu độ như dân Do Thái xưa.
Nói đến tẩy não là vì trong đầu óc ta đầy những tạp niệm, định kiến, thành kiến, thiên kiến; cũng như những hình dung và quan niệm lệch lạc hoặc thiếu xót về Thiên Chúa, về chính mình và tha nhân, để từ đó sáng lên một cái nhìn trung thực, đúng đắn, rõ ràng và thâm sâu về mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa.
Nói đến thanh lọc là vì bản thân ta luôn dễ bị ô nhiễm bởi nhiều ham muốn, đam mê, dục vọng, khiến ta sa lạc, và nô lệ cho tội lỗi.  Tội lỗi làm tâm trí ta trở nên đen tối không còn khả năng nhận diện và gặp gỡ Chúa.  Vì thế, tẩy não và thanh lọc bản thân điều kiện tối cần.  Đó cũng là hành vi tự cứu độ mình trước khi đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

2/ Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế Ngày đó cũng là ngày “không ngờ”, ngày mà “Con Người sẽ ngự đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả!” để xét xử phân minh.  Tuy nhiên đối với những ai có lòng tin nơi Đấng Cứu Thế, và sống theo Phúc Âm của Ngài, thì ngày đó, không đáng kinh khiếp, nhưng lại là “Ngày Giải Thoát” để bước vào miền hạnh phúc viên mãn của cuộc sống “trường sinh, vinh hiển”, một “Trời Mới Đất Mới” (Is 65, 17; 66, 22 ; Kh 21, 1-4).  Hoa quả của lòng tin chính là đức ái trong mọi tương quan hằng ngày.  Tiêu chuẩn chính yếu của ngày chung thẩm không có gì khác hơn là tình yêu mến, là đức ái (x. Mt 25, 32-55).
Dostoievski có lần kể câu chuyện về một người phụ nữ ở dưới luyện ngục, tha thiết xin thánh Phêrô cho lên thiên đàng.  Thánh nhân yêu cầu bà nhớ lại xem đã làm được điều gì tốt để ngài có thể dựa vào lý do đó mà xét cho vào Thiên đàng.  Người phụ nữ nhìn lại thật tỉ mỉ cuộc đời và nhớ chắc chắn đã có lần cho lão ăn mày khốn khổ một củ hành.  Bà vội trình với thánh Phêrô và ngài phán, vì ngươi đã cho kẻ khó một củ hành nên bây giờ ta sẽ cột sợi dây vào củ hành thả xuống luyện ngục, rồi ngươi cứ bám vào đó, ta sẽ kéo lên.  Thế là người phụ nữ bám chặt vào củ hành để thánh Phêrô kéo lên.  Khổ nỗi khi thấy bà được kéo lên, những người khác nhao nhao xin theo và bà ra sức dẫy dụa đạp họ xuống, vừa đạp vừa la “một mình tao lên thôi!”  Nhưng vì dẫy dụa quá nên sợi chỉ đứt luôn và bà vẫn ở lại chỗ cũ.
Tới lúc lên thiên đàng mà vẫn còn ích kỷ.  Câu chuyện này có thể làm ta liên tưởng đến hình ảnh các nhân vật tư tế và trợ tế trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu (x. Lc 10) khi họ vội vã lên đền thờ mà bỏ quên tha nhân trong cảnh đau khổ.  Thiếu tình yêu, thiếu bác ái với tha nhân, thì những cố gắng chu toàn các bổn phận thờ phượng có nghĩa lý gì? “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9, 13).

3- Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta.  Không ai biết được ngày giờ nào, vì thế, hãy chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng.  Như Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào!” (Mc 13, 33).  Thánh Phaolô cũng khuyên: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra…” và mong rằng “chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô, Chúa chúng ta ngự đến” (1Tx 5, 23)
Thường xuyên suy gẫm về sự chết là cách thế hữu hiệu nhất để sống cách tốt nhất.  Đức Hồng Y Px. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm: “Nếu tôi biết ngày mai mình sẽ chết, thì hôm nay tôi sẽ sống một ngày đẹp nhất."   Chúng ta chưa sống từng ngày đẹp nhất là vì cứ tưởng mình còn lâu mới chết.  Đó cũng là cám dỗ của ma quỉ để ta mê say cuộc sống này mà mất đi sự cảnh giác.
Ai cũng dễ ham mê gây dựng cho mình một sự nghiệp trần thế, muốn có uy tín hơn, sáng giá hơn, chức vụ cao hơn, ảnh hưởng lớn hơn, mọi người nể phục hơn, làm nên những công trình to tát hơn.  Ít có ai muốn sống âm thầm, hiền lành, khiêm tốn và vui lòng chịu khó, chịu khổ theo ý Chúa muốn; ít ai muốn chịu khinh khi, chịu xóa mình, chịu quên lãng, để sống cho Chúa và tha nhân.  Nhưng rồi tất cả những gì chúng ta gầy dựng để mong hưởng thụ cho riêng mình đều là hư vô, vì khi nằm xuống trong lòng đất rồi thì tất cả đều chấm dứt, chẳng còn lại gì.  Chẳng ai còn nhớ đến, thế hệ tương lai cũng chẳng biết ta là ai, hiện hữu cũng vậy, không hiện hữu cũng thế, duy chỉ một mình Chúa biết.  Quả thật, ý nghĩa và giá trị cuộc sống của ta chỉ ở nơi Chúa mà thôi.  Vì thế, đừng bao giờ tìm kiếm những gì ngoài Chúa, những gì không phải là Chúa.

4. Thực tế, Mùa Vọng là mùa chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.  Thật sự ta chẳng bao giờ xứng đáng được với chính Chúa, Đấng thánh thiện vô ngần, nhưng chỉ là bớt bất xứng hơn.  Điều này đòi hỏi mỗi người cứ phải hoán cải, sửa đổi và tu chỉnh cuộc sống không ngừng, để góp phần với Chúa làm cho cuộc sống trở nên chân thật hơn, khiêm tốn hơn, yêu thương hơn, cao đẹp hơn, an bình hơn, như tiên tri Isaia đã hô hào, như Gioan Tẩy Giả đã loan báo, như trong thơ 2Phêrô 3-9 đã nhắc lại “Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em; vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mỗi người đi đến chỗ ăn năn hối cải …”.
Nguyễn Trãi có câu: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một bước sa chân là ngàn đời ân hận.  Quay đầu trở lại là trăm năm cơ đồ).  Cần làm một cuộc trở lại cách đặc biệt trong Mùa Vọng này: trở lại với Chúa, trở lại với anh em, và trở lại với chính mình để đón nhận một sức sống mới.
         Chúa Giáng Sinh không chỉ là một biến cố hồng phúc đối với Đức Maria ngày xưa, nhưng còn là một biến cố ân phúc đối với mỗi người chúng ta ngày nay.  Theo cha Zundel, điều này có nghĩa là Chúa cũng muốn cho chúng ta nên giống như Đức Mẹ là cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa lớn lên trong cuộc đời mình.  Đây là điều chúng ta đọc thấy trong phụng vụ lễ Giáng sinh: “Một đứa trẻ được sinh ra cho chúng ta”.
         Thiên Chúa muốn sinh ra từ chúng ta cũng như chúng ta được sinh ra từ Ngài.  Điều bí ẩn sâu sắc nhất của Phúc Âm, đó là Thiên Chúa muốn sinh ra từ lòng mến của chúng ta.  Người ta chỉ tin vào Thiên Chúa, tin vào Phúc Âm khi bộ mặt của Chúa Giêsu lộ rõ trong đời sống của chúng ta, để từ đó ta mới có thể trao ban Chúa cách đích thực cho người khác.  Mỗi lần khuôn mặt người khác được sáng lên do sự tiếp xúc với lòng bác ái của chúng ta, thì đó là nét mới của khuôn mặt Thiên Chúa được lộ ra.  Nếu không như thế, thì đời sống thiêng liêng, mọi hoạt động tông đồ và truyền giáo đâu có nghĩa gì.  Đó cũng chính là sự thể hiện tính cách mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.
         Hiểu như thế và xác tín thâm sâu như vậy, chúng ta mới thấy Lễ Giáng Sinh có một ý nghĩa trọng đại trong từng năm của cuộc đời mình.  Nhờ đó, ta biết chuẩn bị bằng cách cải đổi tâm hồn mình như thế nào để phát sinh hiệu quả ơn thánh và làm lớn mạnh công trình tình yêu mà Chúa muốn thực hiện nơi mỗi người chúng ta.
LM Thái Nguyên
Phạm Anh chuyển

lundi 24 novembre 2014

Nếu chúng ta biết bước chậm lại một chút

 Joshua Bell

Vào một buổi sáng lạnh mùa đông năm 2007, tại một ga metro ở Washington DC, một thanh niên với chiếc đàn vĩ cầm, đứng chơi những bài nhạc nổi tiếng của Bach, Schubert, Massenet… trong vòng 45 phút. Trong khoảng thời gian ấy có khoảng chừng 2 ngàn người đi ngang qua, đa số đang trên đường đến sở làm của họ. Dường như không một ai có vẽ chú ý đến sự có mặt của anh.


Sau khoảng 3 phút, một người đàn ông đứng tuổi đi qua và nhận thấy có một nhạc sĩ đang đứng đó chơi vĩ cầm. Ông đi chầm chậm, dừng lại chừng vài giây, và rồi lại vội vã đi tiếp cho kịp giờ của mình.

4 phút sau: Người nhạc sĩ vĩ cầm ấy nhận được đồng đô la đầu tiên: một người đàn bà ném tiền vào thùng đàn của anh và không hề dừng lại, tiếp tục bước đi.

6 phút: Một người thanh niên trẻ đứng dựa vào tường lắng nghe anh, nhìn đồng hồ đeo tay của mình và rồi lại tiếp tục bước đi.

10 phút: Một đứa bé dừng lại nghe, nhưng mẹ của em vội vàng lôi em đi tiếp. Đứa bé tiếp tục dừng lại nhìn anh nhạc sĩ vĩ cầm, nhưng mẹ của em đẩy mạnh, và em lại phải tiếp tục bước đi, nhưng em vẫn cứ ngoái đầu quay nhìn lại. Và điều này đã cũng xảy ra với nhiều những đứa bé khác. Và cha mẹ nào cũng đều lôi kéo các em, bắt các em phải đi nhanh lên

45 phút: Người nhạc sĩ vĩ cầm ấy vẫn tiếp tục chơi nhạc không ngừng. Chỉ có 6 người dừng lại và lắng nghe trong vài ba phút rồi bỏ đi. Khoảng chừng 20 người cho anh tiền, trong khi vẫn tiếp tục bước đi bình thường, và không hề dừng lại. Chàng nhạc sĩ ấy thâu được tổng cộng là 32 đô la.

1 giờ sau: Anh ta ngừng chơi, không gian im lặng trở lại. Không ai chú ý đến anh. Không một tiếng vỗ tay, và cũng không một lời tán thưởng.

Không ai biết người ấy chính là Joshua Bell, một trong những nhạc sĩ vĩ cầm nổi danh nhất trên thế giới người Mỹ. Trong hơn 45 phút qua anh đã chơi những bài phức tạp nhất trong các bài nhạc trình tấu, và cây đàn vĩ cầm mà anh chơi trị giá khoảng 3.5 triệu đô la. Hai ngày trước đó, Joshua Bell đã trình diễn tại một nhà hát ở thành phố Boston, vé bán hết không còn chỗ ngồi, giá của mỗi vé là 100 đô la. Và ban tổ chức sẵn sàng trả 1000 đô la mỗi phút cho tài năng của anh!

Đây là kết quả của một cuộc thử nghiệm do báo The Washington Post tổ chức. Trong cuộc thử nghiệm này, Joshua Bell phải ăn mặc thật bình thường, quần jean, áo thun, mũ kết, và chơi đàn trong giờ cao điểm, 7:45am. Họ chọn nơi biểu diễn là trạm ga L’Enfant Plaza, vì nơi đây những người khách metro đi ngang qua đa số là thuộc tầng lớp trung lưu, chuyên nghiệp, trí thức, phần lớn làm việc với chính phủ liên bang.

Trước khi tổ chức, các nhà thử nghiệm nghĩ rằng tại Washington DC, một trong những đô thị phát triển nhất nước Mỹ về classical music, nhạc giao hưởng, Joshua Bell có thể sẽ thu hút một số lượng lớn khán thính giả dừng lại nghe, và họ có lẽ sẽ phải nhờ cảnh sát đến để giữ trật tự. Nhưng chỉ có một người duy nhất nhận ra Joshua Bell, vì trước đó ba tuần cô ta có đi xem anh trình diễn ở Library of Congress, nên nhận ra anh ngay. Cô ta đã bỏ vào hộp đàn của Joshua Bell 20 đô la và tự giới thiệu mình khi anh ngưng chơi đàn.

Tờ Washington Post viết, mục đích của cuộc thử nghiệm này để xem rằng: chúng ta có thể nhận diện, ý thức được những gì hay và đẹp đang có mặt giữa cuộc sống bận rộn của mình, và trong những hoàn cảnh bình thường hằng ngày không?

Và nếu như trong cuộc sống chúng ta không thể dừng lại trong giây lát để lắng nghe một nhạc sĩ lừng danh nhất trên thế giới, chơi những giai điệu hay nhất từng được sáng tác, với một nhạc cụ tốt đẹp nhất, và nếu như cuộc sống quá bận rộn đến nỗi chúng ta không còn có thời gian để dừng lại, khiến ta trở nên lãng quên trước những điều hay và đẹp, thì trên con đường ta đi mình còn vô tình bỏ qua và đánh mất bao nhiêu những điều đáng quý nào khác nữa chăng? Trong thời đại ngày nay, dường như đa số chúng ta có khá đầy đủ, nhưng duy có một điều mà chắc chắn trong chúng ta ai cũng đều rất thiếu thốn là thời giờ của mình, phải thế không bạn? (Nhưng mà ai cũng có thời giờ bằng nhau là 24 tiếng đồng hồ một ngày, hơn nhau chỉ là cách sống đầy trí tuệ và tình người của bạn trong 24 giờ tinh khôi này thôi)

Trên con đường chúng ta đi, có lẽ ta cũng sẽ có dịp nghe được tiếng đàn vĩ cầm của Joshua Bell, và bao nhiêu những điều hay đẹp khác chung quanh ta, nâng cao tâm hồn mình, giữa những bận rộn và ngay trong hoàn cảnh bình thường nhất, nếu chúng ta biết tập bước chậm lại một chút
Hồng Phúc chuyển

dimanche 23 novembre 2014

Đàn ông không nên uống calcium

samedi 22 novembre 2014

ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG (video Tran Nang Phung)