lundi 28 novembre 2016

Cảm Thức!

 Cảm Thức! 
*suy tư mùa vọng *CN I mùa vọng*
    
  Đan sĩ Thomas Merton, người được biết đến như một bậc thầy về đời sống thiêng liêng và linh đạo rất nổi tiếng qua nhiều sách do ông viết. Trong lúc ông đã cao niên, ông đã phải lòng một cô y tá, người thường xuyên chăm sóc cho ông. Ông đã rất trung thực với nỗi đau khổ cùa mình khi viết trong nhật ký về cảm nghiệm ấy: một đan sĩ, đơn độc chiêm ngắm Thiên Chúa, cảm thấy bị dằn xé trong tâm hồn với một sự thật rằng,  ông đã yêu cô y tá ấy và “tôi không biết làm thế nào có thể sống thiếu người phụ nữ ấy” (trích từ Cencini, 2005 từ Thomas Merton: The Hermitage Years, London 1993) Mình xin mượn hình ảnh người tu sĩ dám khiêm tốn nhìn nhận trước Chúa sự yếu đuối của mình như Thomas Merton giúp chúng ta hiểu thế nào là “Cảm Thức” Cảm thức dưới góc nhìn của mình, đó là khả năng nhận biết dấu hiệu của yêu và ghét trong trái tim mình, hiểu được và đối diện với cảm xúc đó trong tâm thức của mình, và có can đảm nói ra nó một cách đúng mực.  
       
 Nhiều người trong chúng ta từ nhỏ đến lớn thường được dạy rằng mình phải che giấu cảm xúc của mình, mình không được giận, không được khóc, nhiều người khi khóc sẽ bị cho là yếu đuối, không có trưởng thành... và không ít nhiều, để chứng tỏ là mình mạnh, mình giỏi, chúng ta phải làm ra vẻ lạnh lùng, điềm tĩnh càng nhiều càng tốt... điều đó càng đúng với nam giới, người có khuynh hướng đè nén và quên đi cảm xúc của mình. Khi buồn chúng ta làm như đang vui, khi vui chúng ta không nói, khi xấu hỗ chúng ta né tránh, thậm chí còn nói ngược lại, nói tránh đi để đánh lạc hướng người khác... Tất cả chỉ để che giấu điểm yếu của mình, và để chứng tỏ với người khác là mình hoàn hảo. Sự thật là không ai trong chúng ta hoàn hảo. Không ai trong chúng ta có thể kháng cự lại với con người của mình huống chi là người khác. Vì thế, để giảm đi sự căng thẳng do phải đè nén cảm xúc, hay quên đi cảm xúc... nhiều người sống ngoài đời tìm đến rượu chè, đến những cuộc vui... để làm cho mình quên đi nó. Hoặc có người che đi những điểm yếu của mình, bằng cách vạch trần những yếu đuối của người khác... không ít người trong chúng ta tìm đến mạng xã hội để làm điều đó, thay vì dùng nó như một công cụ để góp ý có tính xây dựng, nhiều khi chúng ta dùng nó chỉ để trút giận lên người khác, trên nhiều danh nghĩa khác nhau, nhiều khi mượn cả danh Chúa để lên án nhau. Với đời sống tu sĩ, nhiều người tìm cách tự vệ mình bằng cách trở nên gay gắt khó khăn với anh em mình, chọn cho mình một lối sống “khép mình trong vỏ ốc” để né tránh sự chỉ trích. Có người trong chúng ta thì tìm mọi cách nâng mình lên, mình càng nổi tiếng, càng được mến chuộng thì mình càng minh chứng rằng mình có ơn Chúa. Có người trong chúng ta mãi say mê với địa vị, danh vọng... Tất cả đều có thể xảy đến với chúng ta cho dù mình là ai, giáo dân, tu sĩ, hay linh mục. Không ít những cặp vợ chồng, mãi đè nén cảm xúc của riêng mình, cho rằng ai cũng có cái đầu, phải tự hiểu và tự nhận ra... và họ để cho đời sống gia đình trôi đi bằng “số tự động” cho đến ngày họ phát hiện ra, họ không còn cảm xúc cho nhau nữa, thì đã quá muộn. Không ít các tu sĩ linh mục, tự nói một lần đi chơi sẽ chẳng thấm gì, cho đến khi họ nhận ra rằng họ đã đi quá xa với giới hạn cho phép của họ, thì họ cũng không thể quay lại được nữa. Không ít lần, chúng ta cũng nói, bỏ lễ Chúa nhật, bỏ đọc kinh một lần cũng chẳng sao... cho đến khi chúng ta không còn nghĩ đọc kinh hay tham dự Thánh lễ là quan trọng nữa... Nghịch lý lớn nhất đó là khi chúng ta mãi mê với khả năng của mình, khi chúng ta mãi mê với việc phải làm sao để chứng minh bản thân mình với những người xung quanh, cũng là khi chúng ta đánh mất “Cảm thức”... 
    
  Các nhà tâm lý học nói rằng, một khi bạn cố đè nén những nỗi đau, những nỗi buồn, những cơn giận, và cố quên đi nó, cũng là khi bạn có thể đánh mất khả năng nhận ra những niềm vui, cảm giác hạnh phúc bên cạnh đó. Và sau đó tất cả những gì bạn làm là bám vào những niềm vui chóng qua để an ủi mình, cho đến khi bạn không còn có khả năng nhận biết mình nữa. Khi quen giấu nỗi buồn, đến một ngày nào đó, ta cũng sẽ không biết tìm ra niềm vui thật. Vậy làm sao để chúng ta thật sự là người biết sống “cảm thức”?
       
 Thứ nhất đó là trung thực với chính mình và với người mình yêu mến. Trung thực ở đây không có nghĩa là mình “phang vào mặt” người khác những gì mình nghĩ xấu về người kia. Nhưng trung thực nhìn nhận mình không đủ mạnh để đón nhận tất cả, trung thực để thổ lộ những điều mà mình nghĩ rằng mình cần được giúp đỡ để tốt hơn. Và hơn hết đối với người môn đệ Chúa, đó là trung thực với Chúa về tất cả những yếu đuối nghèo hèn của con người mình.
       
Thứ hai, đó là nhạy cảm với lương tâm của mình. Khi chúng ta thấy mình đang khao khát điều gì đó, hay muốn làm điều gì đó mà chúng ta sợ không muốn cho ai biết, hoặc muốn giữ bí mật cho riêng mình, có lẽ, đó là lúc mà chúng ta phải lập tức đặt câu hỏi: Tại sao tôi lại sợ, tại sao tôi lại muốn giấu, muốn né tránh...? Phải chăng có gì đó không ổn với những gì tôi đang làm nếu người khác biết!
       
 Thứ ba, đó là luôn có thái độ xây dựng! Người trưởng thành và có cảm thức, không có nghĩa là người không bao giờ gặp khủng hoảng, nhưng là người có đủ can đảm đối diện và vượt qua khủng hoảng của mình. Qua đó mình có thể lớn lên và trưởng thành. Một cơn khủng hoảng có thể giống như một trận động đất, tất cả có thể sụp đổ, nhưng qua đó chúng ta có thể xây dựng lại từ đầu... Khi chúng ta đối diện với một sự đau khổ, một nỗi buồn, một tình cảm chợt đến, nó làm cho chúng ta chao đảo... nhưng nó cũng là lúc chúng ta phải tập xây lại nền móng của tương quan giữa mình với Chúa và với tha nhân. Khi né tránh nó, là khi chúng ta không biết rút ra bài học từ yếu đuối của mình.
     
  Thứ tư, đó là trung thực phải dựa trên chân lý! Chân lý tối cao của chúng ta, đó là Thiên Chúa của Tình Yêu và Lòng Thương Xót... Chân lý không có nghĩa là đi moi móc sự thật để chứng minh mình đúng và người khác sai, và rồi để hạ nhục người khác... vì mình cho rằng mình sống trung thực với những gì mình biết. Mặt khác trung thực không có nghĩa là biết cảm xúc của mình là gì rồi nói nó ra, đặt tên cho nó... và để cho người nghe tự quyết, tự có trách nhiệm với lời nói của mình! Nhưng trung thực dựa trên chân lý nghĩa là, ý thức cảm xúc của mình và tự hỏi tại sao tôi có cảm xúc đó... Tại sao tôi giận trước một sự việc? Phải chăng tôi giận vì tên tôi không được nhắc đến!? Phải chăng tôi tức vì đáng lẽ người ta phải tôn tôi lên mà người ta lại quên tôi? Hay vì tôi không bằng người khác...? Tại sao tôi yêu người đó? Tại sao tôi ngã lòng cho dù tôi đang theo Chúa? Tôi tìm điều gì trong tình yêu này? Tôi muốn chứng minh điều gì trong mối quan hệ này? Phải chăng vì tôi đã không giữ tương quan với Chúa? Phải chăng vì tôi cảm thấy lạc lõng...? Tất cả những câu hỏi tại sao, giúp chúng ta quay lại với sự thật về con người mình. Để từ sự thật đó, chúng ta mới có thể gặp được Thiên Chúa – là sự thật, là chân lý. Và chỉ có gặp được Chúa, đối diện với lòng thương xót Chúa, chúng ta mới có thể chữa lành “tâm cảm” của mình, và không để cho mình bị cuốn theo nó.
      
Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng là lời mời gọi tỉnh thức của Chúa Giêsu. Trong cầu nguyện mình chợt nhận ra rằng, tỉnh thức mà Chúa mời gọi chúng ta sống, không chỉ đơn thuần là ngóng chờ Chúa đến từ bên ngoài như bay từ trời xuống, cũng không đơn thuần là việc chúng ta chờ Chúa đến lần thứ hai để phán xét chúng ta. Nhưng Mùa Vọng là mùa chúng ta tập sống có “cảm thức” trong tâm hồn của mình. Hay nói cách khác, là mùa mà chúng ta tập thức tỉnh với cảm xúc của mình. Vì chính trong mỗi xúc cảm của mình, khi vui, khi buồn, khi hạnh phúc, khi lẻ loi, khi u tối.... biết đâu trong mỗi khoảnh khắc yếu đuối và giới hạn ấy, Chúa âm thầm sinh ra trong chúng ta, hiện diện trong chúng ta mà chúng ta có thể mất cơ hội tiếp đón Ngài.
   
Giáng sinh hơn 2000 năm trước Chúa đã làm người, Chúa đến cũng thật bất ngờ, nhưng Chúa đã đến trong lòng của Maria - luôn sống với cảm thức của mình “Làm sao tôi có thể làm điều đó, khi tôi không biết đến người nam?" - Chúa đến với Giuse, người đã sống với cảm thức của mình, đau khỗ nghĩ rằng vợ mình đã phản bội, dự định lìa bỏ Maria... Giuse đã dằn vặt với chính tình yêu của mình... và đã gặp Chúa. Chúa đến với mục đồng... thức tỉnh trong đêm tối. Và Chúa đã không đến với Herode người đã luôn ghen tuôn giận dữ nhưng tìm cách che đậy cơn giận để bí mật giết Chúa. Chúa không đến với các luật sĩ, người mãi mê đọc sách kinh thánh để chứng minh mình giỏi và bắt lỗi người khác, nhưng lại không biết Chúa đến. Chúa vẫn âm thầm đến trong thế gian mỗi giây phút, mỗi khoảnh khắc... nhưng có lẽ chỉ khi nào chúng ta sống “cảm thức" chúng ta mới thật sự gặp được Ngài.

P.Anh chuyển

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire