samedi 26 novembre 2016

MÙA YÊU THƯƠNG

Chúa Nhật I mùa vọng  - Năm A
MÙA YÊU THƯƠNG


PM. Cao Huy Hoàng
Mỗi con người được sinh ra trên trần gian, đều có một khát vọng vô biên. Và nếu định nghĩa con người là một hữu thể gồm nửa cái “con” và nửa cái “người” thì nỗi khát vọng trong hai nửa ấy không chỉ đơn thuần là song song tiến bước, mà còn luôn luôn đối nghịch và mâu thuẫn: một bên là dục vọng và một bên là khát vọng chân chính.
Mùa vọng không dừng lại cách tiêu cực ở một niềm hy vọng vụ lợi về mặt thiêng liêng, về ơn được cứu rỗi, mà là cơ hội để mỗi con người hướng cái khát vọng vô biên của mình đến chính Thiên Chúa. Thông Điệp của Đức Thánh Cha Benedict 16 có tên “Spe Salvi” được dịch thật chuẩn là “Được Cứu Rỗi nhờ Hy Vọng”, chứ không phải là “hy vọng được cứu rỗi”, cũng cho thấy tầm quan trọng chủ động nơi chính con người phải hướng cái khát vọng vô biên đến Thiên Chúa.
Mùa Vọng cho các tín hữu cơ hội tuyệt đẹp để “tái khám phá ý nghĩa niềm hy vọng của mình”- không nhất thiết phải mảy may đặt một thỉnh cầu hay yêu sách nào đối với Thiên Chúa cả, khi đặt trọn niềm tin tưởng hy vọng vào Ngài. Vì đặt trọn niềm tin tưởng hy vọng vào Chúa, chính là đáp lại tình thương của Thiên Chúa đã ban cho con người lòng khát khao tìm kiếm Thiên Chúa và đã tỏ mình cho ai thành tâm khát khao tìm kiếm.
Với tâm tình ấy, trong suốt mùa vọng, chúng ta có thể sốt sắng cất tiếng thân thưa lời TV 24: “Chúa là khát vọng, là ước mơ đời con. Hồn con hướng tới Ngài, hồn con cậy trông nơi Ngài. Hồn con vươn lên tới Chúa. Hồn con sướng vui trong Ngài” (Tv 24, 1-3). Như thế, mùa vọng là một mùa vui, một mùa yêu, khi niềm hy vọng nỗi mong đợi người mình yêu đã có tín hiệu đến hẹn.
Vào Mùa Vọng với Lời Chúa CN thứ nhất, Tiên tri Isaia xuất hiện giữa lúc dân Thiên Chúa trong cảnh nô lệ khốn cùng, Ngài đã loan báo cho Dân Chúa – và cũng là cho chúng ta- một tin vui, đó là một con đường “lên”, “ta cùng lên núi Đức Chúa, lên nhà Thiên Chúa của Giacop, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường người chỉ vẽ…” (Is 2,3). Con đường “lên Thiên Chúa”, không thể thực hiện được nếu không có một niềm tin tưởng, một khát vọng chân chính, khát vọng tìm đến Thiên Chúa; càng không thể thực hiện được, nếu chúng ta vẫn đang mê mãi chạy theo con đường dục vọng.
Vì thế, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma đã bổ sung cho con đường lên của khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa bằng lời khuyên cụ thể: “Đêm sắp tàn và ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cải cọ ghen tương. Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (2Rm 13,12-14). Phải chiến đấu với các khuynh hướng bằng chính khát vọng vươn lên tới Thiên Chúa, nghiêng về phía Thiên Chúa hơn là nghiêng về phía những dục vọng; và để chiến thắng, cần phải mặc lấy đức Kitô, là phải thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô trong đời sống. Tinh thần của Chúa Kitô chính là vũ khí của sự sáng mà Thánh Phao lô đề cập đến như phương thế để giúp chúng ta loại bỏ những lôi kéo chúng ta về phía tạo vật, thế tục.
Tình trạng linh hồn luôn khát khao tìm kiếm Thiên Chúa có thể nói là tình trạng tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến trong trang tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói: “Trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng cho đến ngày ông No-ê vào tàu”. (Mt 24,38).
Một toàn cảnh xã hội loài người đang sinh hoạt hoàn toàn tự nhiên theo cách của con người, không nghe thấy tiếng lòng nhắc đến việc tìm kiếm điều gì vượt lên trên cái tự nhiên ấy, chỉ có mỗi ông No-e biết khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, và điều hẳn nhiên đã xảy ra, chỉ có mỗi gia tộc No-e được cứu thoát. Sự cứu thoát mang hình dáng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô sau nầy.
Vì thế, Ngài nói: “Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”. Con Người trở lại với những tâm hồn tỉnh thức: tâm hồn khao khát tìm kiếm Người, để cùng Người vui tiệc thiên thu. Thiết nghĩ, không chỉ có một mùa vọng trong lòng tín hữu, mà suốt đời là một mùa vọng; không chỉ có một lần chiến đấu loại trừ những dục vọng thấp hèn của cái “con” nơi con người, mà cả một đời chiến đấu; không chỉ một lần bước ra khỏi bóng tối của những đam mê thế gian mà còn phải thắp lên một ngọn đèn bằng chính sự rực cháy của lửa tình yêu mến Thiên Chúa trong lòng chúng ta.
Thiên Chúa đến với mỗi người, Ngài đang đến, và Ngài muốn cư ngụ giữa lòng con người. Tại sao chúng ta chỉ có thể khao khát tìm kiếm Chúa khi chúng ta rơi vào tình cảnh khốn cùng nhất của cuộc đời như bệnh tật, nghèo túng, nợ nần, gặp tai ương hoạn nạn, trong khi chính Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và khao khát được chúng ta đón nhận, cả khi chúng ta ảo tưởng bình an hay bất hạnh theo cách nhìn của mình.
Thiên Chúa gõ cửa, còn chúng ta mở cửa. Thiên Chúa tỏ tình, và chúng ta đón nhận. Chúng ta chỉ có thể mở cửa cho Thiên Chúa, khi chúng ta thực sự khao khát Ngài. Tôi vẫn thấy những người chờ đợi người yêu đến, vẫn thường mở cửa, thấp thỏm … trước khi người yêu mình đến, và gõ cửa kia mà. Tôi vẫn thấy có người, trong khi chờ đợi người yêu mình đến, đã chắng làm gì khác ngoài việc viết cả ngàn lần tên người yêu mình trên bàn trên giấy. Sao ta không thể bày tỏ niềm tin, nỗi mong đợi và tình yêu của chúng ta một cách si tình như thế đối với một Thiên Chúa đang yêu ta, yêu tha thiết đến nỗi Ngài vẫn đang gõ cửa, đứng chờ trước cửa…
Như thế tỉnh thức còn là một biểu hiện của tình yêu, và mùa vọng, mùa trông đợi Đấng Cứu Thế giáng sinh cũng là mùa của tình yêu.
Giàu nghèo, sang hèn trên đời, ai cũng có những ước ao cả đời người mà chưa bao giờ thực hiện được, người càng sống trong cảnh thiếu thốn vật chất, càng có nhiều ước ao hơn. Điều quan trọng đối với tín hữu là cần “ước ao những sự trên trời”. Ước ao một chút no đủ của những người kiếm sống qua ngày trên vĩa hè, nơi gánh cháo lòng, nơi lọn rau, bó chỗi, nơi thúng lạc luộc, nơi tấm vé số… Những ước mơ đơn sơ, nhỏ bé lắm… mà ước ao cả đời, vì lòng yêu đã đặt trọn vào trong những cái qua ngày mà thực tế ấy... làm cho cả cuộc đời trở thành một “mùa vọng” vào những thực tại đáng vô vọng. Và nếu đổi hướng của tình yêu về phía Thiên Chúa, thì chắc chắn những thực tại trần gian kia sẽ không còn là những ước mơ đáng kể có thể làm nhũng nhiểu tâm hồn gây nên những xáo trộn, những bất an không đáng có. Bà bán cháo lòng có thể gặp Chúa ngay trong những người ăn cháo lòng của bà mỗi buổi sáng, vì bà có tình yêu và khao khát tìm Chúa trước khi tìm những đồng tiền lẻ gom được để chu toàn bổn phận với chồng con…
“Anh em hãy sắn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”. Chúa muốn chúng ta sẵn sàng bằng cách luôn sống trong lòng khao khát, mong đợi, yêu mến để phút bất ngờ Chúa đến, không còn là một nỗi lo sợ kinh hoàng như lụt hồng thủy, như một tai nạn, nhưng lại là phút tương phùng, giờ giao duyên của hai lòng yêu gặp gỡ.
Lạy Chúa, trong mùa vọng nầy, và suốt đời vọng của con, xin cho lòng con luôn khao khát được thuộc về Chúa. Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào hạnh phúc. Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào bình an. Chúa là khát vọng của đời con, hồn con vươn lên tới Chúa, hồn con trông cậy nơi Chúa và hồn con sướng vui trong Ngài.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire