Affichage des articles dont le libellé est 01-07-2017 - HAPPY 150TH CANADA. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est 01-07-2017 - HAPPY 150TH CANADA. Afficher tous les articles

mardi 4 juillet 2017

01-07-2017 - HAPPY 150TH CANADA

2017 - HAPPY 150TH CANADA !!!

DID YOU KNOW THIS ABOUT CANADA
































KLiên sưu tầm


*********************************************************************


Canada 150 và ý nghĩa lịch sử

Canada 150 và ý nghĩa lịch sử




Phan Hạnh
Hầu hết các quốc gia trên thế giới gọi ngày quốc khánh của nước họ là Ngày Độc Lập. Một số nước gọi đó là Ngày Quốc Gia, chẳng hạn như các nước Áo, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Tân Gia Ba, Hung Gia Lợi.
Thổ Nhĩ Kỳ gọi đó là Ngày Cộng Hòa. Syria gọi Ngày Di Tản.
Canada ban đầu gọi ngày quốc khánh 1 tháng 7 là Dominion Day, xong kể từ năm 1982 trở đi gọi là Canada Day. Vài vị dân biểu từng vận động đòi đổi ngược trở lại như cũ là Dominion Day nhưng không được quốc hội tán thành.
Năm nay, Canada kỷ niệm 150 năm ngày ra đời của đất nuớc vào năm 1867. 150 năm là con số chẵn tròn, lễ mừng sinh nhật trọng đại tưng bừng nhất từ trước đến nay, đánh dấu sự tiến hóa của đất nước, từ các tộc da đỏ bản địa đến sự lập cư của người Pháp, người Anh, kế đến là người đủ mọi nước từ khắp nơi trên thế giới biến Canada trở thành một quốc gia đa văn hóa đẹp xinh lý tưởng đáng sống.
Tuy 1867 là năm Đạo luật Hiến pháp Canada được Nữ hoàng Victoria chuẩn thuận, nhưng đến 12 năm sau (năm 1879), ngày 1 tháng 7 mới được xem là ngày nghỉ theo luật định và gọi là Dominion Day. Lễ ăn mừng thì chỉ diễn ra trong dịp sinh nhật 50 vào năm 1917 và sinh nhật 60 vào năm 1927. Sau Đệ Nhị Thế chiến, Dominion Day được chính quyền tổ chức thường xuyên hơn và nhiều sự kiện lễ hội hơn. Từ sinh nhật bách niên năm 1967 trở đi, ngày lễ 1 tháng 7 trở nên phổ biến hơn. Đến khi Dominion Day đổi thành Canada Day ngay sau khi Hiến pháp Canada được Anh quốc trao lại năm 1982, từ đó trở đi Canada mới thật sự ăn mừng lớn mỗi năm.

Thủ tướng Pierre Trudeau mừng vui ký tên vào bản tuyên ngôn trao trả Hiến pháp Canada vào ngày 17 tháng 4 năm 1982 trước sự hiện diện của nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị (ảnh của Canadian Press)
Kể từ năm 2006, lễ mừng Canada Day cũng được tổ chức hằng năm tại quảng trường Trafalgar Square ở Luân Đôn, Anh quốc.
Nhưng không phải ai ở Canada cũng mừng vui trong ngày này. Với người dân tỉnh bang Newfoundland và Labrador, đây là ngày tưởng niệm cho hơn 700 chiến binh thuộc Trung Đoàn Một Newfoundland đã tử trận ngay trong cuộc tấn công mở màn của trận đánh Somme trên đất Pháp ngày 1 tháng 7 năm 1916. Trong Đệ Nhất Thế Chiến, Newfoundland và Labrador vẫn còn là thuộc địa Anh và chưa gia nhập vào Liên Bang Canada. Với quân số 801 chiến sĩ của Trung Đoàn Một Newfoundland lâm trận, cuộc điểm danh gom quân cuối ngày chỉ còn 68 người có mặt. Somme là một trong những trận đánh có mức tổn thất nhân mạng cao nhất trong lịch sử chiến tranh. Trận đánh kéo dài hơn bốn tháng, số tử trận và bị thương của hai bên là khoảng một triệu hai trăm ngàn người, trong số đó có 24,700 người Canada. Cho đến nay, cứ vào ngày 1/7 Canada Day, tỉnh bang Newfoundland và Labrador vẫn treo cờ lưng chừng và làm lễ tưởng niệm vào buổi sáng, đến buổi chiều mới ăn mừng lễ quốc khánh.
Canada Day cũng trùng với ngày 1/7/1923 là ngày Quốc Hội Canada ban hành Đạo Luật Di Dân Trung Hoa, ngăn cấm sự nhập cư vào Canada của người gốc Trung Hoa từ bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Đạo luật có tính cách kỳ thị này khiến cho công dân Canada gốc Trung Hoa cảm thấy bị sỉ nhục nặng nề nên họ mai mỉa gọi Canada Day là Humiliation Day, Ngày Sỉ Nhục. Đạo luật này được hủy bỏ năm 1947.
Canada 150 tuổi?
“Quốc gia Canada chỉ mới 150 tuổi thôi sao?” là câu hỏi thắc mắc của rất nhiều người dân nước khác và ngay cả công dân Canada. Hoa Kỳ năm nay 241 tuổi (tuyên bố độc lập năm 1776), già hơn Canada tới 91 tuổi, trong khi dân các nước châu Âu đã biết đến Canada và America hiện hữu hầu như đồng thời từ giữa thế kỷ thứ 16.
Đất nước Canada bao nhiêu tuổi là còn tùy thuộc vào mỗi người nhìn vấn đề như thế nào. Có đúng là năm nay, 2017, Canada 150 tuổi hay già hơn? Già hơn là bao nhiêu? Hay trẻ hơn?
Trên thực tế, “Canada” đã được chính thức thành lập vào ngày 26 tháng 12 năm 1791 khi một đạo luật hiến pháp có hiệu lực chia lãnh thổ Tân Pháp (Quebec) thành Canada Hạ và Canada Thượng. Như vậy năm nay Canada 226 tuổi chăng? Hai vùng thuộc địa này còn được gọi là Canada Đông và Canada Tây, gọi chung là Tỉnh Canada Thống Nhất (United Province of Canada). Ngày 1 tháng 7 năm 1867 “Dominion of Canada” ra đời, “Province of Canada” tách rời trở lại thành hai tỉnh bang Quebec và Ontario. Đây là một vấn đề rắc rối về danh xưng rất dễ bị nhầm lẫn.
Cũng trên thực tế, đến ngày 11 tháng 12 năm 1931 Canada mới tự công bố bản tuyên ngôn độc lập và được nữ hoàng Anh chấp thuận. Như vậy năm nay Canada mới có 86 tuổi?

Biểu tượng Canada 150+ của thành phố Vancouver nhằm công nhận di sản văn hóa lâu đời của thổ dân ở tỉnh bang B. C.
Mặt khác, đối với thổ dân Canada, họ có mặt ở đây đã trên mười ngàn năm thì đối với họ, đất nước Canada của họ đã ngần ấy tuổi. (Đầu tháng Tư vừa rồi, một toán khảo cổ đã khám phá vết tích của một làng cổ khoảng độ 14,000 tuổi trên đảo Triquet Island cách thành phố Victoria thuộc tỉnh bang B.C. 500 km về hướng Tây Bắc.) Chính vì vậy mới có thuật ngữ “First Nations”, Những Quốc gia Đầu tiên, để gọi các bộ tộc người nguyên cư bản địa Canada. Khi họ cất tiếng hát bài quốc ca “O Canada!” với những câu “Our home and native land! True patriot love in all thy sons command. With glowing hearts we see thee rise, The True North strong and free!”, chắc họ không khỏi ngậm ngùi nghĩ ngợi thật sâu xa. Đúng thay, đây là nhà của họ, “kanata” (làng) của họ, và “native land”, quê hương nơi họ chào đời của họ. Bằng lòng ái quốc chân thành, họ sẽ bảo vệ nhà của họ và quyền tự do của họ.
Canada có hơn 50 “Quốc gia Đầu tiên” nói hơn 50 ngôn ngữ khác nhau. Chính quyền Canada ý thức được điều đó và chịu nhìn nhận những đối xử bất công trong quá khứ đối với người Canada bản địa. Vì vậy, các chính phủ Canada sau này luôn có những nỗ lực để hàn gắn và hòa giải với họ.
Trước khi đạo luật lập quốc Canada ra đời năm 1867, số thổ dân bản địa là khoảng nửa triệu người. Con số này giảm dần do lây truyền bệnh tật của người da trắng và từ những cuộc xung đột chống lại họ. Dù sao, ý thức tập thể cộng sinh cũng đã thắng; mọi người tạm quên dị biệt và cùng nhau xây dựng đất nước trẻ. Canada tuyên bố lập quốc năm 1867 sau hơn hai thế kỷ hiện hữu chỉ là một sự chuyển tiếp êm thắm, một sự tiến hóa dần dần để đi đến độc lập tự chủ toàn diện. Trong khi đó, trường hợp của Hoa Kỳ là một cuộc cách mạng giành độc lập bộc khởi khỏi sự thống trị của đế quốc Anh. Canada mang truyền thống yêu chuộng hòa bình; dân Canada có tiếng hiền hòa là thế.
Chính quyền cũng tìm cách xoa dịu với người gốc Pháp vốn đã định cư rất sớm. Quebec City của người Canada gốc Pháp thiết lập năm 1608 là thành phố cổ kính nhất nước già 409 tuổi. Thành phố Montreal với đồn binh Fort Ville-Marie xây năm 1642 cũng đã 375 tuổi. Nhiều công dân Canada thuộc sắc tộc và văn hóa khác cũng đã đến đây trước 150 năm. Chính vì vậy, trước ngày lễ 1 tháng 7 Canada Day mỗi năm có các ngày lễ tuần tự diễn ra như sau:
21 tháng 6: National Aboriginal Day (Ngày Dân Nguyên Cư Quốc Gia) là ngày vinh danh văn hóa truyền thống và di sản thổ dân Canada. Đây là ngày hạ chí, ngày dài nhất trong năm, ngày mà người bản địa Canada ăn mừng.
24 tháng 6: Saint-Jean-Baptiste Day, ngày quốc lễ của tỉnh bang Quebec và của người gốc Pháp ở toàn cõi Canada và Hoa Kỳ.
27 tháng 6: Canadian Multiculturalism Day, Ngày Đa Văn Hóa Canada được chính quyền ấn định từ năm 2002 nhằm công nhận và vinh danh nền văn hóa đa diện của Canada.
Tên Canada có từ đâu?
Một ngày vào Tháng 7 năm 1534, Jacques Cartier, một nhà thám hiểm người Pháp, đặt chân đến một nơi lạ trong chuyến du hành để vẽ biểu đồ sông Saint Lawrence. Gặp hai thanh thiếu niên thổ dân, Cartier chận họ hỏi đường. Hai cậu người da đỏ chỉ về hướng làng Stadacona của họ và đáp “Kanata”. Lúc đó vì không nghĩ ra được cái tên nào khác nghe hay hơn, ông Cartier ghi chú vào bản đồ chữ “Canada” theo âm tiếng Pháp để chỉ làng Stadacona, khu vực thành phố Québec ngày nay.

Tranh vẽ Jacques Cartier vào làng gặp Donnacona năm 1534
Thì ra hai thiếu niên đó là con của Donnacona, trưởng làng Stadacona của thổ dân lúc bấy giờ. Mặc dù gặp phải sự chống đối của dân làng, Cartier và đoàn tùy tùng thuộc hạ có võ trang của ông đã bắt giữ Donnacona và một số người da đỏ. Sau đó Cartier đồng ý trả tự do cho Donnacona nhưng mang hai người con của Donnacona là Taignoagny và Domagaya theo ông về Pháp trong một năm.
Đúng hẹn, năm 1535, Cartier trở lại nơi mà ông ghi trong nhật ký: “Dân địa phương gọi nơi đó là Canada” với hai thiếu niên thổ dân. Lưu lại làng Stadacona vào mùa đông năm đó, Cartier và đoàn tùy tùng của ông đã bị bệnh thiếu vitamin C (scurvy). Dân làng cứu chữa cho họ bằng nước lá cây vân sam (spruce) khá hiệu quả, nhưng một số thủy thủ bị bệnh nặng quá nên không tránh khỏi cái chết. Ngược lại, cũng trong mùa đông ấy, do sống chung đụng và lây bệnh của người da trắng, 50 thổ dân da đỏ bộ tộc Iroquois của làng đã chết.
Sau đó, Cartier bắt Donnacona với hai người con trai của ông ta cùng bảy dân làng khác đưa họ trở về Pháp, tổng cộng là 10 người. Trên đất Pháp xa lạ, chín người da đỏ bị bắt sống xa quê hương đã chết; một cô gái còn sống sót ở Pháp không biết số phận ra sao.
Đến năm 1541 khi Cartier trở qua Canada lần thứ ba, dân làng Stadacona tiếp đón ông lạnh nhạt cùng với tâm trạng ngỡ ngàng lẫn ngờ vực.
Về sau, nhà thám hiểm Samuel de Champlain đã chọn chính vị trí của ngôi làng này để làm khu định cư thuộc địa và tuyên bố thành lập vùng lãnh thổ Tân Pháp ngày 3 tháng 7 năm 1608.
Còn cái tên Canada, “ngôi làng” theo nghĩa của người da đỏ Huron-Iroquois, bắt đầu xuất hiện trên các bản đồ địa dư và sách báo châu Âu kể từ năm 1547 để chỉ tất cả vùng phía bắc sông St Lawrence. Jacques Cartier cũng từng gọi sông St Lawrence là “Rivière du Canada”, một cái tên tiếp tục được sử dụng cho đến đầu những năm 1600. Đến năm 1616, mặc dù toàn bộ khu vực đã được gọi là New France, khu vực dọc theo con sông này và Vịnh St Lawrence vẫn được gọi là Canada.
Các nhà thám hiểm và thương buôn lông thú đã mở rộng lãnh thổ về phía tây và phía nam; “ngôi làng” Canada cứ bành trướng mãi, có thời vùng lãnh thổ tên Canada bao gồm luôn cả một phần đất của Hoa Kỳ ngày nay.
Khi bàn thảo chuyện lập quốc, các chính trị gia đã cân nhắc xem nên chọn tên nào. Một số tên được đề nghị gồm có Albertsland, Albionora, Borealia, Britannia, Cabotia, Colonia, Hochelaga, Norland, Superior, Transatlantia, Tuponia và Victorialand.
Việc chọn tên Canada đã được nhà cách mạng Thomas D’Arcy McGee, một trong số những vị cha đẻ lập quốc Canada và là người có lập trường quốc gia cấp tiến, đặt câu hỏi một cách thú vị trong buổi họp ngày 9 tháng 2 năm 1865 như sau:
“I read in one newspaper not less than a dozen attempts to derive a new name. One individual chooses Tuponia and another Hochelaga as a suitable name for the new nationality. Now I ask any honourable member of this House how he would feel if he woke up some fine morning and found himself instead of a Canadian, a Tuponian or a Hochelagander.” (xin tạm dịch: “Tôi đọc trong một tờ báo thấy cả chục đề nghị để chọn một cái tên mới cho quốc gia. Có người chọn tên Tuponia và có người bảo cái tên Hochelaga thích hợp hơn. Bây giờ tôi xin hỏi tất cả quý vị thành viên danh dự có mặt tại nhà hội này là, nếu một buổi sáng đẹp trời thức dậy, quý vị khám phá ra, thay vì mình là một “Canadian” thì quý vị lại là một “Tuponian” hay một “Hochelagander”. Chừng đó quý vị sẽ nghĩ sao?”)
May mắn cho hậu thế, trí tuệ và lý luận của ông McGee cộng với ý thức thông thường hữu lý đã thắng. Nhờ vậy ngày 1 tháng 7 năm 1867, một liên bang mang tên Canada chào đời với bốn tỉnh bang đầu tiên là Lower Canada (Quebec), Upper Canada (Ontario), Nova Scotia và New Brunswick.
Câu chuyện về bức tranh Fathers of Confederation
Năm 1883, Chính phủ Canada ủy nhiệm cho họa sĩ Robert Harris vẽ một bức tranh Hội nghị Charlottetown, Prince Edward Island diễn ra hồi tháng Chín năm 1864. Nhóm chính trị gia tham dự Hội nghị này gồm 23 vị cha đẻ của Liên Bang cùng với vị thư ký phụ trách ghi chép biên bản là Hewitt Bernard.
Hội nghị lập quốc lần thứ hai diễn ra vào Tháng Mười 1864 ở Quebec City với số chính trị gia tham dự là 33 người, cộng với thư ký Hewitt Bernard nữa là 34 người. Harris được chính phủ yêu cầu sửa đổi bức tranh cho phù hợp với bối cảnh mới. Thế là họa sĩ Harris vẽ thêm 10 khuôn mặt nữa. Ông phát thảo bức tranh ở Charlottetown bằng bút than rồi sau đó vẽ lại bằng sơn dầu ở Montreal. Vào tháng 5 năm 1884, bức tranh hoàn tất và được treo ở Tòa nhà Quốc hội ở Ottawa.
Năm 1911, bức tranh được chở đi trưng bày tại Lễ hội Đế chế Anh Quốc ở London rồi sau đó được đưa trở lại Canada. Ngày 3 tháng 2 năm 1916, tòa nhà Quốc hội Canada bị hỏa hoạn và bức tranh “Fathers of Confederation” của họa sĩ Robert Harris bị thiêu hủy cùng một số tranh khác. Thế là không ai còn thấy bức tranh màu đó nữa. Người ta chỉ có thể thấy bức ảnh đen trắng do James Ashfield chụp lại từ bức tranh năm 1864.
Thật ra bức tranh sơn dầu “Fathers of Confederation” của họa sĩ Robert Harris cũng không phản ảnh đúng quang cảnh thật của cuộc hội nghị diễn ra năm 1864. Đó chỉ là một sự kết hợp của nhiều sự kiện riêng biệt vì không phải tất cả các vị đại biểu hiện diện trong bức tranh đều có mặt trong cùng một phòng hội và cùng một lúc. Harris phải vẽ lại sự hợp nhất của hai hội nghị, một ở Charlottetown và một ở Quebec City bằng cách miêu tả 33 vị cha đẻ của Liên Bang và thư ký Hewitt Bernard, trông như thể họ đang tham dự cùng một buổi họp.
Bức tranh “Fathers of Confederation” được đánh giá như là một tài liệu lịch sử hơn là một tác phẩm nghệ thuật. Sự mất mát của nó làm cho nhiều người vô cùng hối tiếc.

Tranh vẽ năm 1884 của họa sĩ Robert Harris với tựa đề “Fathers of Confederation” cho thấy 34 trong số 36 nhà lãnh đạo được xem là các nhà sáng lập hoặc cha đẻ của Liên bang Canada họp nhau ở Quebec City năm 1864 để thảo ra Đạo Luật British North America Act. (Hình của Library and Archives Canada)
Một trăm năm sau Hội nghị Charlottetown, vào ngày 1 tháng 9 năm 1964, chủ đề bức tranh “Fathers of Confederation” được làm sống lại. Công ty bảo hiểm Confederation Life ủy nhiệm cho họa sĩ Rex Woods vẽ lại bức tranh lịch sử để trưng bày nhân dịp Canada kỷ niệm sinh nhật 100 năm ngày lập quốc. Bức tranh vẽ lại không hẳn là một bản sao của tranh gốc vì nó có vài sự khác biệt. Có ba khuôn mặt nữa được thêm vào phía bên phải. Đó là ba vị đại biểu mới tham dự Hội nghị bàn chuyện lập quốc lần thứ ba diễn ra tại London Anh quốc năm 1866.
Ngoài ra trong bức tranh “Fathers of Confederation” mới, họa sĩ Red Woods cũng vẽ thêm bức chân dung tự họa của Robert Harris trên vách bên phải. Đây chính là một nghĩa cử bày tỏ lòng ngưỡng mộ và kính trọng đối với tác giả của bức tranh gốc. Chưa hết, chữ ký Robert Harris cũng được Rex Woods vẽ lại bên góc trái giống như bức tranh gốc. Thời gian vẽ bức tranh khổ 365cm x 213cm kéo dài lâu hơn dự tính, qua năm 1968 mới xong. Sau cùng, bức tranh này được trình bày ở Quốc Hội Canada ngày 3 tháng 2 năm 1969.
Bức tranh “Fathers of Confederation” do họa sĩ Rex Woods vẽ lại xong năm 1968 gồm 36 đại biểu và thư ký Hewitt Bernard (ngồi ghi chép, bên trái); tất cả đều được xem là cha đẻ của Liên Bang Canada. (Hình Wikipedia)
Lúc lập quốc 150 năm trước đây, Canada có dân số vào khoảng 3,463,000 người, hầu hết là người thổ dân và người định cư da trắng. Dân số Canada hiện nay vào khoảng 36 triệu rưỡi người gồm đủ mọi màu da và sắc tộc. Dựa theo kế hoạch tăng trưởng dân số, Sở Thống kê Canada tiên đoán sẽ có 64 triệu công dân mừng sinh nhật thứ 200 vào năm 2067. “Ngôi làng” xinh đẹp Canada quá rộng, thừa chỗ để cư dân tiếp tục sinh sản thêm và tiếp tục đón nhận thêm di dân từ nước khác vào đây ở cho ấm cúng.
Trong thông điệp gửi đến quốc dân đọc vào đêm giao thừa bước sang năm mới 2017, Thủ tướng Justin Trudeau nói: “As we mark Canada 150 over the next year, we will honour the generations of Canadians who have come together to create opportunities for one another. We will celebrate the courage and vision of those who came before us, and the hard work and ambition of Canadians—like you—who have made Canada the success story that it is today.” (Khi đánh dấu 150 năm Canada vào năm tới, chúng ta sẽ tôn vinh các thế hệ người Canada đã từng đến với nhau để tạo cơ hội cho nhau. Chúng ta sẽ mừng kỷ niệm lòng can đảm và tầm nhìn sáng suốt của những người đã đến trước chúng ta, công lao khó nhọc và nguyện ước cố vươn lên của những công dân Canada như bạn, những người đã biến Canada thành một câu chuyện thành công như ngày nay.)
Mừng Canada 150 tuổi!
Phan Hạnh

NGUỒN