Affichage des articles dont le libellé est Cầu nguyện. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Cầu nguyện. Afficher tous les articles

mercredi 22 février 2012

Thứ tư Lễ tro

Các việc làm từ thiện

LỄ TRO


THỨ TƯ LỄ TRO

1. Yêu thương

Có một sự kiện rất phổ biến đó là ngày thứ tư lễ Tro, nhà thờ nào cũng đầy ắp những đến dự lễ, tuy ngày đó chẳng phải là ngày lễ buộc, đàng khác người ta đến không cốt để dự lễ, mà để được xức tro. Ai cũng cố gắng để làm sao có được một chút tro bỏ trên đầu, từ ông già bà cả đến đứa con nít. Không có tro thì như thiếu một cái gì quan trọng. Nhưng nếu hỏi tại sao lại phải bỏ tro lên đầu thì có lẽ không phải ai cũng trả lời được.

Một hiện tượng khác tương tự, đó là chuyện tàu lá trong ngày Chúa nhật lễ Lá. Mọi người phải kiếm cho được một tàu lá đem về giắt đâu đấy trong nhà. Nhưng nếu hỏi tại sao, thì cũng thật khó trả lời.

Và theo truyền thống, thì trong nhiều nhà thờ, những chiếc lá khô của năm trước được giữ lại, đốt thành tro để xử dụng trong ngày lễ tro năm sau. Thế là cái chu kỳ lễ tro và lễ lá, lể lá và lễ tro, trở thành một vòng khép kín.

Tuy nhiên có bao nhiêu người bỏ tro lên đầu màđã thực sự sám hối và có bao nhiêu người cầm lá trong tay đã thực sự đón Chúa. Đó mới là vấn đề. Đúng là cảnh xé áo chứ không xé lòng mà tiên tri Joel đã lên án. Trong khi đó, lẽ ra người ta không cần phải ưu tiên cho việc bỏ tro lên đầu nhưng phải ưu tiên cho việc sám hối, mà việc bỏ tro chỉ là biểu tượng bên ngoài.

Cũng vậy, vấn đề quan trọng không phải là kiếm cho được một tàu lá trong ngày Chúa nhật lễ Lá, ngày kỷ niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, nhưng là đón Chúa Giêsu hôm nay đang đến với chúng ta trong tha nhân. Nhiều người đi lãnh tro, đi lãnh lá, nhưng cuộc sống của họ trước sau vẫn chẳng có gì thay đổi. Có thể ngay khi từ nhà thờ bước ra, họ đã kênh kiệu, lên mặt đạo đức, khinh ghét người này, hận thù kẻ khác. Có thể ngày đó họ sẽ đi bán hàng, vẫn thói tham lam lừa gạt, tìm cách bóc lột kẻ khác, kể cả những kẻ nghèo khổ. Và ngày lễ lá, sau khi cầm lá đem về, họ sẽ để lá vào trong bình đặt trên bàn thờ, hoặc giắt nó vào đâu đó, làm như bùa hộ mệnh, nhưng không hề nghĩ đến chuyện phải đón tiếp anh em trong cuộc sống hằng ngày: Ai đói cứ đói, ai khát cứ khát, ai không nhà cứ ở ngoài đường, ai trần truồng cứ việc chịu rét lạnh, ai cô đơn cứ việc cô đơn.

Điều còn khó chấp nhận hơn nữa, đó là người ta sẵn sàng ăn chay hãm mình để cầu nguyện cho những kẻ nghèo đói, làm như thể cứ ăn chay là kẻ đói sẽ no, cứ hãm mình là người nghèo trở nên giàu.

Trong khi mà đáng lẽ ra họ cần phải chia sẻ cơm ăn áo mặc cho người nghèo đói hơn là ăn chay hãm mình mà chẳng cho người nghèo đói được một chút cơm thừa canh cặn. Ấy vậy mà những kẻ ăn chay hãm mình, nhưng không chia sẻ cho người nghèo đói vẫn được tiếng là những người đạo đức. Họ giống hệt như ông Tư tế và thày Lêvi ở đền thờ về, khi trông thấy đồng bào mình bị đánh trọng thương nằm ở vệ đường, lại tránh qua bên kia mà đi, không thèm ngó tới. Đó là những kẻ giữ đạo hình thức. Cứ nhìn hiện tượng bên ngoài thì họ là những kẻ nhiệt thành, đạo đức. Họ là những người tự nghĩ mình trung thành với Chúa, bằng việc thực hành mọi nghi thức, mọi thói quen của đạo, nhưnglại không sống cái gì là chính yếu, là bản chất của đạo, đó là thực hành bác ái. Họ không hiểu rằng Thiên Chúa của chúng ta là Đấng muốn lòng nhân từ chứ không cần lễ tế, cùng với tất cả mọi nghi thức…Chính Ngài đã nói như thế qua tiên tri Isaia.

Khi nhìn vào đời sống của Đức Kitô, chúng ta thấy rõ Ngài là hiện thân của Thiên Chúa tình thương, chứ không phải là Thiên Chúa của lễ tế hay của những luật lệ và nghi thức của đền thờ. Trong ba mươi năm trước khi rao giảng Tin mừng, thì Ngài đã sống Tin mừng ấy bằng cách chia sẻ trọn vẹn đời sống bình thường hằng ngày với bà con lối xóm. Từ khi bắt đầu rao giảng Tin mừng, Ngài cũng ưu tiên dành thời gian và sức lực cho việc chữa bệnh và chăm lo cho mọi người, kể cả việc lo cho người ta ăn uống khi cần. Ngài không đặt nặng vấn đề ăn chay, hay giữ luật ngày Sabát theo tinh thần Do Thái, mà lấy con người làm cứu cánh của lề luật. Ngài chỉ dâng lễ tế có một lần và chỉ một lần là đủ, bởi vì Ngài không thể chết hai lần, nên cũng không thể dâng mình làm lễ tế lần thứ hai. Do vậy mà tất cả lệnh truyền mới của Ngài, thay thế cho lề luật cũ chỉ tóm gọn trong câu: Anh em hãy yêu thương nhau, như chính Thầy đã yêu thương anh em.

2. Sống mùa chay – Lm Nguyễn Thanh Sơn
(Trích trong http://nguoitinhuu.com)
Giáo Hội đã lấy đoạn Phúc Âm Mt 6,1-6.16-18 để làm hành trang thiêng liêng cho con cái mình, khi khai mạc Mùa Chay Tịnh. Sau khi "xé lòng", chúng ta được chính Đức Giêsu kêu mời thực hành ba việc hết sức cụ thể: bố thí, cầu nguyện và ăn chay.

Trước khi chúng ta xắn tay áo để thực thi những việc này, chúng ta hãy ghi khắc trong tâm trí mình tinh thần của Đức Giêsu: "Hãy coi chừng, đừng phô trương công đức trước mặt người ta, để hòng được thấy; chẳng vậy, các ngươi mất công nơi Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời."

Bản tính loài người chúng ta hay khoe khoang, phô trương công đức, để hòng được thiên hạ nhìn thấy, ngõ hầu họ ca tụng, vinh danh mình. Tinh thần của Đức Giêsu là khiêm nhường. Chúng ta nên xác tín rằng không có việc thiện nào chúng ta làm một cách thầm lặng, khiêm nhường, "trong phòng kín", mà Cha trên trời lại không hay biết. Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, bà Laura Bush, đã được báo chí khen ngợi là "người phụ nữ hoàn tất mọi việc trong âm thầm." Tôi nguyện lấy tấm gương này làm "nghệ thuật sống" cho đời mình.

BỐ THÍ

Đây là việc thứ nhất chúng ta làm. Từ "bố thí" đối với tôi nghe không được nhẹ nhàng, khiêm hạ mấy, nhưng chúng ta tạm dùng từ bình dân quen thuộc này. Đây là nghĩa cử chia sẻ, giúp đỡ những người thiếu thốn vật chất. Đức Giêsu đã lên án người giàu đóng lòng mình lại, nghĩa là ích kỷ không chia cơm xẻ áo với người nghèo: "Khốn cho các ngươi, những kẻ giàu có! Vì các ngươi hiện đã có phần an ủi."
Khi chúng ta "mở rộng cửa cho Chúa Kitô", mở trương mục tiết kiệm mình ký thác trong ngân hàng lớn, kéo dài bàn ăn nhà mình, cho các công tác từ thiện, chúng ta sẽ được Cha trên trời chúc phúc, và thưởng công. Tôi nhớ lời Thánh Phaolô: "Gieo sẻn thì gặt sẻn, gieo hậu thì gặt hậu." Trong thực tế, người giàu có là người đã ban tặng nhiều; kẻ ích kỷ sẽ là kẻ nghèo nàn nhất thế gian.

Một điểm rất quan trọng tôi đã học được nơi Mẹ Têrêsa Calcutta, đó là khi chúng ta giúp người nghèo, chúng ta phải kính trọng và yêu mến họ, chứ không phải khi trông thấy họ đến cửa nhà mình, chúng ta nhìn họ bằng nửa con mắt để xua đuổi họ đi, hoặc ném cho họ vài đồng tiền giấy trị giá thấp nhất, bẩn thỉu, và nhàu nát, như những của bố thí, tức những của không đáng kể gì, ta vất đi, ta "thí" đi, cho người hành khất ăn xin!

Đức Giêsu dạy chúng ta khi giúp người nghèo thì "đừng thổi loa", "tay trái đừng biết điều tay phải làm, hầu việc ngươi bố thí được giữ kín và Cha ngươi là Đấng thấu suốt kín ẩn sẽ hoàn trả lại cho ngươi."

Việc tương thân tương ái, chị ngã em nâng, một con ngựa đau cả tầu không ăn cỏ, một miếng khi đói bằng một gói khi no, chúng ta chia sẻ cho nhau phải có tính cao thượng, nghĩa là "bố thí mà không cầu đền đáp" của người thụ ân. Chúng ta cứ dấn thân cho đồng loại, Thượng Đế "sẽ hoàn trả lại" cho mình.

CẦU NGUYỆN

Việc thứ hai này chắc hẳn là thiết yếu nhất của các tín hữu chúng ta. Chúng ta hãy dùng những ngày Mùa Chay để kết hiệp làm một với Cha trên trời, nâng tâm hồn mình lên với Ngài. Chính nhờ sức mạnh của cầu nguyện mà Con Chiên Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ trần gian đã viên mãn công trình của Ngài.

Đức Giêsu cảnh giác chúng ta khi cầu nguyện thì "đừng lải nhải như người ngoại!" Họ lắm lời vì họ tôn thờ nhiều thần tượng, họ vái tứ phương, họ lạy khắp phía. Chúng ta hãy nhớ lời Đức Giêsu căn dặn mình rằng "đừng tưởng hễ nói nhiều thì sẽ được nhậm". Nói ít là nói những gì? Đức Giêsu đã dạy chúng ta một mẫu kinh cốt tủy, đó là Kinh Lạy Cha.

Mỗi ngày chúng ta hãy đọc ít nhất một lần Kinh Lạy Cha với tất cả tâm hồn mình, nghĩa là vừa đọc vừa suy niệm, chứ đừng đọc như thói quen, có khi chạy nhanh như xe hơi ngoài xa lộ liên bang!

Mẹ Têrêsa Calcutta khuyên chúng ta:
"Trong Mùa Chay, chúng ta hãy tấn triển tinh thần cầu nguyện và tĩnh tâm của mình. Hãy giải thoát trí huệ chúng ta khỏi hết thảy những gì không phải là Đức Giêsu. Nếu anh chị em thấy mình khó cầu nguyện, hãy cầu xin Ngài nhiều lần: 'Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ngự vào trái tim con, hãy cầu nguyện với con, hãy cầu nguyện trong con -- ngõ hầu con có thể học từ nơi Ngài cách thức cầu nguyện'".

"Khi đến lúc cầu nguyện mà chúng ta không thể cầu nguyện, chúng ta hãy làm một việc hết sức đơn giản, đó là hãy để cho Đức Giêsu cầu nguyện trong chúng ta lên cùng Chúa Cha trong thinh lặng của lòng mình. Nếu chúng ta chẳng thể nói ra lời, Ngài sẽ nói cho chúng ta. Nếu chúng ta chẳng thể cầu nguyện, Ngài sẽ cầu nguyện thay chúng ta. Vậy chúng ta hãy trao cho Ngài sự bất khả và sự trống không của mình."


ĂN CHAY

Việc thứ ba này cũng thật quan trọng, và nó phải được thực hành theo tinh thần của Đức Giêsu: "Khi các ngươi ăn chay thì chớ sầm mặt lại như bọn giả hình (....) Còn ngươi ăn chay thì đầu hãy xức dầu, và mặt mày hãy lau rửa...".

Việc ăn chay như vậy không phải là chuyện sầu buồn, tang chế; và người ăn chay sẽ không mang bộ mặt đưa đám vào dung nhan thật của mình!

Khi nghe từ "ăn chay" thường các tín hữu nghĩ đến việc ăn một bữa no, rồi một bữa nhẹ, theo luật chay tịnh của Giáo Hội chúng ta. Thật ra, ăn chay có một sức mạnh tâm linh lớn lao, chứ không chỉ đơn giản là việc ăn ít hơn thường ngày, như một lần kia, Đức Giêsu đã nói với các môn đồ mình: "Thứ quỉ này chỉ trừ được bằng việc ăn chay và cầu nguyện."

Ăn chay để lòng chúng ta không còn nặng nề vì "say sưa chè chén", như Tông đồ dân ngoại Phaolô đã huấn dụ những tay nhậu tục tử phàm phu! Ăn chay để lòng chúng ta vơi đi những tham lam, ghen tuông, và nóng giận của mình, và nhất là để nó được đổ vào tràn đầy hoa quả của Thánh Linh. (xem Ga 5:22) Ăn chay để con người chúng ta được nhẹ nhàng, thanh thoát, như cánh chim trời vút bay lên cao, như bông huệ ngoài đồng thỏa ngát hương thơm...

Khi ăn chay, trong thực tế, chúng ta sẽ dành được một số tiền, vậy phần ăn chay này chúng ta được kêu gọi tặng lại cho những người nghèo. Nếu chúng ta cất giữ nó vào "kho tàng dưới đất" của mình, việc ăn chay trở thành vô lý, vô nghĩa, vì bởi nhờ ăn chay mà chúng ta trở nên keo kiệt hơn, và ích kỷ hơn!
Nguyện xin Chúa Kitô ban cho chúng ta Mùa Chay Tịnh sung mãn thánh ân Ngài.


3. Mùa chay

Vào năm 1220, có một nhà hiệp sĩ lên đường làm một cuộc hành hương để viếng thăm thánh địa. Ông ta cặm cụi đi ngày đi đêm, mong sao chóng được đặt chân đến vùng đất quê hương của Chúa Giêsu.

Sau nhiều tháng, ông đã tới được đỉnh Canvê. Tại đây, ông đã mường tượng ra cái chết thương đau của Chúa Giêsu trên thập gía và ông đã quyết tâm xa tránh tội lỗi, bởi vì chính tội lỗi là nguyên nhân khiến cho Chúa phải chịu chết một cách thương đau như vậy. Đồng thời cũng chính tại đây, ông đã sống lại giây phút vinh quang khi Chúa Giêsu phục sinh tiến ra khỏi mồ.

Sở dĩ tôi kể lại mẩu chuyện trên đây là để chúng ta cùng nhau đi vào những tâm tình chính yếu của mùa chay.

Thực vậy, mùa chay trước hết phải là thời gian thuận lợi để sám hối ăn năn.

Như ông hiệp sĩ đã chia sẻ niềm đau với Chúa Giêsu khi Ngài bị bọn lý hình đánh đòn, đội mạo gai và đóng đanh chân tay vào thập giá, chúng ta cũng hãy quì gối xuống trước thập giá Chúa Giêsu và suy gẫm về những khổ đau Ngài đã phải chịu vì chúng ta. Và chúng ta hãy thân thưa với Ngài:

Lạy Chúa, vì yêu thương con, Chúa đã chịu chết trên thập giá.
Nhất là trong tuần thánh, chúng ta hãy dâng những hy sinh nhỏ bé của chúng ta để kết hiệp với những khổ đau của Chúa, hầu đền bù những tội lỗi chúng ta đã vấp phạm.

Tiếp đến, mùa chay còn là thời gian thuận lợi để chúng ta cùng chịu chết với Chúa Giêsu.

Thực vậy, cao điểm của mùa chay là buổi chiều ngày thứ sáu tuần thánh, khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Buồi chiều hôm ấy, toàn thể Giáo hội đều để tang Chúa, đều tưởng niệm cái chết của Ngài. Chính nhờ cái chết tủi nhục này mà chúng ta được ơn cứu độ, được ơn tha thứ.

Chính vì thế, chúng ta hãy chết cho tội lỗi như lời thánh Phaolô đã khuyên nhủ. Chúng ta nên nhớ rằng vui thú do tội lỗi đem lại thì chỉ kéo dài trong thoáng chốc, nhưng đau khổ mà nó gây ra lại kéo dài cho đến muôn ngàn đời.

Tại Paris, có một ông hà tiện. Suốt cả cuộc đời, ông chỉ có một nỗi băn khoăn lo lắng, đó là tìm tiền kiếm bạc. Ông làm việc cả ngày Chúa nhật và không ngần ngại dùng mọi phương thế, cho dù là bất công, cho dù là tàn bạo, miễn sao vơ vét về cho đầy túi tham của mình. Trước khi chết, ông nói với nhưng người thân rằng:
- Hãy để vào tay tôi một đồng tiền vàng. Vì nó mà tôi sống và cũng vì nó mà tôi chết.

Những người thân đã làm theo lời căn dặn. Họ đã để cả một nắm tiền vàng vào lòng bàn tay của ông, nhưng những đồng tiền vàng này cứ rơi xuống giường, bởi vì bàn tay của ông lúc đó đã cứng đơ, không còn cầm nắm được nữa.

Cũng vậy, cái chết sẽ làm tiêu tan những vui thú tội lỗi. Chính vì muốn chúng ta chết đi cho tội lỗi, mà hôm nay, khởi đầu mùa chay, Giáo hội đã xức tro trên đầu chúng ta và nhắc nhở:
- Hời người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro.

Sau cùng, mùa chay còn là thời gian thuận lợi để chúng ta chuẩn bị đón mừng niềm vui Phục sinh.

Thực vậy, Chúa Giêsu đã chết, nhưng sau ba ngày Ngài đã sống lại. Sự phục sinh của Chúa chính là một phép lạ vĩ đại nhất mà Ngài đã thực hiện.

Thân xác đau khổ của Ngài đã được chiếu sáng rực rỡ như mặt trời. Đó cũng là một hình ảnh nhắc cho chúng ta nhớ rằng:
- Không phải chúng ta chỉ chết đi cho con người cũ, là con người tội lỗi, mà hơn thế nữa, chúng ta còn phải sống lại cho con người mới, con người được phục sinh, mang hình ảnh và dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa.

Hãy cùng đau khổ với Chúa Giêsu và nhất là hãy chết đi cho con người tội lỗi, để nhờ đó chúng ta cũng sẽ được chia sẻ niềm vui Phục sinh với Ngài.

4. Thay đổi chính con

Một triết gia Ấn Độ đã nhìn lại quãng đời của mình như sau: Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thượng Đế là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới. Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng một nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Đế: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được biến cải tất cả những người con đã gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi.Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này, tôi chỉ còn biết cầu nguyện như sau:

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được thay đổi chính con.
Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu, thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.

Người xưa đã có lý khi dạy chúng ta: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ... Theo trật tự của cuộc cạch mạng, thì cách mạng bản thân là điều tiên quyết. Một nhà cách mạng nào đó đã nói: chỉ cần 10 người như thánh Phanxicô thành Assisi thì cuộc diện thế giới sẽ thay đổi. Cuộc cách mạng đầu tiên mà bất cứ vị thánh nào cũng khởi sự đó là cách mạng bản thân. Chúa Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.

Ai trong chúng ta cũng biết câu châm ngôn: Thà thắp lên một ngọn đèn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Nếu mỗi người, ai cũng đốt lên ngọn đèn của mình, nếu mỗi người, ai cũng đóng góp phần ít ỏi, nhỏ mọn của mình, thì có lẽ thế giới này sẽ bớt lạnh lẽo hơn vì lòng ích kỷ... Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho người khác. Chúng ta hãy bắt đầu bằng món quà nhỏ mọn, có khi vô danh của chúng ta. Một giọt nước nhỏ là điều không đáng kể trong đại dương, nhưng nếu không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại, thì đại dương kia cũng sẽ chỉ là sa mạc khô cằn.


5. Hoán cải nội tâm

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về thân phận mỏng dòn của con người, đồng thời mời gọi chúng ta hoán cải nội tâm trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Tiên tri Joel đã kêu gọi: “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo”, hãy phản đối lại chính tà dâm của mình. Nói khác đi, cần phải thay đổi cái nhìn, thay đổi tư tưởng và ước muốn sao cho phù hợp với giao ước tình yêu của Thiên Chúa. Sự biến cải nội tâm ấy được biểu lộ bằng những hành động cụ thể, như từ bỏ tập quán xấu, kìm hãm con người xác thịt, thực hành chay tịnh, tất cả là để tái lập thế quân bình giữa hồn và xác.

Do tội lỗi, con người đã bị cắt đứt khỏi nguồn mạch sự sống và bị dìm vào tình trạng bi thảm của sự chết. Màn tang chế đã bao trùm lên con người. Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở về với Ngài để Ngài cất khỏi chúng ta tấm màn tang chế ấy và ban cho chúng ta niềm hoan lạc giao hoà. Sự giao hoà này trước tiên phải là một lời cầu nguyện khiêm tốn: “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con đã xúc phạm đến Chúa”. Đó là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa vì diễn tả tâm tình khiêm tốn tin cậy nơi lòng nhân hậu của Thiên Chúa, và chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời.

Tuy nhiên, người ta không thể giao hoà với Thiên Chúa mà lại không hoà giải với tha nhân. Đó là điều Chúa Giêsu đã xác quyết: “Nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, đi làm hoà với anh em ngươi trước đã rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi”. Bởi vậy, nếu chúng ta cầu mong ơn giải hoà với Thiên Chúa, chúng ta cũng hãy tìm mọi cách xoá đi những xích mích, bất hoà hờn giận với người khác.

Không những là mùa hoà giải, mùa chay còn tưởng niệm 40 ngày Đức Kitô chay tịnh nơi sa mạc trước khi thi hành sứ mệnh cứu độ. Truyền thống Giáo Hội từ lâu vẫn giữ chay 40 ngày, nhưng vì hoàn cảnh và sự yếu đuối của con người, Giáo Hội đã giảm bớt tối đa chỉ buộc giữ chay hai ngày: thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh. Dù vậy tinh thần hãm dẹp xác thịt lúc nào cũng không thể bỏ qua được. Do đó “mỗi người hãy cố giữ đời sống hoàn toàn trong sạch, lợi dụng những ngày thánh này để gột rửa những sơ xuất trong các mùa khác, bằng cách chế ngự các thói hư, gia tăng cầu nguyện, siêng năng đọc sách, thành tâm thống hối, để tâm hồn được vui mừng mong đợi Lễ Phục Sinh”. (Tu luật Biển Đức).

Mùa chay là những ngày thánh, vì là thời thuận tiện, là ngày cứu độ. Thiên Chúa lúc nào lúc nào cũng sẵn sàng ban ơn cứu độ với điều kiện con người phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận. Cùng với Giáo Hội, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con bắt đầu cuộc chiến thiêng liêng này bằng ngaỳ chay tịnh hôm nay. Ước gì những kiêng khem, hãm mình của chúng con giúp chúng con nên dũng mạnh để chiến đấu với sự dữ. Amen.”

6. Vấn đề giả hình

Ba việc làm căn bản của lòng đạo dức người Do Thái là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Chúng ta ghi nhận điều này là Chúa Giêsu thừa nhận giá trị của các việc làm ấy, để các môn đệ Người đem thực hành, song Người dạy cho họ biết các việc đó phải có phẩm chất thế nào. Chúng ta gặp lại ở đây một trong các mối ưu tư trọng yếu hàng đầu của Chúa Giêsu. Người muốn huấn luyện các môn đệ Người phải đi tìm cái chân, cái thật. Chúa Giêsu lên án các xu hướng thầm kín trong con người ta lo đi tìm, ở ngay trong những việc cao đẹp nhất, cái gì có lợi hay có danh cho mình. Chúa Giêsu thốt ra một lời bài xích hết sức nặng nề: Giả hình.

Chúng ta phải hiểu rõ lời đó. Trong ngôn ngữ của Chúa, tiếng đó không những có nghĩa là một thứ “hai lòng” giả dối, nó biểu lộ ra bên ngoài cái khác với bên trong. Chúa Giêsu đã lên án điều đó khi nói đến những người Biệt phái và kỷ lục Người tố cáo họ tựa như những ngôi mộ được sơn quét vôi trắng bên ngoài. Ơ đây Người không phải đối chống lại những kẻ ra vẻ cầu nguyện, ăn chay bố thí thật. Nhưng Người tố cáo các cung cách họ các làm việc đó, ý muốn của họ là đi tìm sự thoả mãn có tính cách nhân loại trong các việc này. Người cho chúng ta thấy có một thứ giả hình có thể gọi được là thành thực. Các người Do Thái mà Chúa bài bác, có cầu nguyện, ăn chay, bố thí cách thực tình. Nhưng chỗ mà sự dối trá giả hình len lỏi vào đó là ý định của họ trong các việc ấy. Ý định đó, đáng lý chỉ hướng về Chúa cách đơn sơ, trọn vẹn thì lại quay về chính mình và lấy làm thích thú được thiên hạ quý trọng. Đôi khi họ vô tình đi tìm kiếm cái lợi lộc là sự quý trọng của kẻ khác mà không hay biết, hay là sự bằng lòng thoả mãn của chính mình. Những việc như cầu nguyện, ăn chay, bố thí chỉ có mỗi một mục đích là ngợi khen Thiên Chúa. Nếu ai cầu nguyện, ăn chay, bố thí đề tự đề cao mình là biển thủ những cái thuộc về Chúa. Những việc làm trong đời sống đạo đức, như cầu nguyện hay ăn chay có thể ẩn tàng một mục đích nhân loại và vì thế trở thành giả hình.

Chúng ta nhấn mạnh điều này. Chúa Giêsu nói: “… Để được người đời ca ngợi”. Sống giữa mọi người, ai lại không lo đến thế giá của mình. Người ta thường muốn trung thành với những việc đạo đức nhưng không đồng thời cũng lại muốn cách thầm kín không những được kẻ khác coi như những người đạo đức cách “điều hoà”, mà còn muốn tự ban cho mình một thế giá nào; người ta tự cho mình là đều đặn, là đúng chừng mực, không như kẻ này người nọ. Chúa tố cáo cái tâm tình đó như một người giả hình khéo léo tế nhị. Chúa muốn lòng trung thành với Người chỉ lo lắng đến một vị Thẩm phán là Thiên Chúa. Ai trong chúng ta có thể quả quyết rằng họ không thực sự chỉ chú ý đến cái nhìn của ‘Chúa Cha là Đấng thấu suốt mọi điều bí ẩn’?

Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng, điểm này phải trở thành đối tượng cho sự tỉnh thức của chúng ta. Chúa phán: “Hãy coi chừng’. Trong lối hành văn của thánh sử Matthêu, sự kêu gọi cảnh giác đó có nghĩ một bên là phải đoạn tuyệt với não trạng thông thường (tìm tư lợi) và một bên là sự tỉnh thức không nhượng bộ một xu hướng tự nhiên nào. Nói chung, Phúc Âm đòi hỏi chúng ta phải gớm ghét sự dối trá. Phúc Âm muốn rằng cách ăn ở của chúng ta, các hành vi chúng ta, lời kinh nguyện lòng bác ái của chúng ta thảy đều phù hợp với một thực tại nội tâm. Nhưng thêm vào đó, Phúc Âm đòi hỏi là không một việc gì trong tất cả mọi việc trên, lại có thể trở thành cho chúng ta, đối tượng của một sự khoái trá bên trong, hoặc là vì được người khác ngợi khen, hoặc là tìm thấy ở đó một lý do để tự đề cao mình.