Affichage des articles dont le libellé est Chị Huyền Ngã Nặng. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Chị Huyền Ngã Nặng. Afficher tous les articles

lundi 9 septembre 2013

Chị Huyền Ngã Nặng

 

Chị Huyền Ngã Nặng

-Chị Huyền Ngã Nặng - Truyện Ngắn

Hải Phong

Khi còn nhỏ, những giờ học Việt Văn là những giờ chúng tôi thích nhất. Cô giáo Việt Văn của lớp tôi, Cô không dùng tên riêng, mà dùng tên của chồng Cô, do đó tới nay, tôi cũng không còn nhớ tên thật của Cô là gì, hay nói cho đúng tôi cũng không biết tên Cô là gì.
Đến giờ học của Cô, học trò thích lắm vì được nghe Cô kể truyện rất hay, Cô đọc những vần thơ mới trong giờ học, giọng Huế nghe êm đềm và truyền cảm. Học trò cứ ngơ ngẩn mê tơi. Thậm chí, có đứa còn truyền miệng nhau rằng Cô chính là T.T.Kh. của những vần thơ:

Nếu biết rằng tôi đã có chồng,
Trời ơi! Người ấy có....mừng không!

Lời đồn đến tai Cô, chúng tôi hỏi, Cô chỉ cười mà không đính chánh. Riêng tôi, có một lần tôi được Cô nhờ cộng điểm bài thi lục cá nguyệt, Cô dặn:
- Khi xong, em đem đến nhà cho Cô.
Đó là lần tôi có dịp bẽn lẽn ôm xấp bài thi đứng trước cổng căn biệt thự xinh xắn của Cô, dưới giàn bông giấy đỏ thắm, buông hững hờ trên nền tường xi măng xám nhạt, vừa lúc Cô đi đâu về bắt gặp tôi đứng đó. Tôi còn nhớ hôm ấy tôi mặc bộ quần áo màu tím nhạt, do chị Loan may cho tôi. Chị biết tôi sẽ đến nhà Cô giáo, nên cặm cụi may cho xong bộ quần áo mới để tôi diện đến thăm Cô.

Nhìn thấy tôi ngơ ngác trước cổng, Cô bảo bác Tài ngừng xe, gọi tôi ngồi lên xe và cùng đi vào sân. Chiếc xe cán trên sỏi trắng kêu lạo xạo, đi qua khoảng sân dài rồi vòng ra hẳn phía sau nhà, nơi đó, là cả một vườn hoa rực rỡ, có nhiều chậu bông giấy rải rác trên lối đi. Cuối vườn là giàn hoa ti gôn hai màu đỏ trắng, lại khiến tôi nghĩ đến cái huyền thoại T.T.Kh. mà đám học trò gán cho Cô. 
Cô hỏi:
- Em đến lâu chưa? Sao không bấm chuông gọi người mở cửa?
Tôi ấp úng:
- Thưa Cô, em mới tới thôi. Chuông cao quá, em với không tới!
Bước xuống xe, việc đầu tiên tôi hỏi:
- Cô! Cái giàn hoa Tầm Gửi của Cô mà Cô kể truyện trong lớp đâu, em muốn coi.
Cô cười: 
- Không phải của nhà Cô, của nhà hàng xóm.
Cô chỉ tay sang bức tường trắng xám của căn biệt thự bên cạnh, nơi đó, một giàn lá xanh ẻo lả uốn lượn, bám sát vào nền tường. Tôi thốt lên:
- Đẹp quá!
Cô kéo tay tôi vào nhà, vừa đi vừa nói:
- Cô không bảo là giây Tầm Gửi không đẹp. Nhưng em coi, nó phải sống bám vào bức tường kia, ngày nào bức tường đổ, nó không tự bò dậy được. Đó là bài học tự lập mà Cô muốn dạy các em.

Tôi gật gù nhìn ngắm chung quanh, và nhận thức ra rằng hoàn cảnh sống của Cô chẳng có gì giống như cái hoàn cảnh: “Rồi từng thu chết, từng thu chết...”
và từ hôm ấy, tôi gạt bỏ hẳn cái nghi vấn rằng Cô có phải là T.T.Kh. hay không?

Nghe Cô kể truyện thì học trò mê lắm, nhưng đến giờ chính tả thì... thê thảm. Đám học trò đã xếp hạng: Cô giáo Bắc kỳ đọc chính tả dễ nghe nhất, nhất là những chữ dấu hỏi dấu ngã, học trò phân biệt được, viết ít sai. Cô giáo người Nam đọc chính tả thì học trò cũng đã khổ lắm rồi, bây giờ lại phải nghe Cô giáo “nỏi tiểng Huể” đọc chính tả thì ôi thôi! Tả tơi rơi rụng! Nhiều lỗi đến nỗi có hôm Cô còn bắt tôi ngồi lại lớp bắt sâu bắt rận dùm Cô. Bài học trò cứ khoanh xanh khoanh đỏ tùm lum! Tôi về kể chuyện ở nhà, Bố tôi kể chuyện chỉ có dấu “chấm, chấm xuống hàng”, mà thành Con hổ “chầm chậm xuống hang” và bảo tôi vào kể lại cho Cô nghe. Cô không phạt, mà chỉ cười.

Mấy lần sau viết chính tả, Cô dạy chúng tôi câu kinh nhật tụng, mà mấy chục năm rồi tôi vẫn còn nhớ. Cô bảo:
- Dễ lắm, các em cứ nhớ cho Cô hai câu:

Chị Huyền Ngã Nặng
Hỏi con dao có Sắc hay Không?

rồi cứ theo qui luật đó mà viết thì sẽ không sai lỗi chính tả nữa. Còn Cô đọc sao thì cứ coi như... nơ pa!

Từ đấy, bọn học trò cứ học thuộc lòng như kinh nhật tụng, nghĩa là những chữ kép, chữ nào có dấu Huyền thì ắt là phải đi cùng với dấu Ngã, hay dấu Nặng. Dấu Hỏi thì phải đi với dấu Sắc hay Không dấu. 

Cô đưa ra một lô thí dụ:
- Các em cứ nghiệm mà xem: này nhé: quả quyết, khí quyển, là Hỏi Sắc nhé, mà viết “quã quyết” hay “khí quyễn” là sai bét rồi còn gì? Còn nữa, bình tĩnh có đúng là Huyền Ngã không nào, thế mà đứa nào đây? đứa nào viết “bình tỉnh” đây? 

Tôi cắc cớ:
- Thế Bình minh, Hoàng hôn thì sao Cô? Huyền sao lại đi với Không? Vậy phải viết là bính minh, hoáng hôn à? thì mới đúng là Sắc Không chứ? Lại nữa, Nghi Lễ là sai qui luật “Hỏi con dao có Sắc hay Không?” rồi.

Cô nhéo tai tôi một cái đau điếng:
- Em lại đầu têu cho chúng làm phản đấy hẳn? Đừng tưởng Cô không dám phạt em nhé!

Mãi về sau, tôi cứ nghiệm dần, qui luật nào cũng có biệt lệ, và y như rằng cứ gặp biệt lệ là đám học trò vẫn viết sai như thường. Như chữ Phật tử, cả đám cứ theo qui luật của Cô mà viết thành Phật tữ hết, tự tử cũng thành tự tữ tuốt. Sửa không xong, trừ điểm cũng không xong, từ đấy, đến giờ chính tả, Cô đọc xong một câu thì bắt tôi lập lại cho cả lớp. 

Tôi vẫn làm đệ tử (lại biệt lệ!) không công cho Cô mà không hề than vãn (cũng lại biệt lệ). 

Trường tôi dạo ấy có phát học bổng hàng năm cho học sinh nghèo. Lớp tôi, Ngân Hà vẫn luôn luôn được học bổng này. Tôi ngồi gần Ngân Hà nên có nhiều dịp tâm sự, tuy chưa bao giờ có dịp ghé thăm nhà bạn. Một buổi chiều, Bích rủ tôi sau giờ học đi xem phim ở Rex, dạo ấy rạp này đang chiếu phim “La valse dans l’ombre” bất hủ với cô đào Vivien Leigh. Họ dán những hình của cô đào trước rạp, và chúng tôi âm mưu một đứa canh chừng cảnh sát cho đứa kia gỡ nhẹ tấm hình dấu vào cặp. Thưở nhỏ, không hiểu sao bọn học trò chúng tôi lại có thể ma mãnh đến thế! Dĩ nhiên, là không thể khơi khơi mặc áo dài mang phù hiệu của trường đi xem hát lại còn ăn cắp hình nữa! Tôi và Bích bàn nhau mang sẵn bộ đồ jean, tan học trên đường đi, ghé nhà Ngân Hà xin nhờ chỗ thay quần áo rồi mới đi coi hát. Và chính mắt tôi đã chứng kiến cái cảnh Ngân Hà ra sân trước cầm rổ cơm đang phơi khô ngoài nắng vào nấu cháo cho cả nhà ăn tối. Tôi hỏi:
- Ủa! Sao không nấu cháo bằng gạo mà lại nấu bằng cơm phơi khô?
Ngân Hà chỉ rơm rớm nước mắt không trả lời. Bích bấm tay tôi, ra hiệu bảo im. 
Hôm sau vào lớp, Ngân Hà đưa tôi bộ quần áo đã giặt giũ sạch sẽ:
- Hôm qua, bồ đi vội, để quên lại, Hà đã giặt sạch rồi.
Bằng một phản ứng tự nhiên, tôi nói:
- Hà thích bộ này không? Giữ lại mặc đi học.
Tôi nói thế vì thấy quanh năm, Hà đi học chỉ có mỗi cái áo dài, lúc thì mặc với quần trắng, lúc thì mặc với quần đen.
Hà mừng lắm, nhưng băn khoăn:
- Nhỡ bồ về nhà mẹ thấy mất có hỏi không?
Tôi trấn an Hà:
- Không đâu, mẹ không biết đâu.
Nói xong, nghĩ sao tôi lại nói:
- Tối nay, Thúy sẽ nói với mẹ, chắc là mẹ không nói gì đâu.
Ngân Hà yên tâm gật đầu.
Tôi có ngờ đâu chỉ vì bộ quần áo bằng tơ óng mượt ấy đã làm thay đổi cuộc đời người bạn. 
Tuần sau, Ngân Hà bệnh nghỉ học, hôm ấy chúng tôi lại có giờ Việt Văn. Cô giáo vào lớp cho biết hôm ấy phải bầu ra người của lớp tôi để lãnh học bổng năm nay. Dĩ nhiên, như một thông lệ, như một qui luật, chúng tôi vẫn đề cử Ngân Hà. 
Cô giáo Việt văn hơi nhíu mày, chậm rãi nói:
- Cô không phản đối các em giúp đỡ một người bạn. Nhưng việc cấp học bổng cũng nên công bằng với tất cả các em nghèo. Ngân Hà rất ngoan và rất xứng đáng lãnh học bổng mấy năm liên tiếp rồi, nhưng Cô để ý lúc này Ngân Hà đã thay đổi, tuần trước Cô gặp em ấy trong sân trường, mặc bộ áo dài tơ tằm rất đẹp!
Tôi lạnh cả người. Bằng một phản xạ tự nhiên, tôi giơ tay đính chánh:
- Thưa Cô, bộ áo dài ấy là em cho Ngân Hà, có chị Bích làm chứng. Con nhà nghèo bộ không có quyền mặc quần áo đẹp sao?
Bích cũng giơ tay:
- Dạ, đúng vậy, em làm chứng! Là Thúy cho Ngân Hà tuần trước.
Cô thở dài:
- Vậy các em được quyền bỏ phiếu kín để bầu em nào xứng đáng lãnh học bổng.
Kết quả năm đó, Thi Khanh được học bổng. Thâm tâm tôi, tôi biết Thi Khanh không xứng đáng được học bổng bằng Ngân Hà. Nhà Thi Khanh nghèo, nhưng chắc hẳn là không phải đi mót cơm dư của những nhà lân cận về phơi khô để dành đem nấu cháo ăn dần. Khi đi học, Thi Khanh còn có chiếc xe đạp!
Hôm sau, tôi buồn không kém khi nhìn bộ mặt buồn thảm, chưng hửng của Ngân Hà khi hay tin năm nay Hà không được học bổng. Hà không biết lý do!
Một sự hờn giận len lén trong tôi, đến giờ Việt Văn, tôi không còn say mê như trước. Cô giáo mà tôi đã từng kính ngưỡng gần như tuyệt đối, nay tôi đã bắt đầu thay đổi cách nhìn. Tôi cung kính ngoài mặt, nhưng lòng tôi đã khác. Tôi nghĩ, lẽ ra, Cô phải biết hậu quả những lời nói của Cô với đám học trò thơ dại nó có ảnh hưởng tới mức nào; thì không nên vì một chuyện chưa kiểm chứng mà làm lung lay tâm hồn ngây thơ của cả đám trẻ lúc nào cũng tôn kính Cô như thần tượng. Cái tháp ngà của Cô nó thánh thiện quá, nó hoàn hảo quá, khiến Cô không thể hiểu rằng cái nhánh cây Tầm Gửi kia, bộ nó muốn làm thân tầm gửi hay sao? Bộ nó có lựa chọn hay sao?
Cũng như ở đời, có cái qui luật nào là tuyệt đối, có cái qui luật nào mà không có biệt lệ, như cái qui luật “chị Huyền ngã nặng” của Cô chẳng hạn.
Hai tháng sau, Ngân Hà xin nghỉ học. Tụi tôi kéo nhau tới thăm để thuyết phục nó đi học lại. Ngân Hà kéo cả đám ra sau hè, nói thì thầm để mẹ không nghe thấy:
- Mẹ Hà bịnh mấy tháng rồi. Giữa việc đi học và việc kiếm tiền mua thuốc cho mẹ, Hà chỉ có quyền chọn một. Bây giờ học bổng không còn, Hà lấy gì đi học đây? Còn cả đám em nheo nhóc.
Bước ra khỏi nhà Ngân Hà, tôi và Bích dắt nhau bỏ đi trước, không nhìn thấy những ánh mắt ân hận của đám bạn đi sau, đám bạn đã bỏ phiếu kín để Ngân Hà mất học bổng.
******
Nhiều năm sau, tôi đã không còn nhớ đến người bạn cũ, cô giáo xưa thì tình cờ một hôm được một người bạn quen cho xem tấm ảnh, bạn tôi chụp khi về quê nhà thăm lại trường cũ, người xưa. Người trong ảnh là Cô giáo Việt văn cũ, đang bệnh. Cô ngồi dựa vào thành giường, đưa đôi tay gầy guộc nhận gói thuốc do đám học trò cũ gửi từ hải ngoại về. Cô ngồi, nên đôi ống quần bị kéo cao lên để lộ đôi chân gần như chỉ còn da bọc xương. Đôi chân đã khiến tôi liên tưởng đến những chiếc quần lụa đắt tiền Cô đã mặc, những đôi giầy cao gót lúc nào cũng đi cùng với mầu áo. Hôm nào Cô đi đôi giầy Italie mới đắt tiền, Cô mặc quần ngắn hơn một tí, bước đi dài hơn một tí, cố tình để lộ đôi giầy có nhãn hiệu trứ danh, không giống như đôi chân khẳng khiu lúc này, trong bức ảnh.
Bức ảnh ấy, tôi chỉ xem một lần và không bao giờ dám dở ra xem lại. Nhưng người trong ảnh thì vẫn in sâu trong trí nhớ, dù chỉ một phút nào thoáng chạnh lòng nhớ đến là tôi lại thấy cay cay trong khóe mắt. Tôi chỉ ngại lấy ra nhìn, thì đôi dòng lệ lại tuôn ra.
Một hôm, đi công tác tại một công ty điện tử lớn, tôi có dịp gặp người tổng giám đốc công ty, điều làm tôi ngạc nhiên là ông ta còn rất trẻ để ngồi ở chức vụ này. Một chàng Mỹ con chính gốc, nhưng đôi mắt nâu đã làm tôi ngờ ngợ. Tôi bắt tay chào và theo thói quen, đưa tấm business card. Ông ta nhìn thấy tên tôi, nói bằng tiếng Việt ngọng nghịu như con nít sanh đẻ bên này:
- Cô là người Dziệt? Má con cũng là người Dziệt.
Và đó là câu tiếngViệt duy nhất cậu giám đốc trẻ này đã nói với tôi trong suốt thời gian tôi công tác tại đây.
Một buổi chiều thứ sáu, Vũ, cậu trai trẻ vào văn phòng tôi hỏi tôi có cần gì Vũ không? Nếu không, Vũ sẽ về sớm vì hôm nay có Mẹ tới đón về để đi ăn sinh nhật Bố.
Tôi cười nói bằng ngoại ngữ:
- Cậu cứ về đi, nếu có gì cần, thứ hai tôi sẽ hỏi.
Vừa lúc đó, thư ký của Vũ vào báo là Mẹ cậu đã tới, cậu chào tôi và ra ngoài. Tôi ngừng bút, đăm chiêu nhìn qua khung cửa kính, trời trong xanh báo hiệu một ngày cuối tuần đẹp đẽ. Tôi thoáng bâng khuâng nhớ đến buổi gặp đầu tiên, Vũ nói với tôi: “má con cũng là người Dziệt”. Tôi đang phân vân thì Vũ và người đàn bà đi qua phòng tôi. Cả hai thoáng nhìn vào lúc tôi cũng ngẩng đầu lên, ngờ ngợ. Người đàn bà đứng hẳn lại, nhíu mày giây lâu, rồi thốt lên mừng rỡ:
- Thúy!
Tôi vui mừng nhưng không dám xác quyết, thì người đàn bà đã nói nhanh:
- Thúy không nhận ra Ngân Hà sao?
Phải, làm sao tôi có thể nhận ra được cô bé con nhà nghèo năm xưa, nay đã thay hình đổi dạng. Tôi vui mừng:
- Ngân Hà! Hà thay đổi nhiều quá.
Chúng tôi xuống cafeteria nói chuyện. Ngân Hà bảo Vũ:
- Con về trước, sửa soạn cho Bố, chừng nửa giờ nữa mẹ về, chúng ta đi ăn.
Khi Vũ quay lưng đi rồi, Ngân Hà nắm tay tôi nói:
- Ngân Hà có thai cháu Vũ khi Bernard theo trung đoàn về nước năm 75, nhờ thế mà mấy năm sau, Ngân Hà đã được Bernard bảo lãnh sang Mỹ, rồi sau này sang Canada, vì Bernard được thừa kế cái hãng điện tử này của Cha. Sau nhiều năm thì nay công ty đã lớn mạnh thế này, như Thúy thấy đó. Từ lúc Bernard bị hai lần đứng mạch tim, cháu Vũ đã phải tạm thời ra ngồi chức vụ này thay Bố, trong khi chờ công ty có người thay thế.
Tôi ngậm ngùi:
- Từ lúc Ngân Hà nghỉ học, Thúy rất ân hận, vì chiếc áo dài cũ đã làm hại bạn...
Ngân Hà thoáng cười buồn:
- Đời chẳng biết đâu là phúc đâu là họa Thúy ạ. Có lẽ mọi sự đã được trên cao sắp đặt hết rồi. Nếu không vì chuyện bị mất học bổng phải nghỉ học, có lẽ Hà cũng không phải lao vào đi làm hầu bàn bưng rượu, và cũng không gặp Bernard, rồi có cháu Vũ. Khi Bernard về nước, Hà cũng tưởng là một mình ôm con để nghe lời rỉa rói của thiên hạ suốt đời, nhưng hôm nay....
Hà bỏ dở câu chuyện, hỏi qua bạn cũ trường xưa. Tôi kể sơ qua việc làm của đám bạn cùng trường tại hải ngoại, qua các công tác thiện nguyện để gửi tiền về giúp đỡ thầy cô cũ. Hà hỏi thăm cô giáo Việt văn cũ. Tôi nói sơ tình cảnh của cô và tấm hình mà tôi chỉ dám xem một lần rồi không bao giờ dám mở ra xem lại.
Hà ngậm ngùi:
- Thương Cô quá nhỉ? Trong các Cô, Hà thương Cô Việt văn nhất, mấy năm Cô làm giáo sư hướng dẫn lớp tụi mình, Hà đều được lãnh học bổng của trường, toàn là nhờ cô giúp đỡ. Cái năm Cô vừa hết nhiệm kỳ hướng dẫn, Cô khác lên thay, thì Hà bị mất học bổng...
Hà bỏ lửng câu nói, nghẹn lời. Tôi lạnh người, thì ra cho tới nay, Hà vẫn chưa hay biết lý do nào khiến Hà bị mất học bổng.
Tôi cầm tay Hà, đắn đo, ngần ngừ rồi lại thôi không nói. Tôi muốn để Ngân Hà giữ mãi hình ảnh tôn kính của Cô giáo cũ. Hà chợt mở sắc tay, lấy ra cuốn chi phiếu:
- Hà cũng muốn đóng góp vào công tác từ thiện của các bạn. 
Hà nhanh tay ký 2 tấm chi phiếu, trao cho tôi:
- Thúy chuyển dùm đến các bạn phần đóng góp của Hà cho công tác tặng Thầy Cô sắp tới. Riêng cái chi phiếu thứ nhì này, Hà kính tặng riêng Cô giáo Việt văn với lời tri ân của Hà.
Tôi cầm hai tấm chi phiếu trong tay mà chết lặng. Nhìn bóng Hà tiến dần ra bãi đậu xe, cái dáng nhỏ nhắn trong bộ quần áo bằng lụa màu ngà đắt tiền, tôi bùi ngùi nhớ đến bộ áo dài trắng bằng tơ mềm đơn sơ năm cũ. Tôi tần ngần nhìn lại tấm chi phiếu Hà dặn dò riêng tặng Cô giáo Việt văn mà thật thương bạn. Ngân Hà ơi! Nếu Hà biết...
Hải Phong