Affichage des articles dont le libellé est Một công cụ mới để bảo vệ nhân quyền: Đạo luật Magnitsky Toàn cầu. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Một công cụ mới để bảo vệ nhân quyền: Đạo luật Magnitsky Toàn cầu. Afficher tous les articles

mercredi 4 janvier 2017

Một công cụ mới để bảo vệ nhân quyền: Đạo luật Magnitsky Toàn cầu


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa mới ban hành Bộ Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) vào ngày 9-12-2016 vừa qua. Đây là một quà Giáng sinh rất có ý nghĩa cho tất cả những người tranh đấu cho nhân quyền và chống tham nhũng và những nạn nhân liên hệ trên toàn thế giới.
Bộ Luật Magnitsky Toàn cầu cho phép tổng thống Hoa Kỳ trừng phạt bằng cách cấm nhập cảnh hay đóng băng tài sản trên đất Mỹ của bất cứ cá nhân hay thực thể pháp lý nào ở nước ngoài vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng như sau:
  • Giết hoặc tra tấn ngoài vòng pháp luật hoặc vi phạm trầm trọng những quyền con người đã được quốc tế công nhận chống lại cá nhân ở bất cứ một nước nào chỉ vì những cá nhân này tố cáo những hành vi bất chính của những viên chức chính quyền hay thực thi hoặc khuyến khích quyền con người và các quyền tự do.
  • Thi hành những vi phạm nhân quyền vừa kể theo lệnh của một người khác.
  • Là một viên chức chính quyền, hay là một trợ lý cao cấp của viên chức này, chịu trách nhiệm hay a tòng trong việc ra lệnh hay trực tiếp có những hành động tham nhũng đáng kể, kể cả việc tịch thu tài sản tư nhân hay công cộng để làm lợi cho cá nhân, tham nhũng liên quan đến những hợp đồng của chính phủ hay khai thác tài nguyên thiên nhiên, hối lộ, hoặc giúp đỡ hay chuyển giao tiền hối lộ cho giới thẩm quyền nước ngoài.
  • Trợ giúp đáng kể hay cung cấp tài chánh, vật liệu, hoặc yểm trợ kỹ thuật, hiện vật hay dịch vụ cho những hành động vừa kể.
Đạo Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu đã được khởi xướng và đỡ đầu bởi Thượng nghị sỹ Ben Cardin (thuộc Đảng Dân chủ, bang Maryland) và Thượng nghị sỹ John McCain (thuộc Đảng Cộng hòa, bang Arizona) tại Thượng viện và Dân biểu Jim McGovern (thuộc Đảng Dân chủ, bang Massachusetts) và Dân biểu Christopher Smith (thuộc Đảng Cộng hòa, bang New Jersey) tại Hạ viện. Cựu Dân biểu Cao Quang Ánh (thuộc Đảng Cộng hòa, bang Louisiana) cũng đã góp công đáng kể, thúc đẩy mạnh mẽ để hình thành Đạo Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu.
Đạo luật này mang tên một luật sư người Nga Sergei Magnitsky. Ông bị bắt giam năm 2008 và chết trong tù năm 2009 khi làm đại diện cho công ty đầu tư Anh Hermitage Capital Management, điều tra việc tham nhũng của các giới chức Bộ Nội vụ Nga. Theo ông Bill Browder, một cố vấn về đầu tư người Anh và là sáng lập viên của công ty Hermitage, ông Magnitsky tố cáo các viên chức liên hệ đã tịch thu những cơ sở của Hermitage tại Nga và sử dụng công ty Hermitage để biển thủ $230 triệu Mỹ kim của Bộ Tài Chính Nga và chuyển lậu qua một số nước châu Âu và Hoa Kỳ. Hồ sơ tài chính Panama (Panama Papers) gồm 11,5 triệu tài liệu lọt ra ngoài ngày 3 tháng 4 năm 2016 cho thấy một phần của số tiền $230 triệu Mỹ kim được chuyển vào trương mục của nhạc sĩ Sergei Roldugin, một người thân thuộc của lãnh tụ Nga Vladimir Putin.
Sau khi Dự luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu được lưỡng viện của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào ngày 8 tháng 12 năm 2016 và chuẩn bị chuyển qua cho Hành pháp ký thành luật, Thượng nghị sỹ Ben Cardin tuyên bố “Hoa Kỳ đã có thêm một công cụ quan trọng trong hộp đựng công cụ ngoại giao của chúng ta. Những kẻ vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng cần phải hiểu rõ rằng họ không thể thoát khỏi những hậu quả do những hành động của họ gây ra ngay cả khi quốc gia của họ bất động.”
Ông Alexandra Schmitt của Tổ chức Human Rights Watch nhận xét rằng Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu là một biện pháp bảo vệ nhân quyền khôn khéo, nhắm thẳng vào cá nhân tội phạm mà không trừng phạt cả một quốc gia, trong đó có những người dân vô tội.
Quốc hội Hoa Kỳ thông qua 'Đạo luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu' ngày 8-12-2016.
Quốc hội Hoa Kỳ thông qua 'Đạo luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu' ngày 8-12-2016.


Ông Daniel Calingaert thuộc Tổ chức Freedom House điều trần vào giữa năm 2015 trước Tiểu ban châu Phi, Y tế Toàn cầu, Nhân Quyền Toàn cầu và Các Tổ chức Quốc tế thuộc Ủy ban Ngoại giao Hạ viện rằng “Tự do toàn cầu đã suy giảm trong chín năm liền theo những tài liệu Freedom House đã thu thập được về quyền dân sự và chính trị để xếp hạng hàng năm. Nguyên do chính của sự suy giảm này là sự trỗi dậy của những chế độ độc tài … Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu sẽ hướng dẫn tổng thống áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với những kẻ vi phạm nhân quyền và những viên chức chính quyền tham nhũng bất cứ ở nơi nào trên thế giới. Bất kể vi phạm xảy ra ở đâu, thủ phạm có thể bị từ chối cấp thị thực vào Hoa Kỳ và bị ngăn cấm sử dụng những cơ sở tài chính của chúng ta. Phạm vi toàn cầu là một sức mạnh chính. Không một nước nào được miễn. Biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng cho những nước như Trung Quốc và Saudi Arabia. Những nước này thường không bị chỉ trích về vi phạm nhân quyền vì quyền lợi kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ.”

Sau cái chết của Luật sư Sergei Magnitsky, ông Browder đã vận động nhiều năm với Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ để tìm những biện pháp trừng trị những viên chức ngoại quốc tham nhũng ám hại những người tố cáo. Kết quả là vào năm 2012, Hoa Kỳ đã ban hành Bộ Luật Trừng phạt Magnitsky (Sergei Magnitsky Rule of Law Accountability Act), nhưng chỉ giới hạn vào Liên Bang Nga. Bộ luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act), như tên gọi, sẽ áp dụng cho tất cả mọi nước trên thế giới.
Di ảnh của luật sư Sergei Magnitsky.
Di ảnh của luật sư Sergei Magnitsky.
Cùng ngày với Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Dự luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu, Nghị viện Estonia cũng đã phê chuẩn một tu chính án của Đạo luật buộc phải dời và cấm nhập cảnh 1998 (1998 Obligation to Leave and Prohibition on Entry Act) để cấm những kẻ vi phạm nhân quyền vào Estonia. Nhân dịp này Ông Bill Browder tuyên bố rằng “Một đạo luật đầu tiên ở châu Âu của một nước giáp ranh với Nga là một tặng vật thích hợp đối với Sergei Magnitsky.”
Hiện nay, một số dự luật mang tên Magnitsky đang được cứu xét tại Na Uy và Liên minh châu Âu. Nghị viện Anh Quốc cũng đang cứu xét một tu chính án cho đạo luật chống rửa tiền để có thể tịch biên tài sản tại Anh Quốc của những kẻ vi phạm nghiêm trọng nhân quyền tại bất cứ quốc gia nào. Nghị viện Canada cũng đã khởi công dự thảo một đạo luật trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền tương tự từ tháng 3 năm 2015. Một khi những nước văn minh đều có luật Magnitsky, những kẻ tội phạm sẽ không còn nơi an toàn để cất giấu tài sản phi pháp.
Các viên chức chính quyền tham nhũng ở những nước độc tài thường hay mua tài sản và cất giữ tiền bạc ở những nước giàu và tân tiến, vì những số tiền lớn kiếm được thường là bất chính nên phải cất giấu ở nước ngoài. Thứ hai là chính những kẻ làm giàu trong chế độ độc tài tham nhũng lại không tin tưởng về sự lâu bền của chế độ đã nuôi dưỡng mình, nên cần tìm một chỗ để thoát thân khi chế độ sụp đổ. Thứ ba là những nước giàu và tân tiến có hệ thống kinh tế và tài chánh ổn định có thể bảo đảm giá trị tài sản của họ và là những thị trường đầu tư tốt.
Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), Việt Nam là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, bị xếp vào hạng 112 trên tổng số 168 nước được điều nghiên với số điểm thấp 31/100 vào năm 2015. Tại Hội nghị lấy ý kiến đánh giá 10 năm chống tham nhũng ở Việt Nam vào ngày 27 tháng 10 năm 2016 ở Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhìn nhận tình trạng tham nhũng trên cả nước là “thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của đảng và hiệu lực quản lý của nhà nước và trên hết là đe dọa sự tồn vong của chế độ.”
Theo mạng 10Hay.com, mười vụ tham nhũng lớn nhất Việt Nam hiện nay là (1) EPCO Minh Phụng; (2) PMU18; (3) PCI; (4) Đề án 112; (5) Nexus Technologies; (6) Tiền Polime; (7) Chia chác đất công ở Đồ Sơn; (8) Vinashin; (9) Vinalines; và (10) PVC Trịnh Xuân Thanh.
Theo tổ chức Freedom House, Việt Nam bị xếp trong số 51 nước không có tự do (not free) với số điểm tự do áp chót là 6/7 và số điểm tồi tệ nhất về quyền chính trị là 7/7, so với 89 quốc gia có tự do (free) và 55 quốc gia có một phần tự do (partly free) trong tổng số 195 nước được điều tra vào năm 2015. Theo phúc trình 2015 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một số viên chức thuộc Bộ Công an đã phạm tội bắt bớ tùy tiện và giết người trái phép. Ít nhất có 14 người chết trong khi bị giam giữ, trong số đó có các nạn nhân như Nguyễn Văn Tịnh (Hà Tĩnh), Nguyễn Đức Duân (Hưng Yên), và Đỗ Đăng Du (Hà Nội). Cũng theo phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có ít nhất 70 người bị cảnh sát hoặc công an mặc thường phục hành hung hay tra tấn, trong đó có những người hoạt động nhân quyền mà nhiều người biết đến như Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, Lư Thị Thu Vân, Trần Anh Kim, Lại Tiên Sơn, Nguyễn Thanh Hà, Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Chí Tuyển, Đinh Quang Tuyển, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Trương Dũng, Luật sư Trần Thu Nam, Luật sư Lê Văn Luân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trương Minh Đức, Trần Thị Nga, Trương Minh Tâm, Chu Mạnh Sơn, Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Văn Oai, Mai Thanh, Trương Văn Dũng, và Nguyễn Tường Thụy.
Theo Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, mười viên chức cao cấp thuộc Đảng CSVN chủ trương đàn áp nhân quyền mạnh mẽ nhất là (1) Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng 2006-2016); (2) Trần Đại Quang (Bộ trưởng Công an 2011-2016, Chủ tịch nước từ 2016); (3) Lê Hồng Anh (Bộ trưởng Công an 2002 - 2011); (4) Tô Lâm (Bộ trưởng Công an từ 2016); (5) Nguyễn Văn Hưởng (Thứ trưởng Công an, Phái viên Tư vấn cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về an ninh và tôn giáo 2001-2013); (6) Trương Hòa Bình (Chánh án Tòa án Tối cao 2007-2016, Phó Thủ tướng từ 2016); (7) Nông Đức Mạnh (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam 2001-2011); (8) Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 2011); (9) Lê Thanh Hải (Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh 2006-2015); (10) Phạm Quang Nghị (Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hà Nội 2006-2016).
Với tình trạng tham nhũng và vi phạm nhân quyền như trên, Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu nhiều hậu quả của Đạo luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu. Nhiều đảng viên Cộng sản VN chỉ trích Mỹ nhưng tiếp tục gửi con cái qua Mỹ du học và đầu tư tại quốc gia này. Hiện nay có khoảng 17.000 sinh viên Việt Nam đang học ở các trường đại học Mỹ. Theo Sở Dịch vụ Thị thực (Visa Office) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong năm 2014, có 92 người Việt đến Mỹ với thị thực EB-5 dành cho những người giau có muốn định cư ở Mỹ với điều kiện mỗi người phải đầu tư ít nhất $500.000 – $1 triệu Mỹ kim tùy theo vùng kinh doanh trong chương trình di dân đầu tư (Immigrant Investor Program). Số người Việt được cấp thị thực EB-5 đã tăng gấp 3 lần, lên tới 249 người vào năm 2015. Khuynh hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục trong năm 2016. Thật là đáng theo dõi xem nhiều người Việt còn muốn qua Mỹ với thị thực EB-5 nữa không trong những năm tới, sau khi Đạo luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu được áp dụng.
Tổ chức phi chánh phủ: Human Rights Watch, Freedom House, Amnesty International, Human Rights Campaign, Lawyers Committee for Human Rights, BPSOS, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: Bureau of Democracy, Human Rights and Labor Affairs.
Hạ Viện Hoa Kỳ: Tom Lantos Human Rights Commission.
Thượng Viện Hoa Kỳ: Sub-committee on International Operations and Organizations, Human Rights, Democracy and Global Women’s Issues.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.