Affichage des articles dont le libellé est NHÂN TỪ KÊU GỌI NHÂN TỪ. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est NHÂN TỪ KÊU GỌI NHÂN TỪ. Afficher tous les articles

samedi 14 mai 2016

NHÂN TỪ KÊU GỌI NHÂN TỪ

Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ - Năm C
NHÂN TỪ KÊU GỌI NHÂN TỪ
McCarthy
Vào một đêm khuya ở Dublin, một cô y tá vội vã đi dọc theo một bến cảng để đón xe buýt, bỗng cô thấy một thanh niên đang nằm trên vỉa hè ngay phía trước cô. Anh ta có vẻ bị bệnh hoặc bị thương. Cô dừng lại để xem cô có thể giúp gì cho anh ta. Nhưng khi cô cúi xuống, anh ta nhảy dựng lên và giật cái túi xách của cô. Cô ghì chặt lại. Sau đó một cuộc chiến đấu xảy ra. Đến một lúc nào đó, hai cặp mắt gặp nhau. Thình lình, người thanh niên buông ra và nói: Ồ, cô có phải là y tá O’Reilly!”
Họ bắt đầu chuyện trò thân mật. Thì ra trước đó ít lâu, anh ta phải vào bệnh viện vì bị gãy chân, và y tá O’Reilly đã rất tử tế với anh ta. Anh hỏi cô định đi đâu. Cô nói cô định đón xe buýt. Anh ta đưa cô đến trạm xe buýt và chờ cho đến khi xe buýt đến. Rồi xin lỗi những gì đã xảy ra, anh ta nói lời chào.
Đó là một câu chuyện có thật. Nó dạy chúng ta điều gì? Có lẽ bài học chính là: Người ta không bao giờ hoàn toàn đánh mất mình trong điều xấu chừng nào người ta còn nhận ra lòng nhân từ và đáp lại nó.
Một đôi khi chỉ cần nhìn sự nhân từ tỏa sáng nơi một người khác đủ để người ta khám phá ra sự nhân từ ấy nơi chính mình. Một kỷ niệm tốt đẹp sẽ cứu được một số tính cách vào những lúc quyết định. Sự thấu cảm là điều kêu gọi một người quay lưng lại bóng tối.
Nếu đêm hôm ấy, một người phụ nữ khác đi dọc theo bến cảng thì người thanh niên sẽ không hành động như thế. Anh ta sẽ cướp giật người ấy và không cảm thấy hối hận vì đã làm thế. Nhưng vì là một người mà bản thân anh có kinh nghiệm là một cô y tá tốt lành, anh không thể tìm thấy điều gì làm anh đối xử tồi tệ với cô. Lòng nhân từ của cô làm cho anh ta thấy điều xấu anh đang làm. Điều gì còn quan trọng hơn nữa: sự việc làm cho anh ta nhận thức khả năng của mình về lòng nhân từ. Nó đánh thức chút nhân từ vẫn còn sót lại trong anh.
Câu chuyện trên nhắc chúng ta đôi điều về sự gặp gỡ giữa Đức Giêsu và các gian phi trên núi Canvariô. Một gian phi đã hoàn toàn lạc mất trong bóng tối của điều xấu đến nỗi không còn thích ánh sáng. Người kia nhận ra ánh sáng của lòng nhân từ của Đức Giêsu và đáp lại lòng nhân từ ấy.
Người gian phi tốt lành nhận ra rằng Đức Giêsu vô tội. Và hơn thế nữa, người ấy còn bênh vực Người trước người gian phi kia. Anh ta là người duy nhất làm chứng về sự vô tội của Đức Giêsu. Lòng nhân từ của Đức Giêsu làm cho anh nhìn thấy cuộc đời anh ta quả là xấu nhưng cũng đánh thức lòng nhân từ đã mất của anh ta. Anh ta quay về với Đức Giêsu, nhận biết rằng Người là Đấng duy nhất có thể giúp anh trong phút cuối cùng của đời mình. Và Đức Giêsu đã không làm cho anh thất vọng.
Dĩ nhiên, Đức Giêsu là vua, nhưng là một loại vua lạ lùng. Người đã đến không phải để chinh phục mà để hoán cải, không phải để thống trị nhưng để giải phóng, không phải để chỉ huy nhưng để phục vụ. Người đã chết như một tội phạm, nhưng trị vì từ trên thập giá. Người đáp lại điều xấu nhất với điều tốt nhất trong Người. Tại sao Người không phản ứng lại những kẻ xử Người? Thi sĩ Seamus Heaney nói về thứ “quyền lực không được thi hành bằng quyền lực”.
Tất cả những gì chúng ta có thể làm là lặp lại lời thánh Phaolô đã nói: “Hãy cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi”.
CÁCH TIẾP CẬN KHÁC
Câu chuyện về người gian phi sám hối trên núi Canvariô làm nổi lên một vấn đề quan trọng: Có phải người ta chết theo cách người ta đã sống? Và câu trả lời dường như là: Không nhất thiết như thế. Có những người đã sống một đời sống như trong địa ngục nhưng lại có cái chết rạng rỡ. Ân sủng của Thiên Chúa không liên quan gì đến công nghiệp.
MỘT CÂU CHUYỆN
Mẹ Têrêxa kể lại một ngày nọ ở Calcutta, mẹ đã nhặt được một người đàn ông ở một rãnh nước và đưa ông ta về nhà nuôi người hấp hối. Trước khi chết, ông ta nói với mẹ: “Tôi đã sống như một con vật nhưng tôi đã chết như một thiên thần, được yêu thương và chăm sóc”. Mẹ Têrêxa nhận thấy sự cao cả của ông ta, người có thể nói được như thế và có thể chết mà không trách móc hoặc chửi rủa một ai. Mẹ cảm thấy mình được đặc ân đã có thể giúp ông ta sống những giờ phút cuối đời trong sự cảm nhận mình được yêu thương và quý trọng.
MỘT MINH HOẠ
Những cảnh hoàng hôn đẹp nhất không phải xảy ra khi bầu trời không có mây nhưng xảy ra khi có vài đám mây trong bầu trời. Mây phản chiếu ánh sáng mặt trời và làm ánh sáng toả lan qua bầu trời, một đôi khi với những màu sắc kỳ ảo.
Ở Mỹ, có một ngày tháng tám lạ lùng. Suốt buổi sáng có sấm chớp và những cơn mua ngắn nặng hạt. Suốt buổi chiều trời nóng và ẩm. Buổi tối thì tối đen và khốn khổ. Tuy nhiên, khi màn đêm buông xuống một ngày tồi tệ thì một cảnh tượng rất đẹp xảy ra. Đó là một trong những buổi hoàng hôn đẹp nhất mà người ta vẫn mong ước ngắm xem. Và như thế ngày tháng tám với thời tiết xấu ấy kết thúc trong cảnh đẹp.
Nó nhắc chúng ta nhớ đến điều đã xảy ra với người gian phi tốt lành trên núi Canvariô. Khi bức màn đã buông xuống trên đời sống tội phạm tăm tối của anh ta. Một điều gì đó đã khiến anh ta bênh vực Đức Giêsu và đây là lời bênh vực duy nhất trên núi Canvariô. Rồi anh ta quay về Đức Giêsu và nói: “Ông Giêsu ơn, khi ông vào Vương Quốc của ông, xin nhớ đến tôi”. Và Đức Giêsu nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Người gian phi tốt lành đã sống một đời tồi tệ, tuy nhiên, nhờ gặp gỡ với Đức Giêsu, anh ta đã tìm thấy yêu thương, bình an và hy vọng vào lúc cuối đời. Câu chuyện về anh dạy chúng ta rằng không có sự gì quá trễ. Đức Kitô Vua có thể làm cho sự kết thúc đen tối nhất toả sáng niềm hy vọng. Người có thể biến đổi sa mạc thành khu vườn, và gỉ sắt thành vàng ròng.