Affichage des articles dont le libellé est SỐNG ĐỨC TIN. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est SỐNG ĐỨC TIN. Afficher tous les articles

mardi 28 août 2018

SỐNG ĐỨC TIN

SỐNG ĐỨC TIN



Trong hành trình sống đức tin đi tìm ánh sáng của Chúa, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) nhấn mạnh, mỗi người phải có cuốn Kinh Thánh. Lắng nghe Phúc Âm, đọc Phúc Âm, suy niệm Phúc Âm, sự nuôi dưỡng tinh thần đặc biệt của chúng ta làm cho chúng ta có đủ sức gặp gỡ Đức Kitô hằng sống“(DGH Francis)
Đức tin là một ân sủng, chúng ta nhận được từ Thiên Chúa. Tin một Thiên Chúa là Cha phép tắc vô cùng dựng lên trời đất, tin Chúa Giêsu là con một Đức Chúa Cha đã xuống thế làm người trong cung lòng trinh nữ Maria nhờ phép Đức Chúa Thánh Thần.....
Tin là xin vâng với Lời Chúa. Sống đức tin là sống dồi dào ba nhân đức đối thần: tin cậy mến dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Tin tuyệt đối vào một Thiên Chúa duy nhất, trông cậy phó thác vào một mình Ngài, yêu mến Ngài qua tha nhân. Xin Chúa Cha ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin được Đức Kitô ngự trong lòng, và anh em được bén rễ sâu trong đức ái“. (Ep 3,16)
Sống đức tin là để cho tình yêu Thiên Chúa dẫn dắt mình làm những công việc phụng sự, và phục vụ thì  tâm hồn và trí tuệ mình sẽ được phát huy một cách sung mãn, dù ta không ý thức về điều đó, vì cuộc sống đức tin luôn là một huyền nhiệm mà ta không thể nào thấu triệt được. Đức tin cho ta thấy sự cao cả của Thiên Chúa và thấy rõ cái bé bỏng của ta. Ngoài việc làm đẹp lòng Chúa, còn tất cả chỉ là hư không. Ta dám làm tất cả mà không do dự, không hổ thẹn, không sợ hãi, không chùn bước“ (Charles de Foucauld)
Mình sẵn sàng để Chúa Kitô chiếm lấy mình, hầu mình có thể tự do bày tỏ Chúa Kitô một cách mới mẻ cho người khác trong môi trường sống của mình. Khi tâm hồn mình đầy Chúa Kitô là lúc mình bé nhỏ nhất và độc đáo nhất, vì khi Chúa Kitô hiện diện ngập tràn tâm hồn mình, là lúc mình chẳng còn gì là mình nữa.“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy, cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến cư ngụ với người ấy“ (Ga 14,23)
Một đức tin trưởng thành là để Chúa Kitô làm chủ mình, thì trách nhiệm chính yếu là để Thần Khí Chúa hướng dẫn mình cầu nguyện thường xuyên với Lời Chúa theo phương pháp Lectio Divina anh em cần Thánh Kinh hơn các nhà tu hành. Họ được che chở bởi lối sống của ho. Trái lại, anh chị em dấn thân trong cuộc hỗn chiến hằng giây phút, liều mình bị những vết thương mới. Vì thế anh chị em cần đến sức mạnh trong Thánh Kinh“ (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Chúng ta nên giữ nhịp cầu nguyện và làm phút hồi tâm mỗi ngày để nhìn lại mình hầu nhận rõ những thiếu sót, những lỗi phạm, xin lỗi Chúa xin lỗi người anh em. Đồng thời cám ơn và phát huy những sự tốt lành mà trong ngày mình đã thực hiện đẹp lòng Chúa, để mỗi ngày mình sẽ sống tốt hơn và ca ngợi quyền năng của Ngài. (không có Ngài chúng ta không làm được gì)
Chúng ta không thể là những trẻ thơ trong đức tin, trong trạng thái vị thành niên. Cứ mãi là những trẻ thơ vị thành niên là gì? Thánh Phaolô trả lồi: „ nghĩa lả bị sóng đánh trôi dạt theo mọi chiều gió đạo lý“ (Ep 4,14) Trái lại chúng ta có mẫu mực khác, đó là con Thiên Chúa thật. Người là thước đo chủ nghĩa nhân bản đích thật. Đức tin trưởng thành không phải là đức tin trôi theo làn sóng thời thượng hay mốt mới. Đức tin với vóc dáng đầy đủ và trưởng thành là đức tin ăn rễ sâu xa nơi tình bằng hữu với Đức Kitô“ (DGH Benedictô XVI)
Được như vậy, nội tâm ta sẽ phát triển cách sung mãn, có khả năng làm chủ chính mình để trong trường hợp gặp những khó khăn phức tạp, Thần Khí Chúa giúp mình dừng lại, bình tâm, suy nghĩ, cân nhắc và phân định điều phải trái rồi mới đi đến quyết định với những lập trường khó dung hòa. „Thần Khí Chúa giúp đỡ, vì chúng ta là những kẻ yếu hèn,  (Rm 8, 26a). Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can biết Thần Khí muốn nói gì“ (Rm 8, 27b)
Điều quan trọng là ta để cho ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa và bảo vệ ân huệ quý báu  này để mình mỗi ngày mỗi nên giống Chúa Giêsu Kitô hơn. „Tâm trí của con phải tràn đầy tình yêu Thiên Chúa, tràn đầy sự chiêm niệm và niềm vui về mối phúc thật của Cha,… phải là một tâm trí tự do, tĩnh lặng và bình an. Hãy vất bỏ những chuyện lặt vặt, cố sống như trên cõi cao sang về TÌNH YÊU“ (Charles de Foucauld) như thế từ tác phong, diện mạo, lời nói, việc làm sẽ ảnh hưởng tốt trên đời sống của kẻ khác, và ta ý thức được giá trị đích thực nơi chính mình và nơi người khác.
Hãy để cho con tim yêu thương luôn ý thức một cách khiêm tốn về những yếu đuối của mình, „vì vinh dự trần thế này chỉ là làn hơi thoảng, là sự trống rỗng và hiểm họa sa đọa“ (Thánh Augustino) sẽ giúp ta sống xứng đáng theo đúng việc thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa, trải nghiệm qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, Đấng đang sống với chúng ta./-

Elisabeth Nguyễn

dimanche 27 août 2017

SỐNG ĐỨC TIN

Chúa Nhật XXI thường niên - Năm A
SỐNG ĐỨC TIN
SƯU TẦM
Trong câu chuyện trao đổi giữa Thầy và trò, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ:
- Người ta bảo Thầy là ai?
Các môn đệ liền đúc kết các dư luận quần chúng:
- Người thì bảo Thầy là Êlia, là Giêrêmia, là Gioan Tiền hô hay là một tiên tri nào đó.
Có lẽ lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã nhìn các ông và đưa ra một câu hỏi cân não:
- Còn các con, các con bảo Thầy là ai?
Giữa lúc các bạn còn lúng túng, phân vân, suy nghĩ, thì Phêrô đã mạnh dạn thưa:
- Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống.
Lời tuyên xưng của Phêrô thật đáng ca ngợi. Thế nhưng, nguyên một lời tuyên xưng mà thôi, thì chưa đủ để bảo đảm phẩm chất của một đức tin, bởi vì còn phải đợi xem đức tin ấy sẽ trải qua những thử thách nào và được tôi luyện trong thực tế ra làm sao? Khi tuyên xưng đức tin, hẳn Phêrô chưa thấy hết được những khó khăn sẽ gặp phải trên con đường tin sau này.
Thực vậy, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn sắp tới của Ngài, thì Phêrô đã phản ứng một cách dữ dội, ông đã quyết liệt can ngăn Ngài. Thử thách đức tin lớn nhất Phêrô đã trải qua chính là cuộc thương khó. Tại vườn Cây Dầu, ông đã hung hăng chém đứt tai người lính để bảo vệ Thầy, nhưng rồi sau đó, ông cũng đã chạy trốn. Tiếp đến, khi bị người tớ gái nhận mặt và chất vấn, ông đã chối Thầy tới ba lần. Rồi khi được tin báo Chúa Giêsu đã sống lại, thì cũng như các tông đồ khác, Phêrô vẫn chưa chịu tin ngay.
Chỉ khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, đức tin của Phêrô mới thực sự trưởng thành và trở nên kiên vững. Lúc đó đức tin biến thành một xác tín và người tin trở thành một chứng nhân, tuyên xưng niềm tin của mình không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng việc làm, bằng chính cuộc sống của mình.
Con đường Phêrô đã đi qua cho chúng ta thấy: Từ chỗ chấp nhận chân lý đức tin đến chỗ sống đức tin của mình là cả một chặng đường dài, đầy cam go. Con đường dài này là một cuộc thử lửa, một cuộc kiểm tra chất lượng.
Như một sản phẩm, trước khi được tung ra thị trường, cần phải được đưa qua khâu kiểm tra chất lượng để đo độ bền, độ cứng, độ dẻo, sức chịu nhiệt, chịu ẩm… Cũng vậy, chất lượng đức tin của chúng ta cũng cần phải được kiểm tra. Chính cuộc sống mỗi ngày sẽ kiểm tra chất lượng và định đoạt số phận đức tin của chúng ta. Nếu chúng ta sống hợp với điều chúng ta tin, nếu trong gian nan thử thách lòng tin của chúng ta vẫn không bị nao núng, nếu vì đức tin mà dám chịu thiệt thòi… thì quả thực đức tin đó đã được tôi luyện và đã trưởng thành. Đức tin đó không chỉ còn là một thái độ của trí tuệ mà đã trở thành một nếp sống.
Ban đầu đức tin của Phêrô còn non nớt, bởi vì Phêrô mới chỉ tuyên xưng bằng lời nói. Dần dần qua những khó khăn, những thất bại, những cố gắng, những phấn đấu, đức tin đó đã lớn lên và được tuyên xưng bằng chính cuộc sống. Và đó là một sự trưởng thành cần thiết.
Hãy cầu xin cho đức tin của mỗi người chúng ta cũng lớn lên, cũng trưởng thành theo nhịp độ của cuộc sống, giữa những gian nguy thử thách chúng ta gặp phải.