Affichage des articles dont le libellé est Thư Giãn Để Hạnh Phúc. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Thư Giãn Để Hạnh Phúc. Afficher tous les articles

mardi 8 avril 2014

Thư Giãn Để Hạnh Phúc

H.H. The Dalai Lama & Arjia Rinpoche, New York, 1999
 
Trần Khải
Có cách nào đơn giản nhất để có thể sống hạnh phúc trong cõi đời đủ thứ sinh lão bệnh tử này?

Chỉ muốn hỏi về một cách đơn giản thôi, nơi ai cũng có thể hiểu và ứng dụng được, khoan nói tới giáo pháp và các giải thích cao siêu...

Một nhà sư Tây Tạng đã trình bày với các sinh viên Hoa Kỳ về cách giữ gìn cho tâm bình an.

Phóng viên Madison Kurvers, viết trên nhật báo Iowa State Daily ấn bản ngày 5 tháng 3-2014 đã kể về nhà sư Tây Tạng này.

Vị thầy Tây Tạng này là Arjia Rinpoche, Giám đốc một thiền viện có tên là Tibetan Mongolian Buddhist Cultural Center ở Indiana, đã nói rằng các chìa khóa để giữ nội tâm an bình vơí Phật Giáo là trí tuệ và từ bi. Thầy nói, sự cảm nhận về môi trường chung quanh mình trong một điểm nhìn tích cực và từ bi là cách mà người ta nên thực hiện hành động của họ. Nghĩa là, mọi việc mình làm, đều nên xuất phát từ cảm thông và từ bi.

Vị sư này đã nói với các sinh viên vào ngày 4 tháng 3-2014, về cách tìm bình an trong tâm.

Vị thầy này nói rằng những gian nan trong suốt đời thầy đã hướng dẫn thầy tới bình an nội tâm.

Thầy đã có 16 năm lao động cưỡng bách trong trại tập trung thời Cách Mạng Văn Hóa, một phong trào để củng cố chủ nghĩa Cộng sản khởi sự từ năm 1966.

Sau khi ra tù, nhà sư được tái phục hồi vào chứ tu viện trưởng tu viện và giữ một chức vụ công quyền có thế lực. Vào năm 1998, trong khi vị thầy sắp trở thành một vị lãnh đạo trong Giáo Hội Phật Giáo Trung Quốc, thầy quyết định trốn khỏi Trung Quốc để sang Hoa Kỳ.

Thầy nói, trạng thái của tâm cũng đóng vai lớn trong việc tìm bình an trong tâm.

Vị sư Tây Tạng nói rằng có 3 trạng thái của tâm: vui (lạc), bất như ý (khổ), và không vui không khổ. Nhà sư nói, người ta có thể đổi trạng thái của tâm bằng cách nhận biết và thư giãn.

Nhà sư nói, “Thay vì tham lam, chúng ta có thể chia sẻ sự rộng lượng. Thay vì hờn giận ghen tức, chúng ta có thể chia sẻ sự tử tế. Thay vì si mê, chúng ta có thể nỗ lực hiểu và cảm thông người khác. Nếu chúng ta đổi cách chúng ta suy nghĩ, chúng ta có khả năng biến đổi trạng thái khổ não của tâm mình.”

Thư giãn là cách hiệu quả nhất để đạt tới trạng thái hạnh phúc, đây là chìa khóa để tìm bình an trong tâm.
Nhà sư nói, “Cách tốt nhất để thư giãn là xuyên qua tập thiền.”

Mọi người tham dự buổi thuyết giảng này đã tham dự tập thiền khoảng 10 phút hướng dẫn bởi nhà sư.

Nhà sư Arjia Rinpoche nói, “Chúng ta phải thư giãn tâm của mình, rồi thư giãn toàn than của mình. Khi thân thư giãn được, rồi mọi người quanh chúng ta sẽ thư giãn và vân vân. Hòa bình cũng thế -- nó khởi sự từ tâm mình, và từ đó lan sang khắp thé giới.

Nhiều sinh viên nghĩ rằng kinh nghiệm tập thiền này là điều họ có thể sử dụng cho đời sống hàng ngày của họ.

Connor Bright, sinh viên năm thứ ba của ngành tâm lý học và cũng là một Phật Tử, nói, “Tôi nghĩ rằng thiền rất quan trọng. Thời này nhiều người thiếu thư giãn, và họ không biết cách làm tâm lắng đọng bình an. Trong khi học ngành tâm lý học, tôi nhận ra rằng nỗi xao xuyến trong văn hóa của chúng ta đang trở nên tràn ngập. Đôi khi người ta không biết nói từ đâu, và sẽ là tuyệt khi bạn có thể dùng thiền để giúp lắng đọng tâm mình.”

Một số sinh viên nhận ra rằng tập thiền có thể giúp đối phó áp lực của đời sống căng thẳng, bận rộn trong đại học.
Leah Zeller, sinh viên năm thứ nhất về thiết kế, nói, “Mỗi khi tôi bị căng thẳng về thiết kế tạo mẫu, tôi sẽ nhớ rằng tôi có thể thư giãn nhờ tập thiền.”

Nhà sư nói rằng người theo tôn giaó nào tập thiền cũng được, và rằng bất kỳ ai cũng có thể thấy bình an nội tâm.

Nhà sư nói, “Bình an nội tâm không liên hệ gì với tôn giáo của quý vị hay ý thức hệ của bạn. Tâm chúng ta phảỉ thư giãn, rồi các sinh viên mới có thể học nhiều hơn và tập trung dễ dàng hơn. Chúng ta luôn luôn đối phó với mọi thứ chúng ta làm trong đời, và đôi khi chúng ta làm đúng, và đôi khi sai. Nhưng khi chúng ta có bình an nội tâm, chúng ta có thể lắng tâm xuống và tập trung vào những gì quan trọng.”