Affichage des articles dont le libellé est Tri ân vị ngoại trưởng Canada đã cứu vớt hàng chục ngàn thuyền nhân Việt - RFA. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Tri ân vị ngoại trưởng Canada đã cứu vớt hàng chục ngàn thuyền nhân Việt - RFA. Afficher tous les articles

mercredi 19 août 2015

Tri ân vị ngoại trưởng Canada đã cứu vớt hàng chục ngàn thuyền nhân Việt - RFA


Hình chụp kỷ niệm lần thứ 25 Dự Án 4000 cứu thuyền nhân đến Canada. Tiến sĩ Lê Duy Cần ngoài cùng bên phải và bà ngoại trưởng Flora Isabel MacDonald đứng giữa.


Ngày 26 tháng Bảy 2015 vừa qua, báo chí Canada loan tin về sự qua đời của một chính trị gia lỗi lạc 89 tuổi, bà Flora Isabel MacDonald, nói rằng Canada vừa mất đi một biểu tượng nhân bản và hào hiệp của con người và đất nước này.
Bà Flora MacDonald là phụ nữ đầu tiên ở Canada được bổ nhiệm chức vụ ngoại trưởng trong nội các của thủ tướng Joe Clark. Tuy chỉ hoạt động trên chính trường Canada một thời gian ngắn, bà Flora MacDonald đã thành công trong việc cứu vớt mấy chục ngàn người tị nạn , trong đó phần lớn là Việt Nam, sang Canada định cư và làm lại cuộc đời.
Tháng Bảy năm 1979, trước làn sóng vượt biên Việt Nam tấp vào các trại tị nạn Đông Nam Á, bà Flora McDonald từng mạnh dạn tuyên bố rằng Canada đồng ý chấp nhận 50.000 người tị nạn, 50% do chính phủ bảo trợ và 50% còn lại do các tổ chức hay đoàn thể tư nhân bảo trợ.
Đó là kết quả sự vận động và những vòng họp về thảm trạng hay khủng hoảng thuyền nhân giữa bà ngoại trưởng McDonald, ông Ron Aikey, bộ trưởng Bộ Di Trú Canada cùng với thủ tướng Joe Clark lúc bấy giờ.
Quyết định đã khơi gợi lòng nhân đạo, khởi đầu cho phong trào yểm trợ thuyền nhân Việt Nam trên toàn quốc Canada. Cần biết là trước đó Canada chỉ mới có Project 4000, tức Dự Án 4000, do đô trưởng Ottawa là bà Marian Dewar khởi xướng, và mục tiêu là chỉ nhận bốn hay năm ngàn người tị nạn cộng sản vào Canada mà thôi.
Thực ra khi vận động chính phủ Canada nhận thêm mấy chục ngàn người tị nạn hồi năm 1979 , theo mô thức 50% do chính phủ và 50% do tư nhân, bà Flora MacDonald đã dựa căn bản trên một đạo luật tu chính hai năm trước đó. Từ Ottawa, tiến sĩ Lê Duy Cấn, hiện là trưởng dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân bên Canada, giải thích thêm:
Năm 1977 chính phủ Canada đã tu chính Bộ Luật Di Trú, trong đó lần đầu tiên chính phủ Canada cho phép tư nhân được phép bảo trợ. Tức là thường trú nhân hay công dân Canada có công ăn việc làm và không có tiền án được quyền đứng ra để bảo lãnh người tị nạn. Tùy theo lợi tức của người đó, có thể bảo lãnh từ 1 đến 5 người tị nạn.
Theo chính sách tư nhân bảo trợ này thì những người bảo trợ phải chịu trách nhiệm về vấn đề ăn ở, chi phí định cư của người tị nạn trong vòng một năm thôi. Những chương trình tư nhân bảo trợ này sau đó rất là phổ thông. Cho đến 1979-1980, hơn 8.000 nhóm bảo trợ được thành lập ở Canada, để bảo lãnh người tị nạn Đông Dương, trong đó phần lớn là người Việt.
Là thuyền nhân đến định tại Ottawa, Canada, đã 32 năm, ông Dương Thanh Liêm, hiện là công chức Bộ Quốc Phòng Canada, cho biết:
Tôi đến đây với tư cách tị nạn và thuyền nhân năm 1983. Trước khi tôi đến thành phố Ottawa, là nơi tôi đang ở, có một chương trình gọi là Project 4000, nhưng khi bà Flora MacDonald trở thành bộ trưởng Bộ Ngoại Giao thì bà đã yêu cầu chính phủ Canada bảo trợ những người tị nạn và tăng con số lên . Tôi đến định cư tại Canada theo chương trình bảo trợ của chính phủ do sự yêu cầu của bà ngoại trưởng Flora MacDonald .
Trong truyền thống uống nước nhớ nguồn, người Việt ở Canada, nay là những công dân Canada gốc Việt, không bao giờ bỏ qua cơ hội để bày tỏ lòng tri ân đối với bà cựu ngoại trưởng Flora MacDonald khi còn sinh thời.
Đó là âm thanh buổi lễ tưởng niêm 40 năm Sài Gòn sụp đỗ, do Liên Hội Người Việt Quốc Gia tại Canada tổ chức hổi tháng Tư năm nay, mà vị ân nhân đầu tiên được long trọng giới thiệu là bà Flora MacDonald.
Lên tiếng trước cử tọa, bà Flora MacDonald cũng không bao giờ quên cảm ơn những người bà đã cứu vớt và cho định cư vào Canada, nói rằng bản tính siêng năng, lòng tự trọng và sự cố gắng vượt bực của người Việt là những cống hiến vô cùng cần thiết và quan trọng đối với đất nước Canada.
Chúa Nhật 2 tháng Tám 2015, tang lễ cố ngoại trưởng Flora McDonald diễn ra tại giáo đường Christ Church Cathedral ở thủ đô Ottawa, có sự hiện diện của cựu thủ tướng Joe Clark, bộ trưởng Bộ Lao Đông Kelly Leitch, đông đảo viên chức chính phủ, thủ lãnh các đảng chính trị, bạn bè, thân hữu cùng đại diện Hội Người Việt Toronto, đại diện Liên Hội Người Việt Canada. Vẫn lời ông Dương Thanh Liêm:
Trong buổi lễ tang ông cựu thủ tướng Canada Joe Clark có nhắc lại là bà đứng trước Liên Hiệp Quốc bà kêu gọi các quốc gia bảo trợ thuyền nhân tị nạn Việt Nam, bà cũng lên án chính phủ Việt Nam trong vấn đề gây khổ sỡ cho những người thuyền nhân ra đi.
Sau này, trong thời gian làm việc tôi có thỉnh thoảng gặp và nói chuyện với bà. Bà là một người rất bình dân và mở lòng với mọi người. Cho tới khi mất bà vẫn là một người thích hoạt động xã hội, làm thiện nguyện cho những chương trình tị nạn tại các quốc gia rất là nhiệt tình.
Không chỉ người Việt ở Canada ngưỡng mộ và tri ân bà Flora MacDonald, những viên chức cao cấp trong chính phủ thời bấy giờ, cũng hết lòng ca ngợi vị nữ ngoại trưởng đầu tiên mà họ nói rằng được làm việc chung với bà là một vinh dự.
Đó là lời ông Ron Atkey, bộ trưởng Bộ Di Trú Canada từ 1979 đến 1980, người trực tiếp lãnh trách nhiệm từ thủ tục định cư đến việc bố trí những tổ chức tư nhân bảo trợ như nhà thờ, các tổ chức từ thiện, các đoàn thể thiện nguyện thuộc các cộng đồng dân cư ở Canada, trong lúc bà ngoại trưởng MacDonald đảm nhiệm những công việc liên quan về mặt ngoại giao với bên ngoài:
Chúng tôi phải làm việc chung trong một toán trách nhiệm dưới quyền cựu thủ tướng Joe Clark, công việc không thể hoàn thành nếu có người này mà không có người khác. Tôi dám nói rằng bà MacDonald, tác giả chính của chương trình nhận thêm tới 50.000 người tị nạn vào Canada, là hành động khơi mào lòng trắc ẩn của thế giới, thôi thúc lòng nhân đạo từ hai nước bạn khác là Hoa Kỳ và Australia.
Với quan điểm Canada không thể một mình giải quyết cuộc khủng hoảng thuyền nhân, bà MacDonald đã tận dụng uy thế một vị ngoại trưởng để áp lực và thuyết phục Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Australia trước những thảm cảnh đau thương của thuyền nhân mà bà cho rằng đã khiến Canada và thế giới bàng hoàng rúng động.
Đó là sự đóng góp vô cùng to lớn và đáng kể của bà ngoại trưởng MacDonald , và chính phủ hiện hành lúc đó ở Ottawa đồng ý tăng gấp 10 lần so với hạn ngạch khiêm nhường từ chính phủ tiền nhiệm, nghĩa là từ 5.000 lên thành 50.000 người tị nạn được tiếp nhận vào Canada. Thoạt đầu việc tái định cư cho thuyền nhân chỉ diễn ra tại các thành phố lớn rồi dần dần lan ra các tỉnh bang xa hơn. Chính vì lẽ đó mà bây giờ đi tới đâu ở Canada người ta cũng tìm thấy người Việt Nam là vậy.
Đó là cộng đồng di dân tốt nhất mà Canada có được, cái mà Canada đạt được là những người Việt Nam đàng hoàng, lương thiện, chịu khó hội nhập vào xã hội đã tiếp nhận họ, đóng góp thêm những phẩm chất tốt lành và giá trị nhân bản cho đất nước này.
Nói về cố ngoại trưởng Flora MacDonald thì có nhiều điểm khó quên lắm, nhưng cái khiến người ta nhớ rất nhiều về bà chính là sự quyết tâm và lòng nhân hậu không mệt mỏi:
Đó cũng là kỷ niệm của ông Mike Molloy, cưu đại sứ Canada ở Jordan, từng là điều hợp viên chương trình cứu vớt thuyền nhân Đông Dương Indochinese Refugee Movement mà bà ngoại trưởng Flora MacDonald khởi xướng và vận động thành công:
Trong cuộc bầu cử mùa xuân 1979, ông Joe Clark và đảng do ông dẫn đầu đánh bại chính phủ Pierre Trudeau cầm quyền đã nhiều năm. Thủ tướng Joe Clark lúc đó chỉ định bà Flora MacDonald, chính trị gia nổi tiếng, một nhà hoạt động có khuynh hướng bảo thủ, lên nắm chức ngoại trưởng trong nội các của ông.
Chỉ sau vài ngày ngồi vào ghế ngoại trưởng, bà MacDonald đã có sự chú ý đặc biệt về thuyền nhân các xứ Đông Dương và đã nêu vấn đề này với tân chính phủ của thủ tướng Joe Clark, nói rằng tại sao Canada không thể tiếp nhận 50.000 thuyền nhân đang trong lúc đau khổ như vậy.
Và chỉ hai tuần sau , yêu cầu của ngoại trưởng Flora MacDonald và bộ trưởng Bộ Di Trú Ron Atkey được thủ tướng Joe Clark chấp thuận.
Tháng Bảy năm 1979, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc triệu tập phiên họp khoáng đại ở Geneva, kêu gọi các nước giúp giải quyết cuộc khủng hoàng thuyền nhân đang lên quá cao, nhất là từ Việt Nam. Bản thân bà MacDonald, trước khi đi dự phiên họp ở Geneva, đã gặp khá nhiều cản trở từ các vị bộ trưởng khác trong nội các.
Nhung tôi còn nhớ đến ngày 18 tháng Bảy năm 1979, bà ngoại trưởng Flora Macdonald chính thức tuyên bố trước quốc hội Canada rằng “Không, chúng ta không chỉ nhận 8.000 thuyền nhân mà chúng ta sẽ nhận 50.000 người”. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử tiếp nhận người tị nạn của chính phủ Canada tính cho tới thời điểm đó.
Hạn ngạch 50.000 người tị nạn Đông Dương vào Canada, phần lớn là người Việt Nam, sau đó được điều chỉnh lên thành 60.000. Đến cuối năm 1980, khoảng 64.000 người Việt Nam được chấp thuận cho tái định cư tại Canada, phần lớn đổ về Toronto, Montreal và Ottawa.
Từ giã chính trường năm 1988, bà Flora MacDonald vẫn làm việc cùng các tổ chức nhân đạo, trở thành chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của International Develpoment Center, chủ tịch tổ chức World Federalist Movement Canada.
Khi tang lễ kết thúc chiều Chúa Nhật ngày 2 tháng Tám, linh cửu của bà bà Flora Isabel Macdonald phủ quốc kỳ Canada được đưa về nguyên quán Nova Scotia, để an táng nơi phần đất bà được sinh ra.
Thanh Trúc