Affichage des articles dont le libellé est nên hay không?. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est nên hay không?. Afficher tous les articles

mardi 28 juillet 2015

Độc thân, nên hay không?

doc than 

Cỏ bên kia đồi bao giờ cũng xanh hơn bên này đồi, tâm lý chung ai cũng vậy, vẫn hay chỉ nhìn tới những thứ mình không có. Khi đem so sánh giữa hai lối sống gia đình và độc thân cũng thế, khó mà có được cái nhìn khách quan và chính xác. Mỗi lối sống đều có cái hay cái dở, tùy trường hợp của mỗi cá nhân. Người đã có gia đình thường tự hỏi cuộc sống của mình sẽ ra sao, có vui hơn không nếu bỗng dưng được sống cuộc đời độc thân trở lại, trong khi người độc thân thì lại bỏ ra không biết bao nhiêu thì giờ và công sức chỉ để cố tìm cho mình một ý trung nhân để chia sẻ nốt đoạn đời còn lại. Vậy thì, lối sống nào tốt hơn đây?
Hãy bắt đầu với người đã có gia đình. Phải nói thật, hôn nhân có nhiều điểm lợi của nó. Lập gia đình rồi người ta không còn phải mất công tìm người để hẹn hò nữa. Bây giờ là lúc người ta dành thì giờ để xây dựng hạnh phúc với một người đầu ấp tay gối với mình. Bây giờ là lúc người ta dành nhiều thì giờ ở nhà hơn là ra bên ngoài và bắt đầu khép mình vào cuộc sống có nề nếp, biết được ngày hôm đó sẽ phải làm những gì, chuyện gì sẽ xảy ra, sẽ gặp những ai v.v…
Hết rồi những ngày cứ phải làm bộ làm tịch thích những gì mình không thích hay phải đóng kịch làm nhân vật không thật sự là mình vì không còn cần thiết nữa, mà nếu có làm thì người bạn đời sẽ biết ngay thôi. Vậy, tốt nhất là cứ sống thật với chính mình.
Những cái hay khác của cuộc sống gia đình là lúc này có được cả hai nguồn thu nhập, và vì vậy, mua cái gì hay muốn có được cái gì thì cũng dễ hơn trước. Sáng dậy lúc nào cũng có một người bên cạnh mình, và nếu may mắn thì được pha cho ly cà phê, nhận được nụ cười thật tươi với lời chào buổi sáng. Đến ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm hay ngày lễ sẽ có người mở miệng chúc mình một câu hạnh phúc. Và may mắn hơn nữa thì thường lúc nào cũng có người sẵn sàng chờ mình trở về nhà sau một ngày dài, và nếu đó là một ngày không vui thì cũng người đó đang đứng trước mặt để mình trút cơn giận dữ. Nhưng sau khi đã nguôi ngoai đôi chút, chợt nghĩ lại và thấy mình quá lỗ mãng, thì nên thành tâm nói câu xin lỗi và sẽ luôn luôn nhận được một nụ cười bao dung cùng câu nói: “Sao, hết giận rồi hả?” Cuộc sống có gia đình là như thế đấy!
Tuy nhiên, người độc thân có một thứ rất quý mà người có gia đình rồi không có, đó là sự tự do. Người độc thân được tự do đi và về tùy ý mà không phải phân trần hay xin phép ai khác. Người độc thân được tự do hẹn hò, đi chơi với bạn bè mà không kể giờ giấc, được say sưa chè chén nếu muốn mà không phải lo lắng khi về nhà đã có người chờ sẵn ở bậc cửa với khuôn mặt hầm hầm, chỉ nhìn từ xa thôi cũng biết là đang giận dữ lắm. Người độc thân được tự do muốn mua gì thì mua mà không phải lo có người lúc nào cũng ở bên cạnh nhắc nhở rằng không được vì tháng này chi tiêu đã quá giới hạn. Được tự do muốn sống gọn gàng hay bề bộn trong căn nhà của mình tùy thích mà không sợ làm phiền tới người khác hay phải nghe những lời cằn nhằn nhiều khi rất đúng. Được tự do ngủ riêng một giường, muốn lăn qua lăn lại thế nào cũng được mà không sợ bị ai đó trong đêm tối bất ngờ húc cùi chỏ, và nhất là không sợ tiếng ngáy của mình ban đêm sẽ làm phiền lỗ tai của người bên cạnh, hay thậm chí làm người đó mất ngủ.
Người độc thân còn hơn người đã lập gia đình ở chỗ được tự do bay nhảy chứ không phải nằm gí một chỗ. Nếu người độc thân đó vừa tìm được một công việc mới, dù là ở một nơi xa ngàn dặm, nhưng nếu thích là có thể nhảy lên xe đi ngay chứ không phải đắn đo hỏi ý kiến gia đình hay ai khác xem họ nghĩ thế nào. Mà thường câu trả lời là không đi đâu hết, ở đây gần gia đình chứ tới đó biết quen ai.
Người độc thân có được cuộc sống tự do như thế đấy!
Không biết có phải vì dạo này người ta ham cuộc sống tự do mà càng ngày càng có nhiều người chọn sống độc thân.
Trong một cuộc thăm dò dân số năm ngoái, lần đầu tiên, số người trưởng thành ở Mỹ không hoặc chưa lập gia đình nhiều hơn số người đang có gia đình. Và cứ 7 người thì có 1 sống đúng nghĩa là độc thân, tức sống một mình – khoảng 31 triệu so với 4 triệu vào năm 1950 – và nhiều người trong số này là sống ở những đô thị.
Nhưng ngay cả ở những khu vực ngoài thành thị, số người sống độc thân cũng tăng đáng kể. Gần một nửa số trẻ em được sinh vào năm ngoái là của những bà mẹ độc thân. Số cha mẹ sống chung nhưng không cưới hỏi tăng gấp ba. Và số người Mỹ trưởng thành nhưng chưa từng bao giờ lập gia đình cũng đạt con số kỷ lục, chiếm khoảng 20%.
Trong khi ấy, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, chỉ có 30% số người trẻ nói rằng thành công trong hôn nhân là “một trong những điều quan trọng nhất” trong cuộc đời, thậm chí thấp hơn con số khá khiêm nhường trước đó là 47% của những người thuộc Thế hệ X (sinh trong khoảng những thập niên 1960-80) cũng nói như thế trong một cuộc thăm dò năm 1997. Bốn trong 10 người Mỹ còn đi xa hơn nữa, nói rằng hôn nhân ngày nay đang trở thành lỗi thời.
Nói ngắn gọn, các nhà nghiên cứu cho rằng xã hội Mỹ đang ở giữa thời điểm có một cuộc thay đổi tận gốc rễ cơ cấu xã hội. Có người, như nhà xã hội học Eric Klinenberg thuộc Đại học New York còn cho đây là “cuộc thay đổi xã hội sâu rộng nhất trong vòng 60 năm qua”. Cuộc thay đổi xã hội này, cũng theo Klinenberg, còn vượt xa hơn cái tính chất năng động trong các mối quan hệ giữa người với người, ảnh hưởng tới mọi khía cạnh sinh hoạt của cuộc sống, từ nhà ở, chăm sóc y tế đến nuôi dạy con cái và tôn giáo.
Một hiện tượng mà nhiều nhà nghiên cứu đều đồng ý là số người Mỹ trưởng thành không muốn lập gia đình hiện nay nhiều hơn so với một hai thế hệ trước. Năm 1950, những cặp vợ chồng chiếm 78% số hộ gia đình ở Mỹ. Năm 2011, theo báo cáo của Cục Kiểm tra Dân số, tỉ lệ đó giảm xuống chỉ còn 48%. Năm 2011, Cục Thống kê Lao động cho biết có 124,6 triệu người Mỹ tuổi từ 16 trở lên là độc thân, hoặc tương đương với 50,2% dân số Hoa Kỳ, so với 37,4% dân số độc thân vào năm 1976.
Nhưng bên dưới những con số nêu trên còn ẩn chứa một số điều ít người biết tới.
Một trong những điều cần phải nói tới là càng ngày người Mỹ càng lập gia đình trễ. Trong nhiều năm qua, tuổi trung bình của cả đàn ông lẫn đàn bà lần đầu lập gia đình cứ tăng đều đặn, và đến nay, đối với phụ nữ là 27 tuổi và đàn ông là 29 tuổi. Thập niên 1960, tuổi trung bình của phụ nữ lần đầu lập gia đình là 20 tuổi và đàn ông là 22. Nói cách khác, có thể vào một lúc nào đó số người độc thân chưa từng bao giờ lập gia đình có thể nhiều hơn trước, nhưng như vậy không có nghĩa là những người độc thân đó cứ ở vậy mãi.
Và số người học đại học cũng càng ngày càng đông. Nhóm người này thường không muốn lập gia đình sớm trước khi họ hoàn tất việc học. Có người học xong còn chờ cho có công việc ổn định đã rồi mới lập gia đình. Thành thử ra, lớp người này cũng đã góp phần làm cho tỉ lệ người độc thân ở Mỹ càng ngày càng nhiều là vậy.
Nhưng rốt cuộc thì đa số những người độc thân đến một lúc nào đó họ cũng sẽ lập gia đình và xây dựng một tổ ấm cho riêng mình giống như nhiều người khác.
Vậy, câu hỏi được đặt ra: Tại sao người ta vẫn cứ phải lấy vợ lấy chồng để làm gì? Nếu sống độc thân càng ngày càng trở nên bình thường và được xã hội chấp nhận rộng rãi, và nếu sống độc thân cũng đạt được sự mãn nguyện như những người đang có gia đình, vậy thì tại sao phần đông người ta vẫn cứ mong được có một gia đình riêng?
Câu trả lời ở đây, theo các nhà nghiên cứu, có nhiều lý do: từ ảnh hưởng tôn giáo đến truyền thống văn hóa, thậm chí còn có cả những cái lợi thực tiễn nữa. Những người ủng hộ cho lối sống thiên về gia đình chỉ ra cho thấy, những người có gia đình thường được hưởng nhiều quyền lợi hơn, từ quyền lợi về an sinh xã hội đến quyền lợi trong luật thừa hưởng gia tài. Và xã hội ngày nay mặc dù đã có nhiều cởi mở nhưng vẫn coi trọng những người có gia đình hơn vì được cho là nhóm người đã thật sự trưởng thành và có một đời sống tương đối ổn định hơn.
Một số nhà nghiên cứu còn cho biết lý do sâu xa vì sao xã hội ngày nay vẫn còn thiên vị lối sống gia đình hơn. Theo kết quả nhiều cuộc nghiên cứu, hôn nhân giúp người ta có sức khỏe tốt hơn, sống thọ hơn, có một cuộc sống ý nghĩa và sung túc hơn. Những người được mô tả là có một cuộc hôn nhân ổn định thì thường sống hạnh phúc hơn những người khác. Riêng ở Mỹ, các cặp vợ chồng sống chung vẫn được cho là nhóm mang đến một cơ cấu gia đình bền vững nhất cho trẻ nhỏ.
Với những người thiên về tôn giáo tin rằng hôn nhân là điều tất yếu và là một tặng vật. Thậm chí với xã hội thế tục, hôn nhân là một định chế từ lâu được xem như biểu tượng của sự ổn định xã hội.
Những cái hay và dở của cả hai lối sống độc thân và gia đình là còn tùy ở từng mỗi người. Nếu một người phải sống trong một hôn nhân không có hạnh phúc thì lẽ đương nhiên cuộc sống độc thân sẽ là một mơ ước. Cũng thế, nếu một người không tìm được một người bạn đời để cùng chia sẻ cuộc đời thì nhiều khi cũng cảm thấy rất cô đơn và cho dù là một người thành công đến mấy thì cuộc đời cũng mất đi nhiều ý nghĩa. Thế nên, điều quan trọng nhất ở đây là hãy vui với cuộc sống mà mình đang có và hãy thật sự sống với chính con người thật của mình.

Huy Lâm

TS sưu tầm