dimanche 11 août 2019

10 mẹo hay làm sạch nhà không phải dùng đến hoá chất

10 mẹo hay làm sạch nhà không phải dùng đến hoá chất

Chỉ bằng những nguyên liệu sẵn có trong nhà như giấm, chanh, bột nở, v.v…, chúng ta có thể dễ dàng thực hiện chiến dịch dọn dẹp nhà cửa mà lại tiết kiệm tiền và bảo vệ sức khỏe

Chúng ta tưởng rằng các sản phẩm tẩy rửa gia dụng đều an toàn nhưng hầu hết các sản phẩm này đều chứa hóa chất độc hại gây ô nhiễm không khí trong nhà và có hại cho sức khỏe của chúng ta.
Tuy nhiên, ngôi nhà hiện đại ngày nay chứa đầy các chất tẩy rửa nguy hiểm được sản xuất để giúp cho cuộc sống hàng ngày trở nên tiện lợi hơn và chúng ta đã quá quen với việc sử dụng các sản phẩm đó đến nỗi mà không thể thiếu chúng trong công cuộc dọn vệ sinh nhà cửa hàng tuần. Nhưng để có thể khiến cho ngôi nhà của chúng ta trở nên an toàn hơn, cần phải giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm có chứa chất độc hại.
Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích sẽ làm giảm việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong gia đình bạn. Việc chuyển từ chất tẩy rửa mua tại cửa hàng sang giải pháp thay thế tự chế an toàn hơn nhưng không kém hiệu quả sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền và đảm bảo sức khỏe.

1/ Loại bỏ vết bẩn trong nhà tắm


Bạn có thể dễ dàng làm sạch các vết bẩn từ gạch men bằng cách đổ hỗn hợp giấm và bột nở vào chỗ bẩn. Để như vậy trong một vài phút, sau đó rửa sạch với nước và lau lại bằng một miếng vải khô.
2/ Loại bỏ bụi bẩn và vết dơ

Cách tốt nhất để khiến cho các cửa sổ trở nên sạch sẽ là sử dụng hỗn hợp tự chế đơn giản từ nước và amoniac (1 phần amoniac với 10 phần nước). Sau khi rửa sạch, cần lau khô kính bằng một miếng vải sợi nhỏ hoặc khăn giấy để tránh để lại vệt. Thêm một cách khác để làm sạch cửa sổ của bạn là sử dụng một củ khoai tây tươi sống. Chỉ cần cắt nó ra làm đôi và chà xát lên cửa sổ. Sau đó lau lại bằng vải sạch.

3/ Làm sàn nhà trở nên sáng bóng

Lau sàn nhà gỗ cứng bằng nước và giấm là một biện pháp hoàn hảo nhằm làm cho sàn nhà sáng như mới. Chỉ cần ¼ tách giấm trộn với 1 lít nước, vậy là hoàn thành hỗn hợp chất tẩy rửa sàn nhà. Nếu sàn nhà là gạch lát thì phải sử dụng nước sôi để rửa.
4/ Khử cặn trong máy giặt


Để cho máy giặt không bị dính cặn và luôn trong tình trạng hoạt động ổn định, tốt nhất là nên làm sạch thường xuyên. Để làm được việc này, bỏ 80g axit citric vào máy giặt đang trống, thiết lập chu trình giặt và để cho máy tự làm sạch.
5/ Làm cho gương trở nên sáng bóng


Để làm cho gương trở nên sáng bóng, bạn nên tẩy nhờn trước. Để thực hiện việc này, chúng ta bỏ thêm 2 thìa chất cồn vào hỗn hợp đã sử dụng để tẩy rửa cửa sổ.
6/ Làm thế nào để rửa sạch thớt

Để khử trùng và làm sạch thớt, dùng một nửa quả chanh chà xát lên khắp mặt thớt, rắc muối thô lên và để như vậy trong 5-10 phút. Sau đó, dùng nửa quả chanh còn lại để lau lại bề mặt một lần nữa. Cuối cùng, rửa sạch thớt bằng nước ấm.
7/ Loại bỏ bụi bẩn trên thảm


Để làm sạch thảm, rắc bột nở và bột bắp lên bề mặt của thảm, để như vậy trong khoảng 15 phút, sau đó hút bụi. Phương pháp này sẽ giúp bạn loại bỏ bụi bẩn và loại bỏ mùi khó chịu trong nhà.
8/ Khử mùi hôi

Để loại bỏ mùi hôi trong tủ lạnh, sử dụng một phần nước chanh và nước sạch để rửa sạch. Có thể cho thêm một lượng nhỏ bột nở vào trong dung dịch. Điều này sẽ làm cho việc loại bỏ vết bẩn dễ dàng hơn.
9/ Làm sạch cửa và đá lát phòng tắm


Một cách để loại bỏ vết bẩn và nấm mốc trên gạch và cửa kính là sử dụng bột nở hoặc chanh. Nhúng bàn chải đánh răng ướt vào bột nở rồi cọ sạch đá lát. Sau khi hoàn thành, rửa sạch đá lát thật kỹ bằng nước sạch. Mỗi tuần một lần, dùng một nửa quả chanh chà xát lên bề mặt đá lát, để khoảng 10-15 phút, rửa sạch bằng nước và lau khô.
10/ Phù phép cho lò nướng sạch bong như mới


Trộn 1/2 chén nước và 1 chén bột nở vào với nhau. Trải lớp hỗn hợp lên bề mặt bên trong của lò nướng và để như vậy trong 15 phút. Sau đó rửa sạch các bề mặt thật kỹ lưỡng và nhẹ nhàng lau khô kính bằng một miếng vải mềm sạch. Đổ đầy giấm trắng chưng cất vào bình xịt, phun đều lên những vùng bị bẩn và để như vậy trong vòng 15 phút trước khi lau khô bằng khăn sạch.

samedi 10 août 2019

HÒN ĐÁ BÊN CÂY TÙNG

blank
Cội tùng cheo leo bên vực thẳm 



Sinh ra lớn lên tại khu ghetto nghèo đầy tội phạm thường thấy tại các thành phố lớn, John không có cha, mẹ nghiện ngập suốt ngày. Bao nhiêu tiền chính phủ trợ cấp hàng tháng cho gia đình nghèo, mẹ anh dùng mua rượu, thuốc.
John nhiễm theo tính xấu môi trường chung quanh, tuy chưa dính vào ma túy, nhưng thỉnh thoảng trốn học, cạy cửa xe, đột nhập nhà ăn trộm để có tiền mua những món đồ mình thích. John cũng từng bị cảnh sát bắt một lần nhưng dưới tuổi trưởng thành nên chưa phải ngồi tù.
Do mẹ anh không còn tiền mua thực phẩm, John ăn sáng ăn trưa tại trường học được Bộ Xã hội tài trợ cho học sinh nghèo. Chiều tối John cuốc bộ đến nhà ăn từ thiện dưới phố dành cho người khốn khó. Đến đây ăn đã nhiều năm nhưng John không quen ai trong nhóm thiện nguyện, bởi mỗi ngày có những nhóm khác nhau tham gia phục vụ.
Người duy nhất John nhớ đến là ông già tuổi ngoài 70 thường làm vào chiều thứ Bảy. Mỗi lần gặp, ông cười tươi, chào mọi người đến ăn rất chân tình. Ông khéo léo múc các món thức ăn vào khay, tươm tất gọn gàng. Khi đưa khay thức ăn, ông bao giờ cũng niềm nở, chúc người ăn ngon miệng như thể đang phục vụ cho vị khách cao quý tại nhà hàng sang trọng nào. Mỗi lần gặp ông, John cảm thấy an lạc, nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng khi vắng người, thấy John ngồi ăn lẻ loi một mình, ông pha ly nước cam đem đến.
John thường không giấu ông điều gì, ngay cả chuyện đánh nhau ở trường hay cạy xe ăn cắp vặt bị cảnh sát bắt. Ông ngồi nghe chăm chú gật gù, cám ơn người thiếu niên to lớn tuổi teen đã chia sẻ. Sau mỗi lần trò chuyện, ông luôn cười rất tươi khuyên John:
-­ Làm cậu bé tốt tính đi! Đừng làm chuyện dính vào phiền phức nữa, khi đến tuổi trưởng thành sẽ không tốt cho cháu.
John bản tính ương ngạnh, máu giang hồ ảnh hưởng từ khu ghetto, cười lanh lảnh, chỉ vào bắp tay cuồn cuộn, tự hào:
-­ Cháu mạnh, chắc như đá tảng. Không ai làm gì được cháu đâu!
Không giống như những người khác đến dùng cơm một thời gian rồi ra đi, John đến đây hàng ngày, năm này qua năm kia nên tất cả các nhóm thiện nguyện đều biết đến cậu tuổi teen này. John trở nên thân thiết gắn bó với ông già, gọi ông thân mật hí hỏm bằng cái tên tự đặt: Ông già Cool (cool: vui vẻđiềm tĩnh).
Bẵng đi một thời gian dài John đột nhiên biến mất không đến dùng cơm. Mọi người thắc mắc muốn tìm hiểu nhưng không biết địa chỉ. Mấy tháng sau, viên cảnh sát đến tìm ông Cool tại nhà ăn, trao bức thư:
“Ông Cool ơi, cháu đã 20 tuổi rồi, đang ngồi tù vì tội trộm cướp. Mẹ cháu mất hơn nửa năm nay. Tháng tới cháu sẽ được thả nhưng không biết phải đi đâu, làm gì để sống. Với hồ sơ tội phạm nếu không người bảo lãnh sẽ không ai muớn cháu, dù có tiền thuê nhà không ai sẽ cho cháu thuê. Cháu không muốn sống trở lại với giới giang hồ để tiếp tục con đường cũ. Cháu muốn làm người tốt, ông ơi!”.
*
Buổi chiều bước chân ra khỏi nhà tù, nét mặt John mệt mỏi, hoang mang cực độ sau một đêm trằn trọcCảm giác được tự do không đủ làm anh vui khi đối diện tương lai vô vọng phũ phàng. John thất thểu bước đến trạm đăng ký xe miễn phí dành cho tù nhân mãn hạn, dù không biết phải đi đâu. Hình như có ai đang vẫy tay nơi xa xa. Nụ cười tươi mát ấy, khuôn vóc điềm tĩnh ấy, không thể nào ai khác, John mừng rỡ kêu to, anh chạy ào đến ôm choàng, siết chặt:
-­ Ông Cool!
Ông xoa nhẹ, vỗ về tấm lưng chắc thịt của người thanh niên mới lớn, ông cho biết các nhóm thiện nguyện tại nhà ăn đã quyên góp mướn căn phòng gần đó giúp anh có nơi cư trú trong 6 tháng. Ông sẽ chở John về nhà ở tạm đêm nay rồi ngày mai đi nhận phòng. John bàng hoàng như không tin vào chính tai mình. Mới vài phút đây thôi anh thấy cô đơn lạc lõng tận cùng. Thế giới như không có anh, loài ngườinhư không biết đến sự hiện hữu của anh. Cảm giác được yêu thương, được chấp nhận làm John xúc động mạnh. Mắt anh hoen ướt đầu tiên trong đời.
Ông Cool sống một mình trong căn nhà nhỏ chỉ có một phòng ngủ nhưng có phòng khách lót sàn gỗ khá rộng thoáng. Nơi đây ngoài mấy kệ sách, vài tấm gối ngồi trên sàn của Nhật (tọa cụ), có chiếc bàn thô sơ chưng bức tượng đồng ngồi mỉm cười thật đẹp mà John không biết là ai và có ý nghĩa gì. 
Ông Cool làm sẵn món mì Ý đãi John trong buổi cơm chiều. John kể cho ông nghe nhiều khía cạnh khốc liệt đời sống trong tù. Ông chăm chú lắng nghe, gật gù. Dùng bữa xong, ông khuyên John đi tắm để ông lót nệm ngoài phòng khách cho John ngủ tối nay. Khi tắm xong, John bước rakhông gian thanh tịnh lạ lùng. Anh chợt giật mình khi thấy ông Cool phong thái rất an nhiên, ngồi thẳng lưng lặng im giữa căn phòng, miệng mỉm cười cùng bức tượng trên bàn.
Đột nhiên ông nói khẽ:
-­ Cháu ngồi xuống đây bên cạnh ta, trên tấm gối này, chúng ta cùng trò chuyện.
John nghe lời, ngồi xuống như dáng ông ngồi, nhìn vào bức tượng đang mỉm cườiKhông gian lắng đọng, anh nghe được cả hơi thở chính mình.
Ông Cool hỏi John:
- Cháu kể về đời sống trong tù, thế cháu có dự tính gì sau khi ra tù không?
-­ Cháu không biết bắt đầu ra sao ông ạ, mọi chuyện đối với cháu như ngõ cụt. Cháu may mắn được ban thiện nguyện giúp 6 tháng tiền trọ, nhưng sau 6 tháng cháu cũng không biết phải làm gì.
Vẫn nhìn bức tượng mỉm cười, dáng an nhiên bất động, ông lên tiếng:
- Thật ra cháu đã biết bắt đầu rồi đấy chứ. Cách đây 1 tháng, cháu biết bắt đầu bằng nhận thức rằng mình phải làm người tốt. Chính điều ấy đã gieo mầm cho những điều tốt đẹp hôm nay. Nếu cháu tiếp tụccon đường làm người tốt thì điều tốt đẹp sẽ tiếp tục đến với cháu.
-­ Nhưng cháu tiếp tục như thế nào hở ông? Cháu sẽ cố gắng xin việc làm, nhưng cháu không có kinh nghiệm gì. Ai sẽ mướn một người từng ở tù như cháu?
Nhẹ nhàng, ông Cool khuyên:
-­ Cháu hãy cố gắng kiếm việc làm hàng ngày. Ai cũng muốn thuê người tốt. Vậy cháu nên làm gì để mọi người có cơ hội biết cháu là người tốt?
Suy nghĩ một lúc lâu, John lên tiếng, giọng vẫn còn rổn rảng, khô cứng của giới giang hồ:
- Mỗi ngày ăn ở nhà ăn thiện nguyện, cháu sẽ giúp dọn dẹp, rửa chén hoặc bất cứ việc gì cần làm.
Ông Cool đôi mắt sáng biểu lộ niềm vui:
- Thật tuyệt vời! Cháu thấy không? Cháu biết mình phải bắt đầu như thế nào mà.
Chỉ vào bức tượng trên bàn, ông nói tiếp:
- Làm người tốt bao gồm làm người chung quanh cảm thấy an vui. Mỗi ngày cháu ráng bỏ ra 10 phút, ngồi một mình, thở nhẹ nhàng, tập cười như bức tượng kia cười. Gặp ai cháu cũng cười nhẹ nhàng như bức tượng nhé. Làm được như thế, nhiều điều mầu nhiệm sẽ đến. Cháu sẽ thấy đời sống đáng yêu, âu lo cũng bớt đi rất nhiều. Mấy mươi năm nay mỗi ngày ông đều ngồi tập cười như thế.
John trầm trồ:
- Ồ, thì ra vì thế mà ông lúc nào cũng cười rất tươi mát với mọi người. Ai cũng thân thiện quý mến ông. Làm thế nào cháu cũng có một tượng như thế? Tượng là Buddha (Phật) phải không ông? Phật là vị thánh như thế nào?
- Ông sẽ cho cháu một tượng như thế. Phật là người có thể tự tại mỉm cười trước mọi hoàn cảnh. Cháu có thể nghĩ đơn giản rằng: Phật là người lúc nào cũng cool. Sau này cháu muốn tìm hiểu thêm, ông sẽ nói thêm.
*
Ngày đầu tiên John trở lại dùng cơm tại nhà ăn, mọi người vui vẻ đón chào. Khi anh ngỏ lời muốn giúp những việc lặt vặt tại đây, các nhân viên từ thiện đều đồng ý nhưng có chút ưu tư trong lòng: không biết tính khí giang hồ trước đây của anh có làm công việc khó khăn nặng nề thêm? Thế nhưng chỉ sau vài ngày, mọi người thì thầm bàn tán “thằng John rổn rảng ngang ngược ngày trước sao giờ dễ thương quá đỗi!”.
John không hề câu nệ bất cứ việc gì, từ lau chùi dọn dẹp cho đến nấu nướng. Anh tâm niệm lời ông Cool dạy, lúc nào cũng niềm nở cười tươi. Gặp những người già, anh tận tình đem đồ ăn thức uống đến tận bàn và thỉnh thoảng hỏi han cần thêm chi. Chỉ một tháng, hơn trăm nhân viên tình nguyện của các tổ chức phục vụ tại đây đều quý mến John. Sau hai tháng, biết John hằng ngày nỗ lực xin việc làm, ông chủ chuỗi nhà hàng sang trọng thỉnh thoảng đến đây làm thiện nguyện đã ngỏ lời mướn anh.
Ông ta nói với John:
-­ Anh làm việc không lương mà vẫn vui tươi tận tình như thế thì tôi biết khi có lương anh sẽ làm tốt hơnthế nữa.
John như không tin vào tai mình, vui mừng cực độ khi lần đầu tiên trong đời được mướn đi làm.
Anh đến vội nhà ông Cool báo tin. Gặp ông, anh dang hai tay lên trời sung sướng hét to:
-­ Ông ơi! Thật nhiệm mầu, cháu có được việc làm rồi! Cháu thật không ngờ những điều ông dạy đơn giản như thế lại thành sự thật. Lãnh lương đầu tiên, cháu sẽ đãi tiệc ông.
Ông Cool hân hoan, giọng điềm đạm từ tốn:
- Ông thật vui cho cháu, nhưng phải nhớ nhé, mỗi ngày cháu tiếp tục cố gắng bỏ ra ít phút tập thở và cười. Nếu mình bỏ lơ đi một ngày thì sẽ từ từ thành hai ngày và rồi đánh mất chính mình tự lúc nào. Điều mầu nhiệm cũng sẽ biến mất. Thực hành trong mỗi ngày nhắc nhở ta sống trong ý thức, nhắc nhở ta sống trong chánh niệm.
John hỏi:
- Chiều Chủ nhật hàng tuần, ông cho cháu đến nhà ngồi chung với ông nhé, để dạy cháu thêm?
Ông Cool nhìn John trìu mến, vỗ nhẹ vào vai anh:
-­ Được chứ, ông rất vui khi cháu đến!
Cuộc sống John kể từ đó thuận buồm xuôi gió, anh được tài trợ đi học thêm, thăng tiến chức vụ theo năm tháng, từ người hầu bàn, thành ca trưởng, trợ lý. Mười năm sau anh được thuyên chuyển qua tiểu bang khác làm quản lý nhà hàng. Tuy xa ông Cool nhưng anh vẫn liên lạc mỗi tuần và hàng ngày thực hành lời ông dạy.
Một hôm, khi gọi thăm như thường lệ, anh rất ngạc nhiên khi nghe giọng nói đầu dây khác lạ. Qua vài câu xã giao thăm hỏi, giọng người lạ báo tin:
-­ Tôi là cháu Thiền sư Sota từ tiểu bang khác về, cách đây vài hôm bệnh viện báo tin ông đã qua đời anh ạ. Ông ra đi khuôn mặt vẫn cười rất an lạc. Ông có để lại di chúc, trong đó có nhờ anh tí việc.
*
Một ngày mùa xuân, người đàn ông tên John tuổi ngoài 30, theo lời dặn trong di chúc để lại của ông lão dạy thiền nơi miền Tây­ bắc Hoa Kỳ, lái xe hơn 2 ngàn cây số xuôi Nam tìm đến Vườn quốc gia Zion, bang Utah, Hoa Kỳ. Đoạn đường dài như bất tận ấy, một mình lái xe, John thả hồn trong cảm xúc nhớ thương ông lão vô biên... 
Sau một đêm nghỉ ngơi tại nhà trọ trong Vườn quốc gia, sáng sớm anh hỏi người quản lý giúp nhận định địa điểm tên một đỉnh núi trong hơn mấy chục đỉnh tại đây, John lần theo đường mòn đi bộ lên đỉnh núi cao. Con đường trắc trở, khi đi, khi trèo qua những khối đá, phải mất 4 giờ John mới tới nơi. Anh loay hoay ngang dọc trên đỉnh một lúc lâu rồi thốt lên mừng rỡ:
-­ Ô, đây rồi! Ôi, đẹp quá!
Một cây tùng xanh tươi mọc ngay trên bờ đông của đỉnh mà một phần thân trườn ra bên ngoài vực sâu thăm thẳm cả ngàn mét. Gió ở đây khá mạnh, rít từng cơn làm John cảm tưởng có thể hất văng anh xuống vực bất cứ lúc nào.
John mở ba-­lô lấy hộp đựng tro, anh quỳ xuống, cẩn thận tỉ mỉ, rót từng giọt tro qua những khe đá nơi rễ cây tùng mọc. Xong việc anh ngồi đối diện cây tùng, hồi hộp mở lá thơ ông Cool để lại, không biết ông viết gì trong ấy mà phải đến đây mới được đọc.
John giọng mỗi lúc mỗi nghẹn ngào:
“Thời trai trẻ biết bao lầm lỗi, ta lang thang đến đây. Trong tuyệt vọng chán chường ta có ý định nhảy xuống vách núi kết liễu cuộc đời. Nhưng mi ­- cây tùng ­ bỗng nhiên hiện diện vững vàng ngay trên vách. Ở đây chỉ có đá và gió, thân mi thì có thể rơi xuống vực sâu bất cứ lúc nào, nhưng mi vẫn sống khỏe trên vùng núi khắc nghiệt này, vẫn xanh, vẫn tươi mát chở che soi bóng cho hòn đá thô cứng bên cạnh. Cám ơn mi cứu mạng, giúp ta bài học nhiệm mầu. Xin gởi đám tro tàn góp phần cho mi”.
Nước mắt John tuôn chảy, xúc cảm từng cơn chấn động châu thân. John thấy mình hết sức phước đức được ông Cool bằng xương bằng thịt chỉ dẫn từng bước trong cuộc sống. Còn ông Cool khởi đầu chỉ có cây tùng. Anh thấy mình có nhiệm vụ làm cây tùng tiếp nối cho những hòn đá khác.
Nghẹn ngào, hùng tráng, anh ngâm to bài thơ ông Cool làm cho cây tùng trên đỉnh núi cao, giữa không gian lộng gió:
Núi sừng sững cao
Vực thăm thẳm sâu
Gió cuồng điên bạt!
Sấm gầm động vang!
Hề ta đứng! Mỉm cười cùng năm tháng
Soi bóng đời che chở đá cô liêu.

HỒNG CÔNG chuyển 

NỮ NHIẾP ẢNH GIA THỔ NHĨ KỲ NESE ARI


Nese Ari cũng là một thành viên của Cộng đồng nhiếp ảnh Your Shot của Tạp chí National Geographic & nhận được nhiều phản hồi tích cực. Trở về từ chuyến thăm Việt Nam cách đây 2 năm, cô vẫn giữ nguyên cảm nghĩ về đất nước Đông Nam Á xinh đẹp mà cô gọi là "một trong những đất nước quan trọng mà cô muốn được tận mắt chiêm ngưỡng".


Bức ảnh chụp diêm dân ở Việt Nam của Nese Ari từng xuất hiện trên báo Anh - Ảnh: Nese Ari NN.
Bức ảnh chụp cảnh 3 người phụ nữ Việt Nam ngồi đan lưới đánh cá của cô từng được các Biên tập viên ảnh của NatGeo chọn đăng trong mục Daily Dozen, là tuyển tập 12 bức ảnh đẹp nhất trong ngày trên Your Shot vào ngày 10-8-2017.



Ảnh chụp những người phụ nữ ngồi đan lưới đánh cá của Nese Ari từng được chọn đăng trên Daily Dozen - Ảnh: Nese Ari.

"Tôi đã leo lên cầu thang cao để chụp được bức ảnh này, họ cũng biết sự có mặt của tôi. Dù đang làm việc nhưng họ vẫn rất nhiệt tình giúp đỡ tôi bằng cách ngồi ở nơi có ánh sáng đẹp nhất. Những người phụ nữ trong trang phục hàng ngày đầy màu sắc, cộng với kết cấu và màu sắc tuyệt vời của chiếc lưới đánh cá, tất cả những gì mà người chụp ảnh muốn đều có ở đó", Nese chia sẻ về bức ảnh.

Ảnh Việt Nam của cô cũng được đăng trên các ấn phẩm báo chí nước ngoài như The Daily Telegraph (Anh), và Geo Voir Le Monde Autrement (Pháp). Đồng thời, trang Instagram của Nese cũng thường xuyên xuất hiện hình ảnh Việt Nam.


Bóng người diêm dân in hắt xuống mặt nước trong một bức ảnh của Nese Ari.

Nhiếp ảnh không phải là nghề nghiệp chính của Nese, mà hiện tại cô đang làm Quản lý Tài chính cho một Công ty xuất nhập cảng quốc tế ở Istanbul.

"Tôi xem nhiếp ảnh là một công cụ để giao tiếp với mọi người. Mỗi bức ảnh đều chứa đựng một câu chuyện đời đằng sau đó. Nhiệm vụ của người chụp ảnh là nêu những câu chuyện này theo cách đơn giản và thẩm mỹ nhất," nữ Nhiếp ảnh 38 tuổi chia sẻ với Tuổi Trẻ Online lý do mình gắn bó với việc chụp ảnh 7 năm nay.


Tay máy người Thổ Nhĩ Kỳ Nese Ari - Ảnh: NVCC.

Giữa năm 2016, Nese cùng một số bạn bè có dịp đến Việt Nam và dành 16 ngày để đi chụp ảnh từ Bắc vào Nam.

"Tôi bị mê mẩn" là từ mà cô dùng để kể lại chuyến trải nghiệm lần đó và chia sẻ rằng nhất định mình sẽ quay trở lại Việt Nam.

Một số ảnh chụp Việt Nam của Nese Ari:














Theo Tuổi Trẻ. ./.