Chúa
Ki-tô Vinh Quang và cộng đoàn Giao Ước mới
Gioan
20-21
Mầu
nhiệm Thương Khó và Phục sinh là hai thì của một mầu
nhiệm: Chúa Giêsu được tôn vinh:
thì thứ nhất là tôn vinh trên thập giá, thì thứ hai là Chúa tỏ Vinh Quang cho cộng đoàn của Giao Ước Mới.
thì thứ nhất là tôn vinh trên thập giá, thì thứ hai là Chúa tỏ Vinh Quang cho cộng đoàn của Giao Ước Mới.
Trong thì
thứ nhất, chúng ta đã thấy cả lịch sử Cứu Độ
trong Cựu ước được làm mới: tạo dựng mới, Ixaac
mới, xuất hành mới, Giao ước mới và điều răn mới,
Đền Thờ mới, Đất Hứa mới… tất cả trong Chúa
Giê-su và nhờ Chúa Giê-su: Khởi Đầu Mới (Phụng vụ
Vọng Phục Sinh có các bài đọc Cựu Ước tương ứng
với các chủ đề trên: tạo dựng, Ixaac, Xuất Hành, Giao
Ước, Giao Ước mới).
Không có
sách Tin Mừng nào kể việc Chúa sống lại, vì đâu có
ai ở trong mộ mà thấy! Tất cả bốn sách tin Mừng và
lời rao giảng của các tông đồ chỉ kể lại kinh
nghiệm gặp gỡ Chúa Giê-su phục sinh.
Gioan kể những
cuộc gặp tại Giê-ru-sa-lem (chương
20) và tại Biển Hồ (chương
21). Chúng ta sẽ lần lượt đọc hai
chương này.
Trước
hết nên chú ý tới lối viết của Gioan,
rất giống nghệ thuật điện ảnh
hiện đại, vì điện ảnh là kể chuyện bằng hình ảnh,
kể chuyện thì dùng lời. Điện ảnh thì người xem phải
“nối” các hình hoặc chuỗi hình với nhau. Nghe kể
chuyện thì phải để cho lời kể vào qua lỗ tai, tác
động trên trí tưởng tượng và tình cảm của mình. Con
nít nghe kể chuyện thì thấy như mọi sự đang xảy ra
trước mắt, và phản ứng bằng vui, buồn, lo, sợ… Tin
mừng Gioan không
chỉ súc tích, nhiều tầng ý nghĩa, nhiều cách qui chiếu
với Cựu Ước như chúng ta đã thấy trong Cuộc Thương
Khó; nhưng còn là bậc thầy trong nghệ thuật kể chuyện.
Ta cần nghe với tâm tình và thái độ trẻ thơ.
Ngày thứ
nhất trong tuần tức là ngày chúa nhật của chúng ta.
Người Do Thái nghỉ ngày thứ bảy để tham dự vào sự
nghỉ ngơi của Thiên Chúa (Xh 20,11)
và để nhớ Chúa đã giải thoát khói ách khổ sai bên ai
Cập (Đnl 5,14-15).
Ngày thứ nhất bắt đầu khi mặt trời lặn buổi chiều
ngày thứ bảy.
Ngày thứ nhất là ngày
Thiên Chúa bắt đầu tạo dựng.
“Lúc
khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn
trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực
thẳm” (St 1,1-2).
“Sáng
sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà
Maria đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.
Bà liền chạy về gặp ông Simon Phê-rô và người môn đệ
Chúa Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa
đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở
đâu” (Ga 20, 1-2).
Tôi xin
phép đọc đoạn mở đầu này như xem một đoạn phim để
giúp bạn đọc làm quen với cách đọc này. Câu mở đầu
của Gioan 20 và câu
mở đầu của sách Sáng thế
có nhiều yêu tố giống nhau: trời còn tối thì đâu đã
thấy được hình dạng rõ ràng, cửa mộ mở toang như
vực thẳm. Cái chưa có hình dạng và bóng tối xâm nhập
tâm trí bà Maria Mac-đa-la. Chúng ta nghe tiếng động đầu
tiên: bước chân phụ nữ chạy. Tiếng gõ cửa. Hai người
đàn ông thò đầu ra. Giọng phụ nữ hốt hoảng: “Người
ta đã đem Chúa đi khỏi mộ”: người
ta là ai? Bà đã vô mộ đâu mà biết người ta đã đem
Chúa đi khỏi mộ? Dĩ nhiên làm sao biết họ để Người
ở đâu! Bà lại gọi Người là “Chúa” nữa ! Là Chúa
thì ai mà đem đi được? Trong cái hoang vu của ngôi mộ
mở toang giữa bóng đêm, tất cả đều hoang mang. Nhưng
câu thứ hai của bà gợi lại câu hỏi đầu tiên của
hai môn đệ: “Rabbi, Thầy ở đâu?”
(Ga 1,38). Maria
Mac-đa-la trong bối cảnh này cũng gợi lại hình ảnh và
lời các bà đỡ chống chế với Pharao về việc để cho
con trai Hip-ri sống: “Chúng tôi đến
chưa kịp thì họ đã sanh rồi”.
“A-đam mới” nằm trong mộ như bào thai trong lòng mẹ,
bà đỡ tới thì đã ra rồi và “Họ
đã đem đi rồi”.
Tuy nhiên
bà “phản” đạo diễn, vì đạo diễn ra lệnh cho trên
màn hình cho thấy chỉ có mình bà đi ra mộ, thế mà bà
lại nói “Chúng tôi không biết”.
Chúng tôi là những ai? Tại sao “đạo diễn” lại cho
thấy một mình bà Maria Mac-đa-la? Chúng ta sẽ phải chú ý
đặc biệt tới nhân vật này. Xin nhớ lại cảnh đứng
gần thập giá, ta chỉ thấy thân mẫu, Dì Maria và bà
Maria Mac-đa-la, cho tới khi máy quay phim đưa hình từ tầm
mắt của Chúa Giê-su chúng ta mới thấy người môn đệ
Chúa Giê-su thương mến đứng bên thân mẫu. Bây giờ thì
chúng ta thấy hai người đàn ông, Simon Phê-rô (đã biến
khỏi màn hình từ lúc gà gáy cái đêm trong dinh thượng
tế) và người môn đệ Chúa Giê-su thương mến đã “đón
Đức Mẹ về nhà mình” từ trên Núi
Sọ, sau khi được “sinh làm con” của thân mẫu Chúa
Giê-su, có Dì Maria và bà Maria Mac-đa-la chứng kiến. Chúng
ta chờ Dì Maria tới gọi, nhưng không phải. “Bà đỡ”
tới báo tin vui: “Sanh rồi, mà không biết họ để ở
đâu”.
Bây giờ
thì hai người đàn ông vọt ra khỏi cửa, chạy đi xác
minh và làm chứng. Một người “nhà”: “người môn đệ
Chúa Giê-su thương mến”, đứa “con mới” của thân
mẫu đã trở thành E-và mới; và một người đã trở
thành “xa lạ” vì ba lần chối không biết, không có
liên hệ gì với Chúa Giêsu. Tiếng bước chân hai người
đàn ông cùng chạy. Người môn đệ kia nhanh chân hơn,
tới trước. Ông không vào, chỉ cúi nhìn vào, thấy các
băng vải còn đó… Ông Phê-rô tới sau, chạy thẳng vào
bên trong và thấy rõ hơn: khăn che đầu cuốn riêng ra một
nơi, không để lẫn với các băng vải. Người tới trước
vào theo, và cũng thấy như vậy. “Ông
đã thấy và ông đã tin”. Thế là
hai nhân chứng kiểm tra đúng phương pháp: người tới
trước đứng chờ, nhìn vào đã thấy, tuy chưa hoàn toàn
rõ. Ông chứng kiến ông Phê-rô đi vào, rồi ông vào sau.
Như vậy không ai làm xáo trộn hiện trường, và hai người
thấy như nhau. Ông “người nhà” thấy và tin, nhưng
không nói tin cái gì. “Thực ra, trước
đó hai ông chưa hiểu rằng theo lời Kinh Thánh thì Đức
Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”;
vậy nếu như đã hiểu Kinh Thánh thì khỏi cần chạy ra
mộ kiểm chứng! Rồi cả hai ông lững thững ra về.
Nhìn hai
ông quay lưng đi, ta bỗng nghe tiếng phụ nữ thút thít.
Bà Maria Mac-đa-la trở lại từ hồi nào và đang khóc bên
mộ. Trở lại cảnh bà Maria Mac-đa-la một mình ra mộ lúc
trời còn tối rồi chạy về la hoảng, ta lại nhớ sách
Diễm Ca, đã được
gợi lên từ chuyện xức dầu ở Bê-ta-ni-a.
“Suốt
đêm trên giường ngủ, tôi tìm người lòng tôi yêu dấu,
tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp. Vậy tôi sẽ đứng
lên, đi rảo quanh khắp thành, nơi đầu đường cuối
phố, để tìm người yêu dấu của lòng tôi… Bọn lính
gác gặp tôi, tôi hỏi họ: “Các anh có thấy chăng người
lòng tôi yêu dấu?” Vừa rời họ, tôi đã gặp người
lòng tôi yêu dấu. Tôi vội níu lấy chàng và chẳng chịu
buông ra cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu, tới khuê
phòng người đã cưu mang tôi” (Dc
3,1-4).
Ở chương
5, người yêu gõ cửa giữa đêm khuya, nàng không chịu
mở. Đến khi nghĩ lại và mở thì người yêu đã bỏ đi
rồi. “Chàng đi rồi hồn tôi như đã
mất, tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp, tôi mãi gọi
chàng, không một tiếng đáp… Bọn lính gác gặp tôi,
chúng đánh tôi đến mang thương tích. Này thiếu nữ
Giê-ru-sa-lem, tôi van nài các bạn: gặp người tôi yêu
dấu các bạn sẽ nói gì? Xin cho nhắn rằng: tôi đang ốm
tương tư.” (5,4-8).
Cuối
cùng nàng cũng biết người yêu đang ở đâu: “Người
tôi yêu đã xuống vườn nhà” (6,2).
Sách Diễm
Ca nói về những giai đoạn khác nhau
trong Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân. Cuộc tìm kiếm
thứ nhất gợi lại biến cố Xuất Hành và vào Đất
Hứa, cuộc tìm kiêm thứ hai gợi lại biến cố lưu đầy
và trở về.
Cuộc gặp
gỡ giữa Chúa Phục Sinh với Maria Mac-đa-la được diễn
tả bằng nhiều lời và hình ảnh gợi lại hai lần mất,
tìm và gặp trong sách Diễm Ca.
Maria đi ra mộ lúc trời còn tối. Sau khi la hoảng, hoang
mang, lại thơ thẩn đứng khóc bên mộ Chúa. Hai người
đàn ông chạy ra mộ, vào kiểm tra rồi đi về, gợi hình
ảnh lính canh đi tuần. Bà cúi nhìn vào như tìm lại
trong mộ lần nữa thì lại thấy hai thiên thần canh giữ
hai đầu nơi Chúa đã nằm. Thiên thần
hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người
ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để
Người ở đâu!” Nói xong, bà
quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không
biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su hỏi bà: “Này bà, sao
bà khóc? Bà tìm ai?”
Bà Maria tưởng là người làm
vườn, liền nói: Thưa ông, nếu
ông đã đem Người đi, thì xin
nói cho tôi biết ông để người ở đâu,
tôi sẽ đem người về. » Đức
Giê-su gọi bà : « Maria ! »
Bà quay lại và nói bằng tiếng Hip-ri : « Rap-bu-ni !»,
nghĩa là « Lạy Thầy ! » Đức Giê-su bảo :
« Thôi, đừng giữ Thầy
lại, vì Thầy chưa lên cùng
Chúa Cha, nhưng hãy đi gặp anh em
Thầy và bảo họ : «Thầy
lên cùng Cha của Thầy cũng là
Cha của anh em, cùng Thiên
Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em ».
Thế
là vừa rời bọn lính gác tôi đã gâp người lòng tôi
yêu dấu ! Câu hỏi của thiên thần tạo dịp cho bà
nói lên nỗi lòng. Chúa Giê-su hỏi cùng một câu, nhưng
thêm : « Bà
tìm ai ? » ;
chúng ta nghe gợi lại câu hỏi đầu tiên Chúa đặt cho
hai môn đệ (1,
38). Hai lần trả
lời bà lặp lại cùng một nội dung bà đã báo động
cho hai môn đệ. Thấy Chúa Giê-su bà lại tưởng ông làm
vườn ; gợi lời trong Diễm Ca: « người
yêu tôi đã xuống vườn nhà ».
Chúa gọi tên bà ; gợi lại lời Chúa nói về mình
như mục tử : « Anh
gọi tên từng con chiên »
(Ga 10,3) và
Diễm Ca :
« Xin đặt
em như chiếc ấn trên trái tim anh, như chiếc ấn trên
cánh tay anh »
(8,6).
Ta giật mình vì không thấy nói bà níu lấy Chúa, nhưng
đã nghe Chúa bảo : « thôi,
đừng giữ Thầy
lại… ».
Có bản dịch là « đừng chạm đến Thầy »,
nhưng cách dùng động từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa lả
bảo người kia ngưng việc gì đã bắt đầu rồi. Diễm
Ca : « Tôi
vội níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra cho đến khi
đưa vào nhà thân mẫu ».
Khi Ixaac cưới Rebecca, dù bà Sara không còn nữa nhưng
« cậu Ixaac
đưa Rebecca vào lều của bà Sara, mẹ cậu. Cậu lấy cô
làm vợ » (St 21,67).
Lý do Chúa Giê-su bảo Maria đừng níu Người lại là “vì
Thầy chưa lên cùng Chúa Cha”.
Giao ước Chúa Giê-su đã lập là cho chúng được đến
với Chúa Cha, nên Chúa Giê-su đóng vai chủ động: chờ
Thầy lên cùng Chúa Cha đã! Nhưng trong khi chờ đợi thì
Maria nhận được nhiệm vụ phải thi hành ngay:
“nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ”.
Chúng
ta lại ngạc nhiên vì Chúa sai bà Maria « đi
tìm gặp anh em của Thầy » chứ
không phải « các môn đệ của Thầy »! Sau tiệc
cưới Cana, Chúa Giê-su đi xuống Caphanaum cùng với thân
mẫu, anh em của Chúa và các môn đệ. Đến
chương thứ bảy thì Chúa tách khỏi anh em: “Thời
của tôi chưa đến, nhưng thời của các anh lúc nào cũng
thuận tiện. Thế gian không thể ghét các anh, nhưng tôi
thì nó ghét… Các anh cứ lên dự lễ đi.” (7,6-8).
Từ trên thập giá Chúa cho người môn đệ yêu dấu thành
con của thân mẫu, tức là em của mình. Như đã giải
thích, người môn đệ ấy tiêu biểu cho tất cả các môn
đệ: “Ai đón nhận, tức là tin vào
Người thì Người cho họ trở nên con Thiên Chúa, sinh ra
do bởi Thiên Chúa” (Ga
1,12). Bây giờ không còn môn đệ, chỉ
còn anh em, những người anh em sinh trên Núi Sọ.
Tại sao
Chúa lại sai bà Maria đi tìm anh em? Bà Maria đã đóng vai
« bà đỡ” trên Núi Sọ và sáng sớm nay hốt hoảng
đi báo tin “sinh rồi!”. “Bà đỡ” thì biết anh em
mới sinh của Chúa! Bản tin nhắn bà phải đem là: ”Thầy
lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, cùng Thiên
Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em”.
Bà đỡ cho biết ai là Cha của những người anh em. Với
tin nhắn này thì Chúa công bố là Giao ước đã thành
tựu: Cha của Thầy cũng là Cha của
anh em; Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh
em.
Bà nói
với các môn đệ: “Tôi đã thấy
Chúa” hoàn chỉnh những lời
tuyên xưng của họ từ ban đầu; An-rê: “Chúng
tôi đã
thấy Đấng
Ki-tô”, Nathanaen: “Thầy
là con
Thiên Chúa, là vua It-ra-en”.
Từ lúc hoàn tất mọi sự trên thập giá thì vinh quang
Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su đã biểu lộ trọn vẹn: Đức
Giê-su đã được tôn vinh là Chúa; Đức Giê-su nằm trong
mộ với tư cách là Chúa. Trong cái hoang mang giữa đêm
tối, bà Maria còn lẫn lộn nên nói “người ta đã đem
Chúa đi khỏi mồ”, nhưng về mặt khác thì lại đúng,
chính là Chúa Cha đã tôn vinh Con, đem Con đi khỏi mộ,
như Chúa Giê-su đã cầu xin.
Trước
khi đi xa hơn, cần nói riêng về nhân vật Maria Mac-đa-la
này vì có những sự lẫn lộn trong hình ảnh quen thuộc
về bà. Trong ba sách Phúc âm Nhất Lãm bà đều đứng đầu
danh sách các bà đứng xa xa nhìn Chúa Giê-su trên thập
giá và đi ra mộ (Mt 27, 55-56 và 28,1 //
Mc 15,40 và 16,1// Lc
24,10). Riêng Luca
cho danh sách các bà đi theo Chúa Giêsu từ Ga-li-lê (8,2)
thì cũng kể tên bà đầu tiên; và cũng chỉ có Luca
cho biết thêm : “bà Maria gọi là
Maria Mac-đa-la, là người đã được giải thoát khỏi bảy
quỷ”. Khi kể về các bà đứng xa
xa nhìn Chúa Giê-su trên thập giá thì Luca
chỉ nói “tất cả những người quen
biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người
từ Ga-li-lê”. Trong câu chuyện thông
thường và có khi cả trong các bài giảng, người ta hay
đồng hóa bà với người phụ nữ tội lỗi vào xức dầu
cho Chúa khi Chúa đang ăn ở nhà một người Pha-ri-sê (Lc
7, 36-50). Chẳng có gì cho phép đồng
hóa hai nhân vật này.
Trong Tin
Mừng Gioan thì ta
thấy bà xuất hiện trên Núi Sọ, tên bà đứng sau thân
mẫu Chúa Giê-su và Dì Maria, rồi bà là người đi ra mộ,
cũng chẳng đem theo dầu thơm như trong Luca
23,56-24,1. Vậy ta hãy tôn trọng các
“thông tin” của mỗi sách Tin Mừng, đừng “xào chung”
các nhân vật hay các sách tin Mừng, vì sẽ gây lẫn lộn
và không hiểu được ý nghĩa. Đừng “vẽ rắn thêm
chân”. Tin Mừng Gioan
không cho thêm thông tin riêng về bà Maria Mac-đa-la ngoài
cái tên và vị trí của bà trên Núi Sọ: sau thân mẫu và
Dì Maria thôi, và hai lần bà ra mộ một mình. Như vậy có
nghĩa là trong Tin Mừng thú tư, về phía phụ nữ ngoài họ
hàng của Chúa Giê-su thì bà Maria Mac-đa-la là người gần
Chúa Giê-su nhất. Phía đàn ông thì Người môn đệ yêu
dấu trong bản văn không có tên gọi, trở thành biểu
tượng của mọi người được Chúa yêu mến và thí mạng
cho. Maria Mac-đa-la thì có tên riêng, là người ngoài gia
đình ruột thịt của Chúa Giêsu, trở thành hình ảnh của
cộng đoàn dân của Giao Ước mới đi tìm Chúa của mình.
[Những suy diễn ngoại đạo và phạm thượng về tương
quan giữa nhân vật này với Chúa Giê-su trong các tiểu
thuyết từ cổ chí kim, không đáng chúng ta quan tâm, ví
đó chỉ là suy diễn của kẻ không hiểu gì về Lời
Chúa mà chỉ biết những chuyện phàm tục, chỉ đáng
chúng ta xóa bỏ tức thì như bao nhiêu cái nhảm nhí chui
vào hộp thư điện tử mỗi ngày.]
Gợi hình
ảnh của sự đi tìm và gặp được người yêu trong sách
Diễm Ca để nói
về việc cộng đoàn của Giao ước mới đi tìm Chúa của
mình quả là tuyệt vời. Cả lịch sử Hội thánh, cộng
đoàn của Giao Ước mới cũng như đời sống của mỗi
Ki-tô hữu là một lịch sử xoay vần theo bốn thì: có,
mất, tìm và gặp Chúa, cũng giống như dân Chúa trong Cựu
Ước. Vì thế mà Chúa Giê-su bảo “Hãy
tìm kiếm nước Thiên Chuá” (Lc
12, 31). Chừng nào được ở
với Chúa Giê-su tại nơi Chúa ở (x. Ga 17, 24),
tức là trong lòng Chúa Cha thì
mới hết phải đi tìm, vì lúc đó “tôi
thuộc trọn về người tôi yêu và người tôi yêu thuộc
trọn về chàng” (Dc
8,3).
Trong Diễm
Ca, nàng là thửa vườn của chàng:
“Gió
bấc nổi lên đi và gió nam hãy ùa tới, thổi mát vườn
của tôi cho hương thơm lan tỏa! Người tôi yêu cứ vào
vườn của chàng mà thưởng thức hoa thơm trái ngọt.
– Này
em gái của anh, người yêu anh sắp cưới, vườn của
anh, anh đã vào rồi, đã hái mộc dược, hái cỏ thơm…”
(Dc
4,26-5,1).
Khi
Maria Mac-đa-la tưởng Chúa Giê-su là người làm vườn thì
hóa ra là đúng rồi. Chúa Giêsu vừa là người yêu trong
sách Diễm Ca
vừa là A-đam mới. Sách Sáng
Thế chép: « Đức
Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn E-đen
để cầy cấy và canh giữ đất đai »
(St 2,15).
Chúa chết nằm ở mộ trong vườn, Chúa sống lại cũng
xuất hiện trước tiên trong vườn. Hội Thánh là thửa
vườn của Chúa. Mỗi người là thửa vườn của Chúa.
Maria đóng vai « nàng »
trong sách diễm Ca tượng trưng cho Hội thánh, trong khi
người môn đệ
yêu dấu tượng
trưng cho mỗi người đã tin vào Chúa để lãnh ơn cứu
độ và được tái sinh làm con Thiên Chúa.
Trên
bình diện Hội Thánh thì ông Phê-rô và người môn đệ
yêu dấu lại tượng trưng cho hai khía cạnh không thể
tách rời : cơ cấu và lòng tin yêu. Những trình thuật
tiếp theo trong hai chương 20-21
sẽ diễn tả hai khía cạnh này. Tôi sẽ viết tiếp, xin
đón đọc phần tiếp theo.
Mừng
Chúa Phục Sinh, Halleluia!
Giê-ru-sa-lem,
Thứ bảy Tuần Thánh 2014 – L.M. Nguyễn công Đoan, S.J.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire