dimanche 14 décembre 2014

Số hóa tài liệu của Albert Einstein

Số hóa tài liệu của Albert Einstein

Người dùng máy tính kết nối với Internet có thể khám phá hơn 80.000 trang tài liệu còn lưu lại của thiên tài vật lý nổi tiếng Albert Einstein.
Anh-Hoan-thanh-so-hoa-tai-lieu-8456-4028
Chữ ký của Albert Einstein trên một tài liệu gốc được trưng bày tại Đại học Hebrew. Ảnh: Debbie Hill/UPI
"Digital Einstein" là dự án số hóa các tài liệu để lại của Albert Einstein. Đây là công trình hợp tác giữa Nhà xuất bản Đại học Princeton (Mỹ) và Đại học Hebrew (Israel). UPI cho hay, nhóm nghiên cứu bắt đầu phân loại các bức thư, giấy tờ, bưu thiếp, sổ tay và nhật ký của Einstein từ năm 1986.
Hơn 5.000 tài liệu trực tuyến được viết bằng tiếng Anh và tiếng Đức, với nội dung về đời sống của Einstein và giải thưởng Nobel vật lý năm 1921. Số tài liệu này tương ứng với bộ sách vật lý mà Nhà xuất bản Đại học Princeton phát hành trước đó.
"Chúng tôi muốn mọi thứ đều có thể truy cập và hướng đến đối tượng người xem lớn hơn, so với giới hạn chỉ bao gồm học giả, nhà sử học, nhà vật lý học và triết học", giám đốc dự án Diana Kormos-Buchwald nói với The Guardian.
Phiên bản số hóa được đăng tải ở địa chỉ: einsteinpapers.press.princeton.edu/
Lê Hùng

*******************************************************************

Những điều chưa biết về Einstein

Albert Einstein chậm biết nói, thường không đi tất và được nhiều phụ nữ yêu mến là những điều ít biết xung quanh cuộc đời của một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới.
1. Đầu to hơn bình thường
Einstein sinh ngày 14/3/1879 tại Đức. Khi sinh ra, phần sau đầu của Einstein phát triển to hơn bình thường khiến gia đình ông lo lắng rằng Einstein có vấn đề gì đó nghiêm trọng. Tuy nhiên, vài tuần sau đó, hình dáng đầu lại trở nên bình thường.
2. Chậm nói
3-tuoi-8687-1382157406.jpg
Bức ảnh được cho là bức ảnh cổ nhất chụp Einstein năm nhà khoa học lên 3 tuổi. Ảnh: Wikimedia Commons
Một số người cho rằng Einstein bắt đầu biết nói năm 4 tuổi. Bố mẹ của Einstein đã nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ để khắc phục tình trạng chậm nói của ông. Nhà kinh tế học Thomas Sowell thậm chí còn đưa ra thuật ngữ "hội chứng Einstein" để mô tả những người thông minh hay có tài năng đặc biệt nhưng chậm nói khi còn nhỏ.
3. Einstein không thi trượt môn Toán
14-tuoi-6796-1382157406.jpg
Einstein năm 14 tuổi. Ảnh: Wikimedia Commons
Ở độ tuổi đi học, Einstein không được coi là một học sinh giỏi. Thậm chí danh hiệu học sinh kém của Einstein còn làm xuất hiện những tin đồn như ông thi trượt môn toán. Tuy nhiên trên thực tế, Einstein đã làm quen và thành thạo với môn vật lý ở trình độ đại học khi chưa đầy 11 tuổi và một tay chơi violin cừ khôi và giành được nhiều điểm cao ở môn tiếng Latinh và Hy Lạp. Chưa đầy 15 tuổi, Einstein đã thành thạo các phép tính vi phân và tích phân.
4. Bí ẩn con gái của Einstein
Trước khi Einstein và người vợ đầu tiên của ông là Mileva Marić kết hôn, Mileva đã bí mật sinh con gái của họ tại nhà bố mẹ đẻ tại Serbia. Tuy nhiên, cô con gái Lieserl lại không có thân phận rõ ràng. Về cơ bản, các hồ sơ liên quan đến Lieserl biến mất sau khi sinh. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra chứng cứ cho thấy Einstein từng nhìn thấy con gái.
5. Einstein đặt ra quy tắc cho vợ
e-and-wife-2440-1382157406.jpg
Einstein và người vợ đầu Mileva Marić. Ảnh: Wikimedia Commons
Sau khi kết hôn, Einstein đặt ra một bộ quy tắc yêu cầu người vợ Mileva thực hiện theo, trong đó có những yêu cầu như Mileva phải chuẩn bị 3 bữa ăn mỗi ngày, ngưng nói khi ông yêu cầu và không được mong chờ sự quan tâm thân mật từ ông.
6. Einstein kết hôn với em họ
vo-2-2213-1382157406.jpg
Einstein và người vợ thứ hai, Elsa Einstein. Ảnh: Wikimedia Commons
Einstein có mối quan hệ rất tốt đẹp với cô em gái họ là Elsa Einstein, người sau này trở thành vợ thứ hai của ông vào năm 1919. Thậm chí còn có nguồn tin cho rằng, mối quan hệ của Einstein và Elsa đã nảy nở khi ông còn chung sống với người vợ đầu tiên.
7. Einstein được phụ nữ yêu mến
aLBERT-EINSTEIN-570-8118-1382157406.jpg
Einstein trong những năm 1950. Ảnh: Wikimedia Commons
Trong các bức thư gửi Elsa, Einstein thẳng thắn thừa nhận mình có tình cảm bên ngoài nhiều lần. Theo Telegraph, ông từng viết rằng những cô gái luôn dành cho ông những tình cảm không mong muốn.
8. Einstein không đi tất
Trong một bức thư khác gửi Elsa, Einstein viết rằng ông "ra ngoài mà không đi tất" tại Đại học Oxford. Nhà khoa học thiên tài luôn được nhớ đến với sự xuất hiện lôi thôi, nhếch nhác mặc dù sự chú ý đều dồn vào mái tóc của ông hơn là đôi chân.
9. Einstein phản đối nạn phân biệt chủng tộc
Einstein là thành viên của Hiệp hội quốc gia vì sự Phát triển của người Da màu (NAACP) từ khi sinh sống và làm việc tại Princeton, bang New Jersey, Mỹ. Tuy nhiên, thậm chí kể từ trước khi chuyển đến định cư tại Mỹ năm 1933, Einstein đã trao đổi thư từ với nhà hoạt động nhân quyền và học giả W.E.B Dubois, nhà sáng lập NAACP. Trong bài phát biểu năm 1946 tại Đại học Lincoln ở Pennsylvania, Einstein gọi nạn phân biệt chủng tộc "một căn bệnh".
10. Einstein có thể đã tự quyết định cái chết
Einstein qua đời vào ngày 18/4/1955 ở tuổi 76 do bị vỡ mạch máu. Tuy nhiên, theo thông tin trên website của của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, các bác sĩ đề nghị phẫu thuật cho Einstein để kéo dài sự sống nhưng ông đã từ chối và nói rằng: "Thật vô vị khi kéo dài cuộc sống một cách gượng ép".
Thùy Linh (Theo Huffington Post)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire