mardi 5 mai 2015

BẤT BẠO ÐỘNG

  ÐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận
 
BẤT BẠO ÐỘNG
                          
Ngày 16 tháng 09 năm 2007 vừa qua, kỷ niệm 5 năm ngày ÐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận qua đời, Tòa Thánh khởi sự án phong chân phước cho người. Hôm sau, khi tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, ÐGH Bênêđictô XVI đã gọi ÐHY là “vị Ngôn Sứ đặc biệt của niềm hy vọng Kitô.”[1]  Tại sao?

Ðây là câu trả lời của ÐHY : “Thánh giá và dây đeo này không những là kỷ niệm quý giá về những năm tù đầy, nhưng còn là một nhắc nhớ liên lỉ cho tôi biết rằng chỉ có đức ái Kitô mới có thể hoán cải tâm hồn, chứ không phải vũ khí, lời hăm dọa hay truyền thông. Những người canh gác tôi rất khó biết khi nào tôi nói về lòng yêu thương kẻ thù, sự hòa giải và ơn tha thứ.”[2]
Khi còn sinh tiền, đi đâu ÐHY Nguyễn Văn Thuận cũng khoe cây Thánh giá Người đã dầy công tác tạc trong lao tù. Cây Thánh Giá đã khắc sâu trong tâm hồn người như một hồng ân và một dấu chỉ độc nhất giúp người nhận biết và đón nhận Vua Công Chính đang cai trị Nước Thiên Chúa bằng tình yêu bất bạo động. 

ÐĂNG QUANG TRONG NƯỚC MẮT  

Giây phút cuối cùng trên thánh giá thật ngắn ngủi, nhưng cũng đủ cho Chúa thực hiện những điều vĩ đại nhất trong cuộc đời. Chưa bao giờ Chúa trải qua cơn đau khổ, nhục nhã cùng cực như vậy. Chỉ còn khoảnh khắc nữa, Chúa sẽ bị đẩy vào cõi thinh lặng ngàn thu. Nhưng chính lúc đó, Chúa đã hoàn thành sứ mạng cao cả nhất, sứ mạng công chính hóa nhân loại. Vua Công Chính đã đăng quang trong một khung cảnh ngược đời.
 Khác hẳn mọi vua chúa trần gian, Chúa đã chọn giây phút nhục nhã nhất để tỏ ra tất cả vinh quang Thiên Chúa. Hậu cảnh càng đen tối càng làm nổi bật những nét công chính vĩ đại trong tình yêu Thiên Chúa. Trong khung cảnh tối tăm và giữa những tên đại gian ác, Con Chúa đã lên ngôi dẫn theo cả một đàn em đông đúc. Kể từ giờ phút đó, Thiên Chúa “đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái ; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.”(Cl 1:13-14)
Nhân loại đã xúc phạm đến Thiên Chúa là Ðấng Công Chính. Ðó là sự bất công vô cùng đối với Thiên Chúa. Ðồng thời họ đánh mất sư công chính thuở ban đầu. Không ai có thể đền bù nổi sự mất mát lớn lao đó. Nếu Con Chúa không lấy cái chết nhục nhã để trả lẽ công bình cho Thiên Chúa,  nhân loại muôn đời không bao giờ được công chính hóa. Hình ảnh Thiên Chúa vĩnh viễn xóa tan trong con người. May thay, Con Thiên Chúa đã đến gánh tội trần gian và chấp nhận mọi đau thương, nên con người mới lấy lại địa vị làm con Thiên Chúa.
Chính lúc đòi Thánh Tử đền thay tội trần gian, Thiên Chúa đã mạc khải tất cả tình yêu vô cùng lớn lao cho nhân loại. “Ðể cứu đầy tớ, Chúa đã hy sinh chính Con yêu.”(Lễ Phục Sinh) Hai mặt công bình và tình yêu đã tìm được hòa điệu tuyệt vời nơi Ðức Kitô, Ðấng đã chiến thắng và cứu vớt tất cả từ cây Thánh Giá.
Không có cái nhìn sâu xa đó, những người Do thái lại lên giọng thách thức Chúa : “Ông hãy cứu lấy mình!” (Lc 23:35) Câu nói được lặp lại ba lần, cho thấy công cuộc cứu độ là vấn đề chính mọi người đều quan tâm ở đây. Lần thứ nhất phát xuất từ miệng những người cầm quyền. Họ tưởng quyền bính là tuyệt đối. Họ đã không cứu, thì không ai có thể thoát khỏi tử thần. Trớ trêu thay, chính lúc họ thách thức, không những Chúa đã tự cứu chính mình, mà cả nhân loại. Thật là phi thường và bất ngờ!
Lần thứ hai những người lính cũng hò hét ngạo mạn Chúa. Theo họ, nếu thực sự là vua dân Do thái, Chúa Giêsu phải chiến đấu, như họ thường trực diện tiêu diệt quân thù. Họ muốn nhắc nhở Chúa phải triệt tiêu những điều bất chính trong trần gian. Càng gào to, họ càng không hiểu chút gì về vương quyền và vương quốc của Chúa Giêsu. Chúa không nghe theo luận điệu của họ để tiêu diệt kẻ thù trước mắt. Người không chống cự hay giận dữ. Nhưng Người phó thác số phận và cuộc đời trong tay Chúa Cha.
Lần thứ ba tiếng nhục mạ vang lên từ miệng tên gian phi. Tuy cùng chung số phận, kẻ trộm bên tả lên tiếng nghi ngờ và thách thức Chúa.  Chúa nhường lời cho người đồng phạm của y đáp trả hắn đích đáng. Chỉ cần một chút lương tri, người trộm lành lý luận với đồng phạm về bản chất công lý : “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23:41) Lẽ tự nhiên, có vay có trả. Tâm thức đó phản ảnh đức công chính nơi Thiên Chúa.
Người trộm lành đã tỏ ra hiểu biết Chúa chính xác. Không những thế, dù đang đau đớn cùng cực, anh vẫn tin tưởng kêu lên : “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42) Lập tức Chúa nói với anh : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng.” (Lc 23:43) Như một ngôn sứ vĩ đại, Chúa đã nói lên một sự thật, sự thật về lòng thương xót vô điều kiện của Chúa. Không phải chỉ bằng lời nói, nhưng qua hành động, Người đã chu toàn sứ mệnh dù đang hấp hối : “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2:17)
Thiên Chúa có cái nhìn khác hẳn con người. Ơn cứu độ không thực hiện theo bộ diện bên ngoài. Ơn cứu độ là sự công chính hóa toàn diện, phát xuất tư tình yêu Thiên Chúa. Người muốn cứu vớt tự bên trong và hướng con người đến hạnh phúc đích thực. Người không muốn biểu diễn những pha ngoạn mục trước mắt người đời. Nhưng Người thực hiện tức khắc những gì đã hứa cho những ai thuộc về Nước Thiên Chúa. Thiên Chúa mạc khải tình yêu vĩ đại và hoàn toàn nhưng không khi Chúa tỏ lòng thương xót đối với người trộm lành. Người trộm lành trở thành biểu tượng cho những muốn ai đón nhận ơn tha thứ sâu xa của Thiên Chúa.
Chính nhờ tình yêu, Chúa Kitô đã biến đổi con người hoàn toàn. Người đến để cải hóa chúng ta. Người đưa dẫn chúng ta qua nẻo đường mầu nhiệm tới cảnh trời mới đất mới. Ðó là cách khiến Chúa Kitô trở thành vị vua rất phi thường. Ngày xưa, các ngôn sứ hay các nhân vật Cựu ước chỉ ảnh hưởng bên ngoài qua  các lề luật. Khác với họ, Chúa Giêsu biến đổi tận nội tâm con người nhờ ân sủng. Chúa không nói nhiều. Nhưng Người biến chúng ta thành tạo vật mới và trở thành con Thiên Chúa, vì đã đươc công chính hóa. Từ đó, không những là Vua Công Chính, Người còn là Tạo Hóa. Thật vậy, “trong Người, muôn vật được tạo thành.” (Cl 1:15)
Không có vị vua nào có thể sánh ví với Người. Lãnh thổ của Người bao trùm vạn vật, vì “tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.” (Cl 1:16) Nói khác, Người là điểm quy tụ muôn loài. Dù sống giữa những đối kháng, Người vẫn có khả năng hòa giải, vì có thể làm cho mọi loài nên công chính. Người là Vua Hòa Bình. Thật vậy, “nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1:20) Trên bàn thờ thập giá, Người đã trở thành vị Thượng Tế và Hi tế để hòa giải, nối kết và hoàn thành mọi việc trong đất trời (x. Cl 1:19).

CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH  
Quả thế, “không thể có hòa bình, nếu không có công lý. Không có công lý nếu không tha thứ.”[3] Nhìn vào thực tế, ÐGH Gioan Phaolô II lý luận : “Trong tình thế hiện tại, làm sao chúng ta có thể nói về công lý và sự tha thứ như nguồn suối và điều kiện hòa bình? Chúng ta có thể và phải nói, dù khó khăn tới mấy. Khó khăn vì thường tưởng rằng công lý và sự tha thứ không thể dung hợp. Nhưng tha thứ đối nghịch với sự oán hận và trả thù, chứ không với công lý. Thực vậy, hòa bình đích thực là “công trình của công lý.” (Is 32:17) Theo Công đồng Vatican II, ‘hòa bình là kết quả việc ổn định trật tự thiên nhiên do Ðấng Tạo Hóa đã ghi khắc vào xã hội loài người và phải được con người luôn khát vọng nền công lý hoàn hảo hơn thể hiện ra hành động.’ (Gaudium et Spes, 78) Bởi đó, hòa bình đích thực là kết quả công lý. Nhưng vì công lý nhân loại mong manh và bất toàn, lệ thuộc vào những giới hạn và tính ích kỷ của cá nhân và phe nhóm, nên nó phải được bổ túc bằng sự tha thứ, có sức chữa lành và tái thiết tận nền tảng những mối tương quan đang gặp trục trặc.”[4] 
Vì thế, tuần cuối cùng năm phụng vụ là cơ hội thuận tiện nhất cho chúng ta đi tìm điểm tựa vững chắc cho công lý, hòa bình và ơn cứu độ nơi Thánh Giá. Chính nhờ Thánh Giá, Chúa Giêsu trở thành “hòa bình của chúng ta.” (Ep 2:14) Người đã phá vỡ bức tường thù hận ngăn cách dân chúng và hòa giải họ với Thiên Chúa (x. Ep 2:14-16). Như vậy, Người đã hóa giải mọi đối kháng và công chính hóa nhân loại theo đúng chương trình của Thiên Chúa. “Lời hứa hòa bình trong suốt Cựu ước đã thực hiện trọn vẹn nơi chính con người Chúa Giêsu. Thực vậy, hòa bình là phẩm tính tuyệt hảo của thời Thiên Sai, gồm mọi hiệu quả tốt đẹp khác của ơn cứu độ. Trong tiếng Do thái, nguyên nghĩa  chữ ‘shalom’  là ‘sự hoàn thành. (x. Is 9:5 tt; Mk 5:1-4) Vương quốc Thiên Sai chính xác là vương quốc hòa bình (x. G 25:2; Tv 29:11; 37:11; 72:3, 7; 85:9, 1; 119:165; 125:5; 128:6; 147:14; Dc 8:10; Is 26:3,12; 32:17 tt.; 52:7; 54:10; 57:19; 60:17; 66:12; Hg 2:9; Dc 9:10; v.v.).”[5]
Như thế, Thánh giá đã có một chiều kích vũ trụ, bao trùm toàn thể nhân loại. Hơn lúc nào, con người cần sống chung hòa bình. Nhưng nếu không học nơi Thánh giá, họ không biết cách tha thứ, yêu thương và sống công chính. Bởi thế, chỉ Thánh Giá mới dạy chúng ta bài học sâu xa về hòa bình.
“Hòa bình là một giá trị và một bổn phận chung của mọi người. Nền tảng của nó thuộc lãnh vực lý trí và luân lý của xã hội, bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, ‘cội nguồn đầu tiên của vạn vật, chân lý cốt tử và là sự thiện tuyệt đối.’ Hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ là duy trì thế cân bằng lực lượng giữa những bên đối nghịch. Hơn nữa, muốn hòa bình, phải hiểu đúng về nhân vị và cần thiết lập trật tự dựa trên công lý và tình yêu. Hòa bình bị đe dọa khi con người không có tất cả những gì xứng với nhân vị của họ, khi phẩm giá họ không được tôn trọng và khi đời sống dân sự không hướng đến thiện ích chung. Muốn xây dựng một xã hội hòa bình và phát triển toàn thể cá nhân, các dân tộc, và các quốc gia, phải bảo vệ và cổ võ nhân quyền.”[6]
Khi bị treo trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã cho thấy tất cả giá trị lớn lao của hòa bình đều có nguồn gốc sâu xa nơi Thiên Chúa. Ðồng thời, chính Chúa đã trả lại cho con người tất cả giá trị quý báu nhất là nhân phẩm. Chính Chúa đã làm cho con người đáng được Thiên Chúa tôn trọng. Quả thế, công lý và tình yêu đã trở lại với con người. Nhờ được công chính hóa, con người còn lên tới một địa vị cao hơn nhân phẩm. Con người trở thành con Thiên Chúa trong một gia đình có Chúa Giêsu “là trưởng tử,” (Cl 1:18) một Hội thánh có Chúa là đầu (x. Cl 1:18). 

TÌNH YÊU BẤT BẠO ÐỘNG  
Khi Vua Công Chính lên ngôi, con người tìm lại được tất cả những gì đã mất. Không những nhân phẩm được phục hồi, con người còn được sống và sống dồi dào trong tình yêu và ân sủng Thiên Chúa. Ðúng như Chúa nói : “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12:32) Chúa kéo mọi người lên không phải bằng bạo lực, nhưng bằng tình yêu tha thứ, bất bạo động và công chính hóa. Chính người trộm lành đã làm chứng : “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23:41) Hành động bạo lực đã đưa đến cái chết. Tình yêu bất bạo động đã được nêu cao như một bài học nhân ái và công chính. “Chúa đã dạy các môn đệ bản chất bất bạo động của tình yêu có tính thánh thiêng và sức mạnh cứu độ.”[7] Quả thực, bản chất bất bạo động lộ rõ trong lời cuối của Chúa : "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23:34) Việc họ làm đầy bạo động, nhưng đã phải đầu hàng trước tình yêu bất bạo động của Chúa. Tất cả sức mạnh cứu độ nằm ở chỗ đó.
Thiên Chúa là một Thiên Chúa tình yêu bất bạo động. Ðạo lý Thiên sai là Con đường tình yêu bất bạo động. Kitô hữu là một người có tình yêu bất bạo động. Giáo hội phải là Cộng đồng mới với tình yêu bất bạo động. Ðường hướng bất bạo động trọn vẹn của Tin Mừng kêu gọi chúng ta thay đổi cách tư tưởng, nói năng, hành động và lối sống tình cảm nữa.
“Nhiệt lực cần cho việc điều hành các nước trên thế giới là bạo động. Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu không chấp thuận cơn cám dỗ trong sa mạc khi ma quỷ dâng Chúa quyền thống trị các nước trên thế giới. Ðó là lý do tại sao nhà nước không phải là đối tượng cứu độ trong Tin Mừng. Quyền lực có khả năng biến đổi. Chúa Giêsu thi hành nhiều thứ quyền lực khác. Quyền chữa lành, quyền tha tội, quyền yêu kẻ thù và quyền thương xót là tất cả mọi hình thức quyền lực và tất cả đã làm thay đổi hạnh phúc con người đời này cũng như đời sau. Thực vậy, thánh Phaolô gọi Chúa Giêsu và Thánh giá Chúa là ‘sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa’(1 C 1:24). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chú tâm tới quyền lực Satan trao tặng, vì quyền hành đó là bạo lực giết người. Chúa Giêsu không chấp nhận trở thành vua dân Do thái hay thủ tướng của một cơ chế chính trị.”[8]
Trong khi đó, để bảo vệ an ninh và hạnh phúc cho một số nhỏ, nhiều nhà nước trên thế giới đang chà đạp nhân phẩm. Mạng sống con người không còn được tôn trọng. Các quyền căn bản nhất cũng bị tước đoạt. Người ta dùng mọi hình thức khủng bố và bạo động để đàn áp con người. Xã hội sẽ đi về đâu khi tràn ngập những hình thức bạo động như thế?!
Nhạc sĩ Tuấn Khanh đau đớn nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay: “Rồi mai đây, chúng ta sẽ làm một tấm bia tưởng niệm cho lòng nhân ái của con người, lòng kính trọng cho nền giáo dục. Tấm bia có thể sẽ được dựng ở quảng trường thành phố, khắc ghi với dòng chữ “ở đất nước này, nơi đây, đã từng có một giai đoạn, con người đối xử với nhau như dã thú. Công an đã nhét súng vào họng thường dân để tra khảo. Thầy cô đã giao học trò mình cho những người có vũ trang đánh đập. Người cùng màu da đã nhục hình trẻ con 10 năm. Thế hệ trẻ đã hận thù nhà trường, căm hận xã hội và cười chê, phỉ nhổ vào nền đạo đức giáo khoa... và tất cả những điều đó, điều đã bị lãng quên trong sự vô và cố tình của của nhiều tầng lớp con người, kể cả quan chức có trách nhiệm.
Những điều dị thường đó, xảy ra hàng ngày, khiến những giọt nước mắt khóc thương cho bé trai 13 tuổi tự tử vì danh dự 47,000 đồng đã rơi ít đi, niềm vui cho bé gái bị nhà trường tra khảo đến phát điên vì 47,800 đồng oan, nay đã nói lại được cũng lặng lẽ hơn. Xã hội đã chai lì, con người đã làm quen với những điều bất khả mà nay quá thường nhật: như con thú ăn cỏ sau khi làm quen uống máu đồng loại đã biến thái vô luân.”.[9]
Ðàng khác, dưới sức ép của quyền lực bạo động nào, các tôn giáo phải chịu thiệt thòi về mọi mặt như hiện nay? Ðiển hình, “Hòa thượng Quảng Độ nói trước tập thể Dân oan khiếu kiện tại Văn phòng 2 Quốc hội CS (ở Sài Gòn) ngày 17-7-2007: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng là nạn nhân của chế độ như đồng bào. Giáo hội chúng tôi cũng bị cướp đoạt tất cả mọi cơ sở, từ giáo dục, từ thiện cho đến chùa viện….. Giáo hội chúng tôi cũng đã từng khiếu kiện suốt ba mươi năm qua. Cho đến nay đã có cả nghìn bức văn thư khiếu kiện, mà họ không hề phản hồi một văn thư nào, không giải quyết gì cả. Họ coi dân như cỏ rác”. Riêng Công giáo, thì Nhà nước CS vẫn tiếp tục cưỡng chiếm 102/107 ha của đan viện Thiên An, Huế, cưỡng chiếm 17/23.5 ha của linh địa La Vang, Quảng Trị cùng hàng ngàn cơ sở (tu viện, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, viện mồ côi…)”[10]
Ðó là những thiệt hại vật chất. Nhưng thiệt hại đó làm sao so sánh với những thiệt hại về tinh thần?! Thực vậy, “Các tôn giáo vẫn không có được báo chí, nhà xuất bản, đài phát thanh, đài truyền hình của riêng mình.”[11]
Ðường lối khủng bố và bạo lực sẽ đưa xã hội Việt Nam về đâu?
Tự bản chất tôn giáo bất bạo động. Tôn giáo như nước. Ai có thể coi thường sức mạnh của nước? Hãy nhìn gương Miến Ðiện, Ba lan để học lấy bài học về sức mạnh của thế lực bất bạo động. “Nhu thắng cương. Nhược thắng cường.” Ðông Tây Kim Cổ thời nào cũng thế thôi!
Tóm lại, chỉ có con đường bất bạo động của Vua Công Chính mới dẫn con người đến công lý, hòa bình và tiến bộ thực sự. Chúa là nạn nhân của bạo động, nhưng đã vượt thắng bằng chính tình yêu bất bạo động của mình.  
Lạy Chúa, Chúa đã mạc khải bản chất tình yêu bất bạo động như một sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết nhìn lên Thánh Giá để học bài học tha thứ và thấy tất cả vinh quang của Vua Công Chính trong công cuộc cứu độ nhân loại. Amen. 

Đỗ lực
 (Lc 23:35-43)
Viết ngày 25.11.2007


[2] Nguyễn Văn Thuận, “Kinh Nghiệm về Quyền Lực Giải Thoát của Thiên Chúa,” Diễn Văn tại Hội Nghị về Giáo Dục Tôn Giáo tại Los Angeles, trước khi người qua đời năm 2002.
[4] ibid.
[5] Toát Yếu Giáo Lý Giáo Hội về Xã hội, 491.
[6] ibid., 494.
[8] ibid.
[11] ibid.
Tác giả:  Phúc Âm Nhật Ký, Lm. Đỗ Vân Lực, op.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire