Chúa Nhật XXIV thường niên - Năm C |
SỰ THA THỨ |
Lm Mark Link |
Thánh Patrick sinh khoảng năm 400 ở một chỗ nào đó dọc theo bờ biển phía tây của nước Tô Cách Lan hoặc nước Anh.
Trong cuốn Tự Thú, người cho biết gia đình của người là Công Giáo gốc. Nhưng trong thời niên thiếu, người đã từ bỏ Thiên Chúa.
Nói cách khác, người đối xử với Thiên Chúa giống như người con hoang đàng đối xử với cha mình trong bài Phúc Âm hôm nay.
Trong thời gian khoảng 16 tuổi, Patrick bị hải tặc bắt, đưa sang Ái Nhĩ Lan, và bị bán làm nô lệ.
Ở Ái Nhĩ Lan, người mất nhiều thời gian để chăm sóc các đàn chiên – giống như người con hoang đàng chăm sóc đàn heo.
Khi sống cuộc đời khổ cực, Patrick mới bắt đầu nhận thấy thật tuyệt vọng là chừng nào nếu không có Thiên Chúa.
Cũng như người con hoang đàng trong Phúc Âm, Patrick từ từ có ý thức và ăn năn sám hối tội lỗi của mình. Những gì xảy ra sau đó được người diễn tả trong cuốn Tự Thú. Người viết:
Thiên Chúa đã an ủi tôi như người cha an ủi đứa con… Và khi tình yêu của tôi dành cho Thiên Chúa ngày càng gia tăng … thì hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tôi cũng vậy.
Được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Patrick bắt đầu dành nhiều thời giờ khi chăm sóc đàn chiên để học cách cầu nguyện. Người viết:
Ngay cả khi tôi ngủ đêm ở triền núi hay trong rừng rậm để ở với đàn súc vật, tôi thường thức dậy sớm để cầu nguyện với Thiên Chúa.
Dù mưa hay tuyết lạnh giá, tôi không bị sao nhãng vì sức mạnh tinh thần của tôi rất mạnh mẽ.
Sau sáu năm nô lệ, Patrick tìm cách trốn thoát trên một chiếc ghe và về nhà. Sau cùng người đến Âu Châu và trở thành một linh mục và sau đó làm giám mục.
Một thời gian sau, Đức GM Patrick trở về Ái Nhĩ Lan rao giảng Phúc Âm cho chính những người mà trước đây đã bắt người làm nô lệ.
Câu chuyện của Thánh Patrick và người con hoang đàng không chỉ giống ở chi tiết nhưng còn giống ở hai điểm quan trọng của hai người.
Trước hết, cả hai cho chúng ta thấy Thiên Chúa rất muốn tha thứ cho chúng ta khi chúng ta có ý thức và muốn trở về với Người sau khi phạm tội.
Không những thế, hai người còn cho chúng ta thấy, khi trở lại với Chúa, Người sẵn sàng đối xử với chúng ta như chưa bao giờ chúng ta xa cách Người.
Điểm thứ hai của câu chuyện là khi một người tội lỗi trở về với Thiên Chúa, Người không chỉ đón nhận nhưng còn mời gọi họ hãy loan truyền tin mừng cho người khác về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thánh Patrick trở về Ái Nhĩ Lan để rao giảng tin mừng này. Người thật thích hợp để thi hành điều này, bởi vì người đã sống giữa người Ái Nhĩ Lan và biết họ rất rõ.
Điều này rất có ý nghĩa với mỗi người chúng ta trong nhà thờ này. Chúng ta có thể áp dụng thế nào câu chuyện của Thánh Patrick và người con hoang đàng vào đời sống riêng tư của mỗi người?
Hoặc nói cách khác, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta điều gì qua hai câu chuyện này?
Với cá nhân tôi, các câu chuyện này nói với tôi hai điều.
Thứ nhất, Thiên Chúa không bao giờ ngừng tha thứ cho chúng ta khi chúng ta sám hối và trở về với Người. Thiên Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta, không chỉ bẩy lần, nhưng bẩy mươi lần bẩy—như Chúa Giêsu đã dậy.
Thứ hai, hai câu chuyện này cho thấy hiển nhiên rằng vì Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta một cách độ lượng, Người cũng muốn chúng ta tha thứ cho người khác giống như vậy.
Có câu chuyện của TT Lincoln thật thích hợp ở đây.
Có người hỏi ông là ông sẽ đối xử thế nào với người phương Nam sau khi cuộc Nội Chiến chấm dứt. Ông trả lời, “Tôi sẽ đối xử với họ như thể chưa bao giờ họ rời bỏ mái nhà.”
Đó là cách mà Thiên Chúa đối xử với Patrick. Đó là cách người cha đối xử với người con hoang đàng trong dụ ngôn. Đó là cách Thiên Chúa đối xử với chúng ta.
Và đó là cách Đức Giêsu đối xử với ông Phêrô khi ông chối bỏ Người. Đức Giêsu đã phục hồi ông Phêrô về tình trạng cũ, là “đá” mà trên đó Người sẽ xây hội thánh của Người.
Đức Giêsu đã có thể nói rằng, “Phêrô, như anh biết, Thầy có những kế hoạch lớn cho anh, nhưng anh đã phản bội Thầy. Phêrô, Thầy sẽ tha thứ cho anh, nhưng anh sẽ phải đảm nhận công việc kém hơn.”
Nhưng Đức Giêsu đã không nói như vậy. Người đối xử với ông Phêrô như thể chưa bao giờ ông từ bỏ mái nhà.
Đây cũng là cách mà chúng ta phải đối xử với người tội lỗi sám hối. Chúng ta phải đối xử với họ như thể chưa bao giờ họ từ bỏ mái nhà.
Chúng ta phải tha thứ cho họ và đưa họ trở về tâm hồn chúng ta theo cách mà Đức Giêsu đã tha thứ cho chúng ta và đưa chúng ta trở về với tâm hồn của Người.
Và nếu chúng ta thi hành như vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng vào lúc cuối đời khi đến cửa thiên đường, Thiên Chúa sẽ đón mừng chúng ta trở về nhà giống như người cha trong Phúc Âm đón mừng đứa con trở về.
Chúng ta hãy kết thúc như khi bắt đầu. Chúng ta hãy chú ý đến cuộc đời của Thánh Patrick. Trong cuốn Tự Thú, Thánh Patrick giúp chúng ta thấy được điều gì đã thay đổi cuộc đời người một cách quyết liệt, từ một người tội lỗi trở nên một vị thánh.
Đó chính là quyết định tự học cách cầu nguyện và biến sự cầu nguyện trở nên đời sống hàng ngày. Qua sự cầu nguyện hàng ngày, người đã ý thức sâu đậm về sự hiện diện của Đức Kitô trong cuộc đời.
Và kết quả của nhận thức này là một suy tư đơn sơ nhưng thâm trầm. Người đã thuộc lòng và lập đi lập lại trong ngày. Một phần của suy tư đó viết như sau:
Thật tuyệt diệu chừng nào khi tôi đắm chìm trong sự hiện diện của Thiên Chúa:
Đức Kitô ở với tôi,
Đức Kitô ở trước tôi,
Đức Kitô ở sau tôi,
Đức Kitô ở trong tôi, Đức Kitô ở dưới tôi,
Đức Kitô ở trên tôi,
Đức Kitô ở bên phải của tôi,
Đức Kitô ở bên trái của tôi...
Đức Kitô ở trong tâm hồn của bất cứ ai nghĩ đến tôi,
Đức Kitô ở trong miệng của bất cứ ai nói đến tôi,
Đức Kitô ở trong mắt của bất cứ ai nhìn đến tôi,
Đức Kitô ở trong tai của bất cứ ai nghe tôi nói.
|
▼
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire