Tu viện Saint Catherine ở Ai Cập được xây dựng ở chân núi Moses hay còn gọi là núi Sinai vào khoảng thời gian từ năm 527 đến năm 565 dưới triều đại của Hoàng đế Justinian.
Vị trí xây dựng Tu viện Saint Catherine được cho là nơi nhà tiên tri Moses nhìn thấy Chúa Trời. Sau khi nhìn thấy Chúa Trời, nhà tiên tri Moses đã dẫn dắt người dân Do Thái đến ngọn núi này nhưng tại đây chỉ mình ông lên núi để gặp thần Jehovah và được Thần ban Mười điều răn.
Trên thực tế Tu viện Saint Catherine được xây dựng lên để làm nơi tưởng niệm nữ thánh tử đạo Catherine. Tương truyền, một thầy tu đã tìm thấy thân thể của Catherine tại đỉnh cao nhất của núi Sinai (nơi mà sau này được đặt tên là đỉnh Catherine).
Các tòa nhà của tu viện được xây dựng theo kiến trúc Byzantine. Tu viện như một pháo đài với các bức tường thành bao quanh bằng đá vôi và có mặt bằng gần vuông: Dài 75m về phía Tây, 88m về phía Bắc; 75m về phía Đông và 89m về phía Nam.
Chiều cao của bức tường thành bao quanh tu viện từ 8m tại phía Nam đến 35m về phía Bắc. Tường dày 2- 3m. Tu viện có một lối vào tại phía Tây. (Hiện có một lối vào mới tại phía Bắc).
Tu viện Saint Catherine thật sự một bảo tàng nghệ thuật vô giá. Những đồ trang trí, trưng bày ở đây đều có từ thế kỷ thứ 6 được mang về từ Ả rập, Hy Lạp và Nga.
Mặc dù có vô số hiện vật, tranh và đồ điêu khắc quý giá nhưng giá trị lớn nhất của Tu viện nằm ở bộ sưu tập bản thảo chép tay. Những bản thảo Thánh Kinh chép tay tại tu viện gồm 3.500 cuốn được chép bằng tiếng Hy Lạp, Ai Cập, Armeni, Do Thái, Slavic và tiếng Xyri cổ.
Theo nhiều tài liệu thì Tu viện Saint Catherine còn có một nhà thờ Hồi giáo tên là Fatimid, được xây dựng cách đây ít nhất là 10 hoặc 11 thế kỷ. Nhà thờ này được xây dựng lên để tỏ sự nhượng bộ đôí̉ với người Hồi giáo lúc bấy giờ.
Tại đây cũng có cả một nhà nguyện nhỏ khác (nhà nguyện Thánh Triphone, được biết đến dưới cái tên Skull House), nơi chứa đầu lâu của những thầy tu đã từng sống và qua đời tại đây.
Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO đã công nhận Tu viện Saint Catherine của Ai Cập là Di sản văn hóa thế giới năm 1979.
Minh Châu
T.Phước chuyển
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire