mardi 22 décembre 2020

NGƯỜI VIỆT NAM - Bạch Diệu An

 

NGƯỜI VIỆT NAM                                                                        Bạch Diệu An

Cung kính dâng Thầy

 

Trong khi tôi chuẩn bị lên đường sang xứ người, Má tôi dạy:

- Khi con qua Canada, con không chỉ là cá nhân con, mà con đại diện cho cả dân tộc VN. Người bản xứ sẽ đánh giá người VN qua mỗi hành động, cử chỉ con làm. Nếu con làm điều tốt, cả dân tộc con sẽ được thơm lây. Nếu con làm điều gì xấu, con sẽ làm nhục cho cả dân tộc con.

 

Nghe Má dạy mà tôi thấy ớn xương sống. Có lẻ Má tôi muốn dùng áp lực cả một dân tộc để tự trấn an trách nhiệm làm mẹ. Trong thâm tâm Má tôi, lúc nào Má tôi đều thấy mình có bổn phận đối với gia đình chồng là phải dạy con nên người tốt. Mặc dù sanh con ai dễ sanh lòng, nhưng xả hội VN vẫn quan niệm: con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.

 

Ba tôi cẩn thận dặn dò:    Mềm mỏng muôn trùng cũng tới,

                                         Nghênh ngang tấc bước khó dời.

 

Qua tới Canada, tôi tự đặt tên mình là “người VN”. Cả một Ðại học mấy ngàn người, vài khuôn mặt bầu bỉnh Á đông chắc chắn là được dân bản xứ chú ý, tới làm quen chuyện trò. Trong khi tôi đang ngồi ở giảng đường, một tên sinh viên “Ðiên” ngồi gần xây qua hỏi chuyện (chúng tôi kêu tắt Canadien là Ðiên, VN là Mít, Á rập là Rệp, vv):

Cô từ xứ nào tới vậy?

Tôi trả lời: từ Việt Nam.

Hắn à lên như quen biết lâu ngày.

Tôi hỏi : anh biết xứ Việt Nam hả?

Hắn ta bảo biết.

Tôi hỏi lại : có phải anh biết xứ tôi qua chiến tranh không?

Anh chàng thành thật trả lời : đúng vậy.

Tôi nghiêm sắc mặt bảo : ngoài chiến tranh ra, xứ tôi có 4000 năm văn hiến.

 

Bao nhiêu vốn liếng nghèo nàn về văn hoá được tôi lần lượt tuông ra không được trôi chảy lắm. Tôi ca tụng cái sâu sắc cuả người Á đông; mối liên hệ gia đình chặc chẻ của ba thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái; tình nghỉa đối đãi nhau……. Cũng may lớp học bắt đầu khi tôi hết ý. Anh chàng lở dại làm quen vội vàng rút lui sau khi mãn giờ học.

 

Thuở nhỏ tôi mê luyện kiếm hiệp, cả ngày ôm sách Kim Dung đọc mê mệt, thích các anh hùng trong truyện như Quách Tỉnh, Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung…. và ghét cay, ghét đắng phiá tà đạo. Vế phần văn hoá…. ngoài các sách vở nhà trường tôi không đọc đến thứ gi khác. Bây giờ có muốn vênh vang về cái hay cuả văn hoá xứ mình cũng chịu thôi .

 

Trong số sách đọc thời nhỏ, trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng tôi nhớ ông Hà Mai Anh kể về một cậu bé nghèo, làm công trên một chiếc tàu lớn chở hành khách. Vài người khách thấy cậu bé dễ thương nên cho tiền cậu. Trong một bưổi cơm, sau khi ăn uống no say, câu chuyện vô tình chuyển thành đề tài chê bai xứ sở cuả cậu nầy. Cậu bé nghe được, tức giận, cầm nắm tiền rải trên bàn nói : tôi không lấy tiền cuả những người đã bôi nhọ xứ sở tôi…….. Các ông khách ngơ ngác nhìn nhau………..

 

Sau ba năm dài xa xứ, lần đầu tiên tôi được trở về thăm Việt Nam do một số sinh viên VN tổ chức, bán giá hạ. Chúng tôi cả trăm người chiếm hết mấy ghế ngồi phiá sau cùng cuả tàu bay. Máy bay ghé Bangkok. Khi rời Bangkok, biết là sắp sưả tới VN, tự dưng chúng tôi thấy tràn trề một thứ tình yêu quê hương và vui mừng sắp sưả trở lại quê nhà. Lúc vưà thấy phi trường Tân sơn nhứt hiện ra ở chân trời, chúng tôi đều xúc động. Có người khởi xướng hát bài : Viêt Nam - Việt nam. Chúng tôi nghẹn ngào hát theo :

…………………………….

Việt Nam hai tiếng nói trên vành môi, Viêt Nam nước tôi ………...

 

Phi cơ đáp xuống. Vưà chạm mắt với ngọn cỏ quê hương, nước mắt tôi trào ra………

 

Một lần nghe tin miền Trung bị lụt lội nặng nề. Xót tình đồng loại, nghĩa đồng bào, chúng tôi sinh viên, khoảng 20 người, tạm xếp việc học hành, bàn bạc kế hoạch cứu trợ. Chúng tôi chia thành nhiều nhóm đi quyên tiền nhiều nơi, nào là thương xá, nhà thờ và ngon hơn nưã, chúng tôi làm văn nghệ, bán vé để lấy tiền cứu trợ. Một đám trẻ kém tài năng về ca nhạc, muá máy vậy mà cũng làm nên chương trình rất xôm tụ.

 

Cái thân cứng như khúc gỗ cuả tôi, được xếp vào màn muá nón! Các anh bảo: tôi biểu cô chỉ nhún đầu gối thôi, đừng nhún hết mình, tại sao cô cứ nhún hết mình hoài vậy. Tôi tội nghiệp cho sự kiên nhẫn cuả các anh, mà tự trách mình tại sao cứ quên hoài.

 

Buổi văn nghệ được trình diễn tại trường Ðại học. Tôi nhớ hình như trường cho mượn rạp không lấy tiền. Vé bán cho tất cả các giáo sư và sinh viên, những người may mắn « bị » chúng tôi chạm mặt trên ngọn đồi Ðại Học. Chúng tôi rất là vui mừng đã bán được hết vé, nhưng khi mở màn chỉ thấy khán giả có nưả rạp. Có lẻ phân nưả kia chỉ mua vé ủng hộ thôi.

 

Mở màn là bài hợp ca Mẹ Việt Nam. Mới bắt đầu ca rất là hay, rồi lạc giọng lúc nào chẳng ai biết. Chúng tôi nở nụ cười duyên thế vào. Có vài màn vũ như muá nón, hoạt cảnh hai bà Trưng, bài dân ca trống cơm, vv….

 

Ðặc sắc nhứt là màn Hội nghị Diên Hồng : mở màn là tiếng trống vang dội, trầm hùng: thùng! thùng! thùng! thùng… thùng… thùng ……

 

Rồi tiếng loa dỏng dạc:

 

Toàn dân nghe chăng……… sơn hà nguy biến ………

Hận thù đằng đằng……. nên hoà!  hay nên chiến!.

 

Các bô lão mặc nguyên bộ đồ đen, khòm lưng chống gậy, đi từ dưới sân khấu lên, dõng dạc giơ cao gậy phát biểu ý kiến: QUYẾT CHIẾN! QUYẾT CHIẾN!

 

Khán giả vỗ tay tán thưởng màn hoạt cảnh tuy ngắn nhưng rất sống động. Theo sử liệu, nhờ sự đoàn kết của dân tộc, ta đã đánh đuổi được quân Nguyên ra khỏi bờ cõi, đem lại thái bình cho dân tộc.

 

Chúng tôi rất hãnh diện đã làm được một buổi văn nghệ trong phương tiện quá thiếu thốn cuả mình. Trong khi đi tìm một thứ kim khí có thể phát ra tiếng, các anh thấy cái gì nghĩ là xài được đều gỏ thử. Kết quả là các thùng rác nhỏ, lớn cuả trường được biến thành trống . Tiếng trống cơm thanh được đánh bằng thùng rác nhỏ; riêng trống Diên Hồng đã được một anh ráng hết sức bình sanh, dùng bàn tay đập chiếc dép cuả mình vào thùng rác lớn để có được tiếng trống trầm hùng. May là khí cụ được sử dụng sau sân khấu, khán giả chỉ nghe tiếng thôi. Khi màn hạ khỏi phải nói, cánh tay anh bạn mỏi rã rời.

 

Các anh sinh viên chơi thể thao và lo học nên thân thể gầy còm. Mặc quần áo đen, đi lòm khòm trông cũng giống bô lão lắm. (Ấy chết, nói nhỏ thôi, coi chừng các anh nay đã trung niên nghe được!)

 

Rồi một ngày tôi gặp… người Việt Nam thứ thiệt. Người đó là Thầy tôi. Với tự ái dân tộc, với tiền đồ Phật pháp, Thầy đã đứng lên khôi phục Thiền Tông Việt Nam, đã ngủ yên từ bao nhiêu thế kỷ. Dòng thiền Chơn Không nay chuyển mình, theo cánh phụng hoàng, trở lại non ngàn. Thế rồi Thiền viện Trúc Lâm được dựng lên trên đỉnh núi Phụng Hoàng, trên chân núi Yên Tử, trên vùng đất Vỉnh Phúc… lan tràn qua xứ Mỷ, Thiền viện Quang chiếu, Ðại đăng, Vô Ưu, Diệu Nhân…. tới Canada, Thiền tự Ðạo Viên, Tuệ Viên vv và vv…

 

Theo bước chân Thầy, chúng tôi trở về nguồn cội, khoảng 700 năm về trước, thời hưng thịnh cuả Thiền tông VN, thời các vua nhà Trần đã ý thức được đâu là niềm vui,  nỗi khổ, đã xem ngai vàng như đôi dép rách, đã bỏ vào chốn non cao tu hành và chứng đạo, để ngày nay tên tuổi các Ngài đã bừng sống dậy trong lòng người VN trong nước và ngoài nước.

 

Với tâm Bồ Tát, với thân già, với cây gậy, Thầy đã không quản ngại gian nan, đường sá xa xôi, nhọc nhằn đi du hoá các xứ Pháp, Canada, Mỷ, Úc, Bỉ… theo nhu cầu cuả các Phật tử hải ngoại. Nhờ biết điều hoà thân tâm, tới bất cứ xứ nào Thầy đều hoà đồng được với giờ giấc của xứ ấy. Với nụ cười trên môi, với giọng nói rõ ràng, từ bi, chân thật Thầy đã đem rải Cội nguồn truyền thưà cuả Phật tổ, đánh thức con người tỉnh cơn mê, trở về sống lại với bộ mặt thật xưa nay của mình, giải thoát sanh tử.

 

Nhờ Thầy, tôi hiểu được sự thâm diệu của đạo Phật, biết thế nào là lối sống giải thoát, và có chứng nghiệm rằng ông Phật là một nhà phân tâm lý học đại tài. Theo ý kiến cá nhân tôi, đạo Phật không chỉ là con đường dẫn con người ra khỏi sanh tử mà còn là một môn khoa học toàn vẹn về con người trong cỏi ta bà.  Nhờ Thầy, tôi hiểu được đạo Phật không chỉ là những danh từ triết lý sâu xa, bí ẩn mà là rất thực tiễn, áp dụng được trong đời sống hằng ngày, qua từng hành động, ngôn ngữ, cử chỉ và hơi thở. Nhờ Thầy, tôi biết được thực chất của mọi sự việc, chỉ là một sự rổng không, từ đó gánh nặng của cuộc đời vơi nhẹ dần đi.

 

Thầy đã khơi dậy tinh thần bất khuất cuả dân tộc VN thuở xưa thể hiện qua Hội nghị Diên Hồng. Có khác là Thầy dẫn chúng tôi vào một cuộc chiến tâm linh, diệt trừ giặc vọng tưởng, lấy lại chủ quyền cho chân tâm. Khúc ca khải hoàn là niềm vui bất diệt, là cái đẹp không phai…. Được Thầy dạy, chúng tôi mới biết là mỗi con người đều có chân tâm và vọng tưởng.  Tuy biết nhận ra những chú vọng tưởng, nhưng chúng tôi lại lặn hụp trong biển vọng tưởng của mình, mờ mịt, không thấy lối ra.

 

Một lần nữa, với tâm lão bà, Thầy bày cho phương tiện khác, nhắc nhở :

-          niệm trước là Phật, niệm sau là chúng sanh

 

và chỉ thẳng : mắt biết thấy là chân tâm, tai biết nghe là chân tâm, mũi biết ngửi là chân tâm, lưỡi biết nếm là chân tâm, ý biết pháp trần là chân tâm, thân biết xúc chạm là chân tâm. Chân tâm luôn hiện tiền. Chân tâm là ông chủ, rõ ràng thường biết, trùm khắp các căn, không tướng mạo, không sanh diệt...

 

Đem ngôn ngữ mà diễn tả cái không tướng, lời dạy của Thiền sư chỉ là phương tiện giáo hoá, mỗi người phải tự mình khám phá thôi. Khó là ngay chỗ đó! Hay là ngay chỗ đó!

 

Cứng cỏi, vững vàng như một đấng anh quân, cang cường như một anh hùng vỏ sĩ đạo, trí tuệ cuả một vị Thiền sư, Thầy đã đem tất cả nhiệt huyết dạy cho mỗi cá nhân tìm lại chính mình không phân biệt màu da, chủng tộc. Mỗi lần du hoá xứ người, Thầy có vài Phật tử ngoại quốc theo ủng hộ hoặc xin qui y mặc dù ngôn ngữ bất đồng. Nhờ Thầy, Thiền tông VN đã góp mặt với các Thiền phái trên thế giới và nước VN có dịp tiếp đón các thiền sinh từ các quốc gia khác đến học hỏi, tu tập và tham khảo.

 

Gần đây, theo sử liệu, Thầy đã dạy cho chúng tôi biết được nguồn gốc sâu xa của Phật giáo VN đã có khoảng 2000 năm, trước Thiên Chúa giáng sinh. Trong cuộc đời Thầy luôn luôn tìm tận nơi, thấy tận chỗ, nên một lần nữa, Thầy ra Bắc vừa thăm tăng ni, phật tử vừa đi tìm lại dấu tích của những cao tăng Ấn độ đầu tiên, đã mang đạo Phật truyền vào xứ VN.

 

Một sáng tinh sương, dầu hơn 80 tuổi đầu, theo ý nguyện, Thầy đã được 2 đệ tử « kè » lên núi. Trên con đường núi dài 6 cây số, Thầy đã băng rừng… vượt suối… leo dốc đứng…đã biết bao lần Thầy mệt lả người, bước chân rời rã….phải dừng lại để nghỉ ngơi … rồi tiếp tục…. Cuối cùng, Thầy đã lên được tới đỉnh núi. Ngồi xem VCD, tôi bật khóc, khi nhìn thấy bàn tay nhăn nheo của Thầy sờ vào phiến đá, khắc ghi dấu vết Tây Thiên, chứng tích của các Thiền sư Ấn độ đầu tiên đến Viêt Nam, hơn 2 ngàn năm trước, gần như đã san bằng với thời gian. Ý nguyện Thầy đã tròn.

 

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã hoàn thành để dân tộc VN, có dịp quay về một thời Giao Chỉ xa xưa, để hảnh diện về sự văn minh và cầu tiến của tổ tiên đã từng mở rộng cửa, đón tiếp văn minh và đạo đức xứ người, đồng thời cũng hãnh diện là đạo Phật VN đã có hơn hai ngàn năm lịch sử. Bản nguyện Thầy đã trọn.

 

Một niềm vui lớn cho tôi đã gặp được một người vừa có tinh thần quốc gia vừa có trách nhiệm với đạo pháp. Để tỏ lòng biết ơn, tôi kính cẩn cúi đầu chào Thầy với tư cách một người VN và quì lạy Thầy với tư cách một đệ tử.

 

12/2005

3 commentaires:

  1. Đọc lại vẫn thấy xao xuyến, Bravo chị Hanh viết bài hay quá làm gợi nhớ nhiều kỷ niệm thời sinh viên, chúng mình có nhiều năng lực và nhiệt huyết nhất là vụ làm văn nghệ nấu ăn để đóng góp giúp đồng bào miền Trung bị bão lụt .
    Trong bài 'Nhìn lại' KĐoan cũng có dịp nhắc đến miền Trung bão lụt. Mời đọc để cùng nhau nhớ lại sinh hoạt xưa của chúng mình, mới đó đã qua gần nửa thế kỷ

    http://trungvuong6370.blogspot.com/2010/11/nhin-lai.html

    Chúc các chị vui khỏe, an bình trong buổi chiều chủ nhật covid buồn
    KĐ (Dec-2020)

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. KIM HANH12/22/2020

      Vai trò người phụ nữ VN trong mỗi hoàn cảnh của đất nước.
      Nhìn lại... từ thời cô học trò áo trắng, tới cô sinh viên và một thời cầm phấn dạy học trò.
      Bao nhiêu kỷ niệm buồn vui được Đoan ghi lại đầy đủ, mạch lạc. Bài viết hay.
      KH

      Supprimer
  2. Cám ơn Hạnh.

    Đọc bài Hạnh viết xao xuyến nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thời sinh viên của chúng ta!

    Hải.

    RépondreSupprimer