Kangaroo, hòn đảo hoang dã của nước Úc
Từ thủ phủ Adelaide của bang Nam Úc, chúng tôi chất thật nhiều đồ ăn lên xe rồi thong thả chạy tới Cape Jervis để đón phà ra Kangaroo, hòn đảo lớn thứ ba nước Úc.
Mất ba tiếng đồng hồ cho quãng đường hơn trăm cây số bởi phải chờ phà, tuy nhiên so với đi máy bay từ trung tâm Adelaide chỉ mất 30 phút thì đa số dân địa phương vẫn thích đi xe. Đảo Kangaroo rộng 4.500 cây số vuông mà hệ thống xe buýt rất thưa thớt. Không có xe coi như cầm chắc bỏ lỡ nhiều cảnh quan đẹp có tiếng.
Vùng đất bị lãng quên
Phong cảnh đẹp ở Kangaroo Island
Leo lên chiếc phà mang tên Sealink, mọi người bắt đầu thấy hồ hởi. Ngày nắng đẹp nên trời và biển đều xanh ngăn ngắt. Đi được một chút, cả chuyến phà xôn xao náo động khi xuất hiện đàn cá heo nhào lộn trên biển. Trước khi đặt chân lên đảo, tất cả hành khách đều được giới thiệu sơ lược về hệ sinh thái đặc sắc trên đảo và cả những khuyến cáo cần thiết nhằm đảm bảo cho môi trường tự nhiên của Kangaroo Island duy trì được sự hoang dã. Hành khách được dặn kỹ là không đem theo thỏ, cáo, mật ong, những ai đi cắm trại thì phải rửa kỹ vật dụng cắm trại để tránh đem theo mầm cỏ dại lên đảo.
Một đoạn đường đẹp trên đảo
Vui đùa với chim bồ nông
Mùa này là mùa đông khách nhất ở Kangaroo. Vậy mà chúng tôi đi mãi mới gặp một chiếc xe ngược chiều. Cả đảo chưa tới năm ngàn dân, tính ra bình quân mỗi người sở hữu cả cây số vuông đất đai! Đường sá trên đảo chủ yếu vẫn là đường đất, chỉ có đường ở các thị trấn và trục đường chính của đảo là được trải nhựa. Các dự án xây cầu nối đảo với đất liền và phát triển hạ tầng trên đảo đều bị từ chối. Đa số người dân muốn giữ Kangaroo cho nguyên vẹn như khi đảo được người Anh phát hiện 200 năm trước.
Gấu koala trên đảo rất thân thiện với du khách
Xe chúng tôi chạy dọc nhiều bãi biển đẹp tuyệt vời. Những bãi cát mịn màng trải dài mấy cây số mà chẳng có bóng người, chỉ có đàn hải cẩu mập ú nằm phơi nắng. Đoàn dừng chân ở một bãi biển có những tảng đá khổng lồ bị gió và nước xoáy mòn tạo ra các hình thù ngoạn mục. Thật khó tin hòn đảo hoang vắng này từng có thổ dân sinh sống từ 16 ngàn năm trước, thời mà đảo còn nối với đất liền bằng một dải đất thấp. Cho đến những năm đầu Công nguyên nước biển dâng lên, dải đất thấp biến mất, thổ dân rút hết về đất liền. Hòn đảo trở nên hoàn toàn cách biệt và hệ sinh thái cũng ngày càng khác với đất liền.
Mua tour đi rừng, chúng tôi được cho lên chiếc xe chuyên dụng với cửa sổ bằng kính rất rộng. Ngồi trong xe nhưng hành khách vẫn có tầm nhìn bao quát toàn bộ khung cảnh xung quanh. Hơn một nửa diện tích đảo là rừng nguyên sinh. Vậy nên trước mắt mọi người chỉ là bạt ngàn màu xanh non lá cây của đồng cỏ, hàng cây hai bên đường, rặng núi xa tít chân trời, cả trời và biển cũng xanh, nhưng là màu xanh ngọc bích trong veo. Thiên nhiên hoang dã không hề yên tĩnh như tôi vẫn tưởng. Cuộc đấu tranh sinh tồn của chuột túi, sư tử biển, cá heo, chim biển, thú mỏ vịt, thiên nga đen… và hàng trăm loài thực vật quý hiếm rất sôi động qua lời kể của hướng dẫn viên say mê muông thú.
Cần nói thêm là các dịch vụ du lịch ở đảo rất bài bản, nhân sự thì gọn nhẹ tối đa. Hướng dẫn viên thông thái của cả đoàn cũng kiêm luôn nhiệm vụ tài xế một cách điệu nghệ. Giao thông trên đảo không phức tạp, song bầy thú hoang thường xuyên cắt ngang đầu xe bất ngờ nên người lái phải hết sức tập trung và bình tĩnh. Vậy mà bác tài vừa nhẹ nhàng điều khiển vô-lăng, vừa thao thao kể chuyện đầy duyên dáng và hóm hỉnh. Vào rừng quốc gia, du khách thích thú nhất khi được ôm ấp gấu koala hoặc vuốt ve những con kangaroo và tận tay đưa thức ăn vào miệng chúng. Gấu koala bé nhỏ dễ thương, di chuyển chậm chạp là một loài động vật riêng biệt của nước Úc. Giống như kangaroo, koala có một chiếc túi để đèo con trước bụng.
Hòa mình giữa thiên nhiên bao la
Buổi trưa, xe tiến về phía khu vực American River để mọi người lên thuyền cao tốc đi dạo chơi ven đảo theo đường biển. Khi thuyền rời cầu cảng, tiếng động cơ làm đàn bồ nông đang nghỉ ngơi gần đó xao xác một chút rồi lại thảnh thơi làm việc của mình. Đúng là động vật trên đảo chẳng hề sợ người. So về số lượng, động vật hoang dã ở đây hoàn toàn áp đảo con người. Vừa qua khỏi địa bàn của bồ nông, chúng tôi lại sa vào thế giới của loài mòng biển. Trên những mỏm đá to rộng, hàng trăm con mòng biển đang ồn ã ríu rít với thứ ngôn ngữ riêng của chúng.
Người lái thuyền đưa cả đoàn đi về phía bờ Tây để giới thiệu với mọi người mấy chú cá heo mà anh quen mặt. Anh khoe rằng đó là những người bạn thân nhất của mình vì hai bên gặp gỡ nhau hằng ngày. Những chú cá heo bơi sát mạn thuyền hoặc tiến lên phía trước mũi, hai chú dẫn đầu còn uốn lượn rẽ nước song song cùng nhau như biểu diễn. Mặc dù sống ngoài tự nhiên nhưng cá heo rất thân thiện với du khách.
Tuy vậy việc cho chúng ăn bị cấm bởi như vậy sẽ làm mất bản năng sinh tồn của loài. Bác lái thuyền kể rằng những hôm không có khách anh vẫn dong thuyền ra đây chỉ để ngắm nhìn đàn cá heo rồi lại về. Quả thật, cư dân của đảo phải là người yêu thiên nhiên, muông thú. Đời sống vật chất tiện nghi trên đảo chỉ ở mức tối thiểu, thực phẩm và xăng đắt đỏ, chỉ có thiên nhiên là tuyệt vời. Hầu hết dân Kangaroo mà chúng tôi gặp đều rất vui tính và thong dong. Họ hài lòng với căn nhà đơn sơ cùng những con đường đất bụi mịt mù, thú vui giải trí phổ biến là câu cá và tắm biển.
Trên con đường xuyên đảo
Buổi chiều, chúng tôi đến Seal Bay – vịnh Hải Cẩu. Cung đường đi về phía biển hai bên chủ yếu là cây bụi. Khung cảnh cằn cỗi mới nhìn có vẻ vắng lặng nhưng quan sát kỹ thì thấy vài con chuột túi thò đầu khỏi bụi cây, rồi biến mất rất nhanh khi xe đến gần. Thi thoảng, bên lùm cây lại rung lên kèm tiếng thở nặng nhọc khiến chúng tôi giật mình, hóa ra đó là một chú hải cẩu trở mình khi đang ngủ.
Một tảng đá có hình thù kỳ lạ
Seal Bay là khu vực bảo tồn hải cẩu và sư tử biển. Dù phải giữ khoảng cách để không làm chúng hoảng sợ, chúng tôi vẫn nhìn rõ được vẻ đáng yêu của loài động vật mũm mĩm này. Đa số hải cẩu nằm ngủ lăn lóc khoe thân hình béo ú, chỉ vài ba con nhỏ xíu vừa lê la tìm mẹ, vừa ư ư kêu la nghe rất da diết. Anh hướng dẫn của khu bảo tồn vui vẻ giải thích: “Các bạn đừng lo! Mẹ chúng phải đi kiếm ăn, có khi hai ngày mới về. Hải cẩu con tìm mẹ mệt rồi thì lăn ra ngủ, mẹ chúng về sẽ tìm thấy chúng ngay mà thôi”.
Du khách ngắm đàn chuột túi sống bên bờ biển
Một góc vịnh Hải Cẩu