mardi 2 mai 2023

Từ Marguerite Duras, tác giả 'Người Tình' đến cô hoa hậu châu Á ở Paris- Phạm Cao Phong

 Phạm Cao Phong- Từ Marguerite Duras, tác giả 'Người Tình' đến cô hoa hậu châu Á ở Paris

18 tháng 4 2023

image001.jpg

NGUỒN HÌNH ẢNH,CAO PHONG PHAM

Chị Loan de Fontbrune

 

Nữ văn hào Pháp Marguerite Duras (1914-1996), sinh tại Gia Định ngày 4.4.1914, có một tuổi thơ dữ dội ở Đông Dương không xa lạ gì với Việt Nam.

Duras gửi vào tiểu thuyết xúc động 'Người Tình' của bà những hồi ức về mảnh đất sinh thành. Nơi cái nắng nhiệt đới không sưởi ấm được cho tuổi thơ vất vả bên dòng Cửu Long cũng chẳng vun trồng cho mối tình huyền ảo, éo le, day dứt đến những ngày cuối cùng của cuộc đời bà.

Mầu xanh của lá lục bình mùa nước nổi, những giọt nước mắt chảy ngược vào tim của cô thiếu nữ Pháp trong 'L'Amant' (Người tình) đã làm rung động trái tim hàng triệu bạn đọc không chỉ ở Pháp mà cả thế giới.

'Người tình' đã vượt trên con số 2,5 triệu ấn phẩm, nhận được giải thưởng cao quý Goncourt, đưa tên tuổi Marguerite Duras lên tầm quốc tế.

Tôi đọc tác phẩm 'L'Amant' bằng tiếng Pháp và nhận thấy rằng bộ phim được đạo diễn Jean-Jacques Annaud chuyển thể lên màn ảnh mới chỉ diễn tả được khoảng 50-60% những dòng chữ nóng hổi nước mắt, tinh tế và đầy ắp tình người của người nữ sĩ.

Câu chuyện Marguerite Duras viết ra hoàn toàn dựa trên việc thật, người thật.

Tại Paris, tôi tìm ra một mối liên kết đằm thắm với nữ văn hào Pháp.

Tình cờ, một lần đến chơi nhà chị Loan de Fontbrune, tôi chợt nhận ra trên một chiếc bàn nhỏ để một bức ảnh chụp đen trắng hai người thiếu nữ.

Đọc nhiều tài liệu về Marguerite Duras, xem nhiều ảnh về bà, nên tôi ngờ ngợ không biết người phụ nữ Pháp trong đó có phải là tác giả tiểu thuyết 'Người tình' hay không?

Kết quả tôi được nghe câu chuyện này:

 

"Gia đình chị và gia đình Marguerite Duras thân nhau lắm. Ông nội chị ở Sa Đéc. Bà nội chị và ba chị đều là học trò của bà Donnadieu, giáo viên dạy Pháp văn và là mẹ của Marguerite. Bà dạy cho bà nội, sau đó là ba của chị. Bà nội học chung với Marguerite, là bạn cùng lớp với nhau, chơi thân với nhau.

Sau đó bà Donnadieu (mẹ của Marguerite) lên Sài Gòn, mở một trường nội trú. Cha của chị cũng lên Sài Gòn học tiếp ở trường Chasseloup-Laubat và sống trong trường nội trú của bà.

Khi Marguerite trở về Pháp, bà nội mất tin tức, không còn liên lạc, lúc đó cả hai còn trẻ măng.

Vui là sau này, vào năm 1979, gia đình chị hồi hương, gọi là hồi hương vì gia đình đằng nội đều quốc tịch Pháp từ thời thuộc địa. Ông nội của chị lúc đó là chưởng khế ở Sa Đéc nên tính quốc tịch Pháp là đã có từ đời ông nội.

image002.jpg

Bà nội của chị Loan với nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras khi còn học chung một lớp tại Sa Đéc

 

Trở lại Pháp lúc đó có ông nội, bà nội, ba má chị, chị và các em chị.

Bà nội đi chơi ở Paris, khi đi đến khu St. Germain des Prés cứ hay nhìn mặt những bà lớn tuổi, nên chị hỏi, bà nội nhìn cái gì vậy? Bà nội mới đáp, ngày nhỏ bà nội có học với một cô đó, sau đó cô ấy đi Pháp, nên bà nội mất tin, nên có thể bà nội hy vọng bất ngờ gặp lại ở Paris.

Chị hỏi cô bạn của bà tên gì, bà nội nói "cô bạn tên là Marguerite Donnadieu".

Lúc đó chị mới cười, nói, bà nội ơi bà Marguerite Donnadieu bây giờ có tên là Marguerite Duras, là nhà văn mới viết một quyển sách nổi tiếng lắm là tác phẩm 'L'Amant', nói về người tình của Marguerite.

Bà nội mới cười, nói: "Bà nội biết cái người tình đó mà. Ngày trước, ông người tình đó đến trường đều đều, đi xe đến rước Marguerite. Chuyện này có thật."

Sau đó, bà nội mới mua cuốn sách 'L'Amant' về đọc, mà lúc đó bà nội đã 80 mấy tuổi rồi. Bà nội nói: "Woauh, bà nội có biết chuyện đó, nhưng không ngờ Marguerite bạo vậy, thời đó con gái đâu dám đi chơi với con trai."

Chiều lòng bà nội, chị mới đến Edition de Minuit (một trong những nhà xuất bản danh tiếng thành lập năm 1941, có doanh thu đến 15 triệu euros năm 2020), nơi ra sách của Marguerite. Đến đó họ sẵn sàng đưa cho chị địa chỉ, số điện thoại và sách của Marguerite, trong đó có cái hình mà em xem thấy đó.

Trước đó, chị thỉnh thoảng cùng đi với chồng có Galerie tranh gần đó, chị cũng gặp Marguerite Duras tại cà phê Lipp."

Nơi hội ngộ của văn nghệ sĩ, tài tử điện ảnh

Tôi nói sơ vài giòng về cà phê Lipp, để ai qua Paris biết thêm về lịch sử.Lipp ra đời từ năm 1880. Đây là một trong ba quán brasseries nổi tiếng Paris, nơi hội ngộ giới văn nghệ sĩ, tài tử điện ảnh. Quán nổi tiếng với những món ăn đặc sản vùng Alsace và không khí nghệ thuật.Những tên tuổi lớn trên văn đàn nước Pháp như Verlaine, Apollinaire, Jacques Laurent, Jean Dutourd, diễn viên điện ảnh Jean Paul Belmondo, Elizabeth Taylor, ca sĩ Claude Nougaro, các tổng thống François Mitterrand, Bill Clinton đều đã là thực khách của brasserie Lipp.Lipp cũng là nơi trao giải thưởng văn học Prix Cazes, một giải thưởng trị giá 4.000 euro và 20 suất ăn miễn phí tại nhà hàng dành cho việc khuyến khích các tài năng dưới 40 tuổi. Bộ phim Tanguy (2001) hiện tại đã trở thành thành ngữ chỉ hiện tượng con cái lớn vẫn sống bám vào bố mẹ cũng đã thực hiện một số cảnh quay tại đây.

Quay lại với câu chuyện của chị Loan:

"Một lần nhìn thấy Marguerite Duras, chị đến gặp và tự giới thiệu chị là cháu của bà nội, nói bà nội có muốn gặp. Marguerite Duras cũng rất mong muốn gặp lại bà nội chị. Thế là hai bà gặp nhau, ngồi nói chuyện vui lắm. Nhà của bà Marguerite Duras ở rue Saint Benoit gần cà phê Flore. "

Ngôi nhà số 5 rue Saint Benoit quận 6 Paris hiện còn gắn hai tấm biển bằng đá cẩm thạch ghi tên hai vĩ nhân của văn đàn Pháp đều đã sống ở đây là nhà thơ Léo Larguir và Marguerite Duras."Theo như bà nội nói, thì ông người tình của Marguerite Duras cũng là bà con trong gia đình của chị. Sau năm 1975, một phần di tản ra nước ngoài, những người ở lại Việt Nam thì cũng sa sút, cũng không khá giả gì, ba má chị cũng có gửi tiền giúp đỡ."

image003.jpg

Chị Loan trong khi là nữ sinh trường Marie Curie năm 1977 tại Sài Gòn

 

- Chị đã xem phim 'L'Amant'? Chị có cảm tưởng gì?

- Chị có đóng một vai phụ trong đó. Vì khi đạo diễn tìm những diễn viên phụ, chị nhận một vai vì cũng muốn đánh mắt, đá lông nheo với bà nội và chị cũng thích Marguerite Duras, mê các tác phẩm của bà."

Một chuyện trái khoáy xảy ra với bộ phim 'Người tình'. Lẽ ra Marguerite sẽ cùng quay phim với đạo diễn Jean-Jacques Annaud.Song một cơn bệnh đã quật ngã bà, bắt Duras nằm liệt giường mấy tháng liền. Công việc viết kịch bản (scénario) của Duras được ủy thác hoàn toàn cho Jean-Jacques Annaud và cộng sự quen thuộc của ông là Gérard Drach. Vì vậy bà được bồi hoàn thêm 1 triệu francs. Dùng số tiền này bà mua một căn hộ ở rue de Rennes.Trước đó Marguerite Duras đã bán bản quyền chuyển thể tiểu thuyết 'L'Amant' cho nhà sản xuất phim Claude Berri cũng với giá 1 triệu francs, đồng thời nhận được thêm 10% trên doanh thu tính theo số vé bán được là 3.500.000 lượt người xem tại Pháp.Sau khi bộ phim ra mắt, Marguerite Duras tỏ ra không hoàn toàn hài lòng, bà nói đạo diễn đã làm sai lạc nhiều ý tưởng cuốn tiểu thuyết của bà.Không có cơn bệnh cản trở công việc, hình hài bộ phim hợp tác giữa ba nước Pháp-Anh-Việt với ngân khoản đầu tư lên đến 120 triệu francs cho phim 'Người tình' sẽ khác đi nhiều?Theo tôi, Marguerite Duras đã rơi xuống tận cùng vực sâu của nỗi buồn, là người đủ tài tinh tế chuyển thể sang ngôn ngữ điện ảnh. Vì nó thấm vào máu mảnh đời thật của bà, như hồn thơ "Tình cũ ai oán hay giăng mắc, ai biết nợ ai một cuộc đời?" đeo níu, không gỡ được khỏi bước chân Duras.Song so bì với Marguerite Duras, người không có ngày được hưởng cây tình yêu trổ bông, thì chúng ta đã là may lắm được xem một bộ phim thú vị như thế?

Thành đạt tại Pháp

Đằng sau vóc dáng mảnh dẻ, đôi mắt sáng, dịu dàng cùng sự khiêm tốn của chị Loan là một kiến thức đồ sộ về mỹ học, những hiểu biết sâu sắc hiếm có về tranh tượng về hội họa, mỹ thuật, gốm, sứ và cổ vật Việt Nam.

Chị Loan nhận được chức danh "Thành viên" của Viện Hàn Lâm Hải Ngoại Pháp, một vị trí sánh với những tên tuổi có những đóng góp về nghiên cứu, văn học, khảo cổ, nghệ thuật như: vua Bảo Đại (1913-1997), vua Albert 1er de Belgique (1875-1934), Tổng thống Pháp Gaston Doumergue (1863-1937), Paul Doumer (1857-1932) cũng là tổng thống Pháp mà tên ông được đặt cho cầu Long Biên.Chị trở thành người quảng bá cho nền văn hóa Việt Nam tại Pháp, đưa những kiến thức về nền hội họa, điêu khắc, gốm sứ và nét đẹp của cổ vật Việt Nam ra thế giới.Điểm tên những công trình nghiên cứu chị viết ra cũng đủ cho chúng ta một khái quát bao la về những đóng góp của chị Loan cho việc tìm hiểu những giá trị Việt Nam.Đó là những trang viết có sức thuyết phục lớn:"Việt Nam-Nghệ thuật và văn hóa từ tiền sử đến nay", "Bốn thế kỷ quan hệ Pháp -Việt, Trường phái nghệ thuật Đông Dương", "Ảnh hưởng của các nghệ sĩ Pháp tới Việt Nam", "Victor Tardieu và các học trò của ông, từ sông Hồng đến Cửu Long", "Đồ sứ men lam Huế từ đầu thế kỷ 18 đến thế kỷ 19", " Lăng tẩm Huế", "Những nhiếp ảnh gia Pháp đầu tiên ở Việt Nam"…

Hoa hậu Châu Á đầu tiên tại Paris từ chối làm ngôi sao điện ảnh

Một cô gái sắc đẹp mặn mà, nói trôi chảy bốn ngoại ngữ, tiếng Anh, Nhật, Hoa, Pháp được nền điện ảnh đứng thứ ba thế giới quyến rũ mời đóng phim, thì chúng ta sẽ tiên đoán ra sao về con đường đi tìm sự nghiệp của thiếu nữ đó?Tôi chắc chắn 100% người được hỏi sẽ trả lời sai về quyết định cô gái Pháp gốc Việt, người đã từng đội lên mái tóc đen óng ả chiếc vương miện của kỳ thi hoa hậu châu Á của Paris.

Đó cũng là một phần số phận kỳ lạ của chị Loan.Do bạn bè thúc giục, chị đăng ký kỳ thi hoa hậu châu Á lần đầu tiên tổ chức tại Paris."Chị thi và chị được đậu. Sau đó họ cho vé chị qua Hong Kong. Qua đó tivi Hong Kong phỏng vấn. Lúc đó chị nói tiếng Hoa ro ro, nói trên truyền hình bằng tiếng Hoa vì chị học tiếng đó mà. Sau ngày hôm sau, cả Hong Kong đều xem tivi hết, vì tò mò xem hoa hậu từ Paris qua mà.Họ có giới thiệu đóng phim, họ nói, cô ở lại Hong Kong đi để đóng phim. Cô đóng phim sẽ trở nên rất nổi tiếng vì cô đẹp lắm, này kia. Chị nói, cám ơn, nói tôi còn phải trở lại Pháp vì tôi còn học đại học, lấy bằng cấp. Ra đến phi trường họ còn xin chữ ký.Nếu lúc bấy giờ chị nhận lời đóng phim thì chắc bây giờ cũng nổi tiếng lắm." (cười)

- Thế chị có tiếc không?

- Không, không tiếc.

image004.jpg

NGUỒN HÌNH ẢNH,LOAN DE FONTBRUNE

Bìa một cuốn sách nghệ thuật Việt Nam tại Pháp có đóng góp của chị Loan de Fontbrune

Chị trả lời tôi với một nụ cười hồn hậu.

- Không, không bao giờ tiếc. Tức cười luôn.

Có thể chúng ta đã may mắn có được lời chối từ ánh đèn sân khấu của chị, để hôm nay có một người trí thức gốc Việt làm rạng danh văn hóa Việt Nam ở thủ đô nước Pháp?

Chị Loan nói với tôi: "Chị hãnh diện giúp cho thế giới biết thêm về mỹ thuật Việt Nam." Giữa hai mảnh đời của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras và chị Loan có những đan chéo và những mảng màu ấn tượng. Marguerite Duras đánh mất mối tình đầu, đánh mất mảnh đất sinh thành, gặp lại nước Pháp, để rồi nhung nhớ về tuổi thơ ở Việt Nam. Đông Dương trong tâm khảm Duras là giọt mật ong sắc vàng óng ả cho sáng tác của bà. Loan de Fontbrune cũng bị tách ra khỏi cội rễ, để lại phía sau những kỷ niệm yêu thương không dễ xóa nhòa, làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng trên đất Pháp.

Những cá nhân như Marguerite Duras, hay chị Loan đã tìm thấy những giá trị đích thực của họ dù mang trong tâm khảm những vết thương, theo tôi không bao giờ lành.

Việc phải chia tay với mảnh đất sinh thành, cũng như đổ vỡ trong tình yêu không có lý giải nào là dứt khoát và không bác bỏ được.

"Trăm năm xe sợi chỉ hồng

"Buộc người tài sắc vào trong khuôn trời " (ca dao)

Song lạc lõng trên mảnh đất xa lạ, mà tự mình tìm được một chỗ đứng nhỏ nhoi dưới ánh nắng mặt trời, ở đâu cũng không dễ chút nào?

 

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Cao Phong, hiện sống tại Paris, Pháp.


Anh Thư chuyển 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire