Affichage des articles dont le libellé est BÍ QUYẾT SỐNG VUI. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est BÍ QUYẾT SỐNG VUI. Afficher tous les articles

vendredi 9 novembre 2018

BÍ QUYẾT SỐNG VUI

BÍ QUYẾT SỐNG VUI



Tâm tư thay đổi…
Ngày một ngày hai trôi qua, mình bắt đầu nhận ra nhiều điều thay đổi trong tâm mình. Mỗi sáng, mình đứng nhìn dòng người dài ngoằn đang xếp hàng để được phân chia công tác. Có một hôm mình tò mò đứng đếm, trên 200 người mỗi ngày. Họ từ khắp nơi đổ về đây để làm từ thiện. Mình hỏi thăm, thì có người đến từ Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Chile, Brazil, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật, vv…và họ thuộc đủ mọi tôn giáo khác nhau. Ai ai cũng đều tự móc tiền túi ra để mua vé đến nơi này làm việc thiện. Mình đã tự hỏi rằng: “Tại sao? Công việc của các nữ tu trong Hội của Mẹ Têrêsa có gì mà hấp dẫn đến vậy? Hội chưa hề bao giờ quảng cáo, kêu gọi đóng góp, xin tiền… hay gì gì cả. Thế mà mọi người vẫn biết đến và tìm về”. Mỗi thứ tư, đều có ngày “hướng nghiệp” (orientation day). Thành phố Calcuta có 7 cơ sở, nói cho oai chứ thật ra là 7 căn nhà được phân loại ra theo thành phần cần giúp đỡ: những bệnh nhân sắp chết, những người mắc bệnh AIDS, những trẻ em không có khả năng tự lo, những trẻ tật nguyền nhưng còn biết chút chút vv…


Bí quyết sống vui
Tối về mình không ngủ được, cứ tự hỏi tại sao trên đời có nhiều người bất hạnh đến thế và lại có nhiều người hy sinh đến vậy? Động lực nào đã giúp các sơ luôn mỉm cười mỗi ngày và vui sống? Tò mò lắm, nên mình đã sống và làm theo y hệt công việc của một nữ tu hàng ngày. Bảy ngày trôi qua đã giúp mình tìm ra đáp số. Có những đến 3 phần tạo nên câu trả lời đầy đủ nhất.


1.  Nguyện cầu trong cuộc sống
Mỗi sáng sớm, các sơ đều tập trung tại nhà chính để đọc kinh và cầu nguyện. Các thiện nguyện viên đều vậy. Họ đến, không phân biệt tôn giáo, im lặng, ngồi bệt dưới đất và cùng nhau cầu nguyện. Họ cầu nguyện hết sức chân thành và liên tục trong 2 tiếng đồng hồ. Mỗi chiều, sau khi xong công việc, các sơ lại họp nhau nơi đây và tiếp tục cầu nguyện trong một tiếng rưỡi đồng hồ, rồi mới đi ngủ. Mình đã tham dự những buổi cầu nguyện như vậy, và lần nào mình cũng đều xúc động. Mình biết là ở trên cao, Mẹ Têrêsa luôn mỉm cười khi các con của Mẹ đã và đang tiếp tục làm tròn nhiệm vụ Mẹ giao. Và mình hiểu ra rằng nhờ có sự che chở và ban phước lành của Ơn Trên, các sơ mới làm được những điều vĩ đại ấy.


2..  Sự đơn giản
Bạn cứ thử hình dung ra một buổi hội họp với hơn 200 người trong vòng 2 tiếng đồng hồ mà không hề có một tiếng phone reo? Con người ở đây sống với sự đơn giản tuyệt đối. Không cell-phone, không máy fax, không wifi, không computer, không laptop, không internet, cũng không cần texting hay ipad. Họ không có cả cái ghế để ngồi. Ghế của họ là sàn đất, không xi-măng, không gỗ, không thảm. Bởi thế suy nghĩ của họ đơn giản hơn chúng ta nhiều lắm. Không tính toán, không lo toan, không ích kỷ, không ganh tỵ hẹp hòi, không thù hằn đố kỵ. Và vì vậy đầu óc họ cũng thảnh thơi hơn chúng ta nhiều lắm. Không sợ mất nhà, mất tiền, mất job, không sợ tai tiếng thị phi, không sợ cả cái chết dù ngày mai có đến.


3.  Niềm vui tự có
Lúc mới tới đây mình gớm công việc giặt đồ quá đi. Đã có lúc muốn bỏ về. Nhưng khi tiếp xúc với các em, mình mới nhận ra là mình hạnh phúc hơn nhiều người lắm. Mình không phải nghèo (the poor), còn họ lại là những người nghèo khổ nhất (the pourest). Họ không ăn được, không tự đái ỉa được, không tự lo được, thì còn gì là cuộc sống. Vậy mà đã có em bé nhìn mình mỉm cười. Nụ cười vô tư và dễ thương làm sao!
Mình cười, nhưng tim mình thắt lại, và lòng mình chùng hẳn đi. Liệu em có hiểu biết gì không, có cảm nhận được gì không khi tặng mình nụ cười vô tư ấy? Có một buổi chiều khi làm xong hết việc, sắp đi về ngủ thì tình cờ mình trông thấy một bông hoa nở bên một khe lạch. Mình chạy lại xem ngay, và mừng rỡ đứng ngắm thật lâu bông hoa lạ kia. Hạnh phúc và niềm vui cứ tự đâu tràn về. Mình happy quá, vì mình còn đôi mắt để nhìn, để ngắm, còn đôi chân để chạy lại xem, còn hai tai để nghe tiếng nước chảy tí tách. Và mình chợt hiểu ra rằng niềm vui không phải là những trò game trên máy tính, không phải là những bữa ăn buffet anh ách cả bụng, cũng không phải là những text message cứ trao đổi nhau mỗi ngày xoành xoạch. Đừng tính toán cho cái tôi của mình nhiều quá. Khi không tìm thì niềm vui sẽ tự đến. Bảy ngày đã mang đến cho mình biết bao là niềm vui nho nhỏ…


Không xin – không từ chối… Mình xin kể một kỷ niệm gây “shock” nữa đây. Hôm cuối cùng sắp sửa về, vì quá xúc động trước những điều tai nghe mắt thấy, mình và người bạn tìm đến gặp một nữ tu, nói lời từ biệt rồi ngỏ ý muốn đóng góp chút tiền cho hội. Sơ chỉ tay về phía mộ Mẹ Têrêsa và bảo tụi mình đến bỏ tiền vào thùng đó (nơi mộ Mẹ có một thùng nhỏ bằng gỗ, không hề khóa, để mọi người tùy hỷ đóng góp).
Mình nói to: “Con gúp 1000 đô!” (mà trong lòng đinh ninh rằng sơ tưởng mình tặng món tiền nhỏ nên mới bảo bỏ vào cái thùng ấy, chứ cả ngàn đô thì… lỡ ai rinh thùng đó đi luôn thì sao?) Sơ gật đầu, vẫn chỉ tay về hướng ấy. Mình lặp lại lần nữa to hơn: “One thousand dollars!”. Sơ gật đầu, mỉm cười cúi chào rồi… tiếp tục rảo bước. Mình ngạc nhiên cùng cực, không lẽ nơi đây không ai tham lam và ăn cắp? Sau đó trên chuyến bay về lại Mỹ, mình có dịp trò chuyện với một thiện nguyện viên người Nga. Cô cho biết cô đến Calcuta đây là lần thứ ba. Khi mình kể lại món quà “một ngàn đô”, cô cười và giải thích: “Hội Missionary Sisters of Charity do Mẹ Têrêsa sáng lập có một câu phương châm, đó là: không xin, không từ chối (Ask for nothing. Refuse nothing). Nghĩa là, chúng tôi không quảng cáo, không kêu gọi đóng góp. Nhưng nếu bạn có lòng, thì chúng tôi nhận tất cả những gì bạn tặng: tiền bạc, thời gian, công sức, một lời cầu nguyện, hay ngay cả một nụ cười”. Giờ nhớ lại, mình vẫn còn thấy ngượng cho danh tự xưng “nha sĩ từ Mỹ” mà mình tự khoe với mọi người, cũng như về món quà “to tát một ngàn đô” mà mình “sợ mất giùm cho các nữ tu”.
Có dịp trò chuyện với các thiện nguyện viên đến từ khắp nơi, mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một cô bé đến từ Trung Quốc, chừng hơn hai mươi tuổi, nói rằng cô đến đây là lần thứ hai. Mình tò mò hỏi lại: “Cô sống tại một nước cộng sản chưa đủ khổ hay sao mà còn tìm đến đây giúp đỡ?” Cô cười: “Có đến nơi này, tôi mới biết là không nơi đâu nghèo khó và cùng cực như ở Calcuta và cũng không nơi đâu có thể tìm thấy những con người hơn cả vĩ đại như các nữ tu nơi này”.


Hạnh phúc xả ly…
-.  Thế chuyến đi Ấn Độ vừa qua đã giúp anh Bình điều gì?
-.  Hai tuần ở hai thành phố nhỏ nơi miền Tây và miền Đông Ấn Độ đã tặng cho mình một kinh nghiệm sống tuyệt vời. Lúc rời Mỹ, tôi cứ tưởng mình tới đó để “dạy cho người ta, ban phước cho người ta, bố thí cho người ta”. Hai tuần trôi qua, mình mới nhận ra là mình may mắn đã “học được rất nhiều từ người ta, được người ta ban phước và được người ta bố thí”. Các nữ tu và những con người cùng khổ nhất trong những người nghèo khổ đã tặng cho mình một món quà vô giá: giúp mình hiểu thế nào là hạnh phúc Xả Ly. Con người ta thường cho rằng hạnh phúc là “có” tài sản, có quyền lực, có danh vọng, có địa vị… Khi chưa có thì muốn có, và làm đủ mọi cách để mà có. Khi có rồi thì sợ mất hay lại muốn đòi có cái khác cao hơn, mắc hơn, xịn hơn. Nếu không có thì buồn phiền, bất mãn, khổ sở.


Hạnh phúc: Có và không!
Nhưng với các nữ tu nơi đây thì “không có” là một hạnh phúc. Họ nghèo hơn chúng ta nhiều lắm, vì tài sản của họ chỉ là hai bộ đồ và hai bàn tay trắng. Nhưng họ giàu hơn chúng ta biết bao, bởi họ thật sự có trái tim và tấm lòng. Và những người bất hạnh cũng vậy. Với họ, sống được thêm một ngày đã là một niềm vui. Có những em bé mồ côi khi mình tắm cho, em ôm lấy mình bi bô câu gì đó, rồi em cười hạnh phúc. Có những ông cụ gầy giơ xương khi được phát trái chuối thì bẻ ngay một mẩu cho vào miệng móm mém nhai một cách ngon lành. Có những bà cụ già bị bỏ rơi, khi mình kéo tấm chăn lên ngực thì bà nhắm mắt ngủ ngay một giấc thật ngon. Ở quốc gia này, chẳng thấy ai cần đến thuốc an thần hay thuốc trị trầm cảm. Phải chăng sự đơn giản đã giúp tâm hồn người dân nơi đây thanh thản hơn chúng ta?
Đi hai tuần trở về, mình nghiệm ra một điều rằng: Trong cuộc sống, có những thứ “cho đi” là “đón nhận”. Phải chăng hạnh phúc thì “không” chính là “có”? Nắm giữ cho nhiều rồi khi nhắm mắt thì có cũng thành không…


Quà tặng cuộc sống
-.  Cuối cùng thì anh Bình còn điều gì muốn chia sẻ?
-.  Về lại Mỹ, mình có suy nghĩ khác đi. Mình sắp xếp lại thời khóa biểu cho công việc, gia đình và cho chính bản thân. Dành thêm thời gian quan tâm đến người khác, và tự cho phép mình có những phút thảnh thơi – một mình, với thiên nhiên, hay… chẳng làm gì cả.
Mình tập bỏ bớt các sự ham muốn, bám víu vật chất bên ngoài. Bớt ngồi chít chát meo, bớt đổi iPad, iPhone mỗi lúc ra mặt hàng mới. Mình cũng bớt cưng chiều các con quá đáng như xưa, dành thời gian dạy dỗ các con về giá trị thật của hạnh phúc và con người. Mình kể về hai chuyến đi này chỉ mong mọi người hiểu rằng: Ở một nơi thật xa, những góc rất khuất của cuộc đời, vẫn có những con người – tuy bất hạnh nhưng thảnh thơi hơn chúng ta nhiều lắm, tuy tay trắng nhưng lại giàu có hơn chúng ta biết bao. Nếu có thể, hãy tự thưởng cho mình hay cho con cháu một vé đi Ấn Độ, thay vì tự mua một chiếc xe mới, hay tặng cho con một cái laptop đắt tiền. Chỉ một tuần thôi, chắc chắn sẽ thay đổi hoàn toàn cái nhìn của chúng ta về cuộc sống và hạnh phúc trong đời. Chắc chắn đây là món quà mà mình sẽ tặng cho các con khi chúng 18 tuổi.

Thanh Võ

Sơ Hằng chuyển