mardi 28 mars 2023

Cùng một bữa ăn có thể làm tăng gấp đôi lượng đường trong máu

 Cùng một bữa ăn có thể làm tăng gấp đôi lượng đường trong máu




Hơn nửa thế kỷ nay, chúng ta đã biết rằng khả năng “dung nạp đường glucose” nghĩa là khả năng kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể chúng ta giảm dần khi thời gian trong ngày trôi qua. Nếu bạn đặt đường truyền tĩnh mạch và cho nước đường chảy nhỏ giọt vào tĩnh mạch với tốc độ ổn định trong cả ngày, vào khoảng 8 giờ tối, lượng đường trong máu của bạn bắt đầu tăng lên, cho dù bạn chưa ăn gì và tốc độ truyền dịch cũng không thay đổi. Cùng một lượng đường đi vào cơ thể mỗi phút, nhưng khả năng điều hòa lượng đường của bạn sẽ giảm bớt vào buổi tối, và sẽ tăng trở lại vào buổi sáng. Một bữa ăn lúc 8 giờ tối có thể gây ra phản ứng đường huyết gấp đôi so với bữa ăn tương tự được ăn vào lúc 8 giờ sáng. Cứ như thể bạn ăn đã ăn gấp đôi!



Cơ thể không mong đợi bạn sẽ ăn khi ngoài trời đã tối. Loài người của chúng ta có thể chỉ mới phát hiện ra cách sử dụng lửa khoảng 2.6 triệu năm trước. Chúng ta không được cấu tạo để ăn uống trong suốt cả 24 giờ.

Một trong những xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường được gọi là xét nghiệm dung nạp glucose để xem cơ thể bạn có thể đào thải đường ra khỏi máu nhanh ra sao. Bạn uống một cốc nước có pha khoảng 4 muỗng canh siro bắp thông thường , và sau đó đo đường huyết vào khoảng 2 tiếng sau. Vào thời điểm đó, lượng đường máu của bạn phải dưới 140 (mg/dL). Giữa hàm lượng từ 140 (mg/dL) đến 190 (mg/dL) được coi là bị tiền tiểu đường, và từ 200 (mg/dL) trở lên được coi là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.



Nhịp sinh học của khả năng dung nạp đường glucose mạnh đến mức mà một người có thể cho kết quả xét nghiệm bình thường vào buổi sáng, nhưng kết quả có thể là tiền tiểu đường nếu xét nghiệm muộn hơn. Người bị tiền tiểu đường có hàm lượng đường trung bình 163mg/dL lúc bảy giờ sáng sẽ trở thành tiểu đường nếu xét nghiệm lúc bảy giờ tối, với nồng độ đường trên 200mg/dL.

Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp có thể giúp bạn giảm cân nhanh hơn, nhưng thời điểm rất là quan trọng, những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp ăn vào ban đêm có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến hơn so với các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao nhưng ăn vào buổi sáng.



Chúng ta bị tê liệt về mặt trao đổi chất vào ban đêm: các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ăn một bát ngũ cốc của All Bran vào lúc 8 giờ tối khiến lượng đường trong máu tăng đột biến như ăn ngũ cốc Rice Krispies vào lúc 8 giờ sáng. Ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và vào ban đêm dường như đại diện cho điều tồi tệ nhất của cả hai thế giới. Vì vậy, nếu bạn định ăn ngũ cốc tinh chế và đồ ăn vặt có đường, thì ăn vào buổi sáng sẽ có lợi hơn.

Sự sụt giảm khả năng dung nạp glucose theo thời điểm trong ngày có thể giúp giải thích lợi ích giảm cân của việc nạp calo vào lúc bắt đầu ngày mới. Thậm chí chỉ một bữa ăn trưa sớm hơn so với bữa ăn trưa muộn hơn cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Những người ngẫu nhiên ăn một bữa lớn lúc 4h30 chiều có phản ứng đường huyết cao hơn 46% so với một bữa ăn giống hệt nhưng trước đó chỉ vài tiếng, vào lúc 1 giờ chiều. Và một bữa ăn lúc 7 giờ sáng có thể khiến lượng đường trong máu thấp hơn 37% so với một bữa ăn giống hệt lúc 1 giờ chiều. Nhưng dường như không có bất kỳ sự khác biệt nào giữa một bữa ăn lúc 8 giờ tối và bữa ăn tương tự lúc nửa đêm — cả hai đều có vẻ đã quá muộn. Nhưng ăn khuya, nửa đêm hoặc thậm chí 11 giờ tối có thể làm rối loạn nhịp sinh học của bạn đến mức làm rối loạn quá trình trao đổi chất của bạn vào sáng hôm sau –– dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn đáng kể sau bữa sáng, so với ăn cùng một bữa tối lúc 6 giờ tối hôm trước.




Vì vậy, những khám phá về thời sinh học này đem cuộc tranh luận về bữa sáng quay lại điểm xuất phát. Bỏ bữa sáng nhìn chung không chỉ không giảm cân mà khiến việc kiểm soát đường huyết hàng ngày ở người tiểu đường lẫn không tiểu đường xấu đi. Hãy xem những người bỏ bữa sáng có lượng đường trong máu cao hơn như thế nào ngay cả khi họ đang ngủ 20 tiếng sau đó? Điều này có thể giúp giải thích tại sao những người bỏ bữa sáng dường như ngay từ đầu đã có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn.

Nói chung, những người bỏ bữa sáng cũng có xu hướng bị bệnh tim và xơ vữa động mạch cao hơn. Điều này có phải chỉ vì bỏ bữa sáng có xu hướng kết hợp với các lựa chọn không lành mạnh khác, chẳng hạn như hút thuốc và thói quen ăn uống kém lành mạnh hơn nói chung? Mối liên hệ giữa bỏ bữa sáng và bệnh tim – thậm chí tử vong sớm nói chung – dường như vẫn tồn tại khi cố gắng kiểm soát các yếu tố gây nhiễu này. Nhưng bạn thực sự sẽ chưa biết, cho đến khi bạn đưa vào thử nghiệm.





BM


Chẳng hạn, bỏ bữa sáng có khiến cholesterol cao hơn không? Câu trả lời là có, sự gia tăng đáng kể nồng độ LDL cholesterol (loại xấu) ở những người ngẫu nhiên bỏ bữa sáng cao hơn khoảng 10 điểm chỉ trong vòng hai tuần. 

Nghiên cứu 700/500/200 của Israel phát hiện thấy triglycerides của nhóm vua-hoàng tử-ăn mày tốt hơn đáng kể giảm 60 điểm, trong khi nhóm ăn mày hoàng tử vua lại xấu hơn đáng kể (tăng 26 điểm). Vì vậy, tiêu thụ nhiều calo hơn vào buổi sáng so với buổi tối thực sự có thể có ba lợi ích: giảm cân tốt hơn, kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Vì vậy, nếu bạn định bỏ một bữa ăn nào, dù là tập nhịn ăn gián đoạn hay ăn có giới hạn thời gian (nơi bạn cố gắng đưa tất cả thức ăn của mình vào một khoảng thời gian nhất định hàng ngày), thì có lẽ bỏ bữa tối sẽ an toàn và hiệu quả hơn bữa sáng.

Michael Greger _ Nhật Tâm

T.Anh chuyển

Léonard de Vinci et ses remarquables inventions

Léonard de Vinci (1452-1519) est devenu l’emblème des artistes ingénieurs de la Renaissance et, presque par définition, le symbole d'un esprit. Il était à la fois scientifique, ingénieur, inventeur, anatomiste, peintre, sculpteur, architecte, urbaniste, botaniste, musicien, poète, philosophe et écrivain. Bien peu de ses contemporains étaient sans doute au courant de ses multiples facettes ; elles ont été révélées plus tard, par l’étude des restes de ses carnets de notes. Ces fascinants objets contiennent quelque 13 000 pages d'écriture et de dessins qui associent art et philosophie naturelle, c’est-à-dire, en langage moderne, qui relèvent des sciences naturelles.

Ces dessins ont frappé les Hommes du XXe siècle, non seulement par leur beauté esthétique, mais surtout parce qu’ils donnent l’impression que Léonard de Vinci était un précurseur de l’époque moderne avec ses inventions : machines volantes, scaphandres de plongée ou encore machines préfigurant la révolution industrielle. On sait aujourd’hui qu'il n’était pas exactement un prodigieux génie en avance de plusieurs siècles par rapport à ses contemporains. Certaines de ses machines sont d'ailleurs plus ou moins ébauchées dans des traités d’ingénieurs de son époque (ceux de Francesco di Giorgio Martini, Leon Battista Alberti, Taccola) et il a probablement consulté ces documents. Quoi qu'il en soit, ce qu’il en a tiré est tout de même remarquable. Voici donc un diaporama regroupant quelques-unes des plus belles inventions de Léonard de Vinci.

LANCER LE DIAPORAMA

L'automobile du Codex Atlanticus

Léonard de Vinci, un des pionniers du parachute

Léonard de Vinci a revisité la catapulte

Léonard de Vinci a-t-il inventé la bicyclette ?

Le char d'assaut de Léonard de Vinci

La vis d'Archimède et l'ingénierie hydraulique

Léonard de Vinci : mitrailleuse ou ribaudequin

Léonard de Vinci et ses machines volantes

Léonard de Vinci : la grue à plateforme annulaire

Le scaphandre de Léonard de Vinci

L'ornithoptère de Léonard de Vinci

L'Homme de Vitruve, le compas et les proportions

La scie hydraulique et sa roue à godets

La vis aérienne, qui préfigure l'hélicoptère

Léonard de Vinci et sa vision du bateau à aubes


Thanh Hải ST

https://www.futura-sciences.com/sciences/photos/inventions-leonard-vinci-remarquables-inventions-1458/



lundi 27 mars 2023

OCEAN VUONG: VƯƠNG HẢI, MỘT NHÀ THƠ LỚN, THIÊN TÀI GỐC VIỆT

OCEAN VUONG: VƯƠNG HẢI, MỘT NHÀ THƠ LỚN, THIÊN TÀI GỐC VIỆT
NOVEMBER 15, 2021



Một người Mỹ gốc Việt (quê mẹ ở Gò Công, Tiền Giang, vượt biên và sau đó định cư ở Mỹ) 34 tuổi, vừa được trao một giải thưởng văn chương danh giá của Mỹ trị giá $625.000. Anh được người Mỹ đánh giá là thiên tài văn chương mới của nước Mỹ.
Các tập thơ và tiểu thuyết của anh được phát hành trên khắp thế giới với 30 ngôn ngữ. Giới chuyên môn nhận định anh có khả năng sẽ đoạt giải Nobel văn chương trong tương lai không xa.
Trong số xuất bản năm 2016, tạp chí Foreign Policy (Mỹ) bình chọn anh là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu của nhân loại. New Yorker bình luận: “Ocean Vuong là người sửa lại ngôn ngữ tiếng Anh”.
Tạp chí Foreign Policy bình chọn Ocean Vuong là 1 trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu của nhân loại, năm 2016. (Nobel văn chương gốc Việt?) (TQK)“Có những người con làm rạng danh cha mẹ
Có những con dân làm rạng danh Tổ quốc”.

Tôi hỏi 8 người bạn thích đọc sách, có biết Ocean Vuong là ai không? Tất cả đều trả lời là không, vậy là tôi nằm trong khối đa số hơi hổ thẹn, vì không biết đến một nhân tài gốc Việt, sống ở Mỹ, một thi sĩ mà người bản xứ không tiếc lời ca tụng, cho giải thưởng về thơ (genius prize) trị giá 625.000 đô la.

Thơ của em, Night sky with exit wound (Trời đêm với những vết thương xuyên thấu) và quyển tiểu thuyết Trên trái đất chúng ta một thoáng huy hoàng (On the earth, we’re gorgeous) được dịch ra 30 thứ tiếng kể cả tiếng Việt ở VN, quyển tiểu thuyết được báo New York Times cho là “biến cố văn chương” của năm 2019, và nằm trong danh sách best sellers trong 6 tuần liên tiếp. Đó là lý do vì sao tôi viết bài này.

XUẤT THÂN

Từ đây, tôi gọi tên em là Vương Hải, chứ không gọi Ocean Vuong như người Mỹ.

Em sinh năm 1988, bà ngoại tên Lan, mẹ tên Hồng, gốc người Gò Công, gia đình 6 người vượt biên qua trại tị nạn Philippines, ở đó 1 năm, định cư ở Mỹ năm 1990 lúc Hải được 2 tuổi. Gia đình 6 người cư ngụ trong một căn hộ chung cư có một phòng ngủ, ở vùng da đen Harford, Connecticut. Nơi đây đã để lại dấu ấn trong đời và trong thơ văn của Hải. Cho tới khi tiếp xúc với bên ngoài, em cứ nghĩ nước Mỹ là của người da đen.

Tên khai sinh do cha đặt là Vương Quốc Vinh, sau khi người cha đi tù vì tội bạo hành đánh vợ, ly dị mẹ em, bỏ nhà ra đi, người mẹ quyết định đổi tên em là Hải để cắt đứt với quá khứ.

Trong một lần phỏng vấn, được hỏi nguồn thơ của em từ đâu ra, em trả lời là mặc dù mẹ em mù chữ, nhưng khi đặt tên em, bà nghĩ đến Thái Bình Dương, là biển nối liền Mỹ với quê hương VN là có ý thơ rồi (phải chăng bà đã nghĩ đến câu hát: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, dạt dào”). Hơn nữa, em được giáo dục bởi 3 người đàn bà: bà ngoại, mẹ và dì Mai, đã đọc thơ, kể chuyện, hát ca dao cho em nghe, do đó thơ, từ thuở nhỏ đã thấm vào hồn em.

Bà ngoại Lan, là người mù chữ, cũng như mẹ em và dì Mai, có lẽ trong gia đình có gen mang chứng khó đọc chữ (dyslexia) vì người em của Hải đã bị chứng này.

Thời trẻ bà ngoại bỏ nhà ra đi, làm me Mỹ, gặp ông ngoại là người Mỹ da trắng, tên Paul, gốc nông dân ở Michigan, cũng bỏ nhà, đăng lính hải quân, qua chiến đấu ở VN.

Bà ngoại sinh 2 cô con gái, giống Mỹ nhiều hơn giống Việt. Có lúc vì khó khăn, bà phải bỏ con vào cô nhi viện khi chồng về Mỹ năm 1971 và không trở lại.

Chính bà ngoại là người đã kể cho Hải nghe chuyện chiến tranh VN, do đó, dù đến Mỹ năm 2 tuổi, chiến tranh VN bàng bạc trong thơ văn của Hải. Có thể nói, Hải rời VN nhưng VN không rời Hải.

Mẹ Hải, bà Hồng, sống bằng nghề làm móng tay.

Hải là người đồng tính, năm 17 tuổi, lần đầu tiên em thổ lộ với mẹ và được bà chấp nhận.

Người tình đầu của em là Trevor, gốc da trắng, con của một nông gia trồng thuốc lá, là đề tài mà em đã viết trong thơ và trong quyển tiểu thuyết hết sức sống động. Sau đó Trevor chết vì chích ma túy quá liều.

Hình ảnh người cha vắng mặt trong đời em, được tả một cách nhạt nhòa bàng bạc trong thơ văn của Hải.

QUÁ TRÌNH HỌC VẤN

Hải đi học mẫu giáo hồi 5 tuổi, nhưng mãi tới năm 11 tuổi em mới đọc và hiểu được tiếng Anh một cách thông thạo.

Sau đó em thường đi thư viện và miệt mài trong sách vở. Em kể khi nghe băng bài diễn văn của mục sư Martin Luther King Jr “I have the dream” thì em bắt đầu có mộng lớn của riêng mình.

Chú bé cô đơn, bị hiếp đáp trên xe bus, trên đường đi học, tìm an ủi trong sách vở, bắt đầu làm thơ. Thầy giáo nghĩ là em đạo văn, ông không thể tưởng tượng một đứa học trò nghèo, xuất thân từ gia đình mù chữ, phát âm chữ THE cũng ngọng thì làm sao có thể làm thơ hay như vậy, nên phạt em về tội ăn cắp, ăn cắp thơ! Nhưng ông giáo đã lầm, một thiên tài vừa xuất hiện mà ông không biết!

Em kể: tôi viết rất chậm, xem từ ngữ như một vật thể, tôi luôn cố tìm từ ngữ trong từ ngữ:

Tôi bước vào đời minh
Cách từ ngữ. Bước vào tôi

Nói về chuyện đọc sách, em viết:

Ôi thằng con ngốc
Con có thể lạc lối trong mọi cuốn sách
Nhưng không bao giờ quên được chính mình.

Vào đại học, lúc đầu em chọn marketing vì hi vọng sẽ kiếm được nhiều tiền để giúp gia đình, nhưng sau 8 tuần thì em bỏ học vì biết mình đã chọn sai, nên đổi qua Brooklyn College của Đại học New York để theo học văn chương Anh thế kỷ 19. Em lấy bằng BA, sau đó tốt nghiệp MFA về thơ của Đại học New York, hiện nay làm giảng sư MFA ở Đại học Massachusetts, TP Amherst.

Quyết định chuyển ngành học từ marketing qua văn chương là điều may cho chính bản thân Hải, cho nước Việt và cho thế giới thi ca: một nhân tài có dịp để thăng hoa.

CÁC GIẢI THƯỞNG:

2010 (22 tuổi): Academy of American Poets University and College Poetry Prize.

2012 : Stanley Kunitz Prize for younger poets.

2013 : The Elizabeth George Foudation Fellowship.

2013 : Chad Walsh Prize, Beloit Poetry Journal.

2014 : Pushcart Prize.

2014 : Ruth Lily/Sargent Rosenberg Fellowship.

2015 : The Narrative Prize.

2016 : Whiting Award for Poetry.

2017 : Forward Prize for Poetry Felix Dennis Prize for Best First

Collection

2017 : T. S Eliot Prize

2018 : Kundman Fellowship

2019 : Mac Arthur Fellow (625.000 US $) với lời bình: “kết hợp truyền thống dân gian với những thử nghiệm ngôn ngữ”.

2020 : Dylan Thomas Prize – Shortlist for On earth We’re Briefly Gorgeous.

2020 : NAAAP Pride Award

New Yorker bình luận: “Ocean Vuong là người sửa lại ngôn ngữ tiếng Anh”.

Tạp chí Foreign Policy bình chọn Ocean Vuong là 1 trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu của nhân loại, năm 2016.

SỰ NGHIỆP:

Viết tiểu luận cho các báo: Poetry, The Nation, TriQuarterly, Guernica, The Rumpus, Boston Review, Narrative Magazine, The New Republic, The New Yorker, and The New York Times.

* Đã xuất bản: Burning (2011), No (2013), Night sky with exit wound (2016), On earth we’re briefly gorgeous (2019).

LƯỢC QUA TẬP THƠ “TRỜI ĐÊM VỚI NHỮNG VẾT THƯƠNG XUYÊN THẤU”

HÌNH THỨC: Khổ nhỏ, dày 84 trang, xb năm 2016, nxb Copper Canyon Press, đề tặng mẹ [và ba tôi] sách đã được dịch sang tiếng Việt ở VN.

NỘI DUNG: gồm 35 bài thơ, tựa các bài thơ đôi khi khó hiểu cho người không rành thần thoại Hy Lạp, vài ví dụ: Tellemachus (tên người con của Ulysse & Penelope trong tập thơ Odysse của Homer), Trojan, Eurydice, Odysseus redux…

Có nhiều ẩn dụ khó hiểu ý tác giả, nhưng khi hiểu được thì ý nghĩa thâm trầm sâu sắc.

Vần điệu theo kiểu thơ tự do, rất du dương, rất thơ.

Ví dụ:

It’s hind legs croshed into the shine of white Christmas
In the square below, a nun on fire, runs silently toward her god
Beneath sound of his own.

(Hai chân sau của nó được tạo thành ánh sáng của cây giáng sinh trắng
Ở quảng trường bên dưới, một nữ tu đang bốc cháy, đang lặng lẽ chạy về phía vị thần của mình
Bên dưới âm thanh của riêng mình).

Trong tập thơ, Hải viết bằng tiếng Việt nhiều lần, có cả dấu:

tặng mẹ [và ba tôi]
Ba
Bà ngoại, Hạ Long bay, Củ Chi, Vietnam, Cà pháo, Gia đình
Lan ơi, em khoẻ không. Giờ em đang ở đâu…

Theo Tupelo Quartely: Thơ buồn, đẹp. Sexy một cách dữ tợn, đụng chạm đến chính trị. Biểu lộ nỗi ám ảnh của người đồng tính luyến ái. Người Pháp nói: “traduire c’est trahir” (dịch là phản), do đó độc giả nên tìm đọc nguyên bản tiếng Anh mới cảm nhận được cái hay, cái du dương của ngôn ngữ mà tác giả đã dày công sáng tác.

Tôi xin trích vài bài dịch thơ, nói về các người thân của Vương Hải.

VỀ MẸ:

* Trong bài thơ Rồi có một ngày, ta sẽ yêu, Ocean Vương

Hải, bạn đang nghĩ gì?
Phần đẹp nhất của cơ thể là bất cứ nơi đâu.
Phủ hình bóng mẹ (trang 82)

* Trong bài thơ Đầu ra trước (head first)

Nhưng chỉ có người mẹ, có thể bước đi, với sức nặng của nhịp đập của quả tim thứ hai (trang 20)
Tôi nghĩ tôi thương mẹ nhiều lắm (trang 70)
Con thương mẹ, mẹ ơi (trang 7)
Không có gì bằng cơm với cá,
Không có gì bằng má với con (thành ngữ VN, trang 20)

VỀ CHA:

Đừng lo, cha mày chỉ là cha mày.
Cho đến, khi một người trong nhà quên mất.
Giống như cách mà xương sống,
Không nhớ hai cánh tay.

VỀ BÀ NGOẠI:

* Trong tập thơ Burning

Ngoại tôi hôn.
Như thể bom đang nổ sau nhà,
Nơi mà bạc hà và hoa lài toả hương,
Qua cửa sổ bếp,

……….

Khi ngoại tôi hôn, sẽ không
Có âu yếm cầu kỳ, không âm nhạc Tây phương
Của đôi môi mím chặt, ngoại hôn như để hút lấy
Bạn vào trong bà.

Vương Hải như đóa sen, mọc từ bùn, vươn lên và tỏa hương. Em đi từ no one (không là ai) trở nên anyone (bất cứ ai) rồi trở thành someone (một người hơn người).

Tôi theo dõi nhiều buổi phỏng vấn, các buổi đọc thơ của Vương Hải trên các chương trình TV Mỹ, Canada, Pháp, Đức. Điều đập vào mắt tôi là cách em chào cử tọa, em cúi mình thật thấp. Người Nhật bảo: những hạt lúa chín là những hạt lúa cúi đầu – thái độ thật khiêm tốn, ăn mặc giản dị, giọng nói nhẹ nhàng của phái nữ, trầm bổng đầy chất thơ.

Thật khó tưởng tượng một chú bé, thuở nhỏ nói thứ tiếng Anh của người da đen ít học, một lần ở tiệm Sears, người bán hàng hỏi có phải em là con nuôi của mẹ em (vì mẹ là con lai Mỹ rất trắng), em trả lời không, tôi từ asshole của mẹ tôi ra. Ngày nay, em sử dụng thứ tiếng Anh hết sức trau chuốt của giới trí thức khoa bảng.

Em kể lại, thuở nhỏ, bài học đầu tiên mà bà ngoại và mẹ em dạy để sinh tồn ở nước Mỹ là coi chừng, đừng để ai chú ý tới mình. Vì mình là người Việt da vàng đã khác họ rồi, mục đích là mình phải làm sao để trở nên vô hình, mẹ dạy con phải tự biến mất. Em hiểu là người lớn muốn cho em được yên thân, được an toàn (ngày nay với phong trào bài Á, những lời khuyên đó có còn đúng không?)

Có sự khác biệt giữa thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai. Thế hệ thứ hai muốn người ta biết đến mình, để vươn lên: có chúng tôi đây, chúng tôi tự hào về mình. Thế hệ thứ nhất dạy con mình biến đi, tự vệ bằng cách tự xóa mình.

Theo Vương Hải, để được biết đến em phải trở thành nghệ sĩ.

Tôi mong em sẽ đi xa hơn nữa (vì em còn quá trẻ, 33 tuổi) trong sự nghiệp sáng tác của mình để đạt được Nobel văn học.

Tiếc cho em, khi đã đạt được vinh quang, thoát khỏi cảnh nghèo, thì những người thân lần lượt ra đi: bà ngoại, người đã dạy văn chương bình dân VN cho em, kể cho em nghe về cuộc chiến tàn khốc, đã chết vì ung thư xương giai đoạn cuối, mà em đã tả một cách sống động trong quyển tiểu thuyết.

Người mẹ mà Hải hết lòng thương yêu (Con thương mẹ, mẹ ơi) cũng đã ra đi vì ung thư vú di căn. Người mẹ, làm việc trong tiệm nail, suốt ngày phải cúi đầu giũa móng tay, móng chân cho khách, luôn miệng nói sorry, sợ làm đau khách sẽ không được tip.

Một bữa, sau khi dự buổi ra mắt sách của Hải, nghe con đọc thơ tiếng Anh mà bà chẳng hiểu gì, chỉ quan sát cử tọa, bà mẹ bật khóc nức nở vì sung sướng. Bà nói với Hải: “Má không bao giờ nghĩ là mình sẽ sống để nhìn thấy ngày những người da trắng, đứng tuổi, vỗ tay tán thưởng con của má”.

Hải đã trả hiếu cho mẹ rồi: bằng sự thành công của em, khi em được đánh giá là thiên tài của nước Mỹ. Có chăng một chốn gọi là chín suối? Nếu có, chắc mẹ em đang nở nụ cười mãn nguyện: nhiệm vụ của bà đã hoàn thành.

Cám ơn Vương Hải, đã cho tôi niềm hãnh diện của người Việt Nam.

“Summer in the mind,
God opens his other eye:
Two moons in the lake”.
Vương Hải

T.Q.K.

(1-5-2021)

Nguồn: buctranhvancau.comFacebook

N.Diệu chuyển

jeudi 23 mars 2023

Từ Cô Gái Việt Nam Không Biết Tiếng Anh Đến Nữ Khoa Học Gia Lọt Top 1% Thế Giới Tại Mỹ Quốc

Từ Cô Gái Việt Nam Không Biết Tiếng Anh Đến Nữ Khoa Học Gia Lọt Top 1% Thế Giới Tại Mỹ Quốc

Cali Today News – Ngày mới đặt chân tới Mỹ, GS-TS. Nguyễn Thục Quyên mới chỉ biết vài câu tiếng Anh, vậy mà chỉ trong 10 năm, bà đã tốt nghiệp đại học, cao học rồi lấy bằng Tiến sĩ – điều mà ngay cả những sinh viên bản xứ cũng khó làm được. 

Câu chuyện học tiếng Anh của Giáo sư đã trở thành giai thoại với nhiều du học sinh.

Tuổi thơ theo mẹ đi khắp nơi để kiếm sống, sang Mỹ thì bị bạn bè chê cười vì không biết tiếng Anh, nhưng Nguyễn Thục Quyên đã vượt qua tất cả và trở thành một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên sinh ra ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) trong một gia đình gồm 5 anh chị em. 

Sau năm 1975, cha đi cải tạo, mẹ chị – một cô giáo dạy toán cấp 2, dẫn dắt đàn con đến các vùng kinh tế mới như Phước Lâm, Long Điền, Đất Đỏ, Phước Tỉnh và Vũng Tàu để tìm kế sinh nhai.

Lúc 5-6 tuổi, cô bé Quyên phải phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, kiếm củi nấu cơm, đào khoai, câu cá, gánh nước… Cuộc sống cơm áo, gạo tiền cứ đeo bám cho đến năm 1986 khi gia đình mở tiệm phở ở Bến Đá – Vũng Tàu, Quyên mới được đi học ở trường Trung học Trần Nguyên Hãn.

Khi còn ở Việt Nam, GS-TS. Nguyễn Thục Quyên không được học tiếng Anh, cho đến tháng 7/1991, bà qua Mỹ theo Chương trình Tái Định cư Nhân đạo cùng với bố, mẹ, anh trai và ba em gái. Trước khi đi, các anh em trong gia đình chỉ được học một khóa tiếng Anh cấp tốc vài tháng. Cả gia đình biết rất ít tiếng Anh, nên thời gian đầu ở Mỹ rất cực.

Hai năm đầu, các anh chị em của chị Quyên cứ đòi về Việt Nam vì không biết tiếng Anh và phong tục tập quán Mỹ. Nhưng chị thấy ổn vì được làm điều mình thích mà không sợ người khác dị nghị.

“Khi còn ở Việt Nam, gia đình đã vất vả rồi, nên khi sang Mỹ tôi phải cố gắng hơn rất nhiều để có được cuộc sống tốt hơn”, chị Quyên chia sẻ. 

Để tự khẳng định bản thân nơi đất khách quê người, chị đã quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đăng ký ở ba trường trung học tại ba thành phố. Ở Mỹ, tiếng Anh được học miễn phí.

Vất vả với bao tủi nhục khi bị nhiều người coi thường càng khiến chị có thêm động lực vươn lên. “Có giáo viên chế nhạo tôi trước cả lớp vì khả năng nói tiếng Anh kém. Một ông người Mỹ còn nói thẳng với tôi hãy về nước của cô đi”, chị nhớ lại và cho biết ở Mỹ vẫn còn một số người phân biệt kỳ thị như vậy. “Thậm chí có đồng nghiệp lúc ở trường không bao giờ nói chuyện với tôi mặc dù tôi đã cố gắng để nói chuyện với anh ta vài lần”, nữ giáo sư nói.

Cứ sáng, chiều, tối, mỗi buổi học ở một trường. Mỗi ngày bà đều xem tin tức đài truyền hình Mỹ để tập nghe. 

Tháng 9/1993, bà xin học tại Santa Monica College và tham gia bốn lớp tiếng Anh dành cho người nước ngoài. Ngoài ra, bà còn tới những trung tâm dạy kèm sinh viên miễn phí trong trường để học thêm. 

Sau một năm học ngày học đêm, cuối cùng giáo sư cũng thi được vào học chính như những sinh viên khác…

Tháng 9/1993, người cô họ cho chị ở cùng nhà, nhưng chị phải dọn dẹp, nấu nướng, đi chợ và chạy việc vặt cho cô. Thời gian này, chị xin học ở Đại học Santa Monica nhưng không được nhận vì tiếng Anh kém. 

Chị đã năn nỉ nhà trường cho học thử một kỳ và hứa nếu không học được sẽ trở về trường trung học để học thêm tiếng Anh. 

Ban ngày đi học, ban đêm chị tìm lớp học thêm ở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng chị cũng được nhận vào học. 

Thấy bố mẹ vất vả làm trong nhà hàng và ở hãng may, chị không cho phép bản thân thất bại mà cố gắng gấp đôi, gấp ba so với những bạn cùng trang lứa. Để có tiền học, chị xin làm thêm trong thư viện trường từ 17h đến 22h mỗi ngày, nhưng vẫn không đủ nên phải vay thêm tiền của Chính phủ.

Mùa thu năm 1995, Giáo sư chuyển từ Đại học Cộng đồng Santa Monica qua Đại học tiểu bang thành phố Los Angeles (UCLA). 

Bà xin làm ở một phòng thí nghiệm của ngành sinh vật, nhưng chỉ được rửa dụng cụ thí nghiệm. Thích thú với công việc nghiên cứu, bà xin được làm thí nghiệm nhưng không được nhận vì lý do “nghiên cứu không dành cho tất cả mọi người, bạn nên tập trung vào việc học tiếng Anh”. 

Trải nghiệm bị coi thường này không khiến Giáo sư nản chí, ngược lại, nó trở thành động lực để bà cố gắng nhiều hơn. 

Sau khi tốt nghiệp đại học tháng 12/1997, GS. Quyên nộp đơn xin học thạc sĩ. 

Sau một năm, đến tháng 12/1998, bà đã lấy bằng cao học lý – hóa và nhận được học bổng tiến sĩ cùng ngành này.

Trong thời gian học tiến sĩ, bà làm trong phòng thí nghiệm 6 ngày/tuần, mỗi ngày làm 16 tiếng cho tới 2 giờ sáng mới về nhà.

Sinh viên Mỹ đều rất kinh ngạc trước sự nỗ lực của bà. Xúc động trước đam mê của cô học trò gốc Việt, thầy hướng dẫn – Benjamin Schwartz – đã tạo nhiều cơ hội để bà tham dự các hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Năm cuối của chương trình tiến sĩ, bà là một trong bảy sinh viên nhận được học bổng toàn trường, khoảng 30.000 USD.

Tháng 6/2001, bà được nhận bằng Tiến sĩ, trước cả những sinh viên trong phòng thí nghiệm sinh vật mà trước đây bà từng phải rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ. Khi biết bà được giải thưởng xuất sắc của phân ngành lý – hóa, họ đã rất mắc cỡ vì họ đều phải mất 8 năm mới lấy được bằng tiến sĩ, trong khi bà chỉ làm điều đó trong ba năm. 

Trong tám năm họ viết được một hoặc hai bài báo, còn bà có tới 12 bài báo khoa học và thuyết trình 19 lần ở các đại học trong nước và quốc tế.

Theo báo Người đô thị, khi được hỏi vì sao bà có thể đạt được kỳ tích này, GS-TS. Nguyễn Thục Quyên trả lời: 

“Vì khi ở Việt Nam, gia đình tôi rất nghèo, lớn lên không có nhà ở và không có cơm ăn, thường hay bị bạn bè chê cười. Qua Mỹ cũng bị nhiều người Mỹ lẫn Việt Nam coi thường, thành thử tôi phải cố gắng để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi đã khóc rất nhiều lần ở Việt Nam, lẫn ở Mỹ”.

Cuối năm 2018, Clarivate Analytics công bố danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (highly cited researchers – HCR), GS-TS. 

Nguyễn Thục Quyên là nhà khoa học nữ hiếm hoi trên thế giới bốn năm liền vào top 1% này.

Trước khi lọt vào danh sách này của Thomson Reuters và Clarivate Analytics, giáo sư Nguyễn Thục Quyên vốn đã được nhiều đồng nghiệp quốc tế biết đến thông qua những công trình được xuất bản trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành như Nature Materials, Science, Advanced Materials, Advanced Energy Materials, Advanced Functional Materials, Physical Chemistry Chemical Physics, Chemistry of Materials, Applied Physics Letters… do chị và cộng sự thực hiện. Các công trình này chủ yếu tập trung vào việc làm rõ mối liên hệ giữa cấu trúc phân tử, cách thức làm thiết bị và hiệu suất hoạt động của các thiết bị điện tử hữu cơ (organic electronics) – gồm pin năng lượng mặt trời hữu cơ (organic solar cells), transistor hiệu ứng trường hữu cơ (organic field-effect transistor), cảm biến quang điện (photodetectors), và đèn LED (organic light-emitting diodes), đặc biệt là các đặc tính của vật liệu và thiết bị ở kích cỡ nano.

Bên cạnh đó, chị cũng nghiên cứu về tính chất điện tử của polyme liên hợp có chứa ion (conjugated polyelectrolytes) và vật liệu sinh học (biomaterials), cơ sở để tạo ra những vật liệu hữu cơ tiên tiến trong các thiết bị điện tử sinh học (bioelectronics), có khả năng ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, ví dụ như pin nhiên liệu sinh học (microbial fuel cells) và lĩnh vực y học như các thiết bị y tế sinh học hữu cơ (organic biomedical devices).

“Hãy làm những gì bạn yêu thích và yêu những gì bạn làm. Làm việc chăm chỉ và tận hưởng cuộc sống. Sống giúp đỡ những người xung quanh và làm việc hữu ích cho xã hội. Hãy cố gắng và đừng từ bỏ dễ dàng. Thiết lập mục tiêu cho bản thân và theo đuổi nó. Đừng để mọi người ngăn cản bạn đạt được mục tiêu của mình. Khi người ta đạp tôi xuống, tôi càng cố gắng vươn lên. Tôi sử dụng những điều tiêu cực như động lực để cố gắng nhiều hơn. Tôi cho mọi người thấy những gì tôi có thể làm… ” – (GS-TS. Nguyễn Thục Quyên)

LeVanQuy sưu tầm

Little Saigon: Đại Lễ Hai Bà Trưng nêu cao tinh thần yêu nước cho giới trẻ March 20, 2023

 Little Saigon: Đại Lễ Hai Bà Trưng nêu cao tinh thần yêu nước cho giới trẻ

Văn Lan/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Đại Lễ Hai Bà Trưng lần thứ 42 do Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương Nam California tổ chức long trọng vào trưa Chủ Nhật, 19 Tháng Ba, tại Saigon Grand Center, với sự góp mặt của các vị dân cử, hội đoàn, cựu nữ sinh Trưng Vương cùng hàng trăm đồng hương chật kín cả khán phòng, sau ba năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19.

Hoạt cảnh “Trưng Nữ Vương” của Trường Việt Ngữ Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, do hai cô giáo Loan Anh và Mỹ Huyền cùng học trò trình diễn trong ngày đại lễ Hai Bà. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ba hồi chiêng trống vang rền, kiệu Hai Bà, do các em thuộc Trung Tâm Việt Võ Đạo Nguyễn Bá Học và Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam Nam California trong trang phục lính thú thời xưa rước, nghiêm trang dẫn đầu, theo sau là Hai Bà, cùng các nữ tướng, nữ binh, quân sĩ, ban tế nữ quan mặc lễ phục do 12 cựu nữ sinh Trưng Vương đảm trách.

Nối tiếp theo sau là rừng cờ xí, cùng các màu áo dài đặc trưng của các trường, màu xanh lá cây Lê Văn Duyệt, màu xanh Trưng Vương, màu vàng của Hội Bà Triệu, cùng nhiều hội đoàn khác.

Trên sân khấu, ban tế nữ quan phủ phục trước hương án Hai Bà, với bài văn tế của soạn giả cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An Bùi Đức Uyên, Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam, biên soạn, do cựu nữ sinh Trưng Vương Nguyễn Thị Nguyệt diễn ngâm.

Từ phải: Trưng Trắc (sinh viên Jolynna Đặng Ngọc Hiền) và Trưng Nhị (sinh viên Kassandra Trần Nhã Vy). Cả hai nữ sinh đều là Hoa Khôi Liên Trường Nam California 2022 và 2023. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ban tế lễ của Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương dâng hương, dâng hoa, dâng trà, cùng dâng lên Hai Bà lời cầu quốc thái dân an, cho hơn 90 triệu dân Việt Nam sớm tìm được tự do dân chủ và thoát khỏi cảnh ngoại bang luôn âm mưu xâm chiếm đất nước ta.

Sau lời chào mừng của hội trưởng Nguyễn Khánh Linh, bài “Hiệu Đoàn Ca Trưng Vương” sáng tác Thẩm Oánh, do toàn ban hợp ca Trưng Vương trình bày.

Tiếp đến là các vị dân cử trao bằng tưởng lục đến Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương, gồm Thượng Nghị Sĩ California Janet Nguyễn, Dân Biểu California Trí Tạ, cùng Thị Trưởng Charlie Chí Nguyễn, Phó Thị Trưởng Nguyễn Nam Quan, Nghị Viên Amy Phan West, Nghị Viên Kimberly Hồ, Nghị Viên Carlos Manzo của thành phố Westminster và Nghị Viên Cindy Trần của thành phố Garden Grove.

Đoàn rước kiệu Hai Bà tiến vào lễ đài. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp đến, trưởng ban giáo dục Nguyễn Võ Thơ phụ trách trao Giải Khuyến Học Trưng Vương đến các học sinh ưu tú tại các trường Việt Ngữ miền Nam California, nhằm mục đích khuyến khích các em trao dồi tiếng Việt, hiểu biết về lịch sử, cũng như học hỏi về các bậc tiền bối anh hùng của dân tộc Việt.

Để khuyến khích các học sinh xuất sắc của các trường Việt Ngữ trong vùng, hàng năm Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương Nam Nam California đều phát Giải Khuyến Học, được bảo trợ theo ý nguyện của gia đình cố Giáo Sư Trưng Vương Lưu Kim Dung, ông Văn Kỳ Thanh of American Avionics Inc (cựu học sinh Chu Văn An) và Luật Sư Jimmy Phạm (The Law office of Jimmy Phạm), cũng là con trai của cựu hội trưởng Vũ Bội Tú.

Quang cảnh buổi đại lễ Hai Bà tại Litlle Saigon. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hội cũng đồng cảm tạ quý ân nhân đã bảo trợ các phần thưởng Khuyến Học và Văn Hóa Xã Hội năm nay.

Giải Khuyến Học năm 2023 được trao cho các học sinh xuất sắc thuộc 19 Trung Tâm Việt Ngữ: Bát Nhã, Ca Dao, Cộng Đoàn Costa Mesa, Cộng Đoàn Westminster, Đức Mẹ La Vang, Hồng Bàng, Hội Thánh Thánh Linh Westminster, Mục Vụ Việt Ngữ Garden Grove, Nguyễn Bá Tòng, Phan Bội Châu, Saddle Back, Saint Polycarp, Tin Lành Midway, Tin Lành Nguyễn Du, Troy High School, Tustin, Văn Hóa Việt Nam, Vinh Sơn Liêm,  Vovinam Nguyễn Bá Học. Tổng cộng có 52 em được lãnh thưởng.

Giải Văn Hóa Xã Hội được trao cho Trung Tâm Vovinam Nguyễn Bá Học.

Giây phút thiêng liêng nhất trong ngày đại lễ là nghi thức tế lễ Hai Bà. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Phần văn nghệ được trình diễn xuất sắc qua 18 tiết mục do các cựu nữ sinh Trưng Vương, các hội đoàn như Ban Hợp Xướng Trưng Vương Nguyễn Thị Nhuận, Vũ Đoàn Việt Cầm, Trường Việt Ngữ Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, Tam Ca AVT, Hội Đồng Hương Bắc Ninh, Nhóm Cát Trắng, Ca Sĩ Lê Hồng Quang và Lớp Thanh Nhạc, Nhóm Sóng Xanh, Nhóm Mây Hồng, Ban Kịch Đền Hùng, và các ca sĩ trẻ Mê Linh, Kristine Lê, Kiều Loan, Trưng Vương Vân Thu và thân hữu, ca sĩ Trang Thanh Lan.

Tiếp nối là phần trình diễn các màn hoạt cảnh đặc sắc “Trưng Nữ Vương” do các cô giáo và học sinh Trường Việt Ngữ Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam; “Cái Hời, Cái Ả” Hội Đồng Hương Bắc Ninh; Liên Khúc “Sài Gòn-Đêm Đô Thị” do Nhóm Sóng Xanh; màn kịch “Nghĩa Sĩ Xuống Núi Đáp Lời Sông Núi” Ban Kịch Đền Hùng trình diễn; hoạt cảnh “Trưng Nữ Vương” do Quỳnh Hoa và Song Ngân trình diễn. Tất cả làm nên một ngày Lễ Hai Bà thật trọn vẹn.

Hội trưởng Nguyễn Khánh Linh khai mạc đại lễ Hai Bà, chào mừng đồng hương đến tham dự. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hai thiếu nữ vinh dự được chọn vào vai Hai Bà, với Trưng Trắc là em Jolynna Đặng Ngọc Hiền, Hoa Khôi Liên Trường Nam California 2023, hiện đang học Business Aministration tại UC Irvine. Em là cháu nội của cựu nữ sinh Trưng Vương 60-67 Nguyễn Thị Hán.

Em Jolynna Đặng Ngọc Hiền cho hay: “Em rất hãnh diện khi được đóng vai Bà Trưng Trắc, và buổi lễ hôm nay rất long trọng khi các bạn trẻ rất hăng say trong việc khiêng kiệu Hai Bà, cùng nhiều hội đoàn và nhiều thế hệ cùng tham gia, với nhiều trang phục lính thú ngày xưa, và các bác lớn tuổi trong lễ tế Hai Bà, đó cũng là văn hóa truyền thống Việt Nam.”

Các vị dân cử trao bằng tưởng lục đến Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương, do hội trưởng Nguyễn Khánh Linh tiếp nhận. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Sau khi tốt nghiệp UCI, em sẽ học lên thạc sĩ về giáo dục đại học và công tác sinh viên vào mùa Thu tới, quản lý chương trình học để giúp các học sinh tham gia vào các hoạt động của trường để giúp họ được thành công,” Jolynna nói.

Vai Trưng Nhị là em Kassandra Trần Nhã Vy, Hoa Khôi Liên Trường Nam California 2022, hiện đang theo học y khoa tại Western University. Tất cả các em đóng vai Hai Bà và các nữ tướng, đều là hoa khôi, á khôi của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California.

Các em cũng cho biết để trình diễn trong ngày lễ, đã tập luyện mấy tháng nay và rất tự hào, hãnh diện khi được trình diễn trong ngày đại lễ, và rất vui cùng các bạn bè đi trong hàng quân trong ngày đại lễ, diễn lại lịch sử nước Việt rất oai hùng.

Cựu nữ sinh Trưng Vương hát “Hiệu Đoàn Ca Trưng Vương” trong đại lễ Hai Bà. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hai em học sinh, Kariann Anh Thư Bùi, học sinh trường Mc Gavin Intermediate và em trai Kenrick Khải Bùi đang học lớp 5 trường tiểu học Ethan Allen Elementary. Cả hai đều tích cực tham gia các hoạt động ở trường, năm lớp 6 Kariann là chủ tịch hội học sinh, hiện em đang sinh hoạt hướng đạo, học võ cổ truyền Việt Nam, có thành tích xuất sắc tại trường.

Cô Tâm An, mẹ của hai em nói: “Kenrick Khải Bùi cũng đang sinh hoạt hướng đạo, học tiếng Việt, học võ cổ truyền Việt Nam, thành tích xuất sắc trong học tập. Em mới đoạt giải nhất về Spelling Bee ở trường. Hai cháu cũng đang học tiếng Việt tại Trung Tâm Việt Ngữ Nguyễn Bá Tòng khoảng 4 năm. Các cháu được tuyển chọn vì thành tích học giỏi vượt trội, và được giới thiệu lãnh Giải Khuyến Học trong ngày đại lễ Hai Bà năm nay, các em rất thích.”

Các em học sinh thuộc các Trung Tâm Việt Ngữ nhận giải khuyến học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Nhân đây em cũng xin cám ơn cô Diệp Vũ, hiệu trưởng Trung Tâm Việt Ngữ Nguyễn Bá Tòng đã bao năm gìn giữ và phát huy tiếng Việt, luôn tận tụy trong việc duy trì văn hóa Việt Nam nơi hải ngoại, luôn đặt nặng việc rèn luyện tiếng Việt cho học sinh qua những kỳ tham gia cuộc thi Đố Vui Để Học, thi viết chính tả, học lịch sử và văn hóa Việt Nam, nhờ vậy các cháu giỏi và ham học hơn,” cô Tâm An tiếp.

Từ Irvine đến dự lễ, cô Trịnh Thúy Nga, giáo sư Trưng Vương, cho rằng qua mỗi năm đều chứng kiến sự đổi mới ngày càng khởi sắc, phải đến dự lễ mới thấy được điều này, nhắc nhở đến mọi người thấy lại được văn hóa truyền thống, những trang lịch sử hào hùng của đất nước đều diễn ra trong ngày Lễ Hai Bà.

“Tinh thần bất khuất của Hai Bà luôn sáng rực để cho các thế hệ trẻ, dù sinh ra và lớn lên ở Mỹ cũng hiểu được mình thuộc nòi giống anh hùng, luôn bảo vệ đất nước do tổ tiên để lại, nhất là giữ được nền văn hóa, giữ được tiếng Việt mến yêu mãi trường tồn. Ngày nay tại hải ngoại, các em trẻ tiếp nối các thế hệ đàn chị, ai cũng đầy tài năng, thông minh xuất sắc, tôi tin rằng nòi giống Việt Nam luôn có một tương lai rực rỡ.”
Hoạt cảnh “Một Thời Áo Trắng” sáng tác Võ Tá Hân, do các cựu nữ sinh Trưng Vương trình diễn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hai MC của Trưng Vương là Phạm Đỗ Thiên Hương và Phạm Vân Bằng, cùng trưởng ban văn nghệ Vũ Mai Khanh, đã điều khiển và đạo diễn một chương trình văn nghệ tuyệt vời. Tất cả góp phần làm nên buổi đại lễ thành công.

Hội trưởng đương nhiệm Nguyễn Khánh Linh thì cho rằng: “Chương trình được thành công suôn sẻ như hôm nay phải nói là nhờ công sức của tất cả mọi người, với nỗ lực tối đa của toàn ban chấp hành, các chị cố vấn cho đến các cựu nữ sinh cùng góp sức trong mấy tháng trước. Điều này chứng tỏ sự đoàn kết, truyền thống Trưng Vương của chúng tôi.”

Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương Nam California, với tinh thần đoàn kết là kim chỉ nam của việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam nơi hải ngoại, cùng tinh thần chống ngoại xâm luôn được trao truyền cho thế hệ sau gìn giữ qua đại lễ Hai Bà Trưng, một nét văn hóa không thể thiếu được với người Việt ở Little Saigon. [kn]

Thanh Hải sưu tầm

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/little-saigon-dai-le-hai-ba-trung-neu-cao-tinh-than-yeu-nuoc-cho-gioi-tre/