samedi 31 octobre 2020

Khám Phá 10 điểm Du Lịch đẹp nhất ở Châu Á (VACA)

HALLOWEEN



Trang trí nhà trong ngày Halloween. Hình: Wikipedia.


Halloween (rút gọn từ “All Hallows’ Evening”) là lễ hội được tổ chức vào ngày 31-10 hàng năm tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Mùa hè kết thúc!

Lễ Halloween bắt đầu từ buổi chiều tối của ngày 31-10 cho tới 12 giờ đêm.

Halloween có xuất xứ từ Thiên Chúa Giáo. Đó là từ viết tắt trong “All Hallows’ Evening” (buổi tối của Lễ Chư Thánh) diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời.

Thế nhưng cũng có tài liệu cho rằng, lễ hội Halloween ngày nay chịu ảnh hưởng nhiều từ lễ Samhain của dân tộc Celt, một dân tộc sống cách đây hơn 2000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ireland, và miền Bắc nước Pháp.

Vào ngày 1-11 hàng năm, người Celtic sẽ tổ chức lễ hội Samhain để đánh dấu cho sự kết thúc của mùa hè và thời tiết chuyển sang đông, đây cũng là thời điểm để khởi đầu một năm mới. Họ tin rằng khi mùa hè kết thúc và mùa đông lạnh lẽo, tràn đầy bóng tối bắt đầu thì vào đêm trước của năm mới (tức ngày 31-10) ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mờ nhạt.

Vào thời gian này vị thần của mùa xuân và mùa hè không còn ngự trị và nhường chỗ cho thần Chết. Lễ hội bắt đầu vào ngày 1-11, khi linh hồn của người chết quay trở lại nhà người thân để xin thức ăn và nước uống. Trong suốt thời gian đêm 31-10, các xác chết đi lại tự do.
Trong suốt thời gian đêm 31-10, các xác chết đi lại tự do. Hình minh họa. Hình: NeONBRAND-Unsplash

Theo truyền thuyết, vào ngày lễ Samhain linh hồn của người chết trong năm trước sẽ tìm đến một thể xác khác để bắt đầu cuộc sống mới trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, người sống không muốn linh hồn người chết nhập vào mình nên dập tắt lửa trong nhà để làm cho nhà cửa lạnh lẽo và tẻ ngắt. Sau đó họ hoá trang thành ma cà rồng và lặng lẽ đi vòng quanh nhà hàng xóm với vẻ hăm doạ để xua đuổi những hồn ma tìm thể xác.

Theo giải thích khác thì vào đêm Samhain, người Celtic dập tắt lửa không phải để xua đuổi những linh hồn mà để sau đó họ cùng nhau đi lấy lửa tại nguồn sáng gọi là Druidic, liên tục cháy ở Usinach thuộc miền trung Ireland.

Về sau này, người La Mã đã biến những tục lệ trên của người Celtic thành tục lệ của mình. Vào thế kỷ thứ nhất Trước Công nguyên, họ bỏ tục lệ hiến người sống và thay vào đó là hiến hình nộm. Theo thời gian, do người ta không còn tin vào linh hồn nữa nên tục lệ hoá trang thành ma quỷ hay phù thuỷ chỉ còn là hình thức.

Cùng với phong trào di cư của người Ireland sang Mỹ những năm 1840, lễ hội Halloween được du nhập vào Mỹ.

‘Bánh cầu hồn’

Lễ hội Halloween còn được cho là bắt nguồn từ một phong tục gọi là tục “cầu hồn” của người Châu Âu ở thế kỷ thứ 9.

Ngày 2-11 hàng năm, người Thiên chúa giáo đi từ làng này sang làng khác xin “bánh cầu hồn”. Đây là những chiếc bánh hình vuông làm từ bánh mỳ và nho Hy Lạp. Người đi xin nhận được càng nhiều bánh thì càng cầu được cho nhiều linh hồn người thân của gia chủ siêu thoát.

Ở Anh trước đây, đêm Halloween từng được gọi là Nutcrack Night hay Snap Apple Night tức là một đêm dành cho gia đình ngồi bên đống lửa hồng để nghe kể chuyện, ăn trái cây. Những người nghèo đi ăn xin thường được cho một thứ bánh gọi là “bánh linh hồn” với điều kiện họ phải cầu nguyện cho người chết.

Như vậy có thể thấy lịch sử ngày lễ Halloween có sự giao lưu và tiếp biến văn hóa lâu dài trên lãnh thổ nhiều quốc gia.


Snap Apple Night. Hình: Wikipedia.

Mang niềm vui đến mọi người

Bên cạnh nguồn gốc, lễ hội Halloween có nhiều ý nghĩa giáo dục, không phải ai cũng biết.

Theo truyền thuyết của người Ireland, một kẻ nghiện rượu tên là Sting Jack ăn trộm đồ trong ngôi làng và bị người dân đuổi đánh.

Jack chạy trốn, trên đường, hắn gặp một con quỷ được sai đến để bắt linh hồn của hắn đi. Tuy nhiên Jack đã lừa con quỷ leo lên cây táo cổ thụ và không cho nó xuống bằng cách khắc dấu thánh giá vào vỏ cây.

Con quỷ van xin và Jack bắt con quỷ phải thề rằng sẽ không bao giờ tước đi linh hồn của hắn.

Sau này, Jack chết nhưng linh hồn của hắn không được lên thiên đàng vì những tội lỗi khi còn sống. Địa ngục cũng không có chỗ cho linh hồn hắn dung thân vì lời thề của con quỷ. Vì thế linh hồn của Jack phải lang thang nơi trần gian.

Jack xin quỷ chút lửa để soi đường. Cuối cùng quỷ thương tình ném cho hắn hòn than lấy từ bếp lửa địa ngục không bao giờ tắt. Jack lấy củ cải đỏ đem khoét rỗng thành hình mặt quỷ, đặt hòn than bên trong.
Một cảnh trong bộ phim The Legend of Halloween Jack (2018). Hình chụp qua YouTube. Credit: 4DigitalMedia.

Từ đó, cứ mỗi mùa Halloween về, người nông dân ở các ngôi làng Ireland lại khắc những chiếc đèn lồng bằng củ cải để xua đuổi linh hồn của Jack và cả những bóng ma lang thang khác.

Sau này khi nhập cư vào Mỹ, người Ireland đã biến quả bí ngô thành chiếc đèn lồng Jack-O-Lantern khắc hình mặt người rùng rợn với ngọn nến được thắp sáng bên trong như chúng ta vẫn thường thấy.

Hơn nữa khi thắp đèn trong trái bí ngô họ thấy sáng hơn là thắp đèn bên trong củ cải, khoai tây hay bí đao nên quả bí ngô trở thành biểu tượng cho ngày lễ Halloween.

Theo thời gian, lễ hội Halloween đã trở thành lễ hội truyền thống ở nhiều quốc gia trên thế giới. Người ta tin rằng những chiếc lồng đèn làm từ trái bí ngô sẽ xua đuổi ma quỷ và mang lại nhiều niềm vui cho mọi người.

Hình: Colton Sturgeon/ Unsplash

Thông qua lễ hội này, người ta cũng đưa ra một số ý nghĩa mang tính chất giáo dục, đặc biệt là với trẻ em:

Thứ nhất, không nên sống tham lam, ích kỷ như chàng Jack.

Thứ hai, khi sống cần phải có hàng xóm, láng giềng, phải có niềm tin vào cuộc sống, tôn kính tổ tiên và các tiền nhân.

Thứ ba, cuộc sống là một vòng tuần hoàn, luôn có sự cho đi và nhận lại, chúng ta cần phải cho đi để được nhận lại …

Đ.T. (Tổng hợp)




vendredi 30 octobre 2020

Làm thế nào để tránh tin vịt

Trong thời đại internet, càng ngày tin vịt (fake news) càng đầy tràn khắp nơi. Vậy cần làm gì để tránh tin vịt, đặc biệt trong mùa dịch hiện nay?
  1. Kiểm tra nguồn

Xem lại trang web mình đang xem là gì. Ðể an toàn, đọc những tờ báo lớn, có tên tuổi và uy tín, tránh các trang web lạ. Tránh các trang web có chữ “lo” (ví dụ như Newslo) hoặc trang web kết thúc bằng “.com.co”.

Google tên tờ báo hoặc trang web để kiểm tra nguồn.

  1. Luôn luôn fact-check

Luôn luôn phải kiểm tra, đối chiếu, đặc biệt trước khi chia sẻ cho người khác. Luôn luôn kiểm tra xem các tờ báo lớn có đưa tin không, đọc nhiều nguồn với quan điểm khác nhau để đối chiếu và so sánh.

Nếu thử google mà không thấy báo nào đưa, có khả năng cao đó là tin vịt.

Nếu bạn ủng hộ Ðảng Cộng hòa, có thể bạn sẽ không thích một số tờ báo như CNN, nhưng vẫn nên đọc nhiều nguồn khác nhau, không nên chỉ đọc Fox News và các kênh có cùng quan điểm. Nếu không tin CNN, bạn có thể không đọc CNN, nhưng vẫn phải fact-check, và có thể kiểm tra bằng báo chí nước khác

Ngoài ra, có thể sử dụng các trang web chuyên fact-check như Snopes.com hoặc Fullfact.org.

Ðặc biệt trong mùa dịch, chuyện fact-check càng rất quan trọng, một phần vì khắp nơi có thuyết âm mưu (như coronavirus là vũ khí sinh học, hoặc từ 5G), một phần vì vấn đề sức khỏe – nếu nghe theo tin vịt, đôi khi người ta có thể uống hoặc đưa chất độc vào cơ thể, làm hại đến mình và người thân.

  1. Xem có phải là châm biếm không

Ðôi khi nếu hấp tấp, bạn có thể vô tình chia sẻ một bài châm biếm mà không biết, hoặc chia sẻ một bài viết từ Facebook nhưng nó lại có nguồn từ một trang web châm biếm.

Một vài ví dụ là tờ The Onion, The Daily Mash, The Babylon Bee, hay mục The Borowitz Report của tờ The New Yorker. The Borowitz Report luôn luôn ghi rõ “Not the News” (không phải tin tức), nhưng vẫn có nhiều người tưởng là tin nghiêm chỉnh.

  1. Luôn luôn tìm nguồn tiếng Anh nếu có thể

Nếu thấy tin tức bằng tiếng Việt nhưng không phải về Việt Nam, chẳng hạn như tin tức về Mỹ hoặc coronavirus, đặc biệt trên mạng xã hội, luôn luôn tìm nguồn tiếng Anh nếu có thể.

Tôi để ý thấy trên Facebook có rất nhiều người Việt tung tin vịt, không dẫn nguồn, nhưng có hàng trăm người chia sẻ. Trong những trường hợp này, chỉ cần gõ vài từ khóa bằng tiếng Anh trên Google là có thể thấy những thông tin đó là hoàn toàn bịa đặt.

  1. Reverse image search

Một công cụ rất tiện dụng có vài năm nay của Google là reverse image search, tức là tìm ngược hình ảnh.

Ví dụ, có một dạo cộng đồng người Việt chuyền nhau hình Bà Melania Trump mặc áo dài Việt Nam, hoặc Ông Trump ăn phở, nhưng nếu dùng công cụ reverse image search, có thể tìm thấy hình gốc và thấy đây là sản phẩm của Photoshop.

Ðây cũng là tính năng rất tiện lợi để chống “lừa tình” (catfish): trên Facebook hoặc các trang web hẹn hò, nếu nghi ngờ ai đó dùng hồ sơ giả và dùng hình của người khác,  cách tốt nhất là dùng reverse image search để xem hình có hiện ra với tên người khác không.

Cách làm là, nếu bạn đang dùng Google Chrome, click chuột phải trực tiếp vào hình, sau đó chọn “search Google for image”, sẽ có kết quả.

Nếu không dùng Google Chrome, bạn có thể click chuột phải vào hình, chọn “copy image address” hay “copy image link”. Sau đó mở Google Images, ở khung tìm kiếm, click vào biểu tượng camera, và khi nó hiện lên một khung mới với dòng chữ “search by image”, đưa vào đường link vừa copy bên dưới dòng chữ “paste image URL”.

Nếu bạn có hình trong máy tính (chẳng hạn như tải từ email), không có đường link, cũng mở Google Images và click vào biểu tượng camera như vậy, nhưng khi nó hiện ra khung với dòng chữ “search by image”, click vào dòng chữ “upload an image” và đăng tải hình ảnh để tìm nguồn.

  1. Cẩn thận khi chia sẻ bài từ Facebook, Twitter, hay email

Cần cảnh giác với tin tức từ mạng xã hội, và không nên chia sẻ chỉ vì nó hợp với quan điểm của mình hoặc nghe thú vị.

Chẳng hạn, cách đây vài tháng, nhiều người trên Twitter và Facebook chia sẻ hình ảnh thiên nga trở lại kênh đào Venice, hoặc tin đàn voi chui vào đồng ruộng ở China, say rượu bắp và lăn ra ngủ. Những hình ảnh có vẻ dễ thương, thú vị, cho thấy động vật trở lại thiên nhiên khi con người đang cách ly mùa dịch. Nhưng thật ra, như National Geographic sau đó kiểm chứng và đưa lên, đây đều là tin xạo1.

Ngoài mạng xã hội, một nơi có nhiều tin vịt là qua email. Ðây cũng là nguồn gốc cho nhiều thuyết âm mưu vớ vẩn.

Cũng trong mùa dịch, người ta có thể chuyền nhau các bài viết như làm sao để biết mình bị coronavirus, hoặc uống gì nếu bị nhiễm v.v. Ðể biết thông tin chính xác về coronavirus, cần đọc các trang web chính thức của bộ y tế hoặc các tờ báo có uy tín, đừng vội tin email hay thông tin trên Facebook.

Nên chú ý, hiện nay cả thế giới vẫn chưa tìm ra vaccine hay thuốc chữa cho Covid-19.

  1. Cẩn thận với Youtube

Một nguồn khác cần cảnh giác là Youtube. Ai cũng có thể lập ra một kênh Youtube và đăng video, và các phong trào theo thuyết âm mưu như trái đất phẳng, vaccine gây tự kỷ v.v. đều từ Youtube mà ra. Trên Wikipedia, ai cũng có thể viết bài được, nhưng ngược lại, ai cũng có thể chỉnh sửa bài đã viết, hoặc đặt dấu hỏi về nguồn, trong khi Youtube không hề có chức năng đó.

Số lượt xem cao hoặc số người subscribe nhiều không có nghĩa là đáng tin cậy.

Trên Youtube, chỉ có những kênh của các báo đài thật sự là tin được (nhưng vẫn phải fact-check và kiểm tra nhiều nguồn).

  1. Tìm video/ context

Khi một bài báo hoặc một bài quan điểm nói về phát ngôn của một người nổi tiếng, nguyên tắc là phải đi tìm câu đầy đủ. Cần có câu trích dẫn trực tiếp (trong ngoặc kép), chứ không phải một câu gián tiếp. Tìm video nếu có, và tìm bối cảnh (context) của nó, vì đôi khi một câu nói có thể bị bóp méo khi cắt khỏi ngữ cảnh, hoặc người nói có ý đang nói đùa, có thể thấy trong video, nhưng khi viết xuống lại không thấy rõ ý đang đùa.

  1. Cảnh giác với hình ảnh

Người Việt, qua cách truyền thông phương Tây đưa tin về chiến tranh Việt Nam, đã quá biết rằng hình ảnh, ngay cả khi không chỉnh sửa Photoshop, đôi khi có thể bóp méo sự thật, khi chỉ cho thấy một phần, hoặc không cho biết câu chuyện phía sau một bức hình.

Ngoài chuyện chụp từ góc nào, đưa gì vào khuôn hình, còn vấn đề khác là ống kính. Chẳng hạn, vài nhiếp ảnh gia của Ðan Mạch cho thấy sự khác biệt giữa ống kính góc rộng (wide-angle lens) và ống kính tele (telephoto lens hay long lens), và cách báo chí có thể bóp méo sự thật khi đưa tin về mùa dịch và vấn đề khoảng cách an toàn xã hội (social distancing)2.

Ống kính tele ép không gian, làm khoảng cách nhỏ lại, nên đôi khi nhiều người đứng cách nhau vài mét nhưng trong hình lại có vẻ đứng sát nhau. Báo chí đôi khi có thể đưa tin như thể nhiều người phá luật và không quan tâm sức khỏe, nhưng thực tế không phải vậy.

  1. Đọc bình luận

Ngoài ra, cũng nên đọc bình luận trên báo online hoặc mạng xã hội, vì đôi khi có thể có ai đó phân tích hoặc đưa ra bằng chứng tại sao tin tức nào là tin vịt.


Bạn đã thấy bông Artichaut nở chưa?

Bạn đã thấy bông Artichaut nở chưa?
Loài cây này ai nghe tên cũng thấy quen nhưng hiếm khi được nhìn thấy hoa nở được đâu !

Nhắc đến tên loài hoa này, thì có lẽ ai cũng biết nhưng hỏi về hình dáng và màu sắc hoa của chúng thì không mấy ai để ý, thậm chí là không biết chi mô ?.
Nếu có dịp đến xứ sương mù Đà Lạt mộng mơ, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những giỏ nụ hoa Artichaut được bày bán khắp các khu chợ, và thậm chí là các gánh hàng rong nữa. Bởi lẽ nhờ công dụng hữu ích, tốt cho sức khỏe, và còn được dùng làm thức uống mát bổ, thậm chí dùng để nấu canh ăn, nên loài cây này không còn xa lạ đối với nhiều người nữa !.

Thế nhưng vì đặc điểm thời vụ thu hoạch, nên bạn chỉ có thể những thấy những nụ hoa Artichaut màu xanh được bày bán, chứ ít khi được nhìn thấy bông hoa nó trông như thế nào.

Người ta thường thu hoạch nụ hoa vào thời điểm cây vừa ra nụ, độ lớn vừa đủ trước khi lá bông bắt đầu mở, vì nếu trễ quá nụ sẽ bị cứng và trở nên như gỗ.

Đấy, chính vì vậy mà nhiều người tưởng rằng hoa Artichaut có màu xanh như lá cây, nhưng thực chất thì chúng có màu tím rực rỡ nổi bật, có lẽ bạn cũng chưa bao giờ được nhìn thấy được đâu !.


Nụ hoa Artichaut được bày bán ở khắp các chợ tại Đà Lạt.

Đây được coi là đặc sản xứ Đà Lạt.

Cây Artichaut có tên Khoa học là Cynara scolymus, là loại cây loài gai lâu năm, có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu (quanh Địa Trung Hải). Chúng được người Cổ Hy Lạp, và Cổ La Mã trồng để lấy hoa làm rau ăn. Artichaut có thể phát triển cao lên tới 1,5 đến 2 mét, lá cây dài từ 50–80 cm

Những cây Artichaut được trồng đầu tiên ở quanh Naples, vào giữa thế kỷ 15. Nó được Catherine de Medici mang về nước Pháp vào thế kỷ 16. Sau đó, người Hà Lan lại tiếp tục nhân rộng bằng cách mang nó đến nước Anh.
Đến thế kỷ 19, Artichaut tiếp tục được những người nhập cư mang tới Mỹ. Ngày nay, Artichaut được trồng chủ yếu ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ, và các nước Mỹ Latin.



Đây mới là hình dáng, màu sắc của bông hoa Artichaut nè nha !.



Với màu tím quyến rũ của mình, hoa Artichaut góp phần thêm vào bộ Sưu tập sắc hoa thiên nhiên.



Artichaut có mặt ở Việt Nam ta từ đầu thế kỷ 20. Chúng được trồng ở Sa Pa, Tam Đảo, và nhiều nhất là ở Đà Lạt. Tên gọi của loài cây này là sự phiên âm sang tiếng Việt Atisô của từ tiếng Pháp "Artichaut".

Cây Artichaut sống một năm cao 1,5 – 2m, phân nhánh gần gốc, màu tím nhạt, lá hoa hình trứng, mép lá có răng cưa. Hoa đơn độc, mọc ở nách, gần như không có cuống. Tràng hoa màu vàng hồng hay tía, có khi trắng. Quả nang hình trứng, có lông thô mang đài màu đỏ bao quanh quả. Cây ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10.

Vào mùa Thu, lúc các lá đài còn mềm, không nhăn héo, và có màu đỏ sẫm.. Chỉ thu hái trong vòng 15-20 ngày sau khi hoa nở vì để lâu, dược liệu sẽ kém phẩm chất đi.




Nếu nói về công dụng của Artichaut, thì đa số mọi người cũng đều biết chúng là loài cây rất tốt cho sức khỏe. Từng bộ phận trên cây đều có những công dụng riêng. Artichaut ngăn ngừa xơ cứng động mạch, hạn chế các bệnh về xương khớp, tốt cho hệ tiêu hóa, giúp hạ huyết áp, canh Artichaut mát bổ…

jeudi 29 octobre 2020

Trần Mộng Tú : Cái Dáng Rất Buồn

 

Trần Mộng Tú: Cái Dáng Rất Buồn  

                                                                 (Gửi PH và chị Oanh)





 Anh bước vào giai đoạn lú lẫn (Alzheimer ) ở cuối đời. Mấy năm nay anh đã thay đổi rất nhiều. Bắt đầu anh quên quên nhớ nhớ, tiếp đến là anh dễ xúc động, anh hay khóc. Mấy năm trước, nghe cô bạn đọc Thơ của anh, anh cười, anh nhớ lại, đọc tiếp theo, chỉ độ một năm sau đó, anh không đọc theo nữa, anh chỉ nghiêng đầu lắng nghe, rồi bật khóc. Hình như anh biết được người kia vừa nói ra những câu gì rất thân yêu, rất thân thuộc với mình, và điều đó làm anh xúc động, anh khóc rưng rức. Chị lại nhỏ nhẹ dỗ anh:  

 Nín đi, nín đi, Thơ của anh, cô ấy nhớ đấy mà, phải vui chứ.  

Anh nghe chị, ngoan như em bé, lau nước mắt, bằng mấy ngón tay, rồi cười, một nụ cười rất thơ trẻ.  

Những năm kế tiếp, anh bắt đầu quên mặt họ hàng, quên mặt những người bạn thân, anh chỉ nhớ có chị thôi. Anh 85 tuổi, chị 80 tuổi. Hai vợ chồng già sống với nhau, con trai, con gái đều có gia đình. Đứa ở xa, đứa ở gần cũng vậy thôi. Một năm tụ họp gia đình đôi ba lần vào dịp Lễ, Tết.  

Khi anh mới bắt đầu lãng quên, sức khỏe anh vẫn còn tốt, sáng sáng chị chở anh tới Gym. Chị bơi lội, anh ngồi ngoài nắng hóng mặt trời. Chị đi chợ, đi tới nhà bạn họp mặt luôn luôn có anh đi theo. Mỗi ngày anh một chậm hơn và quên nhiều hơn nhưng anh vẫn tự lo được vệ sinh cho mình, chị chỉ cần nhắc.  

Rồi bỗng một ngày anh không làm gì một mình được nữa, chị phải phụ anh. Cơ thể chị nhỏ quá so với anh, chị không thể khênh vác, tắm gội cho anh được. Anh bắt đầu ngu ngơ như một đứa trẻ còn mặc tã, mà anh đang mặc tã thật, chị không thể nào khênh, đỡ anh làm những việc vệ sinh cá nhân cho anh. Chị gọi con, con trai chị từ tiểu bang xa về tìm Home Care để gửi Bố vào.  
Tìm mãi mới được một nơi gần nhà, Mẹ chỉ lái xe có 8 phút là thăm được Bố. Số tiền hơi cao, nhưng để con lo.  

Con ở lại thêm vài ngày nữa yên tâm có chỗ tốt cho Bố mà Mẹ không phải đi xa, muốn thăm Bố lúc nào cũng được. Chị ngậm ngùi :  

·                Ừ thôi con về nhà với vợ, con đi.  

Mấy hôm có con, chị yên tâm. Con đi rồi, chị một mình trống trải, thấy căn nhà của mình sao nó rộng mênh mông thế này, căn nhà không có anh bỗng tự nhiên thành xa lạ, giống như chính chị cũng vừa dọn vào một ngôi nhà mới, chị buồn trống cả hồn. Buổi tối đi ngủ chị nghĩ tới anh ở nhà mới với những người xa lạ chắc anh còn buồn hơn chị bây giờ. Thương anh quá, chị mong sao cho đến sáng để vào thăm anh.  

Anh ở đã nhà mới được hai tuần, mỗi ngày chị tới thăm, người ta không cho chị vào hẳn phòng anh, ngay cả phòng khách cũng chưa được vào (Vì đang thời Đại Dịch) họ đưa anh ra ngoài hàng hiên, nơi đó có sẵn mấy cái ghế cho anh chị ngồi gặp nhau. Chị thấy anh sạch sẽ, tươm tất chị cũng mừng, nhưng mỗi lần thấy anh hiền lành như một đứa trẻ ngoan, chị lại mủi lòng.  

Sao anh thay đổi nhanh thế! Gặp chị anh không vui, chị đứng lên về anh không buồn, trên nét mặt anh chị không thấy một cảm xúc nào, anh nhìn chị như nhìn cái cây hay bức tường trước mặt, ánh mắt anh không vui, không buồn. Con chim sẻ sà xuống sân cỏ trước mặt hai người, chị cầm tay anh lay lay, chỉ anh, anh nhìn mà như không nhìn, ánh mắt anh không biểu lộ mộ cảm xúc nào.  

 Khi tới thăm anh, chị cứ đinh ninh là khi anh bước ra, thấy chị, ánh mắt anh sẽ sáng lên, miệng anh sẽ mỉm cười và khi chị bịn rịn chia tay về, ánh mắt anh sẽ buồn buồn, tay anh sẽ nắm chặt tay chị. Nhưng không, anh thản nhiên đứng lên đi vào, không hề quay đầu lại.  

Chị không thấy anh khổ, không thấy anh buồn hay vui. Hình như anh không còn cảm giác buồn vui nữa. Sao anh thay đổi nhanh thế!  

Chị nghĩ tới ba tháng mùa Đông sắp tới, người ta đã cho chị biết là sẽ không có thăm viếng vì trời lạnh người già yếu không thể ra ngoài hiên được và thân nhân vẫn chưa được quyền vào bên trong, nếu đại dịch vẫn còn.  

Chị nghĩ tới nét mặt vô cảm xúc của anh, nghĩ tới hình ảnh anh đi vào không hề quay đầu lại và chị đứng ứa nước mắt nhìn theo dáng cái lưng im lặng của anh khuất sau cánh cửa.  

Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó, chị cũng không được nhìn thấy, mặc dù nó vẫn hiện hữu.  
 
Bất giác chị ôm mặt mình nấc lên.  

 tmt  
Tháng 9-18-2020 

NGUÔN

Phẫu Thuật Thông Tim-Bs Hồ Ngọc Minh

 

Phẫu thuật thông tim

Phẫu thuật thông tim - 1Phẫu thuật thông tim (Hình: sciencebasedmedicine.org)


LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số điện thoại liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com

Phẫu thuật thông tim (angioplasty) là một phương pháp y khoa tiêu chuẩn nhằm khai thông động mạch vành tim bị nghẽn, khi bị bệnh tim hay bị tai biến động mạch tim.

Như ta đã biết, mạch máu vành tim có thể bị lở loét và cholesterol tụ tập vào đó tạo thành “plaque”, đại loại như bị nghẽn ống nước. Thật ra, cholesterol được tích tụ từ phía bên trong vách của động mạch, phía dưới chỗ bị hư hại, sau đó, vách động mạch bị òa vỡ ra, và những mảnh vụn cholesterol nầy trôi vào mạch máu và làm nghẽn nhiều chỗ khác, tạo ra hiện tượng đột quỵ tim.

Trong từ angioplasty, chữ “angio” có nghĩa là mạch máu, còn chữ “plasty” có nghĩa là sữa chữa, nắn nót trở lại, cũng như plastic surgery có nghĩa là giải phẫu chỉnh hình. Bác sĩ thường gọi angioplasty là “percutaneous coronary intervention, hay PCI, dịch nôm na là “can thiệp vào hệ thống mạch vành tim, xuyên qua da”.

Khi làm phẫu thuật thông tim, bác sĩ sẽ luồn một đường ống vào một mạch máu ở dưới háng hay cổ tay. Sau đó, với sự hướng dẫn của hệ thống X-ray, đường ống sẽ luồn đến chỗ nghẽn của động mạch vành tim. Cuối cùng, một bong bóng nhỏ được phình lên, hay một ống kim loại nhỏ gọi là stent được nhét vào sau đó để mở rộng chỗ bị nghẽn.

So với giải phẫu tim để nối ghép động mạch, phương pháp thông tim ít gây ra thương tổn phụ. Vì khỏi phải mở tung lồng ngực, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. Trung bình, phẫu thuật thông tim chỉ tốn độ 30 phút đến vài giờ. Có khi bệnh nhân phải ở lại trong bệnh viện qua đêm để hồi phục.

Phẫu thuật angioplasty còn được áp dụng trong các trường hợp nhẹ khác, như bị mệt tim, tức ngực (angina), hoặc để tăng lượng máu lưu thông cho dù ngay sau khi bị đột quỵ tim.

Có hai loại thông tim:

1.Balloon angioplasty, bao gồm dùng sức căng của bong bóng thổi phồng để thông chỗ nghẽn. Thật ra hầu như phương pháp nầy luôn luôn  sẽ đi kèm với phương pháp kế tiếp.

2.Đặt ống kim loại “stent” vào mạch máu, phòng chống trường hợp mạch máu bị nghẽn trở lại.

Stent thường được làm bằng lưới kim loại, có khi được bao bọc bằng thuốc gọi là “drug eluting stents” (DES), nhằm tăng hiệu năng chống mạch máu bị nghẽn trở lại. Hầu như, đại đa số trường hợp thông tim đều dùng lưới kim loại có bọc DES. Trong năm 2018, có khoảng 1.8 triệu lưới stent được sử dụng.

Để chuẩn bị cho phẫu thuật thông tim, bệnh nhân phải theo lời dặn dò của bác sĩ. Nên khai báo cho bác sĩ biết tất cả các thứ thuốc đang uống, cho dù là thuốc phụ, hay thuốc dược thảo. Một số thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị chảy máu. Như tất cả các loại giải phẫu, trước ngày làm phẫu thuật, bệnh nhân phải nhịn đói, và có khi nhịn uống nước khoảng 12 tiếng. Lý do, để tránh bị sặc nước hay thức ăn vào trong phổi trong khi gây mê.

Bác sĩ thường phải cho thử máu, nhất là thử tình trạng của trái thận, xem có đủ khả năng lọc và giải trừ thuốc cản quang gọi là contrast giúp X-ray được chính xác hơn.

Nói chung, phương pháp thông tim khá an toàn, ít khi bị nguy hiểm, rắc rối. Tỉ số nguy cơ bị nguy hiểm vào khoảng 5%. Tuy nhiên một số tình trạng sự cố có thể xảy ra như:

1.Chỗ cắt ở háng hay cổ tay có thể bị chảy máu không cầm lại.

2.Mạch máu bị hư hại, kể cả mạch máu thận do phản ứng phụ của thuốc cản quang contrast.

3.Bị dị ứng với thuốc contrast.

4.Bị đau ngực.

5.Bị rối loạn nhịp tim.

6.Chỗ nghẽn không thông được phải tiến hành mổ tim cấp kỳ.

7.Bị tai biến não, hay bị đột quỵ tim.

8.Bị rách động mạch.

9.Bị tử vong.

10.Cuối cùng, luôn luôn có nguy cơ chỗ nghẽn bị ngẽn trở lại.

Phẫu thuật thông tim - 2(Hình minh họa: Getty Images)


Thường thường, người cao tuổi, nguy cơ bị tăng cao hơn. Ngoài ra những người bị bệnh tim nặng, bị nghẽn động mạch nhiều chỗ, hay bị suy thận cũng dễ bị tai biến trong khi làm phẫu thuật.

Sau khi xong phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh chóng. Thường thường, bệnh nhân sẽ ở lại trong bệnh viện từ vài giờ, có khi qua đêm. Sau đó, không được lái xe khoảng 24 tiếng, và không được khiêng vác vật nặng trong vòng một vài tuần. Bệnh nhân có thể đi làm trở lại trong vòng một tuần, tùy theo lời khuyên của bác sĩ.

Tổng quan, phẫu thuật thông tim tương đối ít bị nguy hiểm so với mổ tim. Ở Mỹ, trung bình có khoảng 1.2 triệu ca thông tim được tiến hành mỗi năm. Bác sĩ thường khuyên làm phẫu thuật thông tim một khi có vấn đề với hệ thống động mạch vành tim.

Tuy vậy, một nghiên cứu mới đây nhất, trong Tháng Mười Một, 2019, từ trường Đại Học Y Khoa New York University Grossman School of Medicine, cho biết, các phương pháp thông tim và ngay cả giải phẫu tim để ghép nối động mạch vành, vẫn không có hiệu quả bằng thuốc men và thay đổi nề nếp sống. Nói chung, các phương pháp nầy chỉ tốn tiền, tốn công, nguy hiểm, nhưng chẳng có lợi gì hơn so với uống thuốc, ăn uống cẩn thận, và… tập thể dục đều đặn!

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh - December 20, 2019

mercredi 28 octobre 2020

Bốn Điều Cần Ghi Nhớ Để Vượt Qua Những Sóng Gió Trong Cuộc Đời



Trên những đoạn khúc khuỷu của đường đời, chúng ta thường dễ trượt ngã và oán trách số phận: “Sao đời lại bất công như thế?”. Nhưng người Ấn Độ khác hẳn lại luôn dùng kim chỉ nam là 4 quy tắc tâm linh đầy sâu sắc dưới đây để đi qua những cơn sóng của niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống.



1. Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp

Không ai ngẫu nhiên bước vào cuộc đời bạn mà không mang một ý nghĩa nào đó. Tất cả những người chúng ta gặp trên đường đời đều là những người “thầy” vô giá. Dù họ yêu thương bạn, bỏ rơi bạn, giúp đỡ bạn hay tranh đấu với bạn, tất cả chỉ để dạy bạn cách sống, cách yêu thương, cách bao dung và nhẫn nhường. Số phận luôn sắp đặt đúng người vào đúng thời điểm để tôi luyện ý chí và phẩm cách con người bạn, để bạn nhận ra đâu là giá trị cuộc sống và giá trị của bản thân mình. Vậy nếu bạn chỉ biết ơn những người trao cho bạn cơ hội mới, những người tặng bạn những khoảnh khắc ngọt ngào, và thù ghét những người để lại vết thương lòng trong bạn thì bạn mới chỉ hiểu một nửa thông điệp của tạo hóa





2. Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời bạn đều là những điều nên xảy ra

Không có điều gì chúng ta từng trải qua trong cuộc đời mình đáng ra không nên xảy ra cả, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Trước mỗi một sai lầm hay vấp ngã, chúng ta đều than thở "Giá như mình không làm thế thì mọi chuyện đã khác". Nhưng không, chẳng có cái giá nào hết bởi vì những gì nên xảy ra thì đều đã xảy ra.
Qua đó, chúng ta rút ra được bài học để hoàn thiện, phát triển bản thân hơn. Thay vì ngồi đó bực tức, bất lực, trách mình vì đã đánh đổ nước cam lên chiếc laptop ban sáng, bạn hãy bình tĩnh chấp nhận, lau chùi nó rồi nó đem chiếc máy tính đi sửa và rút kinh nghiệm lần sau không bao giờ để nước vào túi đựng laptop nữa, có phải là tốt đẹp hơn không? Khi bị kẹt cứng trên một tuyến đường đông đúc trong lúc đưa con đi học, bạn cũng sẽ không nghĩ rằng nếu đi nhanh hơn thì một chiếc xe tải lao như bay trên đường có thể cướp đi sinh mạng của mình và con mình?
Bởi vậy mới nói, đừng ngồi mà ước "giá như" bởi chẳng có gì xảy ra trong cuộc đời là không có nguyên do. Nhẹ nhàng chấp nhận mới có thể ung dung, tự tại. Không có gì chúng ta trải qua lại có thể khác đi và đừng tốn thời gian để hối tiếc về những chuyện đã qua.


3. Chuyện gì đến, ắt sẽ đến

Tất cả mọi chuyện trên đời đều xẩy đến vào đúng thời điểm nó xẩy ra, không sớm hơn hay muộn hơn. Chúng ta không thể đoán trước điều gì sắp xảy ra, cũng không thể ngăn chặn nó vì nó đã ở đó và sẽ xảy ra vào một thời điểm mình không ngờ tới. Việc lo sợ vào một ngày nào đó một chuyện tồi tệ ập đến sẽ khiến bạn quên đi những giây phút đáng quý của hiện tại. Dù là niềm vui hay nỗi buồn, hãy học cách can đảm đón nhận nó. Bạn không thể kiểm soát thế giới xung quanh bạn. Chuyện gì phải đến cũng sẽ đến và phải học cách bình thản đối diện với những chuyện có thể bất ngờ xảy ra. Đôi khi, chúng ta phải chờ đợi rất lâu và trải qua rất nhiều những “chuyện sẽ đến” để hiểu hết ý nghĩa của thời điểm. Thời điểm luôn là món quà mà Thượng Đế trao cho những ai biết nhẫn nại, kiên trì và quyết tâm.


4. Chuyện gì đã qua, hãy để cho nó qua

Quy tắc này rất đơn giản. Khi một điều gì đó đã kết thúc, thì có nghĩa là nó đã hoàn thành trách nhiệm giúp ta phát triển. Duyên phận của chúng ta với điều đó đã chấm dứt để nhường chỗ cho mối nhân duyên khác hội tụ.
Đôi khi chia tay một người hay rời bỏ một công việc chưa chắc đã là điều không tốt, bởi vì biết đâu đó lại là cơ hội để mình tìm được một công việc mới tốt hơn hay một người khác tử tế hơn.
Đó là lý do chúng ta phải biết buông bỏ, để lại sau lưng những muộn phiền và quá khứ để dành sức tiếp tục cuộc hành trình của đời mình. Để có thể an nhiên, mỗi người nên biết tùy duyên và thuận theo tự nhiên mà sống.
Không phải ngẫu nhiên mà bạn đọc được bài viết này bởi vậy nếu cảm thấy đúng, đừng giữ cho riêng mình mà hãy chia sẻ! Hãy yêu thương bản thân, sống an nhiên và luôn hạnh phúc nhé!

T.Anh chuyển

lundi 26 octobre 2020

PHIẾM VỀ “CÀ CUỐNG” CỦA SONG THAO

 


SONG THAO

Cà cuống

Tôi phải cám ơn ông bạn đã chuyển cho tôi bài viết về cà cuống của tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung. Vừa đọc được hai chữ “cà cuống” là đầu óc tôi cuống cả lên. Cả một thời nhỏ dại ùn ùn trở về. Nhưng đọc bài “Cà Cuống” của Vũ Thị Tuyết Nhung trước đã. “Tôi còn nhớ, mẹ tôi thuở sinh thời, cứ vào cữ tháng Bảy mùa thu trở ra đến tháng Mười chớm đông, lúc Người đi chợ Hàng Bè, thi thoảng lại được mấy bà hàng tôm hàng cá quen gọi vào, thầm thì giúi riêng cho mấy con cà cuống mà các bà thường chỉ để dành cho khách ruột sành ăn”. Tác giả Vũ Tuyết Nhung còn nhớ “mùa” cà cuống, tôi thì chịu. Ngày nhỏ ý niệm thời gian chưa vướng vào đầu óc, tôi chỉ nhớ bất chợt vào những buổi tối liên tiếp, cà cuống bay bổ vào những ngọn đèn đường là lúc chúng tôi chạy đuổi theo bắt cà cuống. Cà cuống là con gián cồ, lớn gấp nhiều lần. Vậy mà gián thì chúng tôi sợ mà cà cuống thì chúng tôi…thương, thi nhau chạy theo chộp bằng tay không. Chộp xong, kiếm mấy cành cây khô, nổi lửa, nướng ăn ngay tại chỗ, thơm cách chi!

Cà cuống nướng là thứ ăn lấy được của bọn trẻ chúng tôi. Người lớn ăn khác, trân trọng hơn nhiều. Họ phân biệt cà cuống đực và cà cuống cái. Chuyện tưởng chỉ có chính con cà cuống mới quan tâm đến, nhưng đực cái cũng là thứ mà các người lớn săm soi đầu tiên khi nắm được chú cà cuống. Bởi vì cà cuống đực mới có bọng nước thơm, thứ quý giá nhất của cà cuống. Mỗi con đực có hai bọng, nhỏ bằng đầu tăm, chứa thứ nước thơm tho. Với cà cuống đực thì thứ nước có mùi thơm này là để dụ con cái. Với con người thì thứ nước thơm này để khoái khẩu. Bởi vì món chi có tí tinh chất này cũng biến thành món ngon được. Từ chén nước mắm chấm rau muống luộc dân dã cho tới những món cao cấp hơn như bún thang, bánh cuốn, chả cá. Người Tràng An chỉ lấy đầu chiếc tăm, chấm vào chiếc lọ nhỏ chứa tinh chất cà cuống một hai chấm là món ăn dậy mùi, thơm ngát. Mỗi người Hà Nội đều có những kỷ niệm với cà cuống. Với tôi là chén bún thang ngày tết. Lòng phơi phới trước giờ khắc tinh khôi của ngày đầu năm, gắp miếng bún thang nhè nhẹ hương cà cuống, thấy tất cả cái tết trong người. Với tác giả Vũ Tuyết Nhung là một thứ cũng rất tết: bánh chưng. “Bao năm nay, từ ngày đi lấy chồng, tôi đã nhiều lần đặt bánh chưng ở các cửa hàng nổi tiếng trong thành phố, hay là tự gói lấy bằng các thứ gạo đỗ, thịt thà thơm ngon nhất, mà sao ăn cứ không được như hương vị bánh chưng mẹ gói lúc sinh thời. Thì ra, ngày xưa, mẹ tôi khi ướp nhân bánh trước khi gói, bao giờ cũng nhớ rảy vào một chút tinh dầu cà cuống mà bà để trong một chiếc lọ bé xíu, gọi là lọ penexilin nút cao su, quấn mấy lần nilon như một thứ đồ gia bảo, cất trong ngăn trên của chiếc tủ chùa ở gác hai. Nếu không cho vào nhân bánh, thì khi xóc gạo gói bánh, bà cho nhàn nhạt muối đi một chút. Đến lúc bóc bánh ăn, mới chấm thêm chút nước mắm cà cuống, thì cũng hợp giọng khôn tả”.Nói tới món ngon Hà Nội, người ta không thể không vời tới những Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài. Trong “Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường”, Thạch Lam nói tới cà cuống trong một món ăn thông thường là phở mà chúng ta tưởng cà cuống chẳng có vai trò chi. “Trong nhà thương vốn có một bà bán các thứ quà bánh ở một gian hàng dựng dưới bóng cây. Cái quyền bán hàng đó là cái quyền riêng của nhà bà, có từ khi nhà thương mới lập. Bà là người ngoan đạo nên tuy ở địa vị đặc biệt đó bà cũng không bắt bí mọi người và ăn lãi quá đáng. Thức gì bán cũng ngon lành, giá cả phải chăng. Nhưng gánh phở của bà thì tuyệt: bát phở đầy đặn và tươm tất, do hai con gái bà làm, trông thực muốn ăn. Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”.

Thứ “thoảng nhẹ như một nghi ngờ” này, Tô Hoài miêu tả trong “Chuyện Cũ Hà Nội” với một món ăn khác: “Từng lá bánh được bóc ra, trắng tinh, xếp lên đĩa. Đĩa giò lụa cả khoanh đã cắt khía ra từng miếng. Nước mắm Nam Ô được thửa đã rót ra cái bát nhỏ của nhà hàng. Mùi nước mắm phảng phất thơm ngát cà cuống”. Cũng món bánh cuốn chấm nước mắm cà cuống này, trong cuốn “Món Ngon Hà Nội”, Vũ Bằng da diết:“Để làm nổi hẳn vị của nước chấm lên, người hàng bánh cuốn thường gia thêm vào chai nước chấm một hai con cà cuống băm nhỏ, nó đem đến cho ta một cái thú đậm đà hơn là cái thú cà cuống nước bán từng ve nhỏ ở các hiệu bán đồ nấu phố Hàng Đường hay một chút mắm tôm cà cuống đệm vào làm tăng vị của bún thang lên đến cái mức ăn ngon gần như không thể nào chịu được”.

Thứ mà nhà văn Vũ Bằng gọi là “cà cuống nước bán từng ve nhỏ” mà ông chê ỏng chê eo không biết có phải là các lọ cà cuống chế bằng hóa chất không? Tôi không nghĩ vậy tuy từ thập niên 50 của thế kỷ trước, người ta đã phân chất tinh dầu cà cuống. Đó là một hợp chất gồm nhiều chất dễ bay hơi. Mãi tới gần đây, nhờ tiến bộ của ngành sắc ký khí (gas chromatography) người ta mới xác định rõ hơn thành phần của tinh dầu cà cuống. Trong một nghiên cứu, Đại học Suranaree bên Thái Lan đã nhận diện được 22 chất tạo hương ở cà cuống đông lạnh, và 27 chất ở cà cuống luộc. Thành phần chính là hai chất: hexenol acetate và hexenyl butyrate. Tất cả các hợp chất này cấu thành mùi hương đặc trưng của cà cuống. Từ những kết quả phân tích này, người ta dùng kỹ thuật phối hương để chế ra tinh dầu cà cuống nhân tạo.

Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi biết tới thứ cà cuống nhân tạo này khi đang tu nghiệp ở Manila. Một anh bạn sinh viên Việt Nam ở Phi, dân Bắc kỳ di cư, đã bất ngờ kiếm được một chai tinh chất cà cuống do Thái Lan sản xuất tại một cửa hàng trên phố Tàu Manila. Cuối tuần, khi tới nhà một Việt kiều tại Phi chúng tôi làm món bánh cuốn Thanh Trì. Trịnh trọng mở nút chiếc chai nhỏ xíu, mùi cà cuống xông lên làm nức chí mọi người. Nhưng, như gió thoảng mưa sa, chỉ trong chớp mắt, mùi hương bay đi mất. Của giả chẳng thể so sánh được với của thật. Khi qua định cư tại Montreal, ăn bánh cuốn, tiệm cũng hỏi khách, nếu khách thích có mùi cà cuống thì chi thêm ít tiền để có được vài giọt chất cà cuống…giả mạo. Gọi là…để tưởng nhớ mùi hương. Chưa kịp nhớ, hương đã cao bay xa chạy!Cà cuống làm bằng hóa chất như vậy là hàng nhái.

Chẳng ai chuộng. Tinh dầu cà cuống chính tông chỉ có con cà cuống được đóng vai trò nhà sản xuất, một loại nhà sản xuất bủn xỉn. Mỗi con cà cuống chỉ cho được 0,02 mililitretinh dầu. Tính ra muốn có 20 mililitretinh dầu phải cần tới một ngàn chú cà cuống đực. Tinh dầu này ở dạng lỏng, nhẹ hơn nước nên dễ bị bay hơi kiến cho việc bảo quản khá khó khăn. Tôi nhớ ngày đó ông bà tôi thường đựng tinh dầu này trong những chai dùng để đựng thuốc chích penicillin có nắp đậy bằng cao su. Sau khi đã dùng hết thuốc, lấy chai không, rửa sạch để đựng tinh dầu cà cuống. Muốn chắc ăn hơn, lấy giấy ni lông bao thêm nhiều lớp bên ngoài nắp, cất vào tủ chè có khóa. Tết nhất hoặc giỗ chạp mới đem ra dùng.

Bắt được cà cuống, đè ra lấy tinh dầu cũng phải có nghề. Đây là công việc đòi hỏi khéo tay, tỉ mỉ, nhẩn nha. Nếu nóng vội bọng tinh dầu có thể bể, uổng một đời cà cuống! Đầu tiên, người ta bẻ gập đầu cà cuống xuống tận ngực, hai bọng dầu sẽ lòi lên trên sóng lưng. Bọng dầu này, gọi là “chỉ dầu”, dài khoảng từ 2 tới 3 milimetre, trông giống như sợi bún tàu. Lấy một cây tăm tre nhọn, khẽ khều bọng dầu lên, bỏ vào chai. Cần phải tách dầu ra khỏi bọng, nếu không tinh dầu sẽ có mùi hôi.

Dân ta biết tới hương vị cà cuống từ rất lâu, khoảng 2.200 năm trước, từ thời Triệu Đà lận. Con cà cuống dĩ nhiên không biết tự đặt tên. Tên của muôn loài do con người đặt. Nhưng tại sao lại là cà cuống? Nhà văn Vũ Bằng, trong cuốn “Thương Nhớ Mười Hai”, đã cà kê dê ngỗng như thế này: “Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống. Thấy thơm một cách lạ kì, ông ta bèn gửi dâng vua Hán một mớ và gọi nó là “quế đồ”, nghĩa là con sâu của cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con. Bất ngờ trong đám có một ông lắm chuyện tâu rằng: “Đó không phải là con sâu sống ở trong cây quế mà chỉ là một con sâu sống ở dưới nước “thuỷ đồ”. Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã”, nghĩa: đó là lời nói láo của Đà. Từ đó, cà cuống thành ra đà cuống. Nó còn một tên nữa là “long sắt”, nghĩa là con rận rồng. Con rận rồng! Nghe tên có quý không? Ta có tám món ăn quý nhất gọi là bát trân : nem công là một, chả phượng là hai, da tây ngu là ba, bàn tay gấu là bốn, gân nai là năm, môi đười ươi là sáu, thịt chân voi là bảy, yến sào là tám. Con rận rồng không phải là một thứ trân, mà chỉ nên coi là gia vị, nhưng nghe tên thì quý có phần hơn cả bát trân là khác”. Cà cuống hay rận rồng không nằm trong bát trân nhưng chen chân được với ngà ngọc. Trong các món đồ Triệu Đà triều cống vua Hán ngày đó, người ta ghi nhận được các món sau: một đôi ngọc bích trắng, một ngàn bộ lông chim trả, 10 sừng tê, 500 vỏ ốc màu tía, 40 đôi chim trả sống, 2 đôi chim công và một giỏ cà cuống. Như vậy, nằm kề bên cạnh các thứ chi bảo, cà cuống cũng thuộc loại oai lắm rồi!

Thứ oai phong như vậy hình như trời chỉ cho miền Bắc nước ta? Không hẳn vậy, miền Nam cũng cà cuống như ai nhưng người ta không biết dùng. Tác giả Tuyết Nhi, một người mà tôi chắc là sinh trưởng trong Nam, đã viết: “Nhiều năm trước, cứ vào mùa nước nổi là tôi lại theo cha giăng lưới, dở dớn, kéo chài… Tôm cá miền Tây thì nhiều vô số kể còn cà cuống thì thỉnh thoảng cũng thấy vài con. Tuy vậy, ở xóm lưới quê tôi dường như không ai biết con cà cuống có thể ăn được cả. Như bây giờ, khi hỏi cha tôi con cà cuống ăn được không, ông kinh ngạc bảo: “Trời, con đó mà ăn uống gì! Nhìn thấy ghê!”. Vậy đấy, có những thứ đặc sản mà đôi khi mình không biết, lại bỏ qua”. Một tác giả khác kể lại chuyện bắt cà cuống ở Cần Thơ: “Hằng năm, cứ vào mùa mưa là cà cuống xuất hiện. Chúng rất thích ánh đèn, mỗi khi màn đêm buông xuống, nơi nào có ánh đèn sáng chúng thường bay ra. Biết được những đặc điểm nêu trên, chúng tôi thường tụ tập dưới những cột đèn đường sau những cơn mưa để bắt cà cuống. Lúc bấy giờ, công trình làm Bến Xe Mới ở Cần Thơ quê tôi, đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động. Đây là điểm tập kết của chúng tôi hằng đêm để rượt bắt cà cuống. Mỗi đêm, nếu may mắn chúng tôi bắt được vài trăm con cà cuống rất dễ dàng”.Chuyện khá lạ lùng. Dân Cần Thơ cũng đuổi bắt cà cuống dưới ánh đèn đường y chang như chúng tôi ở Hà Nội. Ngạc nhiên hơn nữa khi tác giả Vũ Thế Thành kể chuyện bắt cà cuống ngay tại Tân Định, Sài Gòn. “Hồi nhỏ tôi vẫn theo lũ bạn đi bắt cà cuống ở những cột đèn đường, đem bán cho mấy người ve chai. Cà cuống rẻ rề, cả chừng hai chục con mới được 5 cắc. Họ thu gom cà cuống, bỏ trong thùng sắt tây, sau này tôi mới biết, họ đem bán cho một tiệm thuốc tây ở đường Hai Bà Trưng, Tân Định, trích lấy tinh dầu. Chỉ con đực mới có tinh dầu. Hồi bắt cà cuống, tôi đâu có biết đực cái thế nào, hễ thấy cà cuống là chộp. Vậy mà đực cái gì họ cũng mua. Con đực được khều lấy tinh dầu. Rồi sau đó, đực hay cái gì cũng lên… chảo chiên hết”.

Chuyện cà cuống bay la đà dưới ánh đèn đường đã đi vào cổ tích. Chúng tuyệt giống nơi phố thị. Nhưng ngày nay cà cuống lại nở rộ ở miền Nam do có cả một kỹ nghệ nuôi cà cuống. Nghe nói có rất nhiều trang trại nhưng có lẽ trang trại nuôi cà cuống của anh Lê Thanh Tùng ở ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thành lập từ năm 2007, là quy mô nhất. Đất Củ Chi bên cạnh nhà anh Tùng là vùng đất rộng mênh mông bị bỏ hoang từ lâu, cỏ cao lút đầu người. Đó là nơi anh Tùng hội ngộ với cà cuống. Vì là đất hoang nên môi trường không bị ô nhiễm, các loài côn trùng mặc sức sinh sôi nảy nở, trong đó có cà cuống. Anh Tùng là người mê nuôi các loại côn trùng. Anh khởi đầu bằng cách nuôi dế. Gia đình anh sống nhờ trại nuôi dế này cả chục năm trước khi anh nghe nói tới cà cuống. Anh cũng chỉ nghe sơ sơ biết cà cuống là đặc sản hiếm hoi trên Sài Gòn nên tìm đọc sách vở nói về thứ côn trùng lạ lẫm này. Anh biết được là cà cuống thường sống trong hồ, ao, đầm lầy, ruộng lúa, ban ngày ở dưới nước, ban đêm bay lên. Thức ăn của chúng là tôm tép, nòng nọc và cả cá lẫn ếch nhái. Sau bốn tháng lặn lội vừa bắt côn trùng, vừa có ý tìm kiếm cà cuống, anh bắt được đúng năm con. Anh khởi nghiệp nuôi cà cuống từ năm…tù nhân này. Anh nuôi chúng trong hồ xây, thả dày đặc lục bình. Anh chia sẻ: “Khi càng hiểu nhiều về nó, tôi càng mê. Xem trên sách báo, nhiều nhà khoa học cho rằng việc nuôi cà cuống là điều không thể càng làm tôi thêm quyết tâm. Mày mò nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thiết kế những ao hồ có đặc điểm giống hệt môi trường thiên nhiên. Từ năm con cà cuống đầu tiên, tôi thả trong hồ, bỏ cá con vào làm thức ăn cho chúng. Chỉ vài tuần, chúng đẻ trứng và nở ra đến vài trăm con”. Ngày nay, trang trại của anh lúc nào cũng có khoảng năm ngàn cà cuống. Anh làm đông lạnh và bán cho khách thu bạc triệu mỗi ngày. Nhưng anh Tùng là một nông dân có tâm. Anh không giữ độc quyền. Những nông dân nào muốn theo nghề, anh sẵn sàng nhượng con giống, chỉ cách nuôi và mua lại thành phẩm. Theo anh, có như thế mới phát triển được một ngành nuôi mới.Chắc chúng ta đều biết câu thành ngữ: cà cuống chết đến đít vẫn còn cay.

Ngoài nghĩa đen khen ngợi tinh dầu cà cuống, câu này còn có nghĩa bóng, ám chỉ những người ngoan cố, bảo thủ, cố chấp, cay cú trước sự thất bại hoặc cái sai trái rành rành của mình. Tôi vốn có lòng thương cà cuống, ít nhất chúng là một phần tuổi thơ của tôi, nên rất bất mãn với cổ nhân. Cà cuống đâu có cay như ớt, như gừng để gừng càng già càng cay. Tinh dầu cà cuống thơm tới mê đắm. Vậy có nên chăng sửa lại câu thành ngữ trên: cà cuống chết đến đít vẫn còn…thơm!

Song Thao

10/2020

T.Hải chuyển

NGUỒN

Lợi Ích Của Dưa Leo

 Lợi Ích Của Trái Dưa Leo



Tài liệu về quả dưa leo này đã được đăng tải trên tờ The New York Times vài tuần trước đây, một tờ báo thường giới thiệu những phương pháp khá sáng tạo và lạ lùng, để giải quyết những vấn đề thông thường. Sau đây là những khám phá thú vị về quả Dưa leo : 

1/ Dưa leo chứa rất nhiều loại sinh tố mà chúng ta cần mỗi ngày như Vit. B1, B2, B3, B5, B6, Calcium, Iron, Magnesium, Phosphorus, Potassium, and Zinc.

2/ Khi cảm thấy mệt mỏi vào buổi trưa, quí vị hãy để qua một bên các loại thức uống có cà phê, và hãy chọn lấy một quả dưa leo. Dưa leo có các loại Vitamin B, và Carbohydrates, có khả năng làm quí vị hưng phấn trở lại được vài giờ đồng hồ.

3/ Khi chiếc gương trong phòng tắm bị mờ đi vì hơi nước, quí vị hãy dùng một lát dưa leo, thoa dọc theo gương, chỉ trong chốc lát, gương sẽ trong lại và tỏa ra một mùi thơm tựa như quí vị đang ở trong phòng tắm hơi.

4/ Khi loài ấu trùng và ốc sên đang hủy hoại những luống cây ngoài vườn nhà, quí vị hãy đặt vài lát dưa leo vào trong một lon đồ hộp nhỏ, vườn của quí vị sẽ không còn những loài sâu ay ốc sên phá hoại trong suốt vài tháng trời. Lý do là vì những hóa chất trong dưa leo phản ứng với chất nhôm của lon đồ hộp, sẽ tỏa ra một mùi hương mà con người không thể cảm nhận được, nhưng lại khiến cho các loài côn trùng khiếp sợ và bỏ chạy khỏi vườn.

5/ Quí vị đang muốn tìm một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất để loại trừ những tế bào mỡ trên da (cellulite) trước khi vào hay bước ra khỏi hồ tắm ? Hãy thoa một hay hai lát dưa leo trên những vùng da quí vị muốn. Các hóa chất thực vật sẽ khiến cho lớp collagen trên da trở nên săn chắc và do đó, khiến cho cellulite trên da khó nhìn thấy. Cách này cũng tác dụng rất tốt trên các nếp nhăn nữa.

6/ Quí vị muốn tránh cảm giác choáng váng hay nhức đầu dữ dội sau khi uống rượu chăng ? Hãy ăn vài lát dưa leo trước khi đi ngủ. Khi thức dậy, quí vị sẽ thấy tỉnh táo và hết nhức đầu. Dưa leo chứa một lượng đường vừa đủ, các loại vitamin B, và các chất điện giải để tái bổ sung những tinh chất sinh tố cần thiết mà cơ thể đã bị mất đi, hầu tái lập sự cân bằng, xua tan cảm giác choáng váng hay nhức đầu.

7/ Quí vị muốn tránh một bữa ăn trưa, hay ăn tối thịnh soạn chăng? Dưa leo đã được dùng hàng thế kỷ nay, ngay cả bởi những người giăng bẫy thú rừng, các nhà buôn, các nhà khai phá Âu châu khi muốn có một bữa ăn nhanh, họ đã ăn dưa leo để không còn cảm giác đói bụng nữa.

8/ Quí vị sắp có một cuộc họp quan trọng, hay một cuộc phỏng vấn tìm việc làm, nhưng lại không đủ thời gian để đánh bóng đôi giầy của mình. Hãy thoa một lát dưa leo tươi lên giầy, hóa chất của dưa leo sẽ khiến giầy bóng lên, tuy không thật hoàn hảo nhưng cũng có tác dụng chống thấm nước.

9/ Trong nhà quí vị không có loại dầu chống rỉ sét WD 40, nhưng lại đang cần loại trừ tiếng kẽo kẹt từ bản lề của cửa ra vào. Hãy dùng một lát dưa leo chùi chung quanh bản lề đó, cửa sẽ không còn tiếng kẽo kẹt nữa.

10/ Quá căng thẳng nhưng lại không có thời gian để massage hay ghé vào spa, quí vị hãy cắt hết một quả dưa leo, cho vào một bình nước sôi, rồi hé mở nắp đậy, để cho hơi nóng thoát ra ngoài. Các hóa chất và dưỡng chất từ dưa leo sẽ tác dụng với nước sôi và tỏa ra một làn hương làm dịu đi sự căng thẳng.

Sưu tầm

Tản Mạn Cháo Tây, Cháo Tàu, Cháo Ta


Tản mạn cháo Tây, cháo Tàu, cháo ta

Huỳnh Chí Viễn

Có một lần cũng lâu rồi, có một cô bạn dịch bài về ẩm thực Việt Nam cho một tờ báo tiếng Anh hỏi tôi từ “cháo” dịch sang tiếng Anh như thế nào? Tôi lúc đó chủ quan nên bảo với cô ấy “cháo” dịch tiếng Anh là “porridge” mà không suy nghĩ gì nhiều. Đến khi cô ấy đưa bài dịch của mình đã được đăng báo cho tôi xem thì tôi mới giật mình, vì món cháo mà bạn tôi hỏi là “cháo vịt Thanh Đa” mà dịch ra “duck porridge” thì sai bét. Sau lần đó tôi tự trách mình rất nhiều về sự ẩu tả của mình và cũng chính vì vậy mà tôi trở nên cẩn thận hơn rất nhiều, vì đúng là sai một ly đi một dặm.

Trong tiếng Anh có đến ba từ để nói về cháo. “Porridge” là từ để chỉ cháo trắng đặc được nấu từ gạo hoặc yến mạch gần giống như cháo trắng mà chúng ta hay dùng để ăn chung với hột vịt muối. Các nước phương Tây cũng ăn porridge nấu rất đặc vào buổi sáng cho thêm tí muối tiêu với trứng tráng hoặc xúc xích nhỏ.

Còn cháo hoa (cháo nấu với ít gạo và nhiều nước để hạt gạo nở ra như hoa) và thường nấu chung với thịt thì được gọi là “congee” hoặc “rice soup”. Để nói về món cháo vịt, đáng lẽ phải gọi là “duck meat congee” hoặc “duck meat rice soup” mới đúng. Quả thật, có những cái mình nghĩ rằng mình biết rồi nhưng vẫn sai như thường.

Trở lại với cháo, lúc nhỏ tôi rất ghét ăn cháo vì cháo vừa nhạt vừa loãng, ăn xong cũng như chưa ăn, không được chắc bụng như ăn cơm. Tôi né tất cả các thể loại cháo từ cháo trắng ăn với thịt kho tiêu mỗi khi bị bệnh, cho tới cháo gà, cháo vịt, cháo lòng, cháo cá…

Trong đó, món cháo mà tôi ghét nhất là cháo trắng của người Tiều. Không như cháo trắng của người Việt bán ở các xe cháo khuya ăn cùng với dưa món, hột vịt muối hoặc thịt cá kho tiêu, vốn là cháo trắng nấu đặc; cháo trắng của người Tiều nấu rất loãng, bảy phần nước và ba phần gạo, nấu tới hạt gạo nở bung ra gần như nát nhừ, ăn chả có mùi vị gì cả.



Người Tiều ăn cháo gần như trong mọi bữa ăn. Buổi sáng của người Quảng Đông, sang thì điểm tâm với đủ thứ há cảo xíu mại, bình dân thì cũng tô hủ tíu mì hay cái bánh bao; còn buổi sáng của người Tiều thì ăn cháo loãng với cà na muối, hột vịt muối hoặc cải xá bấu muối thật mặn. Sang hơn tí thì người Tiều có thêm cặp dầu cháo quảy là xong bữa ăn sáng. Buổi trưa và buổi chiều thì họ lại tô cháo loãng được múc ra húp thay canh. Ngay cả những quán bán đồ ăn người Tiều cũng luôn có nồi cháo trắng kế bên nồi cơm.

Hồi còn nhỏ, mỗi lần dẫn tôi đi ăn cơm Tiều, ba tôi luôn kêu thêm chén cháo trắng để húp với ít nước thịt kho còn lại. Khi tôi tỏ vẻ không hứng thú với việc húp chén cháo trắng nhạt thếch lõng bõng này, ba tôi hay bảo: “Hồi ba còn nhỏ, a dè a mà (ông nội bà nội) nghèo lắm, cả nhà bảy tám anh chị em, mỗi người chỉ có dách gủn pạc chúc (một chén cháo trắng) và pun che hàm tản (nửa cái trứng vịt muối) thôi.”

Ba tôi chẳng bao giờ dạy cho tôi nói tiếng Quảng Đông một cách bài bản mà luôn có cách nói chuyện nửa Việt nửa Quảng như vậy, con cái hiểu thì hiểu không hiểu thì thôi. Vậy mà cuối cùng tôi cũng nói được tiếng Quảng.

Người Tiều không chỉ ăn cháo trắng mà còn có cả cháo lòng với đầy đủ tim gan cật ruột cũng gần giống như cháo lòng của người Việt; nhưng lòng xắt lát mỏng để bên ngoài chứ không nấu trong nồi như cháo lòng của người Việt, khi nào khách gọi thì mới trụng qua cháo rồi cho vào tô.

Nước cháo được nấu bằng mực, nấm rơm và xương ống nên rất ngọt và thơm. Người Tiều ăn cháo lòng cũng thường thêm dầu cháo quảy như người Việt nhưng không bỏ giá và ớt mà bỏ rất nhiều hành lá xắt nhỏ, tiêu xay, gừng tươi xắt sợi và một ít dầu mè.

Cũng như ăn hủ tiếu mì, người Hoa ăn cháo thường nêm thêm giấm đỏ và nước tương chứ không nêm nước mắm. Không chỉ có cháo lòng mà cháo cá, cháo mực, cháo thịt bằm hoặc cháo tôm viên khi ăn cũng nêm nếm như vậy: gừng tươi, dầu mè, tiêu, xì dầu và giấm. Cháo lòng kiểu người Tiều hồi đó tôi cũng có ăn một vài lần ở chợ Bàn Cờ quận 3 nhưng vì không hảo cháo lắm nên lâu rồi cũng không ăn lại.



Dân sành ăn tối Sài Gòn – Chợ Lớn chắc ít người không biết tới quán cháo thập cẩm ở bùng binh Soái Kình Lâm kế bên chợ thuốc bắc Phùng Hưng. Cháo ở đây nấu theo kiểu người Quảng Đông là cháo trắng nấu đặc và ăn với tôm, mực, da heo, gan, cật, phèo nên gọi là “chạp chúc” (cháo thập cẩm).

Thật ra gọi là “thập cẩm” không đúng lắm vì “chạp cẩm” dịch ra tiếng Việt là “tạp cẩm” mới đúng. Có lẽ chữ “tạp” nghe có vẻ hổ lốn và hỗn tạp quá nên người Việt mới gọi là “thập cẩm” cho sang hơn.

Theo lời kể của những người sống lâu ở Chợ Lớn thì quán cháo Đèn Năm Ngọn (tên cũ của khu Soái Kình Lâm) này đã có từ rất lâu đời rồi, nếu tính tới nay chắc cũng không dưới năm sáu chục năm. Hồi nhỏ, ba tôi hay chở tôi ra đây ăn, nhưng quán cháo này gắn với một kỷ niệm khá kinh dị nên tôi không bao giờ quay trở lại ăn nữa, dù thỉnh thoảng thèm món Hoa, tôi vẫn chở bà xã đi vòng vòng Chợ Lớn ăn lại những quán gắn liền với ký ức tuổi thơ của mình.

Có một lần khi đang ngồi ăn với ba mẹ tôi ở quán cháo đó, có một cậu bé trạc tuổi tôi lúc đó (5-6 tuổi) bán vé số mời mua. Và khi nhìn lên thì tôi suýt nữa hét toáng lên vì sợ: cánh mũi của cậu bé này không biết bị ai cắt mất chỉ còn hai cái lỗ sâu hoắm nhìn vừa đáng thương vừa đáng sợ. Hình ảnh đó ám ảnh tôi tới ngày hôm nay đến mức tôi không dám ăn lại quán cháo đó lần nào nữa cho dù đã hơn 30 năm rồi.

Dạo mấy năm gần đây tôi lại đổi tính thích ăn cháo. Nhiều lúc cảm thấy mệt trong người hoặc chỉ là đơn giản không muốn ăn cơm thì một chén cháo trắng và nửa cái hột vịt muối luộc hoặc tí thịt kho tiêu mặn cũng có thể giải quyết cơn đói và nhẹ người.

Cầu kỳ hơn một tí thì cho cái trứng hột vịt bắc thảo và tí thịt bằm vào trong nồi cháo quấy lên. Tôi thích ăn trứng bắc thảo nấu chung với cháo hoặc chưng cùng với trứng vịt tươi, trứng vịt muối tạo thành món trứng 3 màu ăn chung với cơm hay cháo gì cũng rất ngon.

Hột vịt bắc thảo (tiếng Quảng Đông gọi là pì tản) ai ăn không quen thì nhìn hơi sợ sợ vì cả quả trứng đen bóng và có mùi ngai ngái của amoniac, nhưng khi đã quen rồi thì sẽ ghiền vì vị béo béo bùi bùi rất đặc trưng.

Hồi còn ở Mỹ có lần tôi nấu cháo trứng vịt bắc thảo mời cô bạn người Nhật ăn thử. Cô lúc đầu còn ngại vì thấy màu cháo đen thui nhưng khi ăn một chén thì tự động vô nồi múc thêm chén nữa. Bởi vậy mới nói, không phải cứ là sơn hào hải vị mới ngon mà đôi khi những thứ dân dã đơn giản nếu hạp khẩu vị vẫn ngon hơn yến sào bào ngư vi cá vậy.

Huỳnh Chí Viễn (Giáo viên, Dịch giả)

dimanche 25 octobre 2020

Hoa Bỉ Ngạn nở rực khắp Nhật Bản

 Tháng 9, 10 là khoảng thời gian hoa bỉ ngạn nở đỏ rực khắp Nhật Bản. Đây là loài hoa biểu tượng mùa thu của đất nước này.

hoa bi ngan anh 1
Hoa Higanbana, hay còn gọi với cái tên bỉ ngạn, là một trong những loài hoa mang tính biểu tượng của mùa thu ở Nhật Bản, thường bắt đầu nở từ giữa tháng 9 đến hết tháng 10. Cánh đồng bỉ ngạn lớn nhất Nhật Bản ở Kinchakuda, thành phố Hidaka, tỉnh Saitama. Nơi đây cách thủ đô Tokyo khoảng 1 giờ di chuyển bằng tàu. Ảnh: Sora__films.
hoa bi ngan anh 2
Vé vào cửa là 2,86 USD. Vào mùa cao điểm, toàn bộ khu vực này sẽ được bao phủ bởi hơn 500 triệu bông hoa đỏ rực. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh ngoạn mục nhất mùa thu. Hoa bỉ ngạn ở đây nở đẹp nhất từ giữa đến cuối tháng 9. Lúc này, lễ hội Kinchakuda Manjushage sẽ được diễn ra. Ảnh: Totsutotsu.
hoa bi ngan anh 3
Năm nay, lễ hội bị hủy bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ngoài ra, Nhật Bản còn nhiều địa điểm khác để du khách ngắm cánh đồng hoa bỉ ngạn như công viên Kenei Gongendo, đền Gugyo-ji, Anao-ji, Katsuragi Hitokotonushi, sông Yakachi và Bảo tàng Tưởng niệm Nankichi Niimi… Ảnh: JW.
hoa bi ngan anh 4
Mỗi nơi thu hút du khách bởi một vẻ đẹp riêng. Đền Gugyo-ji là nơi 50.000 cây hoa đỏ 40 năm tuổi nở rộ. Ngoài ra, điểm đến này còn có loài hoa bỉ ngạn trắng, tạo nên sự tương phản giữa ngập tràn sắc đỏ. Dù đang trong mùa dịch, nhiều du khách vẫn tranh thủ ghé thăm cánh đồng bỉ ngạn để ngắm hoa và check-in, sống ảo. Ảnh: Kayllasinzimbra.
hoa bi ngan anh 5
Công viên Kenei Gongendo là địa điểm nổi tiếng khác ở tỉnh Saitama để chiêm ngưỡng bỉ ngạn. 3,5 triệu bông bỉ ngạn đỏ nở rộ dưới những tán cây xanh tươi của công viên thu hút lượng lớn du khách ghé thăm hàng năm. Trong khi đó, đền Katsuragi Hitokotonushi nổi bật với hàng bỉ ngạn nở xen kẽ giữa ruộng bậc thang. Ảnh: JW.
hoa bi ngan anh 6
Sông Yakachi và Bảo tàng tưởng niệm Nankichi Niimi thu hút với 3 triệu bông nở dọc bờ sông lãng mạn. Bỉ ngạn thuộc cây thân thảo lâu năm, chiều cao khoảng 40-100 cm. Hoa có 3 màu chính đỏ, trắng và vàng. Bỉ ngạn ở Nhật mang ý nghĩa hồi ức đau thương, biểu tượng cho vẻ đẹp của cái chết, sự chua xót khi phân ly, từ biệt… Ảnh: Builtforearth.
hoa bi ngan anh 7
Vào mùa hè, khi nhiệt độ quá cao, cây bỉ ngạn sẽ chết. Trong tiếng Nhật, higan (bỉ ngạn) có nghĩa là bồng lai. Theo dân gian, người Nhật cho rằng bỉ ngạn là cửa ngõ để đi vào thế giới của những người đã chết. Vào những ngày người trần gian gặp người âm giới, bỉ ngạn là nơi trú ngụ của những linh hồn. Ảnh: Mosusandesu.