Affichage des articles dont le libellé est Tính LÀM BIẾNG của người AN-NAM. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Tính LÀM BIẾNG của người AN-NAM. Afficher tous les articles

vendredi 6 décembre 2019

Tính LÀM BIẾNG của người AN-NAM


Nguyễn-Văn-Vĩnh
(Đăng Cổ Tùng Báo 25/7/1907)

Các tính xấu của người nước Nam ta thì ông Tân-nam cũng đã bới ra nhiều rồi, nhưng mới bàn đến những điều xấu riêng, kẻ có người không, mà thôi. Còn có một nét xấu chung cả nước, là nết làm biếng.

Cái làm biếng An-nam, là làm biếng trí, chớ không phải là làm biếng chân tay.
Mới nói điều này thì không mấy người tin, vì như nhà-quê thì cấy hái làm ăn vất vả bao nhiêu; người đi học thì lải nhải cả ngày cả đêm; ông quan thì nào đốc đê đốc thuế; các ông phán thì vào sổ, sao các tờ trát một ngày bao nhiêu việc, nhiều khi người Đại-pháp cũng lấy mình làm chịu khó; thợ thuyền thì làm nghệ như thợ thêu, thợ cẩn, thợ bạc, tỉ mỉ bao nhiêu! Thế mà tôi dám bảo là làm biếng, mà tôi nói thế cũng không phải là tự mình nghĩ ra. Ấy là nhời những người Pháp mà tôi lại xin nói lại đó mà thôi. Mà tôi xét kỹ thì họ nói chẳng oan một tí nào.

Người An-nam thật quả chỉ biết làm việc sẵn. Nhà-quê thì chỉ vì đói mới làm, hễ no thì soay ngay ra ăn chơi, đợi kỳ bao giờ đói mới lại lo liệu làm ăn, chỉ quí hồ có cơm đẫm miệng, chớ chẳng biết cái gì là cái dự phòng. Đi học thì chỉ biết cứ học đi học lại cho thuộc lòng. Làm quan thì kẻ trước làm thế nào, người sau cứ thế. Còn mấy ông đi làm việc, thì chỉ còm cọm một ngày 5 giờ rưỡi đồng hồ, đầu năm chí cuối, công việc chỉ có thế, dè dè thế nào cho qua ngày qua tháng, đến mồng một lĩnh cọc bạc về tiêu; về đến nhà, trưa thì ngủ, tối thì cao lâu, cờ bạc, giai gái. Làm đến thông-ngôn là mãn-nguyện rồi, bụng bảo rạ rằng: rỗi lắm, định làm vua Tây hay làm gì?

Từng ấy ông mà lười cũng không tệ lắm. Thế cũng xong! Người nào cứ biết phận người ấy, ông làm nhiều ông xướng, tôi làm ít tôi thế nào đủ ăn mặc tôi! Những ông ấy đã đành đi rồi.

Nhưng có một đám lười nữa, thực là hại, vì mình làm gương cho thiên hạ, miệng chỉ bàn những duy-tân, đi đâu cũng nói chuyện duy-tân, trông người ra cách duy-tân cả, nhưng xét đến việc làm, thì dặt những làm gượng cả. Tài thì có, nhưng làm được việc phải nghĩ, mà nghĩ thì hình như khó nhọc lắm. Cho nên làm việc gì cũng cứ bôi son cho xong việc thì thôi. Mà lại cũng may gặp việc có giạng duy-tân được thì mấy duy mà thôi, chớ giả thử có việc làm khác, thì cũng đến cung cứ buổi buổi, ai bảo làm sao thì cứ thế mà kéo dê cho xong ngày thì thôi.
Một ngày một tháng coi làm ít lắm. Đời người những ba-vạn-sáu-ngàn ngày cũng trán! Cách nuốt giờ ai bán để ta mua.

Thế mà đòi những tự chủ! Thế mà mơ những không thầy! Thế mà suy đi tính lại những dương cờ tự-lập.

Tôi nói thật cho các ông hay, chớ thả ra các ông một mình không ai sai bảo, không vì đồng tiền, thì các ông cũng đến nằm cong tán nhảm mà thôi, đố có chịu làm gì.

Thả ra có tự chủ được hôm trước, thì hôm sau các ông đã không đâm chém ngay thằng kéo cầy để mà lấy vị cao quyền nhớn, để mà ngồi rồi ăn không ngay; không thế, tôi cứ xin đi đàng đầu!

Giời hỡi giời! Trông thấy phong cảnh mà trán! Làm đầy tớ chẳng nên, lại cứ muốn làm thầy, thì làm thầy làm sao được hả giời?

Trước hết nên nghĩ đã, các ông ơi! Hễ trong nước, mười người còn chín người mấy cũng còn chưa làm gì ai được, nữa huống chi là trong một ngàn người thì có 999 khúc gỗ.
H.Phúc chuyển

Các ông có muốn khỏi phải thầy, khỏi phải roi đét đít, khỏi phải dấn đầu tát tai, khỏi phải người chửi rủa, cho là con lợn, con chó, thì trước hết phải bảo nhau sửa tính lại đã mới được.

Một ngày có 24 giờ, chia ba ngủ mất một phần, ăn chơi mất một ít nữa, cho là còn nửa. Còn có nửa thì một phần làm đầy-tớ ấy thì nhờ ai lấy cơm gạo phải biết thủ cái nghĩa-vụ mình với người ta, làm việc phải cho nó xứng với cái công người ta thuê mình, vì rằng; có làm đầy-tớ phải đạo, mới đáng làm thầy. Mà được thầy giộng lượng, không kèm-thúc như cu-li, như thợ thuyền, thì lại phải làm thế nào cho xứng cái lòng tin ấy mới phải là người có học thức. Thế là đạo làm tớ, nên thầy đó. Còn cái nửa làm thầy ở nhà, thì phải biết dùng lắm việc hay. Nghĩ đến có biết tôi đòi là cực, thì những lúc được nhàn, phải làm làm sao cho đáng khỏi tôi đòi mới được.

Tự biết mình có tài hơn thiên-hạ, thì phải dùng cái tài ấy cho hết lực để người khác được nhờ mới được. Không thế thì ai gọi là tài. Ông tài ở nhà nhà ông, thì người mặc ông, chứ ai ơn gì? Thiên-hạ có tôn ông lên bậc đàn anh, cũng chỉ hòng có ngày được dùng tài của ông mà thôi.

Ảnh: Hai người đàn ông An Nam hút thuốc phiện
nguồn: Tân Nam Tử
#LSVNQA
#DaiViettangthu