Affichage des articles dont le libellé est Ba tấm ảnh nổi tiếng. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Ba tấm ảnh nổi tiếng. Afficher tous les articles

dimanche 31 mars 2019

Ba tấm ảnh nổi tiếng

Chiến tranh Việt Nam đã để lại ba tấm ảnh nổi tiếng. Cả ba nhiếp ảnh gia đều được giải thưởng và được khắp thế giới biết tới tên tuổi. Mỗi tấm ảnh có một định mệnh khác nhau. Định mệnh bi thảm nhất là tấm hình nhiếp ảnh gia Eddie Adams chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan hành quyết tên Việt cộng Nguyễn văn Lém, tự Bảy Lốp, trong biến cố Tết Mậu Thân tại Sài Gòn. Ben Wright, Giám Đốc Truyền Thông tại Trung Tâm Tư liệu về Lịch sử Hoa Kỳ Dolph Briscoe, nói: “Có một cái gì đó trong bản chất của một bức ảnh tĩnh tác động sâu sắc đến người xem và đọng lại với họ”.

Bức hình Tướng Loan bắn Bảy Lốp của nhiếp ảnh gia Eddie Adams
Hal Buell, biên tập viên ảnh của AP, nơi Eddie làm việc khi bức ảnh được chụp, nói: “Eddie được dẫn lời rằng nhiếp ảnh là một vũ khí mạnh mẽ. Tính chất của nhiếp ảnh là mang tính chất chọn lọc. Nó thu hẹp một khoảnh khắc, tách khoảnh khắc đó ra khỏi những khoảnh khắc trước và sau mà có thể dẫn tới ý nghĩa thay đổi.” Bức ảnh chỉ ghi lại một khoảnh khắc rất nhanh. Những gì xảy ra trước đó là việc Bảy Lốp đã giết vợ và sáu con của một đồng đội của tướng Loan. Khi đó Eddie Adams đã nghĩ tướng Loan là một “kẻ giết người lạnh lùng vô nhân tính”, nhưng sau khi đi cùng tướng Loan trên khắp bốn vùng chiến thuật, ông đã thay đổi cách nhìn: “Ông ấy là một sản phẩm của Việt Nam hiện đại, là sản phẩm thời của ông ấy”.

Bức hình càng được thế giới ngưỡng mộ càng làm cho Eddie Adams khổ sở. Tấm ảnh đã  mang về cho phóng viên nhiếp ảnh Eddie Adams giải Pulitzer vào năm 1969. Trong diễn văn nhận giải, ông nói: “Tôi kiếm được tiền từ việc trưng ra cảnh một người giết chết một người khác. Hai cuộc đời đã bị hủy hoại, và tôi được trả tiền cho nó. Tôi được gọi là anh hùng”. Sau khi Sài Gòn thất thủ, Mỹ đã không chấp nhận cho tướng Loan di tản vào Mỹ, nhưng chính Eddie đã vận động để ông được nhận.. Khi tướng Loan qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1998, Eddie Adams đã gửi hoa tới phúng điếu với hàng chữ: “Tôi xin lỗi. Lệ ứa trong mắt tôi”.. Và ông viết đâu đó: “Có hai người đã chết trong bức ảnh đó. Ông tướng giết một Việt Cộng, còn tôi giết ông ta bằng máy hình của mình”. Khi Eddie Adams qua đời vào năm 2004, ông muốn mọi người  đừng nhớ tới ông bằng tấm hình này mà nhớ tới những bức hình ông chụp đoàn người Việt Nam di tản tới Hoa Kỳ để mong tìm một cuộc sống mới.
Bức ảnh thứ hai hầu như ai cũng biết. Đó là bức “Em Bé Napalm” của phóng viên chiến trường Nick Út, cũng làm việc với hãng tin AP, và cũng đoạt giải Pulitzer, vào năm 1972. Hình này cũng được chọn làm “Ảnh Báo Chí Thế Giới” năm 1972 và được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh  có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại Học Columbia bình chọn.
Bức ảnh “Em bé napalm” của Nick Út chụp ngày 8/6/1972

Chắc chúng ta đều thuộc nằm lòng bức hình này. Và đây có lẽ là bức hình gây tranh cãi nhất. Hình được chụp tại Trảng Bàng, Tây Ninh vào ngày 8 tháng Sáu năm 1972. Ngay ngày hôm sau, ảnh được đưa lên trang nhất của tờ New York Times. Đầu tiên, người ta nói bom do máy bay của Không Lực Mỹ thả. Điều này không đúng. Bom do máy bay Việt Nam thả vào vùng Việt cộng ẩn nấp trà trộn vào với dân nhưng đã oanh tạc lầm. Người ta gán cho máy bay Mỹ vì ý muốn thổi thêm lửa vào phong trào phản chiến lúc đó đang lên cao tại Mỹ. Thứ hai, hình bị phía Việt Cộng lợi dụng tuyên truyền. Sau khi bị thương, Cô bé Napalm Kim Phúc được đưa vào Sài Gòn để cứu chữa. Sau 14 tháng điều trị, trải qua 17 cuộc giải phẫu, cô bé được về nhà tại Trảng Bàng. Vết thương vẫn nhiều phen hành hạ Kim Phúc.

Năm 1982, mười năm sau khi tấm ảnh được chụp, một nhiếp ảnh gia người Đức đến Việt Nam và muốn tìm “cô bé trong hình”. Cộng sản Việt Nam nhận thấy đây là một dịp tuyên truyền rất tốt nên kiếm ra Kim Phúc lúc đó đang là sinh viên năm thứ nhất Đại Học Y Khoa ở Sài Gòn. Kể từ đó, cuộc đời cô không còn được yên ổn nữa. Cô bị buộc đóng các bộ phim tuyên truyền, trả lời phỏng vấn báo chí ngoại quốc theo chỉ thị. Quá mệt mỏi với vai trò con rối, cô than: “Tôi muốn chạy trốn khỏi tấm hình đó. Tôi bị phỏng vì bom napalm, và tôi trở thành nạn nhân chiến tranh. Nhưng khi tôi lớn lên, tôi lại trở thành nạn nhân của một thứ khác”. Cô chỉ tìm được an bình khi theo đạo Cơ Đốc: Sự căm giận bên trong tôi chồng chất cao như núi. Tôi căm ghét cuộc sống. Tôi thù hận mọi người bình thường bởi vì tôi không bình thường. Nhiều lần tôi thực sự muốn chết. Tôi dành cả ngày trong thư viện tìm đọc nhiều sách tôn giáo để tìm kiếm mục đích của cuộc sống. Một trong những cuốn sách tôi đọc là Kinh ThánhGiáng sinh năm 1982, tôi tiếp nhận Chúa Giêsu Cơ Đốc làm Đấng Cứu Chuộc tôi. Đó là sự biến chuyển diệu kỳ trong đời tôi. Chúa giúp tôi học biết tha thứ – bài học khó khăn nhất trong tất cả các bài học. Vẫn còn những vết sẹo trên thân thể tôi, nhưng tấm lòng tôi đã được thanh tẩy.

Năm 1986, Kim Phúc qua Cuba học y khoa. Tại đây cô gặp anh Bùi Huy Toàn cũng là một sinh viên du học. Hai người kết hôn năm 1992 và đi hưởng trăng mật tại Moscow. Trên đường về lại Cuba, khi máy bay ghé đổ xăng tại Gander, tỉnh bang Newfoundland, Canada, hai người bỏ trốn và xin tỵ nạn. Họ định cư tại Ajax, tỉnh bang Ontario và nhập quốc tịch Canada năm 1997. Quốc tế biết tới Kim Phúc từ ngày cô xin tỵ nạn tại Canada. Cùng năm 1997, cô được mời làm Đại Sứ Thiện Chí của UNESCO. Cô thành lập Kim Phuc Foundation International có nhiều hoạt động cứu trợ và nhân đạo trên khắp thế giới. Cô cũng được mời đi diễn thuyết ở nhiều nơi, gặp nhiều nhà lãnh đạo thế giới kể cả Nữ Hoàng Anh Elizabeth II, nhận bằng Tiến sĩ Danh Dự của các Đại Học York và Queen ở tỉnh bang Ontario, Đại học Lethbridge ở tỉnh bang Alberta, Canada.
Bà Kim Phúc và cháu nội Kalel Bui Ảnh chụp tại Ontario 7/7/2017. Anne Bayin

Phóng viên nhiếp ảnh Nick Út đã nói: “Đối với tôi, và rõ ràng là đối với nhiều người khác nữa, tấm ảnh không thể nào thực hơn. Tấm ảnh cũng xác thực như chính cuộc chiến Việt Nam vậy. Sự khủng khiếp của chiến tranh Việt Nam được tôi ghi lại không cần phải chỉnh sửa. Cô gái bé nhỏ thảm thương ấy vẫn còn sống đến ngày hôm nay và vẫn là lời chứng hùng hồn cho tính xác thực của tấm ảnh. Kim Phúc và tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc ấy của ba mươi năm về trước. Nó đã thay đổi cuộc sống của cả hai chúng tôi.”
Ông nói không sai nhưng sự thay đổi cuộc sống của Kim Phúc và của chính ông không giống nhau. Kim Phúc muốn quên tấm hình và hướng cuộc sống tới một giai đoạn mới đầy nhân ái. Trong khi đó, Nick Út ăn theo tấm hình hơi kỹ. Mới đây, ngày 6 tháng Năm 2017, ông đã tặng cho Bảo Tàng Phụ Nữ Việt Nam bức ảnh này. Bức hình, đúng như ông nói, nói lên sự thương tâm của cuộc chiến Việt Nam. Nhưng nó chỉ nói tới một phía. Phía kia, với những hình ảnh của cuộc thảm sát Mậu Thân, của các em nhỏ trong vụ pháo kích vào một trường tiểu học ở Cai Lậy và nhiều “chiến công” đốn mạt khác của phía bên kia không được ông nhắc tới. Một nửa của sự thật không phải là sự thật..

Bức hình thứ ba, ít phổ biến hơn, nhưng cũng góp phần lớn trong việc mang lại cho tác giả Chick Harrity giải “Thành Tựu Một Đời” của White House News Photographer’s Association(Hiệp Hội Phóng Viên Ảnh Tòa Bạch Ốc) trao tặng vào năm 2005. Bức hình mang tên “Baby in the Box”, chụp trên đường phố Sài Gòn vào năm 1973. Phải nói ngay là tôi thích tấm hình này hơn hai tấm hình…lịch sử trên vì nó nói lên tình người chứ không chính trị chính em chi cả. Tấm ảnh đen trắng ghi lại hình ảnh một bé gái nhỏ nhoi ốm yếu nằm trong một chiếc hộp các-tông bệ rạc, như vừa lượm được từ một đống rác nào. Bên cạnh hộp là một bé trai, anh của bé gái, nằm co quắp, tay kê làm gối trên đầu, phía bên kia hộp là một cái chén ăn xin. Tất cả nổi bật trên những ô vuông nhỏ của gạch lát trên lề đường.
Bức hình “Baby in the box” của Chick Harrity/AP/Shutterstock

Đúng 32 năm sau khi chụp tấm hình, phóng viên nhiếp ảnh Chick Harrity nhớ lại:
“Khi tôi làm việc cho Association Press, và được giao nhiệm vụ chụp hình trao trả tù binh, khi tốp người lính Mỹ cuối cùng được trao trả, năm đó là 1973, hình như tháng Hai thì phải. Tôi còn nhớ ngày tôi chụp tấm hình đó là ngày tôi được lệnh đến Dinh Độc Lập để chụp buổi họp báo của Tổng Thống Thiệu vào buổi sáng. Người tài xế chở tôi tới Dinh Độc Lập, khi xong việc, tôi trở về thì đường phố kẹt xe quá, tôi quyết định đi bộ về văn phòng của AP nằm ngay đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi trong một toà nhà lớn cùng với NBC. Vì văn phòng của tôi nằm phía cuối của toà nhà nên tôi đi vòng phía sau cho tiện. Tôi bắt gặp một hình ảnh vô cùng thương tâm trên đường: một em bé gái nhỏ bé đang ngủ, nằm bên trong chiếc hộp giấy bằng carton, bên cạnh chiếc hộp là đứa bé trai, lớn hơn một tí, nắm lấy tay của em gái mình thò ra, nằm co quắp, và chiếc tô dùng để ăn xin bên cạnh. Và trước khi tới cái góc nhà, đối diện với toà nhà, là khách sạn Continental, có rất nhiều trẻ con xin ăn, có quá nhiều trẻ em mồ côi…Ánh sáng hoàng hôn hắt xuống thật tuyệt vời. Tôi vô cùng xúc động và lấy ngay chiếc máy ảnh Leica của mình với ống kính 50 ly, chụp chừng sáu hay tám tấm gì đó, rồi vào văn phòng ngay vì tôi rất vội phải đi công tác ở Đà Nẵng. Tôi giao cho họ và nói đây là phim chụp họp báo và đây là cuốn phim chụp trẻ em xin ăn đường phố… Mười ngày sau, khi tôi từ Đà Nẵng trở về, một tấm biển có gắn hàng chữ đùa giỡn: “No More Orphan Pictures” trước bàn làm việc của tôi. Bởi vì tấm hình đó khi AP phổ biến thì trở thành “tin nóng hổi” (Breaking News Story) cho các báo chí và đài phát hình ở Mỹ, đặc biệt là ở New York. Khi tấm hình được gửi về New York, mọi người đều rất thích, bởi vì nó không giống những hình ảnh khác và nó được đăng trên tất cả các báo chí ở Hoa Kỳ và rất nhiều người đã liên lạc tới văn phòng AP của chúng tôi để hỏi xem có cách nào nhận hai em bé đó làm con nuôi”.

Chick Harrity nhờ các nhân viên người Việt của AP tìm cách liên lạc với gia đình hai em bé. Chỉ hai ngày sau, họ đã gặp được mẹ của chúng. Bà cho biết bà có 5 con trai và đứa bé nằm trong hộp là bé gái út. Chồng bà là quân nhân đang đi hành quân xa. Bà không đủ tiền để nuôi bầy con nên cho chúng đi ăn xin. Tên của bé gái là Trần thị Hết. Khi được biết là có nhiều gia đình muốn nuôi hai bé ở Mỹ, bà gạt phắt ngay. Bà không muốn xa các con.
Nhưng định mệnh không nuông theo ý muốn của bà. Bé Hết bị đau tim nặng và, chỉ một năm sau ngày chụp tấm hình, một tổ chức từ thiện đã đưa bé về Mỹ điều trị. Bà Evelyn Heil, cư ngụ tại thành phố Springfield, tiểu bang Ohio, nhận nuôi bé ở Mỹ, kể lại sự thể: “Khi tôi nhìn thấy bức hình của em trên tờ báo (ở Houston, Texas), tôi thấy đôi mắt em mở lớn đầy vẻ sợ hãi như đang nhìn thẳng vào tôi với một sự thôi thúc kỳ lạ. Lúc bấy giờ, em được bác sĩ Denton Cooley chữa bệnh tim, đem em từ Sài Gòn sang. Năm đó là năm 1974. Theo lời cơ quan từ thiện đưa em sang Mỹ thì mẹ em đưa em vào viện mồ côi Holt, vì em bị bệnh tim nặng và bà quá nghèo không có tiền chữa bệnh cho em. Cũng theo lời hội từ thiện cho biết thì họ cố gắng tìm mẹ và anh trai của em nhưng nghe nói bà đã đi Đà Nẵng. Sau đó họ cũng được tin là bà mẹ của em đã qua đời vì bị bệnh lao phổi, và không còn ai biết gia đình cũng như anh trai của em ra sao nữa. Nhưng ở Sài gòn lúc bấy giờ cũng không có đủ phương tiện chữa trị nên họ đã đưa em sang Mỹ. Khi tôi nhìn thấy khuôn mặt của em và bức hình Baby In The Box đăng trên trang báo, tôi lập tức tìm cách đến ngay bệnh viện để được ôm em vào lòng vì trông em tội nghiệp lắm, nét mặt đầy vẻ sợ hãi.”
Không phải dễ dàng khi bà Heil được nhận nuôi bé Hết. Có trên hai ngàn người xin nuôi em! Bà cho việc bà “trúng tuyển” là một điều…kỳ diệu. “Tôi rất kiên trì và họ biết là tôi biết nhiều về dinh dưỡng. Rồi hôm ấy, họ đến nhà tôi rồi đi cùng với tôi đến đón các con tôi đi học về. Trước khi tới trường của các con tôi thì họ cho tôi biết là tôi sẽ được chọn. Tôi đã khóc vì sung sướng và không thể lái xe tiếp tục được, phải dừng lại bên đường để dằn cơn xúc động. Tôi không thể tin nổi, một điều kỳ diệu đã xảy ra.Và cũng nên nhớ lại rằng, thất bại của Mỹ trong việc bảo vệ Sài Gòn đã khiến em trở thành một em bé mồ côi tị nạn. Điều này giúp cho việc xin em làm con nuôi dễ dàng hơn. Và ngày 10 tháng Mười năm 1974, em chính thức trở thành con nuôi của tôi. Gia đình tôi đưa em về nhà, tôi đã có 4 đứa con trai và em trở thành cô công chúa trong gia đình chúng tôi.”.

Cô công chúa khác màu da trong gia đình bà Heil  bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Em không thể tự ngồi và đứng được. Ba tuổi mà em chỉ cân nặng có 12 pounds, chưa được 5 ký rưỡi! Con trai lớn của bà Heil đặt cho em tên mới là Nhanny. Từ đó tên em là Nhanny Heil. Đã quá nhỏ bé và ốm yếu, em còn bị bệnh tai và nhiều bệnh khác. Bà Heil rất vất vả trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc Nhanny. Bà đã thành lập tổ chức  Warren Center of Learning để em Hết có cơ hội chữa bệnh và học hành. Năm 1983, bà nhờ các cơ quan truyền thông hỗ trợ trong việc quyên góp tài chánh cho Trung Tâm Học Tập Warren. Tổng Thống Ronald Reagan hỗ trợ bà và mời gia đình bà vào tòa Bạch Ốc cho các ký giả gặp và phỏng vấn. Bà kể lại: “Khi hai chúng tôi đang đi vào hành lang, thì ngay lúc ấy, Tổng thống Reagan cùng phu nhân xuất hiện. Ông cúi xuống ôm em vào lòng và hỏi tai nào của em không nghe được? Em trả lời. Tổng thống nói: “Vậy thì hãy cứ đi qua phía bên đó để ông cùng nghe vì tai của ông cũng bị như thế!”. Thật là một vị Tổng thống tuyệt vời ! Sau khi trò chuyện với Tổng Thống Reagan xong thì chúng tôi gặp Chick Harrity. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp ông ấy”.
Lần đầu tiên gặp lại bé Hết trên đất Mỹ, Chick Harrity đã gặp một bất ngờ. “Khi tôi gặp em lúc bấy giờ, trông em thật là bé nhỏ so với độ tuổi 12… Tôi trao cho em bức hình tôi chụp năm xưa nhưng em làm mọi người và tôi rất ngạc nhiên vì em từ chối nhận và rất là giận dữ…Tôi không hiểu vì sao như thế. Rồi thời gian trôi qua, trong lòng tôi cứ tự hỏi về điều này. Mãi cho đến ngày hôm nay, sau 32 năm, kể từ ngày tôi chụp hình ấy, tôi mới thực sự giải toả được. Thì ra hồi ấy, trong trí óc ngây thơ của em, em sợ rằng nếu có ai nhìn thấy bức hình ấy, thì họ sẽ bắt em trả về Việt Nam”.

Nhiếp ảnh gia Chick Harrity gặp lại cô Hết, đứng giữa là TT Bush. Adobe Stock
Sau khi rời Việt Nam, Chick Harrity làm nhiếp ảnh viên cho Tòa Bạch Ốc, chuyên chụp hình các Tổng Thống Mỹ. Ông đã phục vụ qua các đời Tổng Thống John Kennedy, Lyndon Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford, Ronald Reagan, George Bush “Cha”, Jimmy Carter và Bill Clinton. Những tấm hình ông chụp trong thời kỳ này đều là những tấm hình lịch sử. Vậy mà khi được chọn cho giải “Thành Tựu Một Đời”, ông cho biết dù các bức hình ông chụp qua tám đời Tổng Thống Mỹ có giá trị tới đâu, ông vẫn coi bức hình “Baby in the Box” là tấm hình ông yêu thích và trân quý nhất.
Ngày nhận giải, Chick Harrity lại…bất ngờ. “Khi tôi đứng ở trên sân khấu cùng với Tổng Thống George W. Bush, tôi nghe vị chủ tịch của Hội Phóng Viên Nhiếp Ảnh Toà Bạch Ốc nói với Tổng Thống: “Đừng di chuyển, hãy đứng yên!”. Thông thường thì ai mà nói với vị Tổng Thống kiểu đó…Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra đây. Và bỗng nhiên tôi nghe tiếng của người điều khiển chương trình xướng danh tên tôi cùng với bức hình, và người đại diện trao giải là Nhanny Heil, cô bé trong bức hình năm xưa. Tôi vô cùng bàng hoàng và xúc động. Nước mắt dàn dụa trên mặt tôi. Cuộc hội ngộ diễn ra vô cùng bất ngờ. Tất cả mọi người có mặt hôm đó đều rơi lệ, ngay cả Tổng Thống Bush cũng vậy”.
Bà Evelyn Warren Heil, người mẹ nuôi đáng kính của bé Hết, đã qua đời vào ngày 21 tháng Tám 2008, thọ 78 tuổi. Bé Hết đã lập gia đình và có hai con, vẫn sống ở thành phố Springfield, tiểu bang Ohio. Nhanny Heil tuy không nói được tiếng Việt nhưng vẫn băn khoăn nhớ về Việt Nam: “Tôi nghĩ tôi là người may mắn nhất. Tôi không biết nói gì hơn. Tôi chỉ nghĩ là tôi rất may mắn đã gặp được mẹ nuôi tôi cho tôi một cuộc đời mới. Tôi biết rằng, tôi còn có cha và các anh trai của mình, và nhiều khi tôi tự hỏi không biết giờ này họ ra sao.. Tôi không biết làm cách nào để tìm ra họ. Tôi thiệt không biết làm sao!”

Đằng sau mỗi bức hình có một câu chuyện. Tôi thích nhất câu chuyện của tấm ảnh “Baby in the Box”. Tấm ảnh trong thời chiến mà không vương khói súng. Nó như một thứ bên lề nhưng lại nổi trội. Cái chi đánh động lòng người sẽ sống mãi. Vì đó là cuộc sống đích thực!


02/2019