lundi 6 juillet 2020

MỘT NGƯỜI CHA ĐÃ NÓI VỚI CON TRAI CỦA MÌNH VỪA TỐT NGHIỆP:

Cha cho con một chiếc xe cha đã mua được nhiều năm trước... Nó đã hơn 50 tuổi. Nhưng trước khi cha đưa nó cho con, con hãy đưa nó đến chỗ bán xe cũ đã qua sử dụng xem họ trả cho nó bao nhiêu.Người con trai đi đến chỗ xe đã qua sử dụng, trở về với cha và nói: 
"Họ được đề nghị 1,000 đô la vì nó trông nó đã quá đát".
Người cha nói: "Con đưa nó đến tiệm cầm đồ".
Người con trai đưa đến tiệm cầm đồ, trở về nói với cha:
 "Tiệm cầm đồ đã đề nghị 100 đô la vì nó là một chiếc xe sắt vụn".
Người cha bảo con trai đưa nó đến câu lạc bộ ô tô và cho họ xem xe.
Đứa con trai đưa xe đến câu lạc bộ, trở về và nói với cha: 
"Một số người ở câu lạc bộ đã đề nghị $ 100,000 cho nó, vì nó là một Mustang cổ điển và được tìm kiếm rất khó thấy trong số các thành viên câu lạc bộ".

Người cha nói với con trai của mình: "Cha muốn con biết rằng con hãy ở đúng nơi coi trọng con đúng cách"...Nếu con không có giá trị, đừng buồn và tức giận, điều đó có nghĩa là con đang ở sai chỗ. 

Những người biết giá trị của con là những người đánh giá cao về con, và không bao giờ được ở một nơi mà không ai nhìn thấy giá trị của mình.
(Sưu tầm)

Hồng Công chuyển



samedi 4 juillet 2020

Định mệnh và nghiệp quả Bác sĩ Thái Minh Trung



Kỳ này, mời quí độc giả đọc bài viết của Bác sĩ Thái Minh Trung, chuyên khoa Tâm Thần. Tác giả viết về một triết lý sống có thể giúp ta có hạnh phúc ngay trong đời này, và đưa những dẫn giải y khoa rất lý thú.    Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

Định mệnh là gì?

Một số người tin rằng những diễn biến xảy ra trong cuộc đời đã được an bài sẵn. Khoa chiêm tinh (astrology) tin rằng những diễn biến trên quả địa cầu và tánh tình con người đều bị ảnh hưởng bởi những vị trí ngôi sao trên trời. Nếu ta sanh vào ngày tháng nào đó thì sẽ bị dấu ấn của những vì sao ảnh hưởng lên tánh tình và những diễn biến trong cuộc đời. Những người đó tin rằng ngay khi sanh ra là định mệnh đã an bài rồi, không ai chạy khỏi hết. Thí dụ người tuổi Sửu thì trong cuộc sống sẽ trải qua những năm thuận và năm kị tuổi. Năm thuận và kị như những cái đèn xanh đèn đỏ của đời người. Năm thuận thì gặp đèn xanh nhiều, làm gì cũng êm xuôi và năm kị thì trường hợp ngược lại.

Người đạo Ki tô giáo tin rằng những gì xảy ra cho họ là do ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúa đặt đâu ta ngồi đó. Có người Chúa đặt vào hoàn cảnh giàu sang, còn người khác bị lâm vào hoàn cảnh nghèo đói. Ta không cãi ý Chúa được. Ta cần cầu nguyện để cho Chúa thương xót mà thay đổi hoàn cảnh cho ta. Có thể những hoàn cảnh khó khăn là những thử thách nên ta không nên than trời trách phận. Một số con chiên còn mang mặc cảm tội lỗi là mình đã làm gì khiến Chúa phật lòng nên Ngài mới đặt mình vào hoàn cảnh khổ sở.

Người Phật tử thì tin rằng định mệnh là nghiệp. Mình đang ở hoàn cảnh xấu là do mình tạo nghiệp xấu từ kiếp trước. Mình nên "trả nghiệp" bằng cách chịu đựng một thời gian thì nghiệp sẽ hết. Khi cái nghiệp xảy ra thì mình không thay đổi được. Nhiều người cũng không muốn thay đổi vì e rằng làm như thế nghiệp sẽ nặng hơn. Giống như thiếu nợ thì phải trả cho chủ nợ, cứ khất nợ hoài thì nó chồng chất, mình sẽ trả không nổi. Có nghĩa là mình muốn thoát hoàn cảnh này thì sợ gặp phải hoàn cảnh xấu hơn nữa, như tục ngữ có câu: chạy ông mồ mắc ông mả.
Những người tin hoàn toàn vào định mệnh thì sẽ rất thụ động. Nói đúng hơn họ sợ làm cái gì đó khác hơn để thay đổi hoàn cảnh, nên phải đứng yên cắn răng chịu đựng. Đó là những người rất lo âu trước cái vô định của cuộc sống nên thích tin vào một đường lối đã vạch định sẵn.

Quyền lựa chọn

Khi phân tích kỹ ta thấy rằng khoa chiêm tinh không có đưa ra một định mệnh không thể thay đổi. Con người có quyền chọn lựa ngày tháng tốt để bắt đầu công việc làm ăn quan trọng, chọn lựa chồng hay vợ hạp tuổi để tránh những mâu thuẫn về tánh tình. Ngoài ra dân gian có câu: cái đức thắng cái số. Nếu ta ăn ở hiền lành thì nếu gặp "năm tuổi" thì sự xui xẻo sẽ ít hơn. Ngày nay khoa học hiểu rằng mỗi người chúng ta đều có một nhịp điệu sinh hóa (bio rhythm) thay đổi theo sức hút các ngôi sao. Ở phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt có nhịp điệu sinh hóa thấy rõ. Khi ta bắt đầu công việc quan trọng vào thời điểm nhịp sinh hóa cao thì dễ thành công hơn. Tuy nhiên ảnh hưởng của nhịp sinh hóa không đáng kể so với ảnh hưởng của ý định (intention). Ngay khi ta ở giai đoạn nhịp sinh hóa cao mà có ý định xấu (tham lam, hờn giận) thì ý định sẽ làm biến đổi nhịp sinh hóa theo chiều xấu.

Đạo Ki tô cũng thế, đề cao sự chọn lựa và ý định tốt. Chúa Jesus không lên án người đàn bà ngoại tình bị dân làng muốn chọi đá cho chết, như người dân làng thường tin là định mệnh của những người đàn bà ngoại tình. Ngược lại Chúa khuyên dân làng hãy dừng lại và có những lời khuyên đề cao sự tha thứ. Chúa khuyên chúng ta nên có ý định tốt và chọn lựa sự tha thứ để thoát khỏi định mệnh an bài. Khi hiểu được ý nghĩa câu chuyện này thì ta thấy rõ rằng ta có quyền chọn lựa 2 con đường: con đường buộc tội và con đường tha thứ. Con đường buộc tội là con đường của định mệnh: ta buộc tội và bị người khác buộc tội lại. Con đường tha thứ là con đường của giải thoát.

Nghiệp trong Phật giáo cũng là một sự chọn lựa. Ta có quyền chọn lựa tạo dựng cơ sở của những nghiệp tốt, như cố gắng học hành để giúp ích xã hội. Ta có quyền chọn lựa nghiệp xấu như hút sách và rượu chè, như thế ta đạp phá những tiềm năng tốt. Thí dụ như uống rượu đến xơ gan làm sức khỏe suy tổn.. Thoạt đầu ta có sự tự do chọn lựa nhưng nếu ta chọn con đường rượu chè, xì ke ma túy thì dần dần khả năng chọn lựa của ta bị mất dần. Khi bị nghiện rồi thì ta hoàn toàn mất sự tự do chọn lựa và trở thành nô lệ cho những thói quen xấu này. Những căn bệnh hiểm nghèo kéo đến làm khả năng thay đổi cuộc sống càng khó hơn gắp ngàn lần.

Thế nào là nghiệp?

Nghiệp (karma) không có gì huyền bí hết, nghiệp là tác động của những động lực. Động lực đó có thể ở dạng thân, khẩu hay ý. Bất kỳ lực (force) nào cũng gây ra phản lực (counter force). Cái mục đích của lực và phản lực là để trở lại điểm yên tịnh ban đầu (initial stillness). Thí dụ như con lật đật, ta đẩy nó qua bên phải thì nó bật trở về bên trái. Cuối cùng là nó đứng yên một chỗ. Sự đứng yên một chỗ có thể coi là niết bàn hay thiên đàng vì nó tượng trưng cho trạng thái bình thản, không căng thẳng đau khổ.

Nói về cường độ của phản lực thì trên thế giới vật chất ta có: ý nghĩ yếu hơn lời nói, và lời nói yếu hơn hành động. Thí dụ phản ứng của ta trước lời phê bình mà ta không thích: ta chửi thầm người ta ghét (ý) hậu quả ít hơn là ta la lối chửi người đó trong buổi tiệc (khẩu). Hậu quả của lời chửi bới ít hơn là hậu quả ta nhảy lại đánh người đó bầm mình (thân).

 Xã hội chỉ có hình phạt khi ta làm chấn thương người khác, còn tôn giáo thì muốn khuyên ta nên trị tận gốc nghiệp dữ bằng cách dừng suy nghĩ giận dữ lại. Khi ý khởi dậy thì nó tạo một tiềm năng hành động (potential of action) rồi. Thí dụ nói theo phàm tục, khi cái ý ghét đã khởi dậy rồi thì ta muốn chửi cho đã miệng. Chửi thầm thì ngủ không được.. Nhưng khi chửi bằng miệng mà bị đối phương chửi lại thì ta càng tức hơn. Nếu ta dằn không được đi đánh lộn đến bị thương tích hay bị bỏ tù, về nhà lại càng tức hơn nữa. Như thế mà ta cứ tạo nghiệp thân-khẩu-ý thành một chuỗi lực và phản lực (chain of action and reaction).

Sở dĩ chiến tranh trên thế giới xảy ra liên tục là vì con người không có đời sống tâm linh, dùng sự giết chóc để mong cầu trở về chỗ yên tịnh ban đầu. Người lính cảm tử quân Hồi giáo có cái ảo tưởng rằng khi giết chết kẻ thù ngoại đạo họ sẽ được sống trên thiên đàng, có nghĩa là trở về chỗ yên tịnh ban đầu. Đó là sự lầm lẫn vô cùng tai hại vì khi họ tạo một động lực căm thù thì sẽ để lại cái phản lực căm thù, như thế cứ lưu truyền mãi không ngừng trên thế gian từ thế hệ này qua thế hệ kia.

Tuy nhiên nghiệp lực, khác như dân gian nghĩ, là khi kiếp trước ta lỡ ăn trộm người nào đó 10 đồng thì kiếp này ta phải trả lại 10 đồng chẵn. Trên phương diện tâm linh, cái điểm yên tịnh ban đầu có được không phải khi ta trả lại 10 đồng mà khi ta nhận thức ta nên vui lòng bỏ qua khi bị người khác giựt tiền rồi thực hiện được điều đó. Khi đọc những thí dụ của nhà soi kiếp E. Cayce thì ta thấy rằng chỉ có sự vui lòng bỏ qua thì con người mới "trả" được cái nghiệp.

 Nói một cách khác, sở dĩ ta mang cái nghiệp (bị phản lực/quả) vì ta không nhận thức được những đau khổ mà ta đã tạo ra cho người khác (lực đã tạo/nhân), nên cái nghiệp nó xảy ra khiến ta bị đau khổ để ta thông cảm nỗi khổ của người kia. Lúc có sự thông cảm thì lực và phản lực sẽ trung hòa với nhau. Nhưng nếu trong đau khổ, ta lại thù người đó thì sanh thêm cái nghiệp nữa, và như thế sẽ tạo ra cái vòng lẩn quẩn mà Phật gọi là bánh xe luân hồi.

Tha thứ là giải thoát khỏi định mệnh

Hiểu được lực nhân quả tương tác ở nội tâm thì ta mới hiểu được tại sao các vị lãnh tụ tôn giáo kêu gọi sự tha thứ. Nếu không có tha thứ thì không ai có thể trở về cái vị trí an lạc ban đầu được. Ý nghĩa cứu thế của Chúa Jesus là Ngài tự nguyện tha thứ những người hại Ngài, như một gương sáng giúp nhân loại vượt qua được sự vay trả đời đời của hận thù. Thù qua ghét lại có thể coi như là tội nguyên thủy của loài người. Tha thứ mới là phép mầu nhiệm thật sự. Phép mầu này ít ai nhận thấy được vì nó trong sáng trong sự khiêm nhượng tột bực chớ không phải là sự màu mè hào nhoáng của Superman hay điệp viên 007 làm được những điều phi thường.

Hiểu như thế Chúa cứu thế không đến với ta từ hành tinh khác mà Chúa sẽ hiện diện trong chính ta nếu ta thực hiện được sự tha thứ trong đời ta.. Khi sống trong khiêm nhượng và tha thứ thì ta như con nhộng xé được cái vỏ của ngạo mạn để trở thành con bướm muôn màu. Ta không đợi đến khi chết mới được Chúa rước. Khi ra khỏi được cái vỏ của ngạo mạn thì ngay trong giây phút đó ta thấy Chúa hiện diện trong lòng ta.

Phật thì khuyên ta nên hỷ xả, có nghĩa là bỏ qua trong sự vui vẻ. Ở dưới biển, có một loài cua thích sống trong vỏ sò (hermit crab), khi cua lớn lên thì nó phải vui vẻ bỏ cái vỏ sò nhỏ để tìm cái lớn hơn chọn làm nhà. Hỷ xả cũng như thế, là từ bỏ sự nhỏ mọn để nhìn thấy sự rộng lượng. Hỷ xả là một phương pháp trị cái bịnh của ngã (cái tôi). Nếu ta cứ bám vào tiền tài, sắc đẹp, danh lợi thì cái lòng tham và sân của ta càng ngày càng lớn. Khi cảm thấy ta được càng nhiều (sở đắc) thì ngạo mạn càng tăng theo. Sự đời vô thường làm cho ta không bao giờ giữ được mãi mãi những gì mình muốn vì thế lòng tham ngày càng tăng trưởng. Khi có ai tước đoạt những gì ta đang được thì ta sanh lòng bực tức sân hận.

Tham và sân là nguyên nhân chính của lo âu. Tham có thể hiểu theo nghĩa rộng là muốn đem về cho ta vì sợ để lâu thì ta sẽ hết được phần lợi đó. Sân là sự bực bội khi gặp hoàn cảnh nghịch ý ta.. Bề mặt bạo động của sân là chửi bới đánh lộn, còn mặt thụ động là "tự ái", hờn dỗi để bụng. Bụt dạy ta nên thấy cái vô thường của cuộc đời để lúc được thì không tham và lúc mất thì không sân. Ta phải tập hạnh hỷ xả thì mới phát triển từ bi được. Ta không thể nào thương được người mà ta không tha thứ!
Tại sao tôn giáo nào cũng khuyên con người bố thí? Ta có thể hiểu tham, sân, si trên lý thuyết nhưng chỉ có hành động thực hiện sự ban cho mới giúp ta nhận thức rõ những hạn chế của ta. Thí dụ như khi cho mà ta thấy còn quyến luyến vật ta muốn cho thì lúc đó mới chợt nhận ra mình còn lòng ham muốn. Khi bớt lòng ham muốn đem về cho mình rồi thì mình mới thông cảm kẻ khác được. Đây là cách bố thí nhận thức của người có căn cơ cao. Người căn cơ thấp thì áp dụng bố thí trao đổi chớ không phải bố thí nhận thức. Bố thí trao đổi là bố thí để được hưởng phước lộc. Ta cho để lấy lòng đấng nào đó mà ta thờ phụng. Ta bố thí để được Chúa hay Phật ban phước lành hay phù hộ. Chỉ có bố thí nhận thức mới giúp ta phát triển tâm linh được.

 Thực tập tâm tĩnh lặng

Làm người ai cũng muốn thay đổi cuộc sống cho nó tốt đẹp hơn. Khi thay đổi không được hay không dám thay đổi thì ta đổ thừa cho số phận hay định mệnh. Hoàn cảnh rất khó thay đổi khi ta duy trì tập quán, thói quen cũ. Nếu ta bị tiểu đường mà không chịu bỏ cái sở thích ăn đồ béo ngọt (tham) thì bịnh làm sao mà hết được. Một số người thì mong có phép lạ để được cứu khỏi hoàn cảnh khổ. Có nghĩa là họ muốn ăn cho ngon miệng sau đó thì cầu xin phép lạ không bị tiểu đường. Nếu phép lạ không đến thì họ sẽ có hai phản ứng. Phản ứng thứ nhất là mất hết niềm tin ở một đấng nào đó mà họ tin tưởng. Thí dụ người công giáo mất niềm tin ở Chúa cứu thế, còn phật tử thì mất niềm tin nơi Phật Bà Quan Âm hay Phật A Di Đà. Phản ứng thứ hai là mang mặc cảm tự ti vì một số người nghĩ rằng họ bị tội nhiều quá hay nghiệp nặng quá nên không được cứu rỗi.

Nói về sân hận, khi ta không thay đổi ý mà ráng kềm chế miệng lưỡi hay thân thể thì mặc dù ta không tạo nghiệp dữ nhưng cảm thấy rất khổ sở, gò bó khó chịu. Khi ta nuôi dưỡng những suy nghĩ bực bội sân hận chắc không có phép lạ nào giúp cho ta an tâm để ngủ ngon được. Nói theo nhân quả, ta tạo một động lực nhân thì cái phản lực quả sẽ núp chờ đâu đó. Rồi sự căng thẳng nội tâm ngày càng tăng dần đến một lúc ta hết đè nén nổi và gây ra nghiệp qua lời nói hay hành động. Đó là lúc cái phản lực xảy ra ngoài thế giới vật chất để làm dịu bớt cái lực tư tưởng của sân hận đang bị đè nén. Tuy nhiên đa số không trở về được cái trạng thái yên tịnh an lạc ban đầu vì lý do dễ hiểu là khi ta chửi mắng người ta ghét thì có bao giờ họ chịu để cho ta yên thân đâu. Sớm muộn gì họ sẽ tìm cách trả đũa. Đó là cái vòng lẩn quẩn của nghiệp vay trả.


Tâm lý học cho ta thấy rõ sự lý luận và tranh luận không làm giảm được tham và sân. Khi lý luận ta hiểu được mọi chuyện nhưng những hiểu biết đó không có khả năng thăng hoa (sublimation) được tham và sân thành những tình cảm tốt đẹp hơn. Đôi khi tranh luận đúng sai nhiều còn tạo thêm sân nữa. Những nghiên cứu chụp hình não bộ cho ta thấy rằng khi lý luận ta chỉ xài vỏ não bộ (cortex) và không liên kết được với những miền sâu hơn trong não bộ, nơi tình cảm xuất phát. Hiện tượng này phân tâm học gọi là hợp lý hóa (rationalization). Khi ta dùng lăng kính hợp lý hóa trong cuộc sống thì dễ sanh ra thành kiến chia rẽ con người. Thí dụ ta nghĩ màu đen là màu của tội lỗi vì thế người da đen là kẻ xấu.

Chỉ có khi ta tập tâm tĩnh lặng thì ta mới có khả năng hiểu qua sự cân bằng của trí tuệ và tình cảm. Cái hiểu này toàn diện hơn là cái hiểu qua suy luận. Suy luận thường hay trừu tượng và chỉ giúp ta hiểu được một khía cạnh nhỏ của cuộc đời. Những bậc thánh nhân đều phải trải qua giai đoạn thực tập tâm tĩnh lặng rồi mới thấy được ánh sáng của chân lý. Chúa Jesus đã vào sa mạc để cầu nguyện trong tĩnh lặng. Chỉ khi Ngài cảm nhận được ánh sáng của Thượng Đế thì Ngài mới đủ can đảm chịu cái chết đau đớn trên thập tự. Đức Phật Thích Ca đã ngồi với tâm tĩnh lặng dưới cây bồ đề 49 ngày. Nhờ thế Ngài mới hiểu được ý đồ lừa bịp của ma vương Maya, chiến thắng ma vương và giác ngộ được chân lý. Có lẽ lúc Phật còn tại thế, người dân thời đó có nhiều mê tín trong việc tôn thờ nên Bụt gọi Ánh sáng chân lý là Phật tánh chớ không gọi là Thượng đế. Hiểu theo Phật giáo, Thượng đế không phải là Cha mà là Chân lý tối cao.

Hiểu bằng ý thức khi tâm tĩnh lặng rất khác với cái hiểu của suy nghĩ. Những nghiên cứu đo điện từ não bộ (EEG) cho thấy rằng khi tâm tĩnh lặng thì những làn sóng não thay đổi rõ rệt, từ dạng sóng (beta waves: 15- 45 Hz) trở thành dạng sóng (alpha waves: 8-12 Hz) và (theta waves: 3-7 Hz). Sóng thường thấy ở những người suy nghĩ lăng xăng, còn sóng và được thấy khi ta thư giãn. Sóng còn được gắn liền với khả năng sáng tạo. Hình fMRI scan cho thấy khi tâm tĩnh lặng, máu dồn về những vùng của não bộ tạo cảm giác thoải mái hạnh phúc và có sự liên kết hài hòa giữa vỏ não và những vùng sâu hơn của não. Nói một cách khác, tâm tĩnh lặng đồng bộ hóa (synchronize) nhiều vùng trong não bộ giúp ta liên kết được nhiều mạch thần kinh và nhờ đó mà mở rộng tầm nhận thức ra.

Tóm lại

Định mệnh có hay không là do ta. Khi ta biết tập những phương pháp mở rộng nhận thức tâm linh thì cái khả năng ta thay đổi cuộc đời rất cao. Nếu ngược lại ta thụ động đổ thừa cho số mạng hay ngồi đó chờ một phép lạ xảy ra thì lúc đó định mệnh có thật vì ta không tận dụng khả năng thay đổi cuộc sống của ta. Nói một cách khác, nếu ta tin có ma thì sẽ gặp ma, ta tin có Phật hay Chúa thì sẽ gặp những đấng mà ta tin.
Nếu có người ở trình độ thấp thì tin vào định mệnh cũng có cái lợi của nó là lòng tin đó giúp họ chấp nhận những biến cố xấu và trải qua những đau khổ cuộc đời dễ dàng hơn. Họ không than trời trách phận hay sanh lòng ganh ghét hoặc hận thù vì "đó là số mệnh của mình".
Tuy nhiên nếu ta có trình độ cao thì nên tập những phương pháp giúp tâm tĩnh lặng vì đó là phương pháp nhanh và gọn để "chuyển nghiệp" dẫn ta đến hạnh phúc ngay trong đời này. Phương pháp này cũng giúp ta hiểu các tôn giáo một cách sáng tạo chớ không kẹt vào chữ nghĩa văn tự nữa.

Bất kỳ độc giả ở tôn giáo nào, khi mỗi người trong chúng ta phát triển được ý thức tâm linh qua tâm tĩnh lặng thì ý thức này sẽ cộng hưởng với nhau. Rồi một ngày nào đó nó sẽ trở thành ý thức tâm linh cộng đồng (collective spiritual consciousness) làm xoay chuyển xã hội vật chất. Chúng tôi hy vọng sẽ có một ngày ý thức tâm linh cộng đồng sẽ phát triển đến độ mà con người sẽ nhận thức rằng những tôn giáo đều hướng về một con đường chung: đó là con đường tâm linh (spiritual way). Lúc đó con người sẽ sống hạnh phúc an bình ở một kỷ nguyên mới.
L.Chi chuyển

Nhãn hiệu Bún bò Huế

Bài phỏng vấn của Bích Hiền, phóng viên báo Soha với ông Vũ Thế Thành về việc bảo hộ nhãn hiệu Bún bò Huế


BH: Bún bò Huế – như tên gọi của nó – chắc là xuất phát từ Huế? Người Huế, vốn cầu kỳ và tinh tế trong ẩm thực, vậy món bún bò rất Huế này nói gì về ẩm thực xứ Huế, thưa ông?

Vũ Thế Thành : Tôi không phải là sử gia về ẩm thực, nên không dám chắc bún bò có phải xuất xứ từ Huế hay không, nhưng chữ “Huế” gắn sau “bún bò” thì dù không muốn, cũng phải tin món bún bò có nguồn gốc từ Huế. Còn có từ hồi nào thì tôi không biết.

Huế là cố đô, là xứ của vua quan nên món ăn rất cầu kỳ và tinh tế, thứ gì cũng ăn chút chút, bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc…
Có những món ăn kèm thêm chữ Huế, như nem Huế chẳng hạn, nhưng chủ yếu để phân biệt với nem chua trong Nam, hoặc nem thính ngoài Bắc…
Chỉ có Bún- bò- Huế tự nó đã là tên của một món ăn, không có “đối thủ” để phải phân biệt này nọ. Tôi nghĩ, và chắc cũng nhiều người ngoài Huế cũng nghĩ như tôi, bún bò Huế là món ăn tiêu biểu của xứ Huế, dù một tô bún bò Huế trông chẳng “chút chút” kiểu cung đình chút nào. Đó là món ăn dân dã, phổ biến khắp cả nước, kể cả ở nước ngoài.
BH: Thế còn phở Nam Định, bánh cuốn Thanh Trì thì sao?
Vũ Thế Thành: Phở là phở, bánh cuốn là bánh cuốn, mấy ai còn nhắc đến địa danh phía sau. Nếu nhắc, chẳng qua là để phân biệt phở Hà Nội với phở Nam Định, hay bánh cuốn Thanh Trì với bánh cuốn trong Nam (có khi chỉ là bánh ướt không nhân, ăn với nước mắm pha ngọt, cay, giá trụng)
Còn bún bò không thể tách rời Huế. Bún bò Huế, tên gọi món ăn đã là như thế rồi, không có món bún bò thứ hai để phân biệt với bún bò Huế. Mặc dù có nhiều phiên bản bún bò Huế khác nhau để thích nghi với khẩu vị địa phương, nhưng nói tới bún bò, nếu không phát âm ra ngoài miệng, thì cũng phát âm trong đầu chữ “Huế”.
BH: Ông là dân Sài Gòn. Bún bò Huế ở Sài Gòn rất sẵn, từ quán bình dân ở vỉa hè, ngách phố đến những cao lâu sang trọng đều có thể tìm gọi được tô bún bò… Theo ông, phiên bản bún bò Huế ở Sài Gòn có gì khác biệt?
Vũ Thế Thành: Sài Gòn không có món ăn nào gọi là đặc sản cả. Có thể nói, Sài Gòn là “hợp chủng quốc” về ẩm thực.
Sài Gòn là nơi dân tứ xứ đổ đến, nên khẩu vị tạp, phiên bản bún bò Huế cũng rất tạp. Có nơi nước bún bò có vị hơi ngọt một chút, có nơi làm chả heo, chả cá, chả tôm thay vì chả cua như ngoài Huế. Có nơi có lát thịt heo, nhưng không có lát thịt bò. Có nơi ăn kèm với rau muống chẻ, bắp chuối, có nơi dùng rau xà lách thái nhỏ, kèm rau thơm có giá sống. Có nơi dùng ớt trái, nơi ớt bằm, ớt sa tế…
Nhưng dù là phiên bản nào đi nữa, nấu bún bò là phải dùng tới mắm ruốc. Đó là đặc điểm chung của bún bò Huế.
BH: Ông nói, bún bò không thể thiếu mắm ruốc Huế, nhưng tôi thấy, không phải hàng nào người ta cũng dùng mắm ruốc đâu. Có cả phiên bản bún bò không mắm ruốc để chiều những thực khách không quen ăn mắm nữa đấy. Phiên bản bún bò này, liệu có còn chất Huế nữa không?
Vũ Thế Thành: Bún bò là tên gọi tắt của Bún- bò- Huế. Bún bò là của xứ Huế nhà người ta, có “copy” rồi phiên bản này nọ thì cũng phải giữ lấy cái khung sườn, rồi muốn thêm thắt chua cay mặn ngọt gì đó thì tùy.
Mắm ruốc là cái “xương sườn” của HƯƠNG và VỊ bún bò Huế, phăng tới mức bỏ mắm ruốc đi thì còn gì là bún – bò – Huế, mà chỉ có thể gọi là bún thịt bò, bún thịt heo, bún giò heo.
BH: Tại sao người Huế lại dùng mắm ruốc nấu bún bò chứ không dùng mắm tôm?
Vũ Thế Thành: Tôi phải hỏi ngược lại chị, tại sao bún riêu ngoài Bắc lại dùng mắm tôm mà không dùng mắm ruốc. Bạn cứ tưởng tượng, bún riêu mà thiếu mắm tôm thì cũng “đau khổ” như bún bò thiếu mắm ruốc. Tôi phải nhắc lại, bún bò Huế mà thiếu mắm ruốc thì không thể gọi là bún bò.
Nghệ thuật hài hòa giữa Hương-Vị tới mức thượng thừa như thế thì nên thưởng thức hơn là hỏi tại sao.
BH: Mắm ruốc có phải làm từ con tép moi tươi giống như mắm tôm không? Mắm ruốc khác mắm tôm thế nào?
Vũ Thế Thành: Mắm ruốc và mắm tôm đều làm từ con tép moi, nhưng cách làm khác nhau.
Ngoài Trung và trong Nam gọi tép moi là con ruốc, vì thế mới gọi là mắm ruốc. Tôi không hiểu vì sao cũng làm từ con tép moi mà ngoài Bắc lại gọi là mắm tôm, chứ không gọi là mắm moi, hay mắm tép.
Nhân tiện cũng nói thêm, miền Nam gọi con tôm nhỏ cỡ ngón tay út trở xuống là con tép như tép bạc, tép bầu… Người Bắc chỉ gọi là tép với loại “tôm” nhỏ tí tẹo, nhỏ hơn đầu đũa, bóc vỏ không nổi, như tép đồng, tép gạo.. Đại loại là phân biệt tôm tép theo kích cỡ ở hai miền khác nhau.
Cách làm mắm ruốc và mắm tôm khác nhau tùy vùng miền. Vùng biển và cửa sông nước lợ ở Huế không nhiều cá cơm, cá nục để làm nước mắm, nhưng bù lại con ruốc rất dồi dào. Con ruốc nhỏ lắm, đâu làm món ăn này nọ gì được, thành thử họ dùng ruốc để làm mắm ruốc và nước mắm ruốc, rất đặc trưng của Huế.
Mắm tôm và mắm ruốc đều là sản phẩm lên men từ con ruốc, ủ chượp với muối, tương tự như lên men cá làm nước mắm. Mỗi vùng miền có cách làm khác nhau, tôi chỉ nói về nguyên tắc chung thôi.
  • Với mắm tôm, tép moi được rửa kỹ và loại bỏ tạp, sau đó đem ủ với muối (lên men). Vài tháng hoặc cả năm sau mới ra mắm tôm.
  • Với mắm ruốc, làm công phu hơn. Con ruốc được rang sơ với muối, phơi nắng, sau đó mới ủ chượp với muối (có nơi xay ruốc cho nhuyễn rồi mới ủ chượp). Sau 5-6 tháng, hoặc cả năm mới ra mắm ruốc.
Hai loại mắm này có màu, mùi và vị khác nhau, và cách dùng mắm trong chế biến đôi khi cũng khác nhau. Cả hai đều dùng như gia vị nêm nếm, hoặc dùng làm nước chấm, nhưng mắm ruốc có thể xào với thịt ba rọi như một món ăn riêng.
BH: Tôi có nghe nhiều người nhắc đến bún bò chuẩn vị Huế. Ông đã từng ăn bún bò chuẩn vị Huế chưa?
Vũ Thế Thành: Tôi ăn bún bò Huế khắp nơi, ở Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, thậm chí ở Mỹ và châu Âu, tôi không biết bún bò nấu ở đâu mới đáng gọi là chuẩn vị Huế, tôi chỉ biết ngon hay dở thôi.
Tôi đã từng ăn bún bò ở Huế trong một quán ăn sang hạng… cung đình, và không thấy ngon lắm. Tối đi lang thang ở Huế, ghé quán bún bò vỉa hè, nấu nước lèo trong nồi mắt cua, giống như cơi đựng trầu ngoài Bắc, ăn lại thấy ngon. Vậy bún bò ở đâu, ở cung đình hay ở hàng rong, mới là chuẩn vị Huế đây?
BH: Năm 2016 ồn ào chuyện Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành quy chế bảo hộ đối với nhãn hiệu “bún bò Huế”. Việc đăng ký bản quyền này nhằm bảo hộ cái gì, thưa ông?
Vũ Thế Thành: Đây là nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế, kèm logo. Chỉ có logo kiểu chữ là được bảo hộ. Chữ “Bún bò Huế” không được bảo hộ, vì đó là tên gọi món ăn dân gian đã sử dụng lâu rồi, không thể lấy làm của riêng được. Cũng không thể bảo hộ được hương vị, ngon hay dở của bún bò Huế.
Có thể hiểu đây là nhãn hiệu tập thể, mà chủ sở hữu là tỉnh Thừa Thiên- Huế, ai thích thì chơi, không thích thì thôi.
Muốn chơi thì phải tuân thủ luật chơi, chẳng hạn phải dùng nguyên liệu loại gì như thịt phải có kiểm dịch, rau phải chứng nhận VietGap, bàn ghế phải ra sao… (những tiêu chí này liên quan đến an toàn thực phẩm). Rồi thì kỹ thuật nấu là phải hầm xương thế nào, vớt bọt ra sao, cho sả vào lúc nào… Quán ăn nào tuân thủ các tiêu chí trên thì được phép sử dụng logo nhãn hiệu.
BH: Bảo hộ nhãn hiệu này có tương tự như Chỉ dẫn Địa lý của nước mắm Phú Quốc không?
Vũ Thế Thành: Hoàn toàn khác xa giữa nhãn hiệu và Chỉ dẫn địa lý, dù cả hai đều được chứng nhận và bảo hộ.
  • Chỉ dẫn địa lý liên quan tới nguồn gốc, điều kiện địa lý, tài nguyên, khí hậu… và kỹ thuật chế biến riêng. Thí dụ với nước mắm Phú Quốc có Chỉ dẫn địa lý thì, nguồn cá cơm, khí hậu nắng nóng, muối cá trên tàu, thùng chượp bằng gỗ, thời gian chượp 12 tháng…, tất cả những yếu tố này làm ra nước mắm riêng biệt của Phú Quốc, vùng khác không thể làm được.
  • Trong khi bún bò Huế tên của món ăn, có thể được nấu ở Huế hay ở Sài Gòn, thậm chí ở Paris hay quận Cam mà phẩm chất mùi vị có thể như nhau.
BH: Như vậy bún bò Huế nhãn hiệu bảo hộ chắc là phải có chuẩn vị bún bò Huế, ông có nghĩ thế không?
Vũ Thế Thành: Như thế nào là bún bò chuẩn vị Huế thì tôi không biết. Bún bò Huế nơi nào ngon, giá rẻ là tôi xáp tới và tái ngộ dài dài, khỏi cần logo nhãn hiệu gì cho rườm rà.
Chính quyền Thừa Thiên-Huế đã đi quá xa khi muốn xác định cái chuẩn cho một món ăn, nhằm bảo tồn bún bò nguyên gốc. Hơn nữa, cái logo nhãn hiệu đó cũng không thể bảo hộ được Hương và Vị của bún bò Huế, theo luật định.
Bún bò Huế là món ăn dân dã, bán rong, bán vỉa hè, không phải món ăn quý phái cung đình thì tìm ra đâu ra bản gốc để mà chuẩn mực. Mỗi quán nấu mỗi kiểu, có bí quyết riêng.
Bún bò Mụ Rớt, một thời nổi tiếng ở Huế trước 75, nếu có phục sinh cũng chưa chắn đáp ứng nổi tiêu chuẩn nhãn hiệu bảo hộ.
BH: Ở Huế, người ta chỉ gọi bún bò là bún bò, không gọi là bún bò Huế như các vùng miền khác, phải không?
Vũ Thế Thành: Đúng là dân Huế gọi bún bò là bún bò. Bằng cách nào đó, bún bò vượt ra ngoài ranh giới Huế, dân ngoài Huế ăn thấy ấn tượng, nên gọi luôn đó là bún bò Huế. Người Sài Gòn , kẻ Hà Nội như tôi và chị gọi bún bò Huế thì không sao, nhưng dân Huế mà gọi bún bò Huế thì nghe… dị lắm.
Tương tự, đến Nam Định, chỉ thấy bảng hiệu Phở, cùng lắm là “Phở gia truyền”, chứ chẳng quán nào ở Nam Định trưng bảng hiệu “Phở Nam Định”.
BH: Ông nghĩ thế nào về món bún bò Huế?
Vũ Thế Thành: Bún bò Huế đã vượt khỏi không gian Huế. Nên nhớ rằng, chữ HUẾ ăn theo chữ BÚN BÒ là do người ngoài Huế gán cho nó. Chữ “Huế” nói trên miệng mọi người từ món ăn “bún bò” nhiều hơn là từ chữ “cố đô”
Bún bò Huế đi khắp thế giới, và dù ở đâu, Huế, Sài Gòn, Hà Nội… hay quận Cam, Eden… bên Mỹ, bún bò Huế cũng chỉ là phiên bản được thích nghi với khẩu vị người dùng, và được ưa chuộng chính phiên bản đó, chứ không phải là bún bò bản gốc (mà chưa chắc thế nào là gốc).
Nếu ở nước ngoài, ăn bún bò Huế, thì người bản xứ sẽ tự hỏi về chữ HUẾ, Huế ở đâu, Huế thế nào.
Còn với người Việt tha hương, bất kể sinh quán ở đâu, có khi chưa một lần đến Huế, thì Huế là quê hương qua món “bún bò”. Dân Huế nên tự hào về điều này hơn là tự hào về độc quyền chuẩn vị bún bò Huế.
BH: Là một chuyên gia an toàn thực phẩm, ông vẫn dám ăn bún bò Huế vỉa hè sao?
Vũ Thế Thành: Chị đừng có dọa tôi thức ăn vỉa hè độc hại thế này thế nọ…, và đúng là có nhiều vấn đề cần phải giải quyết về mặt an toàn, không riêng gì ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng phải đối phó, nhưng đây là một chủ đề khác.
Thực phẩm đường phố là nét văn hóa ẩm thực của nhiều nước Châu Á, cần duy trì và cần được hỗ trợ để cải thiện về mặt an toàn hơn là xóa bỏ.
Tôi thích ăn ở quán bình dân hơn là vào nhà hàng có khăn bàn, bình hoa… Có lần qua Manila (Philippines) công tác, buổi tối xả hơi, tôi từ chối đi nhà hàng mà mò ra quán vỉa hè ăn đặc sản hột vịt lộn (balut) và trứng ung (penoy) xem có giống với hột vịt ở nhà không.
Bún bò Huế ngon nhất mà tôi từng thưởng thức là ở quán vỉa hè ở Huế. Một lần khác là ở nhà người bạn gốc Huế ở Sài Gòn. Cả hai đều không phải là quán cung đình. Họ nấu bún bò một cách tự nhiên, và trong đầu không bị ám ảnh bởi như thế nào là chuẩn vị.
BH: Ông có nghĩ rằng cái lưỡi của nhà an toàn thực phẩm có thể giúp thẩm được món nào ngon, món nào dở không? Ông đánh giá thế nào về món bún bò Huế so với các món bún khác như bún riêu, bún ốc, bún thang….?
Vũ Thế Thành: An toàn thực phẩm và thưởng thức món ăn là hai vấn đề khác nhau. Một đàng là khoa học khách quan, một đàng là khẩu vị chủ quan. Chị đừng đánh tráo để gài bẫy tôi…
Mỗi món bún có cái ngon khác nhau, không so sánh gà với vịt được, dù cả hai đều là gia cầm.
Có một ông tiến sĩ nhà văn nào đó gốc Huế đã ca tụng bún bò Huế mát trời. Đó là bức tranh tuyệt đẹp về sử dụng mỹ từ, nhưng tôi không thưởng thức tranh vẽ được.
Mới đây có anh bác sĩ người Huế nhắn vào facebook của tôi, “Bún bò ăn với cơm nguội ngon lắm chú. Nhà con hồi trước toàn ăn độn kiểu đó không à”. Một bạn khác nhắn bổ sung, “ Nhớ phải ăn gần hết bún mới cho cơm vào, mà phải là cơm nguội mới ngon”. Diễn đạt kiểu mộc mạc này thì tôi thưởng thức được, và tôi đã thử món bún bò cơm nguội. Ngon là lạ.
BH: Ông đã thử bún bò Huế ở Hà Nội chưa? Có gì khác biệt so với bún bò nguyên bản hay bún bò phiên bản Sài Gòn không?
Vũ Thế Thành: Hà Nội có cả ngàn năm văn minh lúa nước, đình đám hội hè làng xã, tích lũy biết bao món ăn tinh tế và hài hòa. Mỗi lần ra công tác ở Hà Nội, thời gian ngắn ngủi, tại sao tôi không để bụng thưởng thức món ngon Hà Nội, mà lại đi ăn bún bò Huế ở đây? Tôi mê bún thang Hà Nội, vị thanh và tinh tế. Đôi lúc tôi tưởng lầm, bún thang là người Hà Nội.
Bích Hiền (soha) thực hiện
L.Chi chuyển

jeudi 2 juillet 2020

BẠN CÓ KHI NÀO NGHE LỤA TƠ SEN Ở MIẾN ĐIỆN CHƯA?

Theo sự hiểu biết của tôi, lụa được dệt từ tơ của con tằm, len từ lông trừu,..cũng như vải dệt từ bông vải,hoặc những loại sợi nhân tạo như Polyester, Elastane, Polymide, Viscose,..Khi qua Trung Quốc, đến Trường Sa ở Hồ Nam, chúng tôi được đưa đi tham quan một cơ sở sản xuất vải làm từ tre, nghe rất lạ nhưng loại vải này rất tốt, tôi có mua qua một số khăn lau mặt và khăn tắm, chúng rất bền tốt và nhất là rất dễ rửa sạch. Cũng có nghe qua vùng Cao Bằng nước ta, người dân tộc Mông trắng có dệt vải làm từ sợi cây Lanh.

Hôm nay xem "Việt Thảo in Mayanmar" tập 9, một bất ngờ mới biết là ở Myanmar, họ dệt lụa từ sợi tơ của "cây Sen". Tôi mới biết, mới nghe và mới thấy chứ còn không có lẽ tôi không tin. Tôi sẽ post video cho các bạn xem và bây giờ thì thử tìm hiểu đôi chút về nó nhé:

BẠN CÓ KHI NÀO NGHE LỤA TƠ SEN CHƯA?

Đúng rồi là lụa từ tơ sen chứ không phải loại lụa tơ tằm mà chúng từng biết.Lụa tơ sen là loại lụa độc đáo trên thế giới , những sợi tơ được lấy từ trong cuống của mỗi bông sen được kéo ra, se lại và dệt.Tên tuổi của lụa tơ sen đã vượt ra khỏi quê hương Myanmar của chúng.



Loại lụa chỉ được dệt duy nhất ở ngôi làng In Paw Khon trên hồ Inle (Heho, Myanmar) này không chỉ là một sản phẩm thương mại đắt giá, mà còn giúp thu hút rất đông khách du lịch tới đây bất kể mùa nào.

In Paw Khon là ngôi làng độc đáo, với những căn nhà sàn nổi trên hồ. Đi thuyền từ ngoài hồ, qua con lạch nhỏ đầy bùn dẫn vào làng, nếu tắt máy thuyền, có thể nghe thấy tiếng thoi dệt lách cách rộn rã từ xa. Những ngôi nhà gỗ nổi trên mặt nước cao hai tầng, thậm chí ba tầng, mỗi tầng là một khu sản xuất riêng biệt nối với nhau. Ấn tượng xấu là con lạch dẫn thuyền đầy bùn, nhưng khi vào trong làng, ai nấy mới hiểu, bùn đó dành cho những đầm sen trắng thơm ngát giữa làng, nguồn nguyên liệu tuyệt vời cho những tấm lụa sen.



Mặc dù nhiều gia đình trong làng có trồng sen nguyên liệu cho nghề dệt lụa, tuy nhiên mùa sen chỉ kéo dài vài tháng trong năm, trong khi nhu cầu tơ sen của những xưởng dệt rất cao, cho nên mỗi ngày, hàng đoàn thuyền chở cọng sen từ nhiều nơi đổ đến In Paw Khon.

Nghề dệt lụa ở In Paw Khon đã có lịch sử tới 100 năm. Ban đầu, dân làng dệt vải từ sợi bông, sau đó chuyển sang lụa tơ tằm, và rồi tới lụa sen. Cho tới nay, In Paw Khon là ngôi làng duy nhất trên thế giới có nghề dệt lụa từ tơ sen độc đáo này.

Mỗi một hộ làm nghề này tạo ra việc làm cho hàng chục, có khi hàng trăm nhân công lao động qua các khâu hái sen, tách tơ, se sợi, dệt vải, nhuộm và cắt may.



Hầu hết các sản phẩm lụa trong làng đều được dệt ra từ sợi tơ của sen trắng. Một số nhà dệt tơ từ hoa súng nhưng không bền bằng sen. Sen trồng ở vùng nước càng sâu, cọng càng dài, càng nhiều tơ và sợi tơ cũng bền hơn. Cọng sen sau khi được hái về, sẽ được cắt thành nhiều đoạn ngắn chừng 3-4cm. Người thợ khéo léo dùng tay kéo các sợi tơ, miết qua một tấm bảng tẩm nước, kéo dài và bện lại với nhau. Quy trình này lặp đi lặp lại khoảng ba lần để sợi tơ đủ dày. Những sợi tơ của các cọng sen sau đó được quấn tiếp vào sợi tơ trước, và cứ thế cho đến khi cọng sen hết nhẵn tơ. Tơ sau khi rút xong được bỏ vào một cái bát lớn và quấn vào một con suốt lớn. Cuộn tơ này đã sẵn sàng để được nhuộm, dệt và cắt may…

Tất cả các cọng sen phải được xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nếu không cọng bị khô lại, tơ sẽ hỏng hoàn toàn. Người thợ lành nghề có thể một lúc cắt và tách khoảng 4-5 cọng sen để lấy tơ.



Điều đặc biệt là hầu hết những người tách sợi sen là đàn ông, trong khi những người làm công việc quay tơ se sợi lại là phụ nữ lớn tuổi. Khung cửi quay tơ được thiết kế đặc biệt để người phụ nữ không để lộ bàn chân của mình trước bất kỳ người nào đối diện, bởi theo người làng, việc chìa bàn chân ra trước mặt người khác là rất thô lỗ.

Những phụ nữ lớn tuổi này thường là chuyên gia trong nghề dệt cửi. Ban đầu, bao giờ họ cũng khởi nghiệp bằng nghề dệt vải bông, sau đó đến lụa tơ tằm, và cuối cùng mới đến lụa sen. Người thợ dệt có thể ngồi khung cửi cho đến khi đã rất cao tuổi, và trước khi bà qua đời, tất cả những kỹ thuật đặc biệt, ngón nghề sẽ được truyền lại cho những phụ nữ khác trong làng để giữ nghề. Đó là một nét đặc biệt trong truyền thống của nghề dệt lụa sen ở In Paw Khon.



Du khách đến In Paw Khon có thể ngạc nhiên bởi không hề thấy một nong tằm hay một cây dâu nào, những dân làng vẫn dệt lụa tơ tằm. Điều này xuất phát từ việc người Myanmar theo đạo Phật và kiêng sát sinh, vì thế họ không thể thả kén tằm vào nước sôi để tách lấy sợi tơ như nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống ở tất cả những nơi khác. Người In Paw Khon nhập tơ tằm đã tách sẵn từ Trung Quốc hoặc Thái-lan về và hoàn thành những khâu cuối là dệt và may…

Lụa tơ sen không được nhuộm nhiều mà thường hay để màu mộc, gồm hai màu ngà vàng và nâu. Khăn, áo… từ lụa tơ sen thường không mịn, nhẵn và đẹp mắt như lụa tơ tằm, nhưng khá nhẹ và xốp.

Phần lớn các sản phẩm từ lụa tơ tằm hay lụa sen của In Paw Khon là khăn quàng cổ, khăn che tóc, longi (một loại trang phục truyền thống của người Myanmar, giống như váy quấn, dài đến mắt cá chân, dành cho cả đàn ông và phụ nữ).



Đối với các sản phẩm từ lụa sen, do làm thủ công hoàn toàn, mất nhiều công sức, cho nên giá khá cao, thường gấp từ 7-10 lần so với sản phẩm tương tự làm từ lụa tơ tằm. Một chiếc khăn quàng cổ khổ nhỏ từ lụa sen hoàn toàn có giá khoảng từ 75-100 USD. Do giá khá cao cho nên số lượng sản phẩm từ tơ sen hoàn toàn không nhiều, mà phần lớn là tơ sen được dệt chung với tơ tằm. Nhiều chiếc khăn từ tơ sen được người dân Myanmar bỏ tiền ra mua để dâng lên Phật trong những dịp đặc biệt.

Những xưởng dệt ở In Paw Khon được thiết kế khép kín, giống như một khu du lịch nho nhỏ. Khách đến được mời lên tham quan từ xưởng tách tơ sen đến xưởng dệt, ngắm đầm sen trắng muốt đung đưa trong nắng, và được chiêm ngưỡng những sản phẩm dệt từ tơ sen qua lời thuyết minh trau chuốt của cô gái Myanmar xinh xắn quấn Longi “nhà trồng được”. Nhiều xưởng còn có góc cà phê, cây cảnh để khách nghỉ chân thư giãn…



Lụa tơ sen hiện nay đang được giữ gìn và phát triển khá tốt ở In Paw Khon. Chính nghề dệt lụa độc đáo này đang góp phần thu hút ngày càng đông khách du lịch từ khắp nơi đến với ngôi làng nhỏ trên hồ này để tận mắt ngắm nhìn, nghe và tự tay chạm vào loại lụa độc nhất vô nhị trên thế giới này.

(Hồng Công Sưu tầm)

mercredi 1 juillet 2020

Comment choisir une pastèque

Lạc giữa Ngân Hà qua 15 bức ảnh trời đêm đẹp

Trang du lịch và nhiếp ảnh Capture the Atlas chia sẻ những bức ảnh tuyệt đẹp về Dải Ngân hà từ khắp nơi trên thế giới.
Các lựa chọn từ bộ sưu tập bao gồm hình ảnh của thiên hà thắp sáng bầu trời ở Nam Cực, sa mạc Sahara và Utah.
 
Dải Ngân Hà là một thiên hà xoắn ốc chứa hơn 200 tỷ ngôi sao bao gồm cả hệ mặt trời của chúng ta, có chiều dài khoảng 100.000 năm ánh sáng.
 
Ghi lại hình ảnh Ngân hà luôn là một thử thách đối với nhiếp ảnh gia, phi hành gia nhưng kết quả nhận được thì vô cùng tuyệt vời. Capture the Atlas, một trang web du lịch và nhiếp ảnh uy tín mỗi năm sẽ chia sẻ những bức ảnh đẹp nhất về Dải Ngân hà từ các vị trí khác nhau trên thế giới.
 
See the source image
 
 
Andy Van
 
Dưới đây là những bức ảnh tuyệt đẹp nổi bật trong bộ sưu tập năm nay của Capture the Atlas:
 
1. Bức ảnh "Deadvlei" của nhiếp ảnh gia Stefan Liebermann cho thấy Dải Ngân hà trải dài trên bầu trời tại Công viên Quốc gia Namib-Naukluft ở Namibia. Liebermann viết:"Những cái cây ở Deadvlei đã chết hơn 500 năm. Nằm trong Công viên Namib-Naukluft ở Namibia, những cây non này đã lớn lên nhờ các con sông địa phương đầy nước sau nhiều cơn mưa lớn. Nhưng chúng đã chết dần chết mòn sau khi sông cạn nước và cát xâm lấn chiếm đóng. Dải ngân hà của chúng ta tạo thành một vòm cung tuyệt đẹp bên trên thân cây lớn".


Những chiếc lều phát sáng của nhiếp ảnh gia Giulio Cobian chụp tại Dolomites, Italia, tạo nên sự tương phản tuyệt vời với Dải Ngân hà phía trên bầu trời.
Giulio Cobian chia sẻ: "Tôi thích chụp ảnh về Dải Ngân hà ở 12 tháng trong năm, đặc biệt là mùa đông. Có lẽ vì Dải Ngân Hà có màu lạnh kết hợp với tuyết khác hoàn hảo".

Bức ảnh của Ramón Morcillo cho thấy Dải Ngân hà tạo ra vòm cung trên một tu viện ở Ávila, Tây Ban Nha có niên đại từ năm 1504. Morcillo cho biết: "Tôi bị thu hút ngay khi lên ý tưởng về kế hoạch có được hình ảnh này. Tôi đã lái xe đường dài, rồi đi bộ, leo núi trong chặng đường đầy thử thách trước khi kết thúc ở nơi tuyệt đẹp và kỳ diệu này".

Nhiếp ảnh gia Mehmet Ergün ghi hình bức ảnh về Dải Ngân Hà bên trong công viên di sản Nacional del Teide ở Tenerife, Tây Ban Nha. Mehmet Ergün chia sẻ: "Đây là khu vực có tầm nhìn không giới hạn tôi đặc biệt yêu thích. Nơi tôi có thể tận hưởng thiên nhiên trọn vẹn, bầu trời đêm tại đây như một đặc sản nổi tiếng toàn thế giới với điều kiện hoàn hảo để ngắm sao và chụp ảnh thiên văn".

Bức ảnh có tên 'Cơn ác mộng' của nhiếp ảnh gia Michael Goh thể hiện cách cây vươn lên trên bầu trời sao tại hồ Dumbleyung, Australia. Michael Goh chia sẻ: "Hồ Dumbleyung là một hồ muối nằm ở phía tây Australia. Xung quanh hồ là hàng trăm cái cây đã chết do nồng độ muối cao".

Tiến sĩ Nicholas Roemmelt đã đặt tiêu đề cho hình ảnh này là "Dải ngân hà mùa đông" chụp tạo Marmolada, Dolomites, Italia.

Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Marco Carotenuto đã chụp được một hình bóng cô độc trên sa mạc Sahara rộng lớn. Marco Carotenuto cho biết: "Thật không dễ dàng để ghi lại cảnh sắc nơi này bằng hình ảnh hay lời văn vì có quá nhiều cảm xúc đan xen khi bạn dành trọn vẹn một đêm để ngắm trời sao.. Ở nơi giữa sa mạc, không điện, không di động, ít nước, chắc chắn bạn sẽ có thật nhiều khác biệt".

Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Miles Morgan ghi hình ngọn núi lửa Kilauea ở Hawaii thắp sáng bầu trời đầy sao. Nhiếp ảnh gia chia sẻ: "Chúng Tôi thường thức dậy vào khoảng 2 rưỡi sáng và ở đó suốt cả ngày cho đến khi hoàng hôn buông xuống dòng dung nham".

Debbie Heyer gọi bức ảnh này là "Trứng của người ngoài hành tinh", chụp tại Badlands, New Mexico. Ông cho biết: "Badlands ở New Mexico là một thế giới khác và bí ẩn. Chúng giống như người ngoài hành tinh đầy mê hoặc nhưng hành trình tới nơi này hoàn toàn không dễ dàng gì và thường hay đi lạc".

Các hành tinh khác nhau có thể nhìn thấy trong bức ảnh về Dải Ngân hà của Jorgelina Alvarez chụp tại Căn cứ Marambio, Nam Cực. Jorgelina Alvarez cho biết:"Đây là một đêm rất đặc biệt đầy cảm xúc mà tôi đã cố gắng ghi lại trong bức ảnh này. Các hành tinh như Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thổ và Sao Hỏa thu hút sự chú ý của tôi. Trung tâm thiên hà ẩn náu, giữa hàng ngàn ngôi sao khác trong phong cảnh tuyết ở Nam Cực".

Sau nhiều năm săn đón hình ảnh bản thân giữa những vòm đá ở Kanab, Utah, nhiếp ảnh gia Julio Castro cuối cùng đã chụp được. Julio Castro chia sẻ: "Sau khi ghé thăm địa điểm này vào năm 2017, cảnh sắc thiên nhiên và bầu trời đêm ám ảnh tôi. Gần đây tôi đã đã quyết định quay lại và cố gắng chụp được bức ảnh ưng ý nhất".
Lạc giữa Ngân Hà qua 15 bức ảnh trời đêm đẹp 'nghẹt thở'
Sam Sciluna ghi lại cảnh đẹp Dải Ngân Hà bên trên hang động Ta Marija ở Malta. Nhiếp ảnh gia kỳ cựu chia sẻ: "Tôi muốn ghi hình Dải Ngân hà trên lối vào hang Ta Marija trong nhiều năm qua và cũng đã thử nhiều lần nhưng thất bại. Tháng 7 năm ngoái tôi quay trở lại và cuối cùng giấc mơ của tôi đã thành hiện thực với bức ảnh không thể hoàn hảo hơn".

 Pablo Ruiz García cho thấy Dải Ngân Hà tạo ra vòng xung song song cảnh quan trên Trái Đất tại hẻm núi La Hermida, trong dãy núi Picos de Europa, Tây Ban Nha.

Ryan Smith chụp được hình ảnh rất chi tiết mà ông gọi là "Thiên đường", ở phía Tây Nam Mỹ.

Dài Ngân Hà tỏa sáng rực rỡ trong bức ảnh Đêm sa mạc của nhiếp ảnh gia Peter Zelinka chụp tại khu vực đồi Alabama, California, Mỹ. Zelinka chia sẻ: "Đây là một trong những địa điểm mang tính biểu tượng nhất ở miền tây nước Mỹ, với dãy núi Sierra phủ đầy tuyết trắng xóa, những tảng đá độc đáo và những con đường bụi bặm. Tôi đã dành vài đêm cắm trại trên sa mạc bên dưới những vì sao".

Andy Van ST