Affichage des articles triés par date pour la requête Giuse. Trier par pertinence Afficher tous les articles
Affichage des articles triés par date pour la requête Giuse. Trier par pertinence Afficher tous les articles

vendredi 28 avril 2023

KHI CON ĐAU KHỔ CHÚA ẴM CON LÊN

 KHI CON ĐAU KHỔ CHÚA ẴM CON LÊN 

Mỗi khi nhìn thấy những đau khổ của tha nhân hay những bất hạnh xảy ra chung quanh, trong tâm hồn tôi lại phảng phất lời bài hát Dấu chân của Đức Cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống với giai điệu mượt mà:

 

“Bao nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ.
Đôi khi có những bước phôi pha, mà hình bên bóng chẳng rời xa.
Hôm nao thấy dấu chân đôi: Đó là Chúa đi bên tôi.
Hôm nào còn một dấu chân thôi: Là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi.

 

Lời bài hát dựa trên một giấc mơ kể rằng: Có một chàng trai ngày nào cũng đi dạo bộ với Chúa Giêsu trên bãi biển rất êm ả và bình yên.  Chàng thích thú vì những dấu chân song hành như hai người bạn.  Đến một ngày sóng to gió lớn, chàng lại chỉ thấy có một dấu chân.  Trong hoảng hốt và sợ hãi, chàng hỏi Chúa đi đâu lúc cuộc đời đầy biến động.  Chúa trả lời: “Chính những lúc ấy Ta đang bồng bế con trên tay. 

Suy nghĩ của chàng thanh niên cũng là suy nghĩ của nhiều người chúng ta.  Khi đau khổ dường như chỉ thấy dấu chân của mình lê thê bước, nhưng đâu hiểu rằng dấu chân ấy là chính Chúa đang nỗ lực dìu chúng ta qua khổ nạn. 

Nhìn vào lịch sử cứu độ chúng ta thấy có rất nhiều vị thánh đã được Thầy Giê-su dìu qua khó khăn những đoạn đường đắng cay của cuộc đời.  Chúng ta thử đồng hoá mình với những nhân vật trong Tin Mừng để thấy Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta bao giờ.  Nhất là  trong những lúc bị hiểu lầm, bị kết án, bị khổ đau bởi nghèo đói và bệnh tật. 

Hãy nhìn xem một Madalena bị xã hội lên án, ruồng bỏ... lại được ngồi dưới chân Chúa.  Một Giakêu bị xếp vào hạng người bất chính, lại được Chúa đồng bàn ăn uống… 

Hãy nhìn xem người bất toại đã quá nửa đời người nằm ăn xin ở Betsaida hay người phụ nữ bị băng huyết đã quá khổ bởi bệnh tật, và biết bao người phong hủi sống lấy lất bên ngoài xã hội, thế mà Chúa đã đến và giải cứu họ. 

Hãy nhìn xem những người bị ma quỷ khống chế đến nỗi chẳng còn là người, sống lây lất, điên rồ thế mà Chúa đã cho họ trở về trong tự do của con người.

 

Dường như Chúa không bỏ rơi một ai đang đau khổ, điều cần là sự kiên nhẫn trong lời cầu nguyện và luôn xác tín sự hiện diện của Chúa trong đời sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống đầy gian truân. 

Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu sánh ví tình thương của mình như tình thương của người mục tử dành cho đàn chiên.  Người mục tử tốt lành đầy yêu thương luôn gắn bó với đàn chiên, luôn sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình vì lợi ích đàn chiên.  Ngài chính là vị mục tử mà bài đáp ca đã ca ngợi rằng: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.  Trong đồng cỏ xanh tuơi, Người cho tôi nằm nghỉ. 

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.  Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có chúa ở cùng con.

Người mục tử không bỏ đàn chiên mà hết lòng ra tay cứu giúp.  Ngài vẫn tiếp tục cúi xuống băng bó từng vết thương và cõng trên vai và đưa về ràn trong tình yêu bao bọc của Ngài. 

Giữa khủng hoảnh Covid 19 nhân loại cảm tưởng như đang đơn độc đối phó với sự dữ, khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và sợ hãi.  Nhưng hãy tin vào Thiên Chúa.  Ngài im lặng cũng có lý do.  Giống như cha mẹ khi thấy con cái khổ đau, tuy không nói ra nhưng vẫn tìm cách để cho con cái bớt khổ đau.  Thiên Chúa chúng ta tốt lành, chắc Ngài cũng khổ nhiều khi nhân loại chìm trong khổ sầu.  Ngài cũng đang nói với chúng ta giữa cơn gian nguy này, hãy để lòng mình trong thinh lặng sẽ nghe được tiếng sáo của người mục tử đang gọi đàn.  Hãy về hợp đoàn.  Hãy đến với lòng thương xót của Chúa để tìm sự bình an giữa trăm bề sự dữ.  Hãy để Thiên Chúa lo liệu mọi sự cho chúng ta và hãy an tâm phó thác nơi Ngài.  Amen! 

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

lundi 27 février 2023

MÙA CHAY LINH THIÊNG

Mùa Chay là thời gian linh thiêng đong đầy tình yêu để cầu nguyện, để ăn năn sám hối và để hy sinh hãm mình, nhờ đó mà canh tân bản thân mình ngày mỗi hoàn thiện hơn.  "Mùa Chay mời gọi các Kitô hữu thể hiện mầu nhiệm Vượt Qua cách sâu sắc và cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của họ, trên hết qua việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí." (Sứ điệp Mùa Chay năm 2019, số 3).

 

1. Mùa Chay linh thiêng


Mùa Chay linh thiêng lại về với đời sống tín hữu Công giáo.  Mùa Chay là thời gian 40 ngày dọn lòng mừng lễ Phục Sinh, trải dài từ Lễ Tro cho đến Tuần Thánh, lặp lại thời gian 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu năm xưa khi chuẩn bị bước vào đời công khai rao giảng Tin Mừng (Mt 4,2).  Con số 40 còn lặp lại nhiều biến cố khác trong lịch sử cứu độ như 40 ngày của Êlia trên núi Horeb dọn mình thực thi sứ vụ Chúa trao (1 V 19,8), như 40 ngày của Môsê trên núi Sinai chuẩn bị đón nhận thập điều Chúa dạy (Xh 34,28), và như 40 năm dân Chúa lưu lạc trong hoang địa dọn lòng đặt chân vào đất hứa.  Mùa Chay như vậy là thời điểm thuận lợi để sống mầu nhiệm Tử Nạn của Chúa Kitô thông qua việc chay tịnh để sẵn sàng mừng lễ Phục Sinh.  Nhưng Mùa Chay không chỉ là việc chay tịnh, cho dẫu khởi đầu và kết thúc Mùa Chay được diễn ra bằng việc buộc ăn chay và kiêng thịt thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh.  Mùa Chay còn là mùa xuân tâm hồn với những sinh hoạt đổi mới đời sống đức tin.

Cầu nguyện, canh tân, chia sẻ: đó là ba sinh hoạt mỗi người chúng ta cố gắng thực hiện trong Mùa Chay năm nay, cũng là ba chiều kích với Chúa, với mình, với tha nhân dệt nên nhịp sống Giáo Hội. 
Mùa Chay là thời gian đặc biệt như lời Thánh Phaolô nói: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ” (2 Cr 6,2).  Đây là thời gian thuận tiện để mỗi người quyết tâm hoán cải, tăng cường việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thống hối, mở rộng tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa, quảng đại giúp đỡ tha nhân.
 

2. Mùa Chay là mùa tình thương

 

Hành trình thiêng liêng của Mùa Chay bắt đầu từ tình thương: cầu nguyện, chay tịnh để sống đức ái chia sẻ.


Mùa Chay với hành trình bốn mươi ngày là “thì mạnh” của Năm Phụng Vụ, là “thời Thiên Chúa thi ân và là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2).  Bước vào Mùa Chay, Giáo Hội nhấn mạnh đến những cách thế hy sinh hãm mình để qui hướng về Thiên Chúa, tôn vinh Người, đồng thời cũng qui hướng về tha nhân, để lưu tâm giúp đỡ, sống tình bác ái huynh đệ.


Mùa Chay là thời điểm mà Chúa Giêsu Kitô tuôn đổ muôn vàn ân sủng cho Giáo Hội qua mầu nhiệm Thánh Giá.  Mùa Chay thúc đẩy mỗi tín hữu sống tinh thần hy sinh, sám hối và hòa giải cách chân thành và triệt để hơn, theo đúng tinh thần Tin Mừng.


Ngay đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã nhắc nhở ta cần phải trầm tư để chiêm niệm về thân phận: "Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi.”  Ý nghĩa của Lời Chúa quá rõ ràng: mọi người sẽ phải chết.  Vậy ta lao tâm khổ trí, vất vả ngược xuôi, ganh đua tranh dành để tìm kiếm của cải, danh vọng, thú vui..., ta nỗ lực học hỏi, tìm tòi, phát minh, xây dựng... nhưng khi cái chết đến, ta mang theo được thứ gì, tất cả có nghĩa gì cho ta?  Cuối cùng thì cái gì là đáng quan tâm nhất trong đời?  Ðâu là bậc thang giá trị đời ta?


Xin đừng sống dửng dưng, thờ ơ, khép kín trước người nghèo.  Hãy luôn chạnh lòng xót thương như Chúa Giêsu đã thương những người cùng khốn.  Hãy sống quảng đại cho đi, vui vẻ chia sớt, không chỉ của cải vật chất mà có khi chỉ là một nụ cười thân thiện, một cái bắt tay khích lệ, một lời nói an ủi đỡ nâng, một lần viếng thăm, một cuộc gặp gỡ kiến tạo sự hiệp nhất bình an.  Khi chia nụ cười, ta sẽ nhận về vô số niềm vui.  Khi chia vòng tay, ta sẽ nhận về mênh mông ấm áp.  Khi chia quan tâm, ta sẽ nhận về bao la yêu thương.  Khi chia yêu thương, ta sẽ nhận về rất nhiều hạnh phúc.


3. Mùa Chay và các việc đạo đức

 

Ba việc đạo đức được nhắc nhở rất nhiều trong Mùa Chay là: bác ái, ăn chay và cầu nguyện.  Đây là ba vũ khí tuyệt hảo để chống lại sự tấn công của ma quỷ và đền bù tội lỗi mình.  Những việc lành phúc đức này, khi được thi hành thì hãy làm với tất cả tấm lòng của mình; không làm để khoe khoang.  Chỉ cần Thiên Chúa thấu hiểu và biết cho chúng ta là đã đủ rồi.  Đừng làm để được người đời khen và vì thế mà chúng ta mất đi lời khen tặng của Thiên Chúa. (x.Mt 6,1-6).


Ăn chay và kiêng thịt, chịu tro chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi.  Canh tân nội tâm vẫn là trọng tâm của Mùa Chay.  Kiêng bớt các tội là điều mà Thiên Chúa mong muốn.  Sửa đổi tính nết để trở thành người tốt hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn.  Bớt nói hành, giảm nói xấu, siêng năng việc đạo đức.


Trong sứ điệp Mùa Chay 2019, Đức Thánh cha Phanxicô đề nghị những việc làm cụ thể để những thực hành Mùa Chay truyền thống này mang một ý nghĩa mới: “Ăn chay có nghĩa là học để thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác cũng như đối với mọi loài thụ tạo: từ cơn cám dỗ muốn “ngấu nghiến” mọi thứ để thỏa mãn sự thèm muốn của mình, đến chỗ có khả năng hy sinh vì tình yêu, và khả năng lấp đầy sự trống rỗng của con tim chúng ta.  Cầu nguyện để học biết cách khước từ sự sùng bái thần tượng cũng như tự mãn về cái tôi của mình, đồng thời thú nhận rằng, chúng ta cần tới Thiên Chúa và Lòng thương xót của Ngài.  Chia sẻ bác ái để tự giải thoát khỏi tính ngông cuồng, khiến chúng ta chỉ sống cho mình, với ảo tưởng rằng mình sẽ có được một tương lai bảo đảm, trong khi tương lai đó không thuộc về chúng ta” (số 3).


Theo lời dạy của Đức Thánh Cha, chúng ta sống Mùa Chay năm nay trong niềm vui bằng việc ăn chay và cầu nguyện được liên kết với việc làm phúc bố thí.  Qua đó chúng ta đem niềm vui có Chúa đồng hành đến với người nghèo, làm cho họ nhận ra sự hiện diện của một vị Thiên Chúa tình yêu luôn quan tâm săn sóc họ và còn tự đồng hóa với họ qua Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô.


Tình yêu là một đề tài vừa phong phú, vừa hấp dẫn của văn chương, nghệ thuật, phim ảnh… và luôn mang tính thời sự.  Thử hỏi thế nào là yêu thương thì quả thật không dễ trả lời cách rõ ràng và có tính thuyết phục.  Ngay cả những việc to lớn như “đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt” thì cũng chưa hẳn là đã yêu thương (x.1Cor 13,3).


Tình yêu là huyền nhiệm vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).  Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).  Như thế, có thể nói yêu thương là thực hiện điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu.


Yêu thương thể hiện bằng hành vi cụ thể, thực tế.  Đã yêu là yêu đến cùng.  Hoa trái của tình yêu là kết quả của nhiều nỗ lực hy sinh, quên mình.  Yêu thương cách đích thực thì sẵn sàng hiến dâng cả mạng sống (x.Ga 15,13).


Ngôi Lời nhập thể là cách Thiên Chúa diễn tả tình yêu của Người đối với nhân loại.  Tình yêu Thiên Chúa đã bước xuống, chấp nhận nhập thể để làm người.  “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,7).  Tình yêu được diễn tả như vậy nói lên sự từ bỏ mình vì yêu thương.  Sự từ bỏ mình như thế là chọn lựa rất tự do của Thiên Chúa toàn năng, vô cùng khôn ngoan, vô cùng sáng suốt, vô cùng thông hiểu.  Chính vì thế, mà chọn lựa ấy là vô cùng cao quý.


Mùa Chay giúp ta sống hy sinh từ bỏ, thực hành yêu thương.


Tình yêu đích thực là tình yêu dâng hiến, tình yêu hy sinh quên mình, tình yêu sẵn sàng chết cho kẻ mình yêu.  Tình yêu chân chính đòi hỏi phải chết đi mỗi ngày cho tính ích kỷ và sự hẹp hòi nơi bản thân.  Hôm qua cầm trái cây, thấy đẹp cắt ra, bị sâu bên trong.  Hư cả trái phải vất bỏ.  Ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình, chỉ lo cho mình: đó là con sâu nằm trong quả ngọt tình yêu, đục khoét tình yêu.  Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, tôi đã tìm cách mô tả những dấu hiệu rõ nhất về những dấu hiện thiếu vắng tình yêu này: ích kỷ và tinh thần lười biếng, bi quan vô ích, cám dỗ chỉ quan tâm đến mình, chiến tranh liên lỉ giữa chúng ta và tinh thần thế gian khiến chúng ta chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài, và do đó giảm đi lòng nhiệt thành truyền giáo của chúng ta” (Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, 76-109).


 “Chúng ta đừng để mùa hồng ân này trôi qua vô ích!  Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta cất bước trên con đường hoán cải thực sự.  Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng tính ích kỷ và sự tự hấp thụ vào chính mình, nhưng hướng đến sự Phục sinh của Chúa Giêsu.  Chúng ta hãy đứng bên cạnh những anh chị em đang túng thiếu của chúng ta, chia sẻ những của cải tinh thần và vật chất của chúng ta với họ” (Sứ điệp Mùa Chay 2019).


Thánh Phaolô nói đến những đặc tính của tình yêu là: nhẫn nhục, hiền hậu, khiêm nhường, không ghen tương, không nóng giận, không tìm tư lợi, luôn tin tưởng nhau, chịu đựng nhau và tha thứ cho nhau (x.l Cr 12,31-13,8).


Mùa Chay thêm đức tin cho những ai sống yêu thương.  Đặc biệt các đôi bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân.  Tình yêu phải có niềm tin.  Tin nhau để trao tay cho nhau, thề hứa chung thủy trọn đời trước mặt Thiên Chúa.  Gởi ai một đồ quý giá là đã tin tưởng người ấy.  Tin yêu là đôi mắt cho đôi bạn nhìn thấu lòng nhau.  Tin yêu là đôi chân giúp đôi bạn vượt qua mọi khó khăn.  Tin và yêu là đôi cánh giúp đôi bạn nắm tay nhau bay vào bầu trời hạnh phúc.  Yêu thì phải tin.  Tin sẽ càng yêu.  Không tin sẽ khó mà yêu.  Không yêu thì không thể tin được.


Tin Chúa đôi bạn sẽ biết tin nhau vì Chúa là Sự Thật, là sự Trung Tín.  Tin Chúa đôi bạn sẽ tránh xa những giả tạo và ích kỷ.  Yêu Chúa đôi bạn sẽ biết yêu nhau, vì Chúa là Tình Yêu, một tình yêu lớn lao đến nỗi đã hy sinh mạng sống cho người mình yêu.  Yêu Chúa đôi bạn sẽ biết hy sinh quên mình quảng đại trong một tình yêu chân thực.

Mùa Chay thiêng liêng là mùa xuân tâm hồn cho những ai sống vững vàng trong đức tin và dạt dào lòng yêu mến.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

T.Anh chuyển

mercredi 20 avril 2022

Giáo Hội Công Giáo VN có thêm một Vị Thánh!

Giáo Hội Công Giáo VN có thêm một Vị Thánh!


Mùa Hè 2023, tiến trình Phong Thánh cho LM Phanxicô Trương Bửu Diệp vào giai đoạn hoàn tất!

*LM Diệp sau khi tử đạo, đã làm nhiều phép lạ, ban ơn lạ nhiều nhất từ xưa tới nay! Nhiều người cầu xin, toại nguyện và biết đến danh Cha nhất! Hay hơn nữa, người được ơn, lại không phân biệt tôn giáo!

*Sau ngày Cha Diệp tử nạn, 76 năm chờ đợi, giờ đã “Sinh Hoa Kết Trái!”

Một trong những niềm vui chung, lớn nhất của Giáo hội Công Giáo VN.

*Việt Nam được xếp vào các Quốc Gia, có nhiều Vị Thánh nhất trong Giáo Hội Thiên Chúa Hoàn Vũ! Minh chứng đã được Thiên Chúa thương yêu cách riêng!




Loan Báo Tin Mừng:

Trong Thánh Lễ long trọng tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, thuộc Giáo Phận Orange, Santa Ana, Nam California. Thứ Bảy, Ngày12 Tháng Ba, Năm 2022 vừa qua. Gồm trên 500 giáo sĩ và giáo dân tham dự để cầu nguyện, nhân ngày giỗ 76 năm, “Tôi Tớ Chúa” là Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, bị Việt Minh sát hại vì đức tin! (Khi chưa tuyên bố mình là Cộng Sản, sợ lộ bộ mặt gian ác, dân sẽ không theo, nên lúc đó, họ hoạt động, lấy tên là Việt Minh! Nên Việt Minh hay Cộng Sản, cũng là một!)

Trong thánh lễ, Linh Mục Dương Hữu Nhân, đã báo một tin vô cùng vui mừng, hoan hỉ với người Công giáo nói riêng, với VN nói chung: “Hội Đồng Sử Gia của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, tiến trình khó khăn nhất Tuyên Thánh Cha Phanxicô Xaviê đã thông qua! và mọi việc sẽ hoàn tất vào mùa hè 2023!”

Tiếng đồng loạt vỗ tay vang dội như pháo nổ! Bầu khí hân hoan vỡ òa! chan hòa niềm vui sung sướng! Giáo Hội Công Giáo VN lại có thêm một Vị Thánh! Hình ảnh “Ông Thánh Người Việt” sẽ được đặt trên bàn thờ Người Công Giáo khắp nơi trên thế giới, để thờ lạy tôn kính! Niềm hãnh diện vô biên! khó tả!

Tiến Trình Tuyên Thánh

Từ năm 2012, cuộc điều tra phong Thánh cấp thấp nhất từ giáo phận cho Linh mục Trương Bửu Diệp bắt đầu được tiến hành. Ngày 31 tháng 10 năm 2014, Bộ Giáo Lý Đức Tin ra tuyên bố có tên “Nihil obstat” (Không có gì ngăn trở) chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho Cha Diệp.

Giữa Tháng Mười Hai, 2021, Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ đã minh xác: Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp bị CS còn gọi là Việt Minh hạ sát vì đức tin, tử vì đạo thay cho đoàn chiên của Ngài vào ngày 12 Tháng Ba, 1946 tại Giáo Xứ Tắc Sậy, Việt Nam.

Đây là kết quả tiến trình xem xét cẩn trọng và độc lập kéo dài mất nhiều thời gian của Hội Đồng Sử Gia Phong Thánh, gồm nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử của Giáo Hội Công Giáo.

Sau khi tra cứu kỹ lưỡng, xem xét các lời khai từ phép lạ, hình ảnh minh chứng của mọi giới, nhân chứng, vật chứng, đúc kết trong một tập tài liệu điều tra dày trên 400 trang!

Tiếp theo là những cuộc “điều trần” được mở ra, để các chuyên gia lịch sử và cơ chế liên quan đến tiến trình Tuyên Thánh Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, căn cứ theo đó mà điều tra tìm hiểu hư thực.

Và Hội Đồng Sử Gia Giáo Hội đi đến kết luận chung: “Bản văn tái hiện bối cảnh chính trị xã hội chống lại đạo Công Giáo một cách quyết liệt. Qua đó, lịch sử cho mọi người thấy, một linh mục quyết tâm hướng dẫn đàn chiên và những người ngoài đạo về Đức Tin, mang nặng lòng vị tha, quên mình và dũng cảm chịu chết một cách gương mẫu!”

Văn bản đồng thời cũng minh chứng rằng, Linh Mục Diệp đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích tha nhân, vì tình mến Chúa yêu Người. Nhờ đó, có thể thấy được giá trị cuối cùng, đó là linh mục quyết định noi theo gương Vị Mục Tử là Chúa Nhân Lành, không bỏ đàn chiên trong lúc gian nguy nhất! Chấp nhận để Việt Minh xử tử! chịu nhiều nhát chém, nát bấy thân thể, Ngài đã chết cho niềm tin và yêu thương tha nhân.

Hiện tại, hồ sơ Tuyên Thánh cho Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đang được cứu xét ở giai đoạn cuối cùng, nơi chín nhà thần học làm việc độc lập, không ai biết ai. Khi có tuyên bố kết quả, toàn bộ hồ sơ với thẩm định sau cùng sẽ được trình Đức Giáo Hoàng Francis.

Sau khi Đức Thánh Cha đương kim phê chuẩn, thì Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp được tôn lên bậc Đáng Kính, cùng lúc với danh hiệu Á Thánh! Qua niềm tin Công Giáo, qua Đức Giáo Hoàng, những gì được “vinh danh dưới đất, sẽ được vinh danh trên trời. Trái lại, những gì được gỡ bỏ dưới đất, thì cũng được xóa bỏ trên trời!”

Người Công Giáo Chúng ta, hãy tiếp tục gia tăng lời cầu nguyện, cho ước vọng chung cao đẹp này sớm thành hiện thực. Để có ngày huy hoàng, Ngài được tôn kính trên bàn thờ của mọi Kitô hữu, trên toàn thế giới!

Nếu Mùa Xuân năm 1946, giáo dân Giáo Xứ Tắc Sậy đã mang niềm đau, mất vị Mục Tử yêu thương chia sẻ nâng đỡ và bảo vệ mọi người, thì như sự kiện “hạt lúa mì gieo vào lòng đất” đã đến giờ chín vàng, tỏa hương thơm ngào ngạt trên quê hương Việt Nam.

Nay đang trổ sinh hàng triệu hoa trái, làm cho hàng triệu con tim Công Giáo vui mừng, cảm tạ vì những ơn lành Chúa đã tuôn đổ rõ ràng, hiển thị trước mắt, qua những phép lạ được minh chứng, trên đời sống của những ai tin và cầu xin Linh Mục Phanxicô Xaviê đều được đáp ứng!


Tiểu Sử Người Mục Tử Tốt Lành!

Cha phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 tháng 1 năm 1897 tại làng Tấn Đức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Thân phụ là ông Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), thân mẫu là bà Lucia Lê Thị Thanh. Được linh mục Giuse rửa tội ngày 2 tháng 2 năm 1897 tại họ đạo Cồn Phước, lấy tên thánh là Phanxicô.

Năm 1904, lúc lên bảy tuổi thì mẹ mất, theo cha đến Battambang, campuchia sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, người cha lấy bà Maria Nguyễn Thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang.

Năm 1909, linh mục Phêrô Lê Huỳnh Tiền đưa cậu Trương Bửu Diệp nhập Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Mãn tiểu chủng viện, thầy Diệp lên Đại Chủng Viện Nam Vang, Campuchia vì thời ấy, các họ đạo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều trực thuộc Giáo phận Nam Vang.

Năm 1924, sau thời gian tu học, thầy Diệp được thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Giám mục Valentin Herrgott cai quản. Năm 1924-1925, linh mục Phanxicô được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại Kandal, Campuchia. Năm 1927-1929, ông về làm giáo sư tại Chủng Viện Cù Lao Giêng.

Cha Xứ Họ Đạo Tắc Sậy

Tháng Ba năm 1930, Linh Mục Phanxicô Diệp về nhận nhiệm sở tại họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm chính xứ, ngài đã liên kết, giúp đỡ để thành lập thêm nhiều họ đạo lân cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn. Năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, giáo dân phải di tản khắp nơi, linh mục bề trên của giáo phận là Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng khuyên ngài đi lánh nạn, khi nào tình hình yên ổn thì hãy trở về họ đạo, nhưng ngài đã từ chối và cương quyết trả lời: “Phận sự tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết, cũng chết giữa đoàn chiên! Tôi sẽ không đi đâu hết!”





Cuộc Tử Đạo Của Người Mục Tử!

Năm 1945, toàn dân vùng Tây Nam Việt, nổi lên phong trào vùng dậy chống Pháp. Khi đó phần lớn vùng này Việt Minh vừa tiếp quản từ quân Nhật giao lại. Ngày 12 tháng 3 năm 1946, ngài bị Việt Minh bắt cùng với trên 70 giáo dân của họ đạo Tắc Sậy, bị giam chung với con chiên bổn đạo trong lẫm lúa của ông Giáo Sự tại Cây Dừa. Vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, cự tuyệt, kháng cự những hành động tàn bạo đàn áp người dân. Nên Ngài đã xin chết thay cho những người bị bắt chung. Dĩ nhiên CS ghét Ngài cay đắng từ lâu, nên đồng ý liền! Và ngài bị Việt Minh giải đi hành quyết, xử tử bằng gươm, chém nhiều nhát trên thân thể!

Đêm đó ngài linh thiêng, hiện về báo mộng và giáo dân tìm đến nơi ngài chỉ, tìm thấy xác ngài dưới một cái ao nhà ông Giáo Sự, với rất nhiều vết chém sau ót, sau lưng, ngang mang tai, bê bết máu. Và tội nghiệp, đau thương, thân xác Ngài trần truồng, không một miếng vải! Có lẽ Việt Minh rất căm thù Ngài, nên cho hình ảnh Ngài chết giống Chúa Kitô trên Thập Giá! Sau đó, thi hài Ngài được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Đến năm 1969, hài cốt được dời về nhà thờ Tắc Sậy, là nơi Ngài làm quản xứ trong 16 năm.



Tiếng Lành… Đồn Xa! Khắp Nơi Kéo Đến Hành Hương Với Lòng Tôn Kính:

Hàng năm, vào những ngày 11 và 12 tháng Ba dương lịch (ngày Cha Trương Bửu Diệp qua đời) là lúc rất nhiều người không kể lương giáo, từ khắp nơi đến họ đạo Tắc Sậy, một họ đạo nhỏ nay thuộc Giáo phận Cần Thơ, nằm trong địa bàn của xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, là nơi chôn cất hài cốt và di ảnh của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp để khấn xin. Hiện nay, cứ vào ngày “Giỗ” của Ngài, quy tụ đông đảo, ít nhất từ 60 đến hằng trăm ngàn người tham dự, đông nghẹt như kiến! Khách sạn, nhà trọ, không đủ chỗ, nhiều người phải đóng lều, trước đó vài ngày, mới có cơ hội chen vào tham dự lễ giỗ này.

Rất nhiều ơn lạ đã nhận được, nhất là những người ngoài Công Giáo. Hình ảnh của Ngài đã được truyền đi khắp thế giới. Chân dung Ngài được treo khắp nơi! Trong nhà, ngoài ngõ, trên xe, ngoài chợ, Ngài trở thành nơi nương tựa tâm linh, an ủi tâm hồn, không phân biệt tôn giáo.





Một Phép Lạ Của Cha Trương Bửu Diệp: Với Dòng Nước Thánh Không Bao Giờ Cạn!

-Hiện nay tại nhà thờ Khúc Tréo nơi an nghỉ đầu tiên của Cha Diệp từ năm 1946 đến năm 1969, rồi di dời Hài Cốt Cha về nhà thờ Tắc Sậy, cách Nhà Thờ Tắc Sậy nơi an nghỉ của Cha khoảng 4 dặm về hướng Cà Mau. Nơi đây đã trở thành “đất thánh!” đón nhận không biết bao nhiêu phép lạ mà Ngài đã làm, nên mới có những niềm tin tuyệt đối như thế.

-Trong một điềm báo cho một giáo dân của Cha Diệp, vì Cha thấy lương dân rất nhiều người hiện nay đang đau khổ vì bệnh tật, Cha rất xót thương. Nên nơi chôn cất Cha, Cha báo, nhờ ai cào xuống đất khoảng hai gang tay! là sẽ có nước trong sạch phun lên! Ai đến với lòng tin tưởng nguyện xin Thiên Chúa, bệnh tật sẽ thuyên giảm, hay sẽ khỏi hẳn! “Tin thì sẽ được, gõ thì sẽ mở!”

-Điều lạ lùng, không thể tin được, là phần mộ trong phòng thánh nhà thờ cao hơn mặt đất, mà chỉ cần “cào đất xuống hai gang tay là có nước!” Mỗi ngày hàng trăm khách hành hương đến đây, múc hoài uống và mang về, mà mãi không thấy cạn!

-Hàng ngàn nhân chứng đã nhận được ơn lành từ Ngài ban, kể hoài không bao giờ hết. Đặc biệt, không phải trong nước, mà trên các báo chí Hải ngoại, đăng rất nhiều lời Cảm Tạ với Cha Diệp, sau khi đã nhận được Ơn Lành, tuần nào cũng nhận được vài ba mẫu mới là thường!



Lời Thơ Nguyện Cầu:

Cha Trương Bửu Diệp đấng anh minh

Đoàn chiên sói đến Ngài che chở

Mục Tử hy sinh hiến mạng mình

Hiến tế dâng lên muôn của lễ

Toàn thiêu nhỏ xuống nhất trung trinh

Linh thiêng bảo trợ ai tìm đến

Khấn nguyện cầu thay đến Thánh Linh.







Kết luận

Biến cố lớn có tính cách toàn cầu, Phong Thánh cho Cha Trương Bửu Diệp, là một cái tát thẳng vào mặt nhà cầm quyền Cộng Sản VN hiện nay. Chứng minh bản chất vô thần đàn áp tôn giáo từ xưa đến nay, không thay đổi, bằng chứng không thể chối bỏ.

CSVN cũng có nhiều nỗ lực, ngăn cản tiến trình Phong Thánh này, nhưng âm mưu xóa bỏ tội ác giết người tàn bạo, vì lý do đàn áp tôn giáo này đã không thành!

Luật Trời không bao giờ thay đổi, “gieo gì gặt đó” thôi! “Kẻ chơi gươm, sẽ chết vì gươm!” Kẻ CS sát hại, giờ lại được Phong Thánh! Sắp được cả thế giới tôn kính! Bộ mặt thật đàn áp tôn giáo thô bạo, lại một lần nữa, được dịp phơi bày trên toàn thế giới! để mọi người yêu chuộng tự do, cùng phỉ nhổ! (Nhưng chúng có bộ mặt dày như da trâu, da bò! nên nào biết xấu hổ!)

Có lẽ Cha Diệp còn theo lời dạy của Chúa “yêu cả kẻ thù!” nên CS mới sống đến ngày nay! Chứ cứ như người thường, nhìn là muốn…bẻ cổ! chết đi cho…cả nước nhờ! thì CS đã xóa sổ từ lâu!





Xin Chúc Mừng Giáo Hội Công Giáo VN, Với Niềm Vui Thêm Một Vị Thánh!

T.Anh chuyển 

samedi 15 janvier 2022

THAY ĐỔI BẢN THÂN ĐỂ ĐỔI THAY THẾ GIỚI

 THAY ĐỔI BẢN THÂN ĐỂ ĐỔI THAY THẾ GIỚI



 

Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua cai quản một vương quốc rộng lớn bao la.  Ông muốn đích thân đi thăm những miền xa xôi của đất nước.  Khi về đến nhà, đôi bàn chân ông sưng tấy và đau đớn, vì đường xá gập ghềnh sỏi đá.  Ông liền ra lệnh tất cả các con đường trong vương quốc phải trải bằng da lông thú để nếu ông đi thăm vương quốc thì chân ông không còn bị đau.  Cả triều đình đều thấy đó là một điều vô lý, nhưng chẳng ai dám lên tiếng.  Sau cùng, có một vị quan dũng cảm đã nói với vua: “Tâu bệ hạ, tại sao vương quốc của chúng ta lại phải tiêu tốn ngân khố một cách vô ích như vậy?  Tại sao bệ hạ lại không cho cắt những miếng da bò rồi phủ quanh đôi chân trần của mình?  Như vậy, chân Người sẽ không còn bị đau khi đi qua những con đường gập ghềnh sỏi đá, mà cả vương quốc sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc?”  Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị của vị quan, và thế là đôi giày da đầu tiên của nhân loại ra đời.

 

Có nhiều người muốn bắt cả thế giới theo mình, trong khi nếu mình thay đổi cách sống và quan niệm cá nhân, thì sẽ cảm nhận thế giới hoàn toàn khác.  Thay đổi bản thân, trong ngôn ngữ của Tin Mừng, là thành tâm sám hối.  Ngôn sứ Giona được Chúa sai đến thành Ninivê để kêu gọi dân thành sám hối.  Vào thời đó, thành phố này có tiếng là tội lỗi và hung bạo, đến nỗi khi ông Giona nghe thấy Chúa sai mình đến đó thì tìm cách chạy trốn vì sợ hãi.  Nhưng lạ thay, khi nghe lời Giona rao giảng, mọi người, từ vua cho tới dân đã ăn chay sám hối theo lệnh của vua.  Nhờ lòng sám hối, dân thành đã không bị án phạt giáng xuống.

 

Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng lời kêu gọi sám hối.  Lời kêu gọi này còn được lặp đi lặp lại nhiều lần, ở mọi nơi Người đặt chân tới.  Sám hối là một phần quan trọng của giáo huấn Tin Mừng.  Lời kêu gọi sám hối của Chúa Giêsu đi liền với lời mời gọi tin vào Tin Mừng Người rao giảng.  Tin vào Tin Mừng là nhận biết Chúa Cha, đấng bao dung nhân hậu.  Ngài luôn chờ đợi chúng ta trở về để đón nhận sự tha thứ.  Tin Mừng kể lại có những người rất tội lỗi, nhưng đã mở lòng đón nhận giáo huấn của Chúa và được ơn thứ tha.  Lịch sử Giáo Hội cũng làm chứng cho chúng ta, rất nhiều tội nhân đã sám hối và được nên thánh.

 

Sám hối là khiêm tốn nhìn nhận những sai sót lỗi lầm của mình, đồng thời hứa với Chúa sẽ thay đổi cuộc sống của mình nên tốt hơn.  Một khi chúng ta thay đổi cuộc sống và thay đổi cách nhìn của mình đối với những người xung quanh, chúng ta sẽ nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác.  Thay đổi cuộc sống sẽ giúp chúng ta thấy cuộc đời lạc quan  đáng yêu hơn, đồng thời thúc đẩy chúng ta đóng góp phần mình để nhân lên những điều thiện hảo trong cuộc sống.  Giống như vị vua trong câu chuyện trên đây, khi ông bọc đôi chân bằng miếng da bò, thì đi đâu cũng thấy êm ái và sạch sẽ.  Khi trong tâm trí chúng ta có những tâm tình tốt đẹp, chúng ta sẽ  khám phá những nét đẹp tiềm ẩn nơi mọi người mọi vật xung quanh.

 

Sám hối còn là đoạn tuyệt với quá khứ để khởi đầu một hành trình mới theo chân Đức Giêsu.  Thánh Máccô kể với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay về việc Chúa gọi các môn đệ đầu tiên.  Anrê và Simon, Giacôbê và Gioan là những người đã can đảm từ bỏ cuộc sống cũ để khởi đầu một hành trình mới.  Tiếng gọi “Hãy theo tôi” có sức thuyết phục kỳ diệu, khiến các ông sẵn sàng từ bỏ những người thân yêu và nghề nghiệp bao năm gắn bó.  Sau này, nhiều khi phải đối diện với những khó khăn, chống đối và thiếu thốn, nhưng các ông không hề hối tiếc vì sự lựa chọn này: “Thưa Thày, bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai?  Thày mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,67).

Cũng như một cỗ máy cần được bảo dưỡng luôn luôn, cũng như những cây nho cần được thường xuyên cắt tỉa, tâm hồn chúng ta phải được thanh tẩy mỗi ngày, để nhờ đó, chúng ta được biến đổi, nên giống Chúa hơn.  Lời kêu gọi thay đổi cuộc đời luôn âm vang trong cuộc sống của người tín hữu chúng ta.  Đây không phải là một khẩu hiệu, mà là một lời khuyên rất thiết thực, vì “thời gian chẳng còn bao lâu.”  Thánh Phaolô đã dùng cách nói rất cụ thể để nói với chúng ta hãy lựa chọn những điều tốt nhất và lâu bền cho mình, bởi vì bộ mặt thế gian này đang qua đi, nên “những ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả…”.

 

“Mỗi vị thánh đều có một quá khứ; mỗi tội nhân đều có một tương lai.”  Đừng có ai mặc cảm về đời sống của mình mà không mạnh dạn thay đổi cuộc đời.  Nếu mạnh dạn tiến bước, chúng ta chẳng còn là tội nhân, mà sẽ là những vị thánh, nhờ lòng bao dung thứ tha và ơn phù trợ của Thiên Chúa.  “Tâm bình, thế giới bình,” cuộc đời này sẽ thay đổi, khởi đi từ sự thay đổi trong chính con người mỗi chúng ta.

 

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

vendredi 29 octobre 2021

SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU

  


SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU

(Lễ Kính hai thánh Tông đồ Simon và Giuđa Tađêô – October 28)

Đọc danh sách tên Nhóm Mười Hai mà Chúa Giêsu chọn trong số những người đi theo Người để đặt làm Tông đồ hẳn chúng ta kinh ngạc và khó tìm ra tiêu chí chọn tập thể cộng tác viên thân cận của Người.  Dĩ nhiên Chúa Giêsu không chọn gọi cách ngẫu nhiên hay tùy hứng nhưng cách ý thức trong sự tự do và tinh thần trách nhiệm.  Tin Mừng tường thuật: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa.  Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,12-13).

Dưới cái nhìn nhân loại, mười hai vị trong danh sách được liệt kê, hình như chẳng có một ai đáp ứng được nhiều tiêu chí để chọn vào hàng tu sĩ hay giáo sĩ của Giáo Hội Công Giáo ngày nay.  Về mặt học vấn thì xem ra chỉ một hai vị biết đọc, biết viết.  Về mặt đạo đức thì có lẽ cả tập thể mười hai đều dưới trung bình: không biết ăn chay và cũng chẳng biết cách cầu nguyện.  Tham lam chức quyền thì không sót một ai.  Ba năm theo Thầy thường tranh giành với nhau về cái chức làm đầu trong tập thể (x. Lc 9, 46).  Bên cạnh đó có nhiều vị lại có cá tính không mấy hay cách rõ nét.

Hai anh em nhà Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã từng được Chúa Giêsu đặt biệt hiệu là “thiên lôi con” (Mc 3,17).  Và hôm nay, ngày 28 tháng 10 Giáo Hội kính nhớ hai vị là Simon và Giuđa Tađêô mà một trong hai có biệt danh là “quá khích.  Người ta suy đoán là cả hai đều thuộc nhóm Zêlốt thời bấy giờ.  Nhóm Zêlốt được hình thành vào đầu thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên.  Tôn chỉ của nhóm này là đánh đuổi đế quốc Rôma để giành lại độc lập tự do cho dân tộc Do Thái đang bị đô hộ.  Họ dùng phương pháp “bạo lực cách mạng.  Biện pháp phổ biến là ám sát các yếu nhân của chính quyền Rôma đang cai trị và những ai cộng tác với chính quyền đế quốc bằng thanh trủy thủ là chiếc gươm ngắn giấu trong mình.  Người ta đã từng xem nhóm này là “ông tổ” của chủ nghĩa khủng bố.  Hai thanh gươm mà Phêrô nói trong đêm Tiệc Ly hầu chắc là của hai ngài Simon và Giuđa xuất thân từ nhóm quá khích (x. Lc 22, 38).

Đối với loài người thì có rất nhiều sự trong nhiều trường hợp thì như là không thể thành hiện thực, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều là có thể (x. Mt 19,26).  Không chỉ bằng quyền năng trong lời nói và hành động, nhưng Chúa Giêsu còn đặc biệt dùng tình yêu của mình mà giáo hóa các tông đồ.  Sức mạnh của tình yêu thật diệu kỳ.  Chính tình yêu của Thầy chí thánh đã làm cho các tông đồ đổi thay.  Hai vị “thiên lôi con” đã dần trở nên khiêm tốn và quảng đại.  Giacôbê là vị tử đạo đầu tiên trong tập thể Tông Đồ (Cv12,1-3).  Sau khi Chúa Giêsu về trời thì khi tháp tùng Phêrô đi rao giảng Tin Mừng, ngài Gioan, thiên lôi con lại rất khiêm nhu hiện diện như là người trợ lý đồng hành âm thầm (x. Cv 3-4).  Các chàng ngư phủ xứ Galilê từ những người đánh cá kiếm tiền dần chuyển thành người chinh phục tha nhân cách vô vị lợi.

Hai vị tông đồ “quá khích” cũng có đổi thay nhiều mặt.  Hai thanh gươm luôn kè kè bên mình, nhưng không còn thấy sử dụng phục vụ sự khủng bố hay điều gì sai trái.  Có lẽ trong vườn cây dầu chính Phêrô đã nhất thời mượn tạm một thanh để bảo vệ Thầy nhưng đã bị Thầy dạy xỏ ngay gươm vào vỏ (x. Mt 26, 52).  Tình yêu quyền năng của Thiên Chúa khi gặp được sự khiêm nhu biết phục thiện của con người thì sẽ trổ sinh nhiều hoa trái ngọt ngào.

Với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể.  Tuy nhiên sức mạnh của tình yêu dường như lại thúc thủ (bó tay) trước sự gian dối cố tình.  Không chỉ gian tham, ăn bớt tiền của quỹ chung mà Giuđa Iscariốt còn giả vờ tin vào Thầy để ở lại với tập thể.  Khi có nhiều người thấy chói tai trước lời mạc khải mình là Bánh Hằng Sống từ trời xuống và họ đã bỏ đi, kể cả nhiều môn đệ thì Chúa Giêsu đã hỏi nhóm Mười Hai: “Còn các con, các con có bỏ Thầy mà đi không?”  Phêrô đã tuyên xưng rằng “bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai vì Thầy có lời ban sự sống.  Dù không tin nhưng ông Giuđa vẫn giả vờ tin rồi tiếp tục ở lại để tìm dịp thực hiện mộng vương bá, kể cả việc phản bội, bán rẻ Thầy mình (Ga 6, 67-71).

Mừng kính hai thánh Tông đồ Simon và Giuđa Tađêô, xin cho Kitô hữu chúng ta luôn vững tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.  Dẫu cho còn đó nhiều vị trong tập thể nhóm tông đồ “chuyên biệt” còn nhiều sai lỗi và cả khuyết tật, nhưng với sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa thì sự tốt đẹp sẽ lại đến cho Giáo hội và nhân trần.  Chỉ mong sao xin đừng để một ai quá gian tham cách hữu ý và kiên trì.  Xin cho tất cả chúng ta trong mọi bậc sống, mọi nhiệm vụ đảm đương và mọi hoàn cảnh biết luôn khiêm nhu phục thiện để tình yêu và ân sủng của Chúa canh tân chúng ta mỗi ngày, biến chúng ta thành khí cụ loan báo Tin Mừng cứu độ.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Nguồnhttp://www.vietcatholic.net