mardi 25 avril 2017

Món ăn sáng của 26 nước trên thế giới

Món ăn sáng của 26 nước trên thế giới

Thế giới ăn gì vào bữa sáng?

Nếu như người dân Italia có một bữa sáng siêu nhẹ thì Peru lại có cả một đại tiệc hải sản để nạp năng lượng cho ngày mới đấy !


1. Anh
anh1-848616-1372634162_500x0.jpganh1-848616-1372634162_500x0.jpg
Người dân xứ sương mù nổi tiếng với bữa điểm tâm vô cùng đa dạng và bổ dưỡng. Đối với họ, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất để khởi động một ngày mới tràn đầy năng lượng. Đĩa sáng thịnh soạn này gồm đậu, xúc xích, thịt xông khói, trứng ốp-la, nấm, cà chua, bánh mì nướng và khoai tây chiên thường được họ uống kèm với một tách cà phê nóng hổi.

2. Iran
iran-776994-1372634162_500x0.jpg
Người dân Iran thường khởi động một ngày mới của mình bằng việc thưởng thức bánh mì naan (một loại bánh mì nướng phổ biến ở vùng tây và nam Á) với bơ và mứt. Nhưng nếu muốn đổi món, họ sẽ chuyển sang dùng món Halim. Halim là hỗn hợp được dùng khi nóng hoặc lạnh, bao gồm lúa mì, quế, bơ, đường nấu lên cùng thịt băm nhỏ cho tới khi chín nhừ, sền sệt.

3. Italia
italia-519975-1372634163_500x0.jpg
Phải chăng xứ sở của những chàng trai Ý ngọt ngào và lãng mạn này đang “để bụng” cho bữa trưa với món bánh pizza cỡ bự hay bữa tối với đĩa mì ống spaghetti nổi tiếng, để thưởng thức bữa sáng siêu nhẹ. Đơn giản, chỉ với một ly cappuccino thượng hạng, thơm lừng cùng chiếc bánh mì sừng bò dải sô cô la vô cùng tuyệt vời, bạn sẽ hiểu vì sao đây là sự lựa chọn hoàn hảo để bắt đầu ngày mới của người dân nơi đây.

4. Ma-rốc
maroc-106172-1372634163_500x0.jpg
Nhìn bữa sáng đáng yêu và hấp dẫn thế này, ít thực khách nào có thể chối từ cơ hội được một lần thưởng thức đĩa bánh mì được chế biến theo nhiều hình dáng và hương vị khác nhau với bơ, mứt, phô mai hoặc tương ớt. Chưa hết, người dân vương quốc vùng Bắc Phi này còn có món bánh mì Baghir (gần giống với bánh kếp) rất tuyệt hảo.

5. Việt Nam
vietnam2-271091-1372634163_500x0.jpg
Thay vì những đĩa bánh mì ngọt như phương Tây, người dân Việt Nam thường thưởng thức bữa sáng bằng một tô phở, bún, cháo hoặc chút xôi nóng hổi.
Có lẽ, chính điều này đã tạo nên style ăn uống riêng và được các nước khác cho vào danh sách ẩm thực đặc biệt. Còn gì tuyệt hơn khi bạn bắt đầu một ngày mới với những món ăn đậm vùng sông nước như thế này.

6. Peru
peru-275909-1372634163_500x0.jpg
Bữa đại tiệc hải sản chế biến từ các loại cá tươi ướp ngập trong nước cốt chanh rồi rưới đều lên bằng lớp nước ớt sốt cay nóng này hẳn là một bữa sáng khổng lồ, ngon lành và cực kỳ bổ dưỡng, made in Peru này sẽ làm thỏa lòng những vị thực khách đang đói meo bụng sau một đêm dài say giấc nồng.

7. Nhật Bản
nhat-972418-1372634163_500x0.jpg
Người dân đất nước mặt trời mọc có một bữa sáng cực kỳ “lạ lẫm” và độc đáo để nạp năng lượng cho ngày mới.
Đó là món đậu nành lên men ăn cùng tô cơm dẻo thơm, bên cạnh là ít đậu phụ cùng bát súp miso và cốc trà xanh nóng hổi. Bật mí cho teen biết nhé, bữa ăn này rất thích hợp cho người đang ăn kiêng và muốn giảm cân đấy

8. Philippines
philippine-491123-1372634163_500x0.jpg
Bữa sáng với tất cả các hương vị đậm chất vùng nhiệt đới gió mùa của đĩa xoài chín vàng, cùng đĩa cơm rang với muối và tỏi, quấn trong lớp lá chuối tươi cho tăng thêm mùi vị ăn kèm cùng trứng rán, đậu và thịt này luôn là sự lựa chọn hàng đầu ở nơi đây để “nạp năng lượng” cho một ngày mới suôn sẻ của đất nước vùng Đông Nam Á này.

9. Mexico
mexico-677074-1372634163_500x0.jpg
Được xem là “bữa sáng tình yêu” của người dân đất nước vùng Trung Mỹ, có nguồn gốc từ bán đảo Yucatán (phía đông nam Mexico), Huevos Motulenos là tên của món ăn nhìn vô cùng thích mắt với thành phần gồm 2 quả trứng ốpla, giăm bông, đậu Hà Lan, vài lát chuối chín chiên, bơ, đậu đen, tất cả ngập trong bát nước sốt cà chua thanh ngọt. Món ăn này rất ngon, đáng để bạn nếm thử một lần.

10. Hawaii
hawaii-679810-1372634164_500x0.jpg
Nhìn bữa sáng với đủ sắc màu tươi tắn và dồi dào lượng vitamin của các loại hoa quả tươi như cam, nho, dâu tây, đu đủ, táo kèm theo đôi lát bánh mì nướng ở quần đảo Hawaii phía xa vùng Thái Bình Dương này, thực khách dễ dàng liên tưởng đến những biển xanh, nắng vàng và cát trắng. Hãy du lịch đến Hawaii để có dịp thưởng thức bữa sáng “cây nhà lá vườn” tuyệt cú mèo này nhé.

11. Thổ Nhĩ Kỳ
tho-nhi-ky-142354-1372634164_500x0.jpg
Món súp Tarhana “đa năng” dành cho không chỉ bữa sáng mà còn cho tất cả các bữa ăn trong ngày của người Thổ Nhĩ Kỳ quả thực khá lạ và đặc biệt. Chỉ với một bát Tarhana chế biến đơn giản từ bột mì, sữa chua và rau tươi, người dân nơi đây dường như rất vui vẻ thưởng thức bữa điểm tâm nhẹ bụng để khởi động vào ngày mới.

12. Thái Lan
thai-lan-887329-1372634164_500x0.jpg
Không ngũ cốc, không bánh mì và cả không món trứng bác dồi dào chất đạm, người Thái Lan thưởng thức bữa sáng của mình bằng đĩa cơm trắng dẻo thơm ngon với món cà ri bạc hà cay ngon nức nở. Nếu có cơ hội đến Thái Lan, sao bạn không thử món ăn truyền thống đậm chất dân tộc này nhỉ. Bạn cũng có thể đổi món với tô phở cay nóng hổi đấy.

13. Đan Mạch
dan-mach-650331-1372634164_500x0.jpg
Hãy thử nghía xem đất nước siêng lưu thông bằng xe đạp họ ăn gì vào bữa sáng nhé! Trên đĩa sáng tràn đầy năng lượng của người Đan Mạch, bạn có thể thấy vài lát bánh mì đen, pho mát, xúc xích, giăm bông, trứng, patê, mật ong, mứt và sô cô la. Đừng ngạc nhiên vì bữa sáng dồi dào protein này nhé, bởi đây quả thực là khẩu phần tiêu chuẩn cho một bữa sáng rất cần thiết cho một ngày mới!

14. Ba Lan
balan-319018-1372634164_500x0.jpg
Bữa sáng truyền thống của người dân Ba Lan chính là món Jajecznica. Jajecznica là một đĩa thức ăn phong phú về màu sắc và đa dạng về năng lượng, bao gồm một quả trứng rán, bánh kếp khoai tây, xúc xích và salad trộn, và tất nhiên là không thể thiếu món lạp xưởng vùng Đông Âu - Kielbasa nổi tiếng.

15. Pháp
phap-529071-1372634165_500x0.jpg
Pháp là quốc gia nổi tiếng với nhiều loại bánh mì được chế biến rất phong phú, đẹp mắt và ngon miệng. Nhìn những chiếc bánh mì rắc nho khô vàng ruộm, bên trong là hạt hạnh nhân nghiền trộn với sô cô la, bơ và kem ngon vô cùng này khó ai có thể cưỡng lại việc cắn thử một miếng, để rồi dễ bị “nghiện” ngay lúc ấy. Bữa sáng của bạn sẽ hoàn hảo hơn nếu thưởng thức chúng bên tách trà hay cà phê nóng hổi.

16. Hàn Quốc
han-quoc-352599-1372634165_500x0.jpg
Người dân xứ Hàn thường thưởng thức bữa sáng của mình khá chỉn chu. Bên cạnh bát cơm thơm dẻo, nóng hổi là đĩa kim chi ngon tuyệt cùng một bát canh rau có thêm một quả trứng ốpla. Bữa sáng với đầy đủ chất xơ và dinh dưỡng này thường được người dân nơi đây chọn làm bữa trưa hay bữa tối đều được cả.

17. Ấn Độ
an-do-749677-1372634165_500x0.jpg
Tín đồ đạo Hindu không còn xa lạ gì với bữa điểm tâm mang tên Khichdi của mình. Món cơm chiên được làm từ những hạt cơm dẻo thơm, vàng ruộm cùng đậu lăng và những loại gia vị tuyệt hảo, ăn kèm với cà tím chiên, dưa muối và sữa chua này còn được người dân các nước Pakistan, Bangladesh vô cùng ưa thích.

18. Iceland
iceland-327855-1372634165_500x0.jpg
Để chiến đấu với đêm đông và cái lạnh khủng khiếp của vùng Băng Đảo, người dân nơi đây cứ hàng sáng xuýt xoa thưởng thức vị nóng hổi và ngọt ngào của món súp mang tên Hafragrautur (bột yến mạch). Bữa sáng nhẹ bụng, ngọt ngào với chút hạt nho khô hay hạt hạnh nhân bên tô yến mạch ngọt ngào này luôn đồng hành cùng người dân đảo Aixơlen, trở thành một món ăn truyền thống, không thể thiếu.
 
19. Australia
australia-562090-1372634165_500x0.jpg
Thành phần chủ đạo tạo nên bữa điểm tâm ngon tuyệt ở xứ kangaroo chính là Vegemite - một loại bơ pha trộn giữa các thành phần chiết xuất từ men bia, rau và gia vị vô cùng phổ biến ở Úc. Người Úc dùng loại bơ rau quả này để phết lên bánh mì hoặc bánh quy giòn. Hương vị độc đáo của Vegemite sẽ sớm đem lại cho thực khách một cảm giác thú vị cho một ngày mới bắt đầu.

20. Brazil
brazil-722560-1372634165_500x0.jpg
Không quá đơn giản và gọn nhẹ như món điểm tâm của người Úc, người dân đất nước lễ hội Brazil lại tự thưởng cho mình bữa sáng vô cùng hoành tráng và đủ đầy protein. Cùng với một ly rượu vang khai vị là đĩa sáng gồm 2 khúc bánh mì nướng, 2 miếng thịt giăm bông, lạp xưởng, bơ và pho mát. Hẳn rồi, năng lượng dồi dào rất cần thiết cho các hoạt động lễ hội náo nhiệt mà.

21. Đức
duc-773831-1372634165_500x0.jpg
Hãy xem đất nước đang từng bừng với lễ hội bia nổi tiếng dùng gì trong bữa sáng của mình nhé. Theo truyền thống, người dân nơi đây rất hay thưởng thức bữa sáng với một vài lát bánh mì nướng cùng xúc xích và bơ, tất nhiên là không thể nào thiếu tách cà phê đen hay nâu nóng hổi.

22. Ai Cập
ai-cap-313759-1372634165_500x0.jpg
Foul Madamas chính là tên của món ăn được vô cùng ưa chuộng của đất nước xứ kim tự tháp nổi tiếng. Món ăn có thành phần thập cẩm này bao gồm nước sốt Tahini làm từ rau và thịt, một quả trứng luộc, dầu ôliu, ớt bột khô và những loại rau tươi xắt hạt lựu. Teen biết không, Foul Madamas không những phổ biến ở Ai Cập mà nó còn được yêu thích bởi người dân vùng Trung Đông đấy!

23. Costa Rica
costarica-j-pg-923222-1372634165_500x0.j
Gallo Pinto là bữa điểm tâm được người dân đất nước vùng Trung Mỹ vô cùng yêu thích mà lại không hề xa lạ với người dân Việt Nam. Thành phần của món Gallo Pinto là xôi đậu đen ăn cùng với bánh làm bằng bột ngô và nước sốt trái cây salsa vị cay cay. Có đôi khi, họ thưởng thức món này kèm chút chuối chín chiên, bơ và một ly nước mát lành.

24. Uganda
uganda-199400-1372634165_500x0.jpg
Được xem là bữa điểm tâm phổ biến ở đất nước có rất nhiều món ăn dành cho bữa sáng ở vùng tây Phi, Katago vẫn là lựa chọn hàng đầu của người dân Uganda. Thành phần chính của Katago chính là chuối tiêu xanh ninh nhừ cùng nước hầm thịt bò hay nước súp từ các loại rau. Khi tới đây, tại sao bạn không thử món ăn độc đáo này nhỉ!

25. Trung Quốc
mi-chi-chi-375301-1372634165_500x0.jpg
Giống với người Việt Nam, người Trung Quốc bắt đầu một ngày mới bằng một tô mì nóng hổi. Những sợi mì vàng ruộm “tắm” trong tô nước dùng hầm từ thịt và xương với rất nhiều gia vị đặc trưng, bên trên là miếng trứng rán vàng thơm kèm chút rau nhúng cho tăng phần dinh dưỡng này là lựa chọn đúng đắn để khởi động ngày mới tràn đầy năng lượng.

26. Ghana
ghana-250827-1372634166_500x0.jpg
Ghana, hòn ngọc châu Phi, đất nước được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh đẹp nên thơ cùng nền văn hóa cổ xưa giàu bản sắc này thường dùng waakye - món ăn gồm chủ yếu là cơm nấu lẫn với đậu hay đỗ cho buổi đầu tiên trong ngày. Nếu có dịp tới Ghana, đừng quên thưởng thức bữa ăn sáng vừa lạ vừa ngon của người dân nước này nha .

T.Anh chuyển

dimanche 23 avril 2017

BẠCH QUẢ ,Trường sinh dược thảo

BẠCH QUẢ
Trường sinh dược thảo

 Cây Bạch qủa về mùa thu
lá bạch quả

Cách đây 3 năm, tôi đến Pensylvania vào mùa thu trước lễ Tạ Ơn. Trời bắt đầu lạnh gần độ đông đá. Một buổi sáng xuống phố, ánh mặt trời chói chang trong những lùm cây. Cây cối trơ trụi, ngọai trừ một số cây màu vàng dọc theo lề đường với những lá hình rẻ quạt, tôi nhận ra ngay đó là cây bạch quả. Mùa xuân lá cây mơn mởn từng chùm trên từng đốt dọc theo cành cây vươn ra tứ phía. Mùa hè lá biến thành xanh đậm. Mùa thu lá đổi màu vàng trông rất đẹp. 
Ngồi trong quán ăn điểm tâm nhìn ra phía trước, tôi thấy mấy người vừa đàn ông vừa đàn bà đang lượm những trái bạch quả rụng quanh gốc cây. Tôi hỏi cô cháu bé thì được biết các ông bà này trong mùa thu, khi thấy trái bạch quả rụng, thì họ cố lượm cho thật nhiều , nấu chè rồi đưa vào sở làm quà cho bạn bè mỗi người một ly. Các ông bà trong sở lấy làm thú vị lắm: chè ăn vừa ngon vừa bổ, lại có vị thơm vị bùi. 
Mùa thu đã mang lại cho những người Trung Hoa này một mong đợi đầy lý thú. Với họ chỉ là lượm trái cây, nấu chè, không hơn không kém. 
Hai hôm sau chúng tôi đi lượm lá chớ không lượm trái. Ở New Jersey tương đối dễ vơ lá hơn . Chúng tôi chỉ cần tới một cây vào buổi sớm, sau một đêm lạnh, lá rụng chồng đống tại gốc cây, bóc mấy phút là được mấy bịch rác. Chúng tôi mang về nhà soạn lấy những lá tốt, còn những lá úa lọai đi. Sau đó cho vào máy sấy, cứ 24 tiếng lại được một mẻ, hai cậu cháu lượm có thể đủ làm trà uống cả năm. Chúng tôi trộn 2/3 lá bạch quả và 1/3 trà để giữ cho lá khỏi bị ẩm ướt. Vả lại cũng cần uống trà có lợi cho cơ thể rất nhiều.
Câu hỏi được mọi người đặt ra là cây bạch quả là cây gì?
Người Trung Hoa gọi là bạch quả vì sau khi trái rụng màu của nó vàng nâu giống như trái mơ, khi rửa sạch vỏ chỉ còn có hạt, lúc phơi khô, hạt thành trắng, vì thế người ta còn dịch ra tiếng Anh là white nut. Cây bạch quả cũng được người Tây phương gọi là Ginkgo Biloba, hay người Hoa kỳ gọi là maidenhair, cây tóc tiên nữ. 

Bạch quả xuất hiện đã lâu trên trái đất vào thời khủng long mà người ta tìm thấy trên các địa tầng trái đất trên các đại lục đông và tây bán cầu. Ở Á Châu người ta thấy cây bạch quả được trồng trong khuôn viên các chùa ở Trung Hoa và Nhật Bản. Bạch quả cũng có một sức sống dẻo dai. Năm 1945 sau cuộc thả bom nguyên tử ở Hiroshima, người ta thấy tất cả những cây khác bị tiêu diệt, nhưng cây bạch quả vẫn sống ngạo nghễ giữa gió bụi phong trần. 
Vào thế kỷ 18, người Âu châu chú trọng đến cây bạch quả vì hình thù và sắc đẹp của nó. Ông Englebert Kaempfer, một y sĩ và nhà thực vật học người Đức, lần đầu tiên trong cuộc đời ông được thấy cây bạch quả trong chuyến công du Nhật Bản. Sau đó ông Carolus Linnaeus, người Thụy Điển, cũng là một nhà thực vật học, trong việc xếp lọai hệ thống các lọai động vật và thực vật, đã đặt tên Ginkgo Biloba cho cây bạch quả. Năm 1727, người ta mang cây bạch quả từ Trung Hoa tới Âu châu và trồng tại vườn dành cho những cây nhiệt đới. Tại Hoa Kỳ, năm 1784 ông Halmilton là người đầu tiên trồng cây bạch quả tại sân nhà ông ở Philadelphia. Bây giờ cây ấy hãy còn sống và ở ngay cạnh nghĩa trang Woodlawn. Rồi cứ thế, người này bảo người kia, kể cả rất nhiều thành phố lập ngay dự án trồng cây hai bên đường phố để làm tăng vẻ đẹp cho đô thị. Hiện nay ở Philadelphia, nếu ai muốn trồng cây bạch quả, chỉ cần liên lạc với sở thiết kế đô thị để được mua một cây bạch quả 15 gallon với giá $75.00 thay vì giá thị trường là $150.00. Ở Hoa kỳ hiện nay cũng có nhiều nông trại trồng lọai cây này, chẳng hạn như ở South Carolina để sản xuất và cung cấp lá cho các nhà bào chế các sản phẩm bạch quả. 
Cây bạch quả sống lâu hơn các lọai cây khác. Cây có thể sống nhiều ngàn năm. Cây cũng có cây đực cây cái. Cây đực cung cấp nhụy. Cây cái sinh quả. Cây bạch quả phải kể tới 50 năm sau khi trồng mới có trái. Trái bạch quả khi chín sẽ đổi màu vàng ố và rớt xuống đất có mùi hôi. Vì thế nhiều nơi khi thấy cây sinh trái đã chặt cây, chỉ để lại cây đực. 

Dược tính của cây bạch quả.

Người Trung Hoa đã sử dụng dược tính của cây bạch quả từ nhiều thế kỷ. Cho tới nay, nhiều khi trong các thang thuốc cũng có mấy hạt bạch quả được trộn lẫn với những vị thuốc khác. Các thầy thuốc Bắc dùng trái bạch quả trị các bệnh về não, bệnh suyễn, sưng cuống phổi. Trong các sách thuốc Trung Hoa vào thế kỷ 15, 16, người ta cũng dùng hạt bạch quả rang khô để trị các bệnh liên quan đến cơ quan tiêu hóa. Ngòai ra trái bạch quả chín còn được ngâm vào dầu ăn 100 ngày trược khi dùng trị bệnh phổi. Lá bạch quả cũng được người Trung Hoa dùng trị bệnh tiêu chảy, vò những lá tươi xát vào da khi bị khô vì trời lạnh, hay bị cháy nắng có những vết như tàn nhang, hoặc da bị trầy trụa. Tại Nhật người ta khám phá thấy sau khi bóc vỏ hạt bạch quả có một màng thật mỏng bao chung quanh nhân, màng này tao ra chất sát trùng có thể giết sâu bọ. Vì lý do đó, người Nhật thường để những hạt bạch quả ở các ô hộc trong kệ sách để tránh mối bọ. Lá bạch quả sinh ra những chất khiến sâu bọ không thể ở trên cây và cũng khử được những ô nhiễm nữa. 

Vào những thập niên gần đây, rất nhiều các quốc gia tại Âu châu đã lập những viện nghiên cứu và lập các nhà bào chế ép những chất trong lá bạch quả để tìm hiểu dược tính của nó và dùng những chất ép từ lá cây bạch quả chế biến ra những viên hay đặt vào trong những bao nhộng có các cân lượng từ 60 mg, 120mg bán ra thị trường. Cũng có khi họ thêm vào những vị khác như các lọai nhân sâm.
Hiện nay người Hoa kỳ cũng trồng thật nhiều cây bạch quả để chế biến dùng lọai dược thảo này áp dụng song song với những lọai thuốc tây khác. Trong việc tìm hiểu những đặc tính dược thảo, các nước Âu Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về chất liệu của các thứ cây có khả năng chữa bệnh.
Đứng trước những khó khăn của y học Tây phương trong việc chữa trị bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu những phương dược của Đông phương.... ....(bỏ một đoạn)
Tôi có người anh kết nghĩa năm nay 82 tuổi. Cách đây trên mười năm, vì rủi ro, anh đang lái xe bỗng dưng buồn ngủ, đâm vào chiếc xe 18 bánh đang đậu bên đường. Kết quả bị gẫy hai chân, gẫy hai tay và mất một cái đầu gối. Sau mấy tháng nằm bệnh viện, anh đã phải qua nhiều cuộc giải phẫu và cuối cùng anh được xuất viện. Anh tiếp tục tập luyện, cuối cùng đi lại bình thường. Mỗi khi trái gió trở trời, anh bị đau nhức thê thảm. Anh đi bác sĩ và được cho toa. Nhưng uống thuốc tê thấp không phải lúc nào cũng dễ vì nếu uống thuốc lâu, thuốc có thể làm nguy hại đến những bộ phận khác trong cơ thể. Một hôm, anh nghe người ta chỉ, dùng trà bạch quả, anh thấy dễ chịu hẳn lên, lại cảm thấy tâm trí thỏai mái, trí nhớ được phục hồi có thể ngồi viết lại những phần nhật ký anh chưa hoàn tất được. Rồi sau đó anh tìm hiểu nhiều về các lọai dược phẩm. Nay anh đã được bình phục và không còn đau nhức nhiều như trước kia nữa, thật là một an ủi lớn cho anh. 

Một người khác, bạn của anh tôi, năm nay 73 tuổi. Anh bị đau ở bả vai phải, kéo xuống cánh tay và bàn tay rất khó chịu. Anh đã đi mấy bác sĩ, uống năm sáu toa thuốc không thấy khỏi. Anh dùng sản phẩm bạch quả trong hai tuần, anh đã hết bệnh, sau đó anh đi mua ngay cây bạch quả 15 gallon, đưa về trồng trước cửa nhà. Mỗi sáng đi tập thể dục về, anh lấy mấy lá nhai rồi nuốt đi. Cách đây ít lâu, anh cho biết là lá bạch quả đã đem lại cho anh sức khoẻ lạ thường, cảm thấy người thật là cường tráng. 

Hai tháng nay, tôi được biết một người bạn, tâm hồn rất sáng suốt minh mẫn, nhưng cơ thể anh xuống dốc thê thảm. Các khớp xương của anh đau nhức. Mỗi khi cơn đau lên như thế, các bắp thịt kéo co lại đau đớn lắm. Anh tìm đọc tài liệu về sản phẩm bạch quả. Mấy hôm sau anh mua về dùng. Ngày hôm sau anh cho biết chưa bao giờ anh có được giấc ngủ ngon như thế, một tuần sau anh cho tôi biết các khớp xương hãy còn đau nhưng bắp thịt không co lại và không còn đau nữa. 

Những chuyện tôi vừa kể trên chỉ phần nào nói lên ích lợi của bạch quả. Chúng ta lần lượt tìm hiểu thêm những nghiên cứu của các dược phòng qua những công trình làm việc của nhiều khoa học gia, cũng từ đó người Tây phương nhìn nhận và thử nghiệm bạch quả một cách hữu hiệu như thế nào.
Bắt đầu từ 1930 ngành Y khoa Tây phương chú trọng về ích lợi của cây bạch quả trong việc bảo vệ sức khỏe và chữa trị bệnh tật. Sau khi các khoa học gia Đức và Nhật đã ép nước từ lá bạch quả và phân chất, người ta tìm thấy hai nhóm hóa chất quan trọng: flovone glycosides va terpene lactones.
Flovone glycosides là những hóa chất lọai flavonoids. Hóa chất này là một số hợp chất tìm thấy trong nhiều cây trái, nhất là những lọai chanh, cam, bưởi. Nó là những chất chống oxi't hóa, có nghĩa la nó làm sạch những chất ô nhiễm trong máu. Chất flavonoies cũng có đặc tính bảo vệ các tế bào khỏi bị vỡ do chất acid và các lọai acid béo do đó các tế bào lúc nào cũng ở tình trạng khỏe mạnh và có khả năng thẩm thấu. Chất flavonoies cũng giúp cho các hạt máu không bị dính vào nhau, nó giúp cho việc tuần hoàn máu trong cơ thể, đánh tan những cục máu, khiến ta tránh được đứt gân máu. Nó giúp cho những mạch máu không bị cứng, có khả năng giúp tồn trữ sinh tố C và giữ gìn nó lâu trong cơ thể.

Chất terpene lactones trong cây bạch quả giúp cho sự tuần hoàn máu tới não và các bộ phận trong cơ thể, chuyển dưỡng khí tới các mô, giúp cho việc hấp thụ chất đường (glucose) tới các mô. Việc này giúp cho cơ thể khoẻ mạnh và có thêm sức lực. Chất này cũng giúp cho cơ thể khoẻ mạnh và có thêm sức lực. Chất này cũng giup cho kiện toàn trí nhớ và giúp cho não vậh chuyển và được hoàn phục sau khi bị đứt gân máu. Chất bilobalides và ginkgolides chỉ tìm thấy nơi cây bạch quả, nó gồm có những phân tử của ba lọai ginkgolides A, B và C có một cách cấu tạo đặc biệt giống như một cái lồng mà không có cách nào các nhà hóa học có thể chế ra một hợp chất gắn liền như thế được.

Cuối năm 1950, bác sĩ Willmar schwabe thuộc hãng Schwabe ở Tây Đức đã rút từ lá bạch quả hợp chất gồm có 24% flavone glycosides và 6% terpene lactones, tỉ lệ 24-6 được gọi là GBE. GBE có ba ảnh hưởng lớn trong cơ thể:
1) giúp cho mạch máu được vận chuyển nhiều trong cơ thể và giúp cho máu được tinh khiết, sự vận chuyển đó đưa máu tới các mô và các bộ phận như tim, não, tai, mắt.
2) bảo vệ các cơ phận không bị ô nhiễm phá họai.
3) ngăn chận chất PAF, là chất làm cho máu dính cục đưa đến việc tắc nghẽn và đứt gân máu, ảnh hưởng trực tiếp đến mạch máu tim và tạo nguy hiểm cho tế bào não.

Lá bạch quả gồm có những hóa chất thật hữu hiệu cho cơ thể con người. Qua nhiều cuộc nghiên cứu, người ta thấy nếu dùng bạch quả với một số lượng bình thường thì không thấy những phản ứng, cũng như dùng nó trong một thời gian khoảng ba tháng rồi ngưng một khoảng cách một vài tuần hay một hai tháng tùy theo kinh nghiệm và chúng ta có thể đo lường những tác dụng của nó trong cơ thể. Một phần thật nhỏ là có thể có người bị phản ứng chẳng hạn ngứa, sẩn hay chảy máu cam. Nếu thấy có những phản ứng như thế, nên tạm ngưng một thời gian rồi tiếp tục lại. Vì tác dụng của bạch quả làm giãn nở mạch máu, nên khi dùng bạch quả thì không nên dùng St John worts hay aspirin. Những người đang dùng các lọai thuốc làm nở mạch máu tim hay làm loãng máu cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để được chỉ dẫn hoặc ấn định cách thức dùng. Trong những trường hợp không bình thường trong cơ thể hoặc có những bệnh trạng đặc biệt, chúng ta nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để biết rõ số lượng dùng. Hiện nay trên thị trường có lọai viên hay con nhộng từ 60mg, 80 mg, 120 mg, 160mg, 240mg. Vì bạch quả là dược thảo nên không cần toa bác sĩ, tuy nhiên chúng ta không nên vì thế mà lạm dụng nó. Tốt nhất khi dùng bạch quả, chúng ta nên nghe ngóng cơ thể xem phản ứng để có thể lui tới sao cho có lợi ích thiết thực cho cơ thể. 

Bạch quả và hệ thống não. 
Bạch quả có khả năng ngăn ngừa bệnh Alzheimer nếu chưa bị bệnh , Khi bị bệnh rồi, dùng bạch quả giúp cho bệnh thuyên giảm hay giữ ở tình trạng không phát triển. Bạch quả giúp cho máu chuyển lên não, giúp cho các tế bào thần kinh truyền thông với nhau, làm phục hồi trí nhớ. Bạch quả cũng giúp cho não nhận được nhiều dưỡng khí và tẩy sạch những ô nhiễm trong não. Nó cũng giúp cho người sử dụng nhiều về trí não được sáng suốt, bền gỉ, giúp cho chống lại với những suy bại theo tuổi già.

Bạch quả và hệ thống tuần hoàn. 
Bạch quả giúp cho máu di chuyển trong cơ thể được dễ dàng, làm tiêu mỡ, tiêu những chất độc trong máu, đánh tan những cục máu (blood clots), làm cho máu không bị dính vào nhau, làm cho các mạch máu mềm mại, như thế có thể tránh được tình trạng đứt gân máu. Bạch quả cũng giúp phục hồi các mạch máu bị nguy hại vì chất nicotine, giúp cho hạ cholesterol vì nó khử được các chất oxit hóa. Bạch quả cũng làm cho giãn mạch máu, nhất là khi tuổi già, mạch máu nổi gân xanh ở chân sẽ được giảm đi và do đó các cụ có thể đi lại, di chuyển một cách dễ dàng hơn. Sự thông máu trong hệ thống tuần hoàn giúp đưa máu và đồ ăn tới những li ti huyết quản, khai thông những bế tắc đó là nguyên nhân chính mang lại sức khoẻ toàn vẹn cho con người. 

Bạch quả với dị ứng và hen suyễn. 
Mới đây ở Hoa kỳ, người ta đã dùng bạch quả để chữa bệnh dị ứng (allergy) và hen suyễn (asthma). Bạch quả làm dịu những vết sưng do dị ứng gây nên, và những liên hệ đến hệ thống hô hấp do dị ứng rồi đi đến nặng hơn đó là hen suyễn. Vì là dược thảo nên khi chúng ta dùng nó kết quả có khi cũng chậm hơn, do đó khi bị dị ứng nặng bất ngờ hay hen suyễn có nguy hại tới tính mạng, tốt hết ta hãy tìm gặp các y sĩ để điều trị cấp thời rồi sau đó tham khảo ý kiếng với y sĩ để dùng bạch quả. Người ta cũng dùng bạch quả thoa trên các lớp da khi bị khô hay bị cháy nắng hoặc ngứa sẩn lên.

Bạch quả với các bà và các ông. 
Các bà khi có kinh thường hay khó chịu, có khi bị đau trong cơ phận liên hệ. Dùng bạch quả, các bà thấy dễ chịu, tay chân đỡ bị sưng, đỡ đau bắp thịt, các bộ phận liên hệ không bị sưng, hết nhức đầu, hết chóng mặt nhờ lượng máu di chuyển đều hòa tới các bộ phận trong cơ thể. 
Với các ông cũng thế, kết quả thử nghiệm cho thấy rất khả quan khi các ông dùng bạch quả, máu huyết di chuyển điều hòa trong các cơ phận, khiến giảm thiểu tình trạng bất lực, làm cho các ông phấn khởi và trở nên tin tưởng vào sự cường tráng của mình, trở nên yêu đời hơn.

Bạch quả và thính giác và thị giác.
Nếu quý vị thấy bắt đầu bị lãng tai, mất thăng bằng, dĩ nhiên chúng ta phải đi ngay bác sĩ để biết nguyên do. Quý vị nên bàn thảo với bác sĩ để dùng bạch quả, vì khi dùng bạch quả nó đưa lại kết quả thật khả quan, bạch quả làm cho máu huyết di chuyển tới tai đều đặng, tạo sự liên hệ giữa não và tai. Bạch quả cũng chữa được bệnh ù tai. 
Khi lớn tuổi, mắt bắt đầu yếu có thể vì con người hay võng mô, sự co giãn không đúng mức, sự hiện hình trên võng mô không rõ rệt, hay các cơ không còn điều tiết chính xác hay bị ảnh hưởng do bệnh tiểu đường. Khi thấy mắt có những triệu chứng bất bình thường, chúng ta phải đi gặp bác sĩ nhãn khoa để khám nghiệm để được chữa trị. Sau khi biết rõ bệnh và được điều trị, chúng ta nên dùng bạch quả, vì nó giúp đưa máu tới mắt, đưa chất bổ dưỡng tới mắt, làm cho mắt được khoẻ mạnh, đồng thời khử các chất độc trong mất, phục hồi các tế bào võng mô. Trong kết quả dùng bạch quả của bác sĩ Georges Halpern, một khoa hoc gia Đức, năm 1990 đã chẩn bệnh cho 25 người tuổi 75. Những người này dùng 160 mg bạch quả mỗi ngày trong 4 tuần lễ thấy mắt họ khả quan hơn trước nhiều. Kết quả nghiên cứu cũng cho biết bạch quả giúp cho dẫn máu tới những mạch máu thật nhỏ và có tính cách thật quan trọng trong võng mô. Bạch quả cũng giúp cho người bị tiểu đường bằng cách làm cho mạch máu được mạnh và tẩy sạch những chất độc trong các tia máu trong mắt. Bạch quả giữ cho máu khỏi bị hủy họai do bệnh tiểu đường, do bệnh già và những yếu tố môi sinh gây ra. 
Nói tóm lại, bạch quả giúp cho chúng ta có một trí óc minh mẫn trong một cơ thể cường tráng. Nhờ đó giúp cho cho các tế bào và các mô là những đơn vị nhỏ nhất trong cơ thể con người được nuôi dưỡng, tẩm bổ, được tinh khiết, chống những phóng xạ do môi sinh, dụng cụ máy móc của cuộc sống văn minh tạo ra.
Bạch quả giúp chúng ta chống lại những suy thóai của cơ thể khi về già, giúp đưa lại sinh lực và niềm tin, đem lại trí nhớ, trị hen suyễn, dị ứng, tê thấp, yếu tai mắt, máu huyết điều hòa và giúp cho hệ thống thần kinh được bén nhạy.

Tài liệu tham khảo:
1. Ginkgo Biloba, an herbal fountain of youth for your brain. Glenn S. Rothfelf, MD, MAC and Suzanne Le Vert
2. Ginkgo, A practiacl guide, Georges Halpern, MD, PhD.

LCV chuyển


samedi 22 avril 2017

HẠNH PHÚC TỰ TẠI

Chúa Nhật II Phục Sinh



HẠNH PHÚC TỰ TẠI
Suy Niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Người cứng tin như Tôma có gì hay hơn kẻ dễ tin không ?
2. Người thời đại có dễ tin như những người thời đại trước không ? Người thời đại sau thì sao ? Tại sao lại như vậy ?
3. Có cần phải thay đổi phong cách rao giảng Tin Mừng cho những thế hệ con cháu chúng ta không ? Tại sao ? Một cách thực tế phải thay đổi thế nào ?

1. Tôma là một mẫu người có tính thực nghiệm.
Khi chưa đích thực gặp lại thân xác đã sống lại của Đức Giêsu, thì ngoài Tôma ra, các tông đồ khác dường như không cảm thấy có vấn đề gì trong việc tin Ngài đã sống lại. Các ông đã tỏ ra tương đối dễ tin. Nhưng riêng Tôma, ông không tin dễ dàng như thế, vì từ xưa đến nay, ông chưa hề nghe nói có một ai tự mình sống lại từ cõi chết bao giờ. Cứ bình thường mà xét, phải nói rằng Tôma khôn ngoan và thận trọng hơn các tông đồ khác.
Đối với người như Tôma, Đức Giêsu đã không phiền trách gì về sự cứng lòng tin của ông. Ngài chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng để bổ túc cho sự cứng tin hợp lý ấy : "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !" Và Đức Giêsu đã cho phép Tôma được xỏ tay vào lỗ đinh ở tay và lỗ đòng đâm ở cạnh sườn Ngài. Nhưng có lẽ chính nhờ như thế mà Tôma sẽ tin chắc vào sự sống lại của Ngài hơn ai hết. Người cứng tin mà đã tin thì sẽ tin rất vững. Còn kẻ quá dễ tin thì cũng sẽ dễ dàng mất niềm tin, hoặc cũng sẽ dễ dàng tin những điều khác dù chưa đủ nền tảng để tin.

2. Con người thời nay và nhất là những thế hệ sau sẽ càng ngày càng có tính thực nghiệm giống như Tôma.
Ngày nay, con người đã bước vào kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật, nên con người chịu ảnh hưởng của tinh thần khoa học thực nghiệm rất nhiều. Tinh thần khoa học thực nghiệm chính là tinh thần của Descartes (1596-1650) : "Chỉ tin sau khi đã chứng minh". Và tinh thần ấy được thể hiện thành chủ trương "nghi ngờ có phương pháp và phổ quát" (doute méthodique et universel) của ông. Nghi ngờ để tìm tòi hầu đi đến kết luận chắc chắn. Tinh thần khoa học thực nghiệm ấy đòi hỏi con người trước khi đi đến một kết luận, cần phải trải qua ba giai đoạn : nhận xét, đưa ra giả thuyết, và thí nghiệm kiểm chứng như đòi hỏi của Claude Bernard (1813-1873).
Tinh thần ấy chính là tinh thần của Tôma, chính vì thế, các nhà khoa học Công giáo đã nhận thánh Tôma làm bổn mạng của các nhà khoa học. Riêng bản thân tôi, người viết bài này, cũng rất thích sự cứng tin của Tôma, và coi đó như một đức tính rất cần thiết để sự phán đoán và lời nói của mình có giá trị, đáng tin. Sự đáng tin không chỉ đòi hỏi đức tính chân thật, mà còn đòi hỏi sự phán đoán chính xác và chắc chắn. Một người hết sức thật thà không bao giờ muốn lừa dối ai, nhưng lại dễ tin và hay bị lường gạt, thì phán đoán và lời nói của người ấy không còn đáng tin nữa. Thiết tưởng những người rao giảng chân lý, ngoài đức tính chân thật, cần phải có sự chững chạc trong cách phán đoán để trở nên đáng tin trước mặt mọi người.

3. Đối tượng phúc âm hóa trong tương lai là những thế hệ có đầu óc khoa học thực nghiệm như Tôma.
Những nhà truyền giáo hiện nay tại Việt Nam thường thuộc lứa tuổi giao thời giữa hai thời đại : thời khoa học chưa ảnh hưởng mạnh và thời khoa học ảnh hưởng rất mạnh trên lề lối suy nghĩ của con người. Thời trước, người ta dễ tin những ai có uy tín (như giám mục, linh mục, tu sĩ, hoặc ông bà cha mẹ, cô dì chú bác). Trẻ con dễ tin vào những điều người lớn nói, không đặt vấn đề điều đó đáng tin tới mức nào.
Nhưng thời nay và nhất là những thế hệ mai sau, người ta không dễ tin như thế nữa. Họ thường đòi hỏi "nói có sách, mách có chứng". Muốn họ tin thì phải có bằng chứng. Nếu không chứng minh bằng sự kiện thì ít nhất phải chứng minh được sự khả tín của điều mình nói. Ngoài ra, lập luận phải vững chắc, trình bày rõ ràng. Vì thế, việc rao giảng Tin Mừng hay sứ điệp Kitô giáo không thể theo phương cách cũ mang nặng tính giáo điều được.
Ngày xưa, tại Việt Nam, trình độ văn hóa giữa linh mục và giáo dân có sự chênh lệch rất cao. Ngày nay, sự chênh lệch ấy giảm đi rất nhiều, thậm chí không còn nữa. Rất nhiều giáo dân có trình độ văn hóa cao hơn những linh mục. Tuy nhiên các linh mục vẫn thường hơn giáo dân trong những kiến thức về thần học, giáo lý… vì người giáo dân hiện nay chưa được quan tâm đào tạo về mặt này, hoặc không có điều kiện để quan tâm. Vì thế, các linh mục thường đảm trách việc loan báo và rao giảng Tin Mừng cho giáo dân và người ngoại. Nhưng vì trình độ văn hóa của người bình thường ngày càng cao hơn, nên việc rao giảng Tin Mừng không còn dễ dàng như ngày xưa. Điều ấy đòi hỏi những người rao giảng Tin Mừng cũng phải có một tinh thần khoa học thực nghiệm trong cách rao giảng, cần chú trọng đến những bằng chứng xác thực, những lý luận chặt chẽ, cho dù đức tin không phải đến từ những thứ ấy. Nhưng nếu không chú trọng đến những thứ ấy, lời rao giảng sẽ bị từ chối ngay từ đầu.

4. Hội nhập văn hóa theo chiều dọc.
Tại châu Á, Giáo Hội đã thành công rất khiêm nhường trong việc truyền giáo, không thành công rực rỡ như ở châu Âu. Một phần khá lớn là do thiếu hội nhập văn hóa, vì trước đây, có sự khác biệt về văn hóa giữa dân tộc truyền giáo với dân tộc được truyền giáo. Ngày nay, với việc toàn cầu hóa, sự khác biệt về văn hóa giữa các dân tộc bị giảm thiểu rất nhiều, nên việc hội nhập văn hóa theo chiều ngang không còn cần thiết và quan trọng như xưa. Trái lại, sự khác biệt về văn hóa giữa thế hệ trước với thế hệ sau ngày càng gia tăng.
Lề lối suy nghĩ của các thế hệ sau càng ngày càng thấm nhuần tinh thần khoa học thực nghiệm hơn. Vì thế, nếu không có sự thích ứng khôn ngoan của thế hệ phúc âm hóa (thế hệ trước) với thế hệ được phúc âm hóa (thế hệ sau) trong việc diễn tả sứ điệp, chắc chắn việc phúc âm hóa sẽ thất bại. Do đó, hiện nay việc hội nhập văn hóa theo chiều dọc cần được Giáo Hội quan tâm và thực hiện nhiều hơn là hội nhập văn hóa theo chiều ngang.

5. Rao giảng bằng việc làm đi đôi với rao giảng bằng lời nói .
Tinh thần khoa học thực nghiệm của con người thời đại đòi hỏi những dấu chứng cụ thể mới tin được. Do đó, những xác quyết trong rao giảng cần được chứng tỏ bằng thực tế đời sống. Thật vậy, ai mà tin được cái Tin mà chúng ta rao giảng là Tin Mừng khi chúng ta rao giảng nó với bộ mặt buồn so, ảo não ? Ai mà tin được Tin Mừng này là Tin Mừng Giải Phóng khi mà người rao giảng nó vẫn sẵn sàng khom lưng làm nô lệ cho người, cho vật, cho sự này sự khác, hoặc cho chính bản thân ? Ai mà tin được Tin Mừng này là Tin Mừng Cứu Độ khi mà nó không làm cho người người rao giảng nó hoặc theo nó sống tốt hơn, có tình có nghĩa hơn, và hạnh phúc hơn những người bình thường khác ?
Thiết tưởng đã tới lúc chúng ta - những ai còn tha thiết với tiền đồ của Ki-tô giáo - cần đặt lại vấn đề sống đạo một cách nghiêm túc hơn và hãy thành thật với chính lòng mình. Nếu ta cảm thấy Ki-tô giáo trong thực tế đã không đem lại một thứ hạnh phúc tự tại cho chúng ta, không tạo được một động lực đủ mạnh để thúc đẩy ta sống tốt đẹp hơn người ngoài, mà ta vẫn cứ mạnh miệng rao giảng như là một tôn giáo tốt nhất, hữu hiệu nhất, thì việc rao giảng của chúng ta đúng là một sự lừa dối có hệ thống. Nếu như thế chúng ta phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về sự lừa dối ấy.
Chúng ta tưởng mình có đức tin, nhưng trong thực tế, đức tin ấy đã chết hay mất đi từ lâu mà ta tưởng là ta vẫn còn đức tin. Vì đức tin không phải là một chấp nhận xuông, hay chỉ là hành động tuyên xưng ngoài miệng, mà là một cái gì tự nhiên ảnh hưởng rất sâu xa vào đời sống, khiến ta thay đổi cách suy nghĩ và hành động nên tốt đẹp hơn, và đời sống ta hạnh phúc hơn rất nhiều. Nếu không được như thế, "đức tin" mà ta tưởng rằng ta có, không phải là đức tin đích thực.

CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, rất nhiều khi con chê trách Tôma là quá cứng tin, và tự hào mình dễ tin hơn nhiều. Nhưng trong thực tế, đức tin của con chẳng ảnh hưởng gì trên cuộc sống con bao nhiêu, nó chẳng làm con hạnh phúc hơn người không đức tin, chẳng làm con sống tốt đẹp và yêu thương hơn họ. Xin cho con nhận ra đức tin ấy chưa phải là đức tin đích thật. Xin Cha hãy ban cho con đức tin đích thực có khả năng thay đổi con người của con, làm con nên thật sự tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Amen.