Con đường từ nhà trọ đến trường ngắn và đẹp, chỉ qua một ngã tư là tới. Cả ba đường Thành Thái (nay là An Dương Vương), Trần Bình Trọng, Nguyễn Hoàng (nay là Hùng Vương) đều trồng chỉ một loại cây, cao, thẳng tắp và có một dạng hoa tuyệt vời: cây dầu. Tuổi của cây có lẽ đã hơn trăm năm, muốn nhìn thấy ngọn phải ngước lên mỏi cổ. Đường Cộng Hoà (nay là Nguyễn Văn Cừ) của trường Khoa học lại có một loại cổ thụ tàn lá rất rộng, sà thấp, và hoa cùng họ với mimosa: cây còng. Hoa còng màu hồng tím, mỏng mảnh, duyên dáng, trông hệt như một bông phấn, nở kín tán lá, cứ vào buổi chạng vạng là toả một mùi thơm dịu ngọt cả cung đường.
Hoa dầu bay trên đường đi học…
Sân trường Khoa học cũng đầy cây to. Cùng với còng là cây lim xẹt hoa vàng, không hương nhưng hoa nho nhỏ, rất đáng yêu. Tới mùa hoa nở, trên cao đan kín một màu vàng rực rỡ còn mặt đất thì tràn ngập một lớp dày những đoá hoa vàng rụng. Khiêm tốn hơn là hoa sứ, thua kém cả chiều cao lẫn tuổi tác so với các loại cổ thụ kia, nhưng hoa sứ trắng và hồng năm cánh mịn màng thanh tân cũng góp thêm một mùi hương dịu dàng trên những tà áo dài nữ sinh viên… Nam sinh viên Khoa học nhiều người làm thơ, viết nhạc… có thể bởi được “xúc tác” từ những mùa hoa/màu hoa đầy kín cả sân trường như thế…
Mưa Sài Gòn trên đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi). Ảnh: Darryl Henley.
Có những lần đi học trễ, tôi ba chân bốn cẳng bước thật nhanh để kịp vào giảng đường trước khi giáo sư có mặt. Vậy mà, bỗng dưng một cơn gió, rồi cả một bầy chim hàng trăm con từ những cành cây cao tít tung cánh bay xuống, lượn lờ chao liệng thật lâu quanh tà áo dài khiến tôi sững sờ dừng lại, ngơ ngẩn ngắm nhìn. Sài-Gòn-cây đáng nhớ nhất của tôi chính là những hàng dầu với thứ hoa diệu kỳ này… Giữa một đô thị tràn ngập dân tị nạn chiến tranh từ khắp nơi đổ về, giữa bầu không khí căng thẳng của quãng cuối cuộc chiến dài dằng dặc và màu vàng hoả châu ủ ê mỗi tối, cùng tiếng bom dội về từ vùng ven và khói lựu đạn cay trong sân trường tranh đấu… vậy mà cảnh hoa dầu bay khiến tôi hầu như quên hết… Hoa dầu ơi, cây dầu ơi… Bốn mươi năm, sau khi hàng cây giữa trung tâm Sài Gòn bị đốn hạ, người ta cho biết nhiều thân dầu đã bị rỗng còn bộ rễ bị cùi, chỉ sót lại một túm nhỏ đã mục, có thể bị giật đổ bởi bất kỳ cơn gió lớn nào… Tại sao? Tôi nghe rằng mỗi một cây trồng dọc những con đường của đô thị Sài Gòn đều được lập hồ sơ/tiểu sử để hàng năm, các bác sĩ cây khám bệnh và chăm sóc thuốc thang cho cây giữ được sức khoẻ vững bền cùng năm tháng. Cái gì/từ đâu đã khiến cho những cổ thụ hàng trăm năm tuổi bỗng trở nên èo uột yểu mệnh một cách đáng thương làm vậy?
Đường về Bảy Hiền ít vui nhiều buồn…
Nhà chú thím tôi ở Bảy Hiền. Để về nhà thím, tôi có thể đi hai chặng xe buýt hoặc xe lam: từ nhà trọ xuống Sài Gòn và từ Sài Gòn về Bảy Hiền. Xe buýt lúc nào cũng đông đặc, chen lấn khủng khiếp và tôi thường đứng để không bị xô đẩy bởi những kẻ giành ghế. Xe lam vốn thấp nhỏ và ghế chỉ đủ cho tám/mười người nhưng thường xuyên chở gần gấp đôi, vì nhiều khách sẵn lòng ngồi túm tụm giữa lòng xe, để sớm đến được nơi cần đến.
Đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn cũ, nay là đường Cách mạng tháng Tám. Ảnh: Darryl Henley.
Khách đi xe buýt xe lam nếu không phải sinh viên học sinh thì phần đông là người bình dân, tay xách nách mang. Nổi bật nhất là những người lính về phép. Chiến trận đang ác liệt. Lính thường có phép thưởng sau một trận đánh lớn. Những người lính da cháy nắng trong bộ binh phục bám đầy bụi đường, mũ sắt trên đầu, mồ hôi nhễ nhại, và luôn lộ vẻ âu lo nôn nóng. Tôi thường nép người tối đa, thu gọn hai tà áo dài khi có một hành khách như thế lên ngồi cạnh mình trên chiếc xe lam chật chội. Lúc xe chạy ngang quãng dài chỉ có toàn quán bar trên đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt) tôi luôn nhìn ra. Khi nào cũng có vài cô gái trang phục tiêu biểu cho nghề nghiệp của họ: váy cực ngắn và áo lộ ngực, lấp ló sau những ánh đèn xanh đỏ. Quãng đường này người dân chẳng mấy khi đến gần, vì không có nhu cầu và vì sợ bị vạ lây do chất nổ hoặc do xô xát… Từng có những người lính không kiềm chế được sự giận dữ trước biển cấm dành cho họ, những kẻ từ tiền tuyến trở về, những kẻ đang lấy sinh mạng để bảo vệ an ninh cho thành phố…
Nếu đi xe lam tuyến đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám), tôi sẽ đi bộ một đoạn qua bệnh viện Vì Dân sau khi xe tới bến. Ở bùng binh giữa ngã tư Bảy Hiền có một áp phích với khẩu hiệu và hình vẽ ba cán bộ Việt Cộng răng hô mặt tóp đang đu trên một cọng đu đủ, bên cạnh là lá cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận Giải phóng miền Nam.
Chiến tranh mỗi phút giây và trong từng mảnh nhỏ cuộc sống suốt cả tuổi trẻ tôi. Thời sinh viên, tâm trí tôi thường xuyên tràn ngập một nỗi buồn mênh mang, rã rượi, một nỗi đau không thể gọi tên… Thời đó, tôi nhớ rằng người Việt đang bắn giết lẫn nhau và chẳng biết đến bao giờ tấn thảm kịch này mới chấm dứt…
Đường Lê Lợi và chuyện phim chuyện đời…
Trung tâm Sài Gòn là nơi tôi đi lại nhiều nhất, sau trường Khoa học. Trừ những lần có hai chị từ Đà Nẵng vào chơi, tôi thường xuống phố một mình. Xuống xe, tôi đến ngay chỗ bán thứ mình cần mua hoặc vào ngay rạp có bộ phim muốn xem, không dành thời gian để “bát phố” như hầu hết mọi người.
Chiến tranh vẫn đeo đẳng tôi trong rạp xi nê. Bao giờ cũng là một phim thời sự trước khi chiếu phim chính. Và bao giờ cũng là lửa cháy, bom rơi đạn nổ và máu đổ người ngã… Máu đổ nhiều đến mức có vẻ như máu chẳng còn là thứ gì đáng quý nữa…
Rạp Rex ở ngã tư Lê Lợi, Pasteur. Ảnh: Darryl Henley.
Rex, Eden, Vĩnh Lợi là cụm rạp duy nhất tôi xem phim suốt những năm đại học. Bộ phim Vĩnh biệt tình em tôi xem đi xem lại mấy lần. Tôi bị ám ảnh bởi đoàn tàu lửa hỗn loạn trong chiến tranh, cảnh mùa đông ngập tuyết và những người lính mặc áo khoác nặng nề vung súng chạy và gào thét rồi bị bắn chết, ngã gục trên tuyết trắng. Tôi cũng muốn nhìn ngắm đôi mắt thăm thẳm luôn tràn đầy những câu hỏi của Lara (diễn viên Julie Christie) và vẻ đẹp đàn ông với bộ ria Nga của Zhivago (diễn viên Omar Sharif), và nghe không chán thanh âm da diết, giằng xé của bài hát Lara’s Theme…
Tôi cũng giữ mãi ấn tượng bộ phim Việt Người tình không chân dung để lại trong mình, bởi chuyện phim, diễn xuất của dàn diễn viên nổi tiếng bên cạnh vẻ đẹp và sự nhập vai tuyệt vời của nữ minh tinh Kiều Chinh. Tôi thích phim vì chất nhân văn của nó, về cuộc chiến tranh đang tàn sát bao nhiêu thanh niên và xé nát bao mối tình đẹp đẽ, biến tình yêu thành những vành khăn trắng. Bài hát trong phim cũng hay, đớn đau, sâu thẳm. Nó trùng hợp với những gì tôi hình dung về những người lính vô danh ở cả hai bên chiến tuyến…
Có một lần, ra khỏi rạp Rex, trên đường Lê Lợi, tôi bất ngờ chạm mặt một sinh viên sĩ quan trong lễ phục trường Lục quân Thủ Đức. Đó là Nguyễn, bạn cùng chứng chỉ SPCN, cùng nhóm thực tập với tôi. Anh chàng đen nhẻm, trông khác hẳn so với khi mặc sơmi trắng ngồi cạnh tôi trong giảng đường. Tôi hiểu là Nguyễn đã thi hỏng và phải nhập ngũ (trong khi tôi đậu ngay kỳ đầu). Vì tình thân với Nguyễn, tôi cho phép mình hỏi bằng giọng chê trách: sao Nguyễn không lo học, để thi rớt rồi phải vô lính thế này? Nguyễn nhìn tôi lúc lâu rồi mới đáp: bạn mà lại hỏi tôi câu đó sao? Giọng Nguyễn có gì đó chua chát, trách móc. Và tôi hiểu ngay mình đã sai. Tôi chẳng bao giờ để ý tới những “cậu bé” cùng lớp, nên tôi trở thành kẻ quá vô tâm… Sau lần đó, tôi không gặp lại Nguyễn. Chẳng rõ sau những cơn địa
chấn kinh hoàng trên đất nước, bạn tôi giờ phiêu dạt nơi nào…
chấn kinh hoàng trên đất nước, bạn tôi giờ phiêu dạt nơi nào…
Sài Gòn của tôi… Hàng ngàn câu chuyện, hàng ngàn hồi ức, hàng ngàn gương mặt… Chỉ cần phăng được đầu mối thì cả quá khứ sẽ ùa về, chật cứng trái tim tôi… Và tất cả hãy còn tươi rói, hãy còn nguyên vẹn, như mới hôm qua…
Ngô Thị Kim Cúc
Sài Gòn cà phê & nhạc sến
Thằng bạn ở Thuỵ Sĩ về chơi Việt Nam, trên đường tới Hội An, ghé quán càphê ven đường “Cho ly càphê đá Sài Gòn”. Càphê mang ra, chưa nếm, y đã lắc đầu, “Không phải. Càphê là càphê kiểu Sài Gòn, có biết không?” “Dạ, dạ… biết”. Dân miền Trung nhẫn nại. Cái gì cũng biết (trừ những cái không biết). Ly càphê khác mang ra. Cũng không phải!
Tôi sống ở cái đất Sài Gòn này gần mãn kiếp, mấy tiếng càphê Sài Gòn đã nhạt nhoà từ thuở tám hoánh. Nay, nghe một khứa Tây da vàng, biệt xứ 40 năm (xẹt đi xẹt lại Việt Nam giỏi lắm là vài ba lần) dõng dạc: “càphê kiểu Sài Gòn”. Thấy sốc!
Tôi không nhớ mình đã uống càphê từ lúc nào. Chắc từ thuở biết bưng bê, uống vụng càphê của các bậc bề trên hơi nhiều. Nhưng chỉ thèm càphê khi thấy mấy ông khách ở tiệm càphê các chú (Tàu) đổ càphê sữa vào dĩa, chấm bánh tiêu. Thèm càphê hay bánh tiêu? Tôi không biết, có thể cả hai.
Nhưng vị đắng càphê bắt đầu biết nếm từ lúc nào thì tôi biết chắc. Đó là những tháng ngày của năm 1972, khi bè bạn bỗng chốc xếp bút nghiên ra đi. Thằng về, thằng đi… luôn. Đóng đô ở quán càphê nhiều hơn lớp học. Càphê có đường hay không đường đều đắng như nhau. Vị đắng quá dư để nhận lời uỷ thác, mày đưa thư này cho em… giùm tao, mà đợi tao đi rồi hãy đưa. Chết thiệt sắp tới nơi rồi, không ngán, mà lòng vẫn còn “chết nhát” vì mái tóc dài. Thua xa bọn trẻ @ thời nay.
Cô chủ quán không biết pha kiểu gì, pha vớ, chứ không phải pha phin, mà ly càphê sữa đá 80 đồng ngon không thể tả. Sau này nếm thử Starbucks, Maxell House, Green Mountain… cũng không thể bằng. Sức mạnh của dĩ vãng nặng oằn vai.
Càphê ngon nhất Sài Gòn, theo cái lưỡi tôi, ở góc số 4 Duy Tân. Chỉ là quán vỉa hè, không bảng hiệu, mà tụi tôi gọi là càphê lá me, mà hình như ở đó chẳng có cây me nào thì phải. Hồi đó tôi học ở đại học Khoa học, mà mấy bà bên Khoa học, nói phải tội, khô khan và nặng vía. Tôi phải vượt qua càphê Năm Dưỡng gần trường, đến ngồi đồng ở càphê lá me, chiều chiều ngắm mấy cô Luật khoa, Văn khoa tha thướt. Trời ơi, nắng Sài Gòn mát rượi chứ không “chợt mát” như thi sĩ Nguyên Sa vã mồ hôi làm bài thơ Áo lụa đâu.
Quẹo trái chừng vài trăm mét là đường Cường Để, con đường đẹp nhất Sài Gòn, hai bên đường là những biệt thự lâu đời, chủng viện, tu viện cổ kính với hàng cây cổ thụ cả trăm tuổi… Lá đổ muôn chiều là con đường này, chẳng cần đợi tới mùa thu. Bây giờ nơi đây là nhà cao tầng, khu thương mại, ồn ào náo nhiệt, đi quờ quạng kẹt xe. Cả trăm cây cổ thụ bị đốn trên con đường vài trăm mét thì đâu còn gì để nói thêm nữa. Mất hết…
Cảnh đẹp, người đẹp, càphê không ngon sao được. Mà càphê lá me ngon thiệt, chứ không phải tôi mù quáng cái đẹp nói bừa. Cô chủ quán không biết pha kiểu gì, pha vớ, chứ không phải pha phin, mà ly càphê sữa đá 80 đồng ngon không thể tả. Sau này nếm thử Starbucks, Maxell House, Green Mountain… cũng không thể bằng. Sức mạnh của dĩ vãng nặng oằn vai.
Luận về càphê ngon dở hơi bị khó, mỗi người mỗi gu, chân lý đa dạng. Nhưng càphê Sài Gòn chắc là luận được. Từ luận được cho đến hết luận… nổi. Người ta cứ đồn càphê Sài Gòn độn bắp, độn cau, rượu đế, mắm muối… toàn là mấy thứ dân dã. Có lửa, có khói. Lời đồn này đúng. Càphê Tây cũng đâu phải nguyên chất, họ độn, nhưng độn thứ khác. Thích nghi văn hoá mà! Càphê Sài Gòn không độn bắp rang làm sao có độ sánh, càphê đá mà lỏng le coi sao được. Càphê không thêm cau rang làm sao đủ đắng mà ngẫm chuyện đời. Càphê đá làm gì có chuyện hương thơm thoang thoảng nếu không tẩm chút rượu. Rồi cũng phải mắm muối chút đỉnh cho đậm đà… Những thứ lằng nhằng này coi như là… phụ gia, chứ “chính gia” vẫn phải là càphê rang sao cho tới tới… Bí quyết ngon dở là ở chỗ đó.
Kiểu cà phê ve chai ở Sài Gòn. Ảnh: Trần Việt Đức.
Rồi theo thời thế, mọi thứ đổi đời. Phụ gia trở thành chính gia, chính gia thành phụ gia. Đổi đời thêm cú nữa, càphê biến luôn, chỉ còn đậu nành và hoá chất. Muốn đắng có ký ninh, hạt mắt rồng, dexamethasone. Muốn sánh có a dao gelatin. Muốn đen có nước màu caramel. Hương càphê thì vô vàn nhớ không hết. Muốn bọt? Đã có lauryl sulfate (tạo bọt xà phòng). Làm gì còn “càphê kiểu Sài Gòn” hở thằng bạn Tây da vàng kia, thèm lauryl sulfate hay sao mà ngồi đó làu bàu.
Thiệt ra, càphê Sài Gòn vẫn còn, vẫn có vẻ đẹp của riêng nó – vẻ đẹp của ký ức.
Càphê lề đường làm gì có âm nhạc, chỉ có âm thanh đường phố, tiếng rao hàng, tiếng còi xe, và cái “mát rượi” riêng tư. Càphê nghe nhạc phải vào quán đèn mờ, máy Akai băng cối, những bản tình ca diễm lệ, tiếng hát cao sang Lệ Thu, Khánh Ly… Thời cuộc hơn, thì nghe ca khúc da vàng, đại bác ru đêm, người chết hai lần… Bè bạn về phép (có khi chúng liều mạng “nhảy dù” cũng không chừng) lại kéo nhau ra quán nhậu. Nhậu đã rồi tới quán càphê Chiêu trên đường Cao Thắng. Ở quán nhậu thì tranh nhau nói, tới quán càphê, chẳng thằng nào buồn nói. Càphê và khói thuốc. Càphê nhỏ giọt. Giọt có buồn không? Mờ quá không thấy giọt, nhưng nỗi buồn thì thấy.
Dạo sau này tôi đổ đốn khoái nhạc sến, từ khoái tới mê chỉ là gang tấc. Giác ngộ tiệm tiến qua nhiều ngõ khác nhau. Một trong những ngõ đó là nhạc kẹo kéo. Xe kẹo kéo chiều chiều đẩy ngang nhà, mở to những bản nhạc sến một thời. Chưa hát nhạc sến bao giờ, mà sao trong đầu lại hát theo. Thời gian chưa đủ nghe hết bản nhạc thì tiếng hát đã xa dần, và cái đầu lại lẩm bẩm hát tiếp, thuộc lời nhạc sến từ thuở nào chẳng hay. Cù cưa với ký ức kiểu này thì con đường tới bến giác mê cũng chẳng bao xa.
Một ngõ giác ngộ khác, khi tiếng lòng lời ca bỗng nhiên gặp nhau. Cách nay 7 – 8 năm gì đó, tôi ra Hà Nội có chuyện, nhân tiện ghé quê ngoại. Mẹ tôi bệnh nằm một chỗ, hớn hở dặn dò, con về phải ghé người này trước, thăm người nọ sau, nói mẹ biếu người này cái này, người kia cái kia… Quê mẹ tôi ở làng Chử Xá, mảnh đất của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nửa tiên nửa tục, nên có máu lãng tử, nhảy cóc qua đời mẹ tôi, tới tôi thành gen trội. Trước hôm đi, bè bạn kéo nhau ra Hóc Môn nhậu gà hấp hèm. Đất ven đô hồi đó còn hơi vắng, nhưng cũng đã lên vàng, chẳng vàng 4 số 9, thì cũng 9 số 4, hơi hướm “văn minh” đã len tới. Dàn nhạc lưu động, cũng bass treble ra trò, đến trước quán vừa bán kẹo, vừa mượn nhạc đệm karaoke chơi nhạc sống. Ca sĩ toàn mấy em pêđê, ở đâu mà ra nhiều thế! Bản Sương trắng miền quê ngoại nghe nhiều rồi, hôm đó nghe lại thấm. “Một mai con về quê ngoại chơi, để mẹ nhắn lời thăm….” Trời ơi, giọng mấy em pêđê mà ẻo thì tới mức tận cùng sến… rện. Càng nghe càng thấm.
Đất Sài Gòn tìm đâu ra càphê nhạc sến. Dù càphê ở những quán deluxe không quá tệ như càphê đậu nành, nhưng chắc chắn không phải là “càphê Sài Gòn”. Càphê gì mà đen thui đặc sệt, chỉ là một kiểu càphê bá đạo có bản quyền. Nhạc thì ầm ầm DJ uốn éo, khổ cho cái đầu già cổ lỗ sĩ. Cũng có quán chơi nhạc trữ tình, nhạc của một thời, nhưng nhìn cách bài trí của quán, tôi đã cảm thấy kiểu “một thời” đó là cái mà mình muốn quên. Như lúc này, tôi không còn muốn nghe ca khúc da vàng nữa. Nghe mà ngượng, thì nghe làm gì?
Vài năm trở lại đây, mỗi lần từ Đà Lạt về Sài Gòn, tôi vẫn hay ghé xe càphê đường Nguyễn Minh Chiếu chỉ để nghe nhạc sến, chẳng phải đến từ dàn Onkyo loa Bose, mà từ cái máy cassette nhỏ xíu rù rì trong hẻm. Ngồi cả giờ đồng hồ, đến khi rời quán mà ly càphê vẫn còn quá nửa, đá tan loãng hết rồi. Dĩ vãng vay mượn càphê, để cái vẻ bụi bặm của quán, và nhạc sến dẫn tôi về miền ký ức. Tiếng đại bác đâu còn ru đêm nữa, nó như dội ngược vào lòng. Nhiều bản nhạc từ hồi xửa hồi xưa, giờ nghe lại, rồi lẩm nhẩm hát theo mà chạnh lòng, “… Tiếng còi đêm lướt mau, đoàn tàu đi về mãi, mà bạn thân tôi nơi đâu…” Thấy tiếc và nhớ. Nhớ ngẩn người!
Vũ Thế Thành
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire