"Bài Thánh Ca Buồn" là một hoài niệm thời xa xưa, cuối thập niên 50 thế kỷ trước, khi tác giả mới là một thiếu niên 14 tuổi hàng ngày đi lễ ở Nhà thờ Con Gà (Đà Lạt). Sở dĩ Nguyễn Vũ "siêng" đi nhà thờ đến vậy là vì anh "phát giác" có một cô gái rất đẹp và... rất ngoan đạo, hằng ngày vẫn đi lễ ngang qua ngõ nhà anh.Trái tim non nớt của chàng trai mới lớn khiến Nguyễn Vũ thổn thức đến tội nghiệp! Chàng trai đi theo cô gái suốt 3 tháng, với 3 km đi - về mỗi ngày, "mòn nhẵn" con đường gập ghềnh nối liền hai ngôi nhà, Nguyễn Vũ thấp thỏm ôm mối tình câm. Trầy trật, chàng trai mới biết tên cô gái tên là Th., hơn anh 2 tuổi...Cho đến một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, vừa tan lễ thì trời đổ mưa, cô gái nép vào một mái hiên trú mưa và Nguyễn Vũ trú ké bên cạnh. Văng vẳng từ đâu đó vọng ra bản thánh ca quen thuộc "Silent Night": "Đêm thánh vô cùng. Giây phút tưng bừng. Đất với trời, se chữ đồng..." Th. đứng trú mưa và hát theo nho nhỏ. Thu hết can đảm, chàng trai đưa tay vuốt hờ lên những hạt mưa bụi bám trên chiếc áo ấm của Th, khiến cô gái nhoẻn miệng cười và chỉ nói: "Cảm ơn nghen!" Mưa tạnh, người về hết mà Nguyễn Vũ vẫn ngẩn ngơ.Câu nói "Cảm ơn nghen!" và ánh mắt của cô gái cứ ám ảnh hoài Nguyễn Vũ. Ba ngày sau, gia đình Nguyễn Vũ chuyển về Sài Gòn sinh sống. Từ dạo ấy, cứ mỗi lần nghe bài "Đêm Thánh Vô Cùng" trong các dịp Giáng Sinh, Nguyễn Vũ cho biết ông lại cảm thấy "tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của "người ấy". Với cảm xúc ấy, ông đã cho ra đời "Hai Mùa Noel" với những lời ca đượm màu chua xót về một mối tình dang dở:
Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường
Mùa Noel đó anh đón em vào tình yêu
Quỳ bên hang sâu nghe lời Kinh Thánh van cầu
Nhìn nhau không nói lên câu
Vì biết nói nhau gì đây...
Đêm nay giáo đường vang tiếng kinh cầu
Nơi xưa mình anh đứng
Không thấy bóng em đâu
Nửa đêm tan lễ
Bước anh bơ vơ trở về
Chợt nghe nước mắt
Rơi ướt trên bờ môi khô
Rồi Noel qua
Bao mộng ước cũng qua rồi
Gặp nhau chỉ để thương đau
Yêu nhau chi rồi (sao đành) xa nhau ...Tuy nhiên, vẫn ôm trong mình một cảm xúc chưa nói nên lời, mãi 14 năm sau, Nguyễn Vũ mới trả được món nợ tinh thần ấy bằng ca khúc "Bài Thánh Ca Buồn", cũng sau một lần nghe lại bản nhạc "Đêm Thánh Vô Cùng" từ chiếc đĩa cũ. Như nhạc sĩ nói, "bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ - tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian - chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc" ông.Kỷ niệm đẹp ấy đã để lại dấu ấn trong một bài ca đẹp. Nhưng, như Nguyễn Vũ cho biết: "Những hoài niệm bàng bạc trong ký ức tôi là câu tứ để hình thành bản nhạc. Tôi nghĩ cứ để y như thế chắc sẽ đẹp hơn. Hơn nữa, tôi đã có một gia đình êm ấm. Tôi cũng có nhiều chuyến trở về Đà Lạt, thâm tâm cũng có ý dò tìm, nhưng... bặt vô âm tín! Đà Lạt bây giờ đã thay đổi quá nhiều".Cho dù người nhạc sĩ không bao giờ gặp lại "người tình trong mộng", nhưng từ nhiều thập kỷ nay, cứ đến dịp Giáng sinh, "Bài Thánh Ca Buồn" lại vẫn được hát lên, để "Vinh danh Thiên Chúa trên trời - Bình an dưới thế cho người thiện tâm", và cũng để vinh danh một tình yêu trong trắng.Đặc biệt, "nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn...", nhạc phẩm này đã khiến mùa Giáng sinh - trong mắt những cặp trai gái yêu nhau - luôn đi kèm với nét thiêng liêng của những kỷ niệm, những hồi ức lung linh...
BÀI THÁNH CA BUỒN
Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời thêm đẹp môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân
Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mông buồn...
Ref.
Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng phai màu
Em qua cầu xác pháo bay sau
Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu
Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi...
Kim Liên sưu tầm
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire