mardi 4 août 2015

CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ SAO DIÊM VƯƠNG TINH - Trần-Đăng Hồng, PhD


Diêm Vương Tinh, tức Pluto, được nhà thiên văn học Hoa Kỳ Clyde Tombaugh khám phá vào ngày 18/2/1930, và được xếp hạng là hành tinh thứ 9 trong thái dương hệ của Mặt Trời chúng ta (Mercury, Venus, Trái đất Earth, Mars, Jupiter, Saturn, Uranus, Neptune và Pluto). Có khoảng 1000 cái tên đề nghị cho hành tinh mới này. Tên Pluto (god of the underworld, Thần Diêm Vương) do một cô bé 11 tuổi người Anh ở Oxford đề nghị và được chấp nhận ngày 24/3/1930 sau khi ủy ban đặt tên chọn từ danh sách chung kết gồm 3 tên là Minerva, Cronus và Pluto. Cô bé được thưởng 5 Anh Kim, tương đương 450 Đô La Mỹ thời giá 2015. Tên Pluto được chính thức từ ngày 1/5/1930.


Hình 1. Thái dương hệ


Kể từ năm 1992, danh xưng hành tinh của Pluto bị đặt dấu hỏi sau khi khám phá thêm nhiều vật thể có kích thước tương đương với Pluto trong vành đai Kuiper. Cần nhắc lại là năm 1992, hai nhà Thiên văn học Dave Jewitt và Jane Luu (Người Mỹ gốc Việt) đã xác định một liên tục các vật thể có quỉ đạo giống như Sao Diêm Vương. Năm 2004 hai nhà khoa học này khám phá có nước đá và ammonia hydrate trên vật thể Quaoar trong vành đai Kuiper Belt, và một vật thể nhỏ khác được mang tên “asteroid5430 Luu” để vinh danh bà. Các vật thể này thảy đều là thành viên của Vành Đai Kuiper Belt. Năm 2005, vật thể Eris được khám phá có khối lượng lớn hơn Pluto 27%. Do cơ quan IAU (International Astronomical Union) có định nghĩa mới cho từ hành tinh (planet), Pluto mất danh hiệu hành tinh mà trở thành “Hành Tinh Lùn” (Dwarf planet).
Vì Pluto ở quỹ đạo ngoài tận cùng, lại nhỏ, cho hình ảnh mù mờ nên hiểu biết về Pluto rất hạn chế. Hiện tại (Tháng 7/2015) nhờ cuộc hành trình của phi thuyền liên hành tinh New Horizons khi bay ngang qua Pluto, chúng ta mới biết thêm nhiều về Pluto. New Horizons còn tiếp tục bay trong 16 tháng nữa, và cần nhiều thời gian để phân tích, chắc chắn chúng ta sẽ còn nhiều tin cập nhật nóng bõng trong tương lai.
Phi thuyền New Horizons được phóng lên không gian vào ngày 19/1/2006 từ Cape Canaveral. Mục đích của chuyến viễn hành không gian của phi thuyền New Horizons khi bay qua hành tinh Pluto là tìm hiểu hệ thống hành tinh Pluto, vành đai Kuiper Belt và Thái Dương Hệ. Phi thuyền sẽ nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
Vẽ bản đồ bề mặt của Pluto và mặt trăng Charon
Địa hình và địa chất của Pluto và Charon
Khí quyển trên Pluto
Khí quyển của Charon
Nhiệt độ trên bề mặt của Pluto và Charon
Tìm các vật thể vệ tinh bay quanh Pluto
Khảo sát tương tự như vậy cho các vật thể khác trong vành đai Kuiper Belt

Hình 2. Hỏa tiễn Atlas V 551 được phóng ngày 19/1/2006 mang theo phi thuyền không gian liên hành tinh New Horizons trang bị đài quan sát và nhiều thiết bị khoa học thăm dò vũ trụ.
Sau khi tách rời hỏa tiễn Atlas V551, phi thuyền New Horizons bay qua điểm gần Mặt Trăng nhất vào ngày 20/1/2006 (cách Mặt Trăng 189.916 km), qua điểm gần Jupiter nhất (2.300.000 km) vào ngày 28/2/2007, và bay gần Pluto nhất (12,500 km) vào ngày 14/7/2015. Như vậy, mất 9 năm 6 tháng để bay đến điểm gần Pluto nhất để có thể cung cấp thông tin và hình ảnh rõ ràng nhất như hiện nay.
Hình 3. Thái dương hệ trong vành đai Kuiper Belt. Điểm trắng ở trung tâm là vị trí Mặt Trời. Các chấm xanh li ti là các tinh tú trong vành đai Kuiper Belt.

Pluto cách xa Trái Đất bao nhiêu? Bởi vì Pluto bay trên quỹ đạo có hình gần tròn ở bên ngoài nhất mà Mặt Trời không phải là tâm điểm, trong khi Trái Đất bay trên quỹ quỹ đạo hình ellipse, ở gần trái đất hơn, nên khoảng cách giữa hai hành tinh này thay đổi rất nhiều. Khi Pluto ở vị trí “perihelion”, là vị trí gần nhất, thì cách xa Trái Đất 4,4 tỉ km, tức 30 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời. Pluto đã đến điểm này vào ngày 5/9/1989. Khi Pluto đến điểm xa nhất, mang tên “aphelion”, thì cách xa Trái Đất 7,3 tỉ km, tức 49 lần khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất, sẽ vào ngày 23/8/2113.
Tính đến ngày 14/7/2015, New Horizons đã bay được 4,88 tỉ km, lúc này cách Pluto 12.600 km, là lúc gần Pluto nhất để chụp hình rõ ràng, phân tích dữ kiện và gởi tín hiệu thông tin về đài quan sát ở Trái Đất. Vận tốc tín hiệu radio (bằng vận tốc ánh sáng) sẽ mất 4,6 giờ để từ trái đất đến Pluto, và phải mất 4,6 giờ nữa mới nhận được tín hiệu hay hình ảnh từ Pluto gởi về lại Trái Đất.
Trọng khối. Vì ở quĩ đạo ngoài cùng, Pluto thấy lờ mờ trên viễn vọng kính đặt ở Trái Đất hay đặt trên vệ tinh nhân tạo, việc ước tính trọng khối dựa vào toán học đưa nhiều kết quả khác nhau. Chẳng hạn ước tính năm 1931 là 1 Trái Đất (= trọng lượng của Trái Đất), năm 1948 là 0.1 Trái Đất (=1/10), năm 1976 là 0.01 Trái Đất (=1/100), năm 1978 là 0.02 Trái Đất (=1/500), năm 2006 là 0.00218 Trái Đất (1/459), và năm 2015 do NASA công bố dựa trên thông tin do phi thuyền New Horizons cung cấp vào giữa tháng 7/2015 là 0.00220 Trái Đất (1/455). Theo ước tính mới nhất do New Horizons cung cấp, trọng lượng Pluto là 1.31×1022 kg, nhỏ hơn Trái Đất 0,24%, Đường kính của Pluto là 2370 km. Diện tích bề mặt của Pluto là7013166500000000000♠1.665×107 km2, bằng diện tích của Russia. Trọng lực ước tính tại mặt là 0,063 g, so với 1 g ở Trái Đất. Nhiệt độ trung bình trên mặt là -230°C (43K)
Quỹ đạo. Diêm Vương Tinh có quỹ đạo hình “gần” tròn quanh Mặt Trời, còn các hành tinh kia, như Trái Đất, có hình ellipse (bầu dục). Vì quỹ đạo gần hình tròn nhưng Mặt Trời không phải là tâm điểm, nên vào ngày 5/9/1989, Pluto gần mặt trời nhất. Một năm của Pluto (chạy tròn một quỹ đạo) dài 248 năm Trái Đất.
Ngày. Ngày trên Pluto dài 6,39 lần Ngày Trái Đất vì quay quanh trục của nó rất chậm, và trục quay ngã nghiên với 1 góc 120° nên cách biệt giữa 4 mùa rất lớn (Trục Trái Đất ngã nghiên một góc 23°24’). Vào ngày chí (solstices, như hạ chí 21/6, đông chí 21/12 của Trái Đất), 1/4 bề mặt Pluto có ánh sáng, 3/4 chìm trong bóng đêm. Ánh sáng của ban ngày trên Pluto rất yếu, tương đương với ánh sáng lờ mờ lúc rạng đông ở Trái Đất.
Địa chất và địa hình. Bề mặt Pluto cấu tạo bởi hơn 98% lớp nitrogen đông đá (nitrogen ice), ít dấu vết methane và carbon monoxide đông đá. Mặt hướng phía mặt trăng Charon chứa nhiều methane đông đá, ngược lại mặt đối diện chứa nhiều nitrogen và carbon đông đá. Màu bề mặt Pluto rất thay đổi giữa màu đen, màu cam sậm và trắng. Đặc biệt gần vùng xích đạo có một vùng lớn, màu nhạt, có hình dạng trái tim nên mang tên “Heart”, dài khoảng 1.600 km, nay được mang tên “Tombaugh Regio” để tưởng niệm người khám phá ra Pluto.
Hình 4. Ảnh Pluto chụp ngày 13/7/2015, với vùng “Heart” mang tên “Tombaugh Regio”. Màu ở hình này gần đúng với thật tế.
Hình 5. Hình ảnh chi tiết đầu tiên của vùng rộng lớn có hình trái tim mang tên Tombaugh Regio’ gần xích đạo cho thấy có rặng núi với đỉnh cao tới 3.500 m nằm trên mặt băng giá.
Rặng núi cao nằm trên lớp băng giá nitrogen, methane và monoxide đông đá là điều chưa từng thấy ở các hành tinh khác trong thái dương hệ. Rặng núi cao lớn như vậy không thể nào trụ trên lớp băng giá mềm như vậy, mà phải có nền là lớp nước đá dày hay đá cứng (rock).
Dưới lớp nitrogen đông đá là lớp nước đá (water ice), và trong cùng là lỏi gồm đá (rock), lỏi có đường kính khoảng 1.700 km. Tỷ trọng của Pluto là 2.03±0.06 g/cm3.

Hình 6. Kiến trúc bên trong Pluto

Không xa rặng núi này là một bình nguyên băng giá mà bề mặt nỗi lên các khối giống như vảy rắn, mang tên “Sputnik Planum” gồm nhiều đồi núi mà chiều cao chưa xác định, có những vùng có vật liệu màu đen lắng tụ như do gió mang đến.
Mời xem video bình nguyên “Sputnik Planum” do New Horizons chụp ngày 17/7/015:http://www.space.com/29981-flying-over-pluto-ice-mountain-and-young-plains-video.html
Một khám phá kỳ lạ khác, không giống như các hành tinh khác trong thái dương hệ, là không tìm thấy một lỗ hũng nào, dấu vết của thiên thạch trong vũ trụ rơi xuống Pluto. Dựa trên các hình ảnh này, các nhà khoa học thiên văn cho rằng bề mặt Pluto còn rất trẻ, có lẻ tuổi dưới 100 triệu năm, so với 4,5 tỉ năm của thái dương hệ mà Pluto là một thành phần. Có lẻ Pluto còn trong thời kỳ đang hoạt động địa chất.
Khí quyển của Pluto. Pluto có một lớp khí quyển mỏng gồm khí nitrogen, methane và monoxide, số lượng cân bằng với dạng đông đá của nitrogen, methane và monoxide cấu tạo bề mặt của Pluto. Lớp khí quyển dày tới 1.600 km so với 120 km của Trái Đất. Cũng trong ngày 17/7/2015, New Horizons khám phá một đám mây khí nitrogen ở độ cao 109.000 km với cái đuôi dài, chứng tỏ đám mây nitrogen của Pluto bị gió mặt trời lôi cuốn bay mất ra ngoài vũ trụ, với cường độ mất khoảng 500 tấn nitrogen/giờ, rất lớn so với 1 tấn nitrogen/giờ của Hỏa Tinh. Lý do là trọng lực ở Pluton rất thấp (0,063g), không giữ được lớp khí quyển của mình,
Áp xuất của khí quyển rất thấp (6.5 to 24 μbar), bằng 1 phần triệu đến 1 phần trăm ngàn áp xuất không khí của Trái Đất.
Các vệ tinh (mặt trăng) của Pluto. Pluto có 5 mặt trăng bay quanh nó: Charon (khám phá năm 1978), Nix, Hydra (cùng khám phá năm 2005), Kerberos (khám phá năm 2011) và Styx (khám phá năm 2012). Các mặt trăng được thành hình là do nỗ vỡ của một vật thể khá lớn trong vành đại Kuiper Belt khi va chạm với Pluto.
Hình 7. Pluto và 5 mặt trăng bay quanh, New Horizons chụp vào tháng 6/2015

Mặt trăng Charon. Là mặt trăng lớn nhất trong số 5 mặt trăng của Pluto, có đường kính 1.200 km, gần bằng nửa đường kính của Pluto, là mặt trăng lớn nhất trong thái dương hệ nếu so sánh với hành tinh mẹ. Khối lượng của nó bằng 11,6% của Pluto.
Khác với bề mặt của Pluto bao phủ bởi nitrogenm methane và monoxide đông đá, bề mặt của Charon bao phủ bởi nước đá (water ice). Kiến trúc bên trong là một lỏi bằng đá cứng bao bọc bởi lớp vỏ nước đá. Khoảng cách trung bình giữa Pluto và Charon là 19.570 km. Nhiệt độ bề mặt Charon trung bình -230°C.
Hình ảnh mới nhất do New Horizon chụp ngày 14/7 cho thấy có một ngọn núi ngoi lên từ một hố sâu 4,8 km và rộng 1.200 km trên mặt trăng Charon (Hình 8). Ngoài ra, hình ở góc mặt cho thấy có các hố sâu từ 6 đến 10 km.
Ở phần cực bắc có một vùng màu đậm, được đặt tên “Mordor”. Ở gần trung tâm Mordor thấy các điểm trắng của các hố do thiên thạch rơi xuống tạo thành.
Hình 8. Pluto và Charon chụp ngày 13/7/2015 (trái). Ảnh chi tiết mặt trăng Charon chụp ngày 14/7/2015 (phải) với ngọn núi cao nằm trong khe vực sâu 10 km (vùng sậm ở góc trái trên chóp của hình phụ). Ảnh chụp từ New Horizons lúc cách Pluto 466.000 km.

Dọc theo đường chéo Tây Bắc xuống Đông Nam là một vùng lớn chạy dài tới 1.000 km nhấp nhô như gợn sóng gồm một loạt các máng và vách đá, có lẻ là hậu quả do hoạt động của lực bên trong lòng đất.
Bên dưới dãi máng và vách đá là một vùng bằng phẳng thỉnh thoảng chỉ có vài hố thiên thạch, điều này chứng tỏ mặt trăng Charon còn rất trẻ, và còn đang hoạt động địa chất.

Mặt trăng Hydra
Hình 9. Hình dạng Hydra

Hydra là một mặt trăng nhỏ, hình xoan, kích thước 43 x 33 km, cấu tạo hầu hết là nước đá. Hydra phản chiếu 45% ánh sáng đến từ mặt trời vì nhờ bề mặt nước đá như một kính soi mặt. Trọng khối ước tính 4,2×1017 kg. Nhiệt độ -240°C đến -218°C (33-55K).
Mặt trăng Nix. Hình ảnh sơ khởi cho thấy mặt trăng Nix nhỏ, rộng 40 km.
Trong vài ba ngày nữa, New Horizons sẽ gởi thêm nhiều hình rõ hơn của các mặt trăng.
Các thông tin mới nhất được công bố trên đây chỉ chiếm khoảng 2% thông tin mà New Horizons gởi về và sẽ được giới chuyên viên phân tích và công bố trong tương lai. 
Reading, 20/7/2015
Trần-Đăng Hồng, PhD

Ca Nhạc Sài Gòn Trước 75 - Nguyễn Việt



Lời người viết:


Lâu rồi các bạn bè thân hữu mỗi khi gặp tôi cứ hỏi “Liệu ông có viết lại các mẫu chuyện về Ca Sĩ Sài Gòn trước năm 75 được không?”. Bởi dù gì ngày trước ở Sài Gòn tôi viết chuyên mục về điện ảnh tân nhạc cho nhiều báo và tạp chí, mà nhật báo Trắng Đen với số bán chạy nhất thời đó là chủ chốt; đồng thời cũng là một trong các sáng lập viên “Nhóm thân hữu ký giả Điện ảnh Tân nhạc Việt Nam” (như Huy Vân TTK báo Tiền Tuyến, tức Binh Cà Gật trong tạp chí Chiến Sĩ Cộng Hòa, Nguyễn Toàn, Tương Giang, Phạm Hồng Vân, Phi Sơn….) thuộc “thiên lý nhãn”…. trăm tai ngàn mắt thời đó.

Viết về giới ca nhạc sĩ Sài Gòn thời trước 1975, là viết những chuyện đằng sau hậu trường, những chuyện dính dáng vào đời tư nhưng không đến nỗi phải bồi thường “một đồng danh dự”; có thể có những vụ việc đã từng được đăng hoặc chưa được đăng trên báo, viết về người còn ở lại và người đã xa quê hương, quả thật hết sức phức tạp!

Lý do “sự thật hay mích lòng”, nhưng đã hơn 30 năm xin cứ coi đây là kỷ niệm, thật hư thế nào chính người trong cuộc sẽ hiểu!…. Nhưng vì một lẽ giản đơn “không muốn vạch áo cho người xem lưng” đó thôi!?

Cuối cùng, những phần hồi ký này chỉ trích đăng từng phần, nếu có dịp xin sẽ viết tiếp… và viết ra để những người về sau tham khảo và biết về các Nhạc Sĩ & Ca Sĩ trước 1975, đang ở VN, Hải ngoại đã thành danh như thế nào. 

CA SĨ SAIGON – XUẤT HIỆN TỪ ĐÂU?

Nói đến ca sĩ từ đâu đến hay nôm na từ đâu mà thành danh. Tôi chợt nhớ đến Chế Linh đầu tiên, nhớ ngay cái ngày một thanh niên gốc Chàm khúm núm đến gặp Tùng Lâm ở hậu trường rạp Olympic, một sân khấu đại nhạc hội do quái kiệt Tùng Lâm tổ chức song song với Duy Ngọc ở bên rạp Hưng Đạo vào mỗi sáng chủ nhật.

Tôi nhớ buổi sáng chủ nhật hôm đó khi anh chàng da ngâm đen tóc quăn, ăn mặc nguyên bộ đồ jean. Đến Tùng Lâm cũng không hiểu tại sao anh ta, một người lạ mặt vào được tận bên trong hậu trường. Còn đang ngạc nhiên thì anh chàng người Chàm đã tới gặp ngay Tùng Lâm xin cho được hát vào những lúc ca sĩ còn chạy show chưa kịp đến.



Tùng Lâm quyết liệt từ chối, dù lúc đó phải đóng màn chờ ca sĩ cũng không dám cho anh chàng người Chàm này lên hát, một phần do anh ta là người dân tộc thiểu số và cũng chưa từng nghe anh ta hát bao giờ.

Nhưng kế tiếp những tuần sau, anh chàng người Chàm lì lợm vẫn đều đặn xuất hiện xin Tùng Lâm cho được hát, và rồi Tùng Lâm cũng đành chào thua sự lì lợm quá mức này, đành chấp nhận cho anh ta hát một bài để thử, với lời dặn chỉ hát một bài và không có tiền “cát sê”.

Tôi chứng kiến các buổi anh chàng người Chàm đến và cả buổi đầu tiên được Tùng Lâm cho lên hát một nhạc phẩm của Duy Khánh, với tên được giới thiệu là Chế Linh. (nghệ danh này sau mới rõ nó có hai nghĩa, nghĩa thứ thứ nhất là họ Chế để khẳng định là”con cháu” của Chế Mân, Chế Bồng Nga. Nghĩa thứ hai có nghĩa là “lính chê” bởi người thiểu số được miễn hoãn quân dịch).

Không rõ Chế Linh có được học hát hay có thiên bẫm hát theo đĩa hay băng nhạc mà nhiều nam nữ mầm non ca sĩ thường hát nhái đến thuộc lòng, đến khi bài hát chấm dứt thì hàng loạt tiếng vỗ tay nổi lên tán thưởng kèm theo những tiếng gào “bis, bis” nổi lên ầm ỉ nơi hàng ghế khán giả.

Nhưng nhìn những người ái mộ vỗ tay gào thét kia lại chính là đồng hương của Chế Linh, do chính Chế Linh bỏ tiền ra mua vé cho họ vào xem và chờ đợi cái ngày hôm đó, để chỉ làm một động tác vỗ tay hoan hô và gào lên những tiếng bis, bis.

Do không được ai lăng xê, không được ai kèm cặp, Chế Linh thường hát nhái theo giọng ca Duy Khánh và cả những bài hát tủ của Duy Khánh từng thành đạt. Và nhờ những đồng hương hàng tuần đến vỗ tay, sau này Chế Linh được Tùng Lâm nhận làm “đệ tử” trong lò đào tạo ca sĩ của mình (?).











Từ lúc đó Chế Linh mới được uốn nắn rèn giũa lại chính giọng ca của mình.

Khi nói đến những lò “đào tạo ca sĩ” thường là những nơi có môi trường “lăng xê”, như nhạc sĩ Nguyễn Đức có hai chương trình trên Đài truyền hình số 9 là Ban Thiếu nhi Sao Băng và chương trình Nguyễn Đức, cùng hai chương trình trên Đài phát thanh là Ban Việt Nhi, ban ABC. Còn quái kiệt Tùng Lâm có Đại nhạc Hội, và chương trình Tạp Lục trên truyền hình. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương của TC/CTCT mà Song Ngọc đứng đầu tàu.

Đây là những lò nhạc giới thiệu nhiều ca sĩ nhất trong thời gian đó. Như lò Nguyễn Đức có một lô ca sĩ họ Phương gồm Phương Hồng Loan, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc (Cẩm Hồng) hay trước đó là Hoàng Oanh có cả nghệ sĩ hài như Thanh Hoài, Trần Tỷ.

Lò Tùng Tâm giới thiệu Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Yến rồi Chế Linh, Giang Tử. Lớp nhạc Bảo Thu có Thanh Mai, Thanh Tâm sau này Kim Loan; Hoàng Thi Thơ có Sơn Ca, Bùi Thiện, Họa Mi v.v…

Trở lại với Chế Linh, tuy quái kiệt Tùng Lâm có môi trường “lăng xê” nhưng về chuyên môn dạy thanh âm cho ca sĩ lại “mù tịt”; qua đó đã liên kết với nhạc sĩ Bảo Thu và Duy Khánh đào tạo hay lăng xê Chế Linh trở thành một danh ca như từng đào tạo lăng xê ra những Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Yến… Vì từ lò Bảo Thu (còn là ảo thuật gia Nguyễn Khuyến) cùng Duy Khánh (khi đó ở chung cư Trần Hưng Đạo) đã cho “ra lò” nhiều ca nhạc sĩ như Quốc Dũng, Thanh Mai, Thanh Tâm, Kim Loan…




Việc liên kết giữa Tùng Lâm – Bảo Thu – Duy Khánh làm cho nhiều lò đào tạo ca sĩ bấy giờ lên cơn sốt, bởi ở đây có đủ môi trường để các tài năng trẻ thi thố tài năng, Tùng Lâm có sân khấu đại nhạc hội, Bảo Thu có chương trình truyền hình; dạy thanh âm và cung cách biểu diễn. Chế Linh nhờ vào “lò” Tùng Lâm mà thành danh cho đến ngày nay.

Tuy nhiên ngoài những lò “đào tạo ca sĩ” nói trên cũng có những ca sĩ thành danh từ những phòng trà khiêu vũ trường, trong phong trào văn nghệ học đường, đại hội nhạc trẻ, những đoàn văn nghệ do chính quyền thành lập. Như Vi Vân, Julie Quang, Carol Kim, Đức Huy, Ngọc Bích, Thúy Hà Tú (Khánh Hà – Anh Tú), Thanh Tuyền, hài có Khả Năng, Thanh Việt, Phi Thoàn, Xuân Phát…

Elvis Phương nổi danh từ l1972 thời gian vào lúc do Thanh Thúy đang khai thác phòng trà Queen Bee cùng với ông Tuất (sau thời kỳ Khánh Ly), nhưng Elvis Phương đã tạo cho mình một chỗ đứng lúc còn là học sinh cùng với ban nhạc trẻ học đường. Sau đó Elvis Phương đi hát cho nhiều phòng trà nhưng do không ai dìu dắt lăng xê đến nơi đến chốn nên vẫn chỉ là cái bóng của những đàn anh đàn chị.


Khi Thanh Thúy khai thác Queen Bee, có nhạc sĩ Ngọc Chánh làm trưởng ban nhạc Shotguns cùng Cao Phi Long, Hoàng Liêm, Đan Hà; và hội nhập vào làng sản xuât băng nhạc 1972. Elvis Phương mới được biết đến từ đó (1969). Tuy vậy Ngọc Chánh không cho mình đã tạo ra tên tuổi Elvis Phương, anh chỉ có công “lăng xê” còn giọng hát của Elvis Phương là do thiên phú hay từ môi trường văn nghệ học đường mà thành công.

Các lò đào tạo ca sĩ ngoài những môi trường để dễ dàng “lăng xê” gà nhà, nhưng muốn lăng xê một ca sĩ còn phải qua nhiều cửa ải khác, như tìm một nhạc phẩm thích hợp với giọng ca để ca sĩ chọn làm bài hát tủ như người ta thường ví đo ni đóng giày.

Bài hát tủ như khi nghe Phương Dung hát chỉ có bài Nổi Buồn Gác Trọ là nổi bật, nghe Túy Hồng biết đang hát nhạc của Lam Phương (cũng là chồng của Túy Hồng), nghe Thanh Thúy lúc nào cũng có bản Ngăn Cách của Y Vân, Thanh Lan với các ca khúc Bài không tên cuối cùng của Vũ Thành An hay Tình khúc… của Từ Công Phụng, Lệ Thu với Nữa hồn thương đau của Phạm Đình Chương, Thái Thanh thì chỉ có Dòng Sông Xanh nhạc Việt hóa của Phạm Duy, Khánh Ly ngoài những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, thường tìm cho mình con đường mới là hát nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao. Phương Hồng Quế với Phố Đêm, Những chuyện tình không suy tư của Tâm Anh v.v…

Sau khi ca sĩ có những bài hát tủ, các lò còn phải nhờ báo chí viết bài ca tụng tán dương, bỏ tiền cho các tạp chí lên ảnh bìa hay nhờ báo chí cho đứng tên một mục thường xuyên nào đó như phụ trách trang nhi đồng, giải đáp tâm tình, trả lời thư tín, nhưng các ông bầu đào tạo thường trao đổi ca sĩ cho nhau giữa các show truyền hình truyền thanh, vì ít tốn kém và hiệu quả, tạo đến tai nghe mắt nhìn cho khán thính giả một cách thực tế, được chú ý hơn.



Một Phương Hồng Quế có thời gian chiếm lĩnh trọn vẹn trên truyền hình, từ show này đến show khác, được phong tặng ”Tivi Chi Bảo“, giữ trang Vườn Hồng, Họa Mi trên báo Tin Điển, Chuông Mai, Trắng Đen, Đồng Nai, Hòa Bình cùng Phương Hồng Hạnh.

Nhưng ai có biết Nguyễn Đức đã bỏ ra bao nhiêu tiền để Phương Hồng Quế, Phương Hồng Hạnh dược như thế? Chị em Thanh Thúy, Thanh Mỹ giữ mục Trả lời thư tín trên báo Tiếng Dân, sau này cô em út là Thanh Châu trên báo Trắng Đen v.v…

Tất cả chỉ là cái tên trên báo, vì đã có người làm giúp viết giúp và lãnh tiền giúp, đó là những ngón nghề lăng xê ca sĩ từ các lò “đào tạo ca sĩ”. Đa số các lò nhạc chỉ thích lăng xê “nữ ca sĩ ” hơn nam vì có nhiều lý do, nhưng lý do dễ hiểu nhất đa số… các ông thầy đều có máu dê.

Có một giai thoại, người ta đồn một nhạc sĩ gốc mật vụ đệ tử Trần Kim Tuyến thời Ngô Đình Diệm, rất thích các nữ nghệ sĩ, muốn cô nào từ ca sĩ đến kịch sĩ là nhờ bọn đàn em mời về cơ quan hứa hẹn dành cho họ nhiều ưu đãi trong nghề nghiệp với điều kiện cho ông ta được ”thưởng thức“, sau đó giữ bí mật chuyện giữa ông ta với nàng.

Chuyện bí mật đó là gì? Trước đó tức trước khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, có lần ông nhạc sĩ mật vụ còn cao hứng đòi lấy một nữ kịch sĩ làm vợ, khiến cô nàng sợ quá vọt trốn ra nước ngoài sống mấy năm mới dám về Sài Gòn hoạt động kịch nghệ trở lại (cũng nhờ ra nước ngoài mà sau này được trọng vọng thành người thân cộng).

Không phải người nữ nghệ sĩ này không khoái ông sĩ quan mật vụ, mà không khoái khi nghe ông bầu show là quái kiệt Trần Văn Trạch của “Đại nhạc hội một cây” nói đến tính bất lực của ông ta. Vậy mà sau này có những con thiêu thân “ca sĩ mầm non” đang bán phở hủ tíu, chấp nhận cho ông ta được “thưởng thức” để có môi trường trở thành nữ danh ca..

TOÀN CẢNH TÂN NHẠC MIỀN NAM

Bước vào những năm 63 – 70 của thập kỷ trước, phong trào Kich Động Nhac và Nhạc trẻ bắt đầu xâm nhập mạnh, các ca khúc lãng mạn hay lá cải gần như chìm lắng nhường cho nhạc ngoại quốc được Việt hóa, lý do bộ thông tin & tâm lý chiến bấy giờ ra lệnh các nhạc phẩm VN phải có lời mang tính ca tụng người lính hay tính chiến đấu.

Những nhạc phẩm sặc mùi chiến tranh tâm lý chiến như Lính dù lên điểm, Người ở lại Charlie, Đám cưới nhà binh, Hoa biển, Anh không chết đâu em, Câu chuyện chiếc cầu đã gãy, Kỷ vật cho em, Mùa thu chết v.v.. ra đời.

Loại kích động nhạc, nhạc VN tâm lý chiến có Trần Trịnh viết cho Mai Lệ Huyền lúc đó đang còn sống chung (sau Mai Lệ Huyền lấy một đạo diễn trên Đài truyền hình số 9 rồi mới vượt biên), hát cặp với Hùng Cường thuộc loại ăn khách.

Nhật Trường – Trần Thiện Thanh viết cho chính anh cùng với Thanh Lan. Còn Khánh Ly, Lệ Thu chỉ nỉ non hát những bài của Phạm Duy như Mùa Thu Chết, Kỷ vật cho Em, Giọt mưa trên lá… Các nhạc sĩ khác không có nhạc phẩm mới chỉ cho ca sĩ nhai đi nhai lại các bài hát cũ.


Vì vậy nhạc Pop Rock – Việt hóa ăn khách do không nằm trong lệnh của bộ thông tin & tâm lý chiến. Những ca khúc trữ tình như Hởi người tình La-ra nhạc phim Dr.Zivago, Roméo Juliette, Giàn thiên lý đã xa, Khi xưa ta bé, Lịch sử một chuyện tình… được ra đời. Trước đó xuất hiện cùng những ca sĩ ban nhạc Black Caps, Les Vampires, Rockin Stars, The 46, Fanatiques, Spotlights, và phong trào Viet Hóa như Phượng Hoàng, Mây Trắng (Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Trung Hành, Elvis Phương), CBC (Bích Liên), Crazy Dog (Những đứa con của cặp nghệ sĩ Việt Hùng – Ngọc Nuôi với Ngọc Bích đầu đàn) Ba Con Mèo (có Vi Vân, Julie và Mỹ Hòa), Tú Hà Thúy (Anh Tú, Khánh Hà, Thuy’ Anh) và những ”thủ lãnh” phong trào lúc đó là Nhac Trẻ: Trường Kỳ, Tùng Giang, Đức Huy, Kỳ Phát, Nam Lộc.


Nên phải nói rằng nền ca nhạc ở Sài Gòn từ những năm 60 đến 75 mới thực sự có nhiều điều để nói, vì trước đó thời TT Ngô Đình Diệm cấm mở khiêu vũ trường, nên sinh hoạt tân nhạc còn trong phạm vi thu hẹp chỉ có Đài phát thanh, Phòng trà và Đại Nhạc Hội. Trong thời gian này có Ban Thăng Long với Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh, Thái Hằng, nhạc hài hước có Trần Văn Trạch, song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hay Thúy Nga với tiếng đàn phong cầm (sau thành vợ Hoàng Thi Thơ), Duy Trác, Bạch Yến, Thanh Thúy, Minh Hiếu, Phương Dung, Ánh Tuyết, Cao Thái…

Do thiếu hụt ca sĩ, các tay tổ chức Đai Nhạc Hội thường đưa vào các tiết mục múa của Lưu Bình, Lưu Hồng, Trịnh Toàn, kịch nói chưa phát hiện ra Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Vân Hùng… chỉ có những nghệ sĩ gần đứng tuổi như Phùng Há, Bảy Nam, Năm Châu, Ba Vân, Bảy Nhiêu, Hoàng Mai, Anh Lân, Kim Lan, Kim Cúc, Túy Hoa, Xuân Dung hay cua-rơ Phượng Hoàng Lê Thành Cát (một kịch sĩ nghiệp dư) chiếm lĩnh sân khấu cùng kịch sĩ đất Bắc như Lê Văn, Vũ Huân, Vũ Huyến…

Thời gian 1965 – 1975 giới thưởng thức tân nhạc bắt đầu chia khán giả cho từng loại ca sĩ:

- SVHS thì thích những giọng hát của Thanh Lan, Khánh Ly, Lệ Thu, Xuân Sơn, Anh Khoa, Jo Marcel, Sĩ Phú, Paolo Tuan, Elvis Phương bởi khi hát có chọn lọc nhạc phẩm mang tính nghệ thuật cao cấp.

- Đại đa số quần chúng lại thích nghe Thanh Thúy, Minh Hiếu, Phương Dung, Thanh Tuyền, Túy Hồng, Nhật Trường, Thái Châu hát những nhạc phẩm bậc trung nẳm giữa nghệ thuật và thị hiếu.

Còn lại các ca sĩ như Chế Linh, Duy Khánh, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Phương Hồng Quế, Sơn Ca, Giang Tử, Trang Thanh Lan, Thanh Hùng, Trang Mỹ Dung, Thiên Trang hát các bài được soạn theo kiểu tiểu thuyết lá cải như Chuyện tình Lan và Điệp, Nhẫn cỏ cho em, Đồi thông hai mộ, Rước tình về với quê hương … được giới bình dân ưa thích (gọi là “nhạc sến”), cho nên giới sản xuất băng nhạc bấy giờ rất kén ca sĩ hát cho nhãn băng nhạc, nếu nhãn băng nhạc nào có những Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Thanh Lan v.v… thì sẽ không có những Chế Linh, Giao Linh, Trang Mỹ Dung, Giang Tử, Duy Khánh v.v…


Khán thính giả đã phân chia hạng bậc ca sĩ nhạc phẩm để thưởng thức. Ông bầu Ngọc Chánh liền cho ra nhiều nhãn hiệu băng mong chiếm trọn thị trường, vì làm băng nhạc phải nhạy bén với lớp người thưởng ngoạn do đã phân chia ra từng lớp:

- Shotguns dành cho lớp người có trình độ thưởng thức cao.

- Nhãn băng Thanh Thúy dành cho mọi tầng lớp khán thính giả.

- Nhãn băng Hồn Nước có Chế Linh, Duy Khánh, Trang Mỹ Dung, Phương Hồng Quế v.v…

- Phục vụ thành phần cao niên hoài cổ có băng nhạc Tơ Vàng của Văn Phụng Châu Hà, quy tụ những ca sĩ di cư từ đất Bắc như Duy Trác, Châu Hà, Kim Tước, Thái Thanh, Sĩ Phú qua những nhạc phẩm tiền chiến của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Dương Thiệu Tước, Nghiêm Phú Phi, Phạm Duy, Phạm Đình Chương… vừa có nhạc tiền chiến vừa có nhạc hiện đại của những nhạc sĩ tên tuổi.

- Tầng lớp SVHS có nhãn bang hiệu Shotguns, Khánh Ly, Jo Marcel để nghe nhạc phẩm Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Y Vân, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Ánh 9.

- Giới bình dân có rất nhiều nhãn hiệu băng như Hoàng Thi Thơ, Họa Mi, Hồn Nước, Chế Linh, Âm Thanh, Trường Sơn, Nguồn Sống qua nhạc phẩm Châu Kỳ, Mạnh Phát, Anh Việt Thu, Đỗ Lễ, Trầm Tử Thiêng, Vinh Sử, Tú Nhi, Hàn Châu, Song Ngọc, Duy Khánh, Thanh Sơn, Y Vũ, Trần Trịnh, Tâm Anh, Đynh Trầm Ca…

- Nhạc trẻ có nhóm Trường Kỳ, Tùng Giang, Kỳ Phát đều có nhãn băng nhạc riêng, riêng kiosque của chị em Thúy Nga (không phải vợ Hoàng Thi Thơ) lúc đó chỉ chuyên sang nhạc đĩa nhac Ngoai Quốc nước ngoài mang nhãn Selection hay Anna / Hon Hoang.

Thế giới ca nhạc Saigon đã phân chia thứ bậc theo sự thưởng ngoạn, ca sĩ cũng được phân chia ngôi thứ rõ ràng, đó là đặc tính của tân nhạc miền Nam ngày trước… tháng 04 /1975.

CẶP TRỊNH CÔNG SƠN & KHÁNH LY

Từ ngày tôi viết báo và làm báo đến ngày Sài Gòn “đứt phim” nhiều lần tôi viết về Trịnh Công Sơn, dù đến bây giờ giữa tôi và họ Trịnh chưa một lần tiếp xúc, có lẽ vì Trịnh Công Sơn quá cao ngạo thường nghĩ mình là cái “rún” của nền âm nhạc Việt Nam từ trước và sau 1975, đồng thời họ Trịnh còn phân biệt địa phương chỉ thích giao tiếp với người gốc Huế hay gốc Bắc di cư 1954 sau này 1975, còn người làm báo miền Nam (ngày xưa có hai phe báo Nam báo Bắc, có cả 2 nghiệp đoàn ký giả Nam Bắc khác nhau), họ Trịnh tỏ ra không mặn mà để giao tế hay tiếp xúc.

Tôi nhớ vào khoảng năm 1964-65 phong trào Sinh Viên Học Sinh xuống đường đang bộc phát mạnh từng ngày. Ngày nào SVHS cũng xuống đường đòi xé Hiến chương Vũng Tàu của tướng Nguyễn Khánh, rồi một Quách Thị Trang nữ sinh trường Bồ Đề (Cầu Muối) ngã xuống do lạc đạn tại bồn binh chợ Bến Thành trong một đêm đầy biến động với lựu đạn cay và cả tiếng súng thị oai của cảnh sát bót Lê Văn Ken, và từ đó nổi lên phong trào hát du ca, toàn ca khúc phản chiến.

Cũng từ đó quán cà phê Văn được hình thành trên một bãi đất gò rộng lớn, bãi đất này từ thời Pháp từng được dùng làm khám lớn còn gọi bót Catinar bên hông pháp đình Sài Gòn. Bãi đất được chính quyền Nguyễn Khánh mà mị ve vuốt cấp cho SVHS làm trụ sở Tổng Hội Sinh Viên do Lê Hữu Bôi, Nguyễn Trọng Nho đang lãnh đạo phong trào SVHS xuống đường, để đổi lấy sự yên tĩnh cho thủ đô.

Quán cà phê Văn nằm sau trường Đại Học Văn Khoa, lúc đó do nhóm sinh viên đang theo học tại đây dựng lên và đặt thành tên gọi, được đông đảo anh chị em SVHS ủng hộ hàng đêm cả ngàn người đứng ngồi trên bãi cỏ, mở đầu nghe phong trào hát du ca của cặp Trịnh Công Sơn – Khánh Ly qua những Ca khúc Da Vàng.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly mới từ Đà Lạt vào Sài Gòn. Phong cách biểu diễn của Khánh Ly lúc đó rất bụi, chân đất, miệng phì phà điếu thuốc Salem và hát những bài do Trịnh Công Sơn sáng tác và đệm đàn. Bấy giờ người ta đã đặt cho Khánh Ly cái tên “ca sĩ cần sa”, “tiếng hát ma túy” v.v… vì giới SVHS thời đó, nhất là giới nữ chưa thấy một ai dám cầm điếu thuốc hút phì phèo nơi công cộng như thế, xem như một cuộc cách mạng trong giới trẻ.




Trước thời gian này họ Trịnh tuy đã có nhiều sáng tác nhưng chưa được ai biết đến như bài Ướt mi, Lời Buồn Thánh, Xin mặt trời ngủ yên (liên hoàn khúc) chưa hội nhập được vào giới ca sĩ phòng trà. Nên biết rằng, ca sĩ thời đó thường hát các nhạc phẩm của những nhạc sĩ đã thành danh như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Mạnh Phát, Châu Kỳ, Văn Phụng, Lê Dinh, Anh Bằng, Y Vân, Lan Đài… những nhạc phẩm mang tính đại chúng, còn nhạc và tên tuổi của họ Trịnh hãy còn quá xa lạ với mọi người; các ca sĩ không dám hát sợ rằng khán thính giả sẽ tẩy chay khi hát những nhạc phẩm của người không tên tuổi.

Lúc đó Khánh Ly cũng như Trịnh Công Sơn đều chưa có chỗ đứng trong sinh hoạt tân nhạc, khán thính giả chỉ biết đến những ca sĩ như Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương, Châu Hà, Duy Trác, Ngọc Cẩm, Nguyễn Hữu Thiết, Hoài Trung, Hoài Bắc hoặc trẻ trung như Thanh Thúy, Minh Hiếu, Phương Dung v.v…

Khi được giới SVHS chào đón trên bãi đất Văn, bấy giờ Trịnh Công Sơn – Khánh Ly mới được mọi người để ý, bởi lời nhạc và cung cách biểu diễn của cả hai đang cách tân truyền thống cũ; nhưng tiếp đó cặp Vũ Thành An – Thanh Lan rồi Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên tuy đi sau nhưng lại nổi đình nổi đám cũng từ phong trào hát du ca này. Các nhạc sĩ sau soạn nhạc cũng dành cho giới trẻ cho tầng lớp người mới có kiến thức. Lời nhạc không rên siết bởi tiếng bom đạn mà rất du dương tình tứ đến lãng mạn gieo đến tâm hồn người nghe ngọn gió mới.

Sau đó quán cà phê Văn đâm ra “hắt hủi” cặp Trịnh Công Sơn – Khánh Ly, vì tính theo tần suất ái mộ, giới SVHS bắt đầu thích nghe “Những bài không tên”, “Bây giờ tháng mấy”, “Áo lụa Hà Đông” hơn “Gia tài của mẹ”, “Ca khúc da vàng” v.v…

Các nhạc sĩ trẻ Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên đã khai phá nguồn gió mới cho quán Văn, ngược với dòng nhạc và phong cách sáng tác nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn chống chiến tranh. Lúc này giới trẻ SVHS cảm thấy dòng nhạc của các nhạc sĩ trên có lời ca rất lãng mạn trữ tình luôn qua tiếng hát của Thanh Lan. Chính vì vậy Thanh Lan có nhiều lợi thế hơn Khánh Ly vì được giới SVHS ủng hộ đông đảo hơn, một phần do Thanh Lan là sinh viên Văn Khoa và cà phê Văn như sân nhà. Sau đó còn có cặp ca nhạc sĩ Lê Uyên và Phương v…v…



Trịnh Công Sơn – Khánh Ly bắt buộc phải chuyển thể theo trào lưu, không hát nhạc phản chiến, cả hai muốn lấy lại tư thế “người của mọi người” nên chuyển đề tài qua tình ca như dòng nhạc của Vũ Thành An, Từ Công Phụng hay Ngô Thụy Miên; và Diễm Xưa lại được Khánh Ly thể hiện xem như ca khúc lãng mạn của Trịnh Công Sơn nhằm đối kháng với “Những bài không tên”, “Bây giờ tháng mấy”, “Áo lụa Hà Đông”, sau Diễm Xưa tiếp tục với Lời Buồn Thánh, Mưa hồng, Biển nhớ, Tình xa, Một ngày như mọi ngày…

Nói như vậy cho thấy Trịnh Công Sơn đi trước về sau qua những bản nhạc tình.

Cuối cùng tôi gặp Trịnh Công Sơn vào trưa ngày 30/4/75 tại Đài phát thanh Sài Gòn. Trưa hôm ấy có lẽ Trịnh Công Sơn muốn đến kêu gọi giới văn nghệ sĩ (vì vẫn coi mình là cái “rún” của nền âm nhạc miền Nam?) bình tĩnh và ủng hộ chính quyền quân quản, còn tôi đến để lấy tin làm báo, vì tờ báo tôi được uỷ quyền còn ra đến số báo đề ngày 2/5/75. Và đúng như bài của Trịnh Cung viết về Trịnh Công Sơn, trưa đó họ Trịnh chẳng nói được lời nào sau micro, còn Tôn Thất Lập có nói gì với họ Trịnh không thì tôi “bó tay” do lúc này ở phòng thu người chật như nêm, ai cũng muốn chen vào muốn “có tiếng nói” làm “ông kẹ ba mươi tháng tư” kể cả tên mặt rô ở chợ Cầu Muối cũng có mặt muốn kêu gọi bạn hàng chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối hợp tác với ban quân quản.


Sau ngày 30/4 ai cũng thấy rõ chiến tuyến của họ Trịnh và Khánh Ly. Quả thật Trịnh Công Sơn phản chiến vì thân cộng, còn Khánh Ly lại thuộc thành phần chống cộng. Có người hỏi tại sao Khánh Ly lại ra đi không cùng họ Trịnh ở lại để hưởng phước lộc trong xã hội chủ nghĩa, khi cả hai từng có công trạng gián tiếp xúi giục mọi người phản chiến, thanh niên trốn quân dịch; vì cả hai như cặp bài trùng?

Khi hỏi cũng đã có câu trả lời, vì khi phong trào du ca không còn tồn tại, chỉ còn nhóm “Hát cho đồng bào tôi nghe” của Nguyễn Đức Quang, Miên Đức Thắng, Tôn Thất Lập “hát chui” ở đâu đó. Còn Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã tách ra thành hai, bởi cả hai đâu phải đôi “thanh mai trúc mã”, một người bị chứng bất lực còn một người đang tràn trề sinh lực của lứa tuổi thèm yêu.


Trước đó Khánh Ly đã ấy một đại úy biệt kích to con lực lưỡng làm chồng, còn là một bảo kê cho phòng trà khiêu vũ trường của vợ trên đường Nguyễn Huệ (Queen Bee) sau chuyển qua đường Tự Do (Khánh Ly). Do vậy Khánh Ly phải xa họ Trịnh để đến đất nước của Nữ thần tự do, còn nếu ở lại với lý lịch lấy chồng sĩ quan ngụy quân sẽ bị trù dập “ngóc đầu lên không nổi”.

Tuy vậy khi qua Mỹ, Khánh Ly không còn nhớ đến người chồng biệt kích còn đang học tập cải tạo ở quê hương, liền lấy ngay một ký giả từ Sài Gòn cũng vừa di tản để cả hai tiếp tục hô hào chống cộng.

Còn Trịnh Công Sơn, khoảng thời gian mười năm sau ngày Sài Gòn “đứt phim”, họ Trịnh lại bắt đầu nổi tiếng (?), còn tại sao nổi tiếng khi Trịnh Công Sơn chỉ có những bản nhạc “nhạt như nước ốc” sáng tác cổ động cho phong trào thanh niên xung phong hay học đường theo huấn thị của ông Sáu Dân, việc này mọi người đã biết tôi không nói thêm nữa.

Sự trở lại với nền âm nhạc sau nhiều năm vắng bóng để Xuân Hồng, Trần Long Ẩn… làm mưa làm gió, nên mọi người còn nhớ Trịnh Công Sơn và báo chí lại đưa tên tuổi họ Trịnh lên chín tầng mây. Và mặc dù bị chứng bất lực nhưng cũng có vài con thiêu thân chịu sa ngã để được “dựa hơi”, mong “hơi hám” của họ Trịnh sẽ cho mình chút hư danh, như cô ca sĩ HN vừa loé lên đã tắt lịm, bởi nhạc cũ họ Trịnh thì chưa được hát còn nhạc mới lại nhạt nhẻo chỉ dành cho thiếu nhi hay hát vào mỗi lúc hô “khẩu hiệu”mà thôi.

Biết rằng nhạc không còn hồn, không còn sôi nổi cuốn hút người nghe như thời trước 1975, Trịnh Công Sơn mở quán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch tức đường Duy Tân cũ, rồi bắt đầu vẽ hươu vẽ nai rồi nhờ mấy tên ký giả cà phê “lăng-xê” nét vẽ không thua gì những Phạm Cung, Trịnh Cung… có người đòi mua cả vài ngàn đô?!. Vậy là hết cuộc đời âm nhạc để rồi chết vì nghiện rượu, mà tác phẩm để lại được mọi người còn nhớ đến toàn nhạc phẩm của những ngày trước 30/4. 

Nguyễn Việt

lundi 3 août 2015

20 ĐIỀU BẠN CẦN GHI NHỚ ĐỂ CÓ MỘT CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN

Ai trong chúng ta cũng mong muốn sống một cuộc đời thành công và hạnh phúc, nhưng điều đó không phải tự nhiên mà có được. Nếu bạn muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hãy ghi nhớ 20 điều dưới đây:



1. Bạn sinh ra không phải để làm hài lòng tất cả mọi người. Vậy nên đừng quá bận tâm tới những gì người khác nói về bạn, hãy cứ là chính mình.


2. Nếu bạn muốn đạt được những thứ bạn chưa từng có, bạn phải làm những điều bạn chưa từng làm.

3. Nếu bạn tin rằng những đường chỉ tay nói lên số phận của bạn thì bạn cũng đừng quên rằng, chúng cũng chỉ nằm trong lòng bàn tay bạn mà thôi.

4. Cuộc sống luôn cho bạn cơ hội thứ hai. Nó được gọi là ngày mai.

5. Toàn bộ đại dương cũng không thể làm đắm được một con tàu trừ khi nước ngập vào trong. Tương tự, toàn bộ những gì tiêu cực trên đời cũng không thể nào hạ gục được bạn trừ khi bạn cho phép nó thấm vào người mình.

6. Hãy học cách trân trọng những gì bạn đang có trước khi thời gian dạy cho bạn biết trân trọng những gì bạn đã từng có.

 
7. Chính trải nghiệm chứ không phải thứ gì khác, là thứ làm nên con người bạn.

8. Hãy ở bên người làm cho bạn cười, ngay cả khi bạn mệt mỏi, không vui.

 
9. Đừng vội vàng từ bỏ người mà bạn yêu thương, bởi tình yêu đâu phải ai cũng may mắn tìm được nhau.

10. “Hãy đếm số tuổi của bạn bằng số bạn bè, chứ không phải số năm. Hãy đếm cuộc đời của bạn bằng nụ cười chứ không phải những giọt nước mắt.” – John Lennon


11. Không có ai hoàn hảo cả. Đó là lý do tại sao bút chì có cục gôm.

 
12. Thứ đắt giá nhất trên đời này là lòng tin. Để có được có khi cần rất nhiều thời gian, nhưng để đánh mất thì chỉ cần vài giây ngắn ngủi.
 

 
13. Một cái đầu đầy nỗi sợ hãi sẽ không còn chỗ trống cho những ước mơ.

 
14. Tiền xu luôn gây ra tiếng động, nhưng tiền giấy lại luôn im lặng. Bởi vậy, khi giá trị của bạn tăng lên, hãy giữ cho mình khiêm tốn và ít nói đi.

15. Đôi khi bạn phải tự mình đứng dậy và bước tiếp, bởi không ai làm điều đó thay bạn đâu.

16. “Tôi không biết chìa khóa của thành công là gì, nhưng tôi biết chìa khóa của thất bại là cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người.” – Bill Cosby

 
17. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.” – Trịnh Công Sơn [Để gió cuốn đi]

 
18. Mỗi ngày hãy sống như thể đó là ngày cuối cùng của bạn.

 
19. Khóc cũng sống, cười cũng sống. Tại sao ta không chọn nụ cười để sống?

 
20. Thứ quý giá nhất đối với mỗi người không phải là tiền bạc hay địa vị,… mà chính là sức khỏe. Bởi vậy, hãy quan tâm tới sức khỏe trước khi quá muộn bạn nhé!

Nghệ thuật Tha thứ


image

Dù không có sự tha thứ trọn vẹn, họ vẫn có lợi nhờ biết tha thứ một phần. Nếu cảm thấy khó tha thứ, hoặc muốn tha thứ mà không biết bắt đầu từ đâu, xin bạn hãy thử áp dụng 7 cách này:


1. Vi mô. Luyện tập tha thứ những lỗi nhỏ của người xa lạ - chẳng hạn bị tính gian mất vài ngàn đồng, bị “chơi gác” một chút… Dần dần, bạn sẽ có thể tha thứ những lỗi lớn hơn một cách dễ dàng hơn.

2. Giải thoát. Tự vượt qua nỗi thất vọng và kiềm chế cơn giận đối với người thân và bạn bè, hoặc những người mà mình tín cẩn. Nhờ vậy, bạn thấy “mạnh mẽ” hơn và rồi bạn cũng sẽ được nhận biết. Bạn vẫn có thể để tình cảm của mình tự do mà không hề giận dữ, không dùng ngôn ngữ hoặc ngữ điệu “khó nghe”, và bạn sẽ không phải hối tiếc về sau. Phương pháp “hả giận” cũng có hiệu quả - như đấm vào gối bông, bỏ đi chỗ khác, những tuyệt đối không đập phá đồ đạc hoặc “đá mèo, khoèo rế”. Nếu không tức giận tột độ, bạn hãy đọc sách báo. Đừng “giận cá chém thớt” như phóng xe bạt mạng, chửi “đổng” (chửi cho hàng xóm nghe, cho trời đất nghe)… Đó là cách biểu lộ tiêu cực và “hạ cấp”, nên tránh!

3. Chứng minh. Nếu thực sự cần thiết, bạn hãy viết thư hoặc gởi email (nếu ở xa), hoặc gặp trực tiếp để tìm hiểu sự thật bằng cách nói ôn hòa và tích cực xây dựng, chứ không nguyền rủa hoặc chỉ trích “đối phương”. Chẳng hạn, “Tôi cảm thấy…” hoặc “Tôi không hiểu…”. Hãy diễn tả sự ảnh hưởng đối với bạn vì cách xử sự của người kia, đồng thời bày tỏ thiện chí “đàm phán” để có thể giải quyết vấn đề ổn thỏa, gọi là “dĩ hòa vi quý”.

4. Mặc nhiên. Đối với tội loạn luân, cưỡng dâm và các tội phạm khác, nạn nhân có thể tránh né tha thứ trực tiếp, vì việc gặp nhau để “đối chất” sẽ… không an toàn! Thật vậy, không cần “đối diện”. Đó là sự tha thứ mặc nhiên. Người được tha thứ có thể không nhận ra lỗi và không bao giờ biết mình được tha thứ. Ví như người say rượu không biết mình nói gì hoặc nghe gì. Điều quan trọng là bạn đừng để cho cơn giận dữ lộng hành, vì không ai ngu dại đến nỗi căng buồm ra khơi khi trời đang giông tố!

5. Lắng nghe. Nếu đối diện với người làm tổn thương mình, bạn hãy lắng nghe và chỉ nói về những gì bạn đã nghe. Làm như vậy, bạn sẽ bắt đầu có cách nhìn khác và dễ dàng tha thứ hơn. Im lặng và lắng nghe, đó là cửa mở rộng đưa bạn thanh thản bước vào vùng bình yên của sự tha thứ tuyệt vời.

6. Suy tư. “Nhân vô thập toàn”. Con người luôn bất túc và bất trác. Hãy đợi đến lúc lòng mình lắng xuống, chọn khung cảnh yên tĩnh và suy tư. Chắc chắn bạn sẽ đủ sáng suốt để có thể quyết định đúng đắn, không gì tốt hơn là yêu thương và tha thứ. Suy tư là cách hữu hiệu để nhận biết chính mình và thông cảm với những người xung quanh. Đừng bao giờ quên: “Tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính”.

7. Hướng thiện. Nhờ hướng tới Chân-Thiện-Mỹ và tương lai, bạn có thể sớm đạt tới “đích” tha thứ. Hai chị em tị nạnh nhau về việc chăm sóc người mẹ bệnh tật. Cô ở gần than phiền về gánh nặng vất vả và hàng ngày phải lo cơm nước và thuốc thang cho mẹ, đích thân làm đủ thứ. Cô ở xa chỉ gửi tiền về, lâu lâu mới đến thăm được. Cô ở gần thì bực tức và luôn gắt gỏng. Cô ở xa thì chỉ biết im lặng và bỏ qua tất cả để giữ tình chị em. Một câu nhịn, chín câu lành. Thời gian là bằng chứng hùng hồn nhất.


Sự hướng thiện sẽ dẫn tới sự tha thứ, và sự tha thứ dẫn tới sự bình an tâm hồn. Sidney Simon nói: “Sự tha thứ làm cho bạn cười nhiều, có thể cảm nhận sâu xa, và trở nên liên kết với người khác nhiều hơn”. Chính sự tha thứ là thần dược mau chữa lành vết thương lòng. Vả lại, chính lúc mình tha thứ là lúc mình được thứ tha.


Tuy nhiên, tưởng cũng nên xác định rằng “tha thứ không có nghĩa là quên”. Có lẽ hơi… “khó nghe” chăng? Không đâu. Chúng ta không thể quên nỗi đau hoặc điều thiệt hại, và cũng không nên quên, vì bị lừa lần một thì không do lỗi mình, nhưng bị lừa lần hai thì do lỗi mình. Chính những “kinh nghiệm đau lòng” đó dạy chúng ta đừng bị lừa thêm lần nữa – còn được gọi là “kinh nghiệm xương máu”. Ở một góc độ nào đó, giống như “một sự bất tín, vạn sự chẳng tin” là vậy. Con chim bị bắn hụt một lần rồi thì nó sẽ khôn hơn.

Không để bị lừa lần nữa và không lừa ai, đó là những người khôn ngoan. Tha thứ là việc khó nhưng vẫn khả thi, càng khó thực hiện thì việc đó càng có giá trị cao. Bị khiêu khích mà không giận thì hoặc là kẻ tiểu nhân, hoặc là người quân tử và cao thượng. Sự tha thứ luôn luôn cần thiết, vì có tha thứ thì mới có thể tái lập hòa bình và bình thường hóa quan hệ – ở mọi cấp độ khác nhau. Đôi khi rất cần một lời xin lỗi! Xin mượn lời Kinh Thánh để kết: “Không chỉ tha bảy lần mà tha bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha thứ mãi mãi. Không tha thứ, đó là người ích kỷ! Xin chúc mừng nếu bạn là người vị tha. Nếu chưa, cố gắng thêm thì rồi bạn sẽ thành công – và chắc hẳn được mọi người nể trọng.

P.Anh -N.Nga sưu tầm

vendredi 31 juillet 2015

Lê thị Thái Tần làm thay đổi thế giới công nghệ ở Sillicon Valley

LÊ THỊ THÁI TẦN
Việt Trinh

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgpNhYyfhTCWoZ1ITGep_9UR6CCDqq1oXsPODMmpcNWsIe5KIHJGrkBcoTxNnj1eXqGJOb45uyxfCyN28YIJmQkVDldD8kW7O3az254IEHSfRSt0zsfCTPwO999wnh14_H9w6sn4gPxq4A/s1600/TanTTLe.jpg

Cô gái Úc gốc Việt thay đổi cả thế giới bằng công nghệ
Chỉ mới 16 tuổi, Tan Le đã được nhận vào Đại học Monash rồi tốt nghiệp loại ưu chỉ trong vòng 3 năm ở cả hai ngành Luật và Thương mại.
Năm 1998, lần đầu tiên tại Úc, một nữ sinh viên gốc Việt 18 tuổi đã đạt danh hiệu “The Young Australian of the Year”, giải thưởng thường niên dành cho một cá nhân ưu tú dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất trong xã hội.
Cô gái ấy tên là Lê Thị Thái Tần (Tan Le), vị Chủ tịch trẻ nhất của Trung tâm Dịch vụ Nhân lực Việt - Úc. Ở tuổi 15, Tần đã lãnh đạo nhiều nhóm thiện nguyện giúp đỡ hàng trăm dân nhập cư tìm việc và ổn định cuộc sống trên đất Úc.
Dù bận rộn với cộng đồng nhưng cô vẫn hoàn thành xuất sắc chương trình trung học ngay từ tuổi 16, vào thẳng Đại học Monash, giành học bổng toàn phần của KPMG để học 2 ngành Luật và Thương mại.
Đến tuổi đôi mươi, sự nghiệp của Tần đã vững vàng khi cô là một luật sư của hãng luật hàng đầu thế giới FreeHills, vừa đảm nhận nhiều chức vụ trong Chính phủ Úc và liên tục được mời làm đại sứ của nhiều chuyến đi ngoại giao.
Song kỳ lạ là 12 năm sau, cả thế giới lại dồn sự chú ý cả vào Tần như ngôi sao khởi nghiệp sáng nhất tại Thung lũng Sillicon, Mỹ.
Từ năm 2003, cô đồng sáng lập Emotiv System cùng Ðỗ Hoài Nam với ý tưởng dùng ý nghĩ và cảm xúc để điều khiển thiết bị điện tử. Đến năm 2010, ý tưởng đó thành hiện thực với chiếc mũ đọc sóng não EPOC của Emotiv System gây sốt toàn cầu, thu về hơn 10 triệu USD.
EPOC hiện được ứng dụng rộng khắp các lĩnh vực như trò chơi điện tử, nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh liên quan đến não bộ.
Khát khao được công nhận
Rời Việt Nam từ khi 4 tuổi, Tần cùng gia đình đến Úc bắt đầu cuộc sống mới hệt như nhiều dân nhập cư khác: nghèo khổ và túng thiếu. “Chúng tôi thường mang hai đôi tất. Chủ yếu là chiếc này để bịt lỗ thủng của chiếc kia,” Tần hồi tưởng nhưng đói khổ không ám ảnh cô bằng sự ghẻ lạnh của bạn bè cùng lớp. Tần từng chờ đợi giờ học trôi qua nhanh để trốn vào thư viện một mình. “Con bé gầy rộc đi vì nỗi sợ đó”, mẹ Tần nhớ lại.
Hoàn cảnh đó lại nảy sinh trong Tần hai phản ứng thú vị. Một mặt, cô tự nhủ “ta sẽ vượt qua tất cả các người” bằng cách ép mình học. Kết quả là cô học xuất sắc đến mức kết thúc sớm chương trình học hơn so bạn đồng lứa. Chỉ mới 16 tuổi, cô đã được nhận vào Đại học Monash rồi tốt nghiệp loại ưu chỉ trong vòng 3 năm ở cả hai ngành Luật và Thương mại.
Mặt khác, “Tần quan tâm đặc biệt về tác động của cộng đồng lên mỗi cá nhân”, thầy giáo tiếng Anh Ruth Willis nhận xét. Chính môi trường cô lập ấy đã vô tình nung nấu trong Tần khát vọng kết nối cộng đồng. Cô hạ quyết tâm “thay đổi nước Úc thành một nơi tốt đẹp hơn để sống và làm việc”.
Kể từ lớp 9 (15 tuổi), Tần không còn trốn trong thư viện nữa mà nhiệt tình bước ra giúp đỡ cộng đồng nhập cư tại vùng Footscray (phía tây Melbourne). Trong vòng 4 năm sau đó, Tần đã được bầu làm Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại vùng Footscray và Trung tâm Dịch vụ Nhân lực Việt - Úc, chuyên hỗ trợ dân nhập cư tìm việc và ổn định cuộc sống trên đất khách.
Sau 15 năm, xứ người mà Tần tìm mọi cách hòa nhập ấy cuối cùng đã đón nhận cô. Chính người dân Úc đã bầu cô là gương mặt trẻ tiêu biểu nhất của quốc gia họ vào năm 1987. Cuộc đời và cống hiến của cô gái Việt trở thành phim tư liệu lưu ở Bảo tàng Úc cho thế hệ trẻ noi theo. Riêng cô đã nhận ra rằng “à một kẻ không được thừa nhận vẫn ổn. Thậm chí tôi xem đó là một món quà. Là kẻ được thừa nhận, bạn dễ dàng chấp nhận thành kiến bao quanh. Riêng tôi lại bị đẩy ra nhưng đối mặt với chúng không chút sợ hãi”.
“Đứa con” Emotiv System
Qua những chuyến công tác xã hội và hoạt động ngoại giao ở nhiều nước, Tần gặp gỡ nhiều người sống theo đam mê hơn vì mưu sinh. Nghề luật sư không còn là mảnh ghép khớp với lựa chọn của cô gái đa tài này nữa.
Năm 2003, cô táo bạo rời Úc đến Thung lũng Silicon, Mỹ cùng 3 người bạn mở ra công ty Emotiv System. Tần tin công nghệ là cách nhanh nhất để thay đổi cả thế giới. Emotiv System ấp ủ ý định cho ra đời những thiết bị điều khiển mọi thứ bằng suy nghĩ và cảm xúc của con người.
Đội ngũ Emotiv System mất 7 năm trời nghiên cứu sản phẩm đầu tiên là Emotiv EPOC, nâng cấp từ công nghệ đo điện não (EGG).
Năm 2010 đánh dấu bước ngoặt lớn cho cả Emotiv System và cả nền công nghệ thế giới. Emotiv EPOC ra đời như một chiếc mũ EGG nhỏ gọn kèm với 16 nút điện cực ghi lại mọi hoạt động trong não và cử chỉ gương mặt.
Giả sử bạn muốn kéo rèm cửa, suy nghĩ này sẽ truyền tín hiệu trong não được ghi vào EPOC. Lần tới, khi ý định kéo rèm xuất hiện trong đầu, đường truyền lần trước ngay lập tức thông qua EPOC ra lệnh cho máy tính kéo rèm từ xa thay vì kéo tay hay bấm nút.
Ngoài ra, mấu chốt khiến Emotiv EPOC trở nên thông dụng vì nó chỉ tốn khoảng 300 USD, rẻ gấp nhiều lần so với một chiếc máy EGG hàng chục triệu USD ở phòng thí nghiệm. Emotiv EPOC bắt đầu được ứng dụng rộng rãi trong y học (cho phép bệnh nhân điều khiển xe lăn bằng suy nghĩ hoặc giao tiếp dễ dàng hơn với người thân) hay nguồn cảm hứng mới cho trò chơi điện tử.
Trong khi Emotiv EPOC đang thành tâm điểm trên thế giới, Tần vẫn chưa dừng lại.
Năm 2013, sản phẩm thứ hai Emotiv Insight đã gọi vốn thành công hơn 1,6 triệu USD trên Kickstarter, dự kiến ra thị trường vào cuối 2015. Đi kèm tính năng đã có với Emotiv EPOC, Emotiv Insight nghiêng về ứng dụng y học.
Thiết bị này có thể thu thập và phân tích hoạt động trong não từng ngày để phát hiện sớm nhất các dấu hiệu bệnh lý hay chấn thương. Ngoài ra, dữ liệu thu thập từ người dùng trên khắp thế giới sẽ thành nguồn nghiên cứu não bộ lớn nhất từ trước đến nay.
Với Tần, mảnh ghép Emotiv Insight liệu có là miếng ghép cuối cùng? Tần nhìn nhận ứng dụng đã mở ra chân trời mới trong công nghệ: “Những gì chúng tôi làm chỉ mới chạm vào phần nổi của vô vàn ứng dụng khác mà thôi!”.

Hồng Công chuyển 

jeudi 30 juillet 2015

Phép lạ của Đức Mẹ, 28-07-2015 tại đại học Sherbrooke

Phép lạ của Đức Mẹ,

28-07-2015,

Mai Trinh **

Gia đình chúng tôi đi chơi từ Montréal đến Sherbrooke, đường đi khoảng 2 giờ lái xe, đi ngang qua Lac Memphré de Magog, nơi nổi tiếng đẹp với cảnh thiên nhiên, hùng vĩ với núi-đồi và thơ mộng với sông-nước, dừng chân chụp hình và cho các con vui chơi nơi parc gần Plage de Magog, rồi lại lên đường tiến thẳng đến Université de Sherbrooke.

Cỡ 6:30pm đến nơi, đậu xe bên kia đường, trước faculté de Génie, nơi mà anh Ngọc ra trường và tôi học 1 năm tại đây trước khi về lại Montréal vô trường Nha Khoa trước đây đúng 20 năm. 

Trở lại chốn cũ với bao kỷ niệm đẹp của thời sinh viên. Anh Ngọc và gia đình đi bộ qua bên kia đường để chụp hình, các con tôi theo sau. Tôi thì vừa cúp phone với chồng để báo tin chúng tôi đã đến nơi bình an, loay hoay đang gỡ seat belt cho cô bé út 2 tuổi, thì nghe một tiếng BOUM thật thật thật mạnh, Mẹ tôi hét thất thanh: "thôi chết rồi"...như một phản xạ tự nhiên, chưa kịp mở seat belt cho con bé thứ 5, tôi lao ra đường, thì đúng lúc đó, con bé gái thứ 4 của tôi, 7 tuổi, đang đi qua đường thì bị xe auto đụng mạnh thẳng vào người, văng ra phía tôi. Tôi ôm con trong vòng tay với tư thế i chang như Đức Mẹ ôm Chúa Giêsu trong tay, gần 2000 năm trước, dưới chân Cây Thánh Giá. Con bé ngồi xõng xoài đôi chân, giày văng mãi ra thật xa, khóc to và luôn miệng "mama, mama", kêu thảm thiết. Tôi, bình tĩnh khác thường, ôm con, một tay ôm sau đầu, bàn tay đẫm máu chảy từ đầu xuống và tay kia tôi không ngừng làm dấu Thánh Giá cho con từ đầu xuống tới chân, để dâng đứa con yêu quý của mình cho Chúa Mẹ gìn giữ...

 Anh chàng sinh viên lái xe tông con tôi quá sợ hãi đã thành thật tả lại cảnh và nhận là anh ta lỗi 100%, vì anh chàng đã lo nhìn về phía gia đình Anh tôi đang chụp hình, thay vì nhìn trước mặt, vì vậy đã không thấy và tông thẳng vô con tôi khi con bé đang vô tư đi qua đường trên những vạch kẻ sẵn, đừơng dành riêng cho người đi bộ...

Con gái cả của tôi, 11 tuổi, thì nhìn cảnh tượng em mình bị một tai nạn quá lớn như vậy, đã không ngừng khóc trong run rẩy sợ hãi. 

Mẹ tôi, chị dâu tôi thì miệng không ngừng đọc từ kinh này đến kinh kia, làm chuỗi Lòng Thương Xót Chúa. 

Anh tôi lo trả lời cảnh sát và cùng Bố tôi để mắt coi chừng nhiều những đứa cháu khác...

Ở tỉnh nhỏ, xa thành phố lớn, nên gọi xe cứu thương cũng khá lâu, cỡ 15 phút sau họ mới tới. Nhưng trong thời gian đó, có một chị y tá qua đường, thấy vậy, chị dừng xe và xuống giúp tôi khám tay chân cho con tôi. Và tôi mừng thầm vì tay-chân con bé coi bộ vẫn nhúc nhích được... bình thường. Chúng tôi, bây giờ lo ngại nhất là cái đầu, cổ, và xương sống. Nơi đầu thì máu vẫn còn rỉ.

Làm các thủ tục cần thiết và tôi cùng con lên xe cứu thương chở đến bệnh viện nơi có département de traumatologie gần nhất: CHUS Fleurimont. Trên xe, tôi nghẹn ngào phone nói chuyện với Bố bé cho biết tin và để đến với bé ngay, vì hôm nay Bố bé đi làm, nên không cùng đi với chúng tôi. Cùng lúc, liên lạc với Cha quản nhiệm, nhờ Ngài hiệp ý cầu nguyện cho cháu và xin Ơn chữa lành. Hung tin con tôi bị tai nạn cũng được nhanh chóng lan ra cho toàn thể đại gia đình chúng tôi. Và mọi người đã cùng chúng tôi khẩn khoản nguyện xin Bình An cho đứa con thân yêu.

Tôi vẫn nói chuyện thường xuyên với bé để biết bé vẫn tỉnh táo và hiểu biết mọi chuyện xảy ra chung quanh bé. Thời gian trôi qua, dần dần bé đỡ sợ hơn, đỡ khóc hơn, nói chuyện  rõ ràng hơn, hỏi thì bé trả lời là còn đau ở đầu và đau ở bụng.

Khi xe cứu thương đến được bệnh viện thì équipe de traumatologie đã chờ bé sẵn, họ làm một loạt các tests, chụp hình, examens...

Bé nằm yên, không được cử động trên giường bệnh, nhưng bắt đầu vui vẻ, nói cười như một bé Bảo-Châu dễ thương của Bố Mẹ hằng ngày. Cùng Mẹ đọc kinh Lạy Cha để cảm tạ Thiên Chúa. Bé hát bài Ave Maria, bài hát mà bé sẽ dâng hoa vào ngày 16/8, Lễ Đức Mẹ Lavang tại giáo xứ. 

Trong khi chờ đợi kết quả, Mẹ hỏi chuyện bé nhớ gì lúc tai nạn xảy ra? Bé nói, bé chắc chắn có nhìn đường không có xe, trước khi bước qua bên kia đường. Và vô tư hồn nhiên như một thiên thần bé nhỏ, bé kể chuyện là lúc đó có Đức Mẹ ôm bé vào người. Đức Mẹ thật đẹp và Đức Mẹ mặc áo màu hồng. Một trùng hợp kỳ diệu: tên Thánh của bé là Marie-Rose! 

Bé bắt đầu được ngồi lên, đi-lại và cử động bình thường. Mọi kết quả thử nghiệm đã có. Bác Sĩ báo cho gia đình là mọi khám xét bình thường. Sau 4 tiếng giữ lại tại nhà thương, bây giờ bé có thể ra về. Bé cùng gia đình hân hoan ra về, dù trên người có vài chỗ trày trụa ngoài da không đáng kể và một vết rách nhỏ trên đầu đã được dán lại và máu đã hoàn toàn hết chảy.

Đại gia đình chúng tôi tin đây thật là một phép lạ của Đức Mẹ, hơn thế nữa, đây là một Đại Phép Lạ, Chúa-Mẹ đã làm cho gia đình của tôi và cho đại gia đình của chúng tôi. Để nói lên Tình Yêu vô biên, vô điều kiện và liên lỉ của Ngài.

 Chúng tôi Tôn Vinh Danh Thiên Chúa,

Chúng tôi Ngợi Ca Thiên Chúa,

Chúng tôi Cảm Tạ Thiên Chúa.

Và chúng tôi xác tín là Đức Mẹ đã cầu bầu trước mặt Thiên Chúa, để con chúng tôi được cứu.

Chúng con dâng lời Cảm Tạ Mẹ.

Ghi khi đang trên xe trở về lại Montréal, 12:49 AM, 29-07-2015.


Lê Đình Mai Trinh.

**Gởi đến các anh chị  và thân hữu một điều lạ mới xảy ra ngay trong sân đại học Sherbrooke hôm thứ ba 28-07  vừa qua. Mẹ của cháu bé bị tai nạn là Mai Trinh tác giả bài viết  mà KĐ cũng đã biết khi cô học ở Sherbrooke cách đây 20 năm.