jeudi 13 février 2014

Nghệ Thuật Nấu Bếp và Ăn Uống của Người Việt (GS Trần Văn Khê)

 

Người Á Đông vốn ăn uống điều độ và hài hoà hơn người phương Tây. Nhưng khi nói đến Việt Nam thì thế giới luôn ngưỡng mộ bởi sự kết hợp rất cân bằng và tinh tế. Nhật Bản và Trung Quốc cũng có những nét hay riêng trong ẩm thực nhưng làm sao bằng Việt Nam mình được đúng không:)

 Bài viết dưới đây là của GS Trần Văn Khê sẽ phân tích rõ những cái hay, những nét khác biệt của ẩm thực Việt so với Tàu. Hi vọng rằng “người Việt thì hãy ưu tiên xài hàng Việt”, đừng ham Fast food làm chi nha.


Cách đây hơn 30 năm, tại Paris, người bạn của tôi mở một hiệu ăn Việt Nam, nhưng có cả bếp Trung Quốc và bếp Việt Nam để phục vụ cho khách “cơm Tàu và cơm ta”. Hôm lễ khai trương, có mời đại diện báo chí, phát thanh, truyền hình Pháp đến dự cuộc họp báo. Có nhiều PV đặt câu hỏi : “Hiệu ăn này có thức ăn Trung Quốc và Việt Nam. Cách nấu ăn và thức ăn có chi khác nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam hay chăng?”. Anh bạn tôi mời hai đầu bếp Trung Quốc và Việt Nam ra hỏi thì hai người đều nói : “Khác lắm chớ! Cứ vào bếp coi chúng tôi nấu thì biết!”. Mà ký giả quá đông, không vào bếp được. Anh bạn tôi nói nhỏ với tôi : “Anh trả lời giùm tôi với mấy ông nhà báo câu hỏi của họ để còn khai tiệc lớn sau tiệc khai vị”.
Tôi họp các PV lại và nói :
“Các bạn muốn biết giữa Trung Quốc và Việt Nam có gì khác nhau trong nghệ thuật nấu ăn. Tôi xin đơn cử ra 3 điểm :

1/ Người Trung Quốc thường dùng bột mỳ
Người Việt Nam thường dùng bột gạo.
http://i2.wp.com/us.123rf.com/400wm/400/400/ifong/ifong1210/ifong121000010/15794755-wheat-ears-triticum-and-rice-plants-oryza-isolated-on-white.jpg
Do đó, khi người Trung Quốc nấu mỳ thì người Việt Nam nấu phở và hủ tíu. Người Trung Quốc ăn bánh bao thì người Việt ăn bánh đùm, bánh xếp, bánh bèo, bánh cuốn. Loại chả giò của người Trung Quốc làm bằng bánh tráng bột mỳ cuốn thịt, giá chiên dòn; chả giò của người Việt cuốn bằng bánh tráng bột gạo.

2/ Nước chấm của người Trung Quốc là nước xì dầu làm bằng đậu nành. Nước chấm của người Việt là nước mắm làm bằng cá.
http://i2.wp.com/www.citypassguide.com/sites/default/files/styles/slideshow/public/gallery-attractions/PT-Attr-FishSauceFactory3.jpg?resize=603%2C332

3/ Khi trộn các gia vị, người Trung Quốc thường ưa trộn “chua – ngọt”, người Việt trộn “mặn – ngọt”.
http://i2.wp.com/www.epicurious.com/images/articlesguides/diningtravel/goingglobal/vietnamese.jpg

Còn nhiều điểm khác nữa, nhưng tôi nghĩ 3 điểm đó tạm đủ để các bạn thấy qua cái khác nhau trong nghệ thuật ẩm thực giữa người Trung Quốc và người Việt”.
Các nhà báo đều thích thú và đăng lên các báo câu trả lời của tôi.

Mấy ngày sau, một PV trở lại hiệu ăn tìm tôi và nói : “Ông Tổng biên tập của tôi bảo tôi tìm ông hỏi thêm vài câu, vì hôm trước, ông có nói còn những điểm khác nhau mà ông mới chỉ đưa ra 3 điểm. Vậy ông có thể cho chúng tôi biết còn điểm nào khác nhau nữa chăng?”.
“Hôm nay, tôi có thể nói thêm về 3 điểm khác. Trong cách nấu ăn thì có 3 món chính, ngoài các thứ gia vị. Đó là thịt, cá và rau.

1/ Thịt thì người Trung Quốc và Việt Nam đều có thịt quay, thịt nướng, thịt kho, thịt hầm, thịt chà bông, thịt dồn lạp xưởng
Nhưng người Việt Nam còn dùng thịt sống, ướp muối, tỏi, thính, gói bằng lá vông để làm nem chua mà người Trung Quốc không có.

2/ Cá thì người Trung Quốc và người Việt Nam đều có các loại : cá chiên, cá hấp, cá kho, cá chưng, cá nấu canh, cá nướng trui, cá phơi khô v.v… nhưng cá làm mắm như người Việt Nam thì người Trung Quốc không có.
http://i2.wp.com/a9.vietbao.vn/images/vi955/2013/1/55518637-1359170715-mam-ca-Chau-Doc.jpg

Mắm là một thức ăn đặc biệt của vùng Đông Nam Á. Người Thái, người Khmer, người Phi Luật Tân đều có mắm. Nhưng mắm làm với đủ loại cá như cá lóc, cá sặc, cá cơm và các loại tép, tôm thì Việt Nam mới có. Các loại mắm : mắm Thái, mắm ruốc, mắm nêm, mắm hếch v.v… Người Việt có thể được coi là có nhiều sáng tạo trong cách chế biến các thứ cá thành mắm. Khi ra nước ngoài cũng có cách chế biến với các loại cá khác. Vợ một người bạn của tôi đã có cách “bỏ mắm” bằng cá mulet bên Pháp, ăn giống như mắm cá lóc Việt Nam.

3/ Rau thì người Trung Quốc và Việt Nam đều ăn rau luộc, rau xào, rau làm dưa. Người Việt thích ăn rau sống.
http://i0.wp.com/files.myopera.com/Anh-Em/albums/522085/rau%20song%201.jpg

Có rất nhiều loại rau sống, rau răm, húng cây, húng lủi, rau dấp cá, tía tô, các loại ngò, hành lá, rau om v.v… Các thứ rau đó cũng là những vị thuốc.
Đó là 3 điểm khác nhau giữa cách dùng thịt, cá, rau để làm bếp giữa người Trung Quốc và người Việt Nam.
Ngoài ra, người Trung Quốc khi nấu dùng lửa lớn, người Việt Nam thường nấu lửa riu riu.

* Người Việt Nam có cách ăn chi đặc biệt không?

Người Việt có 3 cách ăn :

- Ăn toàn diện :Tức là ăn bằng ngũ quan. Trước hết, ăn bằng con mắt : thức ăn được trình bày cho đẹp mắt, có nhiều màu sắc, hình thức hấp dẫn. 

Rồi đến ăn bằng mũi : có mùi thơm bốc lên từ thức ăn, từ nước chấm là nước mắm, từ những loại rau thơm, rau mùi hoặc nước cà cuống. Sau đó, răng chạm vào thức ăn mềm như bún, dai như thịt luộc, giòn như giá, như sứa, như cải. Có khi nhai những món giòn như đậu phộng, tai nghe tiếng lốc cốc. Không nghe từ bên trong như khi nhai đậu phộng hay bánh phồng tôm, mà còn nghe được âm thanh từ việc bẻ bánh tráng nướng “rôm rốp”. Sau khi thấy, ngửi, nhai, nghe, mới bắt đầu nếm và thưởng thức bằng lưỡi mùi vị của món ăn, như thế là ăn toàn diện.

- Ăn khoa học :Theo sự nghiên cứu của nhiều vị trong Đông y và đặc biệt của các chuyên gia Nhật Bản, có thể nói một cách tổng quát, món ăn mặn thuộc về dương, món ăn ngọt và chua thuộc về âm. Vì vậy, khi pha nước mắm (mặn = dương) thì có giấm (chua = âm) và đường (ngọt = âm). Như vậy là âm – dương cân bằng. Khi kho thịt kho cá có nước mắm, lại có thêm chút đường. Khi ăn món chi ngọt thì pha chút muối (dưa hấu ngọt thì thoa chút muối, xoài tượng chua thì chấm nước mắm v.v… ).

Ngoài âm – dương còn hàn nhiệt. Cá trê, cua đinh hay thịt vịt luộc thuộc về hàn nên ăn với nước chấm có pha gừng (nhiệt). Ăn mà nghĩ đến việc tìm quân bình giữa âm và dương, hàn và nhiệt là ăn khoa học.

- Ăn dân chủ : Các thức ăn dọn cả thảy lên bàn, thích món nào ăn món nấy, ăn ít – nhiều tùy khẩu vị và sức ăn của mình, không bị ép ăn những món mình không thích. Như vậy là ăn dân chủ. Đó là 3 nét chính. Ngoài ra còn có cách ăn bì cuốn, nem cuốn, ngày xưa chấm chung một chén nước mắm.
Cách ăn lễ phép, ăn coi nồi, ngồi coi hướng. Không ăn nhiều khi nồi cơm chủ nhà đã lưng”.
* Còn nghệ thuật nấu bếp của Việt Nam có theo nguyên tắc nào không?

Không có nguyên tắc nêu rõ. Thầy dạy nấu bếp chỉ dạy cho học trò nấu cho ngon, trình bày cho khéo. Nhưng xét kỹ thì có 3 nguyên tắc chính :

- Thứ nhất, người ăn thích “ăn toàn diện” thì nghệ thuật nấu bếp là làm vừa lòng người ăn. Vì vậy cũng phải nấu ăn cho vừa năm giác quan. Món ăn được trình bày cho đẹp mắt, tô canh, dĩa cá, dĩa rau đều có nhiều sắc màu cho vui mắt, cơm trắng, hột gà vàng, rau xanh, ớt đỏ, tiêu đen, kho thịt, kho cá, nước thịt, nước cá có màu chuỗi hổ. Nước canh phải trong chớ không đục. Món ăn phải có mùi thơm của thức ăn được xào nấu chớ không phải mùi tự nhiên. Vì vậy, kho thịt bò, thịt heo, kho cá cần hớt bọt cẩn thận cho nước trong mà không có mùi bò, mùi heo, mùi cá. Canh chua phải có mùi rau om, thịt bò kho hay nước phở có mùi hồi, bún thang có mùi cà cuống v.v…
Món ăn đặc biệt thường có trộn những món mềm, món dai, món giòn.
Nhiều món phải ăn với bánh phồng tôm, bánh tráng nướng, rắc đậu phộng rang, để chẳng những nhai thấy giòn, mà lỗ tai còn nghe tiếng rôm rốp, thích thú cho thính giác. Và lẽ tất nhiên, vị món ăn phải được nêm nếm cho vừa ăn, không quá mặn, quá ngọt, quá chua. Dầu cho là nấu canh chua, chớ chất chua phải vừa với vị mặn, vị ngọt, quá chua là mất ngon.

- Nguyên tắc thứ nhì là nấu ăn không đơn vị, mà là đa vị. Không có món ăn nào đơn thuần một vị. Chất mặn pha với chất ngọt, chất chua, pha trộn nhuần nhuyễn. Những món cuốn bánh tráng như nem nướng, cá nướng, thịt bò, ngoài giá giòn, rau xà lách, rau thơm còn có ớt cay, chuối chát, khế chua, chấm nước mắm pha giấm, đường, tỏi, ớt hay mắm nêm cũng pha chút đường hay tương ngọt trộn với nếp xay hay hột điều xay. Như vậy, một cuốn nem nướng, cá nướng hay thịt nướng đem đến cho người ăn 5, 6 vị khác nhau, mà tất cả đều hài hòa, không vị nào lấn vị nào.

- Nguyên tắc thứ ba là nấu ăn theo luật âm – dương cân bằng, hàn – nhiệt điều hòa. Không bao giờ để cho dương thiếu âm, âm thiếu dương. Khi mặn thì thêm ngọt, thêm chua cho vừa miệng, mà cũng tạo nên một sự quân bình giữa âm – dương, mà quân bình giữa âm – dương thường gặp trong Đông y, trong châm cứu, trong khí công, trong âm nhạc…

* Thưa giáo sư, ông có học trường nấu bếp nào chăng? Và học ở đâu?

- Ở Việt Nam có nhiều nơi dạy nấu bếp nhưng không có dạy theo những nguyên tắc nói trên. Tôi cũng không phải là một người đầu bếp chuyên nghiệp.
Tôi chỉ là một nhạc sĩ truyền thống, một nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học. Nhưng vì “méo mó nghề nghiệp”, nhìn mỗi vật, mỗi sự kiện thường hay phân tích, đối chiếu, tổng hợp rút ra những nguyên tắc, nguyên lý hay định luật sau khi nhận xét và suy tư. Nhưng tôi đã trình bày cách nhận xét ấy cho những người chuyên về nghệ thuật nấu bếp thì được các vị ấy cho là đúng.

Câu chuyện giữa nhà báo bên phương Tây với tôi như thế. Bạn đọc quen biết tôi có lẽ ngạc nhiên khi thấy tôi không nói về chuyện nghiên cứu hay diễn tấu nhạc, mà lại nói về chuyện ăn. Thưa các bạn, người Trung Quốc thường nói : “Dĩ thực vi thiên” (có người nói Dĩ thực vi tiên), coi chuyện ăn uống cao qúy như trời. Chúng ta có câu : “Có thực mới vực được đạo”, mà người Pháp cũng có câu : “Ventre affamé n’a pas d’oreilles”, ý nói : Bụng đói thì lỗ tai không còn biết nghe nữa.
Thế là việc ăn uống trở nên quan trọng.
http://i1.wp.com/www.mekongtraveltours.com/wp-content/uploads/2012/09/CanTho-floating-market-Mekong-delta-Vietnam.jpg?resize=680%2C453

Đứa trẻ mới lớn lên phải học “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, rồi đến “Ăn phải coi nồi, ngồi phải coi hướng”. Người Việt Nam thường thường để chữ “ăn” trước nhiều động từ khác như ăn mặc, ăn nói, ăn nhậu, ăn chơi, ăn thua, ăn quà, ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, ăn mày, ăn xin, ăn gian, ăn hại, ăn chịu, ăn vạ… Dạy chuyện đời cũng có nghĩ đến việc ăn uống như :

- Liệu cơm gắp mắm/ Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm
- Ăn trái nhớ kẻ trồng cây
- Uống nước nhớ người đào giếng
- Ăn chưa no, lo chưa tới
- No mất ngon, giận mất khôn
- Ăn thua đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau…

Trong lĩnh vực âm nhạc cũng thường cho cảm giác “nghe” thành cảm giác nếm như khen tiếng đờn của một danh cầm rất “ngọt”, chê giọng ca của một ca sĩ rất “chua”, rất “chát”. Cảm giác “thấy” cũng như cảm giác về việc đối xử cũng thành cảm giác “nếm” như nước da của một cô gái rất “mặn mòi”, cách đối xử tiếp khách của một người quá “lạt lẽo”, và mấy ai tránh khỏi cái “cay đắng” mùi đời.
Nước Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau có nhiều thức ăn, có nhiều cách nấu, mỗi vùng Bắc – Trung – Nam đều có những món ăn đặc biệt. Ngày trước, tôi vẫn nhớ có chả cá Lã Vọng, những loại nước chấm miền Trung, nem chua Thủ Đức và ngày nay, đất nước thống nhất, việc đi lại dễ dàng, người Việt gặp nhiều dân tộc khác nhau, nhưng cách ăn uống, nấu nướng vẫn còn giữ sắc thái dân tộc và nhiều du khách đến Việt Nam trong thời gian ngắn cũng như những người nước ngoài có dịp gần người Việt, sống tại nước Việt lâu năm cũng nhìn nhận rằng người Việt Nam có cách nấu ăn độc đáo, dễ làm vừa khẩu vị những người khó tính trong việc ăn uống.

Trần Văn Khê – T/c Du lịch TPHCM số 88/1998

Kim Hạnh sưu tầm

mercredi 12 février 2014

50 phụ nữ đẹp nhất thế giới

'Triệu đóa hồng' - câu chuyện tình lãng mạn vượt biên giới


 Ca sĩ Alla Pugacheva với đôi mắt xanh quyến rũ.

Đến với khán thính giả Liên Xô từ đầu thập niên 1980, giai điệu cùng câu chuyện tình đơn phương của họa sĩ nghèo trở thành khúc nhạc tình bất hủ, được nhiều người trên thế giới đồng cảm và đón nhận.
Trong tình yêu, sự lãng mạn vừa đủ làm duyên đôi lứa thêm nồng, tình thêm xanh thắm, ngọt ngào. Còn lãng mạn thái quá, không phù hợp với thực tế thì bị gọi là viển vông. Triệu đóa hồng là khúc ca buồn về sự lãng mạn nhưng có sức lay động lớn bởi sự chân thành, mộc mạc. Lời bài hát dựa theo câu chuyện tình yêu của chàng họa sĩ nghèo người Gruzia, Niko Pirosmani (1862-1918) và nàng ca sĩ người Pháp Magragita.
ni3-1480-1392198986.jpg
Chân dung họa sĩ Niko Pirosmani.
Niko Pirosmani sinh ra trong gia đình nông dân nghèo. Ông mồ côi từ bé và được hai người chị chăm sóc. Lớn lên, Pirosmani giúp việc cho các gia đình giàu có. Ngoài ra, ông từng làm nhân viên bến xe lửa, thợ sơn, người trông cửa tiệm... Pirosmani tự tìm hiểu về hội họa và tự học vẽ. Sau đó, ông kiếm sống bằng việc vẽ bảng hiệu, tranh chân dung... theo đơn đặt hàng.
Đến cuối đời, Niko Pirosmani vẫn là họa sĩ nghèo. Ông mất vào giữa năm 1918 vì thiếu dinh dưỡng và bệnh gan.
Niko Pirosmani cả cuộc đời cô đơn. Năm 25 tuổi, ông cầu hôn chị nuôi - một góa phụ tuổi 40 - và bị chối từ. Tháng 3/1909, các áp phích quảng cáo rầm rộ về bảy đêm diễn của cô ca sĩ phòng trà kiêm vũ nữ người Pháp Margarita. Niko ngay lập tức bị quyến rũ bởi nàng. Ông vẽ Margarita rồi điền ở dưới bức tranh dòng chữ "Anh yêu em". Đó là tình yêu không được đáp lại, dù Pirosmani dùng tất cả những gì mình có để bày tỏ tình yêu với nàng.
Người đời lưu truyền chuyện tình giữa họa sĩ và ca sĩ rằng, Pirosmani đã bán tất cả gia sản - kể cả căn nhà anh sinh sống - để mua một biển hoa tặng người anh yêu. Rồi buổi sáng, khi thức giấc, trông ra quảng trường trước nơi ở, ca sĩ nhìn thấy cảnh tượng và nghĩ có lẽ triệu phú nào đã làm việc này. Khi biết là anh họa sĩ nghèo, nàng đến gặp họa sĩ và tặng anh một nụ hôn. Đó là nụ hôn đầu tiên và duy nhất trong cuộc tình đơn phương của chàng họa sĩ. Kết thúc chuyến lưu diễn, ca sĩ lên tàu rời đi, cùng một người giàu có.
hoa-si-3948-1392198986.jpg
Bức tranh vẽ nàng Margarita.
Chuyện tình của Niko Pirosmani sau đó được ghi lại trong tiểu thuyết của K. G. Paustovsky. Andrei Voznesensky lấy cảm hứng từ câu chuyện đó sáng tác thơ, cũng chính Voznesensky từ bài thơ của mình, đặt lời cho nhạc của Raimonds Pauls, từ đó có bản Triệu đóa hồng.
Có anh họa sĩ sống một mình
Chỉ có một ngôi nhà nhỏ và những bức tranh
Anh mê đắm nàng ca sĩ yêu hoa.
Họa sĩ bán ngôi nhà của mình
Bán luôn những bức tranh
Rồi dùng trọn số tiền mua cả biển hoa.
Triệu, triệu, triệu bông hồng đỏ
Từ khung cửa sổ em có thấy
Người đang yêu, người yêu em thật lòng
Người đã biến cả cuộc sống của mình thành hoa để tặng em.
Buổi sáng khi em thức dậy đến bên khung cửa
Có lẽ em không ngờ tới
Ngỡ mình đang trong mơ
Quảng trường nhà em hoa lấp đầy.
Lòng em bối rối
Triệu phú nào làm một cách lạ lùng vậy?
Nhưng bên dưới cửa sổ chỉ có một hơi thở lẻ loi
Anh họa sĩ nghèo đứng đó.
Cuộc gặp gỡ thật ngắn ngủi
Chuyến tàu đêm mang nàng đi
Nhưng trong đời nàng có bài hát điên rồ về hoa hồng.
Họa sĩ vẫn sống một mình
Vất vả và đau đớn
Nhưng trong đời anh từng có một quảng trường đầy hoa.
Triệu, triệu, triệu bông hồng đỏ
Từ khung cửa sổ em có thấy
Người đang yêu, người yêu em thật lòng
Người đã biến cả cuộc sống của mình thành hoa để tặng em (*)
Sở dĩ nói Voznesensky đặt lời cho nhạc của Pauls bởi trước đó, Pauls sáng tác giai điệu và được Leons Briedis viết lời bằng ngôn ngữ Latvia, với tên gọi Marina tặng cho con (xem video). Bài hát nói về cô bé thuở ấu thơ được nghe mẹ hát một ca khúc, sau này khi lớn lên, cô hát tặng con gái giai điệu này. Nhưng chỉ khi Voznesensky viết lời bằng tiếng Nga với câu chuyện tình buồn, giai điệu như được thổi hồn mới, được chắp cánh để vượt ra khỏi biên giới một quốc gia.
Triệu đóa hồng gắn liền tên tuổi của nữ ca sĩ Alla Pugacheva. Năm 1983, với ca khúc này, Alla Pugacheva đoạt giải Bài hát của năm tại Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn Liên Xô (cũ). Đây trở thành một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất Liên Xô trong suốt thập niên 1980. Tại rất nhiều buổi biểu diễn của mình, khán giả cùng Pugacheva cất lời hát về chuyện tình chàng họa sĩ.
ca sĩ Alla Pugacheva
Ca sĩ Alla Pugacheva với đôi mắt xanh quyến rũ.
Trong giai thoại được kể lại, họa sĩ Niko Pirosmani tặng Margarita không chỉ có hoa hồng đủ sắc màu mà còn có cả kim ngân, huệ, anh túc, thược dược... Lời bài hát nhắc tới hoa hồng đỏ thắm - mang tính ước lệ để chỉ tình yêu. Bởi từ lâu, hoa hồng được ví là sứ giả của tình yêu, được nhiều dân tộc coi là quốc hoa. Hoa hồng cũng là đề tài thường thấy trong hoạt động sáng tác của nghệ sĩ. Họa sĩ Nga Alexei Antonov từng làm người xem mê đắm bởi những bức tranh đơn sơ, thanh tao và tinh khôi về hoa hồng, cho người xem cảm nhận được hương thơm ngát.
Hoa hồng trong tranh Alexei Antonov.
Hoa hồng trong tranh Alexei Antonov.
Hay trong nhạc Hoa ngữ, ca khúc 999 đóa hồng (ca sĩ Đài Chính Tiêu, xem video) cũng là tượng đài của những bản tình ca. Bài hát nói về sự cô đơn, buồn tiếc của chàng trai khi chia tay. Anh vốn trồng 999 cây hoa hồng cho người yêu. Chia tay rồi, hoa héo úa còn chàng trai tiều tụy. Con số 999 đóa hồng có ý nghĩa rằng tình yêu trao cho em là vĩnh cửu. Ngày nay, vẫn có không ít gã si tình dùng 999 đóa hồng bày tỏ tình yêu với người trong mộng.
P1010020-JPG-3709-1392198986.jpg
Có lẽ cũng chính nhờ hoa hồng, nhờ lòng yêu mến của con người trên thế giới với hoa hồng, bài hát Nga gần gũi hơn, dễ đi vào lòng người hơn. Phải chăng vì thế mà sự lãng mạn, si tình tới mức bán nhà mua hoa của chàng họa sĩ lại nhận được đồng cảm của người nghe đến vậy? Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng Nhật Bản (video), Anh (video), Hàn Quốc (video), Trung... và cả tiếng Việt. Ở Nhật Bản, đây được coi là biểu tượng của tình ca.
Triệu đóa hồng vang lên trong nhiều trường học, công trường... ở Việt Nam những năm 1980-90. Bài hát được nhiều chàng trai chọn là sứ giả, giúp họ thổ lộ tình cảm với người yêu. Triệu đóa hồng đến nay vẫn có sức lay động người nghe, dù vật đổi sao dời.
Hải Lan

mardi 11 février 2014

Bí mật khoa học về những người hạnh phúc nhất thế giới






Ước mơ trở thành người hạnh phúc nhất hành tinh sẽ không còn quá xa vời khi bạn áp dụng những bí kíp khoa học dưới đây...

Trong một bản thống kê của Mỹ, chỉ có khoảng 10% người được đánh giá là người hạnh phúc. Những người này cũng giống nhiều người khác, họ không thật đặc biệt. Nhưng họ lại có những bí mật để sở hữu một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ.
Hãy tìm hiểu về những bí mật ấy và chúng ta có thể học tập được gì để góp phần làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn…

1. Sức mạnh của những mối quan hệ

Điều gì hiện ra khi bạn quan sát cuộc sống của những người hạnh phúc, đó là tiền bạc, danh vọng, trí tuệ…? Qua phân tích, các nhà khoa học đã chỉ ra, lời giải cho câu hỏi đó chính là sức mạnh của những mối quan hệ.
Bí mật khoa học về những người hạnh phúc nhất thế giới
Nghiên cứu thực nghiệm tiến hành trên 1.600 sinh viên của ĐH Harvard đã chỉ ra điều đó. Sự hỗ trợ xã hội - sức mạnh của các mối quan hệ là một yếu tố dự báo hạnh phúc chính xác hơn bất kỳ yếu tố nào khác như điểm số, thu nhập gia đình, giới tính, tuổi tác hay chủng tộc.
Con số tương quan giữa hạnh phúc và sự hỗ trợ từ xã hội là 0,7. Con số này cho biết, có sự hỗ trợ xã hội càng nhiều, bạn càng hạnh phúc hơn.
Chưa hết, theo các nghiên cứu Grant (nghiên cứu trong suốt cuộc đời), các chuyên gia phát hiện ra rằng “khả năng yêu và được yêu là yếu tố duy nhất tạo nên sự hạnh phúc cho con người ở tuổi 80”. Vì vậy, ngay từ ngày hôm nay, hãy đầu tư vào các mối quan hệ bạn bè xung quanh, chắc chắn bạn sẽ thu được “quả ngọt” từ chúng.

2. Làm việc bận rộn

Ngay lúc này, chắc hẳn sẽ có nhiều người đang mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi. Điều đó đúng, nhưng có một thực tế cần biết rằng nghỉ ngơi quá nhiều sẽ trở thành một gánh nặng khiến cuộc sống bớt hạnh phúc hơn.
Các nghiên cứu tâm lý học ở người đều đưa ra cùng một kết luận: giữ cho bản thân bận rộn ở mức vừa phải chính là cánh cửa bí mật mở ra cuộc sống hạnh phúc.
Bí mật khoa học về những người hạnh phúc nhất thế giới
Giữ cho bản thân luôn bận rộn nhưng nụ cười vẫn nở trên môi
Để sở hữu được “bí kíp hạnh phúc” này, các chuyên gia khuyên chúng ta nên tích cực phát huy sở trường, thế mạnh của mình hàng ngày. Một cuộc điều tra trên 577 tình nguyện viên với yêu cầu thực hiện những sở trường của mình mỗi ngày suốt một tuần đã chứng minh kết quả trên.
Theo đó, tất cả các tình nguyện viên đều cảm thấy hạnh phúc hơn đáng kể, những dấu hiệu của trầm cảm suy giảm và cảm giác này kéo dài tới hơn một tháng sau đó.

3. “Không làm việc mình không thích!”

Chuyên gia Karl Pillemer thuộc ĐH Cornell (Mỹ) đã thực hiện một cuộc phỏng vấn về hạnh phúc với gần 1.500 người trên 70 tuổi. Kết quả là phần đông trong số họ đều đưa ra một nhận định: “Muốn hạnh phúc, đừng làm những việc mình không thích!”.


Làm những việc mình ghét là khởi nguồn của sự hối tiếc, ân hận sau này

Trong cuốn “30 Lessons for Living: Tried and True Advice from the Wisest Americans”, các nhà khoa học thêm một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của lời khuyên nói trên. Họ kết luận rằng, việc lãng phí thời gian vào những công việc bản thân không thích là nguyên nhân gây nên sự hối tiếc, bất hạnh cho mỗi người, và chỉ khi về già, con người mới nhận thức được sự thật ấy.
Đó là lý do vì sao nhiều người trẻ tuổi vẫn chấp nhận làm những công việc bản thân không thích hàng ngày, hàng giờ song không nhận ra được sự bất hạnh của bản thân.

4. Hạnh phúc không có nghĩa là có tất cả

Hạnh phúc là một cụm từ mơ hồ, vẫn có thể nhận thức được song không phải ai cũng hiểu đúng về nó. Tiền bạc, danh vọng, trí tuệ… không phải cứ có tất cả là có hạnh phúc.
Theo các nhà khoa học, hạnh phúc đơn giản chỉ là việc bạn có được những thứ bạn muốn và cần, dù bằng cách sử dụng tiền bạc hay được người khác cho.
Bí mật khoa học về những người hạnh phúc nhất thế giới
Tiền bạc...
Bí mật khoa học về những người hạnh phúc nhất thế giới
Quyền lực....
Bí mật khoa học về những người hạnh phúc nhất thế giới
Trí tuệ....
Bí mật khoa học về những người hạnh phúc nhất thế giới
...không đồng nghĩa với hạnh phúc.
Mặt khác, hạnh phúc không hoàn toàn đồng nghĩa với cái được gọi là “cuộc sống có ý nghĩa”. Người ta phát hiện rằng, những người thường “nhận” từ người khác sẽ hạnh phúc, trong khi những người “cho” đi lại có xu hướng sở hữu “cuộc sống có ý nghĩa”. Cả hai thứ đều quan trọng đối với con người và chúng ta cần cân bằng chúng. Không chỉ lúc nào cũng hướng tới hạnh phúc, con người cần biết sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Lý do là bởi “cuộc sống có ý nghĩa” giúp chúng ta khỏe mạnh và sống lâu hơn. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật thuộc trường ĐH Tohoku trong 7 năm trên 43.000 người trưởng thành (40-79 tuổi) đã chứng minh điều ấy. Cụ thể, những người có Ikigai (cuộc sống có ý nghĩa trong tiếng Nhật) sẽ sống lâu hơn những người khác khoảng 7 năm.

5. Biết cho đi vừa phải

Ai cũng biết làm tình nguyện, giúp đỡ những người xung quanh sẽ khiến cho bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng không phải ai cũng biết “liều lượng” làm tình nguyện như thế nào để hạnh phúc nhất.
Bí mật khoa học về những người hạnh phúc nhất thế giới
Con số được các nhà khoa học đưa ra là 100 giờ/năm, tương đương 2 giờ/tuần. Làm tình nguyện, giúp đỡ quá nhiều sẽ gây phản tác dụng, khiến con người trở nên lo lắng và căng thẳng hơn.
Từ thập niên 1960, thống kê trên 2.000 người Úc đã chứng minh rằng, người làm tình nguyện trong khoảng 100 - 800 giờ/năm sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn những người tình nguyện quá ít hoặc quá nhiều con số nói trên.


Theo PLXH
Nguồn

Phân loại 4 kiểu cảm xúc thật trên gương mặt con người



Nghiên cứu mới chỉ ra, những biểu hiện cơ bản về cảm xúc trên khuôn mặt của mỗi con người.
Con người là những sinh vật có khả năng thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt nhiều nhất. Nghiên cứu trước đây của tiến sĩ Paul Ekman đã chỉ ra, mỗi người chúng ta đều có thể biểu hiện 6 cảm xúc cơ bản trên khuôn mặt, đó là: vui, buồn, sợ hãi, tức giận, ngạc nhiên và ghê tởm.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc ĐH Glasgow (Scotland) đã thách thức quan điểm này, khi chỉ ra rằng, những biểu hiện trên khuôn mặt chúng ta chỉ dừng lại ở con số 4. Đó là: vui - buồn - sợ hãi (bao hàm cả ngạc nhiên) - tức giận (bao hàm cả sự ghê tởm).

Phân loại 4 kiểu cảm xúc thật trên gương mặt con người
Kết luận này được đưa ra sau khi các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm, xem xét thời gian mỗi cơ được kích hoạt trên khuôn mặt một người khi biểu hiện cảm xúc khác nhau.
Theo đó, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, trong số các biểu hiện trên khuôn mặt, hạnh phúc và nỗi buồn là được thể hiện rõ ràng, khác biệt nhất. Bên cạnh đó, sự sợ hãi, ngạc nhiên đều có tín hiệu chung - đôi mắt mở to. Tương tự như vậy, sự ghê tởm và tức giận đều có biểu hiện phần mũi nhăn nheo - tín hiệu đầu tiên cho thấy nhiều sự nguy hiểm cơ bản sắp diễn ra.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Rachael Jack cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra, không phải tất cả các cơ trên khuôn mặt đều xuất hiện đồng thời trong nét mặt, thay vào đó, nó phát triển theo từng mức độ, phụ thuộc vào thông tin người đó tiếp nhận".
Phân loại 4 kiểu cảm xúc thật trên gương mặt con người

Chưa dừng lại ở đó, giáo sư Philippe Schyns, tiến sĩ Oliver Garrod và tiến sĩ Hui Yu thuộc ĐH Glasgow sử dụng máy ảnh để chụp những bức hình 3D một khuôn mặt đặc biệt, có khả năng kích hoạt 42 cơ độc lập. Từ đây, máy tính sẽ dựa vào các mô hình 3D này xây dựng, bắt chước các biểu hiện khuôn mặt. Theo đó, tín hiệu của sự sợ hãi/ngạc nhiên và tức giận11:14:42/căm phẫn được thể hiện rõ ràng nhất.
Với những phát hiện này, các nhà khoa học dự định phát triển nghiên cứu bằng cách nhìn vào nét mặt của mỗi người ở nền văn hóa khác nhau để xác định, giải thích chính xác những cảm xúc được thể hiện.
Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Current Biology.
Theo PLXH
Nguồn

lundi 10 février 2014

Thăm Québec - Paris của Bắc Mỹ

Khi ghé thành phố Québec, Canada không khỏi khiến người ta lầm tưởng mình đang lạc lối ở tận trời Âu, Paris.
Khi bạn rảo bước trên những con đường đá sỏi quanh co, viếng một trong những bộ sưu tập bảo tàng đẳng cấp thế giới, những quán cà phê, quán ăn vỉa hè phục vụ bánh xèo, bánh sừng bò của Pháp và khắp mọi nơi người người nói tiếng Pháp mà cứ ngỡ mình đang ở Paris.
Lịch sử của thành phố Québec gắn liền với nhân vật nổi tiếng, Samuel de Champlain Louis - người thám hiểm và sáng lập thành phố đến từ Pháp. Vào những năm 1600, Samuel de Champlain Louis bắt đầu xây dựng thành phố Québec với mục đích biến nó thành lãnh thổ của thực dân Pháp ở Bắc Mỹ và cai trị cho đến khi qua đời. Thời gian sau đó xảy ra nhiều cuộc chiến tranh, quân Anh đánh bại quân Pháp và làm chủ lãnh thổ Canada, tuy mất quyền cai trị nhưng hơn nửa triệu người Pháp vẫn ở lại Québec, duy trì truyền thống văn hóa của mình và cùng với người Anh chung tay xây dựng thành phố phát triển bền vững cho đến ngày nay.
Thành phố nằm sau những bức tường của pháo đài với những tòa nhà cổ trải dài qua 4 thế kỷ (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20) này có diện tích 11 km2, với 95% trong tổng số 632.000 người nói tiếng Pháp. Thành phố được chia làm hai khu vực: thành phố ở trên cao và thành phố ở dưới thấp. Đây là một nét đặc biệt của Québec tạo nên vẻ đẹp độc đáo mà không nhiều thành phố trên thế giới có được và quần thể đô thị đầu tiên của Bắc Mỹ này được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1985.

Khám phá “Paris” của Bắc Mỹ từ khu vực thành phố ở trên cao

Lâu đài Fairmont Le Château Frontenac được người dân địa phương gọi đơn giản là lâu đài Frontenac, đây là trung tâm của thành phố và biểu tượng của quốc gia Canada. Lâu đài nằm ở một vị trí thuận lợi, trên đỉnh cao nhất của Mũi Kim Cương, được xây dựng vào những năm 1990. Lâu đài có cấu trúc giống với những tòa lâu đài của châu Âu vào những thế kỷ trước, với phần mái lợp bằng đồng vút nhọn.
 Ngày nay lâu đài là khách sạn cao cấp gồm có 650 phòng, là nơi nghỉ ngơi của nhiều vị nguyên thủ quốc gia khi viếng Canada. Lâu đài còn nổi tiếng là nơi chụp ảnh nhiều nhất trên thế giới, điểm độc đáo mang tính độc quyền của lâu đài là những bức tường được trang trí bằng tranh ghép khảm, lò sưởi và cầu thang làm bằng đá cẩm thạch có xuất sứ từ lâu đài Petit Trianon (Lâu đài nhỏ trong khuôn viên lâu đài Versailles dành cho nhân tình của vua Louis XV, Madame de Pompadour sinh sống).
Frontenac là một địa điểm tụ họp vui chơi được công dân Québec rất yêu thích. Họ thường viếng thăm lâu đài vào mỗi buổi trà chiều (thứ năm và thứ bảy) hay đến thưởng thức những thức uống hoa quả, rượu Martini nổi tiếng của Ý vào những buổi tối thân mật trong chuỗi khách sạn Winston Churchill , FD Roosevelt và Maurice Duplessis của lâu đài.
Chỉ một vài bước bên ngoài cửa khách sạn Frontenac là một lối đi lại lót gỗ rộng lớn dành cho mọi người tản bộ gọi là quảng trường Duferin mà được xem là tài sản quan trọng nhất của thành phố. Đối diện với lâu đài Frontenac, ở phía bên kia quảng trường Dufferin là bức tượng Samuel de Champlain cao 15 m - người chính thức khởi công xây dựng thành phố Québec. Đá dùng xây dựng lên bức tượng này giống với Khải Hoàn Môn của Paris.
Tản bộ xung quanh quảng trường Dufferin, du khách có thể ngắm nhìn một số công trình kiến trúc quan trọng như tòa thị chính được xây dựng từ năm 1896, nhà thờ Đức Bà được xây cách đây 350 năm, theo phong cách baroque, trường đại học Laval xây dựng năm 1949 (trường đại học Pháp ngữ đầu tiên ở Bắc Mỹ).
Khu vườn Governors là một không gian yên tĩnh, trong một màu xanh lá tươi mát, nằm liền kề lâu đài Frontenac. Trong thập niên 1640, khu vườn thuộc sở hữu riêng tư của thống đốc Charles Jacques Huault de Montmagny này luôn trong tình trạng kính cổng cao tường, nhưng ngày nay nó trở thành một khu vườn công cộng mọi người có thể viếng thăm.
Nhà Jacquet được xây dựng trong năm 1675, màu sắc chủ đạo của ngôi nhà là đỏ và trắng đặc biệt và nó được xem là ngôi nhà cổ nhất thành phố Québec. Tọa lạc tại số 34 đường Saint-Louis, hiện tại Jacquet là nhà hàng cổ của Canada.
Sau khi mở cửa vào năm 1639, tu viện là một trong những tổ chức lâu đời nhất của Québec. Hiện tại tu viện tiếp tục duy trì cơ sở giáo dục như những ngày đầu tiên thành lập, đó là một trường tu dành cho nữ.
Viếng thăm bảo tàng của tu viện du khách sẽ tận mắt nhìn thấy những sản phẩm thêu dệt bằng sợi vàng, bạc mịn màng và khéo léo của các nữ tu nơi đây.
Được khởi công xây dựng vào năm 1800, Holy Trinity được xem là thánh đường Anh quốc đầu tiên được xây dựng bên ngoài đất nước, tuy là thánh đường Anh quốc nhưng Holy Trinity lại mang hơi thở của Pháp, các tập tục tôn giáo truyền thống đều theo Pháp.
Tòa quốc hội là một công trình nguy nga, tráng lệ bao gồm bốn cánh đồ sộ, là một trong những ví dụ rõ ràng nhất của phong cách kiến trúc đế chế thứ hai của Bắc Mỹ (là một phong cách kiến trúc thịnh hành ở châu Âu và Bắc Mỹ trong khoảng thời gian 1865 – 1880).
Tòa quốc hội này còn được xem là thủ phủ của Québec, một di tích lịch sử quan trọng nhất đại diện cho thành phố. Ngoại thất ấn tượng của tòa quốc hội rất dễ dàng nhận thấy, mặt tiền được trang trí với 26 bức tượng bằng đồng vinh danh những con người đã giúp sức định hình xã hội Québec và đài phun nước Tourny đánh dấu lối vào cửa (đây là món quà kỷ niệm 400 năm ngày thành lập thành phố). Tham quan tòa quốc hội, bạn nên quan sát bảng chỉ dẫn đặt ở các hướng vào, bằng 4 thứ tiếng : Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý.
Đài quan sát quốc gia nằm ở độ cao 221 m. Đứng ở trên đài quan sát này ở tầng 31 thuộc tòa nhà Marie – Guyart, thông qua các bức tường bằng kính bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh quang ngoạn mục của toàn thành phố. Chiêm ngưỡng mê cung của những con phố, con sông nằm kề xung quanh những ngọn núi hùng vĩ.
Khám phá “Paris” của Bắc Mỹ từ khu vực thành phố ở dưới
Thành phố bên dưới náo nhiệt hơn thành phố trên cao vì nhiều cửa tiệm, hàng quán ở đây nhiều hơn, dân số đông hơn. Để tiếp cận khu vực thành phố bên dưới nhanh nhất người ta thường ngồi trong một chiếc ca-bin tuột dốc theo đường ray xuống, tại đây có thể tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông St Lawrence, với những chiếc tàu bè qua lại trên sông, nối thành phố Québec và Levis lại với nhau.
Tuyến đường sắt leo núi của thành phố Québec cổ có dây cáp kéo các toa được khai trương vào ngày 17/11/1879, là tuyến đường sắt cũ kết nối thành phố ở trên cao với các địa điểm của thành phố ở dưới bao gồm quận lịch sử Petit-Champlain, cảng và bảo tàng văn minh.
Một lộ trình luân phiên, nếu du khách không thích ngồi ca-bin theo đường ray tuột dốc, du khách cũng có thể đi bộ men theo con đường bậc thang có cái tên rùng rợn là "Thang gãy cổ".
Xuống bậc cuối cùng của thang gãy cổ là lối đi vào quận Petit Champlain, đó là một con đường ngắn, hẹp nhưng rất xinh đẹp và tấp nập người qua lại.
Con đường được lát đá cuội, hai bên có rất nhiều nhà hàng, quán xá mọc lên từ khi thành phố Québec được thành lập. Tất cả tòa nhà cổ đều được xây dựng theo kiểu châu Âu.
Mang trong mình bầu không khí lãng mạn phương Tây nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Petit – Champlian trở thành một điểm thu hút du lịch quanh năm ở Canada.
Đây là cảng lâu đời nhất ở Canada và lớn thứ hai ở Québec. Làm một chuyến du lịch bằng thuyền sang trọng trên sông với chiếc M/V Louis- Jolliet là một lựa chọn tuyệt vời cho du khách yêu miền sông nước.
Thành phố vừa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập bảo tàng nền văn minh. Đây là một bảo tàng danh tiếng nên vị trí của nó luôn đứng vững trên thế giới và tên tuổi thì liên tục được giới thiệu trong các cuộc triển lãm. Hiện triển lãm mang tên "Paris đẳng cấp thế giới ở thời kì tươi đẹp, Paris trong giai đoạn 1898 - 1914"  sẽ diễn ra vào ngày 23/2/2014 ở bảo tàng nền văn minh này. Đặc biệt là bản sao cấp cao của đỉnh tháp Eiffel được vẽ bằng hai màu đen, trắng mô tả lại thời kì tươi đẹp (chỉ một giai đoạn chủ yếu ở châu Âu từ khoảng cuối thế kỷ 19 cho tới năm 1914, trước khi nổ ra Thế chiến thứ nhất) của Paris nằm ở bảo tàng nền văn minh này.
Ngoài 12 địa điểm độc đáo ở trên khi viếng thăm thành phố Québec, du khách còn có thể tham gia vào các sự kiện văn hóa lớn như lễ hội Carnival mùa đông và lễ hội mùa hè, ở giữa hai mùa còn lại, thành phố Québec cũng tổ chức những lễ hội khác không kém phần sinh động, hấp dẫn như như lễ sum họp, lễ yêu thuật hay lễ hội hài hước. Vì vậy, khi du khách đến Québec vào bất cứ thời điểm nào trong năm cũng có thể thỏa sức khám phá văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc quyến rũ của một thành phố Paris trong lòng Canada trải qua 400 năm tuổi này.

Kỳ tích của hai anh em gốc Việt sống trong "khu ổ chuột" Mỹ


Câu chuyện về kỳ tích của hai anh em gốc Việt Jonny và George Huỳnh đã khiến cộng đồng người Việt trên toàn thế giới nghiêng mình khâm phục.
"Những cậu bé này là minh chứng gần gũi nhất mà tôi gặp về thứ mà chúng ta gọi là "giấc mơ Mỹ"", nhà báo Baker chia sẻ

Cha qua đời, mẹ bị bệnh thần kinh, phải vật lộn giữa "khu ổ chuột" Dorchester (thành phố Boston, bang Massachusetts,
Hoa Kỳ) để kiếm sống nhưng cả hai đã cùng đỗ vào những trường đại học danh tiếng bậc nhất cường quốc này.
Nói như lời Billy Baker - phóng viên báo The Boston Globe, một trong những phóng viên đầu tiên viết bài về hai anh em: "Bạn thấy đó, vấn đề không nằm ở chỗ bạn từ đâu đến, mà là bạn sẽ tiến xa được đến đâu".
Hành trình bước ra từ bùn lầy

Jonny và George Huỳnh sinh ra ở khu phố ổ chuột Dorchester (thành phố Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ), nơi
42% trẻ em phải sống trong đói nghèo và 85% chỉ còn cha hoặc mẹ. Cả hai may mắn hơn những đứa trẻ khác được sinh ra có cả cha lẫn mẹ, thế nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", cha của Jonny và George bị chứng rối loạn tâm thần, trong khi mẹ phải thường xuyên chống chọi với bệnh thần kinh. Khi hai anh em biết cảm nhận được cuộc sống xung quanh cũng là lúc tai họa ập xuống. Người cha bỗng dưng lên cơn, sau đó bỏ nhà ra đi, rồi một ngày cả nhà
nghe tin ông nhảy cầu tự vẫn.

Từ ngày người chủ gia đình qua đời, cả gia đình phải sống trong một ngôi nhà xập xệ, nơi từng là nhà kho, với thu nhập mỗi tháng 1.257 USD, là tổng giá trị các món trợ cấp. Giữa cái khu ổ chuột ngập ngụa cảnh cơ hàn, đầy rẫy các tệ nạn xã hội, hầu hết trẻ em không có đầy đủ cha mẹ đều bị sa vào nghiện ngập, trộm cắp.

Với những con người bình thường và thiếu bản lĩnh, họ có thể trượt ngã bất kỳ lúc nào. Thế nhưng, hai anh em George luôn tỏ ra khác biệt so với những đứa trẻ ở khu ổ chuột này. Vượt lên số phận, trong đầu hai anh em luôn ý thức và
tâm niệm rằng: "Giáo dục là nền tảng để có cuộc sống tốt hơn", Johnny nói.

Emmett Folgert, đại diện Hiệp hội Dorchester Youth Collaborative, người đã hỗ trợ cho hai cậu bé chia sẻ: "Với kinh nghiệm 30 năm làm việc với những đứa trẻ ở đây, tôi biết rằng George và Johnny đều đang sống trên mép vực và có
thể trượt ngã bất kỳ lúc nào".

Thế nhưng cả hai đã cùng đương đầu và tìm cách vượt lên số phận. "Ước mơ của em là có thể vào một trường đại học tốt, không phải phụ thuộc vào số tiền trợ cấp xã hội hàng tháng nữa và có thể sống theo cách riêng mà mình mong muốn", cậu bé George tâm sự.

Và niềm hy vọng của hai anh em chính là mái trường Boston Latin School, trường công lập đầu tiên và lâu đời nhất vẫn tồn tại ở Mỹ với những thành tích học tập xuất sắc. Đây cũng chính là ngôi trường mà Tổng thống thứ hai của Mỹ John Adams và Benjamin Franklin, một trong những người lập quốc, từng theo học. Ở cái nơi mà xã hội phân biệt giàu nghèo vô cùng ghê gớm, may mắn thay anh em George được nhận vào học. Hành trình đến lớp bắt đầu. Từ năm lớp 7, hai cậu bé đều đặn bắt xe buýt số 19 đến trường Boston Latin để theo học.

Chương trình học tại Boston Latin đạt chuẩn chất lượng cao và đòi hỏi học sinh phải vô cùng nỗ lực. Vậy mà cả hai đều
là những học sinh giỏi nhất trong lớp, đơn giản vì đó là cách duy nhất giúp các em có thể nhận được các hỗ trợ tài chính để duy trì việc học. Ngoài giờ học, cả hai còn đi làm gia sư cho những đứa trẻ gốc Việt trong khu vực kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Thành tích đặc biệt này đã lọt vào "mắt xanh" của Billy Baker - phóng viên báo The Boston Globe, một trong những
nhà báo đầu tiên viết về Jonny và George từ cách đây 2 năm. Trong khi đang lang thang trên những chuyến xe buýt xuyên thành phố Boston để viết về những mảnh đời cùng khổ, Baker đã gặp hai cậu bé tại "khu ổ chuột" Dorchester. "Tôi bắt đầu quan tâm sâu hơn đến các cậu bé. Tôi cảm thấy chúng cần tôi, nhưng hóa ra tôi cần chúng hơn", Baker nói.

Kỳ tích "chạm tay" vào "giấc mơ Mỹ"

Cũng từ đó, Baker trở thành người cố vấn cho hai anh em trong học tập cũng như cuộc sống. Chàng phóng viên yêu nghề chẳng khác gì người cha, đã ở bên Jonny và George, cố gắng khỏa lấp những rạn nứt trong cuộc đời hai cậu bé bằng những việc nhỏ nhoi. Anh mua những món quà hoặc những chiếc vé dự tiệc cho hai cậu bé.

Baker cũng hỗ trợ hai anh em trong việc học và động viên họ đạt đến mục tiêu cao nhất mà cậu có thể. Ngay sau khi
câu chuyện về hai cậu bé gốc Việt được đăng tải đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ từ các độc giả. Baker thậm chí mất hàng tuần để trả lời những email bày tỏ sự cảm thông với hai anh em gốc Việt.

Theo lời kể của Baker, cách đây ít lâu, tròn 2 năm sau ngày bài báo đầu tiên lên trang, anh đã nhận được tin nhắn của George (17 tuổi) thông báo mình đã được nhận vào học tại đại học Yale, một trong những viện đại học lâu đời nhất
Hoa Kỳ. "Khoảng sau 5h chiều thứ hai, điện thoại tôi có tin nhắn mới: Cháu đỗ rồi. Tôi đang ngồi trong phòng tin tức và mừng phát khóc", Baker kể. Anh tiết lộ sau đó đã đưa cậu bé đi ăn một bữa no nê để chúc mừng.

Yale là một trong những trường đại học thuộc tốp 8 trường danh tiếng nhất cường quốc này, sánh ngang cùng Harvard hay Princeton. Những nhân vật nổi tiếng xuất thân từ Yale có 5 Tổng thống Hoa Kỳ, 19 thẩm phán Tối cao Pháp viện
Hoa Kỳ, và nhiều nguyên thủ quốc gia nước ngoài. Yale cũng được mệnh danh là trường tuyển sinh gắt gao nhất nước Mỹ. Thế nhưng, cậu bé gốc Việt George đã đường hoàng bước vào bằng chính nỗ lực phi thường của mình.

Năm ngoái, anh trai của George là Jonny (19 tuổi) cũng trở thành một tân sinh viên của đại học danh giá Massachusetts Amherst (top 40 trường đại học công lập tại Mỹ - theo U.S. News & World Report's Best Colleges 2014). Khi đó, Baker
đã mang một chiếc tủ lạnh đến ký túc xá của Jonny tặng cậu.

"Những cậu bé này là minh chứng gần gũi nhất mà tôi gặp về thứ mà chúng ta gọi là "giấc mơ Mỹ", Baker nói. "Tôi tự hào được là một nhân chứng của câu chuyện này. Một điều gì đó thật khó tin đã xảy ra. Nhìn những đứa trẻ thành công từ hai bàn tay trắng là điều đặc biệt nhất mà tôi từng được chứng kiến với tư cách một phóng viên. Đúng thế, cháu đã làm được, chàng trai", Baker nói thêm.


Theo http://www.xaluan.com/

Kim Hạnh sưu tầm