jeudi 24 avril 2014

.Butterfly World Fort Lauderdale Florida







Sư Tử Có Ðôi Cánh


Khách du lịch đến thưởng ngoạn Venezia, một thành phố mơ mộng nằm trên sông nước và được làm tăng thêm vẻ đẹp bằng những công trình kiến trúc độc đáo cũng như bằng những tác phẩm nghệ thuật thời danh nằm ở mạn đông bắc Italia, không thể bỏ qua công trường Marcô, công trình mang tên của vị thánh bổn mạng của thành phố Venezia và cũng là vị thánh Giáo hội mừng kính hôm nay.
Trên con đường tiến gần đến công trường Marcô, du khách nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh đứng sừng sững trên một ngọn tháp cao. Hình sư tử này nhắc đến sự nghiệp viết sách Phúc Âm đầu tiên của thánh Marcô, như chứng từ của sử gia Papias, sinh sống vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau:
"Marcô, người thông ngôn của Phêrô, đã viết ra đúng những gì nhớ được, tuy không theo thứ tự, về những điều Ðức Kitô đã nói và đã làm. Marcô không trực tiếp nghe Chúa giảng, cũng không phải là môn đệ của Ngài. Nhưng ông đã tháp tùng Phêrô, người đã giảng dạy theo những gì ông cảm thấy cần thiết, chứ không phải chủ tâm thuật lại lời Chúa một cách có hệ thống".
Marcô là người thông ngôn và lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng, vì thế không lạ gì ở cuối bức thư thứ nhất, Phêrô gọi ông là "Marcô, người con của tôi".
Ngoài sự gần gũi với thánh Phêrô, Marcô cũng tiếp xúc lân cận với Phaolô, bắt đầu vào lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 44, khi Phaolô và Barnaba đưa về Giêrusalem số tiền cộng đoàn Antiokia quyên được để trợ giúp cộng đoàn Mẹ. Khi trở về, Barnaba đem theo Marcô, là cháu của ông.
Sau đó, trong khi đồng hành với Phaolô và Barnaba để hoạt động truyền giáo ở đảo Cypre, vì một sự bất đồng ý kiến nào đó, Marcô đã bỏ về Giêrusalem. Vì lý do này, trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô đã nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnaba.
Nhưng trong những ngày cuối đời, khi chờ đợi ngày hành quyết, Phaolô đã viết thư nhắn với Timôthê: "Hãy đem cả Marcô đến nữa, vì tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy lắm". Bạn bè người ta muốn gặp trong những ngày cuối đời phải là những người đồng sinh đồng tử!
Những chi tiết khác nhau đó của cuộc đời của thánh Marcô không lấy gì làm chắc. Có tài liệu cho là thánh nhân chết tự nhiên. Tài liệu khác lại cho là thánh nhân được phúc tử đạo. Vương cung thánh đường tại công trường Marcô ở Venezia tự hào là còn giữ lại hài cốt của Ngài.
Trong cuộc sống, Marcô đã chu toàn bổn phận mà mọi người Kitô được kêu gọi phải thực thi: Ðó là rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Ðức Kitô. Marcô đã thực hiện công việc này đặc biệt qua công tác viết sách Phúc Âm, những người Kitô khác qua kịch nghệ, âm nhạc, thơ phú hay qua việc dạy đạo cho con em quanh bàn ăn của gia đình hoặc qua cuộc sống chứng tá trong những sinh hoạt và nếp sống hằng ngày.
Chén cơm trong ngày

mercredi 23 avril 2014

Mẹo vặt vệ sinh trong nhà

 

Mẹo vặt vệ sinh trong nhà
Đơn giản hóa công việc vệ sinh nhà cửa với 15 bí quyết tuyệt vời sau đây.
 
Mặc dù vệ sinh nhà cửa không phải là công việc yêu thích của nhiều người nhưng phần kết quả luôn khiến chúng ta thực sự hài lòng và vui vẻ. Nếu bạn thực sự muốn ngôi nhà của mình sạch bóng, lấp lánh và thơm tho thì bạn phải đầu tư công sức làm sạch nó một cách triệt để.
Để đơn giản hóa công việc vệ sinh nhà cửa giúp bạn, chúng tôi khuyên bạn nên áp dụng các bí quyết tuyệt vời sau đây:
1. Làm sạch tủ bếp bằng gỗ
Tủ bếp tích lũy rất nhiều loại chất bẩn khác nhau, lâu ngày sẽ khiến bề ngoài của nó trở nên xấu xí. Bạn có thể khắc phục vấn đề này bằng hỗn hợp tẩy rửa tự chế tại nhà. Pha trộn 1 phần dầu thực vật với 2 phần bột baking soda, bôi hỗn hợp lên vết bẩn, dùng một miếng bọt biển/bàn chải/miếng vải để lau chùi.
2. Làm sạch đồ chơi trẻ em
Đồ chơi trẻ em, đặc biệt là những miếng nhỏ thường bám rất nhiều bụi bẩn. Nếu làm sạch từng cái một thì sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức của bạn. Vì vậy, hãy chọn giải pháp đơn giản và hiệu quả hơn là bỏ tất cả chúng vào một chiếc túi giặt, rồi giặt bằng máy như bình thường. Sau đó, chỉ cần đổ chúng ra một chiếc giỏ, để khô.
3. Làm sạch bàn là với muối biển
Việc làm sạch bàn là rất đơn giản nếu bạn biết đến mẹo nhỏ sau. Đầu tiên, rải muối biển lên một miếng vải, bật bàn là ở mức nhiệt cao nhất (nhớ tắt chế độ phun hơi nếu có) và sau đó là lên lớp muối. Các vết bẩn gặp muối sẽ tự động biến mất và trả lại bề mặt sạch sẽ và sáng bóng cho chiếc bàn là của bạn.
4. Tẩy trắng ruột gối bị ố vàng
Thật khó chịu khi phải nhìn thấy và sử dụng những chiếc ruột gối ngả màu ố vàng. Nhưng tin tốt là bạn hoàn toàn có thể khắc phục nó. Chỉ cần giặt gối với đầy đủ các thành phần theo công thức sau đây: 1 cốc bột giặt, 1 cốc nước tẩy, 1/2 cốc bột hàn the và nước thật nóng.
5. Đánh bóng đồ gỗ bị trầy xước
Nếu bạn có một chiếc bàn gỗ (hoặc bất kỳ đồ dùng bằng gỗ nào) bị trầy xước và xấu xí, đừng vội thay cái mới mà hãy thử đánh bóng lại với một chút giấm và dầu ô liu xem sao. Trộn lẫn 1/2 chén giấm ăn với 1/2 chén dầu ô liu, nhúng một miếng vải vào dung dịch và chà xát lên mặt gỗ. Các vết trầy xước sẽ hoàn toàn biến mất và trả lại vẻ bóng đẹp như mới.
6. Loại bỏ vết nhiệt trên đồ nội thất
Nếu bạn vô tình tạo ra vết nhiệt màu trắng trên đồ nội, để loại bỏ chúng, bạn sẽ cần phải sử dụng nhiều nhiệt và độ ẩm hơn. Làm ẩm 3 - 5 chiếc khăn rồi đặt lên các vết bẩn. Bật bàn là ở mức nhiệt nóng nhất, ủi lên lớp khăn trong khoảng 15 giây.
7. Làm sạch ghế sofa bọc vải
Để làm sạch ghế sofa bọc vải, đặc biệt là vải nhung, vải da lộn, vải lông tuyết, bạn cần đến một miếng bọt biển màu trắng (loại không phai màu) và cồn. Đổ cồn vào trong bình xịt và xịt đều lên bề mặt vải cần làm sạch. Sau đó, dùng bọt biển chà sạch. Để khô tự nhiên.
8. Làm sạch vòi nước phòng tắm
Thay vì sử dụng các sản phẩm làm sạch có hoặc không độc hại, hãy thử một cách tiếp cận tự nhiên hơn. Ví dụ, bạn có thể làm sạch vòi nước trong phòng tắm với chanh tươi. Cắt đôi quả chanh tươi và chà xát trực tiếp lên vòi nước cho đến khi vết bẩn tan hết và đạt độ bóng mong muốn.
9. Làm sạch bầu sen của vòi tắm
Để làm sạch bầu sen của vòi tắm bạn chỉ cần chuẩn bị giấm trắng và một chiếc túi ni-lông. Đổ giấm vào túi và buộc nó quanh phần bầu sen, ngâm trong 1 giờ đồng hồ. Sau đó, rửa sạch với nước.
10. Làm sạch kiềng bếp nấu
Hầu hết các gia đình đều bỏ qua việc vệ sinh bếp nấu, nhất là những chiếc kiềng và vỉ vì chúng dính quá nhiều dầu mỡ, thức ăn. Không một ai muốn động tay vào những thứ bẩn thỉu đến như vậy. Tuy nhiên, bạn có thể vệ sinh chúng dễ dàng và nhanh chóng với sự trợ giúp của dung dịch amoniac.
Đổ 1/4 chén amoniac vào một chiếc túi ni-lông, cho kiềng bếp bẩn vào trong túi, buộc kín lại và để qua đêm. Sáng hôm sau, dùng một miếng bọt biển hoặc giẻ cọ sạch, rửa lại với nước và để ráo. Chắc chắn bạn sẽ phải bất ngờ vì không còn lại một chút dấu vết dầu mỡ nào.
11. Làm sạch thớt gỗ
Thớt gỗ lưu lại vô số vết bẩn và mùi thức ăn, do đó, bạn cần làm sạch chúng một cách triệt để. Hãy chuẩn bị: 2 thìa giấm ăn, 1 chén nước sạch, 1/2 quả chanh tươi, một ít muối biển và một chiếc khăn sạch. Đầu tiên, lau thớt bằng dung dịch giấm ăn pha với nước. Tiếp theo, nhúng nửa quả chanh vào muối biển và chà xát khắp bề mặt thớt. Cuối cùng, rửa sạch lại với nước.
12. Làm sạch vết bút lông dầu trên đồ nội thất
Nếu đứa con nhỏ của bạn vô tình vẽ bút lông dầu lên đồ nội thất hoặc sàn nhà thì cũng đừng quá lo lắng vì bạn hoàn toàn có thể làm sạch chúng. Đầu tiên, bôi một ít kem đánh răng vào vết bút lông dầu rồi dùng vải ẩm để lau sạch.
13. Làm sạch thảm lông
Một số vết bẩn có khả năng bám cứng lấy tấm thảm của bạn, làm chúng trở nên xấu xí vô cùng. Không quan trọng sản phẩm nước vệ sinh bạn đang sử dụng là gì nhưng có một giải pháp khắc phục tuyệt vời cho trường hợp này. Phun dung dịch vệ sinh trực tiếp lên vết bẩn, phủ một miếng vải hoặc khăn lên trên và dùng bàn là đã nóng là cho đến khi vết bẩn bay đi hoàn toàn.
14. Đánh bóng đồ bạc
Muối và bột baking soda là hai nguyên liệu bình dân thường được sử dụng trong các sản phẩm làm sạch tại nhà. Nhưng tại sao không kết hợp chúng với nhau? Nếu bạn làm điều này, bạn sẽ có một hỗn hợp tuyệt vời để đánh bóng đồ dùng bằng bạc trong nhà. Pha trộn muối và bột baking soda theo tỉ lệ 1/1.
15. Làm sạch miếng bọt biển rửa bát
Miếng bọt biển rửa bát ẩn chứa vô số vi trùng bên trong và việc làm sạch chúng là rất cần thiết. Bởi vì, làm sao đồ dùng nhà bếp của chúng ta có thể sạch sẽ khi được rửa bằng một miếng rửa bát bẩn thỉu. Để làm sạch, bạn chỉ cần bỏ chúng vào lò vi sóng và quay trong 5 phút. Mọi loại vi trùng đều bị "giết chết".
P.A chuyển 


VỪA LÀ THỰC PHẨM VỪA LÀ CHẤT TẨY RỬA LÀM SẠCH.

Chắc ai cũng biết sốt cà chua (ketchup) rất ngon nhưng bạn có biết rằng nó cũng hiệu quả trong việc đánh bóng đồ đồng? Tuy nhiên, nó không phải là gia vị duy nhất hoặc thực phẩm có nhiều ứng dụng. Trong thực tế, nhiều thức ăn chúng ta dùng hàng ngày cũng mang đến những tác dụng khác ngoài việc thoả mãn nhu cầu về ăn uống.

Dưới đây là vài loại thực phẩm có 2 công dụng: dinh dưỡng và làm sạch. Nếu bạn nhớ đuợc chúng thì bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền.

1. Vỏ chuối đánh bóng đồ bạc

Bạn đừng bao giờ vứt bỏ vỏ chuối nếu bạn có bộ sưu tập bằng bạc quý giá đang bị mờ, hãy dùng phần bên trong vỏ chuối để chà lên đồ bạc và bạn sẽ thấy chúng sáng loáng như mới.
alt
2. Vỏ dưa leo xóa những vết bẩn trên tường và bàn

Theo Saudia Davis, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Greenhouse Eco-Cleaning, dưa leo là sản phẩm làm sạch rất linh hoạt. Vỏ của chúng có thể loại bỏ dấu vết trên bàn và tường; nếu bạn muốn gương phòng tắm không bị mờ khi bạn ra khỏi phòng tắm, chỉ cần chà xát vỏ dưa trên nó trước khi bạn bắt đầu mở nước.
alt
3. Dùng sốt cà chua để làm sáng nồi và chảo bằng đồng

Bạn chỉ cần dùng miếng vải có thấm sốt cà chua và thoa lên bất cứ đồ đồng nào cần đánh bóng, để như vậy từ 5 đến 30 phút, chất acids trong gia vị đó sẽ xóa đi những vết xỉn hoặc mờ trên món đồ.
alt
4. Hành sống làm sạch vỉ nướng

Để bỏ đi tất cả dầu mỡ và những chất bẩn còn sót lại trên vỉ nướng, trước hết hãy bật nóng vỉ nướng để làm cháy hết những thức ăn hoặc chất bẩn còn bám lại, sau đó bạn chỉ cần ghim một nửa củ hành sống vào một cây nĩa lớn và chà lên vỉ nướng.
alt
5. Dùng quả óc chó (walnut) để xóa đi các vết trầy trên đồ gỗ

Sau khi bỏ vỏ, dùng quả walnut để chà dọc theo vết trầy. Kế tiếp là dùng ngón tay bạn thoa lên vết trầy để giúp dầu thấm vào gỗ. Đợi 5 phút và sau đó dùng vải mềm để lau thêm. Hy vọng sẽ không có vết trầy trên đồ gỗ đó nữa.

6. Lát bánh mì trắng giúp nhặt những mảnh vỡ thủy tinh

Khi cần phải nhặt những mảnh vỡ nhỏ thủy tinh thì cách đơn giản nhất là dùng 1 lát bánh mì của Wonder Bread, thấm ướt và chậm nhẹ lên những mảnh vỡ, chúng sẽ dính vào bánh mì.
alt
7. Gạo làm sạch máy xay cà phê

Lấy một ít gạo bỏ vào máy xay và xay cho đến khi thành bụi. Khi bạn đổ bụi đó ra thì những hạt cà phê hay những phần gia vị còn sót lại trong máy xay cũng đi theo lớp bụi đó. Sau đó bạn có thể lau sạch lại bằng giấy ướt.

8. Dầu olive tẩy nhựa

Có thể một trong những đứa con của bạn sau khi chơi ngoài trời, chạy vào nhà ngồi hay nằm dài lên ghế sẽ làm dính nhựa lên ghế. Bạn chỉ cần thoa một muỗng canh dầu oliu trên một miếng vải và chà lên khu vực bị dính, nhựa sẽ từ từ bị lỏng ra.
9. Bột ngô giúp xóa vết dầu mỡ trên vải

Chỉ cần rải bột ngô lên trên vết dầu mỡ và đợi khoảng 15-20 phút. Bột ngô sẽ hút hết các chất bẩn trên vải. Dùng máy hút bụi để làm sạch bột và sau đó giặt miếng vải theo cách thường ngày của bạn.

10. Dùng Coca-Cola để làm sạch bồn cầu

Chất acids trong Coca-Cola giúp xóa đi những vết bẩn trong bồn cầu. Bạn hãy đổ một lon nước ngọt vào bồn cầu và giữ như vậy trong một giờ, chất acids trong nước Coca sẽ tẩy đi những vết dơ. Sau đó, chà và xả nước, bạn sẽ thấy bồn cầu sáng loáng.
alt

lundi 21 avril 2014

Chúa Ki-tô Vinh Quang và cộng đoàn Giao Ước mới


 
Chúa Ki-tô Vinh Quang và cộng đoàn Giao Ước mới
Gioan 20-21
 
Mầu nhiệm Thương Khó và Phục sinh là hai thì của một mầu nhiệm: Chúa Giêsu được tôn vinh:
thì thứ nhất là tôn vinh trên thập giá, thì thứ hai là Chúa tỏ Vinh Quang cho cộng đoàn của Giao Ước Mới.
Trong thì thứ nhất, chúng ta đã thấy cả lịch sử Cứu Độ trong Cựu ước được làm mới: tạo dựng mới, Ixaac mới, xuất hành mới, Giao ước mới và điều răn mới, Đền Thờ mới, Đất Hứa mới… tất cả trong Chúa Giê-su và nhờ Chúa Giê-su: Khởi Đầu Mới (Phụng vụ Vọng Phục Sinh có các bài đọc Cựu Ước tương ứng với các chủ đề trên: tạo dựng, Ixaac, Xuất Hành, Giao Ước, Giao Ước mới).
Không có sách Tin Mừng nào kể việc Chúa sống lại, vì đâu có ai ở trong mộ mà thấy! Tất cả bốn sách tin Mừng và lời rao giảng của các tông đồ chỉ kể lại kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giê-su phục sinh. Gioan kể những cuộc gặp tại Giê-ru-sa-lem (chương 20) và tại Biển Hồ (chương 21). Chúng ta sẽ lần lượt đọc hai chương này.
Trước hết nên chú ý tới lối viết của Gioan, rất giống nghệ thuật điện ảnh hiện đại, vì điện ảnh là kể chuyện bằng hình ảnh, kể chuyện thì dùng lời. Điện ảnh thì người xem phải “nối” các hình hoặc chuỗi hình với nhau. Nghe kể chuyện thì phải để cho lời kể vào qua lỗ tai, tác động trên trí tưởng tượng và tình cảm của mình. Con nít nghe kể chuyện thì thấy như mọi sự đang xảy ra trước mắt, và phản ứng bằng vui, buồn, lo, sợ… Tin mừng Gioan không chỉ súc tích, nhiều tầng ý nghĩa, nhiều cách qui chiếu với Cựu Ước như chúng ta đã thấy trong Cuộc Thương Khó; nhưng còn là bậc thầy trong nghệ thuật kể chuyện. Ta cần nghe với tâm tình và thái độ trẻ thơ.
Ngày thứ nhất trong tuần tức là ngày chúa nhật của chúng ta. Người Do Thái nghỉ ngày thứ bảy để tham dự vào sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa (Xh 20,11) và để nhớ Chúa đã giải thoát khói ách khổ sai bên ai Cập (Đnl 5,14-15). Ngày thứ nhất bắt đầu khi mặt trời lặn buổi chiều ngày thứ bảy.  
 
Ngày thứ nhất là ngày Thiên Chúa bắt đầu tạo dựng.
Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm” (St 1,1-2).
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phê-rô và người môn đệ Chúa Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20, 1-2).
Tôi xin phép đọc đoạn mở đầu này như xem một đoạn phim để giúp bạn đọc làm quen với cách đọc này. Câu mở đầu của Gioan 20 và câu mở đầu của sách Sáng thế có nhiều yêu tố giống nhau: trời còn tối thì đâu đã thấy được hình dạng rõ ràng, cửa mộ mở toang như vực thẳm. Cái chưa có hình dạng và bóng tối xâm nhập tâm trí bà Maria Mac-đa-la. Chúng ta nghe tiếng động đầu tiên: bước chân phụ nữ chạy. Tiếng gõ cửa. Hai người đàn ông thò đầu ra. Giọng phụ nữ hốt hoảng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ”: người ta là ai? Bà đã vô mộ đâu mà biết người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ? Dĩ nhiên làm sao biết họ để Người ở đâu! Bà lại gọi Người là “Chúa” nữa ! Là Chúa thì ai mà đem đi được? Trong cái hoang vu của ngôi mộ mở toang giữa bóng đêm, tất cả đều hoang mang. Nhưng câu thứ hai của bà gợi lại câu hỏi đầu tiên của hai môn đệ: “Rabbi, Thầy ở đâu?” (Ga 1,38). Maria Mac-đa-la trong bối cảnh này cũng gợi lại hình ảnh và lời các bà đỡ chống chế với Pharao về việc để cho con trai Hip-ri sống: “Chúng tôi đến chưa kịp thì họ đã sanh rồi”. “A-đam mới” nằm trong mộ như bào thai trong lòng mẹ, bà đỡ tới thì đã ra rồi và “Họ đã đem đi rồi”.
Tuy nhiên bà “phản” đạo diễn, vì đạo diễn ra lệnh cho trên màn hình cho thấy chỉ có mình bà đi ra mộ, thế mà bà lại nói “Chúng tôi không biết”. Chúng tôi là những ai? Tại sao “đạo diễn” lại cho thấy một mình bà Maria Mac-đa-la? Chúng ta sẽ phải chú ý đặc biệt tới nhân vật này. Xin nhớ lại cảnh đứng gần thập giá, ta chỉ thấy thân mẫu, Dì Maria và bà Maria Mac-đa-la, cho tới khi máy quay phim đưa hình từ tầm mắt của Chúa Giê-su chúng ta mới thấy người môn đệ Chúa Giê-su thương mến đứng bên thân mẫu. Bây giờ thì chúng ta thấy hai người đàn ông, Simon Phê-rô (đã biến khỏi màn hình từ lúc gà gáy cái đêm trong dinh thượng tế) và người môn đệ Chúa Giê-su thương mến đã “đón Đức Mẹ về nhà mình” từ trên Núi Sọ, sau khi được “sinh làm con” của thân mẫu Chúa Giê-su, có Dì Maria và bà Maria Mac-đa-la chứng kiến. Chúng ta chờ Dì Maria tới gọi, nhưng không phải. “Bà đỡ” tới báo tin vui: “Sanh rồi, mà không biết họ để ở đâu”.
Bây giờ thì hai người đàn ông vọt ra khỏi cửa, chạy đi xác minh và làm chứng. Một người “nhà”: “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến”, đứa “con mới” của thân mẫu đã trở thành E-và mới; và một người đã trở thành “xa lạ” vì ba lần chối không biết, không có liên hệ gì với Chúa Giêsu. Tiếng bước chân hai người đàn ông cùng chạy. Người môn đệ kia nhanh chân hơn, tới trước. Ông không vào, chỉ cúi nhìn vào, thấy các băng vải còn đó… Ông Phê-rô tới sau, chạy thẳng vào bên trong và thấy rõ hơn: khăn che đầu cuốn riêng ra một nơi, không để lẫn với các băng vải. Người tới trước vào theo, và cũng thấy như vậy. “Ông đã thấy và ông đã tin”. Thế là hai nhân chứng kiểm tra đúng phương pháp: người tới trước đứng chờ, nhìn vào đã thấy, tuy chưa hoàn toàn rõ. Ông chứng kiến ông Phê-rô đi vào, rồi ông vào sau. Như vậy không ai làm xáo trộn hiện trường, và hai người thấy như nhau. Ông “người nhà” thấy và tin, nhưng không nói tin cái gì. “Thực ra, trước đó hai ông chưa hiểu rằng theo lời Kinh Thánh thì Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”; vậy nếu như đã hiểu Kinh Thánh thì khỏi cần chạy ra mộ kiểm chứng! Rồi cả hai ông lững thững ra về.
Nhìn hai ông quay lưng đi, ta bỗng nghe tiếng phụ nữ thút thít. Bà Maria Mac-đa-la trở lại từ hồi nào và đang khóc bên mộ. Trở lại cảnh bà Maria Mac-đa-la một mình ra mộ lúc trời còn tối rồi chạy về la hoảng, ta lại nhớ sách Diễm Ca, đã được gợi lên từ chuyện xức dầu ở Bê-ta-ni-a.
Suốt đêm trên giường ngủ, tôi tìm người lòng tôi yêu dấu, tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp. Vậy tôi sẽ đứng lên, đi rảo quanh khắp thành, nơi đầu đường cuối phố, để tìm người yêu dấu của lòng tôi… Bọn lính gác gặp tôi, tôi hỏi họ: “Các anh có thấy chăng người lòng tôi yêu dấu?” Vừa rời họ, tôi đã gặp người lòng tôi yêu dấu. Tôi vội níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu, tới khuê phòng người đã cưu mang tôi” (Dc 3,1-4).
Ở chương 5, người yêu gõ cửa giữa đêm khuya, nàng không chịu mở. Đến khi nghĩ lại và mở thì người yêu đã bỏ đi rồi. “Chàng đi rồi hồn tôi như đã mất, tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp, tôi mãi gọi chàng, không một tiếng đáp… Bọn lính gác gặp tôi, chúng đánh tôi đến mang thương tích. Này thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, tôi van nài các bạn: gặp người tôi yêu dấu các bạn sẽ nói gì? Xin cho nhắn rằng: tôi đang ốm tương tư.” (5,4-8).
Cuối cùng nàng cũng biết người yêu đang ở đâu: “Người tôi yêu đã xuống vườn nhà” (6,2).
Sách Diễm Ca nói về những giai đoạn khác nhau trong Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân. Cuộc tìm kiếm thứ nhất gợi lại biến cố Xuất Hành và vào Đất Hứa, cuộc tìm kiêm thứ hai gợi lại biến cố lưu đầy và trở về.
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Phục Sinh với Maria Mac-đa-la được diễn tả bằng nhiều lời và hình ảnh gợi lại hai lần mất, tìm và gặp trong sách Diễm Ca. Maria đi ra mộ lúc trời còn tối. Sau khi la hoảng, hoang mang, lại thơ thẩn đứng khóc bên mộ Chúa. Hai người đàn ông chạy ra mộ, vào kiểm tra rồi đi về, gợi hình ảnh lính canh đi tuần. Bà cúi nhìn vào như tìm lại trong mộ lần nữa thì lại thấy hai thiên thần canh giữ hai đầu nơi Chúa đã nằm. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để người ở đâu, tôi sẽ đem người về. » Đức Giê-su gọi bà : « Maria ! » Bà quay lại và nói bằng tiếng Hip-ri : « Rap-bu-ni !», nghĩa là « Lạy Thầy ! » Đức Giê-su bảo : « Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha, nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : «Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em ».
Thế là vừa rời bọn lính gác tôi đã gâp người lòng tôi yêu dấu ! Câu hỏi của thiên thần tạo dịp cho bà nói lên nỗi lòng. Chúa Giê-su hỏi cùng một câu, nhưng thêm : « Bà tìm ai ? » ; chúng ta nghe gợi lại câu hỏi đầu tiên Chúa đặt cho hai môn đệ (1, 38). Hai lần trả lời bà lặp lại cùng một nội dung bà đã báo động cho hai môn đệ. Thấy Chúa Giê-su bà lại tưởng ông làm vườn ; gợi lời trong Diễm Ca: « người yêu tôi đã xuống vườn nhà ». Chúa gọi tên bà ; gợi lại lời Chúa nói về mình như mục tử : « Anh gọi tên từng con chiên » (Ga 10,3) Diễm Ca : « Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh, như chiếc ấn trên cánh tay anh » (8,6). Ta giật mình vì không thấy nói bà níu lấy Chúa, nhưng đã nghe Chúa bảo : « thôi, đừng giữ Thầy lại… ». Có bản dịch là « đừng chạm đến Thầy », nhưng cách dùng động từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa lả bảo người kia ngưng việc gì đã bắt đầu rồi. Diễm Ca : « Tôi vội níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu ». Khi Ixaac cưới Rebecca, dù bà Sara không còn nữa nhưng « cậu Ixaac đưa Rebecca vào lều của bà Sara, mẹ cậu. Cậu lấy cô làm vợ » (St 21,67). Lý do Chúa Giê-su bảo Maria đừng níu Người lại là “vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha”. Giao ước Chúa Giê-su đã lập là cho chúng được đến với Chúa Cha, nên Chúa Giê-su đóng vai chủ động: chờ Thầy lên cùng Chúa Cha đã! Nhưng trong khi chờ đợi thì Maria nhận được nhiệm vụ phải thi hành ngay: “nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ”.
Chúng ta lại ngạc nhiên vì Chúa sai bà Maria « đi tìm gặp anh em của Thầy » chứ không phải « các môn đệ của Thầy »! Sau tiệc cưới Cana, Chúa Giê-su đi xuống Caphanaum cùng với thân mẫu, anh em của Chúa và các môn đệ. Đến chương thứ bảy thì Chúa tách khỏi anh em: “Thời của tôi chưa đến, nhưng thời của các anh lúc nào cũng thuận tiện. Thế gian không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét… Các anh cứ lên dự lễ đi.” (7,6-8). Từ trên thập giá Chúa cho người môn đệ yêu dấu thành con của thân mẫu, tức là em của mình. Như đã giải thích, người môn đệ ấy tiêu biểu cho tất cả các môn đệ: “Ai đón nhận, tức là tin vào Người thì Người cho họ trở nên con Thiên Chúa, sinh ra do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,12). Bây giờ không còn môn đệ, chỉ còn anh em, những người anh em sinh trên Núi Sọ.
Tại sao Chúa lại sai bà Maria đi tìm anh em? Bà Maria đã đóng vai « bà đỡ” trên Núi Sọ và sáng sớm nay hốt hoảng đi báo tin “sinh rồi!”. “Bà đỡ” thì biết anh em mới sinh của Chúa! Bản tin nhắn bà phải đem là: ”Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em”. Bà đỡ cho biết ai là Cha của những người anh em. Với tin nhắn này thì Chúa công bố là Giao ước đã thành tựu: Cha của Thầy cũng là Cha của anh em; Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em.
Bà nói với các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa” hoàn chỉnh những lời tuyên xưng của họ từ ban đầu; An-rê: “Chúng tôi đã thấy Đấng Ki-tô”, Nathanaen: “Thầy là con Thiên Chúa, là vua It-ra-en”. Từ lúc hoàn tất mọi sự trên thập giá thì vinh quang Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su đã biểu lộ trọn vẹn: Đức Giê-su đã được tôn vinh là Chúa; Đức Giê-su nằm trong mộ với tư cách là Chúa. Trong cái hoang mang giữa đêm tối, bà Maria còn lẫn lộn nên nói “người ta đã đem Chúa đi khỏi mồ”, nhưng về mặt khác thì lại đúng, chính là Chúa Cha đã tôn vinh Con, đem Con đi khỏi mộ, như Chúa Giê-su đã cầu xin.
Trước khi đi xa hơn, cần nói riêng về nhân vật Maria Mac-đa-la này vì có những sự lẫn lộn trong hình ảnh quen thuộc về bà. Trong ba sách Phúc âm Nhất Lãm bà đều đứng đầu danh sách các bà đứng xa xa nhìn Chúa Giê-su trên thập giá và đi ra mộ (Mt 27, 55-56 và 28,1 // Mc 15,4016,1// Lc 24,10). Riêng Luca cho danh sách các bà đi theo Chúa Giêsu từ Ga-li-lê (8,2) thì cũng kể tên bà đầu tiên; và cũng chỉ có Luca cho biết thêm : “bà Maria gọi là Maria Mac-đa-la, là người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ”. Khi kể về các bà đứng xa xa nhìn Chúa Giê-su trên thập giá thì Luca chỉ nói “tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê”. Trong câu chuyện thông thường và có khi cả trong các bài giảng, người ta hay đồng hóa bà với người phụ nữ tội lỗi vào xức dầu cho Chúa khi Chúa đang ăn ở nhà một người Pha-ri-sê (Lc 7, 36-50). Chẳng có gì cho phép đồng hóa hai nhân vật này.
Trong Tin Mừng Gioan thì ta thấy bà xuất hiện trên Núi Sọ, tên bà đứng sau thân mẫu Chúa Giê-su và Dì Maria, rồi bà là người đi ra mộ, cũng chẳng đem theo dầu thơm như trong Luca 23,56-24,1. Vậy ta hãy tôn trọng các “thông tin” của mỗi sách Tin Mừng, đừng “xào chung” các nhân vật hay các sách tin Mừng, vì sẽ gây lẫn lộn và không hiểu được ý nghĩa. Đừng “vẽ rắn thêm chân”. Tin Mừng Gioan không cho thêm thông tin riêng về bà Maria Mac-đa-la ngoài cái tên và vị trí của bà trên Núi Sọ: sau thân mẫu và Dì Maria thôi, và hai lần bà ra mộ một mình. Như vậy có nghĩa là trong Tin Mừng thú tư, về phía phụ nữ ngoài họ hàng của Chúa Giê-su thì bà Maria Mac-đa-la là người gần Chúa Giê-su nhất. Phía đàn ông thì Người môn đệ yêu dấu trong bản văn không có tên gọi, trở thành biểu tượng của mọi người được Chúa yêu mến và thí mạng cho. Maria Mac-đa-la thì có tên riêng, là người ngoài gia đình ruột thịt của Chúa Giêsu, trở thành hình ảnh của cộng đoàn dân của Giao Ước mới đi tìm Chúa của mình. [Những suy diễn ngoại đạo và phạm thượng về tương quan giữa nhân vật này với Chúa Giê-su trong các tiểu thuyết từ cổ chí kim, không đáng chúng ta quan tâm, ví đó chỉ là suy diễn của kẻ không hiểu gì về Lời Chúa mà chỉ biết những chuyện phàm tục, chỉ đáng chúng ta xóa bỏ tức thì như bao nhiêu cái nhảm nhí chui vào hộp thư điện tử mỗi ngày.]
Gợi hình ảnh của sự đi tìm và gặp được người yêu trong sách Diễm Ca để nói về việc cộng đoàn của Giao ước mới đi tìm Chúa của mình quả là tuyệt vời. Cả lịch sử Hội thánh, cộng đoàn của Giao Ước mới cũng như đời sống của mỗi Ki-tô hữu là một lịch sử xoay vần theo bốn thì: có, mất, tìm và gặp Chúa, cũng giống như dân Chúa trong Cựu Ước. Vì thế mà Chúa Giê-su bảo “Hãy tìm kiếm nước Thiên Chuá” (Lc 12, 31). Chừng nào được ở với Chúa Giê-su tại nơi Chúa ở (x. Ga 17, 24), tức là trong lòng Chúa Cha thì mới hết phải đi tìm, vì lúc đó “tôi thuộc trọn về người tôi yêu và người tôi yêu thuộc trọn về chàng” (Dc 8,3).
Trong Diễm Ca, nàng là thửa vườn của chàng:
Gió bấc nổi lên đi và gió nam hãy ùa tới, thổi mát vườn của tôi cho hương thơm lan tỏa! Người tôi yêu cứ vào vườn của chàng mà thưởng thức hoa thơm trái ngọt.
Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới, vườn của anh, anh đã vào rồi, đã hái mộc dược, hái cỏ thơm…(Dc 4,26-5,1).
Khi Maria Mac-đa-la tưởng Chúa Giê-su là người làm vườn thì hóa ra là đúng rồi. Chúa Giêsu vừa là người yêu trong sách Diễm Ca vừa là A-đam mới. Sách Sáng Thế chép: « Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn E-đen để cầy cấy và canh giữ đất đai » (St 2,15). Chúa chết nằm ở mộ trong vườn, Chúa sống lại cũng xuất hiện trước tiên trong vườn. Hội Thánh là thửa vườn của Chúa. Mỗi người là thửa vườn của Chúa. Maria đóng vai « nàng » trong sách diễm Ca tượng trưng cho Hội thánh, trong khi người môn đệ yêu dấu tượng trưng cho mỗi người đã tin vào Chúa để lãnh ơn cứu độ và được tái sinh làm con Thiên Chúa.
Trên bình diện Hội Thánh thì ông Phê-rô và người môn đệ yêu dấu lại tượng trưng cho hai khía cạnh không thể tách rời : cơ cấu và lòng tin yêu. Những trình thuật tiếp theo trong hai chương 20-21 sẽ diễn tả hai khía cạnh này. Tôi sẽ viết tiếp, xin đón đọc phần tiếp theo.
Mừng Chúa Phục Sinh, Halleluia!
Giê-ru-sa-lem, Thứ bảy Tuần Thánh 2014 – L.M. Nguyễn công Đoan, S.J.