samedi 23 janvier 2016

Sẽ có cách chữa khỏi ung thư?

Sẽ có cách chữa khỏi ung thư?

David Robson 20 tháng 4 2015

Đó là một ca bệnh làm cho tất cả những người có liên quan đều cảm thấy khó hiểu. Một cụ bà 74 tuổi bị nổi mẩn ngứa mãi mà không hết. Các xét nghiệm sau đó cho thấy bà bị một chứng ung thư da có tên gọi là carcinoma.
Tương lai thật là ảm đạm. Do khối u đã lan rộng nên cách xạ trị sẽ không có hiệu quả. Các bác sỹ cũng không thể nào phẫu thuật lấy khối u ra. Cắt bỏ phần chân bị ung thư có lẽ là cách tốt nhất, theo bác sỹ Alan Irvine, người chữa trị cho bệnh nhân tại bệnh viện St James, Dublin.
Tuy nhiên, ở tuổi đã cao, cụ bà sẽ khó mà thích nghi với chân giả. Sau một thời gian thảo luận thẳng thắn, các bác sỹ quyết định chờ đợi trong lúc họ cân nhắc các khả năng.

‘Điều kỳ diệu’

Sau đó ‘điều kỳ diệu’ đã xảy ra. Mặc dù không được chữa trị gì hết, khối u của bệnh nhân bỗng dưng thu nhỏ lại trước mắt họ. “Chúng tôi theo dõi trong khoảng một vài tháng và khối u bỗng dưng biến mất,” Irvine nói.

null

Sau 20 tuần, bệnh nhân hoàn toàn khỏi ung thư. “Không có nghi ngờ gì về kết quả chẩn đoán,” bác sỹ Irvine quả quyết, “Nhưng giờ đây khi sinh thiết thì không còn tế bào ung thư nữa.”
Bằng một cách nào đó, bà cụ đã tự khỏi một căn bệnh có thể nói là đáng sợ nhất của nhân loại – bệnh ung thư.
“Tất cả mọi người đều hồi hộp và cảm thấy khó hiểu,” Irvine nói, “Điều này cho thấy cơ thể con người có thể hết ung thư mặc dù khả năng này là cực kỳ hiếm.”
Vấn đề là: làm sao có thể khỏi được? Bệnh nhân thì tin đó là phép màu của Thượng Đế còn các nhà khoa học thì tìm hiểu về cơ chế của cái gọi là ‘tự thoái lui’ để tìm ra các dấu hiệu giúp cho những ca tự chữa lành như thế này xảy ra nhiều hơn.
“Nếu chúng ta có thể tập cho cơ thể làm được việc này ở mức độ lớn hơn thì kết quả sẽ là một điều gì đó được áp dụng rộng rãi,” Irvine nói.

null

Về mặt lý thuyết, hệ miễn dịch của chúng ta có thể tìm ra và tiêu diệt các tế bào đột biến trước khi chúng phát triển. Đôi khi, những tế bào này có thể thoát khỏi ‘tầm phủ sóng của radar’ và sinh sôi cho đến khi chúng trở thành một khối u.
Đến lúc bệnh nhân đi bác sỹ thì không có khả năng họ hồi phục mà không cần điều trị. Nhìn chungchỉ có một trong số 100.000 bệnh nhân ung thư được cho là đã khỏi bệnh mà không cần chữa trị.

Có những câu chuyện hoàn toàn khó tin.
Chẳng hạn như một bệnh viện ở Anh mới đây cho biết một phụ nữ vô sinh đã lâu đã phát hiện rằng cô có một khối u nằm giữa ruột và tử cung. Nhưng trước khi các bác sỹ tiến hành phẫu thuật thì cô đã thụ thai. Mọi việc diễn ra suôn sẻ và một đứa trẻ khỏe mạnh chào đời. Sau đó các bác sỹ phát hiện rằng khối u của cô đã biến mất một cách bí hiểm trong quá trình mang thai. Chín năm sau đó, khối u của cô vẫn không tái phát.

null

Những trường hợp khỏi bệnh tương tự cũng đã được ghi nhận ở nhiều chứng ung thư khác, trong đó có bệnh máu trắng vốn do tế bào bạch cầu phát triển bất thường. “Nếu không chữa trị, bệnh nhân sẽ chết trong vòng vài tuần nếu không muốn nói là vài ngày,” ông Armin Rashidi tại Đại học Washington ở St Louis cho biết. Tuy nhiên ông đã phát hiện 46 ca ung thư máu mà bệnh tự thoái triển mặc dù chỉ có tám trong số đó là không tái phát.

Lấy độc trị độc?

Bác sỹ Garrett Brodeur tại Bệnh viện Nhi Philadephia, Hoa Kỳ, muốn tìm hiểu cơ chế đằng sau sự biến mất kỳ lại của các bệnh ung thư. “Chúng tôi muốn tạo ra những nhân tố có thể kích hoạt sự thoái triển của tế bào ung thư, ông nói.
Đã có một số đầu mối về việc ung thư tự khỏi từ công trình tiên phong của một bác sỹ người Mỹ ít người biết đến hơn 100 năm trước đây.
Vào cuối thế kỷ 19, bác sỹ William Bradley Coley đang tìm cách cứu một bệnh nhân có một khối u lớn trong cổ.

null

Ông đã tiến hành năm cuộc phẫu thuật để loại bỏ khối u. Sau đó bệnh nhân bị một chứng nhiễm trùng da cùng với sốt cao. Đến khi bệnh nhân hồi phục thì khối u cũng biết mất.
Kiểm tra trên một số bệnh nhân khác, bác sỹ Coley nhận thấy rằng nếu cố ý làm cho bệnh nhân ung thư bị nhiễm khuẩn hoặc dùng độc tố của các vi khuẩn để chữa trị cho họ có thể giúp làm tiêu hủy các khối u.
Phân tích các bằng chứng gần đây cũng chứng tỏ giả thiết này có cơ sở.
Công trình nghiên cứu của giáo sư Armin Rashidi cho thấy 90% các bệnh nhân hồi phục từ bệnh máu trắng đã bị mắc một chứng bệnh khác, chẳng hạn như viêm phổi, không lâu trước khi họ khỏi ung thư. Những căn bệnh không giết chết bạn có thể lại có ích cho bạn trong những tình huống này.
Bệnh nhân lành ung thư không phải là nhờ vi khuẩn mà có lẽ sự nhiễm trùng được cho là đã kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch và phản ứng này gây hại cho khối u.


null

Nhiệt của cơn sốt bản thân nó cũng làm cho các tế bào ung thư dễ bị tổn thương hơn và khiến cho chúng tự hủy diệt. Hoặc là khi cơ thể chúng ta chiến đấu với vi khuẩn hay virus, trong máu chúng ta đầy những phân tử viêm nhiễm vốn là nguyên nhân kích động hệ miễn dịch trong cơ thể đứng lên ‘cầm vũ khí’ – tức là khiến cho các tế bào miễn dịch biến thành các chiến binh bao vây và tiêu diệt các vi khuẩn và có lẽ là cả các tế bào ung thư.
“Tôi nghĩ là sự nhiễm trùng đã khiến thay đổi các tế bào miễn dịch gốc từ chỗ giúp đỡ cho khối u quay ra tiêu diệt chúng,” ông Henrik Schmidt tại Bệnh viện Đại học Aarhus ở Đan Mạch cho biết. Điều này cũng kích thích các phần khác của hệ miễn dịch biết cách nhận diện các tế bào ung thư để lần sau nếu chúng quay trở lại thì chúng sẽ bị tấn công.

‘Lập trình’ tế bào miễn dịch

Các bác sỹ đã thử chữa trị bằng cách tiêm vào một số bệnh nhân ung thư một loại ‘cytokine’, tức protein chiết xuất từ các tế bào của hệ thống miễn dịch, để khởi động hệ miễn dịch. Tác dụng phụ – sốt cao và các triệu chứng giống như sốt – được các bác sỹ kê toa bằng paracetamol để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.

null

Nhưng vì bản thân sốt có thể kích hoạt sự thoái triển của ung thư, Schmidt nghi ngờ rằng chính paracetamol đã khiến cho cách chữa trị này mất đi hiệu quả. Ông ấy đã tìm thấy rằng số bệnh nhân sống sót qua hai năm sau đó nhiều hơn gấp đôi số còn lại nếu họ được để tự mình chống chọi với cơn sốt.
Những phát hiện này có thể dẫn đến những cách chữa trị ung thư đơn giản nhưng mạnh mẽ hơn. Một bệnh nhân đã chứng kiến sự thoái triển ung thư sau khi được tiêm vaccine bạch hầu và uốn ván có lẽ bởi vì vaccine này cũng là sự kích hoạt hệ thống miễn dịch.
Một số nhà khoa học đang nghĩ đến cách tấn công tế bào ung thư một cách cực đoan hơn. Chẳng hạn như họ sẽ cố tình làm cho bệnh nhân ung thư bị nhiễm một căn bệnh nhiệt đới nào đó.

null

Cách làm này, do công ty Mỹ PrimeVax phát minh ra, bao gồm hai công đoạn. Bắt đầu là lấy mẫu ung thư và chiết xuất một số tế bào miễn dịch trong máu của bệnh nhân. Những tế bào này sẽ giúp điều phối phản ứng của hệ miễn dịch với các mối đe dọa và bằng cách cho chúng tiếp xúc với tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm thì chúng đã được lập trình để nhận ra các tế bào ung thư.
Cùng lúc, bệnh nhân được tiêm một liều sốt xuất huyết trước khi họ được tiêm vào loại tế bào miễn dịch đã được huấn luyện trong phòng thí nghiệm.
Dưới sự theo dõi của các bác sỹ, bệnh nhân có thể sốt đến 40,5 độ cộng với sự xuất hiện rộng rãi của các phân tử viêm nhiễm – điều này khiến cho hệ miễn dịch cảnh giác cao độ. Các khối u một thời từng giấu mình khỏi tầm phủ sóng của hệ miễn dịch giờ đây trở thành mục tiêu bị tấn công hàng đầu dưới sự dẫn dắt của các tế bào mới vừa được lập trình trong phòng thí nghiệm.
Làm cho bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết nghe có vẻ điên rồ nhưng bệnh này thì khả năng gây chết cho người trưởng thành còn thấp hơn là cảm mạo thông thường. Điều quan trọng là một khi bệnh nhân hết sốt thì các tế bào miễn dịch đã được lập trình sẽ tiếp tục cảnh giác các tế bào ung thư một khi chúng quay trở lại.
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Future.

LTK chuyển


image


Sẽ có cách chữa khỏi ung thư? - BBC Tiếng Việt
Tại sao có những bệnh nhân ung thư đột nhiên khỏi bệnh và có thể nào ‘dĩ độc trị độc’ đối với ung thư hay không?
Preview by Yahoo

Săn tìm những nơi rực rỡ HOA TẾT ở Sài Gòn

Đi du xuân, vòng quanh đường hoa và thưởng ngoạn hoa tết là một nét đẹp của mỗi mùa Xuân. Và năm nay hãy cùng Foody tổng hợp những hội hoa xuân hấp dẫn ở Sài Gòn nhé, những hội hoa này đều được trang trí với quy mô khá lớn và sẽ có những nét thu hút rất lạ với các bạn trẻ Sài Gòn.

1. Đường hoa Nguyễn Huệ



Dài 720 m, mang chủ đề TP HCM - hòa bình, thịnh vượng và phát triển, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Thân sẽ được khai mạc vào tối 5/2/2016 (27 tháng Chạp).Chỉ một lần tạm dời đến đường Hàm Nghi, năm nay đường hoa chính thức quay trở lại đại lộ Nguyễn Huệ (nay là Phố đi bộ Nguyễn Huệ) với tên gọi Đường hoa Tết Bính Thân 2016 TP HCM – hòa bình, thịnh vượng và phát triển.






Đường hoa 2016 bắt đầu từ đường Lê Thánh Tôn tới Tôn Đức Thắng. Trong đó, đoạn từ giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ được chia làm ba phân đoạn chính: đoàn kết - hòa bình, năng động - sáng tạo và hội nhập - thịnh vượng.










2. Hội hoa xuân Tao Đàn

Với chủ đề “TP HCM - Hòa bình, thịnh vượng và phát triển", Hội Hoa xuân Tết Bính Thân 2016 sẽ được khai mạc vào ngày 3/2 (ngày 25 tháng Chạp) và bế mạc ngày 14/2 (tức mùng 7 Tết) tại Công viên Tao Đàn.



Năm nay, Hội hoa xuân lớn nhất TP HCM sẽ tổ chức nhiều chương trình ở 3 khu vực chính: Khu trưng bày, triển lãm ngành hoa cá kiểng, tiểu cảnh, đá nghệ thuật trong nước; Khu của nước ngoài và khu phục vụ lễ hội như: sân khấu nghệ thuật, ca nhạc, đờn ca tài tử, triển lãm thư pháp chữ Việt, biểu diễn lân sư rồng, xiếc, ảo thuật, trà đạo… Hội hoa xuân cũng bố trí 30 gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của ngành và quà lưu niệm cho du khách.



3. Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng

Tiếp nối thành công của những năm trước, hội hoa xuân 2016 tổ chức tại khu vực The Crescent (Hồ Bán Nguyệt), khu đô thị Phú Mỹ Hưng sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 01/02 đến 07/02/2016.



Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng với chủ đề “Về làng” sẽ đưa du khách tham quan không gian văn hóa làng quê ở 3 miền đất nước qua 4 khu vực gồm: “Đường Xuân”, “Vườn Xuân”, “Bến Xuân” và “Góp Xuân” với những hình ảnh thân quen của làng quê Việt như cổng làng, con đường làng quanh co, giếng làng, guồng xe nước hay những chiếc vó cá trên sông…



4. Chợ hoa tết Công Viên Gia Định và công viên 23/9







Thời gian tổ chức chợ hoa tết diễn ra đồng loạt từ ngày 1-2-2016 (nhằm ngày 23 tháng Chạp) đến trưa ngày 7-2-2016 (nhằm ngày 29 tháng Chạp).



5. Chợ hoa bến Bình Đông






Từ nhiều năm nay, chợ hoa bến Bình Đông đã trở thành địa điểm tập trung rất nhiều ghe chở hoa từ các tỉnh miền Tây đổ về để phục vụ nhu cầu của người dân Tp HCM mỗi dịp Tết. Tết Bính Thân này, đến với hội hoa xuân 2016 tại bến Bình Đông, du khách sẽ được thưởng thức khung cảnh buôn bán trên bến dưới thuyền vô cùng tấp nập.



Anh Thư sưu tầm

LỜI TIÊN TRI ĐÃ ỨNG NGHIỆM

Chúa Nhật III( Mùa Thường Niên - Năm C

tiên tri Isaia
LỜI TIÊN TRI ĐÃ ỨNG NGHIỆM
Lm Giuse Đinh lập Liễm
A. DẪN NHẬP

          Trong cuộc lưu đầy ở Babylon, dân Do thái bị quân thù hành hạ áp bức, nhiều người đã tuyệt vọng vì tương lai rất mịt mờ, nhưng tiên tri Isaia đã báo cho họ biết là họ sẽ được giải phóng.  Khi trở về quê hương, họ đã qui tụ lại làm việc thờ phượng Chúa, ghi lại các hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ suốt dòng lịch sử và nhớ lại Giao ước bị bỏ quên (Bài đọc 1).

          Từ nhiều thế kỷ trước, tiên tri Isaia đã báo cho họ biết sẽ có Đấng Messia đến giải thoát họ và họ nóng lòng chờ đợi.  Nhân dịp về thăm quê hương Nazareth, ngày sabat, Đức Giêsu vào giảng ở hội đường, đọc nhằm đoạn sách tiên tri Isaia mô tả về Đấng Messia và Ngài xác nhận chính Ngài là Đấng Messia ấy, khi Ngài nói:”Hôm nay ứng nghiệm lời Sách thánh mà quí vị vừa nghe”(Lc 4,21). Nhân dịp này Ngài đọc bản tuyên ngôn mô tả sứ mạng và chương trình hành động của Ngài, chính yếu là Ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ…Và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

          Ngày nay, Hội thánh và mọi Kitô hữu, theo căn tính, phải tiếp tục sứ mạng mà Đức Giêsu đã làm:”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con ra đi”(Ga 17,18). Sứ mạng của Kitô hữu được sai đi là làm tông đồ cho Chúa, loan báo Tin mừng Đức Kitô cho mọi người bằng đời sống chứng tá, yêu thương và hiệp nhất.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

          Bài đọc 1 : Nhm 8,2-6.8-10.

          Lần đầu tiên khi từ chốn lưu đầy trở về, dân Do thái đã tụ họp lại để làm việc thờ phượng, được tiên tri Nêhêmia trình bầy như một lễ hội, nhắc lại Giao ước. Tư tế Esdras tập họp mọi người lại tại quảng trường và đọc Sách Luật cho họ nghe. Esdras đọc và giải thích cho họ hiểu, và khi đã thông suốt thì họ đồng thanh thưa :”Amen”.

          Khi nghe đọc Sách Thánh, họ cảm động đến muốn khóc. Họ khóc một phần vì nhớ đến những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ qua dòng lịch sử, phần khác vì họ hối tiếc vì sự bất trung của họ đối với tình thương bao lao của Thiên Chúa.

          Vì thế, tư tế Esdras yên ủi họ :”Anh em đừng sầu thương khóc lóc, đừng buồn bã vì niềm vui của Chúa là thành trì bảo vệ anh em”(Nhm 8,10).

          Bài đọc 2 : 1Cr 12,12-30.

          Thánh Phaolô gửi thư cho tín hữu Côrintô để tiếp tục việc giáo huấn cho họ bằng một ví dụ cụ thể, dễ hiểu:”một thân thể có nhiều chi thể”. Cũng giống như một thân thể có nhiều chi thể, Giáo hội dù bao gồm nhiều thành viên với những ơn gọi khác nhau tạo thành một sự thống nhất trong Đức Kitô.
          Qua đoạn thư này, chúng ta có thể rút ra được 3 ý chính :
          - Giáo hội là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, trong đó Đức Giêsu là đầu, và các Kitô hữu là chi thể.
          - Các chi thể khác nhau nên cũng có những nhiệm vụ khác nhau, nhưng không chống đối nhau mà còn bổ túc cho nhau.
          - Mọi chi thể phải đoàn kết với nhau và phải dùng những đặc ân Chúa ban cho mình để phục vụ ích lợi chung của Hội thánh.

          Bài Tin mừng : Lc 1,11-4 ; 4,14-21.

          Trong lời mở đầu sách Tin mừng của mình (Lc 1,1-4), thánh Luca nói lên mục đích của sách Tin mừng Luca là điểm qua lịch sử đời Chúa Giêsu, để giáo hữu thêm lòng tin. Truyện về Chúa được truyền qua lời kể của các môn đệ của Chúa, là những người đã tận mắt chứng kiến việc Chúa làm và tận tai nghe lời Chúa nói.

          Trong đoạn sau (Lc 4,14-21) thánh Luca cho biết Đức Giêsu sau một thời gian hoạt động, đã trở về Nazareth và giảng dạy trong hội đường. Ngài đọc một đoạn sách về lời sấm của tiên tri Isaia (61,1-2) và Ngài kết luận :”Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh mà quí vị vừa nghe”(Lc 4,21). Theo đó, Ngài xác nhận mình chính là Messia mà tiên tri Isaia đã loan báo từ lâu. Với tư cách là Messia vừa được xức dầu tấn phong, Ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ… và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.  Sứ vụ của Ngài là mở ra một kỷ nguyên hồng ân, tức là kỷ nguyên của Tin mừng.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                  Loan báo Tin mừng cho mọi ngươi

I. SỨ MẠNG CỦA ĐỨC GIÊSU.

          1. Đức Giêsu là ai ?

          Xét về nguồn gốc, ai cũng biết Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth xứ Galilê, con bác thợ mộc Giuse và bà nội trợ Maria. Còn người đồng hương thì quá biết Ngài vì đã sinh sống với họ gần 30 năm, và xét theo bề ngoài, Đức Giêsu không có gì đặc biệt, chưa hề làm một phép lạ nào, chỉ là một thanh niên lam lũ, kiếm sống bằng nghề thợ mộc.

          Rời khỏi Nazareth một thời gian, tự nhiên danh tiếng Ngài đã vang dội khắp nơi qua việc rao giảng Tin mừng và làm nhiều phép lạ chữa mọi bệnh tật, trừ quỉ và làm cho kẻ chết sống lại. Tuy thế, đối với dân làng thì họ vẫn còn  nhửng nhưng, hoặc  bán tín bán nghi. Nói chung, đối với dân làng Nazareth, Ngài vẫn chỉ là một thanh niên xuất thân từ Nazareth không hơn không kém. Nay trở về quê hương, dân làng cũng chỉ coi Ngài bình thường như các thanh niên khác, chưa tỏ ra thái độ kính trọng hay kiêng nể gì.


          2. Quang cảnh làng Nazareth.

          Nazareth có lẽ không phải là một thôn làng, nó được gọi là “Polis” nghĩa là một thành hay một thị trấn, và có thể có tới 20.000 dân. Nazareth tọa lạc trong vùng đất của sườn đồi của Galliê, có ba con đường lớn vòng quanh, tiện lợi cho việc thông thương và kinh doanh.
          Có lẽ người ta sai lầm nếu nghĩ rằng Đức Giêsu lớn lên tại một làng quê hẻo lánh. Ngài lớn lên trong một thành có trục lộ giao thông của thế giới chạy qua ngay trước ngõ. Chính nơi đây Đức Giêsu đã giảng một bài quan trọng trình bầy nội dung chương trình hành động của Ngài, hay cũng có thể được gọi là bản tuyên ngôn về công tác cứu rỗi mà Ngài đến thực hiện.

          3. Đức Giêsu giảng ở hội đường.

          Sau một thời gian đi rao giảng Tin mừng và làm phép lạ, danh tiếng Đức Giêsu đã lan rộng khắp nơi, Ngài trở về thăm quê hương Nazareth. Vào một ngày sabat, Ngài vào hội đường cùng với bà con cô bác để ca tụng Chúa và nghe đọc Sách Thánh, tất cả mọi người nóng lòng muốn nghe một người mà họ quen biết nhiều, thình lình nổi tiếng. Có thể là Ngài yêu cầu, hoặc là người phụ trách hội đường đưa cho Ngài cuộn da ghi lời Kinh thánh của tiên tri Isaia để hướng dẫn giờ đọc Lời Chúa.
          Ngài mở nhằm chỗ nói về niềm vui của năm hồng ân, tác giả mô tả sự vui mừng của những kẻ trở về sau cuộc lưu đầy từ Babylon. Hay nói đúng hơn đoạn sách nói về Đấng Cứu thế :Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”(Lc 4,18-19).   Đọc xong, gấp sách lại, ngồi xuống như các diễn giả thường làm. Tất cả đều chăm chú nhìn Ngài chờ đợi, xem Ngài cắt nghĩa đoạn sách này như thế nào. Ngài lợi dụng dịp này để công bố lời tiên tri này được ứng nghiệm nơi chính Ngài. Ngài tuyên bố chính Ngài là Messia (Cứu thế) đã được hứa, khi trịnh trọng nói:”Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các vị vừa nghe”(Lc 4,18-19).

          Chúng ta nhận thấy trong các buổi nhậm chức của tân Tổng thống, bao giờ cũng đọc một bài diễn văn quan trọng đầu tiên, trong đó ông vạch ra đường hướng, chính sách và chương trình hành động  trong nhiệm kỳ mới.  Bài Tin mừng hôm nay miêu tả bài diễn văn đầu tiên của một vị tân Lãnh đạo tôn giáo. Đó là bài nói chuyện đầu tiên của Đức Giêsu Kitô tại Nazareth, quê quán của Ngài. Ngài đưa ra một phác thảo về đường hướng và sứ mạng của Ngài, Đấng Thiên Sai, qua lời tiên tri Isaia :”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi…”(Lc 4,14-21)

          So sánh lời công bố của Đức Giêsu Kitô và các diễn văn của các tân tổng thống trong ngày nhậm chức, chúng ta thấy có sự khác biệt rõ ràng. Quí vị tổng thống nói rất nhiều, hứa đủ thứ, nhưng sau cùng chẳng thực hiện được bao nhiêu trong thời gian tại chức. Trái lại, Đức Giêsu đã nói rất ít nhưng đã thực hiện tất cả những điều Ngài đã tuyên bố.

          4. Chương trình hành động của Ngài.

          Nếu ngày xưa tác giả sách tiên tri Isaia loan báo một thời kỳ cứu độ chỉ để cho dân Chúa được bình an mà sống những ngày tháng sau lưu đầy, thì đây, với lời tuyên bố:”Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh mà tai các vị vừa nghe”(Lc 4,21), Đức Kitô đã chính thức công bố thời kỳ cứu độ ấy đã đến. Ngài không chỉ ban bình an trong cuộc đời mà còn là bình an vĩnh cửu.
          Ta thấy sứ mạng của Đức Giêsu là đến để giải phóng con người một cách toàn diện, cả tâm linh lẫn thể xác, cả cá nhân đến xã hội, bao hàm cả ba lãnh vực chính yếu của Kitô giáo : chân lý, công lý và tình thương (x. Mt 23,23). Về tâm linh, Ngài giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, của lề luật, của thói hư tật xấu, khỏi tính yếu đuối của bản tính con người. Thánh Phaolô viết:”Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta”(Gl 5,1; x. Rm 6,18; Cl 1,13). Ngài cũng đến để giải phóng con người về mặt thể chất:”Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”(Rm 7,24-25). Về mặt xã hội, Ngài đến để thực hiện một xã hội lý tưởng là Nước Trời, không chỉ tại thiên mà còn tại thế , trong đó mọi người đối xử với nhau bằng chân lý, công lý và tình thương.

Truyện : Xóa nợ.

          Ngày xưa có một lãnh chúa, và các tá đền của ông thì nợ ông tiền thuê đất. Chẳng bao lâu họ thấy mình nợ nần chồng chất. Họ thấy mình không tài nào thoát ra tình cảnh khó khăn ấy, tuy ông lãnh chúa là người nhân ái và nhẫn nại. Nhưng các tá điền tự hỏi, ông cho họ thêm bao nhiêu thời gian để trả hết nợ. Điều đáng sợ là cả khi ông cho họ đến ngày họ chết, họ cũng không thể trả hết nợ.

          Kế đó một quản lý mới của lãnh chúa xuất hiện và bắt đầu làm một cuộc kinh lý. Trong suốt cuộc kinh lý ấy, quản lý đã hỏi mỗi tá điền mắc nợ bao nhiêu. Nhưng thật đáng kinh ngạc, quản lý không dừng ở đó. Ông đi thăm từng nhà, ông hỏi người ta ăn uống ra sao. Ông hỏi thăm người già, người bệnh, người khó ở. Chính ông thấu hiểu những vấn đề và những lo lắng của họ.

          Rồi một ngày kia, ông tập họp họ lại, nói rằng ông có một sứ điệp quan trọng mà lãnh chúa tức chủ đất gởi cho họ. Các tá điền họp lại trong sợ hãi và run rẩy, tưởng rằng cái ngày thanh toán khủng khiếp sau cùng đã đến. Các tá điền đã biết hoặc nghĩ rằng mình đã biết những lời mà ông quản lý sắp nói. Hẳn ông sẽ nói rằng:”Trong suốt cuộc kinh lý, tôi đã khám phá rằng không một người nào trong các anh lo lắng việc trả nợ. Các anh chỉ nên tự trách mình. Các anh chỉ là một đám lười biếng, chẳng làm được việc gì. Chủ đất đã chán ngấy các anh. Ông ấy đã cho các anh vô số cơ hội, nhưng các anh vẫn không làm ra của cải. Các anh khiến ông ấy không còn chọn lựa nào khác là lấy lại đất đai khỏi tay các anh và đưa nó cho những người khác và họ sẽ trả được nợ của họ”.

          Đó là những gì họ chờ đợi ông quản lý nói, dù rằng trong lòng họ, họ mong mỏi một điều gì khác. Rồi người quản lý bắt đầu nói:”Chủ đất biết rằng tất cả các anh đều mắc nợ số tiền lớn. Ong ấy nhờ tôi nói với các anh những điều sau đây”. Quản lý ngừng nói. Họ chờ đợi cơn bão ập tới và gắng hết sức mình để chống lại nó. “Thế thì”, quản lý nói tiếp “Tôi có một tin mừng cho các anh”. Một lần nữa ông ngừng lại. Tin mừng ! Họ không thể tin điều họ nghe.”Chủ đất nhờ tôi nói với các anh rằng các anh có thể quên hết nợ nần. Ong ấy xóa hết nợ nần cho các anh. Từ hôm nay, các anh có thể bắt đầu lại từ đầu”.

          Họ reo hò mừng rỡ. Các tá điền ôm hôn nhau. Một số người bắt đầu nhảy múa, đã lâu rồi họ không  nhảy múa. Khi họ trở về nhà mình với tâm hồn thanh thản, lần đầu tiên trong nhiều năm, họ nhận thấy mặt trời chiếu sáng, chim hát ca và những bông hoa rực rỡ nở rộ trong các cánh đồng.

          Tin mừng Đức Giêsu loan báo trong hội đường Nazareth cũng như thế. Ngài là người quản lý mới mà Thiên Chúa sai đến với dân mắc nợ Người. Theo người Pharisêu, ngày của Chúa phải là ngày phán xét. Và ở đây, Đức Giêsu tuyên bố rằng đó là ngày của ân huệ Thiên Chúa, không chỉ dành cho những người đáng khen mà dành cho tất cả mọi người.
                  
 (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật, năm C, tr 365-366).

II. SỨ MẠNG CỦA CHÚNG TA.

          1. Sứ mạng của Giáo hội.
         
          Sứ mạng của Đức Giêsu, ngày hôm nay, vẫn được tiếp tục thực hiện qua  Giáo hội và trong Giáo hội. Thực vậy, Khi Đức Giêsu hoàn thành thời gian sứ mạng của Ngài, Ngài gửi Thánh Thần đến cho các môn đệ để họ tiếp tục công bố Năm Toàn Xá của Thiên Chúa, loan Tin mừng cho mọi người, rao giảng và thực hiện  sự giải phóng toàn diện con người và xã hội. Nói rõ hơn, Giáo hội được đầy Thánh Thần từ ngày lễ Ngũ tuần phải tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu trong lịch sử. Như vậy, lời sách tiên tri Isaia thâu tóm sứ mạng của Đức Giêsu cũng là lời thâu tóm sứ mạng của Giáo hội mọi thời đại. Hôm nay sứ mạng ấy càng trở nên khẩn trương hơn.

          2. Sứ mạng của mỗi Kitô hữu.

          a) Mỗi người được sai đi.

          Qua bài Tin mừng này, thánh Luca trình bầy Đức Giêsu như một kẻ được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần và sai đi. Tất cả chúng ta là những kẻ được Chúa sai đi. Mỗi người chúng ta cũng được Chúa sai đi. Ngày trước, Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu đi, rồi đến phiên Đức Giêsu lại sai chúng ta đi. Đức Giêsu đã phán:”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai chúng con ra đi”(Ga 17,18). Bởi vậy lời Thánh Kinh mà Đức Giêsu đã áp dụng cho bản thân Ngài “Chúa đã sai tôi đi”, cũng phải được chính chúng ta áp dụng cho chúng ta “Chúa cũng sai tôi đi”.

          Sai đi để làm gì ? Thưa sai đi để làm tông đồ cho Chúa. Mỗi Kitô hữu là một tông đồ. Công đồng Vatican II còn nói mạnh hơn:”Làm tông đồ là bản tính của người Kitô hữu”. Nói khác đi, nếu không làm tông đồ thì không còn phải là Kitô hữu nữa.

          b) Phải mộ mến Lời Chúa.

          Muốn đi loan báo Tin mừng thì phải biết Tin mừng, muốn biết Tin mừng mà không mộ mến Lời Chúa thì làm thế nào mà biết rao giảng Lời Chúa, nhất là biết sống theo lời Chúa dạy. Dĩ nhiên, nếu chỉ tin rằng những gì được nói trong Thánh kinh, nhất là Tin mừng, đều là sự thật mà thôi thì chưa đủ, vì đó là thái độ luôn phải có đối với bất cứ cuốn sách phàm tục nào mà chúng ta cho là đúng đắn.  Trái lại, khi đọc Tin mừng là phải đọc với tất cả niềm tin cao độ và lòng mến thiết tha nghĩa là tin tưởng tất cả những gì trong đó đang được thực hiện. Thánh Giêrônimô nói:”Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Khi đọc Kinh thánh, chúng ta hẵy lắng nghe những điều Chúa nói với chúng ta qua ân sủng, với tất cả con tim nồng cháy của mình.

Truyện : Chẳng nghe được gì hết.

          Trong vở kịch “The Royal Hunt of the sun” (Hoàng gia đi săn mặt trời) có kể lại cuộc chinh phục dân da đỏ ở Pêru của  người Tây ban nha vào thế kỷ 16, trong đó có một màn kể lại câu chuyện một người nọ biếu cho tù trưởng bộ lạc da đỏ một cuốn Thánh Kinh và bảo ông ta :”Đây là Lời Chúa, Ngài nói với chúng ta qua cuốn sách này”. Viên tù trưởng nghiêm trang cầm cuốn Thánh Kinh lên, xem xét kỹ lưỡng và dịu dàng đặt nó vào lỗ tai. Ông cố gắng nghe đi nghe lại nhưng chẳng nghe được gì hết. Thế là ông ta nghĩ rằng mình bị phỉnh gạt, nên giận dữ dằn mạnh cuốn sách xuống đất.
 Màn bi kịch trên khiến chúng ta tự nhủ:”Vậy chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa như thế nào” ?  Chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng ba cách thức : bằng lỗ tai của tâm trí, bằng lỗ tai của trái tim và bằng lỗ tai của linh hồn…(M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm C, tr 166-167).

          Chúng ta phải làm sao để Lời Chúa được diễn lại sống động nơi tâm trí chúng ta, phải ghi khắc lời ấy vào trái tim chúng ta và phải bàn bạc với Chúa cũng như lắng nghe điều Ngài nhắn nhủ chúng ta qua lời ấy.

III. CÁCH THI HÀNH SỨ MẠNG.

          1. Sống đời chứng tá.

          Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói :”Người thời nay thích những chứng tá hơn là thầy dạy”. Đúng thế, lời dạy dỗ không hấp dẫn và thuyết phục bằng chứng tá vì người ta thường nói:”Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Nếu thầy dạy mà thực hành điều mình dạy thì lời ấy càng có tính thuyết phục; nếu ngược lại, những lời giảng dạy ấy hoàn toàn trở nên vô ích, có khi còn phản tác dụng : không làm cho người ta đến với Chúa mà còn làm cho người ta lìa xa Chúa nữa. Muốn cho lời rao giảng của mình có tác dụng, người truyền giáo nên thực hành lời Đức Giám mục chủ phong trong thánh lễ truyền chức Linh mục khuyên tân Linh mục :                
                             “Hãy tin vào điều con đọc,
                             Hãy giảng điều con tin,
                             Và hãy thực hành điều con giảng dạy”.

          Về vấn đề làm chứng này, chúng ta hãy trở lại thời Giáo hội sơ khai, các tín hũu đầu tiên đã sống với nhau như thế nào  theo một tác giả thế kỷ thứ ba :

“Người Kitô hữu không khác với những kẻ khác về cư trú, về ngôn ngữ hay lối sống. Bởi vì họ  không cư ngụ một thành nào riêng biệt, cũng không dùng ngôn ngữ nào khác thường và nếp sống của họ chẳng có chi khác biệt. Không phải do suy tư hay bận tâm tra cứu mà họ khám phá được các giáo thuyết. Họ không chủ trương một giáo điều nào của loài người như một số người nọ…

          Họ ở trong xác thịt nhưng chẳng theo xác thịt. Họ cư ngụ trên mặt đất nhưng có thành trì ở trên thiên đàng. Họ tuân theo mọi lề luật đã được đặt ra, nhưng lối sống của họ còn hơn cả lề luật. Họ yêu mến mọi người mà mọi người bách hại họ. Họ bị giết nhưng nhờ vậy mà được tái sinh. Họ thật nghèo nhưng lại làm cho bao người trở nên giầu có. Thiếu thốn mọi sự nhưng họ được tràn đầy mọi sự. Người ta khinh khi họ, nhưng trong sự khinh dể đó họ tìm được vinh quang. Danh giá họ bị nhục mạ nhưng nhờ đó họ được minh chứng là công chính. Bị chửi bới, họ chúc lành cho người ta, người khác hành hạ họ nhưng họ một niềm kính trọng. Khi làm lành họ bị trừng phạt như những kẻ bất lương, và chính lúc bị trừng phạt như vậy họ lại vui mừng, dường như được sống. Người Do thái khai chiến với họ như với những kẻ ngoại, đang khi đó dân ngoại bắt bớ họ, nhưng chẳng ai có thể nói tại sao lại thù ghét người Kitô hữu như vậy” (Trích Các bài đọc 2, mùa Phục sinh, tr 84-85).

          2. Sống đời yêu thương.

          Đức Giêsu đã phán:”Người ta cứ dấu này mà biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau”(Ga 13,35). Cốt lõi của đạo Công giáo là Bác ái bởi vì chỉ có một lề luật là mến Chúa yêu người. Nếu người ta chỉ yêu Chúa mà không thương yêu tha nhân là một điều khó hiểu vì như thánh Gioan nói, những người chung quanh sờ sờ ra trước mắt mà người ta không yêu thương được, thì làm sao người ta có thể yêu thương Thiên Chúa là Đấng vô hình ?  Vậy nếu muốn giới thiệu cho người khác Đấng mà thánh Gioan gọi “Thiên Chúa là tình yêu” thì phải có một hình ảnh nào, để qua đó người ta biết Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Hình ảnh đó chính là tha nhân và nếu yêu tha nhân là hình ảnh của Chúa thì người ta sẽ dễ nhận ra Chúa hơn.

Truyện : Bà có họ hàng với Chúa.

          Dan Clack kể lại một câu chuyện rất ngắn nhưng cũng rất ấn tượng : Vào một buổi tối trời tuyết lạnh, một em bé khoảng sáu, bảy tuổi đang đứng tần ngần trước một siêu thị sang trọng. Đứa bé đi chân đất, khoác trên người bộ quần áo cũ kỹ, tơi tả, trông như miếng giẻ rách.  Có một thiếu phụ đi ngang qua trông thấy cậu bé và đọc được nỗi thèm muốn trong đôi mắt mầu xanh đó. Bà cầm tay đứa trẻ, dẫn vào tiệm  và mua cho em đôi giầy mới và bộ quần áo ấm.
          Sau đó, họ bước ra phố, và thiếu phụ nói với cậu bé :
          - Chúc cháu vui vẻ và một đêm ngủ ngon.
          Đứa bé trố mắt nhìn thiếu phụ, rụt rè hỏi :
          - Thưa bà, bà có phải là Chúa không ?
          Bà cúi xuống mỉm cười với cậu bé, vỗ nhẹ vào vai cậu trả lời :
          - Con ơi, không phải đâu, bà chỉ là một trong những đứa con của Ngài thôi !
          Cậu bé như khám phá được điều gì mới lạ :
          - Cháu đã biết ngay là bà có họ hàng với Chúa mà.
                   (Thiên Phúc, Lời gọi yêu thương, tr 3-4).

          Sống đời bác ái yêu thương là dấu chỉ con cái Chúa và là dấu chỉ anh em với nhau. Đức Giêsu đã xác nhận:”Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”(Lc 6,21). Quả thật,  thiếu phụ trong câu chuyện trên đã nghe và thi hành lời gọi yêu thương của Chúa:”Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”(Lc 6,38). Được làm anh em, họ hàng của Chúa không là một vinh dự  vô cùng lớn lao cho con người sao ?

          3. Đời sống hiệp nhất.

          Trong thân thể con người có rất nhiều chi thể. Thân thể tạo nên một thể thống nhất dù bao gồm nhiềâu chi thể. Những chi thể này rất khác nhau và có những chức năng rất khác nhau : dĩ nhiên có một số chi thể quan trọng hơn những chi thể khác. Nhưng một thân thể đầy đủ cần có mọi chi thể và các chi thể cần lẫn nhau.

          Giáo hội cũng như thế. Chúng ta dù nhiều nhưng cùng tạo thành một thân thể trong Đức Kitô. Nhận thấy trong giáo đoàn Corintô có sự chia rẽ, thánh Phaolô đã viết thư khuyên nhủ các tín hữu tránh sự chia rẽ mà phải hợp nhất trong Chúa Kitô:”Tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể… Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận”(Bài đọc 2).

          Gia đình là Hội thánh tại gia. Hội thánh tại gia cũng phải có những đặc tính như Hội thánh toàn cầu : duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Một trong các đặc tính là sự hiệp nhất. Thánh Phaolô cũng trưng Sách Thánh ra để nói lên sự hiệp nhất vợ chồng là cần thiết:”Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”(Ep 5,32). Nếu trong gia đình Kitô hữu, mọi người hiệp nhất với nhau, nhất là vợ chồng không ly dị, thì đây là chứng tá hùng hồn để giới thiệu cho người ta một Chúa Ba Ngôi duy nhất, nguyên lý của mọi tạo vật, và mọi loài thọ sinh phải tùng phục thờ lạy Ngài.

vendredi 22 janvier 2016

Shows hay được thực hiện bởi nhiều dân tộc và quốc gia khác nhau.



Mời  quý vị thưởng thức rất nhiều shows hay được thực hiện bởi nhiều dân tộc và quốc gia khác nhau. 
Link này tổng hợp khoảng 26 videos 


LY Cathy chuyển

Chiếc áo được chị em nô nức săn lùng để chơi Tết

Áo dài cách tân “bùng nổ” trên thị trường thời trang Tết với nhiều kiểu dáng và mẫu mã khác nhau.

Dịp Tết này, những mẫu áo dài được yêu thích hơn mọi năm đặc biệt là áo dài gấm, áo dài thêu với kiểu dáng cách tân và được kết hợp ngẫu hứng với quần cluthes, chân váy, …
Ngoài những shop chuyên áo dài, các shop thời trang thiết kế cũng nắm được thị hiếu của khách hàng và nhanh chóng cho ra mắt những mẫu áo dài bắt mắt và có nhiều giá cả để lựa chọn.
Nhiều chủ cửa hàng thời trang chia sẻ chưa năm nào nhu cầu mua áo dài cách tân của các bạn trẻ lại cao như năm nay. Không chỉ trong dịp Tết, những dịp như cưới hỏi, tiệc tùng nhiều cô gái cũng lựa chọn áo dài để làm điệu. Mặc dù áo dài có giá khá cao vì chất liệu và tốn công may nhưng vẫn là mặt hàng hút khách.
Các shop thường ngày chỉ trung thành với mẫu trang phục dành cho teen girl trẻ trung cũng “lấn sân” buôn bán áo dài Tết này. Chủ shop chia sẻ không trả lời kịp tin nhắn của khách hàng và rất nhiều mẫu đã hết sớm hơn dự định.
Khách hàng cũng hài lòng với chất lượng và kiểu dáng bắt mắt của áo dài năm nay. Với sự tư vấn từ các chủ shop, khách cũng tha hồ biến tấu những mẫu áo dài với nhiều phong cách khác nhau tùy sở thích. Có thể đi giày bệt, giày cao đều phù hợp và những nàng mũm mĩm cũng tự tin hơn với những kiểu áo dài suông.

1. Áo dài gấm cách tân
Chất liệu gấm truyền thống không chỉ còn được sử dụng cho những người trung tuổi và trở nên trẻ trung với những kiểu áo dài cách tân với đủ màu sắc và kiểu dáng khác nhau.

áo dài, thời trang, đón tết
Các mỹ nhân showbiz ưa chuộng áo dài cách tân trong rất nhiều sự kiện và đều nhận được phản ứng tích cực từ công chúng
áo dài, thời trang, đón tết
Áo dài may sẵn theo size cũng được nhiều người ưa chuộng với thiết kế suông dễ mặc. Các mẫu áo dài có giá từ 2 triệu đến 3 triệu đồng được may từ các chất liệu gấm cao cấp.
áo dài, thời trang, đón tết
Những màu sắc nổi bật và đậm không khí xuân được nhiều người lựa chọn, với những thiết kế như này bạn sẽ phải chi hơn 2 triệu đồng. Mặc dù có giá không rẻ nhưng lại thích hợp với nhiều hoàn cảnh và tiện dụng nên áo dài gấm rất được ưa chuộng.

áo dài, thời trang, đón tết
Áo dài năm nay được nhiều phụ huynh đặt may cho con với những gam màu như đỏ, xanh, vàng. Áo người lớn và trẻ em thường chênh lệch từ 500 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng.
áo dài, thời trang, đón tết
Bạn có thể phối áo dài cách tân nhiều kiểu khác nhau, quần cluthes, chân váy, quần skinny, …
áo dài, thời trang, đón tết
Cổ tàu 3 phân được nhiều người ưa chuộng vì tính hiện đại nhưng cũng không làm mất đi nét đặc trưng của áo dài. Các shop thường chỉ may vài chiếc cho một mẫu vải để đảm bảo tính độc đáo và thường “cháy hàng” sau khi ra mắt.
áo dài, thời trang, đón tết
Các shop liên tục cập nhật những mẫu mã mới để chiều lòng khách hàng và cạnh tranh với các đối thủ. Nếu quá bận hoặc không muốn chờ đợi lâu thì những mẫu áo dài may sẵn là lựa chọn hay dành cho bạn. Khác với áo dài truyền thống, áo dài cách tân rất dễ mặc nên việc mua sẵn cũng rất phù hợp.

2. Áo dài thêu cách tân
Áo dài thêu được nhiều shop làm mới và trẻ trung hơn với những họa tiết bắt mắt và màu sắc phong phú.
Cũng giống như áo dài gấm, áo dài thêu được kết hợp mới lạ với những kiểu váy và quần suông rộng. Các cô gái trở nên năng động nhưng vẫn không kém phần nữ tính với những kiểu áo dài này. Chủ yếu những tiệm áo dài tung ra sản phẩm thêu tay tỉ mỉ, chi tiết hơn hẳn thêu máy.
áo dài, thời trang, đón tết
Những gam màu đỏ, trắng, pastel được nhiều cô nàng lựa chọn để chụp những bộ ảnh Tết. Giá cả phụ thuộc vào những chi tiết thêu, càng cầu kỳ có giá càng cao.
áo dài, thời trang, đón tết
Trung bình, những mẫu áo dài thêu này có giá khoảng 4 triệu đồng, mặc dù khá cao nhưng nhiều chị em vẫn không ngại rút ví khi nhìn những thiết kể tỉ mỉ và đầy mê hoặc như thế này.
áo dài, thời trang, đón tết
Thường áo dài thêu được thiết kế từ vải đũi, thô. Những mẫu thêu các họa tiết thiên nhiên hoa lá được nhiều người ưa chuộng.
áo dài, thời trang, đón tết
Thậm chí giày, dép cũng được thêu đính tỉ mỉ để set đồ trở nên hoàn hảo và bắt hơn.
áo dài, thời trang, đón tết
Không chỉ con gái Việt Nam thích mê áo dài, các cô gái ngoại quốc cũng muốn làm điệu với trang phục này để dạo phố.
áo dài, thời trang, đón tết
Những màu trầm mặc như nâu, ghi cũng được biến tấu “vừa lạ- vừa quen” để diện trong dịp Tết này.
(Theo Eva.vn)

Hồng Công chuyển