jeudi 4 août 2016

Chữa vết sẹo

Tìm ra “thần dược” đánh bay các vết sẹo thâm lâu năm cực kỳ hiệu quả

Không phải ai cũng biết đến công dụng trị sẹo của hành tím. Áp dụng công thức này, sẹo lâu năm cũng sẽ biến mất ngay!
Có nhiều chị em rất tự ti, không dám diện quần soóc hay váy ngắn vì đôi chân “nở hoa sim” do muỗi đốt hoặc những vết bỏng bô xe máy?
Hay có những chị em không ba giờ dám để mặt mộc khi ra ngoài vì những vết sẹo thâm do mụn? Đừng lo vì đã có cách xua đuổi chúng đi rồi.
Hành tím có tác dụng trị sẹo thâm rất tốt

Bạn có biết trong hành tím có chứa vitamin A, C, E và hoạt chất quexitin có khả năng chống oxy hóa rất mạnh có tác dụng trị mụn, làm mờ sẹo, giúp sáng da, đào thải tế bào chết và tái tạo da mới hiệu quả.
1. Nguyên liệu:
– 3 củ hành tím
– 3 muỗng cafe mật ong nguyên chất.
Bạn cần hành tím và mật ong để tạo hỗn hợp mờ sẹo
2. Thực hiện

Bóc vỏ hành, rửa sạch, thái lát
Cho hành vào máy xay sinh tố xay nhuyễn

Trộn mật ong với hành vừa xay nhuyễn và dùng rây lọc nước cốt hành mật ong
Vệ sinh sạch vùng da bị sẹo và lau khô bằng khăn mềm. Rồi dùng bông gòn chấm nước thoa lên chỗ bị sẹo, giữ nguyên khoảng 20 phút.

Chăm chỉ áp dụng cách này những vết sẹo thâm sẽ lập tức biến mất

– Nhớ áp dụng 3 lần/tuần nhé cả nhà!
– Một chút lưu ý nhỏ trong cách sử dụng mọi người nên nhớ:
Do hành có vị cay, tính nóng nên bạn chú ý không được để hỗn hợp hành trên da quá lâu, bởi có thể gây ra kích ứng, mẩn đỏ cho da, thậm chí làm da phồng rộp.

Chúc các bạn thành công!

Quang Vinh sưu tầm

mercredi 3 août 2016

Thánh đường Lourdes ở Pháp

 Lourdes en été avec vue des sanctuaires à droite, du château fort en fond

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

> Khi đi du lịch, mỗi người đều có một nơi chốn muốn đến, nhưng ít người nào muốn trở lại nơi chốn mà mình đã đặt chân qua. Tuy nhiên, ngoại trừ một nơi chốn nào đó vẫn còn in đậm những tình cảm êm đềm trong tâm trí của mình.
Tôi đã đến Lourdes (Lộ Ðức) rất nhiều lần. Tuy thế, cho đến bây giờ tôi vẫn còn mang một tâm trạng muốn trở lại thành phố nhỏ bé bình an này bất cứ khi nào có dịp.
Gave de Pau là tên một con sông nhỏ nằm về miền Tây Nam nước Pháp, sát với biên giới Tây Ban Nha. Con sông khởi nguồn từ thành phố Gavarnie chảy xuyên qua các làng phố Lourdes, Pau, Orthez…
> Lourdes chỉ là một ngôi làng nhỏ nằm cạnh thành phố Pyrenean, dân số có hơn 4,000 người, sinh sống bằng nghề đục đẽo xay mài đá vào cuối thế kỷ 19. Nhưng con sông Pau và ngôi làng nhỏ Lourdes được tất cả thế giới biết đến kể từ khi cô bé chăn cừu Bernadette có cơ duyên gặp Ðức Mẹ hiện ra bên hang động Massabielle của Lourdes.
Ngày 11 Tháng Hai, 1858, là lần đầu tiên cô bé Bernadette nhìn thấy Ðức Mẹ hiện ra với cô. Và kể từ sau ngày đó, Bernadette còn gặp thêm Ðức Mẹ 17 lần, trước khi vào cô bé vào tu hẳn trong tu viện dòng Bác Ái tại Nevers. Sự kiện Ðức Mẹ hiển linh đã được trình báo đến các vị giám mục địa phương và tòa thánh Vatican.

Một cảnh trong “Chặng Ðường Thánh Giá.” (Hình: ATNT Tours & Travel)

 Giáo hội Công Giáo đã hết sức thận trọng trước khi quyết định công bố về sự hiển linh của Ðức Mẹ cũng như khi chấp thuận cho phép xây các ngôi giáo đường và nhà nguyện tại Lourdes. Có tất cả ba ngôi thánh đường được xây dựng tại đây. Giáo đường “Crypt” đầu tiên được xây vào Tháng Năm, 1866, bên trên hang động Massabielle nơi mà Ðức Mẹ hiện ra chuyện trò với Bernadette. Một phần thánh thể của Thánh Bernadette được thờ bên trong ngôi thánh đường này.
 Năm 1871, giáo hội hoàn tất ngôi thánh đường Ðức Mẹ Vô Nhiễm xây ngay bên trên giáo đường Crypt. Sau cùng ngôi thánh đường Ðức Mẹ Mân Côi (The Rosary Church) bên dưới ngôi thánh đường Crypt cũng được hoàn tất năm 1889. Sự hợp nhất của ba ngôi thánh đường đã tạo cho thánh đường Lourdes một kích thước to lớn và trang nghiêm bên dòng sông Pau thơ mộng.
 Trước cổng chính quảng trường, từ xa người ta đã nhìn thấy tháp chuông giáo đường cao vút và hai vòng cung thánh đường chạy dài xuống như ôm lấy quảng trường. Chính giữa quảng trường là tượng Ðức Mẹ đội vương miện, mặc áo trắng, dây lưng xanh da trời nhạt, chắp tay nhìn về phía giáo đường.
 Cũng tại ngay quảng trường này, mỗi ngày vào lúc 5 giờ chiều buổi lễ cầu nguyện thánh thể được cử hành và lúc 9 giờ tối thì cử hành buổi lễ rước kiệu Ðức Mẹ. Gần vào các giờ cử hành lễ, đoàn người từ khắp mọi ngõ ngách thành phố đổ dồn về quảng trường. Từng đoàn người đau yếu ngồi trên các xe lăn do thân nhân (hay người tình nguyện) đẩy vào, sắp hàng dài tham dự. Họ đến đây với đức tin hết sức mạnh mẽ, khuôn mặt họ hiện ra niềm vui nào đó khiến người khác nhìn vào có thể cảm nhận được.
> Riêng lễ rước kiệu Ðức Mẹ mỗi tối từng đoàn người tham dự dài có đến cả 1-2 cây số, đứng chật của quảng trường. Chưa bao giờ đến Lộ Ðức mà tôi thấy có buổi lễ rước kiệu Ðức Mẹ nào vắng cả (kể cả những ngày mưa gió).
> Riêng tại hang động Massabielle nơi dấu tích ngọn suối tuôn trào mà ngày nay vẫn còn hiện hữu, tượng Ðức Mẹ được xếp đúng vị trí trong hốc đá nơi cô bé chăn cừu Bernadette đã nhìn thấy Ðức Mẹ ngày xưa. Trước tượng là một hàng nến bảy tầng lúc nào cũng cháy sáng bất kể ngày đêm vì bất cứ lúc nào cũng có người đến đây cầu nguyện. Nơi đây cho dù có đông người như thế nào, người ta vẫn cảm thấy một không khí trang nghiêm bao trùm lên không gian hang động Massabie
 Nhưng đến Lộ Ðức, ngoài các ngôi thánh đường và hang động Massabielle, người ta thật là thiếu sót nếu không đi qua “Con Ðường Thánh Giá.” Ðây là con đường được xây trên ngọn đồi ngay bên cạnh thánh đường. Ðường đi lên núi dài khoảng 1.3 cây số và đường xuống núi khoảng 1.5 cây số được xây dựng vào năm 1912. Các pho tượng trên “Con Ðường Thánh Giá” diễn tả lại cảnh 14 chặng đường thánh giá mà Chúa Jesu đã đi qua. Một công trình rất đáng xem, dễ hiểu và cảm động khiến người ta có thể hiểu thêm được về sự hy sinh của Chúa Jesu cứu rỗi cho nhân loại.
 Nhưng kích thước thánh đường Lourdes không ngừng ở đó, năm 1958 Basilica of Saint Pius X được hoàn thành. Ðây là ngôi thánh đường với một kiến trúc hoàn toàn mới lạ dưới lòng đất. Một ý tưởng kiến trúc táo bạo khi cung thánh được thiết kế ngay chính giữa thánh đường với mục đích là đưa Chúa đến với tất cả mọi người bốn phương. Bên trong Basilica of Saint Pius X xem chừng như lớn nhất thế giới vì có thể chứa đến 20,000 người.
 Sự hiển linh của Ðức Mẹ tại Lourdes đã được loan truyền đi rộng rãi khắp mọi nơi trên thế giới. Ngày nay mỗi năm có khoảng 5-6 triệu người đến viếng thăm Lộ Ðức, phần lớn là tín đồ Catholic về đây cầu xin được sự ban phước lành và sức khỏe. Chúng ta đang cư ngụ trên các đất nước được xem là giàu có nhất nhì thế giới về các điều kiện đầy đủ của đời sống, nhưng đổi lại chính chúng ta cũng lại là những người mang tâm lý “lo sợ tất cả mọi chuyện” của đời sống nhiều nhất.

Nguyện cầu nơi Ðức Mẹ hiển linh. (Hình: ATNT Tours & Travel)

 Người ta vừa sống, vừa ăn uống, vừa mang những điều lo sợ trong người. Nào là cholesterol, chất đường, chất mỡ, những nguồn tạo ra biết bao nhiêu nguyên nhân bệnh hoạn. Ra khỏi nhà thì lo sợ mọi sự nguy hiểm vây quanh như tai nạn xe, đi máy bay thì sợ máy bay rơi. Ði du lịch thì thay vì chú tâm thưởng ngoạn những cảnh đẹp thiên nhiên, những nét hay dở của văn hóa xứ người thì lại lo âu những chuyện đời sống nằm ngoài tầm tay. Con người ngày nay mang thêm biết bao nhiêu lo âu sợ hãi không cần thiết trong đời sống con người.

 Tôi đã có dịp chứng kiến những con người đã thể hiện những đức tin bằng ý chí của họ như tại Fatima, như tại Nhật Bản, Miến Ðiện. Những đêm rước kiệu Ðức Mẹ trên quảng trường nhà thờ, những hình ảnh linh thiêng trên “Con Ðường Thánh Giá,” những nét êm đềm của dòng sông Pau bên cạnh các ngôi giáo đường Lộ Ðức đã tạo trong tâm tư tôi một cảm nhận bình an hạnh phúc.

 Nơi nào tạo cho con người có một đức tin mạnh mẽ vào một đấng tối cao, nơi nào cho con người có được một niềm tin tôn giáo vượt qua sự suy luận của lý trí, nơi nào mà tình người được thể hiện bằng tấm lòng chân thật bao dung thì ở nơi đó con người sẽ quên bớt đi được những nỗi lo sợ không cần thiết của đời sống. Với một tâm tư như thế, bạn hãy thử một lần đến với thánh đường Lourdes xem sao!

Nancy sưu tầm 

samedi 30 juillet 2016

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

Chúa Nhật XVIII thường niên  - Năm C
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Từ khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới ít chú ý đến chính trị. Mọi nỗ lực đều tập trung vào phát triển kinh tế. Xưa kia, nước mạnh dùng sức mạnh quân sự để áp chế những nước yếu. Ngày nay những nước giàu dùng sức mạnh kinh tế để chèn ép những nước nghèo. Kinh tế trở thành một sức mạnh. Tiền bạc trở thành một vũ khí lợi hại. Chính vì thế ai cũng mong làm ăn phát đạt để trở nên giàu có. Thế mà Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay dường như đi ngược chiều với xã hội. Phải chăng Chúa chống lại sự phát triển, sự sung túc thịnh vượng của xã hội?
Nếu đọc kỹ Lời Chúa và quan sát đời sống của Chúa Giêsu, ta sẽ thấy.
1) Chúa Giêsu xuống trần gian không nhằm giải quyết vấn đề kinh tế.
Khi người thanh niên đến xin Người phân xử vụ chia gia tài, Người đã trả lời: “Ai đặt ta làm quan án cho các ngươi?” Người đến không phải để giải quyết các vấn đề kinh tế. Việc phân chia tài sản là việc giữa con người với nhau.
Sau khi chứng kiến phép lạ bánh hoá ra nhiều, dân chúng muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua. Nhưng Người đã lánh đi nơi khác. Người muốn cho con người thoát ra khỏi lãnh vực vật chất trong cuộc sống.
2) Chúa Giêsu muốn nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy không quan tâm đến vấn đề kinh tế, nhưng Chúa Giêsu không chống lại việc làm giàu, tích lũy của cải. Người chỉ muốn cho việc tích lũy của cải có một ý nghĩa.
Khi nói với đám đông: “Anh em phải coi chừng, phải tránh xa mọi thứ tham lam, vì dẫu có dư giả thì mạng sống con người cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”, Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu: đời sống đâu chỉ gói gọn trong vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Đời sống còn là cái gì cao hơn thế, đẹp hơn thế.
Triết học phân chia con người ra hai phạm trù: “avoir” (có) và “être” (là). Tôi có gì thuộc phạm vi khối lượng. Tôi là gì thuộc phạm vi chất lượng. Những gì tôi có như của cải, quần áo, chỉ là những gì ở ngoài, không làm thành giá trị con người. Những gì tôi là mới tạo thành bản thân tôi, gắn bó thân thiết với tôi, tạo thành giá trị đời tôi.
Khối lượng không quí hơn chất lượng. Đừng lầm tưởng rằng ý nghĩa cuộc đời sẽ tăng theo khối lượng của cải. Chúa Giêsu muốn đời nghèo khổ, không của cải, nhưng không phải vì thế mà cuộc sống của Người không có giá trị. Giuđa chết khi túi đầy tiền bạc, nhưng không phải vì thế mà ông có giá trị hơn người khác.
Truyện kể: xưa có nhà hiền triết sống rất đơn sơ. Ông không cần quần áo, nhà cửa. Nhà của ông là một chiếc thùng phuy. Một hôm, vị hoàng đế đến thăm hỏi xem ông có cần gì không. Ông trả lời: “Tôi chỉ cần nhà vua đứng tránh ra, kẻo che mất ánh mặt trời của tôi”. Trong hai người ấy, ai cao quý hơn, ai đáng kính trọng hơn?
Chất lượng cuộc sống làm con người sống nên người hơn, cao quý hơn, sung mãn nhân cách hơn. Của cải chỉ có ý nghĩa khi giúp con người đạt được chất lượng cuộc sống. Của cải chỉ là phương tiện. Đừng biến phương tiện thành mục đích.
3) Chúa Giêsu mở tầm nhìn vô biên
Ông phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay đã coi của cải là mục đích. Có được của cải rồi, ông không còn biết làm gì hơn là hưởng thụ. Tầm nhìn của ông quá hạn hẹp. Chỉ biết có vật chất. Chỉ nhìn thấy đời này. Lời Chúa phán: “Hỡi đồ ngốc! Nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sửa đó sẽ về tay ai” đã mở tầm nhìn ra vô biên. Người ta đâu sống mãi mà hưởng thụ. Khi chết thì của cải dù nhiều cũng tan theo mây khói.
Nhưng chưa hết, chết rồi người ta còn phải ra trước toà Chúa mà chịu phán xét. Chúa không đánh con người theo khối lượng những gì họ có, nhưng đánh giá theo chất lượng của đời sống. Theo cách đánh giá của Chúa, những gì ta thu tích cho bản thân sẽ hết, sẽ qua đi. Nhưng những gì ta cho đi sẽ tồn tại.
Lời Chúa hôm nay dạy ta đừng hạ thấp đời sống con người trong một tầm nhìn hạn hẹp vào việc thu tích của cải cho riêng mình. Nhưng hay nâng cao cuộc sống, mở rộng tầm nhìn để biết tích trữ những kho tàng nơi Thiên Chúa, kho tàng ấy sẽ không bao giờ mất được.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Tiền bạc cần thiết cho cuộc sống, nhưng tiền bạc cũng nguy hiểm. Theo bạn đâu là những nguy hiểm do tiền bạc?
2- Tham nhũng, hối lộ đang trở thành phổ biến, người tín hữu phải có thái độ nào đối với tiền bạc?
3- Bạn nghĩ gì về Lời Chúa: “Hãy dùng tiền của phi nghĩa mà mua lấy bạn hữu trên trời”?
4- Tiền bạc có phải là tất cả? Hay đời sống con người còn cần nhiều thứ khác cao quý hơn?

NGUỒN

Thế hệ bánh mì kẹp


THẾ HỆ BÁNH MÌ KẸP 


Tôi ra đời giữa hai cuộc chiến, giữa một trăm năm đô-hộ giặc Tây và hai mươi năm nội-chiến từng ngày. Sau đó, tôi được đi du-học và tôi đã sống “vô tư lự” bên trời Âu sung-túc trong khi khói lửa vẫn ngập trời nơi quê nhà. 



Giờ đây, bom đạn đã ngừng tiếng nhưng một lần nữa, gia-đình tôi đã phải cuốn gói rời bỏ quê-hương và mấy triệu người Việt-Nam bỗng nhiên phải sống tản mác trên toàn thế-giới như những cây bị bật rễ, ở những chốn dung-thân như Mỹ, Gia-Nã-Đại, Pháp, Úc… 

Phần mất mát vần còn đó, nguyên vẹn, ít ra đối với bố mẹ chúng tôi và chúng tôi, thế-hệ đầu của những người di-dân. Một thế-hệ “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, lơ lửng giữa không-gian quê hương, chơi vơi giữa thời-gian thế-hệ, lạc lõng trong tâm-tư văn hoá. Một thế-hệ “bánh mì kẹp”. 

Kẹp giữa hai quê-hương 

Những người di-dân này, ngày hôm nay mang sổ thông-hành Mỹ, Pháp, Úc… nhưng vẫn chỉ là Mỹ (Pháp, Úc…) giấy, phần đông tiếng Mỹ (Pháp, Úc…) vẫn còn ba-xí ba-tú, miệng vẫn hôi mùi nước mắm chứ không hôi hamburger hay camembert, vẫn không có bạn bè Mỹ (Pháp, Úc…) mà chỉ sống quanh-quẩn với nhau, tụ-tập nơi những thương-xá, chợ búa Á-Đông, hay rủ nhau “party”, ăn uống, karaoke với nhau. 
Những người Mỹ (Pháp, Úc…) gốc Việt này đã đi tìm một nơi nương-tựa để sống “tạm-bợ” nơi xứ người mà trong thâm-tâm còn cố tưởng-tượng như mình đang sống ở quê nhà, và lúc nào có dịp, có phương-tiện là lại vù về Việt-Nam, một số để “hưởng-thụ”, nhưng phần lớn vẫn vì nhớ nhà. 

Tôi không nhớ ai đã có nói: “Ma patrie, c’est là où je suis heureux” 
(Quê-hương tôi là nơi chốn nào tôi sống hạnh-phúc)


Tôi muốn tin ông lắm, tôi cũng muốn tự an-ủi mình lắm, nhưng tiếng gọi của cội-nguồn réo rắt lắm, ông ơi. Tôi cứ ngỡ quê-hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nguồn, là cội, là gốc, là rễ cơ mà ? 
Ở hải-ngoại, đương-nhiên chúng tôi được tự-do, phần đông được ăn sung, mặc sướng, đủ tiền mua nhà, chăm lo cho con cái ăn học, đi shopping hay du-ngoạn đây đó… Đời sống này, nhiều đồng-bào ta nơi quê nhà mong mỏi có được, và tôi thừa hiểu chúng tôi « hạnh phúc » hơn rất nhiều người lắm. Tôi không dám than thân, trách phận hay phân-bì với ai cả, chẳng qua nơi đây, tôi chỉ nói lên tâm-sự u-uẩn những người tha-hương chúng tôi mà thôi. 
Nhất là trong trường-hợp tôi, hiện đang mang hai quốc-tịch Pháp và Mỹ, sống bên Mỹ nhưng tim vẫn còn « vọng Nam », tâm vẫn còn hướng về Pháp, đôi khi vẫn nhớ về khung trời Bỉ Quốc. Những nơi tôi đã sống, làm sao tôi có thể xóa quên được ? 
Quê-hương như người mẹ đã bụng đau, dạ chửa cho tôi ra đời, nuôi-nấng, dậy-dỗ tôi nên người, và quê-hương thứ hai, thứ ba là những bà mẹ đã mở rộng vòng tay, đón-nhận tôi khi tôi không còn chỗ đứng dưới ánh mặt trời. 
Ơn-nghĩa này, chúng tôi không quên (từ ngày sang Mỹ, năm 1975, bố mẹ tôi năm nào cũng gửi chút quà giáng-sinh cho gia-đình ông sĩ-quan Mỹ đã giúp nhà tôi sang Mỹ, và sau khi bố tôi mất, mẹ tôi vẫn tiếp-tục gửi, mặc dù người ân-nhân này đã mấy lần đề-nghị nên thôi gửi quà). 
Tôi cảm quí những bà « mẹ nuôi » lắm, tôi lại càng xót-thương Mẹ Việt-Nam, quê-hương đau-khổ. Ôi, quê-hương tôi đâu ? Mỹ, Pháp, Úc… ? Hay vẫn là Việt-Nam muôn thuở ? 

Kẹp giữa hai nền Văn-hoá 

Ngày hôm nay, tôi đã lục-tuần nhưng tôi đã chỉ được sống ở quê nhà có mười tám năm. (Tôi đã mất mát quá nhiều rồi.) 

Bao nhiêu năm tháng sống bên Pháp, bên Bỉ, đã rèn đúc tôi với một lối suy-luận, một cách ăn nói, một cách cư-xử xã-giao, một nền văn-hoá mà tôi hãnh-diện mang bên cạnh văn-hoá của mình, Qua bao năm tháng đó, tiếng Pháp đã dần-dà trở thành tiếng tôi thông-dụng nhất, ngay cả để diễn-tả những tâm-trạng sâu-thẳm nhất của mình. 
Tuy nhiên, bao nhiêu năm tháng đó chỉ có thể thấm vào cái vỏ bên ngoài, chỉ có thể thay đổi hình-dạng và cử-chỉ của tôi, chỉ có thể tạo nơi tôi những sở-thích ăn mặc, đi đứng, nói chuyện, chỉ có thể tạc lên cái “Tôi” bên ngoài. 
Tất cả những năm tháng đó không hề thay đổi nước da hay sắc tóc tôi (tóc tôi chỉ có thể bạc trắng với thời-gian), không hề lay-chuyển âm-điệu tiếng mẹ đẻ của tôi, không hề làm suy-sút kho-tàng văn-hoá tổ-tiên tôi hay nền giáo-dục bố mẹ tôi. 
Nước Pháp đã ban thêm cho tôi một nền văn-hoá, nhưng không hề thay-thế nền văn-hoá của tôi. 

Nhưng có lẽ đó cũng là nỗi khổ-tâm của tôi, nỗi khổ-tâm của những người di-dân trong thế-hệ đầu? Cây cối làm sao sống thiếu gốc rễ? Con người ta làm sao sống thiếu cội nguồn? Làm sao tôi có thể vui sướng bên ngoài khi bên trong trống vắng? 
Tôi có thể thích pot-au-feu hay bouillabaisse nhưng bao giờ tôi cũng vẫn thèm một tô phở đặc-biệt, tái-nạm-gầu-gân-sách-sụn. 
Tôi có thể mê một chai Saint Emilion hay một chai Volnay nhưng tôi vẫn nhớ hương-vị mấy chai la-ve “33” của “Brasseries et Glacières d’Indochine” (BGI). 
Tôi có thể viết tiếng Pháp giỏi hơn người Pháp trung-bình, nhưng tim tôi bao giờ cũng rung-động khi tôi được đánh dấu hỏi, dấu ngã. 
Tôi có thể thích xem phim “action” Mỹ hay nghe Claude Barzotti hát nhưng tôi vẫn thích xem phim bộ… Đại-Hàn (Việt-Nam tôi làm gì có phim hay?), nhưng tôi vẫn thấy thấm-thía hơn khi tôi nghe nhạc Việt, tôi vẫn truyền-cảm hơn khi hát tiếng Việt. 
Tôi có thể ngoảnh lại nhìn một cô đầm tóc vàng, mắt xanh nhưng tôi chỉ có thể hạnh-phúc với người đàn bà gọi tôi bằng “Mình ơi!”. 


Chỉ vì đó là văn-hoá dân-tộc nằm trong máu, trong xương-tủy tôi, vì đó là giáo-dục bố mẹ, ông bà tôi đã truyền lại cho tôi, vì đó là vết-tích của mấy ngàn năm lịch-sử. 
Chỉ vì tôi là người Việt-Nam.

Kẹp giữa hai nền văn-hoá. Kẹp giữa hai thế-hệ 

Bố mẹ chúng chúng tôi và chúng tôi cùng một làn sóng di-cư (cho dù trong số chúng tôi có những người đã đi trước) nhưng hai điều khổ-tâm cũng có điều khác-biệt. 
Quả thật vậy, chúng tôi vẫn cùng một nền văn-hoá với bố mẹ, cùng một nền giáo-dục do cha ông truyền lại. Bố mẹ chúng tôi vẫn được sống với chúng tôi như lúc còn ở Việt-Nam, với nền-tảng Phật-Lão-Khổng, cùng một nhân-sinh quan, cùng một đạo làm người. Chúng tôi vẫn nói tiếng Việt với bố mẹ, tiếp-tục yêu thương, kính-nể bố mẹ, để tiếp-tục lưu-truyền phong-tục, tập quán. 
Trong khi chúng tôi giờ bắt-buộc phải chấp-nhận văn-hoá con cháu chúng tôi như một văn-hoá ít nhiều là ngoại-Việt. 

Vì sự lưu-truyền đó sẽ gián-đoạn từ đây. Con cái chúng tôi đã bắt-đầu nói một thứ tiếng khác và những điều chúng tôi cố-gắng răn-dậy con cái khó lọt qua được màng-lưới thế-giới bên ngoài. 
Tôi đã được chứng-kiến một cảnh-tượng mà tôi không bao giờ quên được. Hôm đó, một người bạn có tổ-chức một buổi tiệc họp mặt với hơn sáu mươi bạn hữu để ăn uống, hát hò, nhẩy đầm. 
Về khuya, chúng tôi tạm ngưng chương-trình để ăn một bát cháo gà cho ấm bụng và lấy sức chơi tiếp. Lúc đó, đứa con trai chủ nhà từ trên lầu đi xuống với mấy đứa bạn, bật máy truyền-hình lên và nằm xem, ngay giữa sàn nhẩy. Chúng tôi đã bị “chiếm đất” và đợi một lúc, không thấy tình-hình biến-chuyển, quan-khách lần-lượt xin kiếu-từ. 
Tôi á-khẩu. Làm sao tôi có thể tưởng-tượng được cảnh này, với nền giáo-dục của tôi? Hôm đó, tôi đã chợt hiểu nền “độc-tài” của con trẻ trong cái quốc-gia tự-do nhất thế-giới này. Nhưng điều tôi phân-vân nhất là trong tình-trạng đó, hai vị chủ nhà, nghĩa là bố mẹ cậu trai trẻ đó, không hề lên tiếng can-thiệp, hầu như làm ngơ, không nhìn thấy điều gì cả. 

Trong khi tôi, đầu đã bạc phơ mà mỗi lần sang thăm nhà, Mẹ bảo tôi cạo râu hay đi cắt tóc là tôi vui vẻ làm ngay, chỉ để vâng lời Mẹ, để cho Mẹ vui. Ngược lại, bên Mỹ này, con gái mới mười lăm tuổi đã đánh mắt, thoa son đi học, bố mẹ nói gì được khi trong trường, bạn bè chung quanh đều như vậy, vả lại có thầy bà nào cấm cản đâu? Bên này, con cháu đi xâm mình (tattoo) hay đục vòng sắt vào môi, vào mắt (piercing) thì bố mẹ nào, ông bà nào ngăn cản được? 
Nhà chúng tôi lúc trước không giầu có gì nên không bao giờ dám phí-phạm bất cứ gì, ăn cơm phải vét sạch từng hạt, trong khi con trẻ bên này lấy cho đầy đĩa nhưng không ngần-ngại đổ tuốt nửa đĩa thức ăn khi chúng cảm thấy no. 


Tôi đã tận mắt thấy những bố mẹ phải khóc tức-tưởi khi bị lũ con xúm vào “mắng”. Ngày nay, bố mẹ nào dám đánh con mà không sợ chúng nó gọi “911”? 
“Trời làm một trận lăng-nhăng, ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông”. Ngày nay, thế-giới đảo lộn và chúng tôi đi lộn đầu, để con cái trèo đầu, trèo cổ thôi. 
Lúc trước còn ở bên Pháp, tôi vẫn cố gắng mỗi năm lấy máy bay sang thăm bố mẹ, và giờ đây sống bên Mỹ, tôi vẫn đi thăm Mẹ (vì không cùng tiểu bang) và ngoài ra, còn phải đi Pháp thăm con. 
Hoá ra, chúng tôi ở trên thì lo cho bố mẹ, ở dưới thì lo cho con cái (ở bất cứ tuổi nào); ở trên thì bị bố mẹ mắng, ở dưới thì bị con trách !?! 
Kẹp giữa hai thế-hệ. 

Xung-đột cả thế-hệ lẫn văn-hoá 

Nói như vậy không phải để trách mắng con cái. Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó không nói được tiếng mẹ đẻ? Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó sinh sống tại hải-ngoại? Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó hoà mình với môi-trường bên ngoài nhiều hơn là với môi-trường gia-đình (nhất là trong cái tuổi thành-niên này)? 


Tôi đã có nghe những đứa trẻ nói với bố mẹ: “Bố mẹ đừng trông mong chúng con trở thành người Việt. Văn-hoá của bố mẹ không phải là văn-hoá của chúng con. Chúng con là người Mỹ!” Phũ-phàng thay, đau lòng thay, nhưng chúng nó làm sao hiểu được văn-hoá chúng ta khi chúng nó sống trong một thế-giới mà nền-tảng là “tự-do” và “đồng đô-la”? Làm sao chúng nó có thể nghe lời bố mẹ trong khi sự-thật bên ngoài hầu như khác hẳn? 

Có lẽ chính chúng nó có lý. Bổn-phận cha mẹ là giúp con cái thành công cuộc đời chúng nó chứ không phải cuộc đời cha mẹ, giúp chúng nó thành-công ngoài đời, trong môi-trường chúng nó đang sống chứ không phải môi-trường bố mẹ chúng đã sống. Sống ở đâu mà không theo văn-hoá nơi đó thì chỉ có thất bại, mà đâu có cha mẹ nào muốn con mình thất-bại khi ra đời, cho nên đành ngậm cay, nuốt đắng mà thôi. 

Đây không phải chỉ là vấn-đề xung-đột thế-hệ (thời-điểm nào chả có vấn-đề này, cho dù không “gây cấn” như vậy), mà còn rắc-rối thêm vấn-đề xung-đột văn-hoá nữa. Làm sao bố mẹ và con cái có thể hiểu nhau và chấp-nhận nhau khi đôi bên không cùng một nền-tảng, cùng những đặc-quan, cùng một nhân-sinh-quan? 

Nỗi buồn u-uẩn 

Dĩ nhiên tôi không dám vơ đũa cả nắm, không dám nói gia-đình Việt-Nam bên hải-ngoại nào cũng như trên, nhưng có lẽ phần đông là như thế (?) 
Nói lên vài điểm cho dễ hiểu, nhưng vấn-đề không giản-dị như vậy và tôi không có khả-năng phân-tích nhiều hơn. 
Dù sao đi nữa, đây cũng chỉ là nỗi buồn u-uẩn, ám ảnh tôi từ bao lâu nay, trong mối liên-hệ với tâm-hồn, với văn-hoá, với gốc rễ của mình. 
Tôi không tức-giận, không chua chát. Tôi chỉ cảm thấy buồn, tôi không luyến-tiếc quá-khứ, chỉ là tôi cảm thấy buồn. 
Vướng mắc giữa hai quê-hương, giữa hai nền văn-hoá, giữa hai thế-hệ, chúng tôi là một thế-hệ "bánh mì kẹp” (đôi khi còn là “bánh bao” nữa). Ngoảnh nhìn lại chỉ còn kỷ-niệm, nhìn về đàng trước thì tương-lai đã bít kín. 



Nhưng thôi, đã biết là mình vướng mắc, là mình “chấp ngã” (như lời Phật dậy) thì chỉ còn có nước “phá chấp”, nghĩa là “buông”, là chấp-nhận. 
Vả lại, cha mẹ chúng tôi không có vấn-đề này, con cháu chúng tôi không có vấn-đề này, chỉ có chúng tôi mới có vấn-đề này. Ngày nào cái thế-hệ chúng tôi đi hết rồi thì vấn-đề này sẽ không còn ai bàn đến nữa. 
Chúng tôi chỉ là một giai-đoạn chuyển-tiếp, một thế-hệ bị mất mát, bị hy-sinh để dân-tộc di-dân chúng tôi có thể lật qua một trang sử mới. 
Để đời sau, con cháu chúng tôi có hy-vọng thành-công trên đất người, đi tiếp con đường mà chúng tôi đã không đi hết. 




Được như vậy, chúng tôi cũng sẽ mãn-nguyện lắm rồi. 
Xin cảm-ơn Trời Phật, xin cảm-ơn phúc-đức ông bà.

Hồng Công chuyển

Cách pha 9 món nước chấm ngon đặc trưng 3 miền

Thanh Hải sưu tầm



jeudi 28 juillet 2016

Diện Mạo.

Diện Mạo.
 
Mỗi người khi lớn lên đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình
 
Mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, nhưng khi lớn lên khuôn mặt sẽ thay đổi dần theo tâm tính của mình. Vậy nên văn hóa phương Đông vẫn cho rằng “tướng tùy tâm sinh” là vậy.
 
Một lần, Tổng thống Mỹ, Abraham Lincoln phỏng vấn một ứng viên nam đến làm nhân viên cho chính phủ. Mặc dù người đàn ông này rất có tài năng nhưng vị Tổng thống vẫn không tuyển dụng.
 
Người phụ tá thấy vậy liền hỏi Tổng thống nguyên nhân vì sao. Tổng thống nói: “Tôi không thích tướng mạo của người này”.
 
Người phụ tá không hiểu nên hỏi lại: “Chẳng lẽ một người khi sinh ra đã không được ưa nhìn thì cũng là lỗi của họ sao?”
 
Tổng thống Lincoln trả lời: “Mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, nhưng sau 40 tuổi đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình!”
 
Thực sự trong cuộc sống, con người đến tuổi trung niên, thì tướng mạo sẽ lộ rõ ra tính cách và phẩm chất của người đó. *Người có tấm lòng khoan dung thì phần lớn sẽ có khuôn mặt phúc hậu. Người có tính tình hiền dịu thì tướng mạo sẽ đẹp một cách nhu hòa thánh thiện. Người có tính cách thô bạo lỗ mãng thì tướng mạo sẽ luôn là hung dữ. Người có lòng dạ nhỏ mọn thì phần lớn sẽ có tướng mạo xấu xí, hai hàng lông mày nhíu chặt. Có người tướng mạo lộ ra vẻ đặc biệt trẻ trung và xinh đẹp thì người này nhất định là đơn thuần lương thiện. Đây là do kết quả của quá trình tu dưỡng tâm tính và hành vi phản chiếu lên khuôn mặt. Cho nên tướng mạo cũng chỉ ra vận mệnh tương lai của người đó.
 
Nhưng tướng mạo của một người là có thể từng bước cải biến được. Đặc biệt,tướng mạo đẹp là do sự quyến rũ từ trong nội tâm. Bất kể phúc báo nào đều là có nguyên nhân, cho nên dung mạo xinh đẹp cũng là có nguyên nhân từ tâm.
 
Để có tướng mạo đẹp ở tuổi trung niên, hãy thường xuyên tu dưỡng những điều sau:
 
1. Thường xuyên mỉm cười
Có người nói, mỉm cười là cách để làm nở một bông hoa xinh đẹp nhất ở trên khuôn mặt. Người xưa có câu: “Tay hung không đánh mặt cười”. Nụ cười luôn làm rung động lòng người, khiến mọi người vui vẻ, thân thiết và gần gũi nhau hơn. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất, điều quan trọng nhất chính là, mỉm cười luôn mang đến cho người khác niềm vui và hạnh phúc, mang đến sự chia sẻ về tinh thần.
 
Nếu như trên khuôn mặt thường xuyên nở nụ cười là có thể đem thiện ý truyền đạt cho tất cả mọi người. Đây chính là cách hoàn toàn không phải mất phí tổn mà lại tạo ra được giá trị lớn. Đây chính là phương pháp làm đẹp thuận tiện nhất, kỳ diệu nhất.
 
2. Khen ngợi người khác nhiều hơn
Ai cũng đều muốn nghe những lời khen ngợi, khích lệ đặc biệt là lời khen ngợi đúng lúc. Các nhà khoa học đã làm một cuộc thí nghiệm đối với nước. Sự kết tinh hình dạng của nước có chịu ảnh hưởng của thanh âm bên ngoài. Tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc Viện Hado (tổ chức IHM) ở Tokyo, Nhật Bản đã tiến hành thí nghiệm sự biến hóa của nước dưới sự ảnh hưởng của âm thanh tác động bên ngoài và phát hiện: Khi ông phát những ca khúc nổi tiếng của Mozart và Beethoven rồi dùng kính hiển vi quan sát, ông nhận thấy các tinh thể nước sẽ thuận theo những giai điệu đẹp đó mà không ngừng có những biến hóa đẹp mắt.
 
Nói những lời dễ nghe thì các tinh thể nước cũng tạo thành những hoa văn hết sức đẹp mắt. Khi nói những lời khó nghe thì các tinh thể nước lại chuyển động hỗn loạn, không có trật tự.
 
Vậy nên, nói những lời khen ngợi, khích lệ người khác cũng sẽ làm rung động tinh thần của họ. Và đồng thời, chính những lời thiện, lời tốt đẹp này cũng sẽ khiến bản thân mình càng thêm xinh đẹp hơn.
 
3. Nhẫn nhịn nhiều hơn, tức giận ít đi
Người mà có khả năng nhẫn nhịn, ít khi tức giận thì sắc mặt sẽ đẹp hơn. Trong cuốn “Phật thuyết tội phúc báo ứng kinh ” nói rằng: Người xấu xí là do thường xuyên tức giận, oán trách mà thành. Người đoan trang trắng trẻo, vẻ mặt rạng ngời, thân thể mềm mại, gặp người, người thích là kết quả của tu nhẫn mà nên.
 
4. Luôn biết cảm ơn
Người biết quý trọng và có lòng biết ơn với hết thảy, từ bông hoa cọng cỏ, từ con người, đồ vật… thì tự nhiên trong lòng cũng phát sinh một loại cảm tình tốt. Nội tâm người đó lúc nào cũng tựa như nở ra một bông hoa thơm ngát hấp dẫn người khác. Người mà bên trong tràn đầy hương thơm như vậy thì bên ngoài cũng sẽ trở nên xinh đẹp rạng rỡ.
 
5. Sức mạnh của tâm niệm
Vẻ bề ngoài của một người là liên quan mật thiết với nội tâm bên trong của người đó. Tướng do tâm sinh, cho nên bên trong thiện lành thì bên ngoài sẽ xinh đẹp. Một nhà tâm lý học từng nói: “Tâm tình của một người là như thế nào thì cuộc sống của người đó sẽ là như thế, vận mệnh của người đó cũng sẽ lại giống như thế”.
 
Vì vậy, nếu bạn mong muốn trở thành người xinh đẹp, thì trước hết hãy dùng tâm niệm tốt đẹp để đối đãi với thế gian. Khi đó bạn không những phát hiện ra mọi thứ đều trở nên xinh đẹp mà ngay cả tướng mạo của bản thân mình cũng ngày càng trở nên xinh đẹp.
 
6. Tiếp xúc nhiều hơn với người có tâm linh tốt đẹp
Người xưa nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là có ý nói rằng, nếu như bạn tiếp xúc nhiều hơn với người tốt, người có tâm linh tốt đẹp thì bạn sẽ chịu ảnh hưởng từ họ, dần dần bạn cũng trở nên giống như họ. Người đẹp không phải chỉ nói đến là vẻ đẹp bề ngoài mà quan trọng hơn là vẻ đẹp của tâm linh. Người có tâm linh đẹp thì dung mạo cũng sẽ đẹp.


Kính chúc quý lão ông, lão bà giữ được 6 điều trên đây để càng ngày càng ĐẸP LÃO.

Minh Phượng chuyển

mercredi 27 juillet 2016

Bạn Trẻ và Đức Tin

Giám mục Giuse Vũ văn Thiên

Trong những ngày này, thành phố Krakow (Ba Lan) trở thành trung tâm điểm của Giáo Hội Công giáo: Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được tổ chức nơi đây từ ngày 26 đến ngày 31 tháng Bảy. Hoà mình vào dòng chảy của các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của đức tin và sức trẻ của Giáo Hội. Mặc dù khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ và văn hoá, nhưng các bạn trẻ tham dự đều có một ngôn ngữ chung, đó là đức tin. Chính đức tin đã soi sáng và thúc đẩy họ vượt qua những chặng đường rất dài, có khi đến nửa vòng trái đất, để đến với nơi này. Họ đang góp phần làm cho đức tin Kitô rạng ngời và tỏa sáng nơi mọi nẻo đường xã hội. Từng đoàn các bạn trẻ gặp gỡ nhau ngoài đường đều giơ tay vẫy chào nhau rất thân thiện. Họ trao đổi cho nhau những vật kỷ niệm đặc trưng văn hoá của xứ sở mình. Những cái vẫy tay, những nụ cười, những tấm hình chụp chung, đều nói nên vẻ đẹp và nét phong phú của Giáo Hội Chúa Kitô.

Krakow là quê hương của hai vị thánh: Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng và Thánh Faustina Kowalska. Các ngài là những tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót. Thánh Faustina, một nữ tu thuộc dòng Đức Bà của Lòng Thương Xót, đã nhận mạc khải của Chúa Giêsu ngày 22-2-1931. Sứ mạng của Chị là nhắc cho Giáo Hội toàn cầu rằng Lòng Thương Xót là ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã truyền cho Chị vẽ lại hình ảnh của Người như Chị đã thấy trong mạc khải, và hình Lòng Chúa Thương Xót đi kèm dòng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” chúng ta tôn kính hiện nay là hình được thực hiện theo ý muốn của Chúa. Thánh Faustina qua đời năm 1938 và được chính Đức Gioan Phaolô II phong thánh năm 2000.

Thánh Gioan Phaolô II được Đức Thánh Cha Benêđitô ca tụng là một “vị tông đồ của Lòng Thương Xót”. Từ năm 1980, ngài đã viết thông điệp Dives in Misericordia ca tụng lòng thương xót của Chúa và mời gọi các tín hữu tái khám và và tôn thờ Chúa với tước hiệu này. Vị Giáo Hoàng người Ba Lan qua đời ngày thứ Bảy, 2-4-2005, chiều hôm trước lễ kính Lòng Chúa Thương Xót. Ngài được phong Chân phước ngày 1-5-2011 và được phong thánh ngày 27-4-2014.

Năm 1938, khi nữ tu Faustina trút hơi thở cuối cùng, thì chàng thanh niên Karol Wojtyla, sau này là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tới Krakow để khởi đầu chương trình học đại học. Hai vị thánh này chưa hề gặp gỡ nhau ở thế gian, nhưng Chúa Quan phòng lại định liệu để họ có cùng một lý tưởng chung, đó là quảng diễn lòng thương xót của Chúa. Hai vị thánh của quê hương Krakow được chọn làm thánh bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31. Các ngài là niềm tự hào của Giáo Hội Ba Lan, cách riêng của Thành phố Krakow. Dọc qua các đường phố, ta có thể thấy hình ảnh của hai vị thánh được trưng bày trân trọng, với cờ hoa rực rỡ muôn màu sắc.

Đến với Krakow, bạn trẻ Công giáo được mời gọi dấn thân để phục vụ Giáo Hội. Trở về với cuộc gặp gỡ lịch sử này, họ mang theo những trăn trở âu lo của cuộc sống. Những thách thức về đức tin, khó khăn về nghề nghiệp, lo âu về một xã hội bất ổn, đầy rẫy bạo lực, ám ảnh bởi các cuộc khủng bố, giết chóc. Mục đích của Ngày Giới trẻ Thế giới là giúp các bạn trẻ cùng tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, tìm lại nghị lực của đức tin và nhiệt thành phụng sự Giáo Hội, làm chứng nhân cho Chúa giữa trần gian.

Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được cử hành long trọng lúc 17 giờ ngày 26-7, do Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám mục Krakow chủ sự tại một công viên lớn có tên là Blonia. Vị Hồng y này đã là thư ký riêng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô trong nhiều năm. Đông đảo các Hồng y, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và nhất là các bạn trẻ đã hiện diện để cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ đặc biệt này sinh hoa kết trái nơi tâm hồn những người tham dự. Kết thúc bài giảng, Đức Hồng y chủ lễ đã mời gọi các bạn trẻ “Hãy mang đến cho mọi người ngọn lửa đức tin của các bạn và hãy thắp lên những bó đuốc mới để rồi trái tim của mọi người đập cùng một nhịp đập với trái tim của Chúa Giêsu, là lò lửa yêu mến. Ước chi ngọn lửa tình yêu bao trùm cả thế giới này, để không còn ích kỷ, bạo lực và bất công. Ước chi thế giới này được củng cố bởi nền văn minh của sự thiện, của hoà giải, của tình yêu và hoà bình”.

Giáo Hội Công giáo Việt Nam hiện diện tại Ngày Giới trẻ Thế giới qua một giám mục, 10 linh mục và khoảng 30 bạn trẻ. Một số bạn trẻ Việt Nam khác tham gia chương trình thiện nguyện viên phục vụ trong dịp này. Chúng tôi hiện diện nơi đây để diễn tả tình hiệp thông trong Giáo Hội, cùng chung chia những thao thức của bạn trẻ trên toàn trẻ thế giới, cầu nguyện cho hoà bình, cho sự phát triển bền vững của xã hội. Cùng với các bạn trẻ đến từ quê nhà Việt Nam, chúng tôi cũng gặp gỡ giao lưu với các bạn trẻ đến từ Mỹ châu, Âu châu và Úc châu. Tình đồng hương và niềm yêu mến Quê Mẹ Việt Nam đã nối kết chúng tôi nên một. Chương trình Giáo lý Việt ngữ được Ban Tổ chức sắp xếp tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, trong thành phố Krakow. Chúng tôi đã chia sẻ Giáo lý với những chủ đề được Ban Tổ chức ấn định và lắng nghe những ưu tư, những chứng từ cảm nhận ân sủng của Lòng Chúa thương xót. Chúng tôi cũng đã cầu nguyện cho giới trẻ Việt Nam lương cũng như giáo. Một số bạn trẻ đã chia sẻ những cảm nhận rất phong phú nhờ các cuộc gặp gỡ với các thiện nguyện viên và các tín hữu Công giáo Ba Lan trong những ngày này.

Chúng ta cầu nguyện cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được diễn ra trong an bình và ân sủng của Chúa. Xin cho các bạn trẻ hôm nay chuyên cần học hỏi dưới mái trường của Chúa Giêsu, để trở nên những khí cụ của Lòng Chúa Thương Xót.
Krakow, ngày 27 tháng 7 năm 2016
Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng
Ghi chép từ Krakow

P.Anh chuyển

-






mardi 26 juillet 2016

Sống lâu nhờ ngón tay.


Sống lâu nhờ ngón tay.

Sống lâu nhờ ngón tay.

Người Nhật sống lâu nhất thế giới chỉ nhờ… ngón tay! Không phải bỗng nhiên người Nhật sống thọ đến vậy… Bí kíp giúp người Nhật sống khỏe, sống thọ nhất thế giới! Tất cả bạn cần chỉ là 1 bàn tay!!!

Nếu bạn bị căng thẳng, chỉ cần giữ ngón tay cái thật chặt và đếm 20 giây; muốn ngăn chặn sỏi và suy thận, giữ ngón tay trỏ một thời gian ngắn để cân bằng nước trong cơ thể.

Tại Nhật Bản tồn tại một nghệ thuật chữa bệnh đã 5.000 năm tuổi. Đó là cách chữa lành cơ thể bên trong hoàn toàn bằng cách nắm giữ các ngón tay trên bàn tay. Khi nắm chặt ngón tay cái, cơ thể giải phóng những căng thẳng trong não bộ, giúp bạn thoát khỏi căng thẳng về thần kinh. Tương tự như vậy,các ngón tay còn lại cũng có khả năng chữa bệnh khác nhau.

* Dưới đây là cách giữ ngón tay để thoát khỏi bệnh tật của người Nhật, theo *Boldsky.

Ngón tay cái

Nếu bị căng thẳng, bạn chỉ cần giữ ngón tay cái thật chặt và đếm đến 20 giây. Việc đơn giản này lại có tác dụng giúp giảm căng thẳng cũng như làm dịu hệ thống thần kinh của bạn. Bạn đang bị rối loạn tiêu hóa cũng nên thực hiện theo bài tập này bởi ngón tay cái được kết nối với lá lách và dạ dày.


Ngón tay trỏ

Ngón tay trỏ được kết nối đến thận. Có thể ngăn chặn sỏi thận và suy thận bằng cách giữ ngón tay trỏ trong một thời gian ngắn để cân bằng nước trong cơ thể, ngăn ngừa sỏi hình thành.

Ngón tay giữa

Tức giận, thất vọng và mệt mỏi đều được kết nối với ngón tay giữa. Nếu bạn đang trải qua một cơn đau đầu nhẹ, hãy nắm chặt ngón tay giữa, nỗi đau của bạn sẽ biến mất. Mặt khác, các ngón tay giữa được kết nối với gan, túi mật và bàng quang, vì vậy bạn có thể điều trị bệnh liên quan đến các bộ phận kia một cách tự nhiên bằng cách giữ ngón tay ba lần trong ngày.

Ngón tay đeo nhẫn

Ngón tay này được kết nối với trung tâm, đến phổi. Khi nắm chặt, massage ngón tay đeo nhẫn giúp bạn thở tốt hơn. Bài tập này có lợi cho những người đang bị khó thở hay các vấn đề về hô hấp.

Ngón tay út

Nắm chặt và ấn nhẹ ngón tay út giúp làm dịu dây thần kinh trong cơ thể. Đồng thời, những ngón tay nhỏ được kết nối với trung tâm còn giúp ngăn ngừa cơn đau tim và bệnh về tim mạch.



Lòng bàn tay

 Lòng bàn tay được kết nối với cơ hoành và rốn. Áp sát hai lòng bàn tay của bạn với nhau có lợi cho chăm sóc sức khỏe tổng thể.*


P.ANH chuyển