samedi 7 janvier 2017

1 Một bài viết thật hay, đầy đạo lý. cho cả đời lẫn đạo.




Bạn hỏi mình : Có kiếp trước hay không?
Sao mỗi con người sanh ra lại khác nhau đến thế?
Có kẻ đẹp kẻ xấu. Có người khôn người ngu. Có đứa sang đứa hèn.
Nhưng bạn ơi, xấu - đẹp, khôn - ngu, sang - hèn ... là do bạn nhìn nó như vậy.
Chứ bản thân mỗi người đều là mỗi tuyệt tác đấy thôi.
Máu ai cũng đỏ. Nước mắt ai cũng trong. Trái tim ai cũng đập.
Sự phân biệt đến do bạn nhìn như vậy.

Bạn lại hỏi mình : Có kiếp sau hay không?
Mình mới hỏi lại : Bạn cần kiếp sau để làm gì?
Để thấy người sống thiện được đền đáp, người tội lỗi bị dầu sôi, người tu đạo được giải thoát.
Nhưng bạn ơi, đâu cần tới kiếp sau.
Nhân quả nhãn tiền.
Chỉ do bạn không thấy.
Bạn có bao giờ nhìn sâu vào cuộc sống.
Người có lòng Từ, khuôn mặt sẽ dịu nhẹ bao dung, vòng tay sẽ ân cần rộng mở.
Kẻ thủ ác, trong tim chứa đầy lửa dữ. Tự đốt mình, đâu cần địa ngục xa xôi. Đôi mắt láo liên, hằn những đường gân máu. Luôn cau mày, luôn nhức nhối thân tâm.
Ai xức nước hoa, người sẽ thoang thoảng hương thơm.
Trái tim ai đẹp sẽ lung linh như vầng trăng ấy.

Và bạn ơi, phút giây này hạnh phúc.
Được mỉm cười, được chiêm ngắm đổi thay.
Tìm cầu chi nữa quá khứ vị lai.
Chẳng nơi nào đẹp như bây giờ hiện tại.
Cành sen trắng đang rưng rưng trong nắng.
Bụt mỉm cười lấp lánh đoá Vô Ưu.

"Đừng bao giờ giữ lại một cái gì mà chờ cơ hội đặc biệt cả. Mỗi ngày sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi!" 
Tôi suy đi nghĩ lại câu nói này, và nó đã thay đổi cuộc đời tôi. 
Hiện nay tôi đọc sách nhiều hơn trước và bớt dọn dẹp nhà cửa.
Tôi ngồi trước mái hiên mà ngắm cảnh chứ không buồn để ý đến cỏ dại mọc trong vườn. 
Tôi dành nhiều thì giờ cho gia đình và bạn hữu hơn là cho công việc. 
Tôi hiểu rằng cuộc đời là những cảm nghiệm mình cần phải nếm. 
Từ ngày ấy, tôi không còn cất giữ một cái gì nữa. 
Tôi đem bộ ly pha lê ra sử dụng mỗi ngày; tôi mặc áo mới để đi siêu thị, nếu mình bỗng thấy thích. 
Tôi không cần dành nước hoa hảo hạng cho những ngày đại lễ, tôi xức nước hoa khi nào mình thấy thích. 
Những cụm từ như “một ngày gần đây” và “hôm nào” đang bị loại khỏi vốn từ vựng của tôi 
Điều gì đáng bỏ công, thì tôi muốn xem, muốn nghe, muốn làm ngay bây giờ. 
Tôi không biết chắc là vợ của bạn tôi hẳn sẽ làm gì nếu cô ấy biết trước rằng mai đây mình không còn sống nữa. (một ngày mai mà tất cả chúng ta xem thường) 
Tôi nghĩ rằng cô ấy hẳn sẽ mời mọi người trong gia đình, mời bạn bè thân thích đến.
Có thể cô sẽ điện cho vài người bạn cũ và làm hòa hay xin lỗi về một chuyện bất hòa trước đây. 
Tôi đoán rằng cô ấy sẽ đi ăn các món Tàu (vì cô rất thích ăn đồ Tàu!) 
Chính những chuyện vặt vãnh mà tôi chưa làm khiến cho tôi áy náy, nếu tôi biết rằng thì giờ tôi còn rất có hạn. 
Tôi sẽ rất áy náy vì không đi thăm một vài người bạn mình cần phải gặp mà cứ hẹn lần hồi. 
Áy náy vì không nói thường hơn với những người thân của mình rằng mình yêu thương họ. 
Áy náy vì chưa viết những lá thư mà mình dự định ‘hôm nào’ sẽ viết. 
Giờ đây, tôi không chần chờ gì nữa, tôi không hẹn lại và không cất giữ điều gì có thể đem lại niềm vui và nụ cười cho cuộc sống chúng tôi. 
Tôi tự nhủ rằng mỗi ngày là một ngày đặc biệt. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút đều đặc biệt cả. 
Nếu bạn nhận được thư này, ấy là vì có một ai muốn điều hay cho bạn, và vì bạn cũng có quanh mình những người bạn quý yêu. 
Nếu bạn quá bận đến độ không thể dành ra vài phút gửi đến cho ai khác và tự nhủ: “ mai mốt tôi sẽ gửi” thì mai mốt đó có thể là một ngày thật xa hoặc là bạn không bao giờ gửi được.

P.Anh chuyển

mercredi 4 janvier 2017

Tác dụng chữa bệnh bất ngờ của vỏ măng cụt




Măng cụt có tên khoa học là Garcinia mangostana L, thuộc họ Bứa – Clusiaceae, được nhập trồng vào nước ta đã lâu để lấy quả ăn. Vỏ quả thu thập vào mùa quả chín, ăn lớp áo hạt, để vỏ phơi khô cất dành dùng làm thuốc. Vỏ cây có thể thu hái quanh năm.
Thành phần hóa học: Vỏ quả chứa 7-13% tanin, nhựa và chất đắng mangostin có tinh thể hình phiến nhỏ màu vàng tươi không tan trong nước. Cây cũng chứa tanin.
Hỗ trợ, phòng ngừa ung thư
image: http://media.phunutoday.vn/files/upload_images/2016/06/06/mang-cut-phunutoday_vn.jpg
măng cụt
Vỏ măng cụt có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Măng cụt có chứa chất Garcinone E. Nhờ đó, vỏ măng cụt có tác dụng gây cản trở sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư gan, dạ dày và phổi. Ngoài ra, hợp chất xanthone trong măng cụt (thuộc nhóm chống oxy hóa) cũng có tác dụng kháng viêm mạnh mẽ và hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư. Chất này chứa nhiều trong vỏ.
Cách làm: Vỏ măng cụt phơi khô, đun với nước uống. Tuy nhiên, vỏ ngoài của măng cụt hơi đắng, nên trong Đông y thường kết hợp với một số vị khác để làm thuốc. Bạn có thể kết hợp vỏ măng cụt với hạt mùi, hạt thìa, cam thảo, vỏ quýt, gừng… Bạn có thể kết hợp theo công thức vỏ quả măng cụt 6g, rau sam, rau má, cỏ nhọ nồi, cỏ sữa (mỗi thứ 8g), trà xanh (loại ngon) 6g, cam thảo, vỏ quýt (mỗi thứ 4g), gừng 3 lát. Đem tất cả nấu lấy nước để uống trong ngày.
Trị tiêu chảy
Dùng vỏ măng cụt khô 24g, hạt thì là (có nơi gọi hạt bồng sàn) mỗi thứ 2g. Đem tất cả nấu lấy nước, uống 2 lần trong ngày.
Chữa lỵ
Dùng vỏ quả măng cụt 6g, rau sam, rau má, cỏ nhọ nồi, cỏ sữa (mỗi thứ 8g), trà xanh (loại ngon) 6g, cam thảo, vỏ quýt (mỗi thứ 4g), gừng 3 lát. Đem tất cả nấu lấy nước để uống trong ngày.
Làm mờ nám da
Rửa sạch vỏ măng cụt, lấy phần thịt vỏ xay nhuyễn, thêm chanhmật ong vào trộn đều thành hỗn hợp sệt. Thoa hỗn hợp này lên mặt, rửa sạch sau 15–20 phút. Chanh và mật ong có khả năng giảm nám và tàn nhang hữu hiệu, kết hợp với vỏ măng cụt càng tăng hiệu quả.
Mặt nạ vỏ măng cụt chống mụn
Phơi khô vỏ măng cụt, nghiền một vỏ khô thành bột rồi trộn đều với 4 thìa súp dầu ô-liu, thoa hỗn hợp lên mặt, đểtừ 30–60 phút, rửa sạch. Thực hiện 1 lần/tuần.

Một công cụ mới để bảo vệ nhân quyền: Đạo luật Magnitsky Toàn cầu


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa mới ban hành Bộ Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) vào ngày 9-12-2016 vừa qua. Đây là một quà Giáng sinh rất có ý nghĩa cho tất cả những người tranh đấu cho nhân quyền và chống tham nhũng và những nạn nhân liên hệ trên toàn thế giới.
Bộ Luật Magnitsky Toàn cầu cho phép tổng thống Hoa Kỳ trừng phạt bằng cách cấm nhập cảnh hay đóng băng tài sản trên đất Mỹ của bất cứ cá nhân hay thực thể pháp lý nào ở nước ngoài vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng như sau:
  • Giết hoặc tra tấn ngoài vòng pháp luật hoặc vi phạm trầm trọng những quyền con người đã được quốc tế công nhận chống lại cá nhân ở bất cứ một nước nào chỉ vì những cá nhân này tố cáo những hành vi bất chính của những viên chức chính quyền hay thực thi hoặc khuyến khích quyền con người và các quyền tự do.
  • Thi hành những vi phạm nhân quyền vừa kể theo lệnh của một người khác.
  • Là một viên chức chính quyền, hay là một trợ lý cao cấp của viên chức này, chịu trách nhiệm hay a tòng trong việc ra lệnh hay trực tiếp có những hành động tham nhũng đáng kể, kể cả việc tịch thu tài sản tư nhân hay công cộng để làm lợi cho cá nhân, tham nhũng liên quan đến những hợp đồng của chính phủ hay khai thác tài nguyên thiên nhiên, hối lộ, hoặc giúp đỡ hay chuyển giao tiền hối lộ cho giới thẩm quyền nước ngoài.
  • Trợ giúp đáng kể hay cung cấp tài chánh, vật liệu, hoặc yểm trợ kỹ thuật, hiện vật hay dịch vụ cho những hành động vừa kể.
Đạo Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu đã được khởi xướng và đỡ đầu bởi Thượng nghị sỹ Ben Cardin (thuộc Đảng Dân chủ, bang Maryland) và Thượng nghị sỹ John McCain (thuộc Đảng Cộng hòa, bang Arizona) tại Thượng viện và Dân biểu Jim McGovern (thuộc Đảng Dân chủ, bang Massachusetts) và Dân biểu Christopher Smith (thuộc Đảng Cộng hòa, bang New Jersey) tại Hạ viện. Cựu Dân biểu Cao Quang Ánh (thuộc Đảng Cộng hòa, bang Louisiana) cũng đã góp công đáng kể, thúc đẩy mạnh mẽ để hình thành Đạo Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu.
Đạo luật này mang tên một luật sư người Nga Sergei Magnitsky. Ông bị bắt giam năm 2008 và chết trong tù năm 2009 khi làm đại diện cho công ty đầu tư Anh Hermitage Capital Management, điều tra việc tham nhũng của các giới chức Bộ Nội vụ Nga. Theo ông Bill Browder, một cố vấn về đầu tư người Anh và là sáng lập viên của công ty Hermitage, ông Magnitsky tố cáo các viên chức liên hệ đã tịch thu những cơ sở của Hermitage tại Nga và sử dụng công ty Hermitage để biển thủ $230 triệu Mỹ kim của Bộ Tài Chính Nga và chuyển lậu qua một số nước châu Âu và Hoa Kỳ. Hồ sơ tài chính Panama (Panama Papers) gồm 11,5 triệu tài liệu lọt ra ngoài ngày 3 tháng 4 năm 2016 cho thấy một phần của số tiền $230 triệu Mỹ kim được chuyển vào trương mục của nhạc sĩ Sergei Roldugin, một người thân thuộc của lãnh tụ Nga Vladimir Putin.
Sau khi Dự luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu được lưỡng viện của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào ngày 8 tháng 12 năm 2016 và chuẩn bị chuyển qua cho Hành pháp ký thành luật, Thượng nghị sỹ Ben Cardin tuyên bố “Hoa Kỳ đã có thêm một công cụ quan trọng trong hộp đựng công cụ ngoại giao của chúng ta. Những kẻ vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng cần phải hiểu rõ rằng họ không thể thoát khỏi những hậu quả do những hành động của họ gây ra ngay cả khi quốc gia của họ bất động.”
Ông Alexandra Schmitt của Tổ chức Human Rights Watch nhận xét rằng Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu là một biện pháp bảo vệ nhân quyền khôn khéo, nhắm thẳng vào cá nhân tội phạm mà không trừng phạt cả một quốc gia, trong đó có những người dân vô tội.
Quốc hội Hoa Kỳ thông qua 'Đạo luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu' ngày 8-12-2016.
Quốc hội Hoa Kỳ thông qua 'Đạo luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu' ngày 8-12-2016.


Ông Daniel Calingaert thuộc Tổ chức Freedom House điều trần vào giữa năm 2015 trước Tiểu ban châu Phi, Y tế Toàn cầu, Nhân Quyền Toàn cầu và Các Tổ chức Quốc tế thuộc Ủy ban Ngoại giao Hạ viện rằng “Tự do toàn cầu đã suy giảm trong chín năm liền theo những tài liệu Freedom House đã thu thập được về quyền dân sự và chính trị để xếp hạng hàng năm. Nguyên do chính của sự suy giảm này là sự trỗi dậy của những chế độ độc tài … Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu sẽ hướng dẫn tổng thống áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với những kẻ vi phạm nhân quyền và những viên chức chính quyền tham nhũng bất cứ ở nơi nào trên thế giới. Bất kể vi phạm xảy ra ở đâu, thủ phạm có thể bị từ chối cấp thị thực vào Hoa Kỳ và bị ngăn cấm sử dụng những cơ sở tài chính của chúng ta. Phạm vi toàn cầu là một sức mạnh chính. Không một nước nào được miễn. Biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng cho những nước như Trung Quốc và Saudi Arabia. Những nước này thường không bị chỉ trích về vi phạm nhân quyền vì quyền lợi kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ.”

Sau cái chết của Luật sư Sergei Magnitsky, ông Browder đã vận động nhiều năm với Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ để tìm những biện pháp trừng trị những viên chức ngoại quốc tham nhũng ám hại những người tố cáo. Kết quả là vào năm 2012, Hoa Kỳ đã ban hành Bộ Luật Trừng phạt Magnitsky (Sergei Magnitsky Rule of Law Accountability Act), nhưng chỉ giới hạn vào Liên Bang Nga. Bộ luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act), như tên gọi, sẽ áp dụng cho tất cả mọi nước trên thế giới.
Di ảnh của luật sư Sergei Magnitsky.
Di ảnh của luật sư Sergei Magnitsky.
Cùng ngày với Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Dự luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu, Nghị viện Estonia cũng đã phê chuẩn một tu chính án của Đạo luật buộc phải dời và cấm nhập cảnh 1998 (1998 Obligation to Leave and Prohibition on Entry Act) để cấm những kẻ vi phạm nhân quyền vào Estonia. Nhân dịp này Ông Bill Browder tuyên bố rằng “Một đạo luật đầu tiên ở châu Âu của một nước giáp ranh với Nga là một tặng vật thích hợp đối với Sergei Magnitsky.”
Hiện nay, một số dự luật mang tên Magnitsky đang được cứu xét tại Na Uy và Liên minh châu Âu. Nghị viện Anh Quốc cũng đang cứu xét một tu chính án cho đạo luật chống rửa tiền để có thể tịch biên tài sản tại Anh Quốc của những kẻ vi phạm nghiêm trọng nhân quyền tại bất cứ quốc gia nào. Nghị viện Canada cũng đã khởi công dự thảo một đạo luật trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền tương tự từ tháng 3 năm 2015. Một khi những nước văn minh đều có luật Magnitsky, những kẻ tội phạm sẽ không còn nơi an toàn để cất giấu tài sản phi pháp.
Các viên chức chính quyền tham nhũng ở những nước độc tài thường hay mua tài sản và cất giữ tiền bạc ở những nước giàu và tân tiến, vì những số tiền lớn kiếm được thường là bất chính nên phải cất giấu ở nước ngoài. Thứ hai là chính những kẻ làm giàu trong chế độ độc tài tham nhũng lại không tin tưởng về sự lâu bền của chế độ đã nuôi dưỡng mình, nên cần tìm một chỗ để thoát thân khi chế độ sụp đổ. Thứ ba là những nước giàu và tân tiến có hệ thống kinh tế và tài chánh ổn định có thể bảo đảm giá trị tài sản của họ và là những thị trường đầu tư tốt.
Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), Việt Nam là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, bị xếp vào hạng 112 trên tổng số 168 nước được điều nghiên với số điểm thấp 31/100 vào năm 2015. Tại Hội nghị lấy ý kiến đánh giá 10 năm chống tham nhũng ở Việt Nam vào ngày 27 tháng 10 năm 2016 ở Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhìn nhận tình trạng tham nhũng trên cả nước là “thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của đảng và hiệu lực quản lý của nhà nước và trên hết là đe dọa sự tồn vong của chế độ.”
Theo mạng 10Hay.com, mười vụ tham nhũng lớn nhất Việt Nam hiện nay là (1) EPCO Minh Phụng; (2) PMU18; (3) PCI; (4) Đề án 112; (5) Nexus Technologies; (6) Tiền Polime; (7) Chia chác đất công ở Đồ Sơn; (8) Vinashin; (9) Vinalines; và (10) PVC Trịnh Xuân Thanh.
Theo tổ chức Freedom House, Việt Nam bị xếp trong số 51 nước không có tự do (not free) với số điểm tự do áp chót là 6/7 và số điểm tồi tệ nhất về quyền chính trị là 7/7, so với 89 quốc gia có tự do (free) và 55 quốc gia có một phần tự do (partly free) trong tổng số 195 nước được điều tra vào năm 2015. Theo phúc trình 2015 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một số viên chức thuộc Bộ Công an đã phạm tội bắt bớ tùy tiện và giết người trái phép. Ít nhất có 14 người chết trong khi bị giam giữ, trong số đó có các nạn nhân như Nguyễn Văn Tịnh (Hà Tĩnh), Nguyễn Đức Duân (Hưng Yên), và Đỗ Đăng Du (Hà Nội). Cũng theo phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có ít nhất 70 người bị cảnh sát hoặc công an mặc thường phục hành hung hay tra tấn, trong đó có những người hoạt động nhân quyền mà nhiều người biết đến như Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, Lư Thị Thu Vân, Trần Anh Kim, Lại Tiên Sơn, Nguyễn Thanh Hà, Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Chí Tuyển, Đinh Quang Tuyển, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Trương Dũng, Luật sư Trần Thu Nam, Luật sư Lê Văn Luân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trương Minh Đức, Trần Thị Nga, Trương Minh Tâm, Chu Mạnh Sơn, Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Văn Oai, Mai Thanh, Trương Văn Dũng, và Nguyễn Tường Thụy.
Theo Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, mười viên chức cao cấp thuộc Đảng CSVN chủ trương đàn áp nhân quyền mạnh mẽ nhất là (1) Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng 2006-2016); (2) Trần Đại Quang (Bộ trưởng Công an 2011-2016, Chủ tịch nước từ 2016); (3) Lê Hồng Anh (Bộ trưởng Công an 2002 - 2011); (4) Tô Lâm (Bộ trưởng Công an từ 2016); (5) Nguyễn Văn Hưởng (Thứ trưởng Công an, Phái viên Tư vấn cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về an ninh và tôn giáo 2001-2013); (6) Trương Hòa Bình (Chánh án Tòa án Tối cao 2007-2016, Phó Thủ tướng từ 2016); (7) Nông Đức Mạnh (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam 2001-2011); (8) Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 2011); (9) Lê Thanh Hải (Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh 2006-2015); (10) Phạm Quang Nghị (Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hà Nội 2006-2016).
Với tình trạng tham nhũng và vi phạm nhân quyền như trên, Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu nhiều hậu quả của Đạo luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu. Nhiều đảng viên Cộng sản VN chỉ trích Mỹ nhưng tiếp tục gửi con cái qua Mỹ du học và đầu tư tại quốc gia này. Hiện nay có khoảng 17.000 sinh viên Việt Nam đang học ở các trường đại học Mỹ. Theo Sở Dịch vụ Thị thực (Visa Office) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong năm 2014, có 92 người Việt đến Mỹ với thị thực EB-5 dành cho những người giau có muốn định cư ở Mỹ với điều kiện mỗi người phải đầu tư ít nhất $500.000 – $1 triệu Mỹ kim tùy theo vùng kinh doanh trong chương trình di dân đầu tư (Immigrant Investor Program). Số người Việt được cấp thị thực EB-5 đã tăng gấp 3 lần, lên tới 249 người vào năm 2015. Khuynh hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục trong năm 2016. Thật là đáng theo dõi xem nhiều người Việt còn muốn qua Mỹ với thị thực EB-5 nữa không trong những năm tới, sau khi Đạo luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu được áp dụng.
Tổ chức phi chánh phủ: Human Rights Watch, Freedom House, Amnesty International, Human Rights Campaign, Lawyers Committee for Human Rights, BPSOS, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: Bureau of Democracy, Human Rights and Labor Affairs.
Hạ Viện Hoa Kỳ: Tom Lantos Human Rights Commission.
Thượng Viện Hoa Kỳ: Sub-committee on International Operations and Organizations, Human Rights, Democracy and Global Women’s Issues.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Phiên tòa ngày ba mươi

Phiên tòa ngày ba mươi
Tác giả
Trần Mộng Tú





Theo âm lịch hôm đó là ngày 30 Tết. Sáng mai sẽ là ngày Tân Niên. Người Á Đông vào ngày cuối năm này, không ai muốn ra tòa cả. Họ còn lo dọn cửa nhà, bày bàn thờ tổ tiên để đón năm mới. Nhưng người Mỹ thì ngày nào cũng là ngày làm việc, trừ ngày lễ và ngày cuối tuần. Ngày 30 Tết của mình không phải ngày lễ lạt nào của dương lịch cả. Và phiên xử đã định ngày. Muốn hay không cả bị cáo lẫn nguyên đơn đều phải ra đôi chứng trước tòa.

Phiên tòa “Dân Sự Tố Tụng” ngoài luật sư, chánh án, còn có cả người ngoài vào tham dự. Những người Việt ở thành phố này háo hức đi xem vì bà Hằng là một khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng, một người ở đây từ năm 1975 và tương đối có một cuộc sống dung dị, khiêm nhường, nhất là sau khi chồng bà qua đời thì bà lại ít giao thiệp hơn. Phần đông họ biết bà là người có nhà cho thuê phòng. Bốn người ở trọ trong nhà bà thì một người, con chở tới, để làm nhân chứng thưa bà Hằng, ba người kia cũng chở nhau hoặc nhờ người khác chở đến xem phiên tòa xử bà Hằng.
Bà Nguyễn Thị Hằng bị ông Trần Văn Định, con trai của ông Trần Văn Nam thưa về tội bà lợi dụng bố ông để làm chuyện vợ chồng và đòi số tiền bồi thường là ba trăm ngàn. Đây là số tiền tương đương với căn nhà bà Hằng đang sở hữu. Nếu thua kiện, bà Hằng có thể phải bán đi ngôi nhà này.

Sau đây là lời khai của bà Nguyễn Thị Hằng:

- Tôi năm nay đã ngoài năm mươi. Góa chồng mười năm, không con cháu. Chồng tôi mất để lại cho tôi tiền hưu bổng, quỹ an sinh của anh cộng vào của riêng tôi, cũng giúp tôi sống thoải mái tuổi già. Tôi có một ngôi nhà khá rộng, nhà bốn phòng ngủ ba phòng tắm. Ngôi nhà này chúng tôi mua sau khi ở Mỹ được mười năm. Bây giờ chồng mất, một mình tôi ở cũng thấy trống trải quá. Bạn bè khuyên tôi nên bán đi mua một căn chung cư ở cho tiện, khỏi phải lo sân trước vườn sau. Nhưng tôi cứ tiếc bao nhiêu kỷ niệm đã có với ngôi nhà này nên không bán. Hai năm sau ngày chồng mất, tôi sửa lại nhà, thêm hai buồng nữa và một buồng tắm rộng, xây theo kiểu cho người già có thể đẩy xe lăn vào tắm. Đã tám năm nay, tôi cho thuê phòng. Tôi cho những người già trên 50 tuổi thuê, phải là không có bệnh tật, tự lo cá nhân được, chỉ muốn ở riêng không phiền con cháu. Nếu ai không thích nấu nướng, tôi cũng nấu ăn cho ngày hai bữa: bữa điểm tâm và bữa cơm chiều. Nhà sáu phòng, cho thuê bốn. Tôi ở một phòng, một phòng làm thư phòng, để sách vở, báo chí, máy truyền hình. 


Trong tám năm có kẻ ra người vào. Có cặp vợ chồng già, giận con tưởng bỏ đi được, đến xin ở. Vài tháng nhớ cháu lại làm lành với con xin về. Có người được con đưa đến gửi vì cả ngày con cháu đi làm, đi học không có ai nói tiếng Việt, họ nói: gửi mẹ cháu ở đây cho có bạn, cuối tuần đón về. Một hai tháng đầu còn đón, sau quên luôn. Có người ở tiểu bang khác tới chưa kiếm được nhà, nói ở tạm, rồi ở luôn. Trong tám năm không lúc nào có buồng trống cả. Khách trọ có người làm thân với nhau nhanh chóng, có người ở cả tháng không nói với nhau câu nào. Cũng có người ở được một tháng rồi dọn ra ngay, nói là, không quen chung đụng với người lạ. Họ đến và đi như thế, người này ra thì người kia vào. Cũng có một hai người qua đời vì tuổi già.
Cuối năm thứ bảy bước sang năm thứ tám, tôi nhìn vào danh sách khách trọ:

Cả bốn người đều là đàn ông không có vợ, một ông 68, một ông 70, một ông 72 và một người còn trẻ, mới ngoài 20. Cả bốn người này không có bệnh gì trầm trọng, đã ở thuê trong nhà tôi được từ hai đến bốn năm.


Có một điều đáng nói là cả bốn người này họ có một điểm giống nhau là khi ngủ họ hay mê sảng và kêu hét. Ban đầu thì chỉ có một người mê sảng, sau không hiểu sao mà dần dần cả bốn người thay nhau la hoảng suốt đêm. Có khi một tối hai, ba người cùng mê sảng. Nhưng cơn mê của họ phải gọi là ác mộng vì họ la hét hoặc khóc lóc. Có hôm cả đêm tôi phải dậy đập cửa từng phòng, nơi phát ra tiếng động để kéo họ ra khỏi cơn ác mộng.


Sáng hôm sau, người mê hoảng đêm trước thường không nhớ gì về giấc mơ cả, hoặc có nhớ thì chỉ nhớ rất mơ hồ hoặc có thể họ nhớ nhưng vì ngượng ngùng họ không muốn nhắc lại. Tôi coi như họ đã quên hết những giấc mơ đêm trước.


Lần đầu nghe một khách trọ mê sảng như thế, tôi không chịu nổi vì mất ngủ suốt đêm theo họ. Rồi kế tiếp cả bốn phòng đều thay nhau, người đêm này, kẻ đêm khác cất tiếng khóc, nói mê ban đêm xảy ra rất thường. Tôi đã có ý định mời họ dọn ra. Nhưng khi mở hồ sơ của họ thì một người không có họ hàng thân thích, một người con bỏ vào đây rồi dọn đi tiểu bang khác. Một người con ở gần nhưng may ra một năm gọi hay thăm một lần. Muốn mời họ dọn ra không dễ, hình như con cái họ muốn giao họ cho tôi làm vú già như kiểu ở Việt Nam ngày xa xưa. Họ vẫn gửi tiền tháng nhưng không liên lạc, nếu cha mẹ họ chưa chết. Không lẽ chỉ đuổi một người thứ tư là người trẻ nhất, không vợ, không con.


Chánh Án:
- Theo đơn khởi tố của ông Trần Văn Định thì bà có vào giường của bố ông ấy là: Trần Văn Nam sáng ngày mồng 8 tháng 4. Bà lợi dụng ông già 70 để làm chuyện vợ chồng và ông Định bắt gặp tại chỗ. Có đúng không?

Nguyễn Thị Hằng:


- Tôi có vào giường ông Trần Văn Nam để dỗ ông ta, vì ông ta khóc rống lên rất thống khổ. Tôi phải trèo vào giường ôm ông ấy nằm xuống, vì ông ta hốt hoảng nhổm dậy như muốn đập đầu vào tường. Mới kéo được ông ấy nằm xuống và đang ôm cho ông ấy hạ cơn mê thì ông Định mở cửa ló đầu vào.


Trần văn Định:


- Bố tôi ở đó đã hơn ba năm, tôi không đón bố tôi về nhà chơi thường được vì vợ chồng tôi bận làm ăn; chỉ trừ dịp Tết, nghỉ lễ, nếu tôi không bận công việc. Có đến hơn một năm rồi tôi mới quay lại đây, tối hôm trước tôi có gọi cho bà Hằng, nói, tôi sẽ đến sớm để đón Bố tôi cho ra tiệm ăn sáng vì tôi rất bận và tôi không thể đón bố tôi về chơi được. Bấm chuông mãi không thấy bà Hằng ra mở cửa, tôi xoay xoay tay cầm thì thấy cửa không khóa, ngó đầu vào thấy nhà không thắp đèn, trời mới mờ mờ sáng. Tôi đi thẳng vào buồng có tên bố tôi, khẽ đẩy cửa ló đầu vào thì thấy bà Hằng nằm trên giường cùng với bố tôi, bà ôm bố tôi như người vợ ôm chồng và đang nói nho nhỏ:


“Không sao, không sao, ngủ đi, em đây, em đây.”
Bà ấy cứ lặp đi lặp lại nho nhỏ như thế và không để ý đến sự có mặt của tôi. Tôi nghĩ là bà ấy đang lợi dụng bố tôi để làm chuyện không đẹp. Tôi tiếc là quên không lấy phôn ra chụp hình làm bằng chứng.

Chánh Án:


- Bà Hằng, những lời ông Trần Văn Định vừa nói có đúng không?


Nguyễn Thị Hằng:


- Đúng hoàn toàn, hôm đó tôi khó ngủ, thức giấc từ 3 giờ vì ông Trần Văn Nam mê sảng cả đêm, tôi phải chạy sang lay ông và dỗ cho ông ngủ lại, gần 5 giờ mới hơi yên. Biết là ông Định sẽ đến vào sáng sớm, nên trước khi về phòng mình, tôi mở khóa sẵn cho ông Định, cửa chỉ đóng nhưng không khóa vì tôi không muốn mới ngủ lại mà bị đánh thức. Nhưng ông Nam đâu có để tôi yên, khoảng một giờ sau ông ấy lại mê sảng khóc rống lên, gọi tên bà Vân (tôi đoán là vợ ông, vì mỗi lần mớ ông đều gọi tên bà Vân này.) Tôi phải chạy sang và nằm luôn vào giường ôm ông ấy dỗ như dỗ một người chồng bệnh tật.


Chánh Án:


- Tại sao bà lại dỗ như dỗ một người chồng? Ông ấy đâu phải chồng bà. Bà làm như thế này mấy lần rồi?


Nguyễn Thị Hằng:


- Tôi làm nhiều lần rồi. Không phải chỉ với một mình ông Nam mà còn với cả ba người khách trọ kia nữa.

Cả phòng xử nhao nhao lên một tiếng “Ồ” thật to. Ông Lê Văn Thành, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ông Bùi Văn Lai đều giật mình đánh thót lên. Cả ba ông khách trọ còn lại thảng thốt nhìn nhau như tự hỏi: “Bà Hằng vào nằm ôm mình lúc nào mà mình không biết nhỉ?” Ông Bùi Văn Lai trẻ nhất, ngồi im lặng, tính anh vẫn ít nói nhưng hai ông già ngoài 70 tuổi thì cúi đầu vào nhau thì thầm, mặt co lại vì suy nghĩ.

Trần Văn Định:


- Ồ đấy, cả tòa đã nghe rõ chưa, bà Hằng không phải chỉ ngủ với bố tôi mà còn ngủ với tất cả khách trọ của bà. Thật là tội lỗi.


Chánh Án:


- Xin bà nói lại cho rõ. Bà cho khách thuê nhà, ngoài việc nấu cho ăn, bà không có dự phần chăm nom cá nhân gì cho những người ở trọ, tại sao bà lại vào giường ôm người ta ngủ?


Nguyễn Thị Hằng:


- Đúng, tôi chỉ là một người chủ cho thuê nhà, nhưng không biết từ lúc nào tôi trở thành: người vợ, người mẹ và ngay cả người con của mấy người khách trọ này. Đây là tình trạng những người hiện tại tôi cho thuê phòng trong nhà tôi:

* Ông Lê Văn Thành, 72 tuổi, con mang tới bốn năm rồi, không hề ghé lại thăm ngoài việc gửi tiền đều đặn hàng tháng và một năm đôi lần gọi, hỏi một câu ngắn ngủi xem cha mình còn sống hay không? Ông Thành là một sĩ quan pháo binh, đi cải tạo, sang Mỹ theo diện H.O. Ông mang vào nhà tôi một gánh ký ức ở những trại tù Bắc Việt Nam, vợ chết từ khi ông đi tù về. Trong những cơn ác mộng ông gọi tên người con trai duy nhất, rồi khóc nức nở, rồi cười hực hực. Có khi tôi làm vợ ông, vào nằm đưa tay mình ra nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông trong đêm tối, rồi nhận là vợ ông. “Anh ơi ngủ đi, khuya rồi, ngủ đi mai dậy mình mang con về nội”. Có khi tôi làm người con trai, tôi kéo ông nằm thấp xuống cho ngả đầu vào vai tôi rồi dỗ: “Ba tựa vào vai con nè, con đến đón ba về nhà chơi với mấy đứa nhỏ nè.” 

Tôi lừa ông một lúc thì ông ngủ. Ông ngủ say rồi mà tôi vẫn thức, tôi thương ông quá đỗi, tôi không dám kéo cái vai gầy của tôi ra, tôi thấy giận người con trai của ông đã bỏ rơi người bố khốn khổ. Tôi đóng vai con ông, vợ ông không phải một mà rất nhiều lần rồi.


*Ông Nguyễn Anh Tuấn, 68 tuổi. Vượt biển năm 1985, vợ và hai con gái chết ngoài khơi trước khi thuyền kéo được vào bờ. Ông cuối cùng vào được Mỹ, tưởng rằng có việc làm, chốn ở, ông sẽ làm lại đời mình. Nhưng không, ông vẫn sống với những ám ảnh kinh hoàng đó. Ông phải đi điều trị tâm thần. Tuy hồ sơ bệnh lý của ông không trầm trọng, nhưng ông sống vật vờ như xác không hồn, ông có đi làm việc một thời gian dài rồi nghỉ việc, rồi lại đi làm, rồi lại nghỉ. Ông đi ở trọ nhiều nơi, chính phủ cũng đã có lần cấp nhà cho ông. Bây giờ ông đi qua cả tuổi hưu trí rồi mà vẫn không biết xếp hồ sơ của ông vào tình trạng nào vì có lúc đầu óc ông rất sáng suốt, thông minh, có lúc ông hoàn toàn như vuông vải mục bị ngâm thuốc tẩy lâu ngày. Ông đến thuê trọ nhà tôi ba năm nay. Những đêm mê sảng ông gọi tên vợ, gọi tên hai cô con gái, giọng ông như người đang chết ngạt trong nước. Không phải nước biển mà là nước mắt. Tôi ôm ông, có khi nhận là vợ, nói: “Em đây, mình ngủ đi.” Có khi nói: “Ba ơi, con gái ba đây, ba ngủ đi nghe.” Ông hơi khó dỗ, ông hay hỏi lại tôi: "Bé Mi hay Bé Na đấy?" Khi ông ngủ là lúc tôi nằm khóc ướt cả cái gối của ông. Nhập vào trong cơn mê sảng đau thương của ông, nhiều đêm tôi tưởng mình là con gái ông thật, mặc dù tôi chỉ kém ông mươi tuổi.
*Ông Bùi Văn Lai, trẻ tuổi nhất lai Mỹ đen, thì lúc nào cũng cần mẹ. Anh bị mẹ cho vào cô nhi viện từ khi còn bé, đến khi anh lớn thì cô nhi viện đem bán anh cho một gia đình để làm con nuôi. Cả gia đình đó sang Mỹ theo diện con lai. Sang đến Mỹ được hơn một năm, đời sống gia đình họ ổn định, họ không muốn có một người con Mỹ đen trong nhà, anh bị đuổi khéo. Anh lang thang, tự kiếm việc và tìm nơi dung thân mình từ lúc 15 tuổi. Anh vào nhà tôi được hai năm. Năm nay anh hai mươi.

Anh thèm mẹ lắm, tôi tin như thế vì khi anh mê sảng, anh cứ khóc rống lên gọi mẹ.


Tôi bắt đầu còn đứng ở đầu giường anh lay lay vai anh, sau phải trèo vào giường anh, ôm cái đầu tóc quăn quăn của anh vào bộ ngực còm cõi của mình dỗ dành: “Mẹ đây, mẹ đây, ngủ đi con, ngủ đi con” và nước mắt tôi cũng ứa ra làm ướt cả mấy sợi tóc quăn đó. Tôi ôm anh cho đến khi anh chìm vào giấc ngủ vì tin mình có mẹ nằm bên.


*Ông Trần Văn Nam, bố của ông Trần văn Định cũng là một người thèm con, nhớ vợ. Mặc dù ông Định ở không xa nhưng lúc nào ông cũng nói là công việc làm ăn rất bận. Vợ con ông thì tôi chưa hề gặp bao giờ. Tối hôm đó tôi phải vào với ông hai lần, tôi mất ngủ cho đến sáng. Và ông Nam đã khóc trong lòng tôi, ông gọi tên Định vì tưởng con đến đón ông về. Sau ông lại mê sảng gọi tên bà Vân, tưởng tôi là bà Vân, vợ ông. Tôi dỗ dành mãi ông mới yên và tôi cũng mệt quá, vừa thiếp đi thì ông Định đến.


Bà Hằng ngưng một lúc, nhìn xuống bốn người khách trọ trong nhà mình, nói như chỉ để nói với bốn người đó:
- Tại sao cả bốn ông không cùng đem tôi ra tòa, cùng thưa tôi đòi bồi thường một thể? Có phải các ông sau những cơn ác mộng ban đêm, sáng ra đã nhìn tôi như nhìn một người vợ, một người con và một người mẹ hay không? Tôi không nghĩ là các ông hoàn toàn quên hẳn giấc mơ đêm trước.

Cả phòng xử im lặng, người ta có cảm tưởng nghe được cả tiếng tim đập nhanh trong lồng ngực của cả bốn người đàn ông trước mặt.


Phiên tòa đến đây tạm ngưng vì hết giờ. Chánh Án không hỏi thêm câu nào nữa và vụ kiện sẽ được xử tiếp vào một ngày khác.


Đêm ba mươi hôm ấy, bà Hằng không nghe thấy một tiếng mê sảng nào phát ra từ buồng ngủ của khách trọ.


Sáng mồng một Tết, bà Hằng bày hương hoa trên bàn thờ chồng, làm một mâm cơm cúng tân niên mời bốn người ở trọ tham dự. Họ vui vẻ chúc Tết nhau. Không ai nhắc đến chuyện ngày hôm qua nữa.


Và cả những đêm kế tiếp sau đó mọi người hình như được uống thuốc ngủ. Họ ngủ yên lành, không mê sảng nữa. Họ yên lặng đến nỗi bà Hằng phải thắc mắc tự hỏi: "Liệu trước đây họ có thật sự mê sảng không? Hay họ chỉ cần một vòng tay, một tình thương yêu của người vợ, người con, người mẹ mà họ bật lên những tiếng kêu đó, để gọi bà vào?"


Sau đó hai tuần bà Hằng nhận được giấy của luật sư ông Trần Văn Định, báo tin ông Định đã bãi nại, xin rút lại đơn khởi tố bà Nguyễn Thị Hằng, nên vụ kiện được xếp lại hoàn toàn.
Có người biết chuyện, kể lại rằng: "Ông Trần Văn Định, sau đó coi như giao luôn bố cho bà Hằng, không thấy đến và cũng không thấy gọi nữa. Cả bốn người đó cùng ở với bà Hằng cho đến cuối đời như trong một gia đình: ông Lê Văn Thành, ông Trần Văn Nam thì đến khi qua đời, mới được con đến nhận xác của cha trong bệnh viện về chôn cất, ông Nguyễn Anh Tuấn không có thân nhân thì được bà Hằng kêu gọi bạn bè phụ với bà ma chay. Người trẻ nhất, ông Bùi Văn Lai là người cuối cùng ở lại, anh săn sóc bà Hằng khi bà già yếu và đã chôn cất bà như một người mẹ.

Trước khi bà Hằng mất, bà giao ngôi nhà đó cho anh và anh tiếp tục công việc cho thuê phòng, đặc biệt cho những người già Việt Nam bị con bỏ rơi trên quê người."


TMT

LệChi chuyển

Le Piloxing, la nouvelle activité sportive tendance et rythmée

Le Piloxing, la nouvelle activité sportive tendance et rythmée

Le Piloxing, la nouvelle activité sportive tendance et rythmée
Le 2 janvier 2017.
La nouvelle année est aussi l’occasion de prendre de bonnes résolutions. Le sport fait partie des résolutions les plus adoptées. Et si on se mettait au Piloxing ?

Le Piloxing, la nouvelle activité sportive qui fait un carton

Vous avez déjà testé la zumba, la boxe, le Pilates ou la danse et vous voulez changer ? Découvrez le Piloxing ! Nouvelle activité sportive venue tout droit de Suède, elle fait un carton aux États-Unis en mélangeant les cours de Pilates, de boxe et de danse : des exercices cardio-respiratoires intensifs pour un renforcement musculaire maximal. Le tout sur une musique rythmée et entraînante, pour rendre l’activité sportive plus amusante et moins épuisante.
Il faut chercher à se défouler si on choisit de pratiquer cette activité. Aucune pause n’est prévue au cours des séances. Chaque participant reproduit les chorégraphies du coach et enchaîne les mouvements. Les résultats seraient plutôt prometteurs : 900 calories pourraient être brûlées par séance d'une heure.

Une activité qui demande de l’endurance

Côté équipement, le Piloxing se pratique en tenue de sport avec des gants lestés de 500g à chaque main (autour de 20 € la paire). On recommandera par ailleurs de porter des chaussures de sport avec une bonne semelle, car cette activité sportive vous conduira à sautiller comme à la boxe. Il est donc indispensable de prendre soin de ses articulations.
Cette activité sportive très intensive est cependant déconseillée pour les personnes qui n’ont jamais pratiqué un sport. Si vous êtes en surpoids ou si vous n’avez jamais fait de sport, tournez-vous vers une activité plus douce pour commencer. Tenir une heure sans pause en sautillant demande en effet une endurance qui n’est pas donnée à tout le monde.
http://www.passeportsante.net/fr/Actualites/Nouvelles/Fiche.aspx?doc=piloxing-activite-sportive-pilates-zumba-boxe-exercices-cardio-respiratoires
Pour en savoir plus : Sport et santé