samedi 13 mai 2017

Những con đường hoa sưa vàng rực ở Quảng Nam

Những con đường hoa sưa vàng rực ở Quảng Nam

Mỗi độ tháng tư, nhiều con đường ở thành phố Tam Kỳ lại đổi màu bởi loài hoa mà "chỉ Quảng Nam mới có" - sưa vàng.

 
Khác với cây sưa (huỳnh đàn) ở miền Bắc, sưa vàng được người dân miền Trung gọi là cây hương vườn. Loài này cùng chi với cây giáng hương quả to và giáng hương mắt chim, không phải loại gỗ quý như sưa trắng ở phía Bắc. Trước đây, sưa vàng mọc tự nhiên, người dân lấy về trồng trong vườn lấy gỗ làm củi, có những cây sưa cổ thụ đến 300 năm tuổi.
Khoảng 10 năm nay, thành phố Tam Kỳ mang sưa vàng về trồng đại trà trong đô thị, hình thành nên những “con đường sưa” như Phan Bội Châu, Trần Cao Vân, Trần Hưng Đạo... Nhiều khuôn viên cơ quan công sở cũng trồng sưa lấy bóng mát.
 
 
Cuối mùa xuân, đầu mùa hè là lúc hoa sưa nở rộ. Những chùm hoa vàng rực che khuất cả tán lá, cho mùi thơm dịu nhẹ. Sưa vàng có đặc điểm tán rộng, dễ nhân giống, tăng trưởng nhanh ở các năm đầu. Thân hợp trục phía ngọn cao 30-35m, rễ bạnh khó đổ, cành nhánh dẻo và khó gãy, quả không có thịt. Mùa mưa bão, cây rụng hết lá nên khó bị đổ ngã.
 
 
Hoa nở thu hút nhiều côn trùng đến lấy mật, phấn hoa. Mùa sưa nở, những tuyến phố như thay áo mới với màu vàng đặc trưng. Màu sắc này lưu lại được khoảng 2 tuần rồi lụi tàn.
 
 
Hoa sưa rụng như tấm thảm trải hai bên đường Trần Hưng Đạo.
 
 
Sau mỗi đêm, công nhân môi trường đô thị lại miệt mài thu dọn hoa rụng.
 
 
Không chỉ ở phố thị, các làng quê Quảng Nam những ngày này hoa sưa cũng trải dọc đường làng ngõ xóm.
 
 
Trên sông Tam Kỳ, những hàng sưa soi bóng xuống lòng sông tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Sưa được người dân trồng để bảo vệ đất, chống sạt lở.
 
 
Những gốc sưa trăm tuổi ở vùng ngoại ô tán đan nhau tạo thành con đường rợp bóng mát.
 
 
Nhiều bạn trẻ nhân dịp này chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc riêng.
 
Đắc Thành - Hải Hoàng
Kỷ Niệm sưu tầm

 

CON ĐƯỜNG BÌNH AN

Chúa Nhật V Phục Sinh
CON ĐƯỜNG BÌNH AN


PM. Cao Huy Hoàng
Nếu giờ nầy bạn và tôi có mặt tại Bệnh Viện Chợ Rẫy, hay một bệnh viện nào đó -nhất là Viện Tim - với người thân sắp vào ca phẩu thuật, thì hẳn chúng ta sẽ hiểu ra thế nào là trạng thái xao xuyến. Và có thể hiểu sâu sắc hơn, nếu ta ôn lại những kỷ niệm xao xuyến cuối đời của Cha Mẹ trước lúc sinh thì. Dù có hời hợt cách mấy, có nhất thời cách mấy, ta cũng có ít là một lần xao xuyến. Xao xuyến giữa cái “mất” và “còn” hiện lên rõ nét trên mỗi khuôn mặt, nhất là người đối diện với nguy cơ không còn hiện hữu và những người trong cuộc. Có biết bao người lại xao xuyến quanh năm trong tình trạng bất an vì sống chung với bệnh, không biết lúc nào sẽ ra đi và có thanh thản ra đi không; bất an vì sống chung với nợ, không biết lệnh thu hồi của chủ nợ đến lúc nào, và liệu họ có vui lòng cho khất nợ hay dày vò đay nghiến dẫn đến nỗi thất vọng ê chề; bất an vì một quá khứ đầy bất công, bất chính trong đời sống kinh tế, đời sống xã hội và nhất là đời sống hôn nhân gia đình… Bất an vì tương lai trước mặt mịt mờ không thể định hướng được,do cuộc sống hiện tại mất căn bản - bấp bênh chao đảo từ niềm tin, đạo đức, đến văn hóa, kinh tế, hòa bình, tự do, hạnh phúc…Vâng, cuộc sống này luôn là những ngày bất an và xao xuyến.
Chúa Giêsu cũng đã hơn một lần xao xuyến trước cái chết của Lazaro (Ga 11,33), và trước cuộc thương khó của mình: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ nầy mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha” (Ga 12,27-28a). Viết đến đây, tôi muốn dừng lại để nhớ đến một trường hợp xin cầu nguyện cho ca mổ nguy hiểm 8g30 sáng hôm nay và để thưa với Chúa Giêsu rằng: lạy Chúa, chính giờ nầy đây, có biết bao người đang xao xuyến, trong đó có cô L, những người thân của gia đình cô trước ca phẩu thuật khó khăn và nguy hiểm. Xin Chúa ban cho họ niềm tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Chúa, và xin tôn vinh danh Chúa đến muôn đời.
Những tưởng khi Chúa Giêsu biết  trước cái chết của mình, thì “người xao xuyến nhất” phải là chính Người chứ chưa phải là các tông đồ; và những tưởng các tông đồ sẽ là những người an ủi Người, nhưng không, điều ngược lại đã xảy ra trong trình thuật tin mừng hôm nay: Chúa Giêsu bảo Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14,1). Chúa Giêsu có thể vượt qua, chiến thắng, xóa tan sự xao xuyến tự nhiên nơi bản chất con người vì niềm tin và tình yêu của mình đối với Chúa Cha. Niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa Cha và tình yêu dành cho Cha luôn là động lực của mọi quyết định của Ngài. Vì tình yêu dành cho Cha, Ngài vui lòng làm theo ý Cha, trong đó, có ý yêu thương nhân loại tội lỗi, như Cha đã yêu. Sự tin tưởng và gắn bó mật thiết với Cha đã làm nên bao điều kỳ diệu cho nhân loại. Điều kỳ diệu vô địch là sự bình-an-của-Thiên-Chúa mà Chúa Giêsu mang lại cho con người biết tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và vào Chúa Giêsu.
Anh HXT, cựu chủng sinh Làng Sông Qui Nhơn, đang bại liệt và cũng đang là Giám Đốc một Công Ty ở Vũng Tàu đã nhiều lần khóc ngon lành như một em bé khi tâm sự với tôi qua điện thoại, khóc vì sung sướng: “Hoàng ơi, tin tưởng vào Thiên Chúa giàu lòng xót thương, qua khổ nạn của Chúa Giêsu, anh sung sướng lắm, anh thanh thản lắm, anh không cảm thấy cô đơn buồn phiền gì cả. Việc gì anh nói, anh làm, anh đều hỏi ý kiến của Chúa cả. và anh thật hạnh phúc. Đôi lúc sự bất tín cám dỗ anh, nhưng không được đâu em ạ. Chúa ở bên anh, Chúa đang ở trong anh” (điện thoại trước 3 giờ chiều, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa).
“Tin vào Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu” là một nguyên lý cơ bản của đời sống tín hữu. Tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Chúa Giêsu là một đức tin mơ hồ, vì nếu không có mạc khải của chính Con Thiên Chúa thì loài người hoàn toàn ngu muội về Thiên Chúa và bản chất nội tại của Ngài. Chúa Giêsu biết rõ sứ mạng mạc khải của mình về Thiên Chúa Cha, nên Ngài nói “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6).
Chúa Giêsu là con đường, con đường từ trời xuống đất và con đường từ đất lên trời, con đường từ sự chí thánh của Thiên Chúa xuống phàm tục tội lỗi và con đường từ phạm tục tội lỗi lên sự chí thánh của Thiên Chúa. Con đường từ cõi bình an tuyệt đối của Thiên Chúa xuống đến chốn bất an của nhân loại và con đường từ chốn bất an của nhân loại lên cõi bình an tuyệt đối thường hằng của Thiên Chúa…. Không có con đường nào khác. Vì chỉ có con đường nầy phản ảnh Sự Thật bất biến và Sự Sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Tất cả mọi nẻo đường không phải từ trên trời nối xuống đều không bảo đảm sự thật và sự sống, nếu không nói là ẩn chứa sự giả dối, gian tà và sự chết. Con đường sự thật và sự sống ấy được thể hiện qua chính con người Chúa Giêsu- cuộc sống và lời rao giảng, giáo lý của Ngài. Như vậy, chỉ có tin vào Chúa Giêsu, theo gương cuộc sống của Ngài và làm theo lời Ngài dạy thì mới có thể đến được với Thiên Chúa sự thật và sự sống, thì mới có thể tìm được một bình an của Thiên Chúa trong đời sống gian trần.
Chúa Giêsu biết sự bất an trong cuộc đời là hậu quả của tội lỗi-việc loại trừ sự can thiệp của Thiên Chúa khỏi đời sống con người, Ngài đã mở đầu con đường sự thật sự sống ấy bằng lời mời gọi con người cần có cảm thức về tội và hậu quả của nó “Anh em hãy sám hối và tin vào tin mừng”(Mc1,15).
Chúa Giêsu đã mở con đường bình an ấy. “Ngôi Lời Thiên Chúa làm con người để con người được trở nên làm con Chúa. Đó phải chăng nhắn gửi Kitô hữu Công Giáo rằng: Thiên Chúa đã bước trước để mở lối cho con người bước về. Kitô hữu Công Giáo phải có cảm thức về tội để bước theo Chúa Giêsu, bước trước người khác, để dẫn lối cho người khác bước về vớí Thiên Chúa là Cha. Đứa con hoang chỗi dậy mà về cùng Cha nó (Lc 15,11) đó là thái độ đúng đắn, bởi ý nghĩ đúng đắn” (Lm. Phê-rô Khổng Văn Giám, loạt bài “Kitô Hữu Công Giáo là ai”). Từ cảm thức tội lỗi, con đường Chúa Giêsu đưa ta đến việc noi gương sống và làm việc của Người theo Lời Người dạy và dẫn ta vào cõi bình an khi ta được qua Chúa Giêsu mà kết hiệp với Thiên Chúa Cha Chí Thánh để có thể nói rằng “Kitô Hữu Công Giáo là Thánh”
Như vậy Chúa Giêsu hoàn toàn có lý khi Ngài cũng đang nói với chúng ta rằng “Các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và Tin vào Thầy”. Trước những bất an của cuộc đời, những cảnh mất-còn tang thương, những phiền muộn sầu đau đời người không tránh khỏi, Ngài không an ủi suông, cho qua chuyện, nhưng Ngài đã tận tình giao cho chúng ta một chìa khóa bình an đó là tin tưởng vào Ngài “là con đường, là sự thật, là sự sống” đến từ sự thật và sự sống của Thiên Chúa Cha, để đưa chúng ta về cõi bình an của Thiên Chúa.
Tôi chợt nhớ bài hát của Cha Jm.Thích đã viết từ lâu lắm rồi, mà cả anh em Hướng Đạo, không phân biệt tôn giáo, có cả Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh vẫn thường hát trong các buổi sinh hoạt: “Anh em chúng ta chung một ĐƯỜNG lên. Chung một ĐƯỜNG lên đến nơi NGUỒN THẬT. Nguồn thật  là đây SỨC SỐNG VÔ BIÊN. Sống vô biên là SỐNG CÙNG TẠO VẬT”. Tôi muốn hiểu hai ca từ “Tạo Vật” ấy chính là Thiên Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng con bình an thật là được sống theo Con Đường, Sự Thật, Sự Sống Thánh Thiện, sống chính sự sống của Chúa Giêsu, để được sự sống của Thiên Chúa Cha; nhờ đó, cuộc sống Kitô Hữu Công Giáo của chúng con luôn là một cuộc sống đầy hoan lạc thánh thiện như khát vọng của Thiên Chúa chí thánh. A men.

100 NĂM FATIMA: CÂU CHUYỆN ĐỨC MẸ HIỆN RA VẪN RẤT CUỐN HÚT

100 NĂM FATIMA: CÂU CHUYỆN ĐỨC MẸ HIỆN RA VẪN RẤT CUỐN HÚT

Các cuộc hiện ra của Đức Mẹ ở Fatima một thế kỷ trước, vẫn tiếp tục thu hút các tín hữu và cả những người không cùng niềm tin.

Trong khi trọng tâm của thông điệp Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha cách đây 100 năm đó là “hoán cải” và “cầu nguyện”, thì những phép lạ và hiện tượng không thể giải thích được đi kèm sự kiện ấy vẫn tiếp tục kích thích sự tò mò đối với đông đảo các tín hữu cũng như những người không cùng niềm tin Kitô giáo.


Các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Fatima năm 1917, không phải là sự kiện siêu nhiên đầu tiên được biết đến tại Fatima – bởi hai năm trước khi Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn cừu là Lucia dos Santo và hai người em họ Jacinta và Francisco Marto, thì các em đã thấy một cảnh tượng kỳ lạ khi lần chuỗi Mân Côi ở đồng cỏ.  Điều này ghi lại trong nhật ký của nữ tu Lucia, người sau này trở thành nữ tu dòng Carmen.

“Thật khó để bắt đầu [lần chuỗi] khi chúng tôi nhìn thấy trước mắt mình, một cái gì đó giống người đứng lơ lửng trên không khí phía trên trên những cái cây.  Nó trông giống một bức tượng tuyết, gần như trong suốt trước những tia nắng mặt trời.”  Nữ tu Lucia miêu tả những gì họ đã thấy vào năm 1915.

Năm 1916, Francisco và Jacinta được phép chăn đàn gia súc trên cánh đồng của gia đình, và Lucia cũng tham gia công việc này với hai người em họ của mình.  Vào chính năm này, nhân vật bí ẩn xuất hiện một lần nữa và gần hơn.  Nên các em thấy được rõ hơn.

“Đừng sợ! Ta là Sứ Thần Hòa Bình.  Hãy cùng ta cầu nguyện.” – Nữ tu Lucia nhớ lại lời thiên thần nói.


Ba em không nói với ai về cuộc viếng thăm của thiên thần, và các em cũng không thấy hiện tượng lạ nào nữa cho đến ngày 13 tháng 5 năm 1917.  Khi ấy các em đang chăn cừu và vui đùa cùng nhau, thì bị giật mình bởi hai lần sét đánh.


Khi xuống dốc, các em nhìn thấy một “phụ nữ mặc áo trắng” đứng trên trên ngọn cây nhỏ.

Đây là lần đầu tiên trong sáu lần Đức Mẹ hiện ra với các em.  Và mỗi lần hiện ra, Đức Mẹ đều ban thông điệp và những mạc khải.  Sau đây là lịch sử các cuộc hiện ra của của Đức Mẹ như sau:

– Ngày 13 tháng 5 năm 1917: Khi được hỏi: Bà là ai và bà từ đâu đến?  Người phụ nữ trả lời bà đến “từ trời” và sau này bà sẽ tiết lộ danh tính của mình.  Bà dặn các em trở lại Cova da Iria vào ngày 13 mỗi tháng, trong sáu tháng tiếp theo.  Bà cũng xin các em cầu nguyện mỗi ngày với chuỗi Mân Côi, để “thế giới có được hòa bình” và Chiến tranh thế giới lần I được kết thúc.

– Ngày 13 tháng 6 năm 1917: Người phụ nữ nói bà sẽ đưa Francisco và Jacinta về thiên đàng sớm, còn Lucia sẽ ở lại thế gian một thời gian để truyền bá việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội.

– Ngày 13 tháng 7 năm 1917: Người phụ nữ nói sẽ tiết lộ danh tính của mình vào tháng Mười và sẽ “thực hiện một phép lạ để mọi người nhìn thấy và tin tưởng.”  Sau khi phán bảo các em hãy hãm mình hy sinh để cầu nguyện cho kẻ có tội, bà tiết lộ ba bí mật.  Hai trong ba bí mật này đã không được công khai cho đến năm 1941, và bí mật thứ ba do nữ tu Lucia viết và gửi tới Tòa thánh Vatican, đến tận năm 2000 mới được công bố.


Bí mật đầu tiên là thị kiến về Hỏa ngục.  Ở thị kiến này, các em nhìn thấy “biển lửa” với ma quỷ và linh hồn con người đang hét lên “đầy đau đớn và thất vọng.”  Trong hồi ký, nữ tu Lucia kể lại những người đứng gần đó – người dân khi ấy đã bắt đầu tụ tập xung quanh ba trẻ vào ngày 13 hàng tháng – đã nghe thấy những “tiếng khóc” của Lucia trong thị kiến đáng sợ này.


Bí mật thứ hai là Chiến tranh thế giới thứ lần I sẽ kết thúc, nhưng sẽ “có một cuộc chiến tệ hại hơn nổ ra” nếu con người tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa.  Tuy nhiên tai ương sẽ được ngăn chặn, nếu nước Nga được dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Mặc dù nữ tu Lucia xác nhận rằng, Đức Giáo hoàng Piô XII vào năm 1942 và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1984, đã thực thi việc dâng hiến nước Nga, nhưng nhiều người sùng mộ Fatima vẫn cho rằng yêu cầu đó của Đức Mẹ chưa được thực hiện.

Bí mật thứ ba và cũng là bí mật cuối cùng: Bí mật này được công bố 83 năm sau khi Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.  Bí mật này là thị kiến về một “vị giám mục mặc áo trắng” bị bắn giữa đống gạch đá của một thành phố đổ nát.  Vatican đã đưa ra cách giải thích chính thức, và đã thảo luận với nữ tu Lucia trước khi công bố cách giải thích này.  Vatican nói bí mật thứ ba đề cập đến cuộc bức hại các Kitô hữu vào thế kỷ 20, và cụ thể là vụ ám sát Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bất thành vào năm 1981.

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, khi ấy là Tổng trưởng của Bộ Giáo Lý Đức Tin khi bí mật thứ ba được công bố vào năm 2000.  Khi công bố và giải nghĩa bí mật cho báo chí, ngài nói mục đích của thị kiến, không phải để cho thấy một “tương lai không thể thay đổi”, nhưng là để “huy động các nguồn lực giúp thế giới thay đổi theo đúng hướng.”

– Ngày 13 tháng 8 năm 1917: Một lần nữa, người phụ nữ nói bà sẽ thực hiện một phép lạ vào tháng Mười và yêu cầu tiền quyên góp của những người hành hương sẽ được sử dụng để xây dựng một nhà nguyện trên địa điểm hiện ra.

– Ngày 13 tháng 9 năm 1917: Người phụ nữ yêu cầu các em tiếp tục cầu nguyện với chuỗi Mân Côi để “thế giới chấm dứt chiến tranh.”  Bà nói rằng Chúa Giêsu, Thánh Giuse, Đức Mẹ Sầu Bi và Đức Mẹ núi Camêlô sẽ xuất hiện trong phép lạ vào tháng Mười tới.

Ngày 13 tháng 10 năm 2017: Mặc dù trời đổ mưa, hàng chục ngàn người đã đến Cova da Iria để chứng kiến phép lạ được chờ đợi từ lâu.


Người phụ nữ đã công bố mình là Đức Mẹ Mân Côi.  Mẹ cũng cho biết, chiến tranh sẽ kết thúc và những người lính sẽ trở về nhà.  Sau khi yêu cầu mọi người ngừng xúc phạm Thiên Chúa, Đức Mẹ mở tay ra và làm phản chiếu ánh sáng về phía mặt trời.


Nữ tu Lucia reo lên: “Hãy nhìn mặt trời!”  Khi đám đông nhìn lên, mặt trời dường như nhảy múa và thay đổi màu sắc.  Các em cũng thấy Chúa Giêsu, Thánh Giuse và Mẹ Maria như Đức Mẹ đã hứa.  Nỗi ngạc nhiên trước cảnh tượng “mặt trời nhảy múa” biến thành hoảng sợ khi mặt trời dường như lao mạnh về phía trái đất.  Nhiều người lo sợ tận thế đến, nên đã la hét và chạy toán loạn, một số người tìm chỗ trốn trong khi số còn lại vẫn quỳ gối, và cầu xin Chúa thương xót.  Sau đó, mặt trời trở về như bình thường.

Mười ba năm sau khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, giám mục giáo phận Leiria đã tuyên bố việc ba trẻ chăn cừu thấy Đức Mẹ hiện ra là “đáng tin” và cho phép tôn kính Đức Mẹ Fatima.  Tuy nhiên, vị giám mục không công nhận hiện tượng mặt trời nhảy múa là phép lạ.

Anna Huê (theo Catholic Herald)


Nguồn: nhathothaiha

vendredi 12 mai 2017

LỜI TỰ THUẬT CỦA TU SĨ ANANDA


LỜI TỰ THUẬT CỦA TU SĨ ANANDA

Tôi là một trong những tu sĩ Phật giáo kỳ cựu trong nước thuộc ngành Phật Sinhala.  Tôi còn là thành viên của Hội đồng tu sĩ Phật Giáo.  Một cách vắn tắt có thể nói tôi là một trong những tu sĩ được những Phật tử ngoan đạo sống trong những vùng chung quanh "kính thờ." 

Nhưng một điều đáng buồn là tôi không nhận được sự an bình thật sự qua cách sống và lề lối tổ chức của tu viện.  Đôi khi cảm thấy như mình là một người bị nhốt tù trong bốn bức tường chật hẹp.  Đó là lý do giải thích tại sao tôi ghi tên học tại Đại học, tiếp tục chương trình học vấn dang dở. 

Khoảng thời gian đó, với một tâm trạng như thế, tôi vẫn luôn dõi tìm một lối thoát, dĩ nhiên một lối thoát hiểu theo nghĩa giải thoát thiêng liêng.  Tôi không muốn từ bỏ chiếc áo cà sa, nhất là tôi rất yêu chuộng giáo huấn Dhamma của Đức Phật Tổ, nhưng một hạnh phúc trong an bình thật sự tôi vẫn chưa nhận được.  Tôi biết rằng niềm hạnh phúc này hiện hữu và con người có thể đạt được nó, nếu chịu khó tìm tòi.  Nhưng coi sự tịch diệt như là cứu cánh tối hậu, hay tiêu diệt đi mọi ước muốn trần thế trong con người đều không phải là những điều có thể tạo cho tôi sự an bình thiêng liêng. 

 Như là một việc đã được sắp xếp từ bao giờ.  Vào khoảng năm 1961, tôi gặp một Linh mục Công giáo, không phải vì chiếc áo dòng ông đang mặc hấp dẫn tôi, nhưng có lẽ vì cái nhân cách đặc biệt thoát ra từ con người ông, và tấm lòng nhân ái vị tha của ông đối với mọi người.  Tôi không ngần ngại làm quen với ông.  Theo tôi nhận xét, ông có thể là người đã tìm thấy hạnh phúc thật thể hiện rõ ràng qua cách sống. 

 Ông bạn mới này của tôi dường như hiểu biết rất nhiều về giáo thuyết nhà Phật.  Thế mà trái lại, kiến thức của tôi về Công giáo gần như không có.  Những gì tôi biết chỉ là những điều tôi đã được nghe do những người Phật tử phán đoán, giải thích, phê bình chủ quan về Công giáo.  Tôi biết rằng đó chỉ là những thành kiến sai lầm về Giáo hội này. 

Do sự chủ quan khi nhìn vào những ngôi nhà thờ xây cất theo Tây phương và lối sống Âu hóa của các Linh mục, tôi vẫn còn ngần ngại trong việc tìm hiểu thêm về Kitô giáo.  Tôi cho rằng một tôn giáo không hoà mình được với phong hoá và lề thói địa phương thì làm sao có thể loan truyền được chân lý cho dân tộc đó, và vì vậy làm sao có thể đáp ứng được sự giải thoát thật sự tôi đang kiếm tìm. 

Tuy nhiên, tôi vẫn không bỏ qua những cơ hội để có thể bàn luận và chất vấn Cha X trong tình thân hữu tôi đã có được với Cha, nhất là để thử nghiệm những điểm đối kháng chống lại các Thày tu Công giáo.   Đối với tôi, các Linh mục Công giáo chỉ là những người đánh cá ra khơi với chiếc bụng lép xẹp, dụ dỗ những con cá ngây thơ bằng miếng mồi giả tạo. 

Nhưng chỉ ngay sau đó thôi, tôi thấy rằng mình sai lầm, vì tôi khám phá ra rằng ông Linh mục này không hề mảy may có ý định khuyến dụ tôi về với tôn giáo ông đang theo.  Trái lại, trong sự ngạc nhiên của tôi, ông Linh mục này lại còn bày tỏ ao ước được thử sống lối sống của các tu sĩ Phật giáo nữa.  Ông cho biết, ông chấp nhận một số những nguyên tắc của Phật giáo và ông đã từng áp dụng phương thế Dhammapada để tĩnh tâm.  Ông lại còn là người theo chủ trương ahimsa (không dùng bạo lực) với các sinh vật thụ tạo nữa. 

 Khi đã thân hơn với ông, tôi cho ông biết về những điều tôi đã nghe phê bình về Giáo hội Kitô giáo.  Tôi tưởng ông sẽ nổi giận, lên tiếng bênh vực cho giáo hội.  Nhưng trái lại, với một thái độ hết sức bình thản ông nói rằng ông không hề trách oán những người đã phê bình Giáo Hội Công giáo.  Có thể có những sai quấy trong Giáo hội, nhưng tất cả nhờ vào sự soi sáng thiêng liêng của Chúa, Giáo hội đã không đi lạc lối và tan rã. 

Khi đề cập đến những khuyết điểm của Giáo hội hay chính là những khuyết điểm của những con người trong Giáo Hội, ông nhấn mạnh đến sự hiện diện của ơn Chúa.  Khi bắt đầu thi hành những phương thế sống, người ta nghĩ rằng họ đang làm những việc lành tốt, nhưng khi kết thúc nó có thể đưa đến những thiệt hại nào đó.  Chính sự hiện diện của quân đội Bồ đào Nha tại Sri Lanka đã là trở ngại cho những nhà truyền giáo trong công việc rao giảng Tin Mừng tại quốc gia này.  Thật là một điều tự nhiên, người ta phán xét về một tôn giáo qua sự tiếp xúc bề ngoài với những người theo tôn giáo ấy.  Điều này tôi có kinh nghiệm trong đời sống: Phái Dhamma cực lực chống lại giai cấp quí tộc, nhưng phái Sangha lại chấp nhận và tán thành giai cấp này. 

Ông bạn Linh mục của tôi không phải chỉ sửa đổi lại những nhận thức sai lầm của tôi về Giáo hội Công giáo, nhưng dần dần đã giúp tôi hiểu biết nhiều hơn về giáo huấn của Giáo hội và cách sống đạo.   Ông không nói bằng lời, nhưng nói bằng chính đời sống của ông.  Ông biểu tỏ một hạnh phúc thật sự khi được sống trong đời sống nhiệm nhặt của tu viện.  Ông cho biết rằng chính đời sống khổ hạnh của nhà Chúa là yếu tố rất cần thiết cho Giáo Hội Công giáo tại Sri Lanka.  Ông muốn Kitô giáo hòa nhập vào lối sống địa phương để Tin Mừng của Chúa Kitô có thể được thể hiện và chấp nhận dễ dàng hơn cho những người đã sẵn có một lề lối sống đạo, biết tôn trọng luân lý.  Tôi nghĩ rằng đây có thể được coi là một cách thế thật tốt thể hiện vai trò chứng nhân của Chúa Kitô trong một xã hội Phật giáo. 

 Một ngày nọ, tôi có dịp hỏi ông về "niềm hạnh phúc thật."  Ông cho rằng đây là do Ơn Chúa.  Chợt nhận thấy tôi không hiểu danh từ "Ơn Chúa", ông vội giải thích thêm: "Để hiểu về nguồn ơn thiêng liêng này, người ta cần cảm nhận được nó trước đã". 

 "Cảm nhận và nhận chân được chân lý một sự vật" là một cứu cánh của con người.  Từ thuở thiếu thời, tôi đã được Phật Tổ khích lệ để kiếm tìm, nhưng hôm nay đây sự khích lệ đó đã đổi chiều khiến tôi hướng về Kitô giáo. 

Sau buổi nói chuyện, ông trao cho tôi cuốn Kristu Anusaraya, Bản dịch của Sinhala, tác phẩm Gương Chúa Giêsu của Thomas à Kempis.  Tôi đọc cuốn sách này thật kỹ và nhận ra rằng nó đã giúp tôi tiến được một bước thật xa, xa hơn bước tiến tôi đã có được trong suốt những năm tĩnh tâm trong nhà Chùa.  Tác giả diễn giải sự hy sinh với một nhãn quan cao hơn.  Đặt căn bản vào Sách Phúc Âm, tác giả cho thấy tình yêu của Thiên Chúa là động lực chính của sự hy sinh. 

 Tôi nhận ra rằng, người Kitô hữu quan niệm Thiên Chúa là tối thượng so với tất cả thụ tạo, và tình yêu vĩ đại nhất của con người so với tình yêu thiêng liêng của Thiên Chúa chỉ là một hạt bụi vì Ngài là Đấng Sáng tạo.  Như thế, khi người Kitô hữu hy sinh, họ không hy sinh vì phần rỗi cá nhân họ mà họ hy sinh cho tình yêu của Người-Yêu-Thương-Họ.  Điều này khiến tôi an lòng.  Sự an lòng này, tôi nghĩ phải chăng là Ơn Chúa?  Vâng, chính là Ơn Chúa trong tôi. 

 Rồi, ông bạn dìu tôi vào Tân Ước, nhưng tiếc rằng Sách Tân Ước chưa được dịch toàn bộ sang tiếng Sinhala, mà vốn liếng Anh ngữ của tôi lại quá nghèo nàn.  Học thêm Anh ngữ, tôi đọc sách của các tác giả Kitô giáo.  Ngay cả trong những bài thơ cũng đầy dẫy những hình ảnh về Thiên Chúa: Nào là Thiên Chúa Ba Ngôi, Sự Giáng Sinh của Con Một Thiên Chúa, Mẹ Maria, Thiên Đàng-Địa Ngục v.v...  Đầu tiên, những ngôn từ này làm tôi chán ngán, ông bạn Linh mục khuyến khích tôi, những lời giải thích chấm dứt bằng hai chữ "mầu nhiệm"  khiến tôi như Phaolô nhưng gặp chướng ngại vật cản bước trên "Đường đến Damascus" gặp Chúa.  Tôi may mắn lại được tác phẩm "Lead, Kindly Light" của Đức Hồng Y Newman nâng đỡ. 

Một Phật tử không ưa những mầu nhiệm, hơn nữa "mầu nhiệm" tiếng Sinhala là "abirahasa" không có nghĩa giống chữ "mầu nhiệm" của Giáo hội Công giáo, nó chỉ có nghĩa là "một bí mật tuyệt đối". 

 Tuy nhiên, với sự giải thích rõ ràng của ông bạn Công giáo, tôi dần dần vượt qua được những khó khăn này.  Ông giải thích rằng cho đến bây giờ, đối với các nhà khoa học với kỹ thuật tân kỳ hiện đại, cơ thể con người vẫn còn là một bí nhiệm.  Đó là nói về phần thân xác, vậy thì phần tinh thần của con người còn phải vượt xa trí óc của nhân loại đến như thế nào?

 Con đường tôi tìm hiểu về Đức Tin Kitô giáo như thế đó.  Không phải là một Đức Tin mù quáng, mà là một Đức Tin với tất cả sự hiểu biết, lý luận.  Hơn nữa, nó còn giải đáp thỏa đáng trong quan niệm tự nhiên về con người.  Nhờ đó, tôi nhận biết được bản tính nhân loại trong con người của Đấng Cứu Thế. 

Điều làm tôi khâm phục nhất trong Giáo Hội đó là sự lo lắng của những người Kitô hữu đối với tha nhân: Những người ốm đau, những kẻ bần cùng, những người tội lỗi...  Tôi quyết định đi theo Chúa để thực hiện giới răn "yêu người như yêu chính bản thân mình." 

Rồi tôi nhận thấy đời sống tôi thay đổi, không còn bị giam trong bốn bức tường chật hẹp nữa, tôi hít thở bầu không khí tự do.  Tôi nhìn thấy một ngôi sao từ trên cao đang chờ dẫn đường cho tôi đến một chân trời hạnh phúc vĩnh cửu.  Tôi suy niệm mỗi ngày bằng Sách Phúc Âm và cuốn "Gương Chúa Giêsu." 

 Năm 1963, tôi đậu kỳ thi nhập học và theo học tại Đại học.  Anh văn của tôi khá hơn khiến tôi đã có thể đọc được Sách Phúc Âm và các sách khác về Kitô giáo bằng Anh ngữ. 

Một cuốn sách giá trị tôi được đọc trong khoảng thời gian này đó là cuốn sách ghi lại Công Đồng Vaticanô thứ Hai.  Cho đến lúc đó tôi mới thật sự thấy rằng việc tôn giáo phải thay đổi hợp với thời đại là quan trọng, đặc biệt cho các thế hệ trẻ ngày nay. 

 Công việc học dù bận rộn, nhưng cũng không khiến tôi chấm dứt việc tìm hiểu thêm về Giáo Hội.   Tôi học rất chăm và được các giáo sư khen ngợi.   Tôi thấy đời sống sao ý vị quá, đặc biệt khi trong đời sống đó ta biết phục vụ mọi người qua việc hy sinh chính con người mình. 

 Sau khi tốt nghiệp, tôi không còn ý định trở lại tu viện nữa.  Không phải vì tôi có thể tìm được một công việc tốt hay lý do nào khác, nhưng lý do chính để tôi cởi bỏ chiếc áo cà-sa, đó là tôi đã tìm ra Chúa Kitô.  Người là Thiên Chúa và là Thày tôi.  Người đã đến tìm tôi, chỉ cho tôi con đường cứu rỗi với hạnh phúc vĩnh cửu...  Tôi biết, quyết định của tôi sẽ đưa đến việc tôi phải đối diện với những khó khăn khi đi tìm việc làm. 

 Tôi không có khả năng để diễn đạt hết những cảm xúc của tôi trong quá trình trở lại với Chúa.  Bao nhiêu những khó khăn vất vả, nhưng tôi không thể chờ đợi được nữa rồi.  Ý Chúa là như thế.  Tôi học hỏi về Giáo lý, về cách sống đạo và sẵn sàng. 

 Tìm được sự bình an là kết quả đầu tiên của con đường tôn giáo.  Chắc chắn tôi sẽ có được sự bình an này khi tôi được nhận vào Giáo Hội.  Nếu tôi phải tóm tắt lại một cách ngắn gọn những gì Giáo hội có thể đã cho tôi khi tôi trở thành con cái Chúa thì tôi chỉ nói được đó là "Đời Sống".  Tôi muốn nói một đời sống mới, được soi sáng và hướng dẫn do ân sủng thiêng liêng. 


Ananda
T.Anh sưu tầm