jeudi 25 janvier 2018

SỐNG Ở ĐỜI


(Ảnh theo FB Xuân Thủy)

Cuộc sống vội vã, kiếp người bé nhỏ, ngoảnhđầu lại đã hết nửa đời người. Thời gian trôi nhanh như bóng câu lướt ngoài cửa sổ. Hôm qua còn vui vầy cùng bè bạn mà hôm nay đãđôi ngả lìa tan. Người cũ lâu không gặp, chuyện cũ lâu không bàn. Chớp mắt một cái, nhìn quanh mình chẳng còn lại mấy ai. Thời gian không đợi một ai, một sớm soi gương thấy tóc Ta điểm bạc, hồng trần có khác nào cõi mộng vậy thôi…

Đôi khi buồn phiền, hãy nghĩ cuộc sống làphép trừ, gặp một lần bớt một lần, còn có gìphải khổ não đây. Không quên ơn người giúp mình, không trách móc người xử tệ với mình, không giữ mãi trong lòng hận thù người khác, tự khắc Ta sẽ thấy cuộc đời sao mà an nhiên, bình lặng đến vậy!
Khi gặp phải chuyện đau buồn, không như ý, hãy nghĩ rằng cuộc sống chính là một lần phải vượt qua. Kiếp người khi đến tay không, ra đi cũng tay không, không mang đến hạt cát màcũng không mang đi một áng mây nào.
Khi Ta bất mãn, hãy nghĩ đến những người nghèo khổ, kém may mắn hơn Ta, biết đủ mới là hạnh phúc. So với người bệnh, hạnh phúc của Ta là sống khỏe mạnh. So với người đãkhuất, hạnh phúc của Ta là còn sống. Người ta muốn sống tốt thì tâm phải giản đơn, phải bớt hồ đồ một chút.
Khi Ta cảm thấy không vui, hãy tự hỏi rằng mình còn lại bao nhiêu ngày để có thể dằn vặt. Nghĩ kỹ rồi, Ta sẽ không buồn nữa. Khi Ta tức giận hãy nghĩ rằng liệu có cần phải khổ tâm vìmột người không đáng hay không, ăn ngon, ngủ ngon, chăm sóc tốt, biết cách tiêu tiền làđược rồi. Khi Ta muốn so đo tính toán, hãy nhớ lại rằng con người đến thế gian này là tay không, hà cớ gì phải tính toán thiệt hơn, tại sao không chịu nhường một bước ? Nói nhiều sẽ làm tổn thương người khác, so đo nhiều lại tổn hại tinh thần, vừa hại người lại hại mình, kết quả là hao tâm tổn sức. Một đời người thực ra chỉ cần không làm chuyện phải hổ thẹn với lương tâm, tự tại an nhàn đã là quý lắm rồi !
Hãy sống sao cho thật vui vẻ. Có cơm thì ăn, có bia thì uống, buồn ngủ thì lên giường, cóquần áo để mặc, có núi để leo, có biển đểngắm, có internet để chơi Facebook, có xe đểđi, có việc để làm, có thêm người bạn đời cùng chung suy nghĩ nữa là … tuyệt vời !
Sống an nhiên vui vẻ mới là tốt nhất, chẳng việc gì phải để ý đến tiền ít tiền nhiều. Sau này già rồi, chết đi ai còn để ý Ta là ăn mày hay là người giàu có? Ai cũng có phiền muộn, hàng ngày đều có buồn phiền, quan trọng nhất là Ta không để ý đến nó, sống vui vẻ thì buồn phiền sẽ tự nhiên tan mất. Phiền não ngày ngày đều có nhưng nếu không tự tay nhặt lên thì người ta đâu phải u sầu nhiều đến vậy?
Tài sản quý giá nhất là sức khỏe

Khi sinh mệnh của con người chấm dứt, đến lúc sự sống không thể cứu vãn được nữa thìtiền tài là gì, danh vọng là chi, thảy đều vônghĩa. Truy cầu giàu có khiến người tham lam, biến thành ác quỷ. Trong mắt người sắp từ giãcõi đời, những gì gọi là danh phận, địa vị, tiền bạc, trang sức, mỹ nữ đều chỉ là một đống rác mà thôi.
Sức khỏe là số một, không có sức khỏe thìdanh tiếng, địa vị, sĩ diện, xa hoa, xe sang, nhàcao cửa rộng… thảy đều là mây bay, gió cuốn, mong manh, hư ảo cả.
Hãy luôn nhớ rằng : chiếc điện thoại thông minh cao cấp, 70% chức năng là không hềdùng tới. Một chiếc xe sang, 70% tốc độ làthừa. Một ngôi biệt thự nguy nga, 70% diện tích là bỏ trống. Hàng loạt chuyện đời, 70% làvô vị, hư không. Một đời nỗ lực kiếm tiền, 70% là để lại cho người khác tiêu. Hãy sống thậtđơn giản, tận hưởng cuộc đời, giữ lấy 30% những gì vốn thuộc về mình mới mong thực sự có được hạnh phúc.
Đời người lại như một hiệp đấu. Nửa trước làhọc hành, quyền lực, chức tước, thành tích, tăng lương tăng chức. Còn nửa sau là huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, ung thư, cô đơn, sầu não. Nửa hiệp đầu là phấn đấu hết mình, nửa hiệp sau là chấp nhận, buông xuôi. Cớ sao kiếp người mỏi mệt lắm vậy?
Hãy nhớ không có bệnh cũng phải giữ gìn sức khỏe, không khát cũng phải uống nước, cóphiền muộn cũng phải nghĩ cho thông, có lícũng phải nhường người, có quyền cũng phải thấp giọng, không mệt cũng phải nghỉ ngơi, không giàu cũng phải biết đủ, bận mấy cũng phải luyện tập.
Bởi vì, một bộ quần áo giá $1000, tờ chi phiếu nhỏ có thể chứng minh. Một chiếc xe giá $100 000 hóa đơn có thể chứng minh. Một căn nhà giá $1 000 000 hợp đồng mua bán có thể chứng minh. Nhưng một con người rốt cuộc trị giá bao nhiêu tiền, chỉ sức khỏe mới có thể chứng minh. Hãy nhớ, sức khỏe chính là “giá trị” nhất !
Vì vậy cũng đừng bao giờ mang máy ra tính rằng Ta đã tiêu bao nhiêu tiền cho sức khỏe. Trên đời này Ta nhất định có một món tiền phải tiêu, hoặc là để chăm sóc trước, hoặc là để chữa trị bệnh tình về sau. Lựa chọn món nào là quyền của Ta. Có sức khỏe gọi là tài sản, không có sức khỏe thì chỉ còn là di sản màthôi.
Chiếc giường đắt nhất trên thế giới chính là giường bệnh. Trên thế giới này có thể có người lái xe thay Ta, kiếm tiền thay Ta… nhưng không có ai mắc bệnh thay Ta được. Đồ mất rồi đều có thể tìm thấy lại nhưng có một thứ mất đi là vĩnh viễn không còn tìm thấy, đó chính là sinh mệnh.

Hồng Công chuyển

Dấu hiệu bị tai biến mạch máu não


Khi tôi viết những dòng này còn đúng 10 ngày nữa là đến ngày giỗ đầu của mẹ. Từ ngày mẹ mất đến nay tôi luôn sống trong nỗi ám ảnh dằn vặt đến ngạt thở, hình ảnh giọt nước mắt mẹ trào ra khóe mắt khi tôi gào lên gọi mẹ lần cuối cứ ám ảnh từng giấc ngủ.

Năm ngoái tôi mới ra trường chưa có việc làm, nên về nhà một thời gian. Vào 1 ngày cuối năm định mệnh, khi 2 mẹ con vừa ngồi ăn khuya với nhau xong, mẹ bảo thấy mệt nên đi ngủ trước. Ba tôi ngủ ngoài cửa hàng, nhà anh trai cách 1 con hẻm nhỏ, còn chị gái chỉ cách 1 con đường.
Lúc mẹ đi ngủ được hơn nửa tiếng, tôi còn ngồi xem tivi ngoài phòng khách, nghe tiếng mẹ la ú ớ trong phòng, tôi nghĩ không biết mẹ nằm mơ gì mà la dữ vậy. Rồi 5 phút sau mẹ hét lên 1 tiếng thật to, tôi chạy vô phòng xem thấy mẹ đang nằm dưới đất, còn thấy quần ướt nhẹp. Tôi hơi bực, trong đầu nghĩ sao mẹ lớn rồi còn lại ghê thế này.
Rồi tôi bật đèn sáng hơn, vì mẹ để đèn phòng ngủ màu đỏ nên tôi chỉ thấy mờ mờ, khi bật đèn sáng hơn, tôi lại định đỡ mẹ lên giường.
Tôi lấy quần định thay cho mẹ, nhưng khi sờ vào người mới thấy mẹ lạnh ngắt thế này, tôi vội gọi:

– Mẹ, mẹ bị sao vậy mẹ ơi.

Mẹ dường như vẫn còn nghe được tiếng nên ráng nhướng mắt lên và thều thào ờ, ờ mấy tiếng rồi nín bặt.
Tôi thấy không yên, nên gào lên, rồi gọi điện thoại cho ba, anh trai và chị gái.
Ba và các anh chị đến, nhìn thấy mẹ anh trai bảo chắc trúng gió rồi, sắp lập đông mà.
Anh bảo tôi lấy đồ cạo gió, nhưng tôi nhất quyết không lấy, đòi anh kêu taxi đưa mẹ đi cấp cứu.
15 phút sau xe đến, dù đoạn đường từ nhà tôi đến bệnh viện khoảng 5 phút. Đưa mẹ vào phòng hồi sức cấp cứu các bác sĩ dùng tháy thở, rồi dùng 2 cái gì ấn vào người để điều hòa nhịp tim. Tôi không biết gọi là gì nhưng xem phim thấy người ta hay làm vậy.
Qua khe cửa tôi thấy các bác sĩ chạy rần rần lại và 1 bác sĩ trực tiếp cứu mẹ, miệng la hét gì đấy rồi ông đứng thẫn người xuôi tay và lắc đầu. Biết có điềm không lành nhưng tôi cũng ráng cố gắng chờ tin.


1 phút sau bác sĩ báo tin mẹ tôi đã qua đời trước khi đưa vô đây, dù hy vọng chết lâm sàng và sẽ cứu được nhưng quá trễ, đã qua thời gian vàng cứu chữa rồi.

– Nhưng mẹ em bị sao mà chết vậy bác sĩ – Tôi hỏi trong nước mắt.
– Bà bị tai biến mạch máu não, dẫn đến xuất huyết não, máu tràn qua cả màng não rồi không cứu được. Đáng lẽ em phải đưa bà vô bệnh viện sớm hơn sau để muộn dữ vậy.
– Em không biết, khi em nghe mẹ la gì đó, chạy vô phòng, thấy mẹ nằm dưới đất còn ướt quần nữa, em còn thay quần cho mẹ xong rồi mới gọi điện cho ba và anh trai về nhà.
Bác sĩ lại hỏi tiếp:
– Vậy trước đó bà có biểu hiện gì khác thường không, chẳng hạn như bà có mắc cao huyết áp không, cách đây vài ngày giọng nói của bà có thay đổi gì không, bà ăn cơm có khó nuốt không, có bị rơi ra ngoài như em bé không, tay chân có khó điều khiển không?

Tôi lục lại trí nhớ của mình thì hầu như có triệu chứng đó, còn về cao huyết áp thì mẹ đã bị nhiều năm nay rồi. Có lẽ vì vậy dạo gần đây tôi thấy mẹ nói chuyện mà giọng cứ run run, ăn cơm thì đổ cả bàn, tôi còn đùa sao mà mẹ cứ như con nít ấy, ăn rơi đầy kìa.
Bác sĩ giải thích thêm, đó là dấu hiệu sớm nhận biết mẹ tôi bị tai biến mạch máu não. Nếu gia đình biết sớm đưa bà đến bệnh viện trong giai đoạn này thì còn cứu được, lúc đó 1 trong những mạch máu trong não đã bị vỡ rồi, tuy nhiên vẫn chưa xuất huyết nặng, chỉ cần phẫu thuật và nối lại là mẹ tôi sẽ không sao.
Nghe bác sĩ giải thích xong tự nhưng lòng tôi quặn lại, tôi không còn đứng vững được nữa, thì ra sự vô tâm của mình đã làm mẹ chết như vậy. Là 1 người kề cận bên mẹ vậy mà những thay đổi của mẹ như vậy mình chẳng thèm để ý. Bây giờ tôi có ăn chay cạo đầu sám hối cũng chưa hết tội. Khi y tá đẩy mẹ ra bảo mọi người nhìn mặt mẹ lần cuối, tôi gào lên, mẹ ơi.
Vậy nên khi thấy cha mẹ mình có những thay đổi này, nhất là cha mẹ có sẵn bệnh cao huyết áp lập tức đưa đi bệnh viện ngay.

Dưới đây là các triệu chứng tai biến mạch máu não cần phải cảnh giác:

– Nhức đầu dữ dội, đột ngột. Triệu chứng này có ở trên 50% số bệnh nhân.
– Đột nhiên thấy chóng mặt, ù tai, choáng váng. Một bên chân bị yếu hẳn, không vững.
– Đột nhiên một bên tay không cầm nắm chắc được đồ vật, dễ rơi thìa, đũa, bát. Nhặt lại vật dụng để rơi một cách khó khăn.
– Đột nhiên rối loạn ngôn ngữ: nói khó, nói ngọng, mọi người không hiểu được bệnh nhân nói gì. Triệu chứng này có thể chỉ diễn ra trong ít phút, nhưng cũng có thể kéo dài cả ngày trước khi tai biến nghiêm trọng xảy ra: bệnh nhân không còn khả năng phát ngôn.
– Đột nhiên bệnh nhân có cảm giác như kim châm, kiến đốt ở đầu chi tay, chân, một nửa bên trên người.
– Xuất hiện những “khoảng vắng”: thỉnh thoảng bệnh nhân như mất hẳn sự kiểm soát của chính mình. Đang nói bỗng mất ngang trong giây lát mới lại tiếp tục được câu chuyện. Để rơi vật dụng trong tay mà không biết để rồi vài giây sau mới sực nhớ ra và nhặt lên.
– Những rối loạn trí thức: bệnh nhân đột nhiên mất định hướng trong vài phút, vài giờ. Thoáng quên, thoáng điếc, mất định hướng về không gian và thời gian.
– Đột nhiên xuất hiện cảm giác như có ruồi bay trước mắt, mất thị lực hoàn toàn hoặc một phần, hoặc một hai bên trong giây lát.

T.Anh chuyển

mercredi 24 janvier 2018

Ở PARIS, NẾU LỠ MỘT CHUYẾN SUBWAY , BẠN SẼ BẮT GẶP MỘT... GIAI ĐIỆU DU DƯƠNG

Nước Pháp không chỉ được biết tới là kinh đô hoa lệ của những bộ váy kiêu sa và những tòa lâu đài lộng lẫy. Đến với nước Pháp, bạn sẽ còn phát hiện ra rằng đất nước này có cả những thứ nhỏ bé rất bình dị nhưng lại quá đỗi đáng yêu và đáng để chúng ta học tập. Những nét đẹp ấy không nằm ở đâu xa mà lại trong chính những ga tàu.
Nước Pháp có một hệ thống giao thông công cộng rất phát triển với hệ thống ga tàu điện ngầm được xây dựng và điều phối chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi đi tàu điện ngầm ở Pháp, bạn không chỉ thích thú bởi sự tiện ích, an toàn và thuận tiện của loại hình phương tiện giao thông này, những ga tàu điện ở đất nước này sẽ khiến bạn đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

 

Nước Pháp không chỉ hoa lệ, kiêu sa mà còn bình dị và rất thơ mộng 

1. Nhà ga không chỉ có một màu

Đặc điểm nhận diện dễ dàng nhất của những ga metro tại Paris (một trong những thành phố có hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất của Pháp) là những bức tường được ốp bằng những ô gạch trắng được sắp xếp tỉ mỉ, những tên bến thường được lắp ghép bằng những ô gạch xanh đậm theo phong cách mosaique, một phong cách trang trí được người Pháp rất yêu chuộng và không thể thiếu những băng ghế màu vàng nổi bật.


Nhưng khi những chuyến tàu đưa bạn đi khắp Paris, sẽ không ít lần bạn sẽ ồ lên ngạc nhiên và muốn có thêm nhiều thời gian để ngắm ga tàu. Bởi với những người Pháp yêu thích sự "tận dụng và kết hợp", bến tàu còn có thể là một "phòng trưng bày" lý tưởng để giúp du khách hiểu hơn về văn hóa và những điều mà người Pháp tự hào.
Bạn không nhầm đâu, đây là bến tàu có tên Art et Metier (tạm dich: Nghệ thuật và nghề nghiệp). Bến tàu có tên như vậy bởi nó nằm ngay phía dưới bảo tàng cùng tên rất được yêu thích tại Paris. Nơi đây, bạn có thể tha hồ khám phá lịch sử của những đồ cơ khí đầu tiên, tìm hiểu sự phát triển của chiếc điện thoại qua những hiện vật. Bạn sẽ bất ngờ về hình dạng của những đồ dùng rất đỗi quen thuộc ở thủa sơ khai của nó.


Ga tàu có tên Arts et Métiers (Nghệ thuật và nghề nghiệp)
Paris được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng", có lẽ cũng bởi có những ga tàu như bến "La Cité" như thế này. Cả bến tàu trở nên lung linh và huyền ảo nhờ ánh sáng tỏa ra từ những cây đèn đầy chất thơ.


Bến tàu La Cité
Đi qua bến tàu điện Concorde, bạn đừng ngạc nhiên khi nhìn thấy du khách cứ dán mắt lên trần và tường, mồm lẩm nhẩm, tay chỉ chỉ như trong bức ảnh dưới nhé bởi bến tàu này được thiết kế phỏng theo một trò chơi ô chữ khổng lồ. Nhìn nhà ga này có lẽ bạn đã hiểu người Pháp thích chơi ô chữ như thế nào. Dường như không tờ báo giấy nào của Pháp thiếu trò chơi này.


Bến tàu điện Concorde
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những màu sắc của ga tàu điện ngầm ở Pháp. Phần còn lại đang chứa đựng rất nhiều điều thú vị chờ bạn khám phá.

2. Những nhà ga kể chuyện ngày xưa

Ở bất cứ nơi nào trên nước Pháp, với một chút hiếu kì và tò mò, bạn có thể bị đất nước này biến thành "một người ham mê lịch sử" từ lúc nào mà không hề hay biết. Những tên gọi của các bến tàu điện ngầm cũng sẽ góp phần tạo nên tình yêu ấy trong bạn.
Một người dân đang chăm chú đọc những câu chuyện lịch sử ở một bến tàu
Mỗi bến tàu sẽ mang tên của một danh nhân, một trận đánh lớn, một con phố ngay phía bên trên hoặc một sự kiện đã mãi lui vào quá khứ. Người Pháp luôn muốn nhắc nhở người dân của mình về những được và mất của lịch sử ngay trong cuộc sống thường ngày của mình.
Để giúp xây dựng tình yêu với lịch sử của người dân, ở rất nhiều những ga tàu, người ta đã trang bị những pa-nô lớn kể lại những câu chuyện gắn liền với tên gọi của bến, thậm chí những câu chuyện còn được tái hiện thành những tác phẩm nghệ thuật như ở bến tàu Parmentier trong bức ảnh dưới đây.


Bức tượng đặt tại bến tàu Parmentier nhằm tái hiện lại ký ức lịch sử 
Câu chuyện nổi tiếng được tái hiện trong bức tượng đặt tại bến "Parmentier" này kể về cuộc phiêu lưu của dược sĩ Parmentier – người được mệnh danh là "người sáng tạo ra món khoai tây". Ông đã vượt qua rất nhiều khó khăn và sự hiểu nhầm để đưa món ăn bổ dưỡng này lên bàn ăn của mọi gia đình ở Pháp..

3. Hướng dẫn viên du lịch không lời nhưng thân thiện

Những tấm bản đồ ở đây được mệnh danh là Những hướng dẫn viên không lời nhưng thân thiện.
Các biển chỉ dẫn lộ trình của tàu điện ngầm ở Paris luôn có ghi chú rõ ràng các trạm dừng mà bạn có thể xuống để thăm quan các địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Những địa điểm này cũng được ghi chú rất rõ trên bản đồ hệ thống tàu điện ngầm – chiếc bản đồ có thể khiến bạn sợ hãi khi lần đầu tiên nhìn thấy nhưng một khi đã nắm được logic của nó, bạn sẽ tự tin khám phá thành phố mà không lo chuyện sẽ bị lạc đường.


Thật tuyệt vời khi được ngắm nhìn tháp Eiffel hay dòng sông Seine thơ mộng qua ô cửa sổ của tàu điện
Thêm vào đó, chiêm ngưỡng Tháp Eiffel hay hoàng hôn trên sông Seine từ cửa sổ của tàu điện ngầm, điều đó hoàn toàn có thể và chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời. Hãy bắt ngay tuyến tàu số 1 – tuyến tàu có màu vàng rực rỡ trên bản đồ.

4. Âm nhạc vang khắp không gian trong lòng đất

Đến với những nhà ga ở Paris, bạn sẽ được sống trong một không gian âm nhạc thực thụ bởi những ke tầu, những đường hành lang nối nhau đều có thể trở thành… sân khấu để hơn 300 nhạc sĩ, ca sĩ thể hiện niềm đam mê. 


Ở đây bạn có thể tìm thấy tất cả từ những giai điệu sôi động của một nhóm nhạc trẻ tuổi cho tới những bản ghi-ta trữ tình, đằm thắm của một nghệ sĩ già.


Hay một giọng ca ngọt ngào, dịu dàng đầy đam mê.


Ở nơi tưởng chừng không mấy liên quan ấy, âm nhạc của Bethoven, của Bach, của Mozart hay Vivaldi cũng đang ngân lên và theo những ke tàu đến với tất cả mọi lớp người.


Và không thể không kể đến những chiếc piano nối kết những trái tim yêu nhạc được đặt tại các nhà ga lớn để bất kì ai cũng có cơ hội được sống với tình yêu của mình và mang lại những phút giây thư thái cho những người xung quanh.


5. Với người Pháp, sách là một phần cuộc sống, tàu điện ngầm chính là "thư phòng di động"

Đến Pháp và bắt một chuyến tàu điện ngầm để di chuyển, bạn sẽ vô cùng ấn tượng với niềm đam mê đọc của người Pháp. Bất kể tàu đi hay dừng, người Pháp vẫn say mê với những con chữ.


Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp trên ke tàu, phòng chờ và trên những khoang tàu những hình ảnh thật đẹp như thế này. Người Pháp yêu sách và đặc biệt là sách giấy. Tại đất nước của Molière, ngành xuất bản đã sáng tạo ra một loại sách in được gọi là "Livre de poche" (Sách bỏ túi) với kích cỡ chỉ nhỏ như lòng bàn tay, giấy in nhẹ giúp người mua dễ dàng mang cuốn sách đi bất cứ nơi đâu để đọc trong bất kì hoàn cảnh nào..


Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, điện thoại hay máy đọc sách vẫn không thể chiếm được trái tim của những người Pháp. Bởi với họ, những cuốn sách đã cũ với những trang giấy ngả màu thời gian vẫn luôn mang đến sự thích thú khi thưởng thức.


Sách giúp cho những chuyến tàu đêm không còn buồn hay cô đơn bởi khi ấy, tàu điện ngầm lại là nơi thích hợp nhất cho người Pháp quên bớt ưu tư để tận hưởng cuốn sách của mình.


Tới cả những người vô gia cư, không có nhà và phải xin ăn từng bữa, họ vẫn có những cuốn sách làm bạn đồng hành.

Ở các ga tàu, luôn có sẵn những tờ nhật báo miễn phí dành cho tất cả mọi người. Không chỉ có vậy, trong các cửa hàng tạp hóa hiệu "Relay" ở khắp các bến tàu, một nửa trong số các mặt hàng của họ luôn là tạp chí, báo và sách.
Gần đây, tình yêu sách của người Pháp càng được củng cố khi đơn vị vận hành hệ thống tàu điện của nước này đã cho lắp đặt thử nghiệm các máy bán truyện ngắn tự động để phục vụ khách đi tàu. 5000 nhà văn trong nước đã gửi tác phẩm mới của mình tới cho hãng.


Các truyện ngắn sẽ được biên tập và đưa vào cỗ máy đặc biệt này. Hành khách có thể chọn độ dài câu chuyện mà mình muốn đọc (từ 1, 3 hoặc 5 phút). Máy sẽ tự động chọn một tác phẩm cho bạn. Bạn có thể may mắn đọc được một bài thơ, truyện ngắn mang hơi hướng cổ điển, cổ tích hay thần thoại… Hơn thế nữa, cỗ máy này "bán" truyện hoàn toàn miễn phí.
Những cuốn sách nơi nhà ga là một phần của những lý do tại sao người ta vẫn nói, đến Pháp chính là bạn đang đến với đất nước của những nhà văn, nơi đọc và viết là một phần cuộc sống./.

Hồng Công chuyển

dimanche 21 janvier 2018

Tản mạn về phim “The Post”

ĐI XEM MỘT KỶ NIỆM
Tản mạn về phim “The Post”

Lý Nguyên Diệu

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng …”
Trịnh Công Sơn


Chiều hôm qua tôi đi xem phim “The Post” vừa được phát hành với giá vé chỉ 6 đồng cho người lớn tuổi. Ngoài cái lợi tiền bạc, người lớn tuổi còn được xem phim nầy như hồi tưởng về một kỷ niệm không thể quên, dựa trên một câu chuyện có thật đã xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ.
Điều đặc biệt đầu tiên của phim “The Post” là, dù đã biết rất rõ kết cuộc sẽ như thế nào, người xem càng lớn tuổi (những người đã sống qua thời kỳ những năm 1960, 70), càng thấy thấm thía cái hay của phim nầy. Một điều đặc sắc khác trong thời buổi nầy là một phim Mỹ dài 1 giờ 56 phút mà không có súng đạn (trừ hai phút đầu tiên về chiến tranh Việt Nam), không có tình dục, áo quần hở hang, … lại được đa số các cơ quan truyền thông Mỹ xếp hạng 1 trong 10 phim hay nhất của năm 2017. Một điều hi hữu để lôi kéo các tay ghiền xi-nê là phim nầy tập họp 3 ngôi sao sáng chói của Hollywood: Đạo diễn Steven Spielberg (14 Oscars & 10 Đề cử), nữ tài tử Meryl Streep (3 Oscars & 17 Đề cử) và nam tài tử Tom Hanks (2 Oscars & 3 Đề cử).

Phim “The Post” bao gồm ba câu chuyện chính. Chuyện chiến tranh Việt Nam, chuyện một người đàn bà can đảm và quan trọng nhất là chuyện tự do ngôn luận. Tựa của cuốn phim là tên cắt ngắn của nhật báo “The Washington Post”. Một trong những tờ nhật báo hàng đầu của miền Đông nước Mỹ đã lấy một quyết định vô tiền khoáng hậu khi bất chấp áp lực của Toà Bạch Ốc, in lại Hồ sơ Ngũ Giác Đài (Pentagon Papers) làm rung động nước Mỹ từ mùa Hè năm 1971 cho đến bây giờ, dưới thời đại “fake news” của Tổng thống Donald Trump đang cố gắng khuất phục một nền báo chí bất trị.

Chuyện thứ nhất về Hồ sơ Ngũ Giác Đài thì với người Việt Nam, 4000 trang của Hồ sơ về nguồn gốc và quá trình tham chiến của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam phải là chuyện quan trọng. Đạo diễn Spielberg cũng ý thức điều nầy khi ông bắt đầu phim bằng hình ảnh một cuộc hành quân bi thảm tại Hậu Nghĩa năm 1966. Kéo theo phản ứng của Daniel Ellsberg, một chuyên viên của Rand Corporation, khi làm việc trên Hồ Sơ Ngũ Giác Đài theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara, đã khám phá những dối trá liên tục của 5 chính quyền Mỹ từ thời Tổng thống Truman đến Nixon.
Đáng chú ý nhất là sau khi lấy trộm Hồ sơ để công khai hoá qua báo chí, một nhà báo đã hỏi anh có biết sẽ có thể bị tù vì giải mật một tài liệu quốc gia không? Ellsberg đã trả lời không ngần ngại bằng lương tâm (“tấm lòng” của TCS) của một con người đầy nhân bản: “Nếu đi tù mà (chấm dứt chiến tranh) cứu được bao nhiêu mạng người thì cũng đáng”. Để làm rõ hơn tính chất dối trá của cuộc chiến, đạo diễn Spielberg còn sưu tầm và trình bày lại những đoạn diễn văn lừa bịp của các Tổng thống Eisenhower, Kennedy, Johnson mà bây giờ một người Việt Nam đã đọc qua Hồ sơ Ngũ Giác Đài không thể không thấy chua xót cho thân phận của hai nền Cộng Hoà của miền Nam Việt Nam, từ Tổng thống Diệm đến Tổng thống Thiệu, đã bị làm con cờ thí cho “đồng minh”. Trong năm 2017, tài liệu truyền hình “Chiến tranh Việt Nam” (The Vietnam War) của Ken Burns cũng đã trình bày rất cặn kẽ và rõ ràng bi kịch nầy của dân tộc ta.

Chuyện thứ hai về người đàn bà vai chính trong phim là Katharine “Kay” Graham (qua phần diễn xuất điêu luyện xứng đáng giải Oscar của Meryl Streep). Goá chồng năm 46 tuổi và phải thay chồng cầm đầu một tạp chí lớn. Tám năm sau, 1971, người đàn bà quý phái, mảnh mai đó phải lấy một quyết định sinh tử mang nặng hai hệ quả: Một là quay lưng lại với tình bạn cố cựu giữa gia đình bà và gia đình Tổng thống Lyndon B. Johnson và gia đình Bộ trưởng McNamara. Hai là chính bà và chủ bút Ben C. Bradlee có thể đi tù vì cãi lệnh toà án đang bị áp lực của chính quyền Nixon..
Trong cái thập niên 1960 hỗn loạn, bà “Kay” đã phải ra khỏi chốn khuê phòng để tương tác với những nhà tài phiệt lão luyện của Thị trường Chứng khoán Nữu Ước (NYSE) đã là một điều đáng khâm phục như một khởi đầu của phong trào phụ nữ bình quyền. Để thể hiện tư cách của bà chủ báo, cuốn phim cho thấy khi nghe nhân viên báo cáo một triệu rưỡi Mỹ kim tiền lời cho báo Washington Post, bà nói ngay: “Đó là lương của 25 ký giả giỏi” chứ không nói gì đến tài khoản ngân hàng của bà sẽ gia tăng. Cũng trong tinh thần đó, bà đã nói với chủ bút Bradlee: “Phẩm chất cũng có thể đi đôi với lợi nhuận”. Thật là ngược hẳn với nguyên tắc kinh tế của Trung Cọng bây giờ là hy sinh phẩm chất để đạt lợi nhuận. Năm 1971, sự nghiệp bà lên đến cao điểm tận cùng khi bà dựa vào lương tâm (“tấm lòng” của TCS), dựa vào sự nghiệp báo chí của cha và của chồng, dựa lên bổn phận của một người dân, để quyết định đăng lên báo Washington Post của bà những trang “Tối Mật” của Hồ sơ Ngũ Giác Đài. Đoạn phim đầy xúc động khi bà đến nhà cựu Bộ trưởng McNamara để, nhân danh là một người bạn, một bà mẹ, một người dân, một nhà báo, đặt thẳng câu hỏi: “Vì sao ông biết không thể thắng cuộc chiến từ năm 1965 mà ông vẫn tiếp tục gửi quân qua chiến trường Việt Nam?” Những biện hộ lúng túng của ông cựu Bộ trưởng trong căn nhà vắng vẻ chỉ có hai người cho ta thấy sự thật trần truồng của cuộc chiến bi thảm dài 20 năm đó, không có một “chính nghĩa” nào, một “lý tưởng tự do” nào, mà chỉ có quyền lợi nước Mỹ (“America First”) và thân phận bi thảm của những dân tộc nhược tiểu.

Chuyện cuối cùng và quan trọng nhất, vượt cả thời gian lẫn không gian, của phim “The Post” là cuộc tranh đấu bảo vệ tự do ngôn luận giữa báo chí và quyền lực nhà nước. Ngược lại với những trang sử đen tối của nước Mỹ trong cuộc Nội Chiến chống chế độ nô lệ  năm 1861 hay cuộc “thảm sát Mỹ Lai” năm 1968, những gì đã xảy ra tại Hoa Thịnh Đốn vào mùa Hè năm 1971 phải được coi là trang sử sáng láng nhất của nước Mỹ mà toàn thế giới phải tìm đọc và ráng học lại mỗi ngày. Phần nầy của phim giúp cho chúng ta hiểu vì sao “Tu chính Án số Một” của Hiến Pháp Hoa Kỳ phải là Số Một. Số đầu tiên. Số quan trọng nhất. Hãy cùng nhau đọc lại viên ngọc nầy: “Quốc Hội không được đưa ra bất kỳ luật nào để thiết lập tôn giáo, hoặc để cấm tự do tôn giáo; để giảm bớt quyền tự do ngôn luận, hoặc tự do báo chí; hoặc quyền người dân được tụ tập ôn hoà, và quyền kiến ​​nghị chính quyền phải giải quyết các khiếu nại.” (Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances).
Phân tích một cách cơ bản thì chính Đệ Nhất Tu Chính Án nầy là thành trì bảo vệ Đệ Tứ Quyền đã giúp kiểm soát, quân bằng và yểm trợ ba quyền Lập Pháp, Tư Pháp và Hành Pháp để nước Mỹ trở thành cường quốc như ngày hôm nay theo logic của một bài chính trị học đơn giản: Quốc gia nào cũng phải có một chính quyền. Chính quyền là sản phẩm của con người nên chính quyền nào cũng không hoàn toàn, phải có lỗi lầm, sai trái (bugs in each and every system). Muốn sửa sai trái thì phải biết có sai trái và sai trái như thế nào. Sau khi sửa sai chính quyền mới có thể có tiến bộ. Trong tiến trình chính trị nầy, báo chí lãnh trách nhiệm nặng nề nhất. Đó là dùng quyền tự do ngôn luận để giúp cho chính quyền “biết có sai trái và sai trái như thế nào”.

Chính vì ý thức được tầm quan trọng căn bản đó mà Katharine Graham và Chủ bút Ben Bradlee (với sự hổ trợ tích cực của các ký giả như Meg Greenfield, Ben Bagdikian) đã đứng đầu sóng ngọn gió để vượt qua áp lực chính trị của Tổng thống Nixon, vượt qua áp lực kinh tế của các chủ ngân hàng. Và chính nghĩa của họ đã “tất thắng” chói lọi khi gần 20 nhật báo lớn khác của Mỹ đoàn kết theo gương tờ Washington Post để cùng trích đăng Hồ sơ Ngũ Giác Đài, và nhất là khi Toà Án Tối Cao Liên Bang đã phán quyết bầu thuận cho tờ Post qua đa số phiếu 6-3


Điều phải nói thêm là cuốn phim cho thấy quyết định xử dụng quyền tự do báo chí của bà chủ nhân Graham và chủ bút Bradlee là một quyết định đầy ý thức trách nhiệm. Trách nhiệm với quốc gia, với dân tộc, dựa trên một quá khứ cách mạng chống thực dân Anh và dựa vào một tin tưởng ở tương lai dân chủ, thịnh vượng của nước Mỹ.
Vì vậy mà giá trị, đáng mua cái vé 6 đồng, của phim “The Post” là đã vẽ được một cách sinh động một kinh nghiệm huy hoàng trong lịch sử nước Mỹ mà người dân Mỹ có thể hãnh diện nhất. Và đó cũng là một bài học về tôn trọng tự do ngôn luận mà nhà nước Việt Nam (và rất nhiều nước khác) phải cho trình chiếu rộng rãi cho đại chúng, và phải học mỗi ngày bằng cách bắt buộc tất cả cán bộ phải xem phim “The Post” mỗi buổi sáng.

LÝ NGUYÊN DIỆU
Đầu năm 2018

Ngọc Tuyền sưu tầm

CHO NGÀY HÔM NAY

CHO NGÀY HÔM NAY


SƯU TẦM
Trong mục “Cửa sổ tâm hồn” của báo Tuổi Trẻ có đăng một bài với tựa đề “Cho ngày hôm nay” như sau: Có hai ngày trong tuần chúng ta không nên lo lắng.
Một ngày là ngày hôm qua, với những sai lầm, những âu lo, những tội lỗi, những thiếu sót và những nỗi đau. Ngày hôm qua đã đi qua. Mọi tiền bạc trên đời này cũng không thể đem ngày hôm qua quay trở lại. Chúng ta không thể nào hủy bỏ một hành động mà chúng ta đã làm cũng như không thể nào xóa đi một ngôn từ mà chúng ta đã thốt ra. Ngày hôm qua đã đi xa rồi!
Còn một ngày nữa mà chúng ta không nên lo lắng, đó là ngày mai với những kẻ thù quá quắt, những gánh nặng cuộc sống, những hứa hẹn tràn trề. Mặt trời của ngày mai sẽ mọc lên hoặc là chói lọi hoặc là khuất sau đám mây, nhưng dù gì thì nó vẫn sẽ mọc lên. Và trước khi nó mọc lên, vào ngày mai chúng ta chẳng có mối đe dọa nào, bởi lẽ nó vẫn chưa được sinh ra.
Vì vậy chỉ còn một ngày duy nhất là ngày hôm nay. Bất cứ ai cũng đều phải đấu tranh để sống dù chỉ một ngày. Thật ra chẳng phải những gì trải qua ngày hôm nay khiến người ta phát rồ – mà đó chính là sự hối tiếc về những gì đã xảy ra ngày hôm qua và những lo sợ về những gì ngày mai có thể đem đến.
“Năm cô trinh nữ khôn ngoan” là những con người của ngày hôm nay. Các cô không hối tiếc cho ngày hôm qua, cũng không lo lắng cho ngày mai, vì ngày hôm nay, các cô đang cầm đèn cháy sáng trong tay theo chú rể vào dự tiệc cưới.
“Năm cô trinh nữ khờ dại” mãi mãi là những con người của ngày hôm qua. Cho dù các cô có đi mua thêm dầu, rồi cầm đèn cháy sáng trong tay, nhưng đã quá muộn, vì cửa đã đóng.Ngày hôm qua đã đi xa rồi!
Cuộc đời người tín hữu Kitô lúc nào cũng phải được xem là ngày hôm nay, luôn sẵn sàng chờ chàng rể đến, để vào dự tiệc cưới Nước Trời. Thế nào là người tín hữu luôn sẵn sàng? Tin Mừng hôm nay chỉ rõ: “Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo”. Cốt lõi vấn đề là ở chỗ đó. Các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo, nên các cô sẽ mãi mãi là người đến sau, mãi mãi phải đứng bên ngoài, suốt đời hối tiếc. Vì ngày hôm qua đã đi xa rồi!
Trái lại, các cô khôn vừa mang đèn vừa mang theo chai dầu. Đèn chính là ánh sáng đức tin luôn chiếu tỏa từ ngày chịu phép rửa tội. Đã có đèn thì phải có dầu; đã thắp đèn thì phải hao dầu, hao dầu thì phải châm thêm mỗi ngày. Dầu ấy chính là dầu bác ái yêu thương. Chỉ có dầu tình yêu mới thắp sáng được cây đèn đức tin của người tín hữu. Thánh Gioan viết: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”.
Ai vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo người đó được kể là người sẵn sàng và là thực khách danh dự của tiệc cưới Nước Trời. Thánh Matthêu ghi rõ: “Những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”. Vì thế, những người luôn sẵn sàng là những con người của ngày hôm nay, không hối tiếc cho ngày hôm qua đã đi xa rồi, cũng chẳng lo lắng cho ngày mai chưa tới, nhưng chỉ tỉnh thức trong ngày hôm nay cho đèn luôn cháy sáng, cho dầu vơi lại đầy.
Người ta cứ tự hỏi: Bao giờ chàng rể đến? Bình dầu thì cứ vơi dần! Màn đêm buông xuống, đôi mắt cũng nặng trĩu theo! Chờ đợi bao giờ cũng mệt mỏi căng thẳng! – Biết rằng đèn cháy sáng thì dầu cũng cạn. Tình yêu chờ đợi mãi cũng mòn mỏi, lời kinh có khi cũng phôi pha, cây đàn có lúc cũng quên mất nốt nhạc. Hãy kín múc dầu tình yêu nơi suối nguồn yêu thương, chính là Bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta không chỉ nhận được dầu tình yêu, dầu ân sủng, mà còn được trao ban chính mình Người làm của ăn, để chúng ta tỉnh thức mà chờ đợi Người dẫn đưa ta vào tiệc cưới Nước Trời.

samedi 20 janvier 2018

THIÊN CHÚA GẦN GŨI


Đang có một dòng văn học ghi lại cảm nghiệm của những người bị chết lâm sàng trong một thời gian (vài phút hay vài giờ) rồi phục hồi về mặt y khoa và sống lại. Nhiều người chúng ta biết đến quyển sách của bác sĩ Eben Alexander, Bằng chứng về Thiên đàng: Hành trình của một bác sĩ phẫu thuật não vào Đời sau [Proof of Heaven: A Neurosurgeon’s Journey into the Afterlife]. Mới đây, Hollywood có ra mắt bộ phim Phép lạ từ Thiên đàng [Miracles from Heaven], với câu chuyện thật về một cô gái ở Texas đã chết lâm sàng, nhưng rồi sống lại theo y khoa và đã chia sẻ những gì mình cảm nghiệm được trong đời sau.

Qua vài chục năm, đã có hàng trăm câu chuyện như thế được công bố hay đơn giản là chia sẻ với những người thân thuộc. Điều đáng chú ý (và cũng đem lại khuây khỏa) là những câu chuyện này vô cùng tích cực, dù cho nhân vật chính theo bất kỳ tôn giáo nào. Trong hầu như mọi trường hợp, dù rất khó tả, nhưng họ đều cảm nghiệm được một cảm giác yêu thương nồng ấm rất gần gũi, ánh sáng và sự chào đón, và một số người còn gặp được những người thân đã qua đời, đôi khi là những người thân mà họ chưa biết. Và trong hầu như mọi trường hợp, họ không muốn trở lại cuộc sống này, như thánh Phêrô trên núi Biến hình vậy, họ muốn được ở lại đó.


Gần đây, khi diễn thuyết tại một hội thảo, tôi có nhắc đến dòng văn học này và chỉ rarằng, dường như khi người ta chết, ai cũng lên thiên đàng. Tất nhiên, điều này sẽ khiếnta bật ra ngay những tranh luận. “Còn địa ngục thì sao? Khi chết đi, ta không bị phánxét sao? Không có ai vào địa ngục sao?” Câu trả lời của tôi cho những câu hỏi này, làtrong khi tất cả chúng ta đều lên thiên đàng sau khi chết, nhưng tùy vào khuynh hướngđạo đức và tâm linh của mình, có thể chúng ta lại không muốn ở lại đó. Như ChúaGiêsu đã nói, địa ngục là một lựa chọn, thật sự là một lựa chọn, và chính chúng ta phánxét mình. Thiên Chúa không đẩy ai vào địa ngục cả. Địa ngục là do chúng ta chọn.



Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ một chuyện sau buổi hội thảo đó. Khi tôi sắp ra về, một bà tìm đến và nói là bà từng có cảm nghiệm đó. Bà đã bị chết lâm sàng trong vài phút rồi sống lại nhờ biện pháp y khoa. Và như cảm nghiệm của mọi người khác, bà cũng cảm thấy một sự nồng ấm, ánh sáng, và chào đón vô cùng mãnh liệt, đến nỗi bà không muốn quay lại đời này nữa. Tuy nhiên, điều bà nhớ nhất và muốn chia sẻ với người khác nhất, là thế này: Tôi biết được rằng Thiên Chúa rất gần gũi. Chúng ta chẳng hiểu nổi Thiên Chúa gần gũi chúng ta đến mức nào đâu. Thiên Chúa gần gũi chúng ta hơn ta tưởng quá nhiều! Cảm nghiệm đó đã cho bà ghi khắc luôn mãi một cảm giác về sự nồng ấm, yêu thương và chào đón của Thiên Chúa, nhưng dấu ấn sâu sắc nhất trong bà chính là cảm giác về sự gần gũi của Thiên Chúa.

Tôi chấn động trước lời chia sẻ này, cũng như hàng triệu người khác, tôi chưa cảm được sự gần gũi đó, hay ít nhất là chưa cảm được một cách rõ ràng. Thiên Chúa có vẻ xa cách, trừu tượng và phi nhân, một Thần Linh với hàng triệu việc phải lo nên chẳng thể chăm lo cho những chuyện vụn vặt của sinh linh bé nhỏ là tôi.

Hơn nữa, là Kitô hữu, chúng ta tin rằng Thiên Chúa là vô hạn và khôn tả. Thế nghĩa là dù chúng ta có thể biết Chúa, nhưng không bao giờ hình dung nổi Chúa. Do đó, càng khó hơn khi chúng ta hình dung một Đấng Tạo Hóa vô hạn và Đấng Bao Hàm mọi sự lại ở ngay trong chúng ta, lo lắng cho chúng ta, chia sẻ những dằn vặt của ta, và biết những cảm giác khó nói nhất của ta.

Hơn nữa, bất kỳ lúc nào chúng ta cố gắng hình dung về Thiên Chúa, thì trí tưởng tượng của chúng ta lại bị đẩy lùi trước ngưỡng không thể hình dung. Ví dụ như, hãy thử hình dung điều này: Có hàng tỷ người trên trái đất, và hàng tỷ người đã sống trước chúng ta. Mỗi phút, hàng ngàn người sinh ra, hàng ngàn người chết đi, hàng ngàn người phạm tội, hàng ngàn người làm việc tốt, hàng ngàn người yêu nhau, hàng ngàn người chịu khổ, hàng ngàn người rộn ràng vui sướng, tất cả chỉ là một phần nhỏ trong hàng tỷ tỷ sự kiện. Làm sao một trái tim, một cái đầu, một con người có thể ý thức được tất cả những chuyện này, biết rõ và đồng cảm với chúng ta theo mức độ “tóc trên đầu anh em đều được đếm hết rồi”? Thật không thể nào hình dung nổi, và đó chính là một phần định nghĩa về Thiên Chúa.

Làm sao Thiên Chúa có thể gần gũi với chúng ta như chính chúng ta được? Đây là mầu nhiệm, và khôn ngoan thì công nhận mầu nhiệm, vì bất kỳ điều gì chúng ta có thể hiểu được thì chưa đến tận cùng thâm sâu! Mầu nhiệm về sự gần gũi của Thiên Chúa, sự hiện diện của Ngài trong chúng ta, thật vượt quá hình dung của chúng ta. Nhưng mọi điều trong truyền thống đức tin của chúng ta và hầu hết mọi điều trong lời chứng của hàng trăm người từng có cảm nghiệm về đời sau, đảm bảo với chúng ta rằng, dù Thiên Chúa có thể vô hạn và khôn tả, nhưng Thiên Chúa vô cùng gần gũi với chúng ta, gần gũi hơn ta tưởng.

Rev. Ron Rolheiser, OMI
T.Anh sưu tầm

vendredi 19 janvier 2018

THAY ĐỔI BẢN THÂN ĐỂ ĐỔI THAY THẾ GIỚI


Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua cai quản một vương quốc rộng lớn bao la. Ông muốn đích thân đi thăm những miền xa xôi của đất nước. Khi về đến nhà, đôi bàn chân ông sưng tấy và đau đớn, vì đường xá gập ghềnh sỏi đá. Ông liền ra lệnh tất cả các con đường trong vương quốc phải trải bằng da lông thú để nếu ông đi thăm vương quốc thì chân ông không còn bị đau. Cả triều đình đều thấy đó là một điều vô lý, nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Sau cùng, có một vị quan dũng cảm đã nói với vua:“Tâu bệ hạ, tại sao vương quốc của chúng ta lại phải tiêu tốn ngân khố một cách vô ích như vậy? Tại sao bệ hạ lại không cho cắt những miếng da bò rồi phủ quanh đôi chân trần của mình? Như vậy, chân Người sẽ không còn bị đau khi đi qua những con đường gập ghềnh sỏi đá, mà cả vương quốc sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc?” Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị của vị quan, và thế là đôi giày da đầu tiên của nhân loại ra đời.

Có nhiều người muốn bắt cả thế giới theo mình, trong khi nếu mình thay đổi cách sống và quan niệm cá nhân, thì sẽ cảm nhận thế giới hoàn toàn khác. Thay đổi bản thân, trong ngôn ngữ của Tin Mừng, là thành tâm sám hối. Ngôn sứ Giona được Chúa sai đến thành Ninivê để kêu gọi dân thành sám hối. Vào thời đó, thành phố này có tiếng là tội lỗi và hung bạo, đến nỗi khi ông Giona nghe thấy Chúa sai mình đến đó thì tìm cách chạy trốn vì sợ hãi. Nhưng lạ thay, khi nghe lời Giona rao giảng, mọi người, từ vua cho tới dân đã ăn chay sám hối theo lệnh của vua. Nhờ lòng sám hối, dân thành đã không bị án phạt giáng xuống.

Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng lời kêu gọi sám hối. Lời kêu gọi này còn được lặp đi lặp lại nhiều lần, ở mọi nơi Người đặt chân tới. Sám hối là một phần quan trọng của giáo huấn Tin Mừng. Lời kêu gọi sám hối của Chúa Giêsu đi liền với lời mời gọi tin vào Tin Mừng Người rao giảng. Tin vào Tin Mừng là nhận biết Chúa Cha, đấng bao dung nhân hậu. Ngài luôn chờ đợi chúng ta trở về để đón nhận sự tha thứ. Tin Mừng kể lại có những người rất tội lỗi, nhưng đã mở lòng đón nhận giáo huấn của Chúa và được ơn thứ tha. Lịch sử Giáo Hội cũng làm chứng cho chúng ta, rất nhiều tội nhân đã sám hối và được nên thánh.



Sám hối là khiêm tốn nhìn nhận những sai sót lỗi lầm của mình, đồng thời hứa với Chúa sẽ thay đổi cuộc sống của mình nên tốt hơn. Một khi chúng ta thay đổi cuộc sống và thay đổi cách nhìn của mình đối với những người xung quanh, chúng ta sẽ nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác. Thay đổi cuộc sống sẽ giúp chúng ta thấy cuộc đời lạc quan đáng yêu hơn, đồng thời thúc đẩy chúng ta đóng góp phần mình để nhân lên những điều thiện hảo trong cuộc sống. Giống như vị vua trong câu chuyện trên đây, khi ông bọc đôi chân bằng miếng da bò, thì đi đâu cũng thấy êm ái và sạch sẽ. Khi trong tâm trí chúng ta có những tâm tình tốt đẹp, chúng ta sẽ khám phá những nét đẹp tiềm ẩn nơi mọi người mọi vật xung quanh.



Sám hối còn là đoạn tuyệt với quá khứ để khởi đầu một hành trình mới theo chân Đức Giêsu. Thánh Máccô kể với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay về việc Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Anrê và Simon, Giacôbê và Gioan là những người đã can đảm từ bỏ cuộc sống cũ để khởi đầu một hành trình mới. Tiếng gọi “Hãy theo tôi” có sức thuyết phục kỳ diệu, khiến các ông sẵn sàng từ bỏ những người thân yêu và nghề nghiệp bao năm gắn bó. Sau này, nhiều khi phải đối diện với những khó khăn, chống đối và thiếu thốn, nhưng các ông không hề hối tiếc vì sự lựa chọn này: “Thưa Thày, bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thày mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,67).

Cũng như một cỗ máy cần được bảo dưỡng luôn luôn, cũng như những cây nho cần được thường xuyên cắt tỉa, tâm hồn chúng ta phải được thanh tẩy mỗi ngày, để nhờ đó, chúng ta được biến đổi, nên giống Chúa hơn. Lời kêu gọi thay đổi cuộc đời luôn âm vang trong cuộc sống của người tín hữu chúng ta. Đây không phải là một khẩu hiệu, mà là một lời khuyên rất thiết thực, vì “thời gian chẳng còn bao lâu.” Thánh Phaolô đã dùng cách nói rất cụ thể để nói với chúng ta hãy lựa chọn những điều tốt nhất và lâu bền cho mình, bởi vì bộ mặt thế gian này đang qua đi, nên “những ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả…”.

“Mỗi vị thánh đều có một quá khứ; mỗi tội nhân đều có một tương lai.” Đừng có ai mặc cảm về đời sống của mình mà không mạnh dạn thay đổi cuộc đời. Nếu mạnh dạn tiến bước, chúng ta chẳng còn là tội nhân, mà sẽ là những vị thánh, nhờ lòng bao dung thứ tha và ơn phù trợ của Thiên Chúa. “Tâm bình, thế giới bình,” cuộc đời này sẽ thay đổi, khởi đi từ sự thay đổi trong chính con người mỗi chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên 
T.Anh chuyển