lundi 17 septembre 2018

Thầy là ai đối với con! ?

Thầy là ai đối với con?!". Thầy ơi, con thật xấu hổ vì đã nhiều lần làm ngơ những lúc Thầy lẽo đẽo theo con. Thầy vẫn kiên nhẫn lẽo đẽo theo suốt nhiều năm dài và mời gọi: " Con ơi, Thầy là ai đối với con?".


Con đã nghe và con đã làm ngơ suốt nhiều năm dài, cho đến một hôm, câu hỏi đó chạm đến nội tâm hồn con và con đi tìm Thầy. Đã bao nhiêu năm con được Thần Khí của Thầy cấy vào tâm hồn con cái mầm đức tin là Thầy, thế mà sao con vẫn hững hờ...có khi còn cố ý đè bẹp cho cái mầm đó không được ngoi lên, vì con còn đang bận bịu với những dính bén thế gian. Con thật là đứa con vô ơn bất hiếu.

Thầy là Đấng đã từ bỏ ngôi vị Thiên Chúa mà xuống thế làm người trong lòng Mẹ Maria. Thầy sống âm thầm và lớn lên trong gia đình đạo hạnh nhân đức, nghèo mà không khổ, không hèn (nghèo thường đi đôi với khổ (nghèo khổ) và hèn (nghèo hèn) ở ngôi làng hiền hòa nhỏ bé Bethlehem.

Năm 12 tuổi Thầy đã chứng tỏ mình ra cho dân chúng trong đền thờ biết Thầy là Con Thiên Chúa, khi đi trẩy hội lên đến thờ với cha mẹ Thầy, Thầy ở lại trong đền thờ Gierusalem "đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. "Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên vì trí thông minh và những lời đối đáp của cậu" (Lc 2, 46b + 47).

Thầy còn tỏ mình ra với bố Giuse & Mẹ Maria về sứ mạng của Thầy bằng một lời xác quyết, chứng minh thiên tính của Thầy: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2, 49b).

Thầy sống như một người bình thường đầy nhân tính, chúng con đói no Thầy cũng đói no, chúng con vui buồn thầy cũng vui buồn, chúng con khóc Thầy cũng khóc, chúng con tức giận Thầy cũng tức giận, chúng con ăn uống, chơi đùa Thày cũng chơi đùa, ăn uống.

Chỉ có điều duy nhất Thầy khác chúng con là
Thầy không dính bén tội lỗi như chúng con.
Thầy để cho ma quỷ cám dỗ khi Thầy chay tịnh 40 ngày trong sa mạc, mà không hề bị chúng lôi cuốn, trái lại còn dạy cho chúng nhiều bài học.

Chúng con thường bị cám dỗ và sa ngã về sự thế gian: giàu sang, ham của cải vật chất, háo danh, kiêu ngạo v.v ...(vì người đời, họ nhìn vào bề ngoài hào nhoáng đó mà đánh giá con người ta).

Thầy tinh tuyền, Thầy quyền năng, nhưng suốt 30 năm từ khi được sinh ra không bao giờ Thầy tỏ cho dân chúng biết (Thầy giữ bí mật của Đấng Messia) cho đến năm Thầy 30 tuổi. Theo người Việt Nam tuổi này là, tam thập nhi lập". Theo Thánh Kinh là „giờ của Thầy đã đến".
Ba năm đi rao giảng Tin Mừng, Thầy đi đến đâu đám đông dân chúng theo Thầy đến đấy để được thương yêu, được dạy dỗ, được chữa lành mọi bệnh tật, được an ủi... Những giáo lý Thầy giảng dạy đầy uy quyền, nhân nghĩa, thẳng thắn mà nhân ái, hợp lòng dân nghèo.

Thấy dân chúng vất vả nghèo khổ Thầy luôn chạnh lòng thương, Thầy an ủi và chữa bệnh cho những con người bé nhỏ, bịnh tật, họ khốn khổ vì chịu sự áp đặt của kẻ cầm quyền Roma và lề luật khe khắt của các kinh sư và Pharisêu. Thầy tế nhị và nhẹ nhàng thương xót phụ nữ, những người bị khinh rẻ, nhất là những bà góa và phụ nữ nghèo.

Thầy không giữ lề luật theo kiểu của người Do Thái. Thầy không câu nệ luật lệ mà từ thời Mose để lại, các kinh sư dùng nó như những chiếc gông đeo vào đầu vào cổ dân chúng. Thầy đến để kiện toàn lề luật... vì thương yêu thì đã chu toàn lề luật.

Thầy giải thoát và chữa lành:

Người tội lỗi được tha thứ.

Người què được đi

Người mù được thấy.

Người câm được nói.

Người điếc được nghe

Người ngu được mở trí.

Người đói được ăn no

Người chết được sống lại.


Thời gian ba năm rong ruổi với các môn đệ, Thầy chịu biết bao nhiêu gian khổ, bị hiểu lầm, bị ghét bỏ đến nỗi người trong gia tộc còn cho Thầy là người mất trí.
Để dấu bí mật của Đấng Messia mà Thầy lẳng lặng để cho các kinh sư và người Phariseu có âm mưu đưa Thầy lên núi để xô Thầy xuống vực cho chết. Thầy biết chắc chắn họ chẳng làm gì được nhưng Thầy vẫn lẳng lặng và Thầy hiên ngang, băng qua họ mà đi...(Thầy của con tuyệt quá!)

Thầy vô tội mà Thầy chấp nhận bị người ta kết án, bị phỉ nhổ, bị giết bằng nhục hình thê thảm, bị lột trần và bị đóng đinh vào thập giá như tên nô lệ, vì Thầy hết lòng tuân phục kế hoạch của Chúa Cha cứu độ nhân loại tội lỗi. "Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi bị nguyền rủa bởi lề luật, khi vì chúng ta mà chính Người trở nên bị nguyền rủa, vì có lời chép rằng: Đáng nguyền rủa thay kẻ bị treo trên cây gỗ"(Gl 3,13).

Thầy chịu nhục hình đó chỉ vì yêu con, chết vì tội lỗi của con. Vậy mà con đã nhiều lần đóng đinh Thầy nơi những người bất đồng ý kiến với con, những người làm con đau đớn, người sỉ nhục con, người phản bội con, con đâu chịu tha thứ cho họ, như Thầy đã tha thứ cho con.

Con còn đóng đinh Thầy bằng nhiều tội lỗi khác nữa, với chính bản thân mình, với những người thân yêu trong gia đình, với những người con không ưa, những người ghét con, nhưng Thầy không tra hỏi, không chất vấn, không lên án, mà vẫn thương yêu tha thứ cúi xuống nắm tay nâng lên và săn sóc.

Tạ ơn Thầy yêu dấu của con "Tội con có đỏ như máu Thày cũng sẽ rửa cho trắng như tuyết".

Thầy ơi, Thầy là người yêu của con. (con là con bé nhỏ yêu dấu của Thầy dù con vẫn tội lỗi và bất toàn).

Thầy là Chúa con tôn thờ. (Thầy là tấm gương để cho con noi theo).

Thầy là Cha của con. (Thầy dạy con làm gì cũng biết quy về Thầy).

Thầy là bạn yêu quý của con. (Thầy an ủi con khi đau khổ, khi buồn sầu).

Để làm đẹp lòng Thầy, con xin vâng Lời Mẹ Maria "Người bảo gì con hãy làm theo".


Để nên giống Thầy hơn, con sẽ , ra đi trong nội tâm, con đường của người môn đệ đi tìm kiếm Chúa mỗi ngày trong cầu nguyện và suy niệm" (DTC Francis).
Thầy Giêsu của con. Con biết ơn và con yêu Thầy.

Elisabeth Nguyễn

dimanche 16 septembre 2018

Thi Ca Suy Niệm Tuần 24 QN. B

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN. B

(Mc 8, 27-35)



CHÚA KITÔ

Trở về làng nhỏ nơi đây,
Đọc đường Chúa hỏi, vậy Thầy là ai?
Các ông đáp lại đều sai,
Gio-an Tẩy Giả, mở khai lối đường.
Ê-li-a đấng phi thường,
Tiên tri nào đó, yêu thương xuống trần.
Môn đồ lúng túng tinh thần,
Nhìn quanh Người hỏi, thần nhân thế nào?
Được ơn linh hứng trên cao,
Phê-rô đại diện, cao rao chính Thầy,
Ki-tô Đấng Thánh này đây,
Năng quyền dấu chỉ, đong đầy thánh ân.
Giê-su nghiêm cấm biện phân,
Loan tin khổ giá, gian trần giết đi.
Ba ngày sống lại phát huy,
Thương ban sự sống, gẫm suy sống đời.

Chúa Kitô là trung tâm điểm của vũ trụ. Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể. Chúa Giêsu xuất hiện rao giảng tin mừng, nhưng người ta không biết thực sự Chúa là ai. Bài Phúc âm hôm nay, Chúa hỏi các môn đệ rằng: Người ta bảo Thầy là ai? Các ông đáp: Thưa là Gioan Tẩy giả, là Êlia hay một vị tiên tri nào đó. Như vậy, chưa ai biết về nguồn gốc chính xác về Chúa Giêsu.

Chúa lại hỏi các Tông đồ: Còn các con, các con bảo Thầy là ai? Phêrô đại diện các Tông đồ liền tuyên xưng: Thầy là Đấng Kitô. Lời tuyên xưng thật chính xác, nhưng vượt ngoài sự hiểu biết của ông. Đấng Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu. Khi Chúa Giêsu mặc khải về Đấng Kitô sẽ phải chịu đau khổ, bị các kỳ lão chối bỏ, bị giết và sẽ sống lại. Phêrô lại là người đầu tiên can ngăn Chúa. Như vậy Phêrô tuyên xưng Chúa là Đấng Kitô, nhưng ông đã không hiểu sứ mệnh của Chúa Kitô.

Ai trong chúng ta cũng có tâm trạng giống thánh Phêrô. Chúng ta đâu muốn thầy mình bị đau khổ và chúng ta cũng không muốn chịu đau khổ. Đôi khi chúng ta vác thánh giá theo Chúa, chúng ta còn tìm mọi cách để thánh giá được giảm nhẹ và dễ dàng hơn. Chúa Kitô mở con đường dẫn đến ơn cứu độ qua con đường thập giá. Đường thập giá là con đường dẫn tới vinh quang và sự sống đời đời.

Muốn có triều thiên chiến thắng phải bước qua đau khổ. Phải chết đi mới có thể sống lại. Hạt lúa miến phải gieo xuống đất và thối đi mới sinh bông hạt. Muốn được vinh quang, chúng ta không thể đi con đường tắt. Muốn theo Chúa phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Chúng ta nhìn thấy thánh giá ở mọi nơi, trên nóc nhà thờ, trong nhà thờ, nơi đất thánh, trong các tư gia và trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần mỗi ngày. Khi làm dấu thánh giá, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm chịu chết và sống lại của Chúa Kitô.

Mỗi khi làm dấu thánh giá, nhắc nhở chúng ta thuộc về Chúa Kitô. Ghi dấu thánh giá trên mình là chúng ta cùng hiệp thông đau khổ của chúng ta với sự đau khổ của Chúa trên cây thánh giá. Thánh giá trở thành dấu chỉ niềm tin của các Kitô hữu. Ngày xưa cha ông của chúng ta bị bách hại vì tin cây Thánh Giá. Quan quyền chỉ đòi hỏi các ngài bước qua thánh giá là được tha chết. Các ngài kiên trung tin tưởng vào Chúa Kitô chịu chết và Phục Sinh, chẳng có lời hứa nào làm cho các ngài nao núng.

Chúa Kitô đã chọn con đường Thánh giá để cứu độ. Muốn được ơn cứu độ, chúng ta hãy vác thánh giá lên và đi theo Chúa. Thánh giá chính là những khổ đau trong cuộc sống hằng ngày. Hãy tháp nhập những khổ đau của chúng ta vào những đau khổ của Chúa. Chúng ta sẽ tìm được nguồn an ủi tuyệt vời.


THỨ HAI, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(1Tm 2, 1-8; Lc 7, 1-10).

CỨU CHỮA

Vài người kỳ lão van xin,
Thầy ơi cứu chữa, đoái nhìn bệnh nhân.
Sĩ quan cầu cứu người thân,
Nguy cơ sắp chết, rất cần Thầy thương.
Chúa đi theo bước lên đường,
Báo người thân cận, đón đường nài van.
Chúng tôi không dám phiền than,
Nhà tôi không xứng, chuyển van lời mời,
Lạy Thầy, xin phán một lời,
Bệnh tình đầy tớ, sẽ rời mau thôi.
Có nhiều quân lính của tôi,
Sẵn sàng tuân lệnh, lên đồi xuống non.
Niềm tin mạnh mẽ vuông tròn,
Chúa khen viên chức, sắt son tấm lòng.
Xin ơn lành mạnh cầu mong,
Về nhà đầy tớ, cận vong phục hồi.



THỨ BA, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(1Tm 3, 1-13; Lc 7, 11-17).

CHỖI DẬY

Con trai quí nhất qua đời,
Cảm thương mẹ góa, một thời đơn côi.
Đám đông chia xẻ khúc nhôi,
Mẹ con xa cách, hỡi ôi thảm sầu.
Cuộc đời muôn nỗi bể dâu
Động lòng thương xót, cầu bầu thi ân.
Người khiêng đứng lại dừng chân,
Quan tài, Chúa chạm, người thân sống còn.
Thương đau khóc lóc mỏi mòn
Chúa truyền chỗi dậy, trao con mẹ hiền.
Bà con lối xóm mọi miền,
Ngợi khen Con Chúa, ngạc nhiên vô cùng.
Tiên tri xuất hiện trong vùng,
Viếng thăm dân tộc, bao dung tấm lòng.
Loài người chờ đợi khát mong,
Chứng nhân phép lạ, dõi dòng loan tin.



THỨ TƯ, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(1Tm 3, 14-16; Lc 7, 31-35).

SO SÁNH

Người đời lắm chuyện ai ơi,
Ở sao cho khéo, thói đời dèm pha.
Ngồi xem so sánh gần xa,
Đua đòi bắt bẻ, gây ra lỗi lầm.
Trẻ em đường phố thành tâm,
Đùa vui thối sáo, âm thầm chẳng theo.
Bi ai ngâm giọng phường chèo,
Chẳng ai than khóc, sầu gieo trong lòng.
Gio-an Tẩy Giả tinh trong,
Không ăn không uống, theo dòng tà ma.
Con Người ăn uống vui ca,
Mê ăn tham uống, xấu xa tội đời.
Bạn bè tội lỗi đầy vơi,
Ghen tương xét đoán, gây lời dối gian.
Thành tâm suy gẫm nài van,
Nhận ra dấu chỉ, ơn ban bởi trời.



THỨ NĂM, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(1Tm 4, 12-16; Lc 7, 36-50).

YÊU MẾN

Ngỏ lời mời Chúa vào nhà,
Một người Biệt Phái, mặn mà đón đưa.
Lạ thay phụ nữ vô bừa,
Mang bình bạch ngọc, đổ thừa xức chân.
Bà ta nức nở tới gần,
Quì bên cạnh Chúa, hôn chân khóc ròng.
Gia đình Biệt Phái bên trong,
Vấn vương tự hỏi, trong lòng nghĩ sao.
Tiên tri thấu tỏ trên cao,
Người này phạm tội, biết bao lỗi lầm.
Đôi lời gợi ý thâm tâm,
Nợ nhiều, nợ ít, tha cầm sạch trơn.
Ai thương ông chủ nhiều hơn,
Tha nhiều món nợ, mang ơn bội phần.
Chúa thương tha tội gian trần,
Yêu nhiều tha hết, hồng ân diệu vời.



THỨ SÁU, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(1Tm 6, 2-12; Lc 8, 1-3).

NHÂN CHỨNG

Ra đi rao giảng Tin mừng,
Cùng đoàn môn đệ, vào từng làng quê.
Chúa thương giảng dậy chẳng nề,
Đơn sơ nghèo khó, cận kề yêu thương.
Nhiều người theo Chúa trên đường,
Tin Mừng Nước Chúa, muôn phương đón chào.
Người giầu, kẻ khó, khát khao,
Tông đồ môn đệ, truyền rao chí tình.
Đàn ông, phụ nữ, hết mình,
Đi làm nhân chứng, tâm linh rạng ngời.
Hân hoan sánh bước vào đời,
Chia phần của cải, cho người khó khăn.
Dù bao gian khó cản ngăn,
Hăng say nhiệt huyết, xả lăn rao truyền.
Nguồn thiêng ân phúc tinh tuyền,
Yêu thương liên kết, thề nguyền tin yêu.



THỨ BẢY, TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
(1Tm 6, 13-16; Lc 8, 4-15).

GIEO GIỐNG

Dụ ngôn gieo giống đức tin,
Người gieo hạt giống, mắt nhìn khắp nơi.
Tay vung gieo hạt vào đời,
Vệ đường rơi rớt, chim trời mổ nhanh.
Hạt rơi đá sỏi bộ hành,
Héo đi nhanh chóng, không thành chồi non.
Bụi gai rơi hạt bé con,
Um tùm bóp nghẹt, héo hon nắng ngày.
Hạt rơi đất tốt mọc ngay,
Sinh hoa kết trái, mong thay ơn trời.
Đức tin hạt giống mọi thời,
Gieo lòng nhân thế, mỗi người lắng nghe.
Nghe rồi quên lãng hội hè,
Vui lòng đón nhận, nào dè tháo lui.
Tâm hồn thiện hảo mài dùi,
Lắng nghe Lời Chúa, an vui tâm hồn.


Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

samedi 15 septembre 2018

CUỘC CHIẾN GIỮA ĐAVÍT & GÔLIÁT – CUỘC CHIẾN ĐỨC TIN

Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa hằng sống.  Người khác với tượng thần của chư dân, bởi thần của chư dân là những vị thần hư vô, không tồn tại:

“Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc,
Chỉ do tay người thế tạo thành:
Có mắt có miệng không nhìn không nói,
Có hai tai mà chẳng thể nghe chi
Không chút hơi thở nơi mồm, nơi miệng” (Tv 134(135),15-17)

Người là Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối, trung tín, công minh và chính trực vô cùng, nhưng lại rất gần gũi với dân riêng Người.  Người luôn luôn đồng hành với dân, dẫn dắt dân thông qua các giao ước, giáo huấn và người đại diện, nhưng cũng sẵn sàng sửa phạt dân khi họ dám lìa xa Người mà đến với thần ngoại (x. Đnl 12,26-28).  Tuy nhiên, khi dân nhận ra những lỗi lầm của mình và tỏ lòng sám hối, Người lại tha thứ và cứu họ khỏi án phạt, vì Người là Đấng giàu lòng thương xót (x. Lc 1,50; Ep 2,4).

Hôm nay, dân Chúa đang gặp nạn bởi sự uy hiếp của quân Philitinh, một đội quân hùng mạnh hơn hẳn quân Israel cả về số lượng cũng như chất lượng (x. 1 Sm 13).  Hơn nữa, trong quân đội của Philitinh xuất hiện một gã khổng lồ Gôliát cao to, khỏe mạnh khác người, là sức mạnh và chỗ dựa tinh thần của quân Philitinh (x. 1 Sm 17,4-7), nhưng nó lại là nỗi khiếp sợ, hoang mang của quân Israel (x. 1 Sm 17,24).  Chính trong những tình thế mà sức mạnh dân Chúa cảm thấy bất lực trước các thế lực dân ngoại, thì Thiên Chúa đã ra tay uy quyền để cứu dân (x. 1 Sm 17,40-54).

Đavít, một cậu bé chăn cừu dễ thương lại chính là vũ khí sống động mà Thiên Chúa dùng để hạ nhục kẻ thù của dân Người.  Người đã không hành động một cách trực tiếp, mà hành động qua con người nhỏ bé được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến (x. 1 Sm 16).  Trước một Gôliát khổng lồ đầu đội mũ chiến bằng đồng, toàn thân được trang bị bảo vệ bằng đồng, tay cầm giáo rất đáng sợ lại là một cậu bé chăn cừu Đavít nhỏ bé, tay cầm chiếc dây phóng đá và mấy hòn đá cuội nhỏ, đại diện cho quân đội Israel để giao đấu tay đôi với hắn (x. 1 Sm 17,40).  Dưới con mắt của bao người, chỉ cần tên Gôliát kia dậm chân một cái thì Đavít cũng khó mà đứng vững được, đúng là “lấy trứng chọi đá,” quả  là một cuộc chiến không cân xứng.

Giữa hai thế lực, một bên là sức mạnh con người được thể hiện tất cả ra bên ngoài với những võ trang hiện đại và tối tân qua hình ảnh Gôliát; bên còn lại là sức mạnh của Thần Minh được thể hiện qua sự nhỏ bé, yếu đuối của con người qua hình ảnh cậu bé Đavít.  Sức mạnh của Thần Minh thì tiềm tàng ở bên trong chứ không ở những gì mà con người nhìn thấy, sức mạnh ấy phải được nhìn dưới con mắt của đức tin, và nhờ đức tin thì sức mạnh ấy mới được thực hiện (x. 1 Sm 17,34-37).

Đavít nói với tên Gôliát: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao.  Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Israel mà mày thách thức” (1 Sm 17,45).  Đavít đã tuyên bố rõ ràng, cậu đến không phải là với sức mạnh của cậu hay của người Israel, nhưng đến với sức mạnh của một vị Thiên Chúa sống động đã chọn Israel là dân riêng Người.  Có thể nói những lời cậu vừa dõng dạc tuyên bố, đó là lời nói của một đức tin trọn vẹn, có thể lời đó không là gì với người Philitinh, và cũng chỉ như trò cười trước mặt Gôliát.  Thế nhưng, với Israel đó là chỗ cậy dựa vững chắc đối với họ, và qua đó Thiên Chúa cũng nhắc nhở cho dân về niềm tin, khi họ đang quên Đấng luôn đồng hành với họ và là Vua đích thực của họ.  Qua sự xuất hiện của Đavít, Thiên Chúa cho mọi người thấy rằng đây chính là cuộc chiến của Thiên Chúa để bảo vệ dân chứ không phải là của quân đội Israel (x. 1 Sm 17,47).

Cuộc chiến bắt đầu khi tên Gôliát mạnh mẽ xông lên tiến về phía Đavít, đây là lúc sức mạnh Thiên Chúa thể hiện, Đavít xông lên và dùng dây phóng ném chỉ một hòn đá nhỏ vào trán, khiến tên Gôliát ngã sấp mặt xuống đất ngay lập tức.  Sau đó, Đavít đã dùng chính gươm của hắn, mà chặt đầu hắn mang về Giêrusalem như cậu đã tuyên bố trước quân đội hai bên (x. 1 Sm 17,48-51).  Đavít đã làm những gì theo ý Chúa và đã thành công.  Vũ khí thô sơ như đồ chơi của trẻ em đó, Thiên Chúa đã dùng để cho sức mạnh của Người được thể hiện, sức mạnh của hòn đá và hướng đi của hòn đá hoàn toàn xuất phát từ Thiên Chúa, chứ không phải là Đavít.

Có thể nói ý Chúa thật nhiệm mầu, bởi Người đâu cần phải dùng đến Đavít, mà chỉ cần phán một lời thì cả Gôliát và quân Philitinh sẽ không còn trên mặt đất.  Thế nhưng, qua Đavít Thiên Chúa muốn nói với dân người cách riêng và toàn thể chư dân nói chung đó là, “những gì mà con người cho là mạnh mẽ thì đối với Chúa chẳng có là gì, và những gì mà con người cho là yếu đuối thì trước mặt Chúa đó quả là mạnh mẽ, khi con người biết đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa” (1 Cr 1,26-30).  Kết quả, quân Philitinh đã tan tác như ong vỡ tổ và dân Israel được an toàn (x. 1 Sm 17,51).

Qua cuộc chiến tay đôi giữa Đavít và tên Gôliát, cho chúng ta có được một cảm nghiệm về đời sống đức tin ngay giữa lòng thế giới hôm nay.  Trước hết, hình ảnh về một Đavít thật yếu ớt và nhỏ bé trước mắt Gôliát cao to khỏe mạnh, như là hình ảnh của một dân Israel giữa muôn dân trên mặt đất, như là hình ảnh của Giáo Hội ngày nay đang trong hành trình tiến về quê trời giữa biết bao nhiêu là sóng gió và thử thách.  Còn Gôliát là một hình ảnh của các thế lực thù địch xung quanh như các học thuyết sai lạc, trào lưu xã hội bài trừ tôn giáo, bách hại…  Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi hãy trung thành và can đảm trong đức tin qua Giáo Hội, vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Cách đặc biệt hơn khi nhìn vào chính con người của mỗi chúng ta, để thấy được cuộc chiến đấu giữa một Đavít và Gôliát vẫn diễn ra thường ngày trong con người của mình, giữa những chọn lựa, nhất là trong hành trình đức tin, như cảm nghiệm của Thánh Phaolô: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).  Hình ảnh Đavít, tượng trưng cho con người chúng ta thật yếu đuối và mỏng manh giống như một “ngọn gió thoảng qua.”  Còn Gôliát cao to, khỏe mạnh tượng trưng các thế lực xấu vẫn hằng ngày tìm cách để cám dỗ và loại bỏ chúng ta, hầu làm cho chúng ta xa dần tình yêu của Thiên Chúa (x. 1 Pr 5,8).  Chính vì thế, chúng ta dù yếu đuối và mỏng manh, chúng ta cũng luôn phải chiến đấu và chiến đấu tới cùng để không bị các thế lực sự dữ thống trị chúng ta (x. 1 Pr 5,9).

Thế nhưng, để có thể chiến thắng được quân thù, tự sức chúng ta không thể, vì quân thù rất mạnh và mưu mô; chúng ta chỉ có thể chiến thắng khi chúng ta có vũ khí trong tay đó là đức tin.  Nếu chúng ta dùng đức tin để chiến đấu, thì không phải chúng ta chiến đấu, mà chính Thiên Chúa sẽ chiến đấu thay cho chúng ta, giống như hình ảnh Đavít năm xưa trước Gôliát, và chắc chắn chúng ta sẽ dành được chiến thắng (x. Ep 6,10-14).

Thiên Chúa luôn gần gũi với con người, còn về phía chúng ta, chúng ta có để cho Thiên Chúa ở gần và ở trong ta hay không?  Chúng ta có giống như Đavít làm theo ý Chúa trong chương trình của Người hay không?  Mỗi người chúng ta hãy mở lòng mình để cho ý Chúa được thể hiện, chính những lúc đó, chúng ta sẽ có được cảm nghiệm như Thánh Phaolô, “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Chúng ta hãy sống theo sự hướng dẫn dưới con mắt đức tin, để có thể nhận ra được những dấu chỉ của Thiên Chúa trong cuộc sống và trong vũ trụ.  Trong cuộc sống, đứng trước những sự dữ, đau khổ, bất công… và nhất là sự chết, nếu có không có đức tin, chắc chắn chúng ta cảm thấy thất vọng và buông xuôi mọi thứ (x. Rm 4,21).  Chỉ có trong đức tin, chúng ta mới tìm ra được ý nghĩa và lời giải đáp cho bản thân, cũng như người thân trong những trường hợp tưởng như là ngõ cụt (x. Ga 20,29).  Hơn nữa, nhờ đức tin, chúng ta sẽ có sức để chiến đấu vượt qua thử thách chông gai trong cuộc sống, vì “chính Chúa gìn giữ bạn khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc” (Tv 90[91], 3).

Trong vũ trụ này, với những thay đổi theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, nhưng dù chúng ta phải đối diện với những thay đổi theo hướng nào đi nữa thì hãy xác tín rằng, Chúa chính là chủ của vũ trụ và Người đang hướng dẫn để đưa chúng đạt đến sự hoàn hảo.  Vì thế, dù là những điều nhỏ bé và tầm thường đang diễn ra trong vũ trụ thì cũng nằm trong ý định của Chúa.  Chính Chúa đang dùng những gì tầm thường ấy để thực hiện chương trình nhiệm mầu của Người.

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa sống động, Người đã, đang và tiếp tục yêu thương ta, bởi Người là tình yêu (x. 1 Ga 4,16).  Người là khởi đầu và cũng là cùng đích của cuộc sống chúng ta (x. Kh 22,13).  Vì thế, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa luôn ở ngay bên ta và trong ta để giúp ta, nếu ta biết dành chỗ cho người (x. Tv 90(91)).  Hãy tín thác và dâng lên cho Người tất cả những vui buồn và khó khăn, để Người ban ơn và giúp ta vượt qua như Đavít xưa.  Hãy can đảm và dựa vào ơn Chúa, loại bỏ trong chúng ta những gì là ích kỷ hẹp hòi, những gì là tự kiêu, tự phụ… để luôn ngoan ngoãn trong Chúa.  Hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa đang làm cho vũ trụ này đạt đến sự hoàn thiện qua sự cộng tác của mỗi người chúng ta.  Như thế, chúng ta sẽ luôn giữ được sự bình an trong cuộc sống, vì có Chúa luôn ở cùng.


John Phạm