mercredi 24 février 2021

Những gương mặt Việt Nam nổi bật trên văn đàn người Mỹ gốc Á

 

Ảnh minh họa : Ocean Vương đọc thơ tại sự kiện văn hóa 'La Milanesiana' tổ chức tại Milano, Ý. Ảnh tư liệu 4/07/2017.
Ảnh minh họa : Ocean Vương đọc thơ tại sự kiện văn hóa 'La Milanesiana' tổ chức tại Milano, Ý. Ảnh tư liệu 4/07/2017. AP - Luca Bruno
Trọng Nghĩa

Sau một thời gian dài chìm trong bóng tối, trong những năm gần đây, các tiểu thuyết gia gốc châu Á đã ngày càng được công chúng ở phương Tây biết đến nhiều hơn. Nổi bật trong số này là các nhà văn người Mỹ gốc Á, mà bản sắc đã được tôi luyện trong các trại viết văn hoặc trong thế giới thơ ca, lấy cảm hứng từ các tác giả người Mỹ gốc Phi. Và đặc biệt trong số các tác giả Mỹ đó, có không ít văn thi sĩ người Việt đã thành danh.

Hiện tượng này đã được nhật báo Pháp Le Monde ngày 05/02/2021 nêu lên trong một phóng sự điều tra mang tựa đề “Từ Ocean Vương đến Celeste Ng, qua Charles Yu, sức vươn lên của các nhà văn Mỹ gốc Á”.

Gương mặt tiêu biểu : Ocean Vương

Gương mặt tiêu biểu đầu tiên được Le Monde nêu bật là nhà văn kiêm thi sĩ Ocean Vương, tên tiếng Việt là Vương Quốc Vinh, sinh năm 1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua Mỹ định cư từ năm 1990.

Theo Le Monde, chỉ bằng một tác phẩm duy nhất - “On Earth We’re Briefly Gorgeous”, tạm dịch là “Trên Trái Đất này, chúng ta được một khoảnh khắc huy hoàng ngắn ngủi” - Ocean Vuong đã gây được tiếng vang mạnh mẽ. Ngay khi được phát hành lần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2019, cuốn tiểu thuyết đan xen những suy nghĩ về người Việt nhập cư, về sự đồng tính với những mô tả về nỗi cô đơn và giới trẻ ngày nay, đã được xếp vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times.

Bản dịch ra tiếng Pháp dưới tựa đề “Un bref instant de splendeur” (“Một khoảnh khắc huy hoàng ngắn ngủi”) vừa được nhà xuất bản Gallimard phát hành tại Pháp vào giữa tháng 1, đã gây được tiếng vang nhất định, một kỳ tích đối với một tiểu thuyết gia mới vào nghề.

Tuy nhiên, đo là một thành công mà nhiều nhà quan sát đã đoán trước được. Trước khi viết tiểu thuyết, Ocean Vương đã là một cái tên nổi tiếng trong giới yêu thơ Anh Ngữ: Vào năm 2017, anh đã nhận được giải thưởng T. S. Eliot cao quý của giới thi sĩ. Tên tuổi của anh được biết tới đến mức mà cuốn tiểu thuyết của anh, ngay từ trước khi ra mắt, đã được các nhà xuất bản tranh giành khốc liệt để rồi về tay nhà xuất bản Penguin Press (một công ty con của tập đoàn khổng lồ Penguin Random House).

Là người dễ thu hút quần chúng, rất năng nổ trên các mạng xã hội, Ocean Vương -theo Le Monde, quả là một hiện tượng văn học. Và, nếu căn cứ vào vô số những lời bình luận dưới những bài mà nhà văn đăng trên mạng Instagram, hoặc những ý kiến sôi nổi về tác phẩm Un bref instant de splendeur, Ocean Vương có thể được xem là một hình mẫu cho những người trẻ gốc châu Á.

Tiếng nói nhập cư trên văn đàn Bắc Mỹ

Đối với Le Monde, tương tự như Ocean Vương hay Charles Yu (Du Triều Khải), nhà văn gốc Đài Loan mà tiểu thuyết “Interior Chinatown” (tạm dịch là “Bên trong Phố Tàu”) đã được trao giải thưởng National Book Award vào tháng 11 năm 2020, ngày càng nhiều nhân vật thuộc cộng đồng châu Á xuất hiện trên văn đàn Bắc Mỹ.

Le Monde đã nhắc đến nào là nhà văn nữ Celeste Ng (Ngũ Ỷ Ty), có cha mẹ người Hồng Kông, tác giả của những chuyện kinh dị tâm lý - mà nổi tiếng nhất là truyện “Little Fires Everywhere” (được dịch ra tiếng Pháp với tựa đề La Saison des feux) nào là Ling Ma, nữ tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Hoa, đã được ca ngợi nhờ tiểu thuyết đầu tay mang tính tiên tri Severance (nhà xuất bản Mercure de France dịch ra tiếng Pháp dưới tựa Les Enfiévrés), bên cạnh một số người khác như nhà văn trẻ của RO Kwon gốc Hàn Quốc, hay nhà báo Jia Tolentino, có cha mẹ người Philippines.

Tất cả đều nhắc đến nhau, động viên nhau trên báo chí và mạng xã hội, và tự khẳng định mình trong tư cách là người thừa kế của những câu chuyện đặc biệt và thường bị lãng quên. Đó là câu chuyện của những người Việt Nam, Hàn Quốc hay Nhật Bản mang đậm dấu ấn của các cuộc chiến chống lại chàng khổng lồ Mỹ trong thế kỷ 20, hay của những lao động người Hoa từng ồ ạt đến Mỹ vào thế kỷ 19 để rồi sau đó bị gạt bỏ vào năm 1882 do Đạo Luật Loại Trừ Người Hoa - Chinese Exclusion Act - trước khi được chào đón trở lại vào nửa sau của thế kỷ 20. Đó cũng là câu chuyện của người Indonesia, Philippines, Ấn Độ…

Và, như thông lệ ở Mỹ, theo Le Monde, sự xuất hiện của những tiếng nói nhập cư này là kết quả của một quá trình lâu dài liên quan đến nỗ lực cá nhân, công việc của các hiệp hội hoặc tổ chức cộng đồng… Vào những năm 1960 và 1970, thuật ngữ “Người Mỹ gốc Á”, được mô phỏng theo cụm từ “Người Mỹ gốc Phi”, đã xuất hiện và ngay từ đầu, đã đi kèm với một phong trào văn học, thoạt đầu còn rất kín đáo, trước khi được “thể chế hóa” trong những đại học 2  thập kỷ sau, theo phân tích của Paul Nadal, giảng dạy văn học tại đại học Princeton.

Cathy Linh Che

Cathy Linh Che, một nhà thơ người Mỹ gốc Việt, giám đốc của Kundiman, một hiệp hội ở New York chuyên hỗ trợ các nhà văn Mỹ gốc Á, nhấn mạnh về tính cách đấu tranh của cách gọi “Người Mỹ gốc Á”, phản ánh việc “chấp nhận một bản sắc chính trị liên quan đến việc thách thức quyền tối thượng của người da trắng, sát cánh cùng với phong trào Black Power của người da đen và các phong trào phản chiến.”

Cathy Linh Che đến từ Los Angeles. Cô đã giành được giải thưởng thi ca Kundiman, Giải thưởng Norma Farber First Book của Hiệp Hội Thi Ca Mỹ và Giải thưởng Tập Thơ hay nhất của Hiệp hội Nghiên cứu người Mỹ gốc Á  cho tác phẩm Split.

Tiểu thuyết gia Việt Thanh Nguyễn

Theo Le Monde, hành trình của tiểu thuyết gia Việt Thanh Nguyễn, 49 tuổi, người đoạt giải Pulitzer năm 2016 với tác phẩm The Sympathizer, “Cảm tình viên” (được nhà xuất bản Belfond dịch ra tiếng Pháp dưới tựa đề Le Sympathisant) - minh họa cho sự đột phá của những tiếng nói mới trong giới nhà văn Mỹ gốc Á vào lãnh vực xuất bản.

"Tôi đã yêu sách từ khi còn rất trẻ", anh nói qua điện thoại từ Los Angeles, nơi anh sống và giảng dạy tại Đại học Nam California, nhưng mãi sau này, anh mới học tiếng Anh và "nghiên cứu dân tộc học" tại Berkeley.

Anh giải thích : "Lần đầu tiên được tiếp xúc với “chủ nghĩa đấu tranh”, đặc biệt là của người Mỹ gốc Châu Phi, tôi hiểu rằng tôi có thể dung hòa giữa khát khao văn học và khát vọng ngày càng tăng của tôi về công bằng chính trị và xã hội, đồng thời nói về gia đình và kinh nghiệm tị nạn của tôi trong công việc của tôi. "

Vì vậy, viết lách trở thành một cách để Việt Thanh Nguyễn "thực thi công lý cho lịch sử của những người tị nạn và dân tộc Việt Nam", điều mà ông đã làm trong Le Sympathisant. Nhưng nếu cuốn sách, xuất bản năm 2015, bán được một triệu bản trên toàn thế giới (trong đó có 700.000 bản ở Hoa Kỳ) và ngày nay được coi là tác phẩm kinh điển đương đại, điều đã khiến tác giả trở thành một nhân vật của giới trí thức Mỹ, thì cuộc chiến còn lâu mới thắng.

Dẫu sao thì theo Le Monde, trong bối cảnh các tác giả người Mỹ gốc Á đã được biết đến đều đặn trong bốn mươi năm ở thế giới Anh – Mỹ, giáo sư Paul Nadal đánh giá là Việt Thanh Nguyễn đã chiếm một vị trí đặc biệt: "Cuốn tiểu thuyết của ông đã đưa văn học châu Á vào dòng chính".

K.Hạnh chuyển

mardi 23 février 2021

BA CÁI THIẾU KINH NIÊN CỦA NGƯỜI GIÀ⁩

 BA CÁI THIẾU KINH NIÊN CỦA NGƯỜI GIÀ⁩

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Ngày 13/12/2020
Tu là phải tập, học là phải hành. Đừng share facebook rồi chẳng làm gì cả. Phải sống thích nghi trong những năm bình thường mới và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Đây là giai đoạn bắt đầu nở rộ sinh hoạt nhóm, cộng đồng trong thế giới phẳng.
 Chính quyền chỉ tồn tại để duy trì an ninh, trật tự. Con người chỉ phải lo kiếm cơm để sống và 50% còn lại sẽ sống trong thế giới ảo.

Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh lão bệnh tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được.

Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không ngờ nhanh vậy!

Thực tế con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình sướng thì không khéo người ta nghi ngờ là có vấn đề về tâm thần!

Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết đựơc sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:

* MỘT LÀ THIẾU BẠN!

Empty
Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình!.

Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!

Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen.

Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thỏang tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, đựơc hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khóai, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandoster one), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!…

Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nắn tượng… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm văn nghệ!

* CÁI THIẾU THỨ HAI LÀ THIẾU ĂN!

Thực vậy. Ăn không phải là tọng là nuốt là xực là ngấu nghiến… cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt!

Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử.

“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao. Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau… Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là đựơc. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ!

Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn.. Con cháu hiếu thảo phải biết… giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.

* CÁI THIẾU THỨ BA LÀ THIẾU VẬN ĐỘNG!

Empty
Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, dòn tan, dễ vỡ, dễ gãy!

Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trong bốn bức tường trước TV!. Có một nguyên tắc “Use it or lose it!” Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!

Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi.. Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi… chịu hổng nổi là được!

Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh…! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…

Tóm lại, giải quyết được “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng!

ĐỖ HỒNG NGỌC

THẺ CĂN CƯỚC TÂM LINH

 THẺ CĂN CƯỚC TÂM LINH

 Trong cuộc sống đời thường, ai cũng có giấy tờ tùy thân, đơn giản nhất là giấy khai sinh để biết “tông tích” của một con người.  Khi đến tuổi trưởng thành, người ta có thêm nhiều loại giấy tờ khác, cơ bản nhất là Thẻ Căn Cước.  Còn về tâm linh, chúng ta cũng có vài thứ giấy tờ khác, nhưng chúng ta có Thẻ Căn Cước tâm linh hay không?  Có.  Cũng tương tự đặc điểm riêng để nhận dạng ghi trên thẻ căn cước xã hội, đặc điểm nhận dạng riêng về tâm linh cũng khác nhau ở mỗi người.

 

Chúa Giêsu đã căn dặn chúng ta phải “hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48), học Ngài về “lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29).  Chúa Giêsu nói chúng ta phải “coi chừng các ngôn sứ giả đội lốt chiên” (Mt 7:15) và “cứ xem quả thì biết cây” (Mt 7:16-20).  Vâng, rất rõ ràng, không cần nói nhiều, không cần biện minh hoặc phân bua chi ráo trọi!

 

Đây là 10 đặc điểm riêng để nhận dạng một Kitô hữu đích thực, và được “ghi” trong Thẻ Căn Cước tâm linh:

 

1. ĐƯỢC TẠO NÊN – “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa.  Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1:27).

 

2. KIỆT TÁC CỦA CHÚA – “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2:10).

 

3. ĐƯỢC TUYỂN CHỌN – “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2:9).

 

4. TIN VÀO ĐỨC KITÔ – “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.  Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:11-12).

 

5. NÊN CON NGƯỜI MỚI – “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4:22-24).

 

6. KHÔNG BỊ KẾT ÁN – “Những ai ở trong Đức Kitô Giêsu thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8:1).

 

7. CÔNG DÂN NƯỚC TRỜI – “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3:20).

 

8. ĐƯỢC CÔNG CHÍNH HÓA – “Khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.  Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 5:1-2).

 

9. ĐƯỢC LINH HỨNG – “Khi người ta nộp anh em thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì.  Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10:19-20).

 

10. KHÔNG XÉT ĐOÁN – “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mt 7:1-2; Lc 6:37-38).

 

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết sống đúng với những “đặc điểm” mà Ngài đã ghi trên Thẻ Căn Cước Tâm Linh của chúng con.  Đó là chúng con tuyên xưng Danh Thánh Ngài và vâng lời Đức Kitô loan báo Tin Mừng để Nước Cha trị đến.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 

Trầm Thiên Thu

 

 

CĂN CƯỚC nước trời

10 THÓI QUEN SẠC PIN SAI !!! Làm chai pin điện thoại nhanh chóng

samedi 20 février 2021

Ông ‘Mattress Mack,’ người mở rộng vòng tay đón hàng ngàn dân Houston tránh rét

Ông ‘Mattress Mack,’ người mở rộng vòng tay đón hàng ngàn dân Houston tránh rét
 

Giữa lúc có hàng triệu người dân Texas vào hoàn cảnh khốn khổ của thiên tai, khiến hai cửa hàng nội thất của ông “Mattress Mack,” một doanh nhân ở Houston, trở thành nơi trú ẩn cho hàng trăm người cần giúp đỡ trong trận bão tuyết lịch sử chưa từng có trong 150 năm qua dẫn đến tình trạng mất điện, nhiệt độ xuống âm độ C, băng giá, đẩy hàng triệu người dân Texas vào hoàn cảnh khốn khổ của thiên tai.

“Showroom” hơn 100 ngàn sq ft trở thành phòng ăn, phòng ngủ

Cửa hàng nội thất Gallery Furniture nằm ở North Freeway, vào sáng Thứ Năm, 18 Tháng Hai, rất đông “khách” vô ra. Nhưng đặc biệt, đây không phải là khách đến để mua nội thất. Họ là những người người vô gia cư, không may mắn đủ ấm trong trận bão mùa Đông lịch sử của Texas. Cái lạnh dưới âm độ C làm cho “căn nhà” của họ dưới chân cầu, hay công viên nào đó, không còn an toàn nữa. Do đó, họ đến Gallery Furniture, nơi đang mở rộng cửa đón họ vào trú ẩn. Tại đây, không những họ có nơi ngủ đàng hoàng, ấm áp, mà thức ăn, nước uống cũng được chuẩn bị đầy đủ.



Ông James Franklin McIngvale, được mọi người gọi với tên thân mật là ông “Mattress Mack.” (Hình: Cát Linh)

Nếu những ai từng chứng kiến thảm họa của cơn bão Harvey đổ vào Texas năm 2017, sẽ nhớ đến một người đàn ông, chủ doanh nghiệp Gallery Furniture. Năm đó, ông cũng từng mở rộng cửa để đón những người gặp nạn mất nhà vì bão lụt. Ông là James Franklin McIngvale – được mọi người gọi với tên thân mật là ông “Mattress Mack.” Bây giờ, một lần nữa, ông và cửa hàng Gallery Furniture lại mở rộng cửa đón người cơ nhỡ, trú ẩn qua trận bão tuyết lịch sử.

Nhìn từ xa, Gallery Furniture không khác gì một công xưởng lớn. Khoảng chục nhà vệ sinh di động được đặt ngoài sân. Chúng tôi đoán là để phục vụ cho số lượng người đến trú ẩn qua đêm quá đông, vì nhà vệ sinh trong cửa tiệm không thể đáp ứng hết.

Đẩy cửa vào, bên trong là một không gian rộng lớn, được trang trí đẹp mắt với băng rôn nhiều màu và những quả bong bóng. Tất cả mọi người ở đây đều mang khẩu trang và giữ đúng khoảng cách cần thiết. Hay nhất là thái độ chào hỏi ân cần, lịch sự của nhân viên dành cho những người đến để lấy phần ăn hoặc nước uống.


Ông Kenny Nguyễn, nhân viên Gallery Furniture. (Hình: Cát Linh)

Một người đàn ông cao, gầy, tóc bạc trắng bước đến. Do tìm hiểu trước, nên chúng tôi biết trước mặt chúng tôi là “Mattress Mack” – ân nhân của hàng ngàn người cần giúp đỡ trong lúc này. Ông Mack nói hôm Thứ Hai, khi tuyết đổ xuống Houston, làm mất điện, nhiệt độ xuống thấp đến mức đông đá, thời tiết rất tệ hại.

“Chúng tôi chuẩn bị máy phát điện, dự tính mang mọi người đến đây vào đêm Thứ Hai, nhưng lúc đó giao thông quá nguy hiểm, nên thị trưởng chỉ đồng ý cho chúng tôi thực hiện vào ngày Thứ Ba. Gallery Furniture dùng nơi này làm ‘warming shelter’ – nơi để mọi người có thể có thức ăn nóng và ngủ qua đêm,” ông Mack nói với phóng viên nhật báo Người Việt.

Trong suốt ngày Thứ Ba, Thứ Tư, mỗi ngày có khoảng 1,000 người đến để tránh rét và nhận thức ăn nóng. Riêng mỗi tối, có khoảng 300 người ngủ lại vì thời tiết bên ngoài lạnh băng.

“Đây là cơ hội để chúng tôi trả ơn lại cho cộng đồng, xã hội đã cho (chúng) tôi rất nhiều,” ông Mack nói.


Một người vô gia cư ngồi ăn trong Gallery Furniture. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Lúc này vẫn là thời điểm khó khăn và nguy hiểm của đại dịch COVID-19. Để cưu mang hàng ngàn, hàng trăm, người vô gia cư trong chính doanh nghiệp của mình, nơi kinh doanh giường, nệm, đồ nội thất, thì có lẽ Gallery Furniture phải đối diện với một sự chuẩn bị và có lực lượng nhân viên vô cùng lớn? Nở nụ cười rất tươi, có vẻ như không có gì là khó khăn với điều đó, ông Mattress Mack chỉ vào chiếc khẩu trang, và nói: “Tất cả mọi người phải mang khẩu trang, trừ tôi vì tôi đang trả lời phỏng vấn trước ống kính. Tôi bắt buộc tất cả mọi người khi vào đây phải rửa tay bằng nước diệt khuẩn, mang khẩu trang, và giữ khoảng cách 6 foot.”

Nếu có chiếc khẩu trang, chúng tôi sẽ không thấy được nụ cười thật hiền của người đàn ông 70 tuổi.

Mỗi đêm, ông Mark đi kiểm tra những “vị khách” ngủ lại qua đêm. Ông muốn bảo đảm mỗi gia đình trong cửa hàng rộng lớn này phải cách nhau 20 hoặc 30 foot. Với những biện pháp phòng ngừa COVID-19 được thực hiện, ông tin rằng mọi người sẽ tránh bị lây nhiễm ở mức cao nhất.

“Chúng tôi học ở ông Mack lòng nhân đạo”

Có những sự việc cứ ngỡ tình cờ lại là hữu duyên. Tại đây, chúng tôi gặp anh Kenny Nguyễn, người gốc Việt duy nhất làm việc cho Gallery Furniture, là một ví dụ.


Ông “Mattress Mack” tâm lý thuê cả đôi chuột Mickey Mouse đến để tạo niềm vui cho trẻ em. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Kể lại câu chuyện 21 năm trước, anh Kenny nói: “Cuối năm 1999, tôi và bà xã đến Gallery Furniture mua đồ nội thất. Khi đó gặp ông Mark, rồi có duyên hay sao, tôi được nhận vào đây làm đến bây giờ. Ông ất là một người Công Giáo rất tốt. Người nào cần giúp là ông giúp hết. Texas bị lụt, bị hạn hán, hay bất cứ cái gì, ông đều giúp, không phân biệt gì cả.”

Nói về những gì anh học được ở ông “Mattress Mack,” ngoài tài kinh doanh, anh Kenny nói ngay, đó là lòng nhân đạo. Để cưu mang hàng trăm, hàng ngàn, người ngay trong doanh nghiệp với những sản phẩm có giá trị, thì sự hư hại và tổn thất là điều khó tránh. Tuy nhiên, anh Kenny cho biết, ông Mack không “đặt nặng vấn đề đó.”

“Khi ông ấy quyết định giúp đỡ bằng cách này thì ông ấy đã dự trù trước và chấp nhận những tổn thất đó. Chúng tôi học được ở ông ấy lòng nhân đạo. Ai cũng như ai, khi người ta cần giúp thì mình không thể quay lưng đi,” anh Kenny nói.

Anh Alan Baker, người đến “tá túc” ở Gallery Furniture một ngày trước, nay trở thành tình nguyện viên giúp đỡ lại những người đồng cảnh ngộ, đặc biệt là giúp cho một nơi đã giúp mình, nói với giọng xúc động: “Đây là một môi trường ấm áp dù ngoài kia thời tiết khắc nghiệt. Chúng tôi cố gắng biến thảm hoạ này thành năng lượng tích cực.”


Bàn ghế đáng giá cả ngàn đô la trở lên được dùng làm bàn ăn cho người vô gia cư. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Càng vào sâu bên trong, cửa hàng nội thất 100,000 sq ft càng lộng lẫy. Hoàn toàn không thể tin đây là một “warming shelter.” Những bộ bàn ghế có giá trị cả ngàn đô la trở lên được dùng làm bàn ăn cho những người vô gia cư. Bàn thì có cả gia đình ngồi ăn, vui đùa với nhau. Bàn thì chỉ có một người cắm cúi với phần ăn của mình.

Trẻ con mặc nhiên vui đùa ở một nơi đúng nghĩa là thiên đường với các em. Có kẹo, bánh ngon, có bút vẽ đủ màu để không buồn chán. Lũ trẻ còn được ông “Mattress Mack” tâm lý thuê cả đôi chuột Mickey Mouse đến để mua vui. Ăn món chính xong rồi, những “vị khách” này còn được cả những phần bánh tráng miệng.

Bà Sugar Trask, một người vô gia cư đến “cư ngụ” tại Harris County, Houston, vào năm 1991, tay cầm phần ăn của mình, nói: “Ông Mack luôn ở đây khi mọi người cần, và điều này là vượt quá giới hạn của một tấm lòng tốt. Đây là hành động vì sự vui buồn của con người, những người không có cuộc sống đúng nghĩa, những người sống trên vệ đường, dưới chân cầu. Ông ấy cho phép họ đến đây, cho họ thức ăn, chỗ ngủ. Họ được phép mang cả trẻ em vào.”


Ăn xong còn được tráng miệng nữa. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Bà cho rằng, đây là thảm hoạ của chung tất cả mọi người, nhưng ông Mack đã dành thời gian của mình và nhân viên của mình để cứu giúp mọi người.

“Ông ấy đang trả ơn cho những gì mà Texas và cộng đồng ưu ái cho ông. Không chỉ riêng ông mà nhân viên, những tình nguyện viên, đều rất tuyệt vời,” bà Trask nói.

Đúng như lời bà Trask nói, “đây là thảm hoạ chung cho mọi người.”

Trong thảm họa này, ông Mack đã nhìn thấy, còn rất nhiều người cần sự giúp đỡ. Đối với ông, lúc này, không phải lúc tìm xem “lỗi của ai.”

Ông nói: “Họ rất lạnh. Họ là những người khốn khổ. Cho nên, tôi không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Tôi không cần hỏi về trách nhiệm. Tôi cần mang đến cho thế giới này một nơi tốt đẹp hơn. Chúng ta đang làm những gì tốt nhất để giúp cộng đồng mà không hỏi lỗi của ai, cũng không cần chỉ cho họ thấy rằng chúng tôi đang làm cho thế giới này tốt đẹp hơn.”

Lại nở một nụ cười thật rạng rỡ, ông Mack quay trở lại nơi làm việc.

Tiếng chuông điện thoại liên tục vang lên, và cánh cửa Gallery Furniture để liên tục đóng mở tiếp đón “những vị khách khốn khổ.” [đ.d.]

T. Phước chuyển

vendredi 19 février 2021

Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô




Trong sứ điệp Mùa Chay, thời gian chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu tái khám phá mối dây hiệp thông với người khác, đặc biệt là với người nghèo. "Lòng bác ái, nhờ sức năng động phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới. Bác ái không đơn thuần là tình cảm, nhưng là phương thế tốt nhất để khám phá những con đường phát triển hữu hiệu đối với mọi người.”

“Này chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18)
Mùa Chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu

Anh chị em thân mến,

Khi loan báo cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người để hoàn thành Thánh ý Cha, Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ ý nghĩa sâu sắc nhất về sứ mạng của Người và mời gọi họ chia sẻ sứ mạng này để cứu độ thế giới.

Trong hành trình Mùa Chay hướng về Phục Sinh, chúng ta hãy nhớ đến Đấng đã “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi đã bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phi 2,8). Trong suốt mùa sám hối này, chúng ta hãy làm mới lại đức tin của chúng ta, kín múc “nước hằng sống” của niềm hy vọng, và mở lòng đón nhận tình yêu Chúa là Đấng đã làm cho chúng ta trở nên anh chị em trong Chúa Kitô. Vào đêm Canh thức Vượt qua, chúng ta sẽ làm mới lại lời hứa của Bí tích Rửa tội để được tái sinh nên những con người mới nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Hành trình Mùa Chay này, cũng như toàn bộ cuộc lữ hành của đời Kitô hữu, ngay lúc này được chiếu soi nhờ ánh sáng phục sinh, trở nên nguồn cảm hứng cho những suy nghĩ, thái độ và quyết định của các môn đệ Chúa Kitô.

Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6, 1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái tích cực.

1. Đức tin mời gọi chúng ta chấp nhận sự thật và làm chứng cho sự thật trước Thiên Chúa và trước toàn thể anh chị em mình.

Trong Mùa Chay này, chấp nhận và sống sự thật được mặc khải trong Chúa Kitô, trước hết là mở rộng tâm hồn trước Lời Chúa mà Giáo hội đã trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sự thật này không phải là loại khái niệm trừu tượng dành riêng cho một số người thông thái được tuyển chọn, nhưng là một sứ điệp mà tất cả chúng ta có thể nhận lãnh và hiểu biết nhờ vào sự khôn ngoan của một tâm hồn biết mở rộng trước sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nhận thức về điều này. Sự thật này là chính Chúa Kitô. Bằng cách mang lấy thân phận con người của chúng ta, ngay cả trong những giới hạn của nó, Người đã làm cho chính mình trở nên con đường dẫn đến sự sống viên mãn. Đây là con đường tuy đòi hỏi nhưng mở ra cho tất cả mọi người.

Được kinh nghiệm như một hình thức tự hủy, việc ăn chay sẽ giúp cho những ai thực hành với tâm hồn đơn sơ tái khám phá ân huệ của Thiên Chúa và nhận ra rằng sự thành toàn của mình là ở nơi Thiên Chúa bởi lẽ con người được dựng nên theo hình ảnh và giống với Người. Cùng với kinh nghiệm về sự khó nghèo, người ăn chay làm cho chính mình trở nên nghèo với người nghèo và tích lũy kho báu của tình yêu vừa đón nhận vừa chia sẻ. Được hiểu và thực hành như thế, ăn chay giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, vì yêu mến, như Thánh Tôma Aquinô dạy, là một chuyển động hướng ngoại tập chú vào người khác và xem họ như một với chính mình (x. Fratelli Tutti, 93).

Mùa Chay là thời gian để tin tưởng, nghĩa là để đón tiếp Thiên Chúa vào cuộc đời chúng ta và ưng thuận để Người “ở lại” với chúng ta (x. Ga 14, 23). Ăn chay giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì xâm chiếm cuộc đời chúng ta, như khỏi chủ nghĩa tiêu thụ và thừa mứa thông tin (cả thông tin thật lẫn thông tin giả), để mở lòng ra với Đấng đến với chúng ta, Người nghèo khó trong mọi sự nhưng “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14): Người là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta.

2. Niềm hy vọng như “nước hằng sống” cho phép chúng ta tiếp tục hành trình

Người phụ nữ Samari mà Chúa Giêsu xin nước uống bên giếng đã không hiểu khi Chúa Giêsu nói rằng Người có thể cho bà “nước hằng sống” (Ga 4,10). Một cách tự nhiên, bà nghĩ rằng Người đề cập đến nước vật chất, nhưng Chúa Giêsu có ý nói về Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người sẽ ban dồi dào qua mầu nhiệm Vượt qua, Đấng tuôn đổ trên chúng ta niềm hy vọng không gây thất vọng. Khi loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa Giêsu đã nói về niềm hy vọng này: “ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,19). Chúa Giêsu đang nói về một tương lai rộng mở nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Hy vọng với Người và vì Người có nghĩa là tin tưởng rằng lịch sử không chấm dứt với những lầm lỗi của chúng ta, với những bạo lực và bất công của chúng ta, hay với tội ác đã đóng đinh Đấng là Tình Yêu. Niềm hy vọng đó cũng có nghĩa là đón nhận từ trái tim rộng mở của Người ơn tha thứ của Thiên Chúa Cha.

Trong hoàn cảnh lo âu hiện nay, khi mọi việc có vẻ mong manh và bấp bênh, thì việc nói về niềm hy vọng dường như là một thách đố. Nhưng Mùa Chay chắc chắn là mùa hy vọng, khi chúng ta quay trở lại với Thiên Chúa là Đấng vẫn tiếp tục nhẫn nại để chăm sóc thụ tạo của Người, đang khi chúng ta lại thường ngược đãi (x. TĐ. Laudato si’, 32-33; 43-44). Thánh Phaolô thúc giục chúng ta đặt niềm hy vọng nơi việc hòa giải: “Hãy giao hòa với Thiên Chúa” (2Cor 5,20). Bằng cách đón nhận ơn tha thứ trong bí tích vốn là trọng tâm quá trình hoán cải của chúng ta, đến lượt mình, chúng ta có thể lan truyền ơn tha thứ cho người khác. Một khi bản thân đã nhận được ơn tha thứ, chúng ta có thể trao tặng nó qua việc sẵn sàng đi vào cuộc trò chuyện ân cần với người khác và an ủi những người đang trải qua nỗi buồn đau. Ơn tha thứ của Thiên Chúa, cũng được trao ban qua lời nói và hành động của chúng ta, có thể giúp chúng ta trải nghiệm ngày Phục sinh của tình huynh đệ.

Trong Mùa Chay, ước mong chúng ta chú ý hơn để “nói những lời tích cực để vỗ về, trợ lực, an ủi và khích lệ chứ không nói những lời miệt thị, bi quan, khích bác hoặc chê bai” (Fratelli Tutti, 223). Đôi khi để trao tặng niềm hy vọng, chỉ cần là một người tử tế, “sẵn sàng bỏ qua những bận tâm và việc cần làm ngay của mình để lưu tâm đến người khác, để trao tặng một nụ cười, để nói một lời động viên, để lắng nghe giữa một nơi chốn đầy vẻ dửng dưng (nt., 224).

Qua việc tĩnh tâm và thinh lặng cầu nguyện, chúng ta được ban cho có niềm hy vọng như sự cảm hứng và ánh sáng nội tâm, soi sáng những thử thách và những chọn lựa trong sứ vụ của mình. Vì thế, tĩnh tâm cốt yếu là để cầu nguyện (x. Mt 6,6) và để gặp gỡ, trong nơi kín ẩn, Thiên Chúa Cha đầy nhân ái dịu dàng.

Sống Mùa Chay trong niềm hy vọng có nghĩa là ý thức rằng, trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta là những chứng nhân của thời đại mới, nơi mà Thiên Chúa “đổi mới mọi sự” (x. Kh 21,5). Nghĩa là đón nhận niềm hy vọng của Chúa Kitô, Đấng đã trao ban sự sống của Người trên thánh giá và được Thiên Chúa cho trỗi dậy vào ngày thứ ba, đồng thời “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3, 15).

3. Theo bước Chúa Kitô, trong việc quan tâm và động lòng thương mọi người, tình yêu là biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta.

Tình yêu vui mừng khi thấy người khác lớn lên. Vì vậy nó đau khổ khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị khinh thường hoặc thiếu thốn. Tình yêu là bước nhảy vọt của con tim, đưa chúng ta ra khỏi chính mình và tạo nên mối liên kết chia sẻ và hiệp thông.

“Tình yêu thương mang tính xã hội giúp chúng ta có khả năng tiến tới nền văn minh tình yêu, mà mọi người chúng ta đều cảm nhận mình được kêu gọi đến. Lòng bác ái, nhờ sức năng động phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới. Bác ái không đơn thuần là tình cảm, nhưng là phương thế tốt nhất để khám phá những con đường phát triển hữu hiệu đối với mọi người” (Fratelli Tutti, 183).

Tình yêu là món quà mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta. Nó làm cho chúng ta nhìn những người thiếu thốn như những thành viên trong gia đình mình, như bạn hữu, như anh chị em. Một số lượng ít ỏi, nếu được trao ban bằng tình yêu, sẽ không bao giờ cạn nhưng trở nên nguồn sống và hạnh phúc. Như trường hợp bình dầu và hũ bột của bà góa thành Xarépta, người đã tặng chiếc bánh cho tiên tri Êlia (x. 1V 17,7-16); đó cũng là trường hợp những chiếc bánh được Chúa Giêsu chúc lành, bẻ ra rồi trao cho các môn đệ để phân phát cho đám đông (x. Mc 6,30-44). Cũng xảy ra như thế qua những chia sẻ dù ít hay nhiều của chúng ta, khi được trao tặng với niềm vui và sự đơn thành.

Sống Mùa Chay với tình yêu nghĩa là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tương lai vô cùng bất ổn, hãy ghi nhớ lời Chúa nói với tôi tớ Người: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con.

“Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hòa nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187).

Anh chị em thân mến! Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta.

Nguyện xin Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế và cũng là Mẹ các tín hữu, đứng dưới chân thánh giá và ở trong lòng Giáo Hội, nâng đỡ chúng ta bằng sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ. Nguyện xin phúc lành của Chúa Phục Sinh đồng hành với chúng ta trong hành trình hướng về ánh sáng Phục Sinh..

Đức Thánh Cha Phanxicô

jeudi 18 février 2021

BẠN ĂN CHAY TRONG MÙA NÀY NHƯ THẾ NÀO ?

 



Bài giảng hay cùa cha Khảm vào Lễ Tro 17-02-2021

THĂM LẠi QUÊ HƯƠNG qua YOUTUBE

TRỞ VỀ VỚI BẢN THÂN – VỚI CHÚA – VỚI THA NHÂN

TRỞ VỀ VỚI BẢN THÂN – VỚI CHÚA – VỚI THA NHÂN



Mùa Chay đã về. Sắc tím của phẩm phục phụng vụ, cung điệu của các bài thánh ca cũng như các lời kinh cầu nguyện tạo cho ta một cảm giác trầm buồn, sâu lắng. Trong nghi lễ khai mạc Mùa Chay, khi khiêm tốn đón nhận một chút tro bụi trên đầu, lời thánh ca gọi ta về với thực tại của thân phận con người:

“Hỡi người hãy nhớ, mình là bụi tro,
Một mai người sẽ trở về bụi tro.”

Nhữnng bài thánh ca cùng chung một tâm trạng, vừa thống thiết than van vừa quyết tâm mãnh liệt: 

Con nay trở về, trở về cùng Chúa Chúa ơi!

Sự trở về dựa trên lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa: Ngài là Thiên Chúa, rất nhân hậu và hay tha thứ.

Khi nhìn lên thánh giá, chúng ta tưởng niệm một sự kiện lịch sử đã xảy ra cách đây hai ngàn năm, qua lời kinh cầu nguyện thống thiết:

- Chúa Giêsu chịu các quan lấy hết áo chia nhau

- Chúa Giêsu còn trên thánh giá chịu thiên hạ nhạo cười (Kinh cầu Chịu nạn).

Cảm nhận thân phận tội lỗi, con người thấy cần được ơn thứ tha. Mùa Chay là mùa sám hối, là mùa trở về để được sống trong tình thân nghĩa với Chúa và với anh chị em mình.

Khi phạm tội, con người hối hận và dằn vặt khôn nguôi, vì tội không chỉ là xúc phạm đến đồng loại mà còn xúc phạm đến Chúa. Người phạm tội chạy trốn chính bản thân mình, đi đâu cũng không thể tìm được nơi ẩn nấp. Tội ác luôn bám sát và ám ảnh tội nhân. Chỉ có tâm tình sám hối và khiêm nhường xưng thú tội lỗi qua bí tích Hòa giải mới có thể đem lại cho họ sự thanh thản, bình an. Cùng với vua Đavít trong Thánh vịnh 50, chúng ta thú tội với Chúa qua lời kinh sám hối đẫm lệ, được thốt lên với tâm trạng hối hận day dứt:

“Vâng, con biết tội mình đã phạm,
Lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
Dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 50, 5-6).

Những tâm tình được trải nghiệm trên đây giúp chúng ta trở về với Chúa. Tuy vậy, trước khi trở về với Chúa, chúng ta cần phải hồi tâm cảnh tỉnh, phải trở về với chính mình, nhìn nhận thân phận con người còn vương nhiều lầm lỗi cần được thương xót thứ tha. Trong cuộc sống bon chen quay cuồng, con người có nguy cơ quên mất chính bản thân, thậm chí đánh mất chính mình. Vì không ý thức mình là ai nên người ta dễ kiêu ngạo. Vì cho mình là chuẩn mực nên người ta dễ phủ nhận và loại trừ người khác. Trở về với chính mình để xem xét lại hành vi cử chỉ đã làm, để canh tân sửa đổi, nên con người tốt hơn. Trở về với chính mình còn là việc nhận ra những điểm tốt nơi anh chị em, cảm thông những khiếm khuyết của họ, xây tình liên đới để nâng đỡ và bổ túc cho nhau. Chỉ sau khi đã hồi tâm cảnh tỉnh, chúng ta mới có thể trở về với Chúa, tôn nhận Ngài là chủ đích của đời sống chúng ta và chuyên tâm tuân giữ lời Ngài dạy. Thiên Chúa như người Cha luôn chờ đợi chúng ta trở về.

Một điều kiện căn bản để chứng minh chúng ta có lòng sám hối thật, đó là chúng ta trở về với anh chị em mình. Trở về để nhận ra những người xung quanh là anh chị em con cùng một Cha trên trời, là khiêm tốn nhìn nhận nhiều lần mình đã làm tổn thương họ. Sám hối ăn năn mà không làm hòa với đồng loại, thì chỉ là sám hối giả tạo bề ngoài. Kêu van: Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà không thực thi lời Ngài dạy, thì chỉ là những tiếng kêu suông mà thôi. Mùa Chay như điểm dừng của người lữ khách để nhìn lại quãng đường đã đi. Mùa Chay còn là cơ hội để rũ bỏ mọi lỗi lầm bất xứng. Lòng sám hối giúp ta lấy lại nghị lực và niềm tin để tiếp bước lên đường trong sự thanh thản và bình an.

Nghi thức khai mạc Mùa Chay là lời kêu gọi sám hối trở về. Qua nghi thức lãnh nhận tro trên đầu, chúng ta cảm nhận nguồn cội của mình. Qua việc tưởng niệm Chúa chịu chết, chúng ta tuyên xưng tình Chúa yêu thương. Những thực hành truyền thống trong Mùa Chay như ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ, phải hướng chúng ta đến canh tân hối cải, nếu không, sẽ giống như diễn kịch hay trò chơi giải trí hay những hình thức giả tạo bề ngoài (x. Tin Mừng Lễ Tro).

Như người con thứ hoang đàng nhận ra mình lầm lỗi, chúng ta hãy xin Chúa thương tha thứ và ban cho chúng ta niềm vui được sống trong tình Chúa và tình người.

Con người là sa ngã, nhưng thiên thần thì chỗi dậy (Thánh Mary Euphrasia Pelletier)

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

T.Anh chuyển


















mercredi 17 février 2021

Chế Biến Gừng Làm Tăng 20 Lần Tốt Hơn Cho Sức Khỏe Theo Tiến Sĩ Nhật



Cách chế biến gừng của Tiến sĩ Nina sau khi xuất bản đã trở thành cuốn sách bán chạy ở Nhật nhờ cách chế biến giúp gừng phát huy tác dụng lên tới 20 lần so với nấu thông thường.

Chúng ta đều biết gừng là một trong những loại gia vị tốt nhất trong căn bếp của mỗi gia đình đối với sức khỏe, nhưng cách chế biến gừng thế nào để nhận được những lợi ích tốt nhất cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Đa số chúng ta sử dụng gừng tươi chế biến trực tiếp vào các món ăn, hoặc sẽ phơi khô nghiền thành bột để pha chế hay làm thuốc. Trong bài viết này, Tiến sĩ Nina Ishihara sẽ hướng dẫn bạn cách chế biến gừng đơn giản nhưng hiệu quả tăng gấp 20 lần.

Cuốn sách về cách chế biến gừng trở thành sách bán chạy

Theo giới thiệu của tiến sĩ y khoa Nhật Bản, giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Bình Liễu Yếu (Hirayanagi), gừng có thể cải thiện tình trạng bệnh bàn tay chân lạnh, tăng cường khả năng miễn dịch, giải độc, chống dị ứng và giảm cân. cuốn sách vừa mới xuất bản nửa năm đã bán được tới 80.000 bản có tên là “Cách hấp gừng tươi tốt cho sức khỏe” của tác giả Nina Ishihara đang rất nổi tiếng tại Nhật Bản.

Gừng chứa rất nhiều chất Plantigenic quý giá, trong đó có chất Gingerol có tác dụng làm ấm tứ chi, nâng cao khả năng trao đổi chất, đồng thời chất Shogaol có thể làm ấm toàn bộ cơ thể, một trong những yếu tố nguồn gốc của việc duy trì trạng thái sức khỏe tốt.

Tiến sĩ Nina Ishihara cho rằng, nếu hấp gừng, chất Gingerol có trong gừng sẽ chuyển hóa thành chất Shogaol, từ đó sẽ làm tăng hiệu quả lên tới 20 lần, làm cho cơ thể có thể hấp thu một cách tốt nhất, đây chính là yếu tố giúp giảm cân hiệu quả và phòng cách bệnh liên quan.

Những nghiên cứu gần đây phát hiện, gừng còn có thể chống axit hóa, ngăn ngừa chứng viêm não mãn tính, từ đó giúp con người cải thiện việc phòng tránh lão hóa não sa sút trí tuệ hay giảm trí nhớ.

Tiến sĩ Nina cho biết thêm, chất Gingerol có trong gừng chuyển hóa thành chất Shogaol ở môi trường nhiệt độ tốt nhất là từ 80 ~ 100 ℃, vì vậy, nếu trực tiếp cho gừng vào nồi nước đang sôi để nấu thì nhiệt độ có thể dễ dàng vượt quá 100 ℃, dẫn đến mất mát chất phenol. Chính vì lý do này mà TS Nina khuyên rằng cách ăn gừng tốt nhất chính là hấp.





Cách làm món gừng hấp của Tiến sĩ Nina

Nguyên liệu: 1 củ gừng tươi khoảng 100g.

Cách làm:

Do vỏ gừng chứa rất nhiều các thành phần dinh dưỡng khác nhau nên bạn không nên gọt bỏ vỏ.

Rửa sạch gừng, thái thành từng lát mỏng khoảng 1-2mm.

Đổ vào nồi một lượng nước khoảng 3cm tính từ đáy nồi, cho đĩa hấp vào, để gừng lên và đậy khăn vải làm bếp che phủ lên phần gừng. Không để các lát gừng dính đè lên nhau.

Đậy vung nồi, nấu lửa vừa, hấp khoảng 30 phút cho đến khi thấy hơi gừng nóng bốc lên là được.


Trong quá trình hấp nếu nước bị cạn thì có thể rót thêm nước vào để không làm cháy nồi.

Sau khi hấp xong, phơi gừng dưới ánh nắng mặt trời khoảng 2-3 ngày để gừng hoàn toàn khô ráo.

Nếu trực tiếp dùng từng miếng gừng khô này sẽ khá cay, nên tốt nhất bạn nên nghiền gừng thành bột, dùng để pha trà hoặc dùng làm nguyên liệu gia vị chế biến các món ăn theo nhu cầu.

Kiến nghị mỗi ngày sử dụng khoảng 1 thìa (2g).




Cách làm món viên gừng đông đá của Tiến sĩ Nina

Nếu như chế biến gừng hấp thành gừng đông đá thì hiệu quả hấp thụ vào cơ thể còn tốt hơn nữa. Bởi vì gừng đông đá có thể giúp cơ thể hấp thu toàn bộ chất dinh dưỡng.

Cách làm viên gừng đông đá

Dùng khoảng 200g gừng đã hấp chín theo hướng dẫn trên, thêm 100ml nước, cho vào máy xay sinh tố hoặc cối giã cho nhuyễn thành hỗn hợp nhuyễn.

Rót hỗn hợp gừng đã xay vào khay làm đá để vào ngăn đá cho đông lại thành từng viên gừng như những viên đá nhỏ. Gỡ ra cho vào hộp bảo quản.

Mỗi lần chế biến món gừng này, bảo quản trong ngăn đá và sử dụng trong vòng 1 tháng.



Viên gừng đông đá này có thể sử dụng nhiều cách, tốt nhất là cho vào nước chanh để uống, thêm đường và mật ong pha thành một cốc nước để chăm sóc sức khỏe hàng ngày.

Ngoài ra có thể pha vào trà để huống, có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, loại bỏ độc tố, các chất cặn bã trong cơ thể. Người bị nặng khí thì nên uống nước này để cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng, thư giãn hơn.

Bên cạnh đó, khi nấu ăn các món thông thường, nếu cần dùng đến gừng thì cũng có thể thả viên gừng đông đá này vào nồi canh hoặc các món xào. Tác dụng rất tốt.


Nancy Quách chuyển

mardi 16 février 2021

Năm Sửu Nói Chuyện Trâu

 Nguyễn Ngọc Duy Hân



Trâu ơi tao khổ hơn mày,
Mày cày hai vụ, tao cày quanh năm!

Tôi xin mở đầu bài tản mạn “Năm Sửu nói chuyện Trâu” bằng hai câu thơ vui trên. Quả thế, trong cuộc sống hằng ngày, ta phải làm việc vất vả tất bật quanh năm, xem ra cực còn hơn con trâu nữa. Thế nhưng mùa đại dịch Covid hiện nay, được “cày” là được cơ hội kiếm tiền, không bị thất nghiệp lại là điều đáng vui mừng. Thế nên quan niệm thế nào là sướng là khổ thật rất tương đối, cuộc sống và tư duy cũng bị thay đổi theo thời gian. Cũng thế, hình ảnh con trâu trong đời sống nông dân, trong văn chương, văn hóa Việt Nam cũng đã từ từ mờ nhạt dần.

Tết năm Tân Sửu 2021 sắp đến, mời bạn cùng tôi nhìn lại hình ảnh con trâu xưa, ôn lại vài câu ca dao, câu chuyện liên hệ tới giống vật hiền lành ích lợi này nhé.

Trong 12 con giáp thì trâu đứng vào thứ hai, chỉ sau anh cả là chú chuột bé choắt. 12 con vật đại diện ấy chỉ có vài con là có thể ăn thịt thoải mái được. Chuột, rắn, ngựa, dê, mèo, chó thì cũng có người ăn nhưng cũng nhiều người tránh. Cọp, khỉ thì rất hiếm người đụng tới, rồng thì ở trên trời, tìm đâu ra mà lấy thịt. Chỉ có gà, heo, trâu là khá phổ thông trong việc cung cấp chất thịt cho con người. Hồi ở Việt Nam nhà nghèo, ít khi có thịt ăn, có lần má tôi mua được chút thịt bò về xào rau muống nhưng bị miếng bò dai quá, cả nhà than “dai như thịt trâu”. Sang tới hải ngoại được ăn nhiều miếng bò beefsteak thật ngon, nhưng chưa hề thấy có bán thịt trâu. Vậy trâu là hàng hiếm rồi đấy các bạn ạ.

Con trâu được ông bà xưa liệt vào hàng đầu của lục súc có công với con người. Sáu con vật người ta nuôi và quý là trâu, ngựa, dê, gà, chó, lợn.

Ngoài công việc cày bừa trong ruộng nước, trâu còn kéo xe, đạp lúa khi gặt hái xong, trâu cũng biết kéo dụng cụ ép mía làm đường. Người xưa hay nói "Con trâu là đầu cơ nghiệp" – Lúc ấy nếu ai có khả năng tậu được trâu tức là nhà khá giả, có thể bắt đầu sự nghiệp, kiếm ra tiền dễ dàng nhờ sức lực của trâu trong sản xuất. Con trâu là hình ảnh đẹp trong làng quê Việt Nam, ông bà ta từ đó cũng có nhiều câu nói ví von gắn liền tới con vật đặc biệt này. Chẳng hạn để ám chỉ những người thường hay ganh ghét, kiếm chuyện hại người khác vì họ thành công hơn mình, ông bà của chúng ta nói: "Trâu buộc ghét trâu ăn". Khi cô gái quá dễ dãi, tìm đến phái nam mà dâng hiến “tình cho không biếu không”, người ta than rằng: "Trâu đi tìm cột, chớ cột tìm trâu bao giờ". Nếu có phụ nữ nào mang thai hơn 9 tháng 10 ngày mà chưa sanh thì bị gọi là “chửa trâu”. Người ta tin là khi “chửa trâu”, nếu bà bầu ấy đến nhà hàng xóm xin gạo rồi nấu trong một cái nồi đất nhỏ, ăn xong đập bể cái nồi là sẽ đập bầu sanh được con ngay. Ngày nay nếu có "chửa trâu", thì bác sĩ sẽ mổ và "lôi" đứa bé ra, không cần phải đi xin gạo vất vả như thế.

Theo truyền thuyết đạo Phật, trâu và ruồi rất gần gũi với đức Phật tổ Như Lai. Nhưng vì một lần trâu nghe không rõ lời Phật, xuống trần truyền sai ý nghĩa câu nói của Phật dạy, nên trâu đã phải về hạ giới kéo cày để giúp người dân, đền bù cho câu nói sai lỗi của mình.

Tiếp theo các tôn giáo khác, Kinh Thánh Công Giáo cũng có những câu liên hệ tới trâu như:

Thiên Chúa đã đưa nó ra khỏi Ai-Cập
Người là sức mạnh của nó tựa sừng Trâu (Ds 23:22; 24:8).

Xin cứu mạng khỏi xa lưỡi kiếm,
Gỡ thân con thoát miệng chó rừng,
khỏi nanh sư tử hãi hùng,
phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên (Tv 22:21-22).

Kinh Thánh cũng có nhắc đến bò, là giống vật đi liền với trâu. Trong ngày lễ Giáng Sinh, bé Giêsu đã sinh ra trong đói nghèo phải nằm trên máng cỏ, may mà được chiên lừa, trâu bò chung quanh thở hơi sưởi ấm cho hài nhi trong đêm đông lạnh lẽo. Trong Cựu Ước cũng kể về vua Ai Cập trong một giấc mơ, thấy mình đứng trên bờ sông Nile có bảy con bò cái đi lên, hình dáng đẹp đẽ và da thịt béo tốt. Rồi sau những con ấy, lại có bảy con bò cái khác hình dáng xấu xí và da thịt gầy còm. Ông Giuse thời đó đã đoán điềm giải mộng cho vua rằng: Bảy con bò cái tốt là bảy năm no lành, bảy con xấu là bảy năm đói kém sẽ xảy ra, cần phải tích trữ lương thực phòng khi đói kém. Vua nghe theo Giuse nhờ thế đã giúp được nạn đói và trọng thưởng cho Giuse.

Người ta thường chê “Ngu như trâu, lì như trâu” nhưng như thế thì oan cho giống vật này quá, vì chúng không tệ như vậy đâu. Trâu khôn và có tình nghĩa được chứng minh qua bài báo tường thuật việc xảy ra bên Tàu. Chuyện là bà Luo Fengju, 55 tuổi sống tại Thành Ninh, tỉnh Vân Nam đã bị một con gấu đen tấn công, nhưng bà thoát chết nhờ những con trâu đã liên kết đánh gấu cứu mạng cho bà. Chê trâu bò nhưng người ta lại cho em bé bú sữa bò, các em bé này lớn lên thường lại rất khôn ngoan. Lại một câu nói nữa mà theo tôi là nỗi oan khác cho trâu, đó là câu "Đàn gảy tai trâu" ý chê những người không biết thưởng thức nghệ thuật. Oan cho loài vật này quá, người Nhật nuôi bò Kobe để bán rất mắc tiền, thịt mềm nhờ bò được cho ăn thức ăn đặc biệt và cho nghe nhạc, thế nên nếu nói trâu bò không biết nghe nhạc thì quả là hiểu lầm khả năng của chúng rồi.

“Cưa sừng làm nghé” là câu miệng đời hay nói để chỉ những người già rồi nhưng cố tình làm ra vẻ ngây thơ, không hợp với lứa tuổi.

“Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” để ám chỉ khi kẻ mạnh tranh chấp, kẻ yếu bị họa lây. Nếu cần mắng người côn đồ, trộm cướp, người ta sẽ chửi là “Đồ đầu trâu, mặt ngựa”.

Lại cũng có câu “Trâu chậm uống nước đục” ý nói nếu không lanh lẹ tranh đấu sẽ bị nhận phần thiệt về mình.

Khi thấy cuộc hôn nhân không tương xứng, cô gái lấy phải người chồng thô kệch xấu tính, người ta tiếc rằng "Hoa nhài đem cắm bãi cứt trâu".

Riêng bài đồng dao sau đây rất phổ thông, có lẽ bạn cũng thuộc lòng phải không?

“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đó ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Hoặc câu lục bát diễn tả hình ảnh an hòa thời đó mà chắc nhiều người cũng biết:

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa”.

"Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu"

"Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời"

cũng là một trong những câu đồng dao có nhắc tên trâu rất quen thuộc.

Hình ảnh Lão Tử cưỡi trâu cũng là hình ảnh được ghi nhớ trong văn hóa xưa. Ông ngao du sơn thủy trên mình trâu như một gã mục đồng với tư tưởng uyên thâm và thanh thoát.

Còn nếu nói về cổ văn thì nổi tiếng là bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan với câu:

Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.

“Gõ sừng“ là hành động vô tư, chơi đùa của trẻ chăn trâu với con trâu, bây giờ được xếp vào loại chuyện xưa tích cũ.

Nghe nói có nhóm trẻ ở Việt Nam, ái mộ người tài từ “Hàn Quốc” quá nên khi anh ta đi khỏi rồi, các cô xúm vào hôn chiếc ghế mà người tài tử này đã ngồi. Các cô chắc chưa nghe qua câu ca dao khuyên con người không nên vọng ngoại “Trâu ta ăn cỏ đồng ta, Tuy rằng cỏ cụt nhưng là cỏ thơm”.

Trâu tuy hình dạng nặng nề chậm chạp, nhưng xuống nước lại bơi rất giỏi. Trâu vốn hiền lành dễ bảo, nhưng cũng có khi nổi nóng chọi nhau chí tử, nên cũng đã có câu: “Có ăn có chọi mới gọi là trâu!”.

Con trâu quan trọng trong đời sống xưa lắm, nên người xưa đã liệt kê 3 cái khổ trong đời sống như sau: “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai trâu chậm, thứ ba rựa cùn”. Vâng, nuôi trâu mà chúng chậm chạp lười biếng thì khổ lắm. Vì thế ông bà đã nói tiếp: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà, trong ba món ấy lo là khó thay”.

“Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu” là câu ví von để chỉ sức mạnh của lứa tuổi thanh xuân.

Tiếp theo để trách móc khi bị phản bội, người xưa đã đặt ra câu hỏi rất cay đắng:

“Công anh chăn nghé đã lâu,
Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày?”

Hoặc các bà đã trả treo với nhau:

“ - Của chua ai nấy cũng thèm
Em cho chị mượn chồng em vài ngày
- Chồng em đâu phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm?”

Hoặc câu "Mất trâu rồi mới làm chuồng" để trách người không biết lo xa, chuyện xảy ra rồi mới hối tiếc nhưng đã muộn. Nghĩ thật hay, ông bà ta xưa kia rất sáng tạo, thâm thúy đâu cần học cao có bằng cấp mà vẫn đầy kinh nghiệm, khôn ngoan hiểu biết.




Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vẫn có ngày lễ hội đâm trâu, nên mới có câu:

“Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng 9 tháng Tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng chín tháng Tám thì về chọi trâu.

Nhưng nếu các hội bảo vệ súc vật biết được thì sẽ rất chống đối. Tôi cũng đồng ý tục lệ đâm trâu này ác quá cần bãi bỏ.

Nói thơ văn bình dân xong, bây giờ mời bạn trở về thực tế. Nếu nằm mơ thấy trâu thì đánh số đề 03 – 63 – 86, có thể trúng giải to như con trâu! Người ta nghiên cứu thấy sinh con năm 2021 là năm Trâu vàng, vận mạng đứa bé sẽ tốt lắm. Vậy nếu còn trẻ, bạn hãy "sản xuất" ra con trâu vàng năm nay đi nhé. Khi đi chợ giá thịt trâu phải rẻ hơn thịt bò vì thịt trâu thường dai hơn. Bị chê dai bán rẻ nhưng thịt trâu lại ít mỡ hơn thịt bò, người ta phân tích thấy lượng chất sắt trong thịt trâu cao hơn thịt bò rất nhiều. Các đầu bếp trứ danh hay làm các món thịt nghé nướng lá lốt, thịt trâu luộc hoặc nấu cà ri, nướng vỉ, nướng sả ớt, hấp chao, xào lá cách, om nước dừa, xào hành, kho tiêu, trộn gỏi... rất ngon. “Trâu thì kho, bò thì tái” hoặc “Ăn thịt trâu không có tỏi, như ăn gỏi không có lá mơ” là kinh nghiệm của các tay nấu ăn đã từng chia sẻ. Tuy nhiên, một số người lại kiêng ăn thịt trâu và thịt chó vì quan niệm rằng trâu và chó là loại động vật có nghĩa với con người, nếu ăn thịt sẽ mang tội.

Sữa trâu lại nhiều chất béo hơn sữa bò, giống trâu Mura là giống trâu được nhiều nông trại bên Ý nuôi để làm phó-mát Mozzarella rất độc đáo. Ấn Độ cũng nổi tiếng với các trang trại nuôi giống trâu Mura này để lấy sữa. Trong đông y, người ta dùng da trâu như một loại dược liệu có tác dụng giảm đau, cầm máu. Sừng trâu cũng có thể thay cho sừng tê giác trong một số bài thuốc Nam. Lạ ghê, trâu chỉ ăn nắm cỏ mà làm việc vất vả, kéo cày nặng nhọc siêng năng mỗi ngày. Tôi cũng hay thắc mắc không biết trong cỏ có chất gì mà loài trâu bò ăn vào lại to con lớn xác và có sức như thế. Bạn tôi nói đùa trâu bò ăn cỏ, nên nếu mình ăn thịt nó thì coi như mình đang ăn chay cách gián tiếp rồi.

Ở Bát Tràng - Hà Nội, người ta dùng trâu để kéo xe đưa khách du lịch đi chơi thay vì xe ngựa, người ngoại quốc rất thích.

Ở Việt Nam khi xưa có tục rước thần Câu Mang tức là một vị thần về cây cối. Lễ này thường diễn ra vào tháng Giêng với hình ảnh một chú mục đồng đứng cạnh con trâu. Nếu năm ấy được mùa thì đứa trẻ đi hai chiếc giày, còn nếu mất mùa thì chỉ đi một chiếc. Năm nay do nạn Covid Vũ Hán, kinh tế khắp nơi lụn bại, nếu theo phong tục này chắc đứa bé phải đi chân không, chẳng còn chiếc giày nào để mang.

Theo truyền thuyết của dân tộc Chăm ngày xưa, lúc nữ thần Pô Nưgar mang thai sắp đến ngày sinh nở thì gặp phải tai họa, phải tìm một con voi trắng để tế lễ. Tìm voi trắng không ra, người Chăm đã phải thay thế bằng một con trâu trắng. Bạn có bao giờ thấy được con trâu lông màu trắng chưa? Hồi bé tôi bị nói ngọng, ba tôi hay tập cho tôi phát âm đúng bằng cách nói câu: "Con trâu trắng ở bờ tre trúc trụi", bạn thử đọc thật nhanh câu này xem có trơn tru không nhé!


Tranh Đinh Bộ Lĩnh - Cờ lau tập trận

Trong lịch sử Việt Nam, chắc ai cũng biết chuyện chú bé Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu lấy lau tập trận với bạn bè, sau này thống nhất sơn hà, dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế. Đó là vua Đinh Tiên Hoàng, làm sáng một trang sử ký của đất nước.


Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn

Một nhân vật lịch sử khác cũng từng cưỡi trâu là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong trận đánh giặc Nguyên và Mông trên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương cỡi voi vượt qua sông Hóa, không may con voi bị sa lầy. Lúc ấy có một chú bé chăn trâu chạy đến thưa rằng: “Bây giờ voi không đưa ngài qua sông được nữa, xin ngài cỡi lên lưng con trâu của cháu”. Nhờ thế Hưng Đạo Vương đã tới đích, khi quay lại nhìn con voi bị chìm dần dưới lớp bùn, ngài đã ứa nước mắt và nói: Đến ngày ta thắng trận, ta sẽ dựng tượng voi và cả tượng con trâu này bên bờ sông để nhớ ơn.



Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng

Vài nhân vật nổi tiếng đã sanh vào năm sửu phải kể tới Phùng Hưng. Phùng Hưng có sức vật trâu, đánh hổ, trừ được hoạ cho làng Đường Lâm nơi ông sinh sống. Phùng Hưng tức là Bố Cái Đại Vương đã có nhiều thành quả chống lại bọn Tàu đô hộ nước ta, chống việc bắt người dân phải đóng sưu cao thuế nặng. Ngoài ra cũng nên kể đến các vị vua như vua Trần Dụ Tông, Lê Lợi, Tự Đức, vua Lê Đại Hành cũng rất nổi tiếng trong lịch sử.

Sử Việt cũng có ghi vào năm 1865, triều đình nhà Nguyễn đã cho chế xe tát nước bằng sức trâu kéo, phỏng theo cách thức người phương Tây. Giai thoại kể rằng khi tiến sĩ Phạm Phú Thứ theo phái đoàn sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, khi đến sông Nile (Ai Cập) ông để ý thấy họ có loại xe nước dùng trâu để kéo. Ông học theo cách này để phát triển cách dẫn thủy mới mẻ rất ích lợi cho đồng áng trong thời đó.

Thời cận đại phải nhắc đến Nguyễn Thái Học với cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Ông là anh hùng dân tộc, có nhiều tư tưởng cấp tiến. Tiếc là năm 1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại Hải Dương rồi giết chết.

Tống thống Richard Nixon, Tống thống Ford, Obama của Hoa Kỳ, nhà văn nổi tiếng Albert Camus được biết cũng cầm tinh con trâu. Tống thống Ngô Đình Diệm, vua Bảo đại cũng sanh năm trâu. Công Nương Diana của Hoàng gia Anh, nữ thủ tướng Anh Margaret Thatcher cũng là những nàng trâu quý phái. Ca sĩ Thủy Tiên rất nổi tiếng năm 2020 qua việc thâu góp được rất nhiều tiền để cứu trợ bão lụt miền Trung cũng sinh năm Sửu. Nàng trâu này ốm nhom nhưng tấm lòng từ thiện và ý chí kiên cường rất đáng khâm phục.

Đứng về khoa học, trâu phát triển chính ở vùng Nam Á và vùng Đông Nam Á. Trâu thường nặng từ 250 đến 500 kg, còn loài trâu rừng thì có thể lên tới cả tấn, cao gần 2 mét rất "đô con". Các nhà khoa học cũng đã từng thành công khi ghép (clone) được giống trâu vô tính.


Tượng trâu vàng trong khuôn viên đền Kim Ngưu - Hồ Tây

Còn con trâu vàng tức là Kim Ngưu thì có liên hệ tới sự tích Hồ Tây ở Hà Nội. Trâu Vàng được tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp. Được biết hiện bên Việt Nam người ta đang bán rất mắc các bức tượng trâu vàng để chưng bày trong nhà mừng Tết 2021, nhưng chắc chỉ có các cán bộ, đại gia mới mua nổi thôi. Người dân vùng quê vẫn đang chật vật cày như trâu đen kiếm sống, nói chi tới chuyện trâu vàng xa xỉ.


Trong hội họa, thi ca, trâu cũng đóng vai trò khá quan trọng. Đầu tiên phải kể đến tranh Đông Hồ với các bức vẽ gắn liền với cuộc sống thường ngày mà trâu cũng là một trong những đề tài chính. Nổi bật là hình ảnh chú bé thổi sáo chăn trâu, ai xem tranh cũng thấy lòng thanh thản.

Trong sách Quốc văn Giáo khoa thư lớp đồng ấu, có câu "Ai bảo chăn trâu là khổ? - Không, chăn trâu sướng lắm chứ" mà sau này nhạc sĩ Phạm Duy đã lấy câu đó làm thành bài hát “Em bé quê” rất nổi tiếng. Với âm điệu vui vẻ, hình ảnh "Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao…” là hình ảnh thanh bình, an nhiên tự tại trong tâm hồn. Các trẻ em ngày nay đa số sống ở thành thị, không có các trò chơi tự nhiên, không biết đến không khí trong lành ngoài đồng, chỉ biết cắm cúi chơi game điện tử kể cũng là chuyện đáng tiếc.

Trong chuyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, cũng có mấy câu nhắc tới con trâu, chẳng hạn:

“Sắm xanh nếp tử xe trâu”.

“Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”.

“Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai”….

Tiếp theo về âm nhạc thì phải kể tới bài hát "Con Đường Việt Nam" của hai nhạc sĩ Anh Bằng và Trúc Hồ, tiếc nuối khung trời thanh bình đáng yêu của Việt Nam xưa:

"Tiếng ve kêu trưa hè
Thành tiếng quê hương đậm đà
Đã bao năm rồi đó
Thôi không còn nữa
Bóng dáng con trâu"

Trong bài Thanh Bình Ca của cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền, câu hát:

“Nhìn đàn trâu em mơ ước xa xôi” là câu hát điệu Valse rất dễ thương, thơ mộng, mong ngày quê hương thanh bình.

Một trong 10 bài Bình Ca của Phạm Duy có bài Bình Ca 1, với ca từ như sau:

"Này em con trâu già
Nhiều năm trâu vất vả
Cùng với bác xã nơi đồng quê
Này em con trâu già
Nằm chơi trâu nhai cỏ
Nhìn những chiếc máy đang cầy bừa.
Trâu đừng buồn vì máy cầy nghe"

là nhạc phẩm được đánh giá cao trong làng nhạc quê hương.

Tôi vốn thích đọc chuyện kiếm hiệp khi còn trẻ, có thời gian cũng bị ảnh hưởng: Muốn đi ngao du thiên hạ, muốn nâng chén rượu rồi cười khà tiếu ngạo giang hồ, khi cảm khái thì dùng võ công khắc bài thơ trên tảng đá, quên đi chuyện lao xao thế trần. Trong chuyện Thần điêu Đại hiệp của Kim Dung, có đoạn tả Dương Quá đã mượn một con trâu rất khoẻ rồi mặc bộ quần áo của trẻ mục đồng, đốt đuốc cỡi trâu như con ngựa chiến xông vào đánh giặc. Trương Tam Phong trong Ỷ thiên Đồ long ký thì nổi danh với biệt hiệu là lão “Lỗ Mũi Trâu”. Trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung cũng để cho Vi Tiểu Bảo biểu diễn “Cách sơn đả ngưu thần công”, là một loại võ công để đánh thắng trâu rất lợi hại. Trương Vô Kỵ thì xưng là Tăng A Ngưu, tức là chàng trai trẻ tên là Trâu. Quách Tĩnh trong Anh hùng Xạ điêu được đặt tên là Thủy Ngưu, tức là con trâu nước vì Quách Tĩnh nước da ngăm đen, tính tình mộc mạc quê mùa ít nói, vai to kềnh càng khoẻ như trâu.

Trâu chết để lại cho người thịt và da. Trong một lần đại hội anh hùng tại Chùa Thiếu Lâm, người trong giang hồ đã đánh trống làm bằng da trâu. Có lẽ da trâu dày nên mới chịu được công lực thâm hậu của các vị hảo hán Thiên Long Bát Bộ này. Da trâu cũng được dùng làm vũ khí và công cụ để thi hành hình luật pháp, ai mà bị roi da trâu đánh thì đau tới tận xương tủy. Sừng trâu được cưa làm chung đựng rượu, làm vật trang trí như vòng đeo tay, nhẫn, lược chải tóc, gọng kính đẹp không thua gì sơn mài, đặc biệt chế thành mõ, ống tù và hoặc ống tiêu thổi nghe rất to và vang xa.

Trâu là hình ảnh của tinh thần chậm mà chắc, khoẻ mạnh cần cù, gắn liền với người dân quê hiền lành chất phác. Ngày nay với khoa học phát triển, với i-meo, phây-book, người ta chia sẻ đủ điều, nhưng tinh thần xưa, cái đẹp mộc mạc và giá trị cổ điển ít khi được nhắc tới. Có bàn tới thì lại bị chê là “xưa rồi Diễm”. Vâng, tôi biết mình rất xưa, rất quê mùa pha lẫn chất lãng mạn “tiểu tư sản”, nên tôi luôn tự làm khổ mình. Nhiều đêm “nằm vắt tay lên trán, ta nghĩ đến chuyện cuộc đời” mà lòng dạ xót xa, khó ngủ. Thương cho người nghèo người khổ, thương cho quê hương Việt Nam, thương cho kiếp người, thương cả cho bản thân mình. Trăn trở cho thế giới văn minh tiến bộ ngày nay nhưng gần đây lại bị quá nhiều khủng hoảng chính trị, rồi còn con vi trùng Corona Vũ Hán hoành hành, tai hại về nhân mạng, sức khỏe, kinh tế nhiều không sao kể hết.

Thôi năm mới Tết đến, hãy bỏ qua những chuyện buồn, mời bạn cũng tôi góp lời cầu cho quốc thái dân an, tinh thần an lạc. Năm 2021 có số 1 là “number one”, mong rằng đây là số hên để ai nấy có một năm mới tốt đẹp hơn năm cũ. Năm Tân Sửu có chữ Tân nghĩa là mới, ước rằng ai nấy đều đổi mới, vượt qua các khó khăn, lắng nghe tiếng nói của môi trường, lắng nghe nhau, thông cảm vui vẻ với nhau. Thời gian trên trần thế này nào có bao lâu, nên hãy cho nhau những gì tốt đẹp nhất khi còn có thể. Người ta nói không có tấm bằng nào có giá trị thực tế như tấm “bằng lòng”, chấp nhận ưu điểm và cả khuyết điểm của người thân. Không có cái nhẫn nào nên đeo trên tay hơn là chiếc “nhẫn nhịn”.

“Trâu kia chết để bộ da,
Người chết để tiếng xấu xa muôn đời”

Tôi tin bạn luôn để lại tiếng tốt cho bản thân, gia đình và xã hội.

Chúc Mừng Năm Mới

Nguyễn Ngọc Duy Hân

KHạnh chuyển