NỮ TRẠNG NGUYÊN DUY NHẤT TRONG SỬ VIỆT.
Lăng mộ Trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ (1574 - 1654) ở Hải Dương. Bà mất năm 1654 tại Đông Kinh này là Hà nội.
Thời xưa “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được xem là việc của đàn ông, vì thế mà cảnh đèn sách đi thi của các sĩ tử thì tuyệt chỉ có nam giới, không hề có bóng nữ nhi nào. Chính vì thế nếu có bậc nữ nhi nào thông tỏ Tứ thư Ngũ kinh, có chí dùi mài kinh sử thì chỉ có nước đóng giả nam mới có cơ hội lọt vào trường thi. Lịch sử Việt Nam cũng đã từng có một bậc nhi nữ phải cải trang thành nam để thi tài, kết quả đã vượt qua tất cả các sĩ tử khác, trở thành trạng nguyên đứng đầu khoa thi.
☆
1/. Nữ trạng nguyên duy nhất sử Việt.
Nguyễn Thị Duệ sinh ngày 14/3/1574 ở Kiệt Đặc, nay là phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Thuở nhỏ bà có tên là Nguyễn Thị Ngọc Toàn. Tương truyền rằng khi lên 4 tuổi bà đã biết viết chữ, đọc văn thơ, nức tiếng gần xa.
Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện rằng, thuở nhỏ, khi bị một cậu ấm trong vùng đến chọc ghẹo, bà đã làm hai câu thơ như sau:
"Xá chi vàng đá hỗn hào/ Thoảng đem cánh phượng bay cao thạch thành".
Năm 10 tuổi, Nguyễn Thị Duệ đã nổi tiếng là vừa đẹp người, lại đẹp nết, khiến nhiều gia đình quyền quý đến xin cưới hỏi, nhưng gia đình bà đều không ưng thuận.
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì “bà thông minh hơn người, học rộng hay chữ, hơn 10 tuổi giả trai, theo thầy học tập”.
Cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, cuộc chiến Trịnh – Mạc nổ ra. Năm 1592, Trịnh Tùng đưa quân tiến đánh Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn, chính là gần với quê hương của Nguyễn Thị Duệ. Trận này Mạc Mậu Hợp thất thế và bị bắt, vùng đất Hải Dương bị chiến tranh tàn phá, nhiều người chết. Để tìm đường sống, nhiều người dân trong vùng theo chân nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, gia đình Nguyễn Thị Duệ cũng nằm trong số đó.
Tại Cao Bằng, bà tìm học người thầy họ Cao. Khi nhà Mạc mở khoa thi năm 1594, dù có phần sa sút so với trước kia nhưng vẫn có nhiều sĩ tử các nơi đăng ký tham gia. Nguyễn Thị Duệ cùng người thầy của mình cũng đăng ký.
Nguyễn Thị Duệ năm ấy 20 tuổi, cải trang nam nhi mang tên là Nguyễn Du, vượt vào trường thi. Kết quả bất ngờ là bà đã đứng đầu cuộc thi này, còn thầy của bà đứng thứ hai. Sau cuộc thi, người thầy cảm động nói với bà rằng: “Màu xanh từ màu lam mà ra, ấy vậy mà lại đẹp hơn màu lam”.
2/. Hiền tài khiến vua chúa triều nào cũng mến phục.
Đến buổi yến tiệc dành cho các sĩ tử, nhiều ánh mắt đổ về người đỗ đầu với sự ngưỡng mộ. Vua Mạc Kính Cung thấy chàng trai đỗ đầu này dáng người mảnh mai, nét mặt thanh tú, bèn tìm cách dò hỏi mà biết rõ mọi chuyện của Nguyễn Thị Duệ. Thế nhưng khi biết thân thế thật sự của bà, vua Mạc không trách cứ mà còn khen ngợi.
Nguyễn Thị Duệ được mời vào cung để làm thầy dạy cho các phi tần của vua, ban hiệu là “Lễ nghi cố vấn”, rồi sau đó được tuyển làm Tinh phi. Vì thế người đời quen gọi bà là “bà chúa Sao”.
Năm 1625, quân Trịnh tiến đánh Cao Bằng diệt nhà Mạc, Nguyễn Thị Duệ phải chạy vào ẩn náu trong rừng nhưng bị quân Trịnh đổi theo bắt được. Tướng nhà Trịnh là Nguyễn Quý Nhạ vốn cùng quê với bà, từ lâu đã nghe danh tiếng của bà, bèn thảo một tờ biểu cho chúa Trịnh xem xét.
Chúa Trịnh Tráng sau khi tìm hiểu, biết bà là người có học thức bèn giao cho bà giảng dạy cho các phi tần ở phủ chúa, cung vua. Với học vấn uyên thâm, Nguyễn Thị Duệ ở trong cung dạy lễ nghĩa, văn thơ. Tại phủ chúa mỗi khi được hỏi han, bà đều viện dẫn kinh sử cùng các tích cổ nhằm khéo khuyên chúa nghe theo lời răn dạy của các bậc Thánh hiền, lấy dân làm gốc.
Thời gian này Nguyễn Thị Duệ có được mối giao hảo thâm tình với hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc (vợ vua Lê Thần Tông). Hai bà hàng ngày cùng lễ chùa, vãn cảnh. Nhờ các cuộc đàm đạo với sư sãi cũng như giao tiếp bên ngoài mà bà biết thêm tình hình đất nước cũng như sự cơ cực lầm than của người dân, để khi cần có thể lên tiếng giúp triều đình có được các chính sách hợp lòng dân.
3/. Có công lớn trong nền giáo dục nước nhà.
Cả vua Lê và chúa Trịnh đều coi trọng bà, phong bà là Nghi Ái Quan, cho phép bà được chấm các bài thi Hội, thi Đình. Nhiều câu chuyện về bà được lưu truyền trong dân gian.
Năm Đức Long thứ 3 thời vua Lê Thần Tông (1631), bà làm giám khảo kỳ thi tiến sĩ được tổ chức ở làng Mao Điền, Hải Dương, có rất nhiều sĩ tử dự thi.
Khi chấm bài, các quan giám khảo thấy có một quyển làm 4 mục rất tốt, nhưng lại bỏ qua không làm 8 mục. Nhưng vì bài làm rất tốt nên các quan không nỡ đánh trượt, bèn trình lên cho Chúa xem. Chúa đọc thấy rất tâm đắc nhưng còn vài chỗ chưa hiểu nên hỏi Nguyễn Thị Duệ. Bà liền giải nghĩa theo điển tích, nói ra hàm ý sâu xa, khiến Chúa cùng các quan phải khâm phục cả người làm lẫn người diễn giải.
Bà còn bình rằng: “Bài văn làm được 4 câu mà hay còn hơn làm hết 12 câu mà không hay, triều đình cần người thực tài chứ không cần kẻ nịnh bợ”. Thế là các quan cùng đồng ý chấm cho người làm bài đậu tiến sĩ khoa thi năm đó. Đến lúc tra ra mới biết sĩ tử làm bài thi đó là Nguyễn Minh Triết, em họ của bà.
Nhằm khuyến khích việc học tập khắp nơi để có được hiền tài cho đất nước, Nguyễn Thị Duệ đã gửi đề thi đến từng địa phương, rồi tập trung bài lại để chấm.
Theo văn bia và một số tài liệu, mỗi tháng 2 kỳ, bà cho họp các sĩ tử hàng huyện lại cho đề văn do bà đặt, bài làm xong giao hội “Tư Văn Chí Linh” để nộp lại cho bà. Đúng hạn bà trả bài, cho đăng tên, điểm trên văn chỉ. Phương pháp này của bà giúp người ở những làng quê xa cũng có tinh thần hiếu học, nhiều người nhờ bà rèn dũa mà thi đỗ, một số người đỗ đại khoa.
Nguyễn Thị Duệ cũng xin triều đình lấy nhiều mẫu ruộng tốt cho canh tác lấy hoa lợi, số tiền thu được dùng để thưởng cho những ai có thành tích tốt trong học tập.
4/. Tưởng nhớ.
Tình hình đất nước bấy giờ khiến bà trăn trở. Hết cuộc nội chiến Trịnh – Mạc rồi đến Trịnh – Nguyễn khiến đất nước rối ren, người dân Bắc Hà đói khổ. Càng nghĩ càng thêm chán nên Nguyễn Thị Duệ quyết định xin rời khỏi cung để về quê.
Vua Lê và chúa Trịnh không khuyên được nên đành để bà về quê. Bà dựng am để có nơi đọc sách và bảo ban các sĩ tử trong làng. Vua Lê giao cho bà số thuế hàng năm của tổng Kiệt Đặc để làm bổng lộc an hưởng tuổi già, nhưng bà chỉ lấy một ít để dùng, còn lại chi tiêu vào việc công ích và trợ giúp người nghèo.
Bà mất năm 1654, thọ 80 tuổi. Bên cạnh bia mộ của bà có một ngôi tháp tên là “Tinh phi cổ pháp” khắc mười chữ Hán “Lễ sư sinh thông tuệ. Nhất kính chiếu tam vương” nghĩa là người thầy dạy lễ này sinh thời thông tuệ, các vua chúa đều mến phục bà.
Tại Văn Miếu ở Mao Điền, Hải Dương, có thờ 600 vị tiến sĩ, trong đó có 8 vị đại khoa của tỉnh Hải Dương. Bà Nguyễn Thị Duệ nằm trong số 8 vị đại khoa này.
Văn Miếu ở Mao Điền chỉ đứng sau Văn Miếu Quốc Tử Giám bởi nó đã có 500 năm tồn tại. Chính giữa Văn Miếu Mao Điền thờ Khổng Tử, sau đó lần lượt hai bên là Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Thị Duệ. Đặc biệt bà Nguyễn Thị Duệ là nữ trạng nguyên duy nhất của nước Việt.
Vào tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ hội lớn sẽ diễn ra ở Văn Miếu Mao Điền để người Việt tham quan các di tích, ôn lại truyền thống hiếu học của các bậc hiền tài nước Việt thuở xưa.
Nguồn: trithucvn
(*) Ảnh - Lăng mộ Trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ (1574 - 1654) ở Hải Dương. Bà mất năm 1654 tại Đông Kinh này là Hà nội.
Hồng Phúc sưu tầm