Affichage des articles triés par date pour la requête Thu tàn. Trier par pertinence Afficher tous les articles
Affichage des articles triés par date pour la requête Thu tàn. Trier par pertinence Afficher tous les articles

mercredi 13 mars 2024

VÌ SAO TƯƠNG ỚT ' CON GÀ ' SRIRACHA KHÔNG CÒN ' GÁY TO' NỮA ?

 VÌ SAO TƯƠNG ỚT ' CON GÀ ' SRIRACHA KHÔNG CÒN ' GÁY TO' NỮA ?



Chai tương ớt “Con Gà,” theo cách nói bình dân của người Việt, là một sản phẩm thành công vượt bậc của một người tị nạn Việt Nam sống tại khu vực Los Angeles. 

Cứ một trong 10 nhà bếp ở Mỹ là có một chai tương ớt có nắp màu xanh hiệu “Sriracha HOT Chili Sauce,” và nếu nói sản phẩm của hãng Huy Fong này thành công “vượt không gian” thì cũng không ngoa vì có phi hành gia từng đem theo sốt gia vị này lên trạm Vũ Trụ Quốc Tế! 

Khoảng Tháng Sáu, 2023, “fan” của tương ớt “Con Gà” nhốn nháo vì giá một chai tương đang từ dưới $10 bất thình lình leo lên tới $80 trên các trang thương mại online với tin đồn “thất mùa ớt.”

Theo tạp chí Fortune, câu chuyện không chỉ là “thất mùa ớt” vì tác động của thiên nhiên trong năm 2023, mà bắt nguồn sâu xa hơn, từ năm 2016, liên quan đến câu chuyện về hai người bạn hàng thân thiết gần 30 năm, cùng đưa nhau lên đỉnh cao trên thương trường, sau cùng trở thành đối nghịch.

Tình bạn mất, cơ nghiệp bị đe dọa, thậm chí “đế chế” tương ớt “Con Gà” đang bị lấn mất “thị phần” trước các “quái thú” khổng lồ khác trong kỹ nghệ thực phẩm.

Khi biết thêm về nguồn gốc, hoàn cảnh tạo dựng nên một thương hiệu thực phẩm được ưa chuộng tầm cỡ thế giới, sự nể phục tăng nhưng càng thấm thía trước bài học cay đắng của những người trong cuộc.

* Di dân gốc Việt trở thành “ông hoàng” kỹ nghệ thực phẩm

Ông David Trần, 78 tuổi, chủ nhân công ty Huy Fong, đã xây dựng một “đế chế” với món tương ớt “Con Gà” Sriracha nổi tiếng, được xếp hạng trong số ba thương hiệu tương ớt hàng đầu ở Mỹ. 

Sau khi Sài Gòn thất thủ năm 1975, ông David, từng phục vụ trong QLVNCH, về quê trồng ớt để sinh sống. Dưới sự kiểm soát “chuyên chế” của chính quyền CSVN trong thời gian đó, ông bắt đầu làm tương ớt rồi “lén lút” đến gõ cửa từng nhà để bán, theo lời kể của ông trong chương trình Chuyện Kể Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt của trường đại học UC Irvine. 

Ông David và gia đình mang theo 100 cây vàng đựng trong các lon sữa đặc rời khỏi Việt Nam cùng làn sóng Hoa Kiều vượt biển theo diện đi “bán chính thức.” Năm 1979, gia đình ông David đến Los Angeles.

Vào những năm 1980, ông David thuê một địa điểm đóng chai công nghiệp gần Chinatown ở Los Angeles, thành lập công ty Huy Fong Foods. 

Huy Fong là tên chiếc tàu hàng Đài Loan vớt gia đình ông trên đường vượt biển.

Ban đầu ông David chỉ nhắm đến việc phục vụ người tiêu dùng gốc Việt và gốc Hoa, tuy nhiên, theo thời gian món tương ớt “Con Gà” vượt qua mọi kỳ vọng, trở thành món ăn nổi tiếng toàn nước Mỹ dù ông không tốn một xu để tiếp thị.

Phải nói rằng sự thăng tiến của một di dân, từng phải bán tương ớt “lậu” ở Việt Nam, để rồi sau này trở thành ông “hoàng tương ớt,” nhà triệu phú, là minh chứng cho sự kiên cường, tinh thần kinh doanh của ông David và hiện thực của “Giấc Mơ Mỹ.”

Câu nói dân gian “Giàu vì bạn…,” luôn có ý nghĩa nhất định. Sự vững chãi của thương hiệu “Sriracha HOT Chili Sauce” trong 30 năm qua nhờ có một yếu tố không thể thiếu đó là sự ổn định nguồn vật liệu chính: Ớt. 

Người cung cấp ớt cho công ty Huy Fong Foods là ông Craig Underwood, một nông gia thế hệ thứ tư ở California. Sự hợp tác giữa hai bên được khởi xướng từ năm 1988 khi ông Underwood trở thành người trồng và cung cấp ớt đỏ độc quyền cho ông David.

Đến lúc khẩu vị người Mỹ phát triển sở thích về ẩm thực cay và mang tính quốc tế, mối quan hệ giữa “ông hoàng” và “nông dân trồng ớt California” càng phát triển mạnh mẽ, dẫn đến vụ thu hoạch cao điểm là 100 triệu pound ớt vào năm 2015.

Đáp số Underwood trong phương trình chiến thắng của Huy Fong Foods

Khi bắt đầu mở lò sản xuất tương ớt tại khu Chinatown ở Los Angeles hồi năm 1980, thời điểm mà người Mỹ bản xứ chưa có khẩu vị thưởng thức vị cay nồng trong ẩm thực, ông David chỉ nhắm đến số khách hàng tiêu thụ trong cộng đồng di dân gốc Việt và gốc Hoa tại khu vực.

Huy Fong làm ba loại tương ớt nhưng loại tương ớt “Con Gà” mới thực sự được thị trường ưa chuộng, bắt đầu từ cộng đồng người nhập cư ở California, sau đó lan ra ở quy mô rộng lớn hơn toàn nước Mỹ.

Với nhu cầu tăng cao, thách thức lớn cho ông David là tìm được nguồn cung cấp ớt jalapenos đỏ tươi ổn định, vì theo công thức chế biến, độ tươi của ớt là chìa khóa tạo nên hương vị cho loại tương ớt của Huy Fong. 

Lúc đầu, ông David dựa vào các siêu thị và nhà bán buôn địa phương tại vùng Los Angeles. Nhưng các nguồn cung cấp này không ổn định và thời điểm cần nhận hàng khó khăn. Hầu hết ớt jalapeno được bán khi còn giòn và xanh, nhưng tương ớt “Con Gà” đòi hỏi trái ớt cần chín “một tí” để có vị ngọt hơn, cần thu hoạch vào thời điểm ớt xanh vừa chuyển sang màu đỏ vì ớt khi chín quá sẽ mềm.

Các yếu tố khó khăn này đòi hỏi “ông hoàng tương ớt” David phải tìm được nguồn trực tiếp từ nông gia để có các trái ớt được thu hoạch đúng thời điểm, giao kịp thời cho lò Huy Fong.

Đáp án cho câu hỏi hóc búa trên xuất phát từ lá thư của một nông gia California.

Ở Ventura County, gần Los Angeles, ông Craig Underwood, một nhà nông, đang phải đối mặt với những cơn gió ngược để duy trì trang trại của gia đình. Trong lúc phải tính toán thay đổi loại nông sản nào để phù hợp với thị trường đang thay đổi hồi năm 1988, ông Underwood nghe một nhà cung cấp hạt giống kể về một anh chàng người Châu Á ở Los Angeles muốn “đập vỉa hè” lấy đất trồng ớt làm tương.

Nông gia Underwood nhớ lại: “Tôi đã viết một lá thư cho David hỏi ‘Ông có muốn tôi trồng một ít ớt không?’”

Thế là ông David chớp ngay “lời giải,” ký hợp đồng để ông Underwood trồng 50 mẫu ớt, và bắt đầu một quan hệ làm ăn tốt đẹp song phương kéo dài ba thập niên.

Theo thời gian tính bằng hàng chục năm, họ đã trở thành, nếu không muốn nói là bạn thân, thì ít nhất là cộng sự gần gũi, đôi bên trong mối quan hệ lâu dài này đều cùng nhau chứng kiến các thời điểm đáng ghi nhớ khi con cháu họ trưởng thành.

Vào năm 2013, thành phố Irwindale nỗ lực (nhưng không thành công) đóng cửa lò làm tương ớt Huy Fong Foods, với lý do hơi ớt bốc ra làm cay mắt mũi cư dân, thì con nhà nông bốn đời Underwood đến điều trần bênh vực ông David tại cuộc họp hội đồng thành phố.

* Mối quan hệ độc quyền và cộng sinh tan vỡ không thể cứu chữa!

Mối quan hệ kinh doanh kéo dài hàng thập niên giữa Huy Fong Foods và Underwood Ranches của hai ông David và Underwood đột ngột kết thúc đầy cay đắng vào Tháng Mười Một, 2016, khiến cả hai bên đều choáng váng và dẫn đến một cuộc chiến pháp lý ngày càng dữ dội làm chấm dứt sự hợp tác.

Mối quan hệ mua bán với Huy Fong đưa Underwood Ranches phát triển từ một trang trại gia đình rộng 400 mẫu vào những năm 1980 thành một trang trại rộng 3,000 mẫu trên khắp hai quận hạt bên ngoài Los Angeles, bây giờ sụp đổ qua một cuộc tranh cãi nảy lửa về việc chi trả cho vụ mùa sắp tới.

Sau khi hoàn thành vụ mùa thu hoạch ớt thành công vào năm 2016, hai ông thảo luận kế hoạch cho năm tiếp theo, Huy Fong thỏa thuận số tiền trả cho nhà nông để có được hàng chục triệu pound ớt cho vụ mùa kế.

Cũng như mọi khi, hợp đồng bạc triệu giữa hai bạn hàng 30 năm chỉ là cái gật đầu, bắt tay nhau không cần một bản hợp đồng với chữ ký đôi bên hoặc sự hiện diện của luật sư.

Những làn sóng xung đột của sự chia rẽ này được cảm nhận từ cả hai phía. 

Phía Underwood dễ bị tổn thương hơn do phần lớn công việc kinh doanh tùy thuộc phía Huy Fong đặt hàng, ban đầu gặp khó khăn trong việc cố gắng hiểu được vì sao mối quan hệ tốt đẹp lại kết thúc một cách đột ngột: “Cơ bản là David muốn tiêu diệt tôi, ông ấy không cần biết tôi và gia đình tôi sẽ khốn khó ra sao hay cũng không đếm xỉa gì đến mối quan hệ bấy lâu nay.” 

Phía bên kia, ông David cảm thấy bị phản bội, bị che mắt trước những cáo buộc rằng mình đã có hành vi gian dối.

Trong gần ba thập niên, ông David nói rằng mình luôn trung thành và giữ Underwood là nhà cung cấp ớt duy nhất và mỗi năm đều trả trước hàng triệu đô la theo lời hứa thu hoạch, một cử chỉ mà ông David coi là một hành động dựa trên niềm tin. Giờ đây tất cả niềm tin đó đã sụp đổ trong một cuộc tranh cãi nhỏ nhặt về tiền bạc.

“Ông hoàng tương ớt” tin rằng ông Underwood đang cố đẩy mình đến bờ vực phá sản, sau đó cướp công việc kinh doanh làm tương. 

“Tôi đã giúp ông ấy vì trồng ớt cho tôi,” ông David nói. “Ông ấy kiếm được tiền, sở hữu đất đai. Nhưng không phải là đủ cho ông ấy. Ông muốn chiếm luôn công việc kinh doanh của tôi.” 

Còn bà Donna Lâm, em dâu ông David và là giám đốc điều hành của Huy Fong, mô tả tình huống này giống như bị “đâm sau lưng.”

Các nỗ lực thương lượng giữa hai bên không thành công, dẫn đến các vụ kiện vào năm 2017. Huy Fong Foods khởi kiện để đòi lại khoản chi vượt mức cho vụ thu hoạch năm 2016, còn Underwood Ranches kiện ngược lại, cáo buộc gian lận và vi phạm hợp đồng. 

Cuộc chiến pháp lý dẫn đến việc bồi thẩm đoàn ủng hộ ông Underwood, trao cho ông $13.3 triệu tiền bồi thường thiệt hại và $10 triệu tiền phạt. 

Ngoài ra, Underwood Ranches được lệnh hoàn trả $1.4 triệu số tiền mà Huy Fong trả quá cao cho mùa trồng ớt năm 2016.

* Những chi tiết bên lề

Mối quan hệ độc quyền và cộng sinh giữa Huy Fong Foods và Underwood Ranches, được nêu bật trong bộ phim tài liệu Sriracha, thực hiện năm 2013, giờ đây đã rạn nứt. Bộ phim tài liệu khắc họa mối liên hệ cảm xúc giữa người làm nước sốt và người nông dân, đóng vai trò như một mối quan hệ đã trở nên chua chát theo thời gian.

Tuy nhiên câu hỏi vẫn còn đó: Làm thế nào mà mối quan hệ hợp tác tưởng chừng như không thể phá vỡ lại sụp đổ nhanh chóng và tàn bạo đến vậy? 

Các tài liệu của tòa án tiết lộ câu chuyện căng thẳng gia tăng bắt đầu từ năm 2015 khi niềm tin giữa hai công ty bắt đầu bị xói mòn. 

Khi công việc kinh doanh của Huy Fong phát triển, nhu cầu về số lượng lớn ớt của công ty tăng lên và Underwood đã mở rộng thêm các cánh đồng ớt vào tổng diện tích trang trại. 

Cũng trong năm 2015 đó, ông David thành lập một công ty con, ChiliCo, để mua bán ớt. 

Phía ông Underwood không muốn làm việc với ChiliCo vì sợ công ty này không có đủ tài sản để bảo đảm các thanh toán. Tệ hơn nữa, ông Underwood nói, ông David và bà Donna nhiều lần thất bại trong việc tìm cách thuê ông Jim Roberts, giám đốc điều hành Underwood Ranches, về làm việc cho ChiliCo. (Bà Donna Lâm nói rằng những lời đề nghị thuê dành cho ông Roberts để giúp tăng thu nhập cho người này chứ không phải để “giật người” của Underwood).

Mọi chuyện trở nên căng thẳng vào một buổi chiều của Tháng Mười Một, 2016. Những hồi ức khác nhau nhưng điều được thống nhất là thế này: Vào ngày 9 Tháng Mười Một, ông Roberts lái xe đến nhà máy của Huy Fong theo yêu cầu của ông David để xem một số máy móc. Ông David và bà Donna gọi ông Roberts vào văn phòng để nói chuyện, để rồi sau đó mọi việc trở thành tệ hại.

Những câu chuyện nhức đầu là: Hai anh em ông David tỏ ý bất đồng về mức giá mà Huy Fong phải trả trước cho số lượng ớt mùa tới, việc có thể mua những quả ớt jalapeno đó từ nước ngoài rẻ hơn hay không, liệu ông Roberts có nên chấp nhận lời đề nghị làm việc cho ChiliCo hay không, và liệu Huy Fong có trả quá cao cho mùa ớt năm 2016 hay không.

Cuộc cãi vã cứ tiếp diễn. Nhiều điều đã nói ra không thể rút lại được. 

Để rồi vào thời điểm ông Roberts bước ra văn phòng của Huy Fong vài giờ sau đó, mối quan hệ kinh doanh kéo dài 28 năm kết thúc.

* " Quái thú” lấn sân “Con Gà” trong mặt trận tương ớt Sriracha.

Tabasco, công ty thực phẩm khổng lồ sản xuất tương ớt của thị trường Mỹ, bắt đầu sản xuất loại tương ớt Sriracha giống như “Con Gà” vào năm 2014.

Nhưng sản phẩm Sriracha của Tabasco chỉ khởi sắc mãnh liệt vào năm 2022, và ông Lee Susen, giám đốc thương vụ và tiếp thị của McIlhenny, công ty mẹ của Tabasco, giải thích: “Đó là việc lấp đầy ‘khoảng trống trên kệ’ do sự thiếu hụt sản phẩm của Huy Fong để lại.”

Tận dụng Huy Fong bị khủng hoảng sản xuất, vào Tháng Chín, 2022, Tabasco mở trang web srirachashortage.com với trang chủ hiển thị dòng chữ lớn “Đang Tìm Kiếm Gì Đó?” kèm trên nền bức hình một chai tương ớt Sriracha của Tabasco nhô lên, thoạt nhìn trông giống như chai “Con Gà” của Huy Fong nhưng với nắp vòi có màu xanh ô liu thay vì xanh lục sáng.

Ông Susen nói, trước đây thách thức mà Tabasco phải đối mặt với loại tương Sriracha là “hầu hết người tiêu dùng coi Sriracha là một thương hiệu. Họ không nhận ra nó là một loại sản phẩm.” 

Khi những chai tương ớt “Con Gà” mang tính biểu tượng của Huy Fong biến mất trên các kệ trong chợ và được thay thế bằng nhiều loại tương ớt khác, suy nghĩ của người tiêu dùng bắt đầu thay đổi: Đây cũng chỉ là một loại tương trong tủ lạnh. 

Lòng trung thành với thương hiệu tương “Con Gà,” từng là mũi nhọn kinh tế của Huy Fong, cách nói kinh doanh để chỉ lợi thế cạnh tranh mà một công ty nắm giữ trong lĩnh vực của mình, bắt đầu bị xói mòn.

Và đó là lúc thương hiệu nước sốt cay lớn nhất nước Mỹ nhảy vào và giành lấy vương miện. 

Theo NielsenIQ, công ty nghiên cứu thói quen người tiêu dùng, Tabasco có loại sriracha bán chạy nhất cả nước Mỹ trong nửa cuối năm 2023. 

Theo công ty nghiên cứu thị trường Circana, sản phẩm sriracha đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết — hiện tại có mặt ở một trong ba căn bếp ở Mỹ — nhưng phần lớn sản phẩm này không phải của Huy Fong. 

* Người xưa đâu?

Khi Tabasco thắng, lấn lướt thị trường, hệ quả dễ hiểu là Huy Fong mất thị phần.

Sự thành công của Huy Fong là một câu chuyện rực rỡ của “Giấc Mơ Mỹ” nhưng lại là một cái kết thúc đáng buồn cho một mối quan hệ kinh doanh 30 năm giữa một người tị nạn gốc Việt chăm chỉ và một nông dân chân chất ở California.

Cả ông David và ông Underwood đều có những phẩm chất tuyệt vời cho mối quan hệ hợp tác, đó là, sự can đảm, sáng tạo, đam mê, và tham vọng. 

Nhưng những kỹ năng và ý chí cần thiết để khởi nghiệp thành công hoàn toàn khác với những năng lực mà những người điều hành các đại công ty cần có.

Giáo Sư Maurice Schweitzer, trường kinh doanh Wharton thuộc đại học University of Pennsylvania, cho biết nhiều nhà sáng lập các đại công ty sau này đều mở rộng qua việc bán cổ phần hay nhận đầu tư để thu hút thêm các đối tác có kinh nghiệm để mang lại sự ổn định cho công ty.

“Các mối quan hệ giữa con người với nhau rất khó khăn và hầu như luôn bao gồm yếu tố cạnh tranh. Nếu không được kiểm soát, khả năng cạnh tranh đó có thể phát triển như cỏ dại và chiếm ưu thế, đặc biệt khi doanh nghiệp đang mở rộng nhanh chóng. Sẽ có một số điểm xích mích, sẽ có một số thông tin sai lệch,’” Giáo Sư Schweitzer nhấn mạnh. “Chúng ta cần một số cơ chế để khắc phục điều đó và đưa nó trở lại đúng hướng.”

Nông gia Underwood nói: “Không ai có thể hiểu được mọi chuyện xảy ra như thế nào. Trong vụ này này, hóa ra mọi người đều là kẻ thua cuộc.”

Khi được hỏi có nên hợp tác với Huy Fong nữa không, ông Underwood đáp: “Không, trừ khi Huy Fong bán cho người khác.”

Cùng câu hỏi tương tự cho phía bên kia, ông David trả lời: “Tôi cần ớt. Nhưng tại sao phải làm việc với ông ấy?”

“Không có ớt của ông ấy, chúng tôi làm ra tiền ít hơn. Nhưng, câu trả lời là Không! Cái gì mất, đã mất. Hãy nhìn về tương lai,” bà Donna Lâm nói dứt khoát. /.

Theo : MPL, báo Người Việt, ngày 10-3-2024.

= = = Sưu Tầm = = = 

image

image

image

image

image

H.PHÚC sưu tầm

jeudi 11 janvier 2024

Hiroshima và Nagasaki Nhật Bản .

Hiroshima và Nagasaki Nhật Bản .



☻️ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật bản

Ở trường học, chúng ta được dạy ngắn gọn trong Sách giáo khoa Lịch sử, phần Lịch sử thế giới cận đại, rằng: “Tháng 8 năm 1945, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki Nhật Bản, buộc Nhật Hoàng phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước quân Mỹ”. Sách giáo khoa đã nói đúng một phần sự thật, nhưng không đề cập đến những sự thật khác trước, trong và sau khi Mỹ ném bom xuống Nhật Bản.

● Nguyên nhân phát triển bom nguyên tử.

Sự phát triển bom nguyên tử của nước Mỹ, mà trong đó có cả tác động của nhà bác học Einstein thông qua lá thư kêu gọi tổng thống Mỹ chế tạo bom nguyên tử, làm nhiều người có cảm giác thật khó lý giải, nhất là đối với những ai yêu mến Einstein. Thực ra, chuỗi sự kiện này nằm trong một cuộc chạy đua vũ khí hủy diệt giữa Mỹ và Đức, bởi vì thứ vũ khí này, nếu được tạo ra, sẽ trở thành phương tiện để xoay chuyển kết quả của toàn bộ cuộc Thế chiến thứ hai. Nếu Đức có bom nguyên tử trước Mỹ, đó sẽ là một thảm họa.

Sau khi có thông tin về việc các nhà khoa học Đức chạm tới ngưỡng cửa của lý thuyết tạo ra vũ khí hạt nhân, Einstein phải lật lại một số lý thuyết mình từng phủ định trước đó. Ông nhận ra sai lầm trong tính toán của mình và ngay lập tức hiểu ra sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Bức thư Einstein-Szilárd được viết bởi Leó Szilárd và ký tên bởi Albert Einstein sau đó đã được gửi cho Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt vào ngày 2 tháng 8 năm 1939. Nó cảnh báo về nguy cơ người Đức có thể phát triển bom nguyên tử và đề xuất rằng Hoa Kỳ nên khởi động chương trình hạt nhân của chính mình. Nó dẫn tới việc thành lập Dự án Manhattan phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên.

● Nội tình trong việc thả bom nguyên tử.

Sau này, khi đã có bom nguyên tử trong tay, để đánh gục hẳn sức chiến đấu của phe phát xít, chấm dứt hoàn toàn trận chiến dai dẳng hao người tốn của giữa phát xít và phe đồng minh, Mỹ đã quyết định dùng đến phương án cuối cùng: đó là thả bom nguyên tử xuống 2 cơ sở tàng trữ vũ khí hàng đầu của Nhật Bản là Nagasaki và Hiroshima.
Tuy nhiên trong vài tháng trước khi ném hai quả bom nguyên tử kia, Mỹ đã rải hơn 63 triệu truyền đơn xuống 33 thành phố trên khắp nước Nhật, trong đó đưa ra cảnh báo về việc đánh bom dữ dội các thành phố chính của Nhật Bản:

" Hãy đọc thật kỹ vì nó có thể cứu lấy mạng sống của chính bạn, người thân hay bạn bè của bạn.
Trong vài ngày tới, một số hoặc tất cả những thành phố được liệt kê trong danh sách ở mặt sau truyền đơn này sẽ bị phá hủy bởi những quả bom của người Mỹ. Những thành phố này đang sở hữu các hãng xưởng, nhà máy lắp ráp chế tạo thiết bị quân sự.
Chúng tôi quyết tâm tiêu diệt tất cả những trang thiết bị mà các phe phái quân sự đang sử dụng để kết thúc cuộc chiến vô nghĩa này. Nhưng, không may, những quả bom không có mắt.
Vì vậy, theo các chính sách nhân đạo của Mỹ, Không quân Mỹ, chúng tôi không muốn làm tổn thương người vô tội, do đó chúng tôi cảnh báo và yêu cầu bạn hãy di tản khỏi những thành phố được liệt kê để cứu lấy mạng sống của chính bạn.
Người Mỹ không chiến đấu chống lại nhân dân Nhật Bản, mà chiến đấu chống lại các thế lực quân sự đang sử dụng nhân dân Nhật Bản. Nền hòa bình mà Mỹ mang lại sẽ giải thoát cho người dân như các bạn đang phải sống trong sự áp bức của quân đội Nhật và đồng thời cũng có ý nghĩa mang đến một Nhật Bản mới tốt đẹp hơn.
Các bạn có thể mang hòa bình trở lại bằng cách chọn ra những người lãnh đạo mới và giỏi, những người thật sự muốn kết thúc chiến tranh.
Chúng tôi không thể hứa rằng những thành phố này sẽ được an toàn, một số hoặc tất cả sẽ bị phá hủy. Do vậy, hãy chú ý đến cảnh báo này và sơ tán khỏi các thành phố này ngay lập tức!"

Với cảnh báo này, quân Nhật vẫn không đầu hàng. Tuy nhiên, người Nhật đã coi trọng những gì được viết trong truyền đơn, khá nhiều người Nhật đã rời khỏi các thành phố chính. Chính phủ Nhật lúc bấy giờ đã bắt giữ bất cứ ai lưu trữ các tờ truyền đơn này vì không muốn đầu hàng.
Khi chuẩn bị thả quả bom nguyên tử xuống Hiroshima, phía Mỹ đã quyết định không rải truyền đơn đặc biệt về quả bom này, và không uy hiếp bằng cách cho nổ một quả bom ở nơi hoang vắng. Họ đưa ra quyết định đó vì không biết liệu quả bom có thực sự nổ hay không, đồng thời muốn gây sốc cho phát xít Nhật, buộc Nhật phải đầu hàng.
Như vậy điều người Nhật biết trước khi bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima là họ phải tránh xa thành phố, và Mỹ sẽ ném bom dữ dội trừ khi quân Nhật đầu hàng. Điều người Nhật không biết là họ có thể sẽ phải đối diện với một loại vũ khí có thể hủy diệt cả một thành phố.
Sau khi hội kiến với một số nước đồng minh, Mỹ đạt được đồng thuận để ném bom nguyên tử. Tổng thống Mỹ bấy giờ là Truman viết:
Vũ khí này được sử dụng chống lại Nhật Bản từ bây giờ cho tới ngày 10/8. Tôi đã nói với Bộ trưởng Chiến tranh Stimson rằng cần phải dùng nó sao cho các mục đích quân sự, lính bộ và thủy trở thành mục tiêu chứ không phải phụ nữ hay trẻ em.
Thậm chí nếu người Nhật có dã man, tàn nhẫn, cuồng tín, thì chúng ta, đất nước lãnh đạo thế giới cho sự thịnh vượng chung, không thể ném bom vào thủ đô cũ [Kyoto] hay thủ đô mới [Tokyo] của Nhật được. Ông ta và tôi đã đồng ý như vậy. Mục tiêu của quả bom là thuần túy vì mục đích quân sự.
Sau quả bom đầu tiên, Mỹ tiếp tục gửi truyền đơn và đồng thời phát radio từ Saipan (Mỹ đang nắm giữ) cứ mỗi 15 phút với nội dung tương tự như sau:
"Nước Mỹ yêu cầu các bạn ngay lập tức tuân thủ những gì chúng tôi nói trong truyền đơn này.
Chúng tôi đang sở hữu những quả bom kinh khủng nhất lịch sử loài người. Một trong số những quả bom mà chúng tôi đang nghiên cứu có sức công phá đến hơn 2.000 lần những gì mà một cái máy bay khổng lồ B-29 có thể mang lại.
Thực tế khủng khiếp này là một lý do để bạn suy nghĩ và chúng tôi bảo đảm rằng điều đó là tuyệt đối chính xác.
Chúng tôi chỉ mới bắt đầu sử dụng loại vũ khí này để chống lại quê hương các bạn. Nếu các bạn vẫn nghi ngờ, hãy xem lại những gì đã xảy ra ở Hiroshima khi chỉ có một quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố đó.
Trước khi sử dụng bom này để tiêu diệt mọi nguồn lực của quân đội mà họ có được để kéo dài cuộc chiến tranh vô ích này, chúng tôi kêu gọi các bạn hãy yêu cầu Nhật Hoàng kết thúc chiến tranh. Tổng thống của chúng tôi đã soạn ra cho các bạn 13 quyền lợi bảo đảm cho một lần đầu hàng danh dự. Chúng tôi khuyến khích bạn chấp nhận những quyền lợi này và bắt đầu công việc xây dựng một nước Nhật mới, một Nhật Bản tốt hơn và yêu hòa bình.
Các bạn nên bắt đầu thực hiện những bước cần thiết để đình chiến. Nếu không, chúng tôi sẽ kiên quyết sử dụng bom này và tất cả các loại vũ khí vượt trội khác để phản ứng kịp thời và kết thúc chiến tranh"

Song song với việc này, Mỹ tiếp tục rải truyền đơn xuống các thành phố khác của Nhật Bản, cảnh báo họ về việc thả quả bom tiếp theo.
Sau khi quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và tạo ra thảm họa hạt nhân, các nhà vật lý Nhật Bản đã tới đó xem xét hiện trường. Khi quay về Tokyo, họ báo cáo rằng đây chính là một quả bom hạt nhân. Bấy giờ tướng Nhật Soemu Toyoda cho rằng với loại vũ khí mới này, phía Mỹ chỉ có thể nắm giữ thêm một hoặc hai quả nữa. Vì thế chính phủ Nhật quyết định tiếp tục ngoan cố, và cho rằng “sẽ có những vụ nổ [bom nguyên tử] khác nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn”. Thông tin này đến với quân Đồng minh, và hậu quả của nó là quả bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki…

Tuy vậy, kể cả sau hai quả bom nguyên tử, phát xít Nhật cũng không chịu đầu hàng vô điều kiện. Nhật Bản vẫn còn vướng bận với 4 điều kiện đầu hàng của mình:
• Giữ nguyên quyền lực của Nhật hoàng;
• Quân Đồng minh không được chiếm đóng Nhật;
• Nhật sẽ tự giải giới;
• Nhật sẽ tự xét xử tội phạm chiến tranh.


Về phần mình, phía Mỹ chuẩn bị thêm 1 quả bom nguyên tử dự kiến sử dụng ngày 19/8, và dự kiến chuẩn bị thêm 3 quả cho tháng 9, 3 quả cho tháng 10. Tuy nhiên ngày 10/8, chứng kiến sức hủy diệt của hai quả bom, tổng thống Truman đã tìm cách trì hoãn, yêu cầu quân đội rằng trước khi mỗi quả bom nguyên tử tiếp theo được thả thì phải có sự đồng ý từ chính ông.

Thảm họa treo lơ lửng trên đầu nước Nhật chỉ kết thúc sau khi Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng tới nước Nhật. Ông viết:

"Mặc dù tất cả đã làm những gì tốt nhất trong khả năng – quân đội thủy bộ đã dũng cảm chiến đấu, công bộc của đất nước đã chăm chỉ và nhẫn nại, và sự cống hiến đối với hơn 100 triệu dân chúng; cục diện chiến tranh không thật sự có lợi cho nước Nhật, và xu thế của cả thế giới đã chống lại chúng ta. Hơn thế nữa, kẻ địch hiện đã nắm giữ một thứ vũ khí mới, khủng khiếp, có sức mạnh hủy diệt mạng sống vô tội và gây ra thiệt hại không thể đo lường. Nếu chúng ta tiếp tục đánh thì kết quả không chỉ là toàn bộ nước nhật bị sụp đổ và xóa sạch, mà cả nhân loại cũng sẽ bị hủy diệt.
Bởi vì thế, chúng ta sẽ cứu hàng triệu người như thế nào đây, chúng ta có thể đối diện với linh hồn của các bậc Thiên hoàng Nhật Bản hay không? Đó là nguyên nhân chúng tôi yêu cầu sự đồng thuận đối với việc đầu hàng".

● Không phải thực dân mà là kiến thiết.

Sau khi Nhật hoàng đầu hàng, Thống tướng MacArthur và Quân đội Mỹ đặt chân đến Nhật Bản, chuẩn bị cho công cuộc chiếm đóng nước Nhật của mình. Với tư cách là bên thua cuộc, chính phủ và nhân dân Nhật phải nằm dưới sự quản lý và những chính sách do Mỹ đưa ra. Một trong những việc đầu tiên mà tướng MacArthur làm là khẩn cấp xin chính phủ Mỹ viện trợ lương thực và tiền để kiến thiết nước Nhật trước thực trạng đổ nát của chiến tranh.

Với nỗ lực của MacArthur, chính phủ Mỹ tức tốc gửi đến nước Nhật 3,5 triệu tấn lương thực cùng hơn 2 tỷ USD. Tại trường học, trẻ em Nhật được ăn một bữa trưa miễn phí; lần đầu tiên trong lịch sử nước mình, phụ nữ được trao thêm nhiều quyền lợi hơn, trong đó có quyền bầu cử và ứng cử; tại các địa phương người dân được tạo điều kiện để tham gia sinh hoạt chính trị.
Ngày 3/2/1946, tướng MacArthur chỉ thị cho Tổng bộ Liên minh soạn thảo Hiến pháp Nhật Bản theo hướng dân chủ, chủ quyền đất nước thuộc về quốc dân chứ không phải Thiên hoàng. Thiên hoàng là biểu tượng cho sự đoàn kết và văn hóa Nhật, giống như Nữ hoàng Anh, nhưng không mang quyền lực chính trị thực tế. Thiên hoàng chỉ được tiến hành các hành vi liên quan đến việc nước theo quy định của bản Hiến pháp này và Thiên hoàng không có quyền lực liên quan tới chính phủ. Quốc hội Nhật là cơ quan chính trị có quyền lực cao nhất, thành viên quốc hội là những người được dân chúng chọn ra trong một cuộc bầu cử tự do.
Trước thực trạng nông dân không có đất canh tác, tháng 10/1946, Quốc hội thông qua “Luật cải cách ruộng đất”, tiến hành thu mua đất của của giới địa chủ và bán nợ lại cho nông dân không có đất.
Ngày 31/3/1947, Quốc hội ban hành “Luật Giáo dục”. Theo đó, mục tiêu hàng đầu của giáo dục là “Tôn trọng sự tôn nghiêm của cá nhân, bồi dưỡng cho mọi người có lòng nhiệt huyết vì chân lý và hòa bình”.
Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ bị mất quyền quản lý giáo dục và kiểm duyệt sách giáo khoa. Thay vào đó một “Ủy Ban Giáo Dục” do dân bầu ra đảm trách những việc ấy. Giáo viên dạy học sinh về tinh thần dân chủ chứ không phải tôn thờ Nhật Hoàng.

Năm 1951, Quân đội Mỹ tự khắc rút khỏi nước Nhật, trao trả lại nền độc lập cho Nhật Bản sau khi “sứ mệnh” kiến thiết nước Nhật của mình hoàn thành. Dưới sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật Bản đã vươn mình trở thành cường quốc giàu mạnh đứng thứ 2 sau Mỹ trên thế giới.
Người Nhật gọi tướng MacArthur là vị Shogun Mỹ. Shogun nghĩa là Sứ Quân, là người đứng đầu một lãnh địa, vào thời Nhật còn bị nạn sứ quân chia cắt. Khi MacArthur rời Nhật, những người Nhật tiễn ông đã tự mình bộc phát ra lời ca ngợi: “Muôn năm!” (Theo hồi ký Kiichi Miyazawa – Thủ tướng Nhật nhiệm kỳ 1991-1993)

*Quang Minh tổng hợp và biên tập
Dựa trên bài viết của Việt Phố, Lê Trung Kiên, Lê Khánh Huy.
Ngô văn Thành chuyển tiếp.

* Phụ ghi : Quân đội Sô Viết đã tiến vào Mãn châu áp sát Nhật khả năng có thể xãy ra cả Mỹ và Liên sô sẽ giải giáp Nhật như ở Berlin hình thành hai nhà nước Nhật Tự do và Nhật CS. Hai quả bom nguyên tử khiến Nhật chỉ đầu hàng Mỹ mới có nước Nhật trong thế giới tự do ngày nay!

Bạch  Mai ST

vendredi 4 août 2023

NỮ TRẠNG NGUYÊN DUY NHẤT TRONG SỬ VIỆT.

 NỮ TRẠNG NGUYÊN DUY NHẤT TRONG SỬ VIỆT.

 Lăng mộ Trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ (1574 - 1654) ở Hải Dương. Bà mất năm 1654 tại Đông Kinh này là Hà nội. 

Thời xưa “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được xem là việc của đàn ông, vì thế mà cảnh đèn sách đi thi của các sĩ tử thì tuyệt chỉ có nam giới, không hề có bóng nữ nhi nào. Chính vì thế nếu có bậc nữ nhi nào thông tỏ Tứ thư Ngũ kinh, có chí dùi mài kinh sử thì chỉ có nước đóng giả nam mới có cơ hội lọt vào trường thi. Lịch sử Việt Nam cũng đã từng có một bậc nhi nữ phải cải trang thành nam để thi tài, kết quả đã vượt qua tất cả các sĩ tử khác, trở thành trạng nguyên đứng đầu khoa thi.



1/. Nữ trạng nguyên duy nhất sử Việt.

Nguyễn Thị Duệ sinh ngày 14/3/1574 ở Kiệt Đặc, nay là phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Thuở nhỏ bà có tên là Nguyễn Thị Ngọc Toàn. Tương truyền rằng khi lên 4 tuổi bà đã biết viết chữ, đọc văn thơ, nức tiếng gần xa.

Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện rằng, thuở nhỏ, khi bị một cậu ấm trong vùng đến chọc ghẹo, bà đã làm hai câu thơ như sau:

"Xá chi vàng đá hỗn hào/ Thoảng đem cánh phượng bay cao thạch thành".

Năm 10 tuổi, Nguyễn Thị Duệ đã nổi tiếng là vừa đẹp người, lại đẹp nết, khiến nhiều gia đình quyền quý đến xin cưới hỏi, nhưng gia đình bà đều không ưng thuận.

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì “bà thông minh hơn người, học rộng hay chữ, hơn 10 tuổi giả trai, theo thầy học tập”.

Cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, cuộc chiến Trịnh – Mạc nổ ra. Năm 1592, Trịnh Tùng đưa quân tiến đánh Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn, chính là gần với quê hương của Nguyễn Thị Duệ. Trận này Mạc Mậu Hợp thất thế và bị bắt, vùng đất Hải Dương bị chiến tranh tàn phá, nhiều người chết. Để tìm đường sống, nhiều người dân trong vùng theo chân nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, gia đình Nguyễn Thị Duệ cũng nằm trong số đó.

Tại Cao Bằng, bà tìm học người thầy họ Cao. Khi nhà Mạc mở khoa thi năm 1594, dù có phần sa sút so với trước kia nhưng vẫn có nhiều sĩ tử các nơi đăng ký tham gia. Nguyễn Thị Duệ cùng người thầy của mình cũng đăng ký.

Nguyễn Thị Duệ năm ấy 20 tuổi, cải trang nam nhi mang tên là Nguyễn Du, vượt vào trường thi. Kết quả bất ngờ là bà đã đứng đầu cuộc thi này, còn thầy của bà đứng thứ hai. Sau cuộc thi, người thầy cảm động nói với bà rằng: “Màu xanh từ màu lam mà ra, ấy vậy mà lại đẹp hơn màu lam”.

2/. Hiền tài khiến vua chúa triều nào cũng mến phục.

Đến buổi yến tiệc dành cho các sĩ tử, nhiều ánh mắt đổ về người đỗ đầu với sự ngưỡng mộ. Vua Mạc Kính Cung thấy chàng trai đỗ đầu này dáng người mảnh mai, nét mặt thanh tú, bèn tìm cách dò hỏi mà biết rõ mọi chuyện của Nguyễn Thị Duệ. Thế nhưng khi biết thân thế thật sự của bà, vua Mạc không trách cứ mà còn khen ngợi.

Nguyễn Thị Duệ được mời vào cung để làm thầy dạy cho các phi tần của vua, ban hiệu là “Lễ nghi cố vấn”, rồi sau đó được tuyển làm Tinh phi. Vì thế người đời quen gọi bà là “bà chúa Sao”.

Năm 1625, quân Trịnh tiến đánh Cao Bằng diệt nhà Mạc, Nguyễn Thị Duệ phải chạy vào ẩn náu trong rừng nhưng bị quân Trịnh đổi theo bắt được. Tướng nhà Trịnh là Nguyễn Quý Nhạ vốn cùng quê với bà, từ lâu đã nghe danh tiếng của bà, bèn thảo một tờ biểu cho chúa Trịnh xem xét.

Chúa Trịnh Tráng sau khi tìm hiểu, biết bà là người có học thức bèn giao cho bà giảng dạy cho các phi tần ở phủ chúa, cung vua. Với học vấn uyên thâm, Nguyễn Thị Duệ ở trong cung dạy lễ nghĩa, văn thơ. Tại phủ chúa mỗi khi được hỏi han, bà đều viện dẫn kinh sử cùng các tích cổ nhằm khéo khuyên chúa nghe theo lời răn dạy của các bậc Thánh hiền, lấy dân làm gốc.

Thời gian này Nguyễn Thị Duệ có được mối giao hảo thâm tình với hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc (vợ vua Lê Thần Tông). Hai bà hàng ngày cùng lễ chùa, vãn cảnh. Nhờ các cuộc đàm đạo với sư sãi cũng như giao tiếp bên ngoài mà bà biết thêm tình hình đất nước cũng như sự cơ cực lầm than của người dân, để khi cần có thể lên tiếng giúp triều đình có được các chính sách hợp lòng dân.

3/. Có công lớn trong nền giáo dục nước nhà.

Cả vua Lê và chúa Trịnh đều coi trọng bà, phong bà là Nghi Ái Quan, cho phép bà được chấm các bài thi Hội, thi Đình. Nhiều câu chuyện về bà được lưu truyền trong dân gian.

Năm Đức Long thứ 3 thời vua Lê Thần Tông (1631), bà làm giám khảo kỳ thi tiến sĩ được tổ chức ở làng Mao Điền, Hải Dương, có rất nhiều sĩ tử dự thi.

Khi chấm bài, các quan giám khảo thấy có một quyển làm 4 mục rất tốt, nhưng lại bỏ qua không làm 8 mục. Nhưng vì bài làm rất tốt nên các quan không nỡ đánh trượt, bèn trình lên cho Chúa xem. Chúa đọc thấy rất tâm đắc nhưng còn vài chỗ chưa hiểu nên hỏi Nguyễn Thị Duệ. Bà liền giải nghĩa theo điển tích, nói ra hàm ý sâu xa, khiến Chúa cùng các quan phải khâm phục cả người làm lẫn người diễn giải.

Bà còn bình rằng: “Bài văn làm được 4 câu mà hay còn hơn làm hết 12 câu mà không hay, triều đình cần người thực tài chứ không cần kẻ nịnh bợ”. Thế là các quan cùng đồng ý chấm cho người làm bài đậu tiến sĩ khoa thi năm đó. Đến lúc tra ra mới biết sĩ tử làm bài thi đó là Nguyễn Minh Triết, em họ của bà.

Nhằm khuyến khích việc học tập khắp nơi để có được hiền tài cho đất nước, Nguyễn Thị Duệ đã gửi đề thi đến từng địa phương, rồi tập trung bài lại để chấm.

Theo văn bia và một số tài liệu, mỗi tháng 2 kỳ, bà cho họp các sĩ tử hàng huyện lại cho đề văn do bà đặt, bài làm xong giao hội “Tư Văn Chí Linh” để nộp lại cho bà. Đúng hạn bà trả bài, cho đăng tên, điểm trên văn chỉ. Phương pháp này của bà giúp người ở những làng quê xa cũng có tinh thần hiếu học, nhiều người nhờ bà rèn dũa mà thi đỗ, một số người đỗ đại khoa.

Nguyễn Thị Duệ cũng xin triều đình lấy nhiều mẫu ruộng tốt cho canh tác lấy hoa lợi, số tiền thu được dùng để thưởng cho những ai có thành tích tốt trong học tập.

4/. Tưởng nhớ.

Tình hình đất nước bấy giờ khiến bà trăn trở. Hết cuộc nội chiến Trịnh – Mạc rồi đến Trịnh – Nguyễn khiến đất nước rối ren, người dân Bắc Hà đói khổ. Càng nghĩ càng thêm chán nên Nguyễn Thị Duệ quyết định xin rời khỏi cung để về quê.

Vua Lê và chúa Trịnh không khuyên được nên đành để bà về quê. Bà dựng am để có nơi đọc sách và bảo ban các sĩ tử trong làng. Vua Lê giao cho bà số thuế hàng năm của tổng Kiệt Đặc để làm bổng lộc an hưởng tuổi già, nhưng bà chỉ lấy một ít để dùng, còn lại chi tiêu vào việc công ích và trợ giúp người nghèo.

Bà mất năm 1654, thọ 80 tuổi. Bên cạnh bia mộ của bà có một ngôi tháp tên là “Tinh phi cổ pháp” khắc mười chữ Hán “Lễ sư sinh thông tuệ. Nhất kính chiếu tam vương” nghĩa là người thầy dạy lễ này sinh thời thông tuệ, các vua chúa đều mến phục bà.

Tại Văn Miếu ở Mao Điền, Hải Dương, có thờ 600 vị tiến sĩ, trong đó có 8 vị đại khoa của tỉnh Hải Dương. Bà Nguyễn Thị Duệ nằm trong số 8 vị đại khoa này.

Văn Miếu ở Mao Điền chỉ đứng sau Văn Miếu Quốc Tử Giám bởi nó đã có 500 năm tồn tại. Chính giữa Văn Miếu Mao Điền thờ Khổng Tử, sau đó lần lượt hai bên là Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Thị Duệ. Đặc biệt bà Nguyễn Thị Duệ là nữ trạng nguyên duy nhất của nước Việt.

Vào tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ hội lớn sẽ diễn ra ở Văn Miếu Mao Điền để người Việt tham quan các di tích, ôn lại truyền thống hiếu học của các bậc hiền tài nước Việt thuở xưa.

Nguồn: trithucvn

(*) Ảnh - Lăng mộ Trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ (1574 - 1654) ở Hải Dương. Bà mất năm 1654 tại Đông Kinh này là Hà nội. 

image

Hồng Phúc sưu tầm

dimanche 25 juin 2023

Nếu được sống lại cuộc đời đã qua một lần nữa


 

Người ta phỏng vấn một bà già gần 90 tuổi rằng: nếu được sống lại cuộc đời đã qua một lần nữa, bà sẽ sống như thế nào?


"- bà già nói - thì tôi sẽ dám… phạm nhiều sai lầm hơn. Tôi sẽ ngờ nghệch hơn là tôi đã ngờ nghệch trong cuộc đời này. Tôi sẽ thảnh thơi hơn, linh hoạt hơn. Tôi sẽ coi ít thứ nghiêm chỉnh hơn. Tôi sẽ trèo núi lội đèo nhiều hơn, bơi lội nhiều hơn… Tôi sẽ ăn nhiều… kem hơn. Dĩ nhiên, tôi sẽ gặp nhiều rắc rối hơn, nhưng tôi sẽ thực tế hơn là chỉ mơ mộng. Tôi sẽ bớt… lành mạnh hơn. Ôi, tôi đã có những khoảnh khắc của đời mình và tôi muốn có nhiều hơn những khoảnh khắc đó, cái nọ nối cái kia, cái nọ tiếp cái kia, thay vì tôi cứ sống để chờ đợi…

Nếu tôi được sống lại cuộc đời đã qua một lần nữa, tôi sẽ đi chân không nhiều hơn, sẽ bớt mang theo dù và dầu nóng, bình thủy các thứ… Tôi sẽ hái nhiều hoa cúc hơn…".

Thỉnh thoảng, có lẽ ta cũng nên tự hỏi mình một câu như vậy. Có phải, ta cũng thường sống trong nhớ tiếc hoặc đợi chờ, mà quên đi cái quà tặng quý báu của cuộc sống chính là sự hiện diện của ngày hôm nay, của giây phút này, của ở đây và bây giờ.

Tiếng Anh có một từ khá tuyệt: present - vừa có nghĩa là hiện tại, sự hiện diện, có mặt, lại vừa có nghĩa là món quà. Ta nghe nơi này nơi khác người ta luôn nói, không có thì giờ, không có thì giờ. Đến nỗi một nhà thơ phải kêu lên:

Không có thì giờ!
Chim lấy đâu mà về tổ.
Tôi lấy đâu mà làm thơ.
Em lấy đâu mà đọc những bài thơ tôi sắp viết!
(Nguyên Sa)

Tiếng chim và khế ngọt vẫn có đó, ánh nắng và sóng biển vẫn có đó, đèo cao và suối mát vẫn có đó, nhưng… hãy đợi đấy, còn phải dành thì giờ để nhớ nắng hôm qua, mưa năm nọ, tiếng chim ngày cũ, rồi còn dành thì giờ để mong ngóng tương lai, sống trong tương lai như cô nàng Perrette mang bình sữa ra chợ! Ta chờ… lớn. Chờ thi đậu. Chờ thành đạt. Chờ có tiền. Chờ cưới vợ. Chờ đẻ con. Chờ con lớn… Chờ con thi đậu. Cứ thế. Cho đến một hôm thảng thốt: "Rồi tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ, một ngày đầu thu…" (TCS).

Mùa xuân sao không đi hái lộc, mùa hạ sao không dẫn bầy em nhỏ đi tắm sông? "Hạnh phúc rất đơn sơ", vậy mà Khổng Tử suốt đời quần quật chỉ mong được thế đôi lần! Quả thật, chúng ta thường sống với dĩ vãng, một thời đã qua, hoặc sống với tương lai, một thời chưa tới. Còn hiện tại thì tối tăm mặt mũi; không có thì giờ! Không kịp ăn sáng, không kịp tắm (không kịp thay đồ?). Hộc tốc. Luôn luôn hộc tốc. Nhai ngoàm ngoàm. Đi vội vàng. Thở hào hển. Và hùng hục.

Lâm Ngữ Đường, hơn nửa thế kỷ trước, đã chê người Mỹ có ba cái tật xấu là: luôn muốn tăng hiệu năng, muốn đúng giờ và muốn thành công. Ông nói: "Họ luôn cau có và quạu quọ, vì ba cái tật đó đã cướp đi của họ sự thư nhàn, lại còn làm cho họ luôn bị căng thẳng thần kinh vì luôn cầu toàn trách bị! Viên chủ bút Mỹ lo bạc đầu vì muốn không có một lỗi in nào trong tạp chí của ông ta, còn viên chủ bút Trung Hoa (dĩ nhiên, cách đây hơn nửa thế kỷ!) khôn hơn, để cho độc giả có cái thú tìm ra được ít nhiều lỗi trên báo! Đời sống bây giờ biến người ta thành cái… đồng hồ.

Người Mỹ sống như một học sinh tiểu học, giờ nào việc đó, từng giờ từng phút". Rồi ông kêu lên: "Đời sống mà như vậy thì còn giá trị gì nữa" (Sống đẹp, LNĐ, bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Ngày nay thì các "tật xấu" đó đã toàn cầu hóa, đã trở thành bệnh của thời đại, đến nỗi bây giờ người ta bị cao huyết áp, bị tim mạch, bị trĩ, bị bón… cũng vì không có thì giờ!

Nguyễn Công Trứ nói: "So lao tâm lao lực cũng một đàn/ Người trần thế muốn nhàn sao được?" Ý ông là, chỉ có tiên mới sướng.

Nhưng bây giờ ta cũng có tiền rồi, mà có tiền thì mua tiên cũng được quá đi chứ. Tiện nghi ngày càng cải thiện. Đằng vân giá võ, thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, thần giao cách cảm không thiếu thứ gì!

Bấm cái nút gặp ngay người trong mộng. Trò chuyện với người cách xa nửa vòng trái đất như đang ngồi trước mặt… Thế mà, vì sao ta không được "sướng như tiên"? Có lẽ là do cái nhu cầu giả tạo cứ ngày càng dày đặc thêm, cứ nhồi nhét mãi rồi thì đến một lúc tưởng là nhu cầu thật.

Đẻ con thì phải đẻ mổ, chọn giờ để mong sau này con được làm vua. Ai cũng làm vua cả thì ai sẽ là thường dân cho vua trị vì? Nhưng vua đâu chẳng thấy chỉ thấy nhiều trẻ thiếu oxy não, liệt thần kinh, bị tâm thần… Các thứ sữa dành cho trẻ con bây giờ thì phải có chất tạo… thông minh. Làm như xưa nay không có các sản phẩm đó thì thế giới chỉ toàn người ngu dốt!

Cho nên, Tô Đông Pha mới buông thuyền trên sông Xích Bích, Bạch Cư Dị mới xuống ngựa dừng chèo ở bến Tầm Dương, và Nguyễn Công Trứ mới… mơ ước: "Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch/Tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn/Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn/Đồ thích chí chất đầy trong một túi…" (Kẻ sĩ)

Bây giờ, "đồ thích chí" ta còn có thể chất đầy "trong một xe" đời mới, chỉ "không có thì giờ!" thôi vậy!

Đỗ Hồng Ngọc

Fb Nguyễn Hoàng Tuân

Nguồn giới thiệu:
https://www.facebook.com/groups/395853348109312/permalink/82234570
2126739/

lundi 8 mai 2023

HỒI KÝ CỦA MỘT NGƯỜI BỊ KẸT LẠI HÀ NỘI SAU 1954

 HỒI KÝ CỦA MỘT NGƯỜI BỊ KẸT LẠI HÀ NỘI SAU 1954


                    

Ông Hòa là cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, bị Cộng sản bắt đi tù năm 1975, sang Mỹ theo diện HO. Tôi gặp ông tại một tiệc cưới, trở thành bạn, thường gặp nhau bởi cùng sở thích, nói chuyện văn chương, thời thế, dù trong quá khứ ông sống tại miền Nam, tôi ở xứ Bắc.
Một lần tới thăm, cháu Thu Lan, con ông Hòa, hỏi tôi:
- “Bác ở Hà Nội mà cũng đi ty nạn à…?”
Nghe hỏi tự nhiên nên tôi chỉ cười:
- “Cái cột đèn mà biết đi, nó cũng đi… nữa là bác!”
Thực ra tôi đã không trốn thoát được từ lần đầu “vượt tuyến” vào miền Nam. Rồi thêm nhiều lần nữa và 2 lần “vượt biển”, vẫn không thoát. Chịu đủ các “nạn” của chế độ cộng sản trong 27 năm ở lại miền Bắc, tôi không tị nạn, mà đi tìm Tự Do, trở thành thuyền nhân, đến nước Mỹ năm 1982.
Sinh trưởng tại Hà Nội, những năm đầu sống ở Mỹ, tôi đã gặp nhiều câu hỏi như cháu Thu Lan, có người vì tò mò, có người giễu cợt. Thời gian rồi cũng hiểu nhau.
Tôi hằng suy nghĩ và muốn viết những giòng hồi tưởng, vẽ lại bức tranh Hà Nội xưa, tặng thế hệ trẻ, và riêng cho những người Hà Nội di cư. Người dân sống ở miền Nam trù phú, kể cả hàng triệu người di cư từ miền Bắc, đã không biết được những gì xảy ra tại Hà Nội, thời người cộng sản chưa vận com-lê, đeo cà-vạt, phụ nữ không mặc áo dài.
Hiệp định Geneva chia đôi nước Việt. Cộng sản, chưa lộ mặt là Cộng sản, tràn vào miền Bắc tháng 10 năm 1954. Người Hà Nội đã “di cư” vào miền Nam, bỏ lại Hà Nội hoang vắng, tiêu điều, với chính quyền mới là Việt Minh, đọc tắt lại thành Vẹm. Vì chưa trưởng thành, tôi đã không hiểu thế nào là …Vẹm! Khi họ tiếp quản Hà Nội, tôi đang ở Hải Phòng. Dân đông nghịt thành phố, chờ tầu há mồm để di cư. Trước Nhà Hát Lớn, vali, hòm gỗ, bao gói xếp la liệt.
Lang thang chợ trời, tôi chờ cha tôi quyết định đi Nam hay ở lại. Hiệp định Geneva ghi nước Việt Nam chỉ tạm thời chia cắt, hai năm sau sẽ “Tổng tuyển cử” thống nhất. 
Ai ngờ cộng sản miền Bắc “tổng tấn công” miền Nam! 
Gia đình lớn của tôi, không ai làm cho Pháp, cũng không ai theo Việt Minh. Cha tôi làm chủ một hãng thầu, nghĩ đơn giản là dân thường nên ở lại. Tôi phải về Hà Nội học.
Chuyến xe lửa Hà Nội “tăng bo” tại ga Phạm Xá, nghĩa là hai chính quyền, hai chế độ, ngăn cách bởi một đoạn đường vài trăm mét, phải đi bộ hoặc xe ngựa. Người xuống Hải phòng ùn ùn với hành lý để đi Nam, người đi Hà Nội là con buôn, mang xăng về bán. Những toa tầu chật cứng người và chất cháy, từ chai lọ đến can chứa nhà binh, leo lên nóc tầu, bíu vào thành toa, liều lĩnh, hỗn loạn … 
Tới cầu Long Biên tức là vào Hà Nội. Tầu lắc lư, người va chạm người. Thằng bé ù chạc 15 tuổi, quắc mắt nhìn tôi: 
“Ðề nghị đồng chí xác định lại thái độ, lập trường tư tưởng!”
Tôi bàng hoàng vì thứ ngoại ngữ Trung quốc, phiên âm thành tiếng Việt, nghe lần đầu không hiểu, để rồi phải “học tập” suốt 20 năm, “ngoại ngữ cộng sản”: “đấu tranh”, “cảnh giác”, “căm thù” và … “tiêu diệt giai cấp”! (Thứ ngôn ngữ này ghi trong ngoặc kép.)
Hà Nội im lìm trong tiết đông lạnh giá, người Hà Nội e dè nghe ngóng từng “chính sách” mới ban hành. 
“Cán bộ” và “bộ đội” chỉ khác nhau có ngôi sao trên mũ bằng nan tre, phủ lớp vải mầu cỏ úa, gọi là “mũ bộ đội”, sau này có tên là “nón cối”. Hà Nội “xuất hiện” đôi dép “Bình Trị Thiên”, người Bắc gọi là “dép lốp”, ghi vào lịch sử thành “dép râu”.
Chiếc áo dài duyên dáng, thướt tha của thiếu nữ Hà Nội được coi là “biểu hiện” của “tư sản, phong kiến”, biến mất trong mười mấy năm sau, vì “triệt để cách mạng”. Lần đầu tiên, “toàn thể chị em phụ nữ” đều mặc giống nhau: áo “sơ mi”, quần đen. Hãn hữu, như đám cưới mới mặc sơ mi trắng vì “cả nước” không có xà phòng.
Chơi vơi trong Hà Nội, tôi đi tìm thầy xưa, bạn cũ, hầu hết đã đi Nam. Tôi phải học năm cuối cùng, Tú tài 2, cùng một số “lớp Chín hậu phương”, năm sau sẽ sát nhập thành “hệ mười năm”. Số học sinh “lớp Chín” này vào lớp không phải để học, mà là “tổ chức Hiệu đoàn”, nhận “chỉ thị của Thành đoàn” rồi “phát động phong trào chống văn hóa nô dịch!” 
Họ truy lùng… đốt sách!
Tôi đã phải nhồi nhét đầy ba bao tải, Hiệu đoàn “kiểm tra”, lục lọi, từ quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách quý, mang “tập trung” tại Thư viện phố Tràng Thi, để đốt. 
Lửa cháy bập bùng mấy ngày, trong niềm “phấn khởi”, lời hô khẩu hiệu “quyết tâm”, và “phát biểu của bí thư Thành đoàn”: tiểu thuyết của Tự Lực Văn Ðoàn là … “cực kỳ phản động!” Vào lớp học với những “phê bình, kiểm thảo…cảnh giác, lập trường”, tôi đành bỏ học.
Chiếc radio Philip, “tự nguyện”, mang ra “đồn công an”, thế là hết, gia tài của tôi!
Mất đời học sinh, tôi bắt đầu cuộc sống đọa đày vì “thành phần giai cấp”, “sổ hộ khẩu”, “tem, phiếu thực phẩm”, “lao động nghĩa vụ hàng tháng”. 
Ðây là chính sách dồn ép thanh niên Hà Nội đi “lao động công trường”, miền rừng núi xa xôi. Tôi chỉ bám Hà Nội được 2 năm là bị “cắt hộ khẩu”, … đi tù!
Tết đầu tiên sau “tiếp quản”, còn được gọi là “sau hòa bình lập lại”, Hà Nội mơ hồ. Những bộ mặt vàng võ, áo quần nhầu nát, xám xịt, thái độ “ít cởi mở”, từ “nông thôn” kéo về tiếp quản chiếm nhà người Hà Nội di cư. Người Hà Nội ở lại bắt đầu hoang mang vì những tin đồn và “chỉ thị”: ăn Tết “đơn giản, tiết kiệm”. Hàng hóa hiếm dần, “hàng nội” thay cho “hàng ngoại”.
Âm thầm, tôi dạo bước bên bờ Hồ Gươm, tối 30 Tết. Tháp Rùa, Cầu Thê Húc nhạt nhòa, ảm đạm, đền Ngọc Sơn vắng lặng. Chỉ có Nhà Thủy Tạ, đêm nay có ca nhạc, lần cuối cùng của nghệ sĩ Hà Nội. 
Ðoàn Chuẩn nhớ thương hát “Gửi người em gái miền Nam”, để rồi bị đấu tố là phong cách tiểu tư sản, rạp xinê Ðại Ðồng phố Hàng Cót bị “tịch thu”. 
Hoàng Giác ca bài “Bóng ngày qua”, bị kết tội thành “tề ngụy”, hiệu đàn nhỏ phố Cầu Gỗ phải dẹp, vào tổ đan mũ nan, làn mây, sống “tiêu cực” hết đời trong đói nghèo, khốn khổ. 
Danh ca Minh Ðỗ, Ngọc Bảo, nhạc sĩ Tạ Tấn, sau này làm gì, sống ra sao, “phân tán”, chẳng ai còn dám gặp nhau, sợ thành “phản động tụ tập”.
“Chỉ thị Ðảng và Ủy ban Thành” “phổ biến rộng rãi trong quần chúng” là diệt chó. “Toàn dân diệt chó”, từ thành thị đến “nông thôn”. Gậy gộc, giây thừng, đòn gánh, nện chết hoặc bắt trói, rồi đầu làng, góc phố “liên hoan tập thể”.
Lý do giết chó, nói là trừ bệnh chó dại, nhưng đó là “chủ trương”, chuẩn bị cho đấu tố “cải tạo tư sản” và “cải cách ruộng đất”. Du kích, công an rình mò, “theo dõi”, “nắm vững tình hình” không bị lộ bởi chó sủa. Mọi nơi im phăng phắc ban đêm, mọi người nín thở đợi chờ thảm họa. 
Hà Nội đói và rách, khoai sắn chiếm 2 phần tem gạo, 3 mét vải “cung cấp” một năm theo “từng người trong hộ”. Mẹ may thêm chiếc quần “đi lao động “ thì con nít cởi truồng. 
Người thành thị, làm cật lực, xây dựng cơ ngơi, có ai ngờ bị quy là “tư sản bóc lột”? nhẹ hơn là “tiểu tư sản”, vẫn là “đối tượng của cách mạng”. 
Nông dân có dăm sào ruộng đất gia truyền vẫn bị quy là “địa chủ bóc lột, cường hào ác bá”!
Giáo sư Trương văn Minh, hiệu trưởng trường Tây Sơn, ngày đầu “học tập”, đã nhẩy lầu, tự tử. 
“Tư sản Hà Nội” di cư vào Nam hết, chẳng còn bao nhiêu nên “công tác cải tạo được làm “gọn nhẹ” và “thành công vượt mức”, nghĩa là mang bắn một, hai người “điển hình”, coi là “bọn đầu xỏ” “đầu cơ tích trữ”, còn thì “kiểm kê”, đánh “thuế hàng hóa”, “truy thu”, rồi “tịch thu” vì “ngoan cố, chống lại cách mạng!”

Báo, đài hàng ngày tường thuật chuyện đấu tố, kể tội ác địa chủ, theo bài bản của “đội cải cách” về làng, “bắt rễ” “bần cố nông”, “chuẩn bị thật tốt”, nghĩa là bắt học thuộc lòng “từng điểm”: tội ác địa chủ thì phải có hiếp dâm, đánh đập, bắt con ở đợ, “điển hình” thì mang thai nhi cho vào cối giã, nấu cho lợn ăn, đánh chết tá điền, hiếp vợ sặc máu …! 
Một vài vụ, do “Ðảng lãnh đạo”, “vận động tốt”, con gái, con dâu địa chủ, “thoát ly giai cấp”, “tích cực” “tố cáo tội ác” của cha mẹ.
Cảnh tượng này thật não nùng! Lời Bác dạy suốt mấy mươi năm: “Trung với Ðảng, hiếu với dân …” là vậy! 
“Bần cố nông” cắm biển nhận ruộng được chia, chưa cấy xong hai vụ thì phải “vào hợp tác”, “làm ăn tập thể”, ruộng đất lại thu hồi về “cộng sản”.
“Toàn miền Bắc” biết được điều “cơ bản” về Xã hội chủ nghĩa là… nói dối! Mọi người, mọi nhà “thi đua nói dối”, nói những gì Ðảng nói. Nói dối để sống còn, tránh bị “đàn áp”, lâu rồi thành “nếp sống”, cả một thế hệ hoặc lặng câm, hoặc nói dối, vì được “rèn luyện” trong xã hội ngục tù, lấy “công an” làm “nòng cốt” chế độ.
Ở Mỹ, ai hỏi bạn: “How are you?”, bạn trả lời: “I’m fine, thank you.” 
Ở miền Bắc VN thời đại Hồ chí Minh, “cán bộ” hỏi: “Công tác thế nào?” Dù làm nghề bơm xe, vá lốp, người ta trả lời, “…rất phấn khởi, ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng… các nước anh em!”
Bị bắt bên bờ sông Bến Hải, giới tuyến chia hai miền Nam Bắc, năm 19 tuổi, tôi bị “bộ đội biên phòng” giong về Lệ Thủy, được “tự do” ở trong nhà chị “du kích” hai ngày, đợi đò về Ðồng Hới. Trải 9 trại giam nữa thì về tới Hỏa Lò Hà Nội, vào xà lim. Cảnh tù tội chẳng có gì tươi đẹp, xã hội cũng là một nhà tù, không như báo, đài hằng ngày kêu to “Chế độ ta tươi đẹp”.
Cơ hàn thiết thân, bất cố liêm sỉ, người tù “biến chất”, người tứ chiến kéo về, nhận là người Hà Nội, đói rét triền miên nên cũng “biến chất”!
Ðối xử lọc lừa, gia đình, bè bạn, họ hàng, “tiếp xúc” với nhau phải “luôn luôn cảnh giác”. Hà Nội đã mất nền lễ giáo cổ xưa, Hà Nội suy sụp tinh thần vì danh từ “đồng chí”! 
Nằm trong xà lim, không có ngày đêm, giờ giấc, nghe tiếng động mà suy đoán “tình hình”. Ánh điện tù mù chiếu ô cửa sổ nhỏ song sắt, cao quá đầu, tôi đứng trên xà lim, dùng ngón tay vẽ chữ lên tường, “liên lạc” được với Thụy An ở xà lim phía trước.
Thụy An là người Hà Nội ở lại tham gia hoạt động “Nhân Văn Giai Phẩm”, đòi tự do cho văn nghệ sĩ, sau chuyển lên rừng, không có ngày về Hà Nội. Bà phẩn uất, đã dùng đũa tre chọc mù một mắt, nói câu khí phách truyền tụng: “Chế độ này chỉ đáng nhìn bằng nửa con mắt!”
Người du lịch Việt Nam, ít có ai lên vùng Thượng Du xứ Bắc, tỉnh Lào Cai, có trại tù Phong Quang hà khắc, có thung lũng sâu heo hút, có tù chính trị chặt tre vầu theo “định mức chỉ tiêu”. Rừng núi bao la, tiếng chim “bắt cô trói cột”, nấc lên nức nở, tiếng gà gô, thức giấc, sương mù quanh năm.
Phố Hàng Ðào Hà Nội, vốn là “con đường tư sản”, có người trai trẻ tên Kim, học sinh Albert Sarraut. Học trường Tây thì phải chịu sự “căm thù đế quốc” của Ðảng, “đế quốc Pháp” trước kia và “đế quốc Mỹ” sau này.
Tù chính trị nhốt lẫn với lưu manh, chưa đủ một năm, Kim Hàng Ðào “bất mãn” trở thành Kim Cụt, bị chặt đứt cánh tay đến vai, không thuốc, không “nhà thương” mà vẫn không chết.
Phố Nguyễn công Trứ gần Nhà Rượu, phía Nam Hà Nội, người thanh niên đẹp trai, có biệt danh Phan Sữa, giỏi đàn guitar, mê nhạc Ðoàn Chuẩn, đi tù Phong Quang vì “lãng mạn tiểu tư sản”. Không hành lý nhưng vẫn ôm theo cây đàn guitar. Chỉ vì “tiểu tư sản”, không “tiến bộ”, không có ngày về…! Ba tháng “kỷ luật”, Phan Sữa hấp hối, khiêng ra khỏi Cổng Trời cao vút, gió núi mây ngàn, thì tiêu tan giấc mơ Tình Nghệ Sĩ!
Người già Hà Nội chết dần, thế hệ thứ hai, “xung phong”, “tình nguyện” hoặc bị “tập trung” xa rời Hà Nội. Bộ công an “quyết tâm quét sạch tàn dư đế quốc, phản động”, nên chỉ còn người Hà Nội từ “kháng chiến” về, “nhất trí tán thành” những gì Ðảng … nói dối!
Tôi may mắn sống sót, dù mang lý lịch “bôi đen chế độ”, “âm mưu lật đổ chính quyền”, trở thành người “Hà Nội di cư”, 10 năm về Hà Nội đôi lần, khó khăn vì “trình báo hộ khẩu”, “tạm trú tạm vắng”. “Kinh nghiệm bản thân”, “phấn đấu vượt qua bao khó khăn, gian khổ”, số lần tù đã quên trong trí nhớ, tôi sống tại Hải Phòng, vùng biển.
Hải Phòng là cơ hội “ngàn năm một thuở” cho người Hà Nội “vượt biên” khi chính quyền Hà Nội chống Tầu, xua đuổi “người Hoa” ra biển, khi nước Mỹ và thế giới đón nhận “thuyền nhân” tị nạn.
Năm 1980, tôi vào Sài Gòn, thành phố đã mất tên sau “ngày giải phóng miền Nam”. Vào Nam, tuy phải lén lút mà đi, nhưng vẫn còn dễ hơn “di chuyển” trong các tỉnh miền Bắc trước đây. Tôi bước trên đường Tự Do, hưởng chút dư hương của Sài Gòn cũ, cảnh tượng rồi cũng đổi thay như Hà Nội đã đổi thay sau 1954 vì “cán ngố” cai trị.
Dân chúng miền Nam “vượt biển” ào ạt, nghe nói dễ hơn nên tôi vào Sài Gòn, tìm manh mối. Gặp cha mẹ ca sĩ Thanh Lan tại nhà, đường Hồ Xuân Hương, gặp cựu sĩ quan Cộng Hòa, anh Minh, anh Ngọc, đường Trần Quốc Toản, tù từ miền Bắc trở về. Ðường ra biển tính theo “cây”, bảy, tám cây mà dễ bị lừa. Chị Thanh Chi (mẹ Thanh Lan) nhìn “nón cối” “ngụy trang” của tôi, mỉm cười: “Trông anh như cán ngố, mà chẳng ngố chút nào!” 
“Hà Nội, trí thức thời Tây, chứ bộ…!.”
Cả nước Việt Nam, ai cũng sẽ trở thành diễn viên, kịch sĩ giỏi!” 
Về lại Hải Phòng với “giấy giới thiệu” của “Sở giao thông” do “móc ngoặc” với “cán bộ miền Nam” ở Saigòn, tôi đã tìm ra “biện pháp tốt nhất” là những dân chài miền Bắc vùng ven biển. Ðã đến lúc câu truyền tụng “Nếu cái cột điện mà biết đi….”, dân Bắc “thấm nhuần” nên “nỗ lực” vượt biên.
Năm bốn mươi tư tuổi, tôi tìm được Tự Do, định cư tại Mỹ, học tiếng Anh ngày càng khá, nhưng nói tiếng Việt với đồng hương, vẫn còn pha chút “ngoại ngữ Việt cộng” năm xưa.
Cuộc sống của tôi ở Việt Nam đã đến “mức độ” khốn cùng, nên tan nát, thương đau. Khi đã lang thang “đầu đường xó chợ” thì mới đủ “tiêu chuẩn” “xuống thành phần”, lý lịch có thể ghi là “dân nghèo thành thị”, nhưng vẫn không bao giờ được vào “công nhân biên chế nhà nước”.
Tôi mang nhẫn nhục, “kiên trì” sang Mỹ, làm lại cuộc đời nên “đạt kết quả vô cùng tốt đẹp”, “đạt được nguyện vọng” hằng ước mơ!
Có người “kêu ca” về “chế độ tư bản” Mỹ tạo nên cuộc sống lo âu, tất bật hàng ngày, thì xin “thông cảm” với tôi, ngợi ca nước Mỹ đã cho tôi nhân quyền, dân chủ, trở thành công dân Hoa kỳ gốc Việt, hưởng đầy đủ “phúc lợi xã hội”, còn đẹp hơn tả trong sách Mác Lê về giấc mơ Cộng sản.
Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ rồi. Cộng sản Việt Nam bây giờ “đổi mới”. Tiếng “đổi” và“đổ” chỉ khác một chữ “i”. Người Việt Nam sẽ cắt đứt chữ “i”, dù phải từ từ, bằng “diễn biến hòa bình”. Chế độ Việt cộng “nhất định phải đổ”, đó là “quy luật tất yếu của lịch sử nhân loại”. 
Ôi! “đỉnh cao trí tuệ”, một mớ danh từ…!

Nguồn : Nguyễn Văn Luận. 

image

H.Phúc sưu tầm