vendredi 25 mai 2012

Cái Bật Lửa

 
 
Cái Bật Lửa
 
Để kỷ niệm một trận chiến, một quận công bên Anh Quốc đã làm một bữa tiệc khoản đãi một nhóm cựu sĩ quan đã từng chiến đấu sát cánh bên ông.
Trong bữa tiệc, ông đem cho một cái bật lửa rất đẹp mà Nữ hoàng Anh đã tặng cho ông. Cái bật lửa đã được truyền từ tay người này đến tay người nọ để được trầm trồ khen ngợi.
Sau bữa ăn, mọi người được mời ra phòng khách để uống trà. Ông quận công mới đem thuốc lá ra mời mọi người. Nhưng mặt ông bỗng biến sắc, vì ông lục lạo mãi trong túi áo mà vẫn không tìm ra cái bật lửa. Ông hỏi quan khách có ai thấy nó ở đâu không. Mọi người chia nhau đi tìm khắp nơi mà tuyệt nhiên vẫn không thấy cái bật lửa. Lúc bấy giờ, một viên sĩ quan mới đề nghị cho tất cả mọi quan khách nên lật túi áo của mình ra may ra mới có thể tìm thấy nó chăng. Lần lượt tất cả mọi người đều kéo tất cả những gì có trong túi áo của mình ra. Duy chỉ có một người không chịu chấp nhận công việc này. Mọi người đều đưa mắt nhìn về ông và ai cũng đoán chắc đây là người đã đánh cắp cái bật lửa, bởi vì dáng vẻ của ông tiều tụy, áo quần của ông lại rách rưới. Ông lấy danh dự của một cựu sĩ quan để thề thốt và dứt khóat không mở túi áo ra cho mọi người xem.
Vài tuần lễ sau, ông quận công lại mở một bữa tiệc khác và lần này, ông khám phá ra cái bật lửa trong túi áo của ông. Cảm thấy xấu hổ vì đã nghi oan cho một viên sĩ quan đã từng chiến đấu bên cạnh mình, ông quận công đã quyết định đến thăm anh ta để xin lỗi.
Nhà của viên cựu sĩ quan này nằm trong khu phố lầy lội nghèo nàn. Sau khi đã xin lỗi, ông quận công đã hỏi viên sĩ quan: "Tại sao trong bữa tiệc hôm đó, anh đã khước từ không mở túi ra cho mọi người xem?".
Anh ta mới giải thích như sau: "Hẳn ngài đã thấy được căn nhà tôi đang ở tồi tàn như thế nào. Từ lâu, tôi đã thất nghiệp mà vẫn phải nuôi nhiều miệng ăn trong nhà. Ngài đâu có biết rằng hôm đó, tôi đã nhét vào túi tôi tất cả những đồ ăn thừa trên bàn để mang về cho vợ con tôi".
Sau khi hiểu được hoàn cảnh đáng thương của một người đã từng vào sinh ra tử với mình, ông quận công quyết định đền bù bằng cách tìm cho viên cựu sĩ quan một công việc xứng đáng.
Câu chuyện đáng thương tâm trên đây có lẽ cũng diễn ra trong cuộc sống chúng ta dưới nhiều cấp độ và hình thức khác nhau. Nhưng tựu trung, có lẽ mẫu số chung của câu chuyện ấy thường giống nhau: đó là chúng dễ nhìn và đoán xét người theo bề ngoài. Lại nữa, một xã hội có quá nhiều lừa gạt đảo điên cũng khiến cho chúng ta có thái độ e dè, nghi kỵ đối với những người thân thuộc.
Là tín hữu, chúng ta hãy nhìn ngắm cung cách cư xử của Chúa Giêsu. Ngài không nhìn người bằng nhãn hiệu có sẵn. Ngài không đến với người bằng những định kiến. Bên kia bộ quần áo sang trọng hay rách rưới, Chúa Giêsu chỉ nhìn thấy hình ảnh cao quý của chính Thiên Chúa. Ngài dành yêu thương cho những người nghèo khổ, phường thu thuế, bọn gái điếm, những kẻ tội lỗi, những ngưòi con bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chỉ có một cái nhìn duy nhất về con người: đó là cái nhìn của cảm thông, của tha thứ, của yêu thương

jeudi 24 mai 2012

Mùa Tôm Hùm Bắc Mỹ

Mỹ Trang sưu tầm


 
Mùa Tôm Hùm Bắc Mỹ
Nguyễn Thượng Chánh

Tại Canada, từ tháng 4 tới tháng 7 hằng năm là mùa tôm hùm (homard, lobster).
Đây là một loại tôm biển.
Nên phân biệt tôm hùm lobster với một loại tôm hùm nước ngọt tương tự mà người ta gọi là crawfish hay crayfish có rất nhiều tại vùng Kentucky và Louisiana.
Tôm hùm Tây, tôm hùm Mỹ
Tôm hùm Tây hay tôm hùm Âu Châu (Pháp gọi là Homard Breton) có tên khoa học là Homarus gammarus.
Tôm hùm Mỹ hay tôm hùm Canada có tên khoa học là Homarus americanus, đặc biệt hai càng rất to thấy dễ sợ.
Tôm hùm Mỹ sống tại vùng biển Đại Tây Dương. Có rất nhiều tại tiểu bang Maine của Mỹ, cũng như tại các vùng biển phía Đông Canada như Prince Edward Island, Gaspésie, Ile de la Madeleine... Ngoài ra, Shediac, một thành phố ven biển của Canada thuộc tỉnh bang New-Brunswick, cũng được mang danh là thủ đô tôm hùm cho cả thế giới. Nhưng nên nhớ đây chỉ là danh hiệu họ tự đặt ra nhằm mục đích để quảng cáo cho ngành du lịch tại thành phố nầy mà thôi.


Hình con Crawfish, giống tôm hùm, ảnh Jon Sullivan (public domain).
Ngư dân đánh bắt tôm hùm bằng cách thả những lồng (có chứa mồi cá) xuống đáy biển cho tôm chui vô nạp mạng. Bộ ngư nghiệp Hoa Kỳ và Canada kiểm soát rất chặt chẽ, họ quy định ra những điều kiện và luật lệ để đánh bắt tôm hùm.
Tôm hùm sống ở đâu?
Tôm hùm sống tại những vùng nước sâu, và di chuyển trong đêm để tìm mồi trên những lớp đá hay lớp cát dưới đáy biển.
Tôm hùm có 5 đôi chân
Tôm hùm có 5 đôi chân. Đôi đầu tiên to nhất và tận cùng bằng 2 cái càng rất đồ sộ và rất mạnh (thật ra một cái để cắt còn một cái để nghiền). Càng để nghiền có thể nằm phía trái hay phải. Đôi khi tôm có thể có cả hai càng đều giống nhau. Càng thường dùng để cắt.
Tôm bò đi hay di chuyển dưới đáy biển bằng chân, hoặc co bụng lại và bung ra để vọt về phía sau.
Khi còn trong giai đoạn tôm con, chúng có thể lội nhờ các vi swimmerets.
Khi lớn lên, khi đã trong giai đoạn trưởng thành rồi, tôm không lội được mà chỉ đi trên đá hay trên cát ở dưới đáy biển mà thôi.
Làm sao phân biệt được tôm cái và tôm đực?
Lật ngữa và quan sát phía dưới bụng tôm.
Chúng khác nhau ở chỗ đôi vi (nageoires, swimmerets) đầu tiên nằm ngay nơi giáp nối bụng và thân.
Ở tôm cái, hai cái vi nầy rất bé nhỏ và mềm mại. Ngược lại, hai vi nầy dài, cứng và nhọn hơn ở tôm đực (xem hình).
Bên trong tôm hùm, chúng ta thấy gì?
Con cái: Hai buồng trứng ovaires, nơi sản xuất ra trứng. Phần nầy chạy dài một đoạn theo bụng tôm…Khi cắt đuôi theo chiều dài, chúng ta thấy một lằn dài khá to màu đỏ, đó là buồng trứng với các trứng chưa thụ (non fertilisés), có thể ăn được…Đôi khi thấy một chất màu đen, đó là các trứng sắp được đẻ nhưng bị tóp lại lúc tôm cái vừa mới bị đánh bắt. Thay vì đẻ ra, chúng lại biến dạng thành một chất lỏng. Chất vitello protéine nằm trong trứng được phóng thích vào trong máu và biến thành màu đen. Màu coi mất cảm tình nhưng ăn vẫn thấy ngon.
Con đực: Dịch hoàn testis dưới dạng hai lằn trắng và nằm ngay bên dưới tim.
Gan tụy tạng hépatopancréas. Đây là một bộ phận quan trọng chiếm trọn một phần lớn của phía trước thân tôm (céphalothorax). Có thể xem đây là gan. Có màu xanh lá cây khi tôm chín. Ăn ngon và béo.
Tôm có hai bao tử là bao tử tim (estomac cardiaque) và bao tử tiêu hoá (estomac pylorique). Bao tử tim có nhiều răng để tôm nghiền thức ăn.
Tôm thấy bằng chân?
Đây chỉ là một cách nói mà thôi.
Chân tôm có chứa nhiều thụ thể tiếp nhận récepteurs. Chính các thụ thể nầy giúp tôm biết được vị trí và nhận biết các loại thức ăn hiện diện trong môi trường xung quanh.


DS Ngọc Lan và tôm hùm Bắc Mỹ (2011).
Ngoài ra, miệng và hai cái râu được xem như hai antennes có chứa nhiều thụ thể để xác định các mùi vị hóa học, vân vân...
Nếu tôm mất một càng hay một chân hoặc một râu thì cũng chả sao cả, vì chúng có thể sẽ mọc trở lại trong thời kỳ tôm lột xác (mue) sắp tới.
Khi gặp nguy hiểm cần thoát thân, tôm chạy thụt lùi bằng cách co bụng lại rồi bung ra thật nhanh để vọt ngược ra phía sau.
Tôm hùm có đủ màu
Khi còn sống: có tôm đỏ, tôm xanh dương (blue), tôm bạch tạng trắng nhách (albino), tôm calico (màu sậm với đốm vàng)…
Khi chín rồi: tất cả tôm hùm đều có màu đỏ, ngoại trừ tôm bạch tạng.
Nhiệt độ làm thay đổi sắc tố liên hệ đến màu đỏ và phá vỡ đi các nối liaisons giữa chúng với nhau. Vì đây là sắc tố căn bản của vỏ tôm, chịu đựng được sức nóng, nên vỏ trở thành đỏ khi tôm bị nấu hay nướng chín.
Tôm bạch tạng vẫn giữ y màu trắng dù đã bị nướng chín đi vì vỏ tôm không có mang sắc tố.
Ăn phần nào?
Theo dân sành điệu thì con cái cho thịt ngon hơn con đực nhứt là vào mùa đẻ trứng.
Đi chợ, chúng ta cũng thường thích lựa tôm cái mà thôi vì có nhiều gạch, nhiều trứng ăn ngon và béo, tuy nhiên người bán đôi khi không chịu như thế, biểu mình lựa có cái có đực để…chừa cho người sau với.
Phần sử dụng để ăn là phần nằm trong đuôi, trong các chân nhỏ, trong 2 cái càng kẹp và phần nằm dưới lớp vỏ cũng như phần nằm trong thân như gan có màu xanh lá cây.
Phần thịt khó lấy nằm trong 2 cái càng có thể xem là phần thịt ngon nhất.
Thịt chiếm 30% trọng lượng của con tôm.
Tôm hùm có bổ không?
Chắc chắn là phải bổ rồi. Tôm hùm nghèo chất béo nên ít calorie...
Cứ 100gr tôm hùm khi chín có khoảng 91 calories.

Tôm hùm xào gừng ngon hết xẩy. (Hình JimmyNguyễn Blog)
Ngoài ra, tôm hùm lại giàu chất đạm Protein, Potassium K, kẽm Zn, niacine (vitamine B3), Calcium, Magnesium, vitamine B12, acid béo Oméga-3
Cholestérol? không nhiều lắm: 3oz # 100g tôm hùm chín chỉ chứa có 60mg cholestérol (nếu không có thêm các chất béo nào khác lúc nấu hay nướng hoặc lúc ăn)
 

Phải luộc tôm hùm trong bao lâu?
Tùy theo trọng lượng:
- tôm nặng 1lb-1¼ lbs: cần 1.5 lít nước + 38ml muối. Con đực cần 10 phút và con cái 12 phút.
- tôm nặng 2lbs: cần 4.5 lít nước + 125ml muối. Con đực cần 16 phút và con cái 20 phút.
Cách giữ tôm khi mua về
*/ Giữ trong tủ lạnh
Tôm hùm có thể giữ sống trong 12 tiếng đồng hồ bằng cách quấn tôm trong vải ướt và cất trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4 độ C.
Không bao giờ cất giữ tôm hùm sống trong bao plastic bịt kín mít.
Còn vỏ hay đã lột vỏ rồi, tôm hùm có thể để trong tủ lạnh khoảng một hai ngày.
Tránh để tôm hùm quá lâu bên ngoài.
Không cất giữ trong tủ lạnh (4 độ C) một con tôm hùm còn nóng (mới nấu hay nướng) để tránh cho tủ lạnh có mùi hôi. Nên chờ cho nguội rồi hãy cất vô tủ lạnh.
*/ Giữ bằng cách làm đông lạnh
Dưới đây là những cách để làm đông lạnh tôm hùm:
- nấu tôm cho chín, để ráo nước rồi mới đông lạnh;
- chờ cho nguội, gỡ thịt ra, bỏ vào hộp và đem đông lạnh;
- có thể chế vào thịt tôm một dung dịch nước muối gồm 2cc muối trong 1 tách nước;
- có thể giữ thịt tôm trong bao plastic sau khi ép lấy hết không khí ra.
Thịt tôm có thể giữ đông lạnh trong vòng một tháng.
Giải đáp thắc mắc của người tiêu thụ
- Tại sao tôm tươi có dính chất nhầy đen dưới bụng? Tôm bị bắt trong thời gian đẻ trứng. Trứng tôm tóp lại và thải chất vitello proteine từ trứng vào máu tạo nên chất nhầy màu đen. Ăn không sao. Có thể rửa đi nếu không thích!
- Tôm cái ăn ngon hơn tôm đực? Không chắc lắm đâu. Người ta thích tôm cái vì có nhiều trứng ăn béo. Ngược lại tôm đực có càng nghiền to cho nhiều thịt hơn càng nghiền của tôm cái!
- Tôm cái đẻ bao nhiêu trứng? Vài ngàn trứng tùy theo tầm vóc của tôm. Tuy nhiên, trong 10.000 trứng đẻ ra, chỉ có một con tôm đạt được đến giai đoạn trưởng thành!
- Tôm bán ở chợ là loại được mấy tuổi? Không thể biết tuổi tôm nếu dựa theo tầm vóc của nó. Tốc độ tăng trưởng tùy vào nhiệt độ của nước biển. Nước càng nóng, tôm càng mau lớn. Tại Iles de la Madeleine/Québec, tôm hùm đạt dến kích thước thương mại 25cm vào khoảng 8 tuổi!
- Tôm hùm sống bao lâu? Khoảng chừng 50 năm!- Tôm hùm ăn những gì? Cầu gai, sò, ốc, hến, cua, tép, cá, xác thú chết, vân vân.
- Vận tốc di chuyển của tôm hùm? Thường đi chậm bằng chân dưới đáy biển. Lúc cảm thấy hiểm nguy, tôm sẽ co bụng lại rồi bung ra, vọt ngược về phía sau, có thể đạt đến 5mét/giây!
- Tôm hùm có nhãn quan tốt không? Rất tốt, mắt tôm rất nhạy cảm với ánh sáng, kể luôn lúc trời tối. Tuy nhiên, hình ảnh không mấy rõ rệt. Bù lại, nó rất nhạy cảm với mùi và chấn động nhờ vào các râu antennes và các thụ thể tiếp nhận récepteurs nằm rải rác trên thân!
- Mùa đánh bắt trong năm? Mỹ và Canada bắt đầu cho phép đánh bắt tôm hùm lúc hết nước đá trên biển lối tháng 4 và thường chấm dứt vào lối cuối tháng 7... Riêng tại Canada, có nơi bắt đầu cho phép đánh bắt tôm vào tháng 11…Có 41 vùng đánh bắt tôm hùm (ZPH) được phân phối cho các tỉnh bang Québec, New Brunswick, Nova Scotia, PEI và New Foundland-Labrador. Đây là những khu vực đánh bắt cận duyên, cách bờ không quá 15km…Ngoài ra, có vùng pêche hauturière đánh bắt viễn duyên, xa bờ lối 90km, chẳng hạn như vùng phía Tây Nam tỉnh bang Nova Scotia. Ngư dân có thể đánh bắt tôm vào tháng 11.
- Hai càng tôm có giống y nhau không? Không. Một cái để nghiền và một cái có răng nhỏ để cắt mồi!
- Làm sao biết tôm hùm đã chín rồi? Vỏ tôm có màu đỏ tươi, chân và râu dễ gỡ ra, gan tomalley hay hepatopancreas rắn chắc và có màu xanh lá cây!
- Tôm có biết đau không? Tôm là loài không có xương sống. Hệ thần kinh của tôm rất sơ khai như của loài cào cào. Bởi lý do nầy, tôm không thể cảm nhận được sự đau đớn như chúng ta!
- Có nên ăn gan tôm (lobster tomalley) không? Gan tôm tomalley, hepatopancreas tức là phần mềm xanh xanh bên trong thân khi tôm chín. Gan “có thể” tích tụ nhiều độc tố. Ăn vào, chúng ta có thể bị ngộ độc, ngứa ngái… Giới chức y tế khuyến cáo chúng ta không nên ăn gan tôm…Tuy nói vậy, nhưng nhiều người cũng vẫn ăn vì nó béo!
Các giai đoạn ăn tôm hùm
Trước hết, chuẩn bị sẵn các dụng cụ hay đồ nghề dùng để lấy thịt tôm ra như kềm, kéo, v.v…có bán trong các chợ, sau đó lấy khăn ăn đeo vào cổ, cẩn thận coi chừng nước từ trong tôm có thể văng trúng người ngồi bên cạnh, và bắt đầu:
1)Tách rời các chân: để qua một bên;
2) Gỡ hai cái càng ra để lấy thịt: cần sử dụng dụng cụ đặc biệt như casse noisette (loại dùng để bóp cho hạt dẻ bể ra). Lấy nĩa hay dùng ngón tay kéo lôi thịt ra ngoài;
3)Tách rời cái đuôi ra khỏi thân tôm: dùng cả 2 tay (coi chừng làm văng nước tùm lum) vừa xoay, vừa kéo đuôi ra khỏi thân, sau cùng dùng nĩa kéo hết thịt ra;
Chú ý: Trong giai đoạn nầy chúng ta thấy bộ phận tiêu hóa của tôm nằm ngay phía sau cái đầu. Phần nầy có màu xanh lá cây và có thể dùng được. Gỡ bỏ ruột tôm ra. Đây là một mạch nho nhỏ màu đen chạy dài đến cuối đuôi. Lấy ra dễ dàng bằng cách tách thịt ra làm hai theo chiều dài của đuôi.
4) Ăn, nút các chân tôm;
5) Ăn các phần thịt dính trong thân tôm, dùng tay bẻ ra làm bốn.
Cũng đừng quên thỉnh thoảng làm một hớp “ông già đi bộ” cho...nóng máy lên, ăn mới ngon và lại còn cho dễ tiêu nữa.
 

Comment manger un homard?
http://www.authentikcanada.com/comment-manger-un-homard/
Vidéo cách ăn tôm hùm đúng điệu, theo kiểu Tây kiểu Mỹ: How to eat a lobster
http://video.about.com/homecooking/How-to-Eat-Lobster.htm
 
Kết luận
Tôm hùm là món ăn ngon, sang trọng, thường được dùng trong các buổi tiệc cưới tại nhà hàng Tàu hoặc trong những dịp lễ đặc biệt ở nhà để chiêu đãi khách quý hay bạn bè, nhất là lúc vừa chớm vào hè.
Đôi khi chơi sang, mua về ăn vì…thèm quá. Ăn vài ba lần tôm hùm trong một năm cũng không phải là điều gì quá đáng.
Đúng vào mùa tôm, giá cả tôm hùm tươi tại Canada lối 7-8$/lb, thỉnh thoảng cũng có giá đặc biệt special price khoảng 5.99$/lb...
Mỗi con dài cỡ 25cm trở lên. Một con tôm hùm nặng lối 750gr cũng đủ dùng cho một người.
Ngoài mùa, các siêu thị chỉ bán tôm đã được luộc sẵn rồi mà thôi.
Người Tây hay Mỹ thường ăn tôm hùm luộc hoặc nướng. Còn người Việt Nam mình, ngoài món luộc và nướng ra, thì còn có những món như tôm hùm xào gừng ăn chơi hoặc nhậu lai rai hay tôm hùm nướng thơm lừng ăn với bún hoậc bánh hỏi cùng với nước mắm tỏi ớt, v.v…Hết xẩy, ngon ơi là ngon!
Ăn tôm hùm thì tuyệt, nhưng có hơi bất tiện vì cần phải có những dụng cụ như kềm, kéo đặc biệt, vân vân để cắt, để lôi thịt ra ngoài.
Nhưng nếu bạn không có dụng cụ thì lấy đỡ cái búa nho nhỏ đập càng cho bể ra, văng tùm lum tùm la rồi chịu thương chịu khó quét dọn lại sau đó cũng được vậy. Nghề…ăn chơi cũng lắm công phu mà.
Còn làm biếng thì đến một restaurant Tàu/Việt ở đường Beaubien không xa Langelier (Montréal) chỉ con tôm nào mình ưng ý trong hồ kiếng. Họ vớt ra đưa vô bếp úm ba la, 15 phút sau bưng ra một dĩa tôm xào gừng còn bốc khói kiểu tiệc cưới. Cam đoan ngon khỏi chỗ chê.
Bon Appétit!


Tham khảo:
-OGSL.ca-Homard dAmérique-Caractéristiques
http://slgo.ca/fr/homard/contexte/caracteristiques.html
-Métro,mon épicier- Homardhttp://www.metro.ca/conseil-expert/poissonnier/etal-poissonnier/fruits-mer/homard.fr.html
-Wikipédia- Homardhttp://fr.wikipedia.org/wiki/Homard
-Wikipédia-Crayfishhttp://en.wikipedia.org/wiki/Crayfish
-AVC Lobster Science Centre. Atlantic Veterinary College-Fequently Asked Questions-Lobster Anatomyhttp://www.lobsterscience.ca/faq/4

Montreal, 2012

mardi 22 mai 2012

Tháp truyền hình cao nhất thế giới mở cửa

Tháp truyền hình cao nhất thế giới mở cửa

Tokyo Skytree, tháp truyền hình cao nhất thế giới tọa lạc tại thủ đô của Nhật, mở cửa cho khách tham quan từ hôm nay.

Tháp truyền hình cao nhất thế giới, với chiều cao 634 m. Ảnh: AFP

Ngọn tháp cao 634 m được hoàn thành hồi tháng hai. Trong tháp có các khu phát sóng, nhà hàng, đài quan sát và khu vui chơi giải trí.
Khoảng 400 nhân viên được huấn luyện 2 tháng về phong cách phục vụ "ân cần và đúng đắn" đối với khách tham quan. Từ nay cho đến tháng 7, du khách muốn tham quan tháp phải đặt vé qua mạng.
Tháp Tokyo Skytree được bắt đầu xây dựng năm 2008 để thay thế tháp Tokyo có chiều cao 333 m. Với chiều cao này, ngọn tháp Tokyo không thể thực hiện toàn bộ việc phát thanh và truyền hình do bị nhiều tòa nhà cao tầng xung quanh che khuất. 

Bên ngoài / Bên trong Tokyo Skytree  

Theo Ria Novosti, tháp Tokyo Skytree tiêu tốn trên 800 triệu USD và được dựng nên nhờ lao động của 580.000 công nhân. Tháp có khả năng chống động đất nhờ một bộ giảm chấn bên trong.
Ngành du lịch Nhật Bản hy vọng công trình này sẽ trở thành là một địa điểm tham quan hấp dẫn cho du khách nước ngoài. Con số khách du lịch đến nước này giảm đi do những ảnh hưởng từ thảm họa năm ngoái.
Trọng Giá

vendredi 18 mai 2012

Trái Dứa, Sỏi Thận, Phèn Chua- Bs Nguyễn Ý Đức




Trái Dứa, Sỏi Thận, Phèn Chua
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


Mới đây có thân hữu hỏi ý kiến về bài thuốc chữa sỏi thận bằng dứa với phèn chua  như sau:
“Mẹ tôi 52 tuổi, bị bệnh sỏi thận, có người mách chữa bệnh này bằng cách: lấy một quả dứa cắt một đầu rồi đục giữa quả xuống sâu 3cm, lấy 2 thìa cà phê bột phèn chua cho vào rồi đậy nắp lại. Đun quả dứa đến khi chín nhuyễn lấy ra 2 ly, buổi tối uống 1 ly cho bàng quang mềm ra và sỏi vỡ ra. Đến sáng hôm sau thức dậy uống ly còn lại cho sỏi tan ra, nằm nghỉ 30 phút sau đó đi tiểu, nước tiểu khai và đục như nước vo gạo.
Xin cho hỏi có đúng như vậy không?”.
Và cũng có hướng dẫn của một vị lương y là “Để chữa sỏi tiết niệu, người ta lấy 1 quả dứa gọt vỏ, khoét 1 lỗ và cho vào đó một ít phèn chua (0,3g) rồi cho nước vào đậy nắp lại ninh trong 3 giờ. Sau đó ăn các miếng dứa và uống cả nước. Dùng liên tục trong 7 ngày liền, nhiều trường hợp cho kết quả tốt”.
Trước khi góp ý, xin tìm hiểu về món ăn khá thông dụng này là trái dứa.

Dứa là trái cây của miền nhiệt đới, có nguồn gốc từ các quốc gia ở Trung và Nam Mỹ.
Khi Christopher Columbus  thám hiểm Mỹ châu, thấy dứa trồng ở quần đảo Guadeloup rất ngon, bèn mang về cống hiến nữ hoàng Tây Ban Nha Isabella Đệ Nhất. Từ đó, dứa được đem trồng ở các thuộc địa của Tây Ban Nha, nhất là các quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương.
Cây dứa thân ngắn, lá dài và cứng với gai mọc ở mép, quả có nhiều mắt; phía trên có một cụm lá.
Nông trại trồng dứa quy mô lớn đầu tiên trên thế giới được thiết lập ở Hawai vào năm 1885. Quần đảo này dẫn đầu về sản xuất dứa trên thế giới cho tới năm 1960.  Sau đó, Phi Luật Tân là nước trồng nhiều và xuất cảng nhiều nhất. Các quốc gia khác ở Đông Nam Á châu cũng sản xuất một khối lượng dứa khá lớn.
Nhờ kỹ thuật canh tác hàng loạt cho nên nhu cầu dứa được cung cấp đầy đủ với giá phải chăng. Dứa có quanh năm, nhưng nhiều nhất  là vào tháng 6 tháng 7. Trung bình từ lúc trồng tới lúc thu hoạch là 18 tháng. Dứa thường được hái khi đã chin, sẵn sàng để ăn.

Dinh dưỡng
Dứa có nhiều sinh tố C, chất xơ pectin và chất gum.
Một ly dứa tươi cung cấp 25mg sinh tố C; 0,1mg thiamine; 16mcg folate; 0,15mcg sinh tố B 6; 17mg magnesium; 0,5mg sắt; 2gr chất xơ và 80 calori.
Dứa còn có chất bromelain, một loại enzyme tiêu hóa giống như papain của đu đủ. Bromelain  có tác dụng làm mềm và phân hóa chất đạm ra nhừng phân tử nhỏ để cơ thể có thể sử dụng, cấu tạo tế bào đồng thời cũng tạo cho thịt hương vị thơm ngon. Br có thể gây ra dị ứng da cho người tiêu thụ.
Dứa đóng hộp còn giữ được sinh tố C nhưng bromelain bị hơi nóng thiêu hủy.

Áp dụng y học
Theo American Cancer Society, dứa có chất  Bromelain mà một số nghiên cứu cho là có công dụng hỗ trợ trong điều trị một số bệnh như:
-Có thể dùng bromelain chung với thuốc điều trị ung thư để giảm thiểu tác dụng phụ của xạ trị, như là viêm cuống họng và miệng;
-Vì bromelain là một enzyme chuyển hóa chất đạm cho nên có thể dùng thêm để hỗ trợ tiêu hóa cho những người thiếu enzyme này;
-Bromelain có tác dụng ngăn ngừa tiểu cầu dính với nhau, cho nên có thể dùng thêm để tránh tình trạng máu đóng cục;
-Nghiên cứu khác cho hay bromelain có tác dụng chống viêm sưng trong bệnh viêm khớp, viêm xoang, vết thương do sâu bọ cắn hoặc chống nhiễm trùng khi da thịt bị phỏng…
Tuy nhiên,  Hội Ung Thư Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh là cần nhiều nghiên cứu khác nữa để xác định các công dụng này.

Ăn dứa
Dứa tươi có hương vị nồng ngọt, rất thích hợp để làm món tráng miệng kích thích tiêu hóa hoặc làm món ăn vặt.
Miếng dứa phía đít, gần phía gốc thường  ngon hơn phần khác, vì  như kinh nghiệm của ông cha ta là  “dứa đằng đít, mít đằng cuống”.
Sau khi gọt vỏ, khía xéo để bỏ mắt, dứa được bổ dọc làm tám hoặc cắt khoanh tròn mỏng vừa phải, rắc thêm một nhúm đường, bỏ tủ lạnh độ 15 phút rồi mang ra ăn thì tuyệt hảo. Nước dứa hòa với đường ngọt húp vào lạnh mát cả người.
Nhiều người lại thích chấm dứa với tí muối ớt, ăn vào vừa ngọt, vừa mặn, hơi cay, rất thỏa mãn khẩu vị đồng thời làm bớt rát lưỡi.
Dứa còn dùng để xào nấu với thịt cá. Món canh chua cá lóc, dứa xanh thêm vài ngọn ngổ thì cơm ba nồi cũng hết.
Khi nấu, hơi nóng làm mềm dứa vì chất cellulose tan rã, dứa hút gia vị và chất ngọt của thịt cá.
Một đĩa xá lách trộn thập cẩm thêm vài miếng dứa thái nhỏ ăn càng ngon.
Năm 1892, một người Anh là Đại úy John Kidwell lần đầu tiên sản xuất dứa đóng hộp.  Dứa thường được hái khi đã chín mùi, mà phải chuyên trở xuất cảng đi xa, mau hư cho nên được đóng hộp cho dễ di chuyển. Dứa đóng hộp là dứa đã chín từ dưới cuống trở lên,  do đó thường cần đến ba quả mới được một hộp dứa có phẩm chất tốt. Dứa hộp được  cho thêm nước đường nên có nhiều calori.
Ngoài ra còn dứa sấy khô hoặc nước dứa ép  cũng là những món ăn thức uống ngon, bổ.

Mua dứa
Mua dứa tươi lựa trái to, nặng nước, toát ra mùi thơm của dứa, lá trên cuống còn xanh. Khi gõ, dứa phát ra một âm thanh đặc, quả dứa cầm thấy chắc tay, không chỗ nào mềm. Vỏ dứa có thể hơi xanh hoặc vàng cũng không sao. Dứa lớn nhỏ đều có chung giá trị dinh dưỡng như nhau. Tránh dứa đã có mùi lên men vì quá chin bắt đầu ủng. Dứa có thể cất giữ trong tủ lạnh hoặc ở ngoài.

Lưu ý
Dứa rất lành. Đôi khi dứa có thể gây dị ứng nhẹ ở da vì có chất bromelain . Tại các tiệm bán “thực phẩm tốt”  Health Food lại có bán viên Bromelain và được giới thiệu là chữa được bệnh tim, phong khớp và vài bệnh khác.
Dứa có chất tyrosine. Một vài u bướu hạch nội tuyến cùng tiết ra nhiều tyrosine. Vì thế, mấy ngày trước khi thử máu tìm u bướu này lại ăn dứa thì thử nghiệm có thể sai lệch, cho kết quả dương tính mà thực ra không có.
Một vài nghiên cứu khoa học cho hay là trên mắt vỏ dứa có một hóa chất không tốt cho sức khỏe. Vì thế, tốt nhất là nên tránh ăn mắt dứa.

Sỏi thận và dứa
Bây giờ, xin trở lại với Sỏi thận và dứa cộng với phèn chua.
Sỏi thận là một vật rắn đặc thành hình từ nhiều hóa chất khác nhau  trong nước tiểu:
-Sỏi  calcium oxalate chiếm 80% các loại sỏi thận và đa số là do di truyền, calcium không dùng trong việc tạo xương và loại ra theo nước tiểu. Ngoài ra tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều oxalate như  rau spinach, cocoa, đậu phọng, các loại hạt, ớt, nước trà; ăn nhiều muối  hoặc dùng bổ sung calcium viên  cũng tăng tủi ro loại sạn này.  Sạn calci rất cứng.
-Sỏi với chất struvite  (Magnesium ammonium phosphate) thường thấy trong  bệnh nhiễm trùng đường tiểu tiện, đặc biệt là ở nữ giới và được điều trị bằng cách tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
-Sỏi với chất uric acit do tiêu thụ nhiều chất đạm động vật thịt, cá, gà gây ra vì các thực phẩm này cho chất purine, tiền thân của uric acit. Giới hạn các thực phẩm này và tăng độ kiềm của nước tiểu có thể giảm thiểu nguy cơ gây sạn.
-Sỏi với các chất amino acit cystine, rất hiếm. Đây là bệnh bẩm sinh trong đó thận không tái hấp thụ được chất cystine. Chất này luân lưu trong nước tiểu và kết tụ thành sỏi. Chữa trị bằng cách uống nhiều nước để loại cystine ra ngoài đồng thời giảm độ acit của nước tiểu.
Nam giới bị sỏi thận gấp đôi nữ giới và thường thấy vào tuổi  từ 30 tới 50.  Một đời sống quá tĩnh tại, bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường và mập phì cũng tăng rủi ro bị sạn thận. Nghiên cứu mới đây cho hay tình trạng hâm nóng toàn cầu đưa tới khô nước cũng làm tăng rủi ro sỏi thận. Ngay cả các phi hành đoàn bay trong không gian cũng tăng rủi ro này vì họ ít uống nước
Hiện nay, y học thực nghiệm chữa sỏi thận bằng nhiều cách và căn cứ vào các chất  kết tinh thành sỏi. Do đó, khi tiểu ra sạn cần cất giữ sạn và đưa cho phòng thí nghiệm để phân tích thành phần cấu tạo.
Nếu sạn còn nhỏ, uống nhiều nước để loại sạn qua nước tiểu là cách hữu hiệu nhất.
Với sỏi lớn, có thể đưa một dụng cụ nhỏ vào thận, nghiền sạn rồi gắp sạn ra hoặc đập vụn sạn với sóng nước (shock wave lithotripsy).
Nên nhớ có thể phòng tránh sạn bằng cách uống nhiều nước. Khi nước tiểu loãng thì sạn khó mà kết tụ với nhau. Khi nước tiều đục vàng thì sạn sẽ kết tụ.
Cũng nên nhớ rằng loại sạn thận calcium oxalte rất cứng khó mà có chất nào có thể khiến chúng hóa nhỏ tiêu tan.
Về chữa sỏi thận với dứa và phèn chua, chúng tôi  đã cố gắng tìm xem có kết quả nghiên cứu nào xác định hoặc hỗ trợ công dụng trị sỏi thận theo kinh nghiệm dân chúng hoặc theo lý luận của một số nhà  y học cổ truyền với dứa và phèn chua, nhưng mà chưa có cơ duyên  tìm ra.
Sách những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất lợi có ghi là dân chúng  còn dùng rễ cây dứa làm thuốc lợi tiểu, chữa tiểu tiện khó khăn, đái ra sỏi thận. Có lẽ là uống nhiều nước rễ cây dứa có thể đẩy các tinh thể tạo sỏi trong nước tiểu ra ngoài cơ thể.
Bệnh viện chuyên trị bệnh thận Devasya Kidney bên Ấn Độ khuyên dân chúng muốn giúp thận lành mạnh nên tiêu thụ các loại nước dứa, chanh, cà rốt, chuối …nhưng không giải thích tại sao. Cũng có lẽ là uống nhiều các loại nước này.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng thực phẩm có nhiều ảnh hưởng lợi và bất lợi đối với sự thành hình sỏi thận. Chẳng hạn:
-Với sạn calcium oxalate, nên giảm thiểu tiêu thụ  món ăn có nhiều oxalate như chocolat, caffeine, các loại hạt, hạt tiêu đen, rau spinach, dâu, các loại đậu; đồng thời nên bớt muối, đường. Nên tiêu thụ chuối, gạo đỏ, oat, rye, bắp, cám, barley. nước trái cranberry, dứa, chanh cam.  Bệnh nhân loãng xương cần bổ sung calci nên dùng loại calcium citrate. Dứa tương đối có ít oxalate calcium, một hóa chất của sỏi calcium.
-Với sạn uric acid, nên giới hạn tiêu thụ đạm động vật có nhiều purine/acit uric như thịt bò, thịt cừu, gà, cá sardine, gan và thực vật như nấm, pumpkins, cauliflower, các loại đậu, rượu bia, rượu vang  để giảm uric acid. .
-Với sạn cystine, giới hạn cá vì có nhiều methionine.

Về bài thuốc dứa-phèn chua, chúng tôi nghĩ là ta có thể dùng dứa. Uống nhiều nước dứa có thể khiến cho các tinh thể tạo sỏi tiết niệu loãng ra, không kết tụ với nhau và loại ra ngoài qua tiểu tiện. Nhưng cũng xin nhắc lại rằng nhiều loại sỏi thận là những tinh thể kết tụ với nhau, khá cứng, đập mạnh mới làm vỡ được.
Riêng phèn chua thì nên cân nhắc một chút.
Phèn chua là muối kép của nhôm và potassium. Đây là chất mà dân chúng thường  dùng để làm cho nước có vẩn đục trở thành trong: muối nhôm kết tụ các vẩn đục này, lắng xuống đáy, nhờ đó nước trở thành trong và dùng được. Tìm kiếm, chúng tôi chưa thấy ý kiến nào nói đến công dụng của phèn chua đối với sỏi thận, ngoại trừ một số thân hữu cho hay họ cũng đã dùng dứa với phèn chua và có kết quả. Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Việt Nam, thì phèn chua không có công dụng gì trong việc làm tan sỏi tiết niệu (Sách Hỏi Gì- Đáp Nấy). Đồng thời có người thắc mắc là liệu phèn chua có làm cho các chất calci trong nước tiểu dễ dàng kết tụ với nhau để đưa tới sạn.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho hay muối nhôm, tuy không độc, nhưng nếu tiếp xúc lâu ngày với lượng quá cao trong nước uống có thể gây ra rối loạn cho sự sinh đẻ, cho hệ thần kinh. Mới đây, vài nghiên cứu sơ khởi cho rằng chất nhôm có thể là rủi ro gây ra bệnh Alzheimer.
Cho nên, để an toàn, có lẽ cũng chẳng nên dùng phèn chua với hy vọng “bàng quang mềm ra và sỏi vỡ ra “.
Mong nhận được ý kiến của quý  vị có nhiều hiểu biết.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas- Hoa Kỳ.
www.bsnguyenyduc.com

jeudi 17 mai 2012

Đi Một Đoạn Đường Với Chúa


Lẽ sống 17 Tháng Năm
Đi Một Đoạn Đường Với Chúa
Người Ấn Độ có kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người thanh niên nọ khao khát được nhìn thấy Chúa. Đêm ngày, anh cầu nguyện liên miên là chỉ mong sao cho ước nguyện của mình thành sự thật. Quả thực, không bao lâu, Thiên Chúa đã đến với anh dưới hình dạng của một con người đẹp đẽ, uy quyền, trầm tĩnh.
Chúa đề nghị với anh: "Con có thể đi với Ta một quãng đường không?". Người thanh niên cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chúa và anh đồng hành với nhau như một đôi bạn tri âm. Đi một lúc, Chúa dừng lại nói với anh: "Ta khát nước, con có thể đi tìm cho Ta một ít nước không?".
Người thanh niên hăm hở đi tìm nước. Lòng anh tràn ngập hạnh phúc. Còn gì sung sướng bằng đi tìm nước để mang về cho Chúa... Nhưng, anh đi tìm mãi mà không thấy nơi nào có nước... Anh đi mãi để rồi cuối cùng dừng lại bên một bờ sông. Anh đang chuẩn bị lấy nước mang về cho Chúa, thì tình cờ một cô gái đẹp xuất hiện bên bờ sông. Cô gái đẹp đến độ người thanh niên không còn thấy cảnh vật xung quanh, cũng như không còn nghĩ đến việc mang nước về cho Chúa.
Anh nấn ná đến làm quen với cô gái. Họ thương nhau, lấy nhau và sinh được nhiều con cái. Không gì đầm ấm, hạnh phúc cho bằng. Nhưng một cơn ôn dịch xảy đến. Người thanh niên đưa vợ con đi đến một nơi khác. Nhưng khi họ đi qua một chiếc cầu, thì thình lình mưa gió thổi đến, nước dâng lên kéo cả vợ con anh theo. Người đàn ông bám vào được một gốc cây lớn. Anh khóc thương cho thân phận bọt bèo của vợ con cũng như chính kiếp cô đơn lạc loài của anh.
Giữa lúc đó, Thiên Chúa xuất hiện trước mặt anh: Ngài mỉm cười hỏi anh: "Này con, con có mang nước về cho Ta không? Con làm gì để Ta phải chờ đợi gần cả tiếng đồng hồ".
Một người cha nhân từ mòn mỏi trông đứa con hoang trở về: đó là hình ảnh cảm động nhất về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta trong bài dụ ngôn "Người Con Hoang Đàng". Từng ngày, người cha ra đầu ngõ để trông đợi. Khi đứa con còn ở đằng xa, ông đã chạy đến để giang rộng đôi cánh tay để ôm trọn đứa con vào lòng, không một lời quở trách, không một cử chỉ bất bình... Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Chúng ta tưởng mình đi tìm Ngài, chúng ta tưởng Ngài ẩn mặt với chúng ta. Nhưng kỳ thực, chính Ngài mới là Đấng đeo đuổi chúng ta, tìm kiếm chúng ta, chờ đợi chúng ta. Chúng ta tưởng mình đang đi đến với Chúa, nhưng kỳ thực chính Ngài đang ở với chúng ta.

mercredi 16 mai 2012

Khỏe hơn nhờ cải bó xôi


Thật tuyệt là loại rau bổ dưỡng này lại rất ngon miệng và có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Cải bó xôi sẽ giúp bạn trở nên sức lực dồi dào.
Cải bó xôi (còn gọi là rau chân vịt, tên khoa học Spinacia oleracea L.Chenopodiaceae) được tôn xưng là “thần dược” vì có rất nhiều tác dụng trị bệnh, thậm chí còn giúp tránh ung thư cho cả đàn ông và phụ nữ.
Tác dụng đó của loại rau này bắt nguồn từ một steroid có tên là phutoecdy. Nó làm tăng đến 20% quá trình sản xuất protein tự nhiên trong cơ thể, khiến sức lực trở nên dồi dào.
 


Cải bó xôi chứa đến 35 vitamin và khoáng chất thiết yếu. Nó rất giàu vitamin C và A, nhờ đó làm tăng sức đề kháng cho cơ thể, khiến bạn ít ốm đau hơn, lại làm đẹp da, sáng mắt. Chất luteun trong cải bó xôi cũng giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm đen và đục thủy tinh thể. Lượng chất sắt và phốt pho dồi dào có tác dụng bổ máu. Chất beta carotene, canxi, magie và vitamin K cũng có nhiều trong loại rau này tốt cho xương và răng. Vitamin K kích hoạt osteocalcin, loại protein quan trọng trong xương. Xương bạn sẽ yếu đi nếu thiếu loại vitamin này.

Nguy cơ ung thư cũng được giảm thiểu nhờ việc ăn thường xuyên cải bó xôi. Cùng với các vitamin C và E, carotenoid trong loại rau này cũng có tác dụng chống oxy hóa rất mạnh, nhờ đó khống chế sự phát triển của các tế bào ác tính trong cơ thể. Loại carotenoid trong cải bó xôi đã được các nhà khoa học chứng minh là có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Loại rau này cũng chứa nhiều kaempferol và luteolin, hai chất có tác dụng giảm đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng.

Thật tuyệt là loại rau bổ dưỡng này lại rất ngon miệng và có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Các món ăn sống giúp cơ thể tiếp nhận được nhiều dưỡng chất nhất. Chẳng hạn, bạn có thể trộn salad cùng với thịt xông khói, dầu oliu, bánh mỳ nướng, hoặc trộn cùng với ít hạt vừng, hành hoa, tỏi băm nhỏ và dầu vừng…, nhớ thêm gia vị. Bạn cũng có thể làm sinh tố từ loại rau này, cho thêm vài miếng táo, ít nước cam, dầu dừa hoặc thêm đường nếu muốn.

Để đổi món, bạn có thể xào cải bó xôi với tỏi và thịt cua bể, hay xào với thịt bò. Và đơn giản nhất là nấu canh, nấu với thịt hay chỉ nấu không cũng ngon. Bạn chỉ lần lưu ý là cải bó xôi rất nhanh chín, bạn đừng đun kỹ kẻo rau quá nhừ, vừa mất ngon vừa mất dinh dưỡng.
Nhật Minh - Theo afamily

mardi 15 mai 2012

Ích lợi của quả óc chó (walnut), noix de Grenoble

BS Đỗ Văn Hội
        
Quả óc chó bảo vệ bạn từ trong ra ngoài, từ đầu đến chân
 
Trong thời kỳ cổ đại, quả óc chó được gọi là loại hạt của các vị thần. Ngày này, sau nhiều cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học gọi quả óc chó là vua của các loại hạt vì những lợi ích sức khỏe tuyệt vời mà chúng mang lại.
Quả óc chó bảo vệ bạn từ trong ra ngoài, từ đầu đến chân. Chúng ta hãy cùng khám phá những lợi ích tuyệt vời của loại quả này đối với sức khỏe con người.

1. Cải thiện sức khỏe tim mạch

Quả óc chó đã được coi là loại hạt cho sức khỏe trái tim. Các cuộc nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua đã chỉ ra, quả óc chó có vô số lợi ích đối với trái tim và hiệu quả hơn bất cứ loại quả nào trên trái đất. Có điều này là do quả óc chó có nhiều axit béo omega 3, khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa.

Axit béo omega 3 được biết đến với hiệu quả ngăn ngừa cục máu đông, là nguyên nhân chính gây nên các cơn đau tim. Kết hợp với chất xơ, axit béo omega 3 cũng làm giảm mức độ LDL (lipoprotein mật độ thấp) hoặc cholesterol xấu – một trong những tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe trái tim. Chứng loạn nhịp tim hoặc tim đập thất thường cũng có thể được chữa trị bằng một lượng axit béo omega 3 phù hợp. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA đã tuyên bố, quả óc chó là thực phẩm cho trái tim khỏe mạnh và nên được bổ sung vào chế độ ăn uống cân bằng để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

2. Củng cố động mạch

Ngoài tác dụng bảo vệ trái tim, quả óc chó còn có tác dụng rất lớn đối với các bệnh nhân huyết áp cao và giúp lớp màng động mạch khỏe mạnh hơn.

3. Ngăn ngừa sỏi túi mật

Dữ liệu thu thập từ hơn 80.000 người và trải qua 2 thập kỷ nghiên cứu đã cho thấy quả óc có thể ngăn ngừa sỏi túi mật. Vì vậy, nếu bạn đang đối mặt với nguy cơ bị sỏi túi mật hay không muốn mình mang căn bệnh này hãy ăn vài quả óc chó mỗi ngày.

4. Bảo vệ xương

Một thực tế ai cũng biết là xương yếu dần theo tuổi tác. Mật độ khoáng chất trong xương giảm xuống sẽ dẫn đến hiện tượng loãng xương. Dinh dưỡng phong phú có trong quả óc chó sẽ giúp xương của bạn chắc khỏe cho đến tuổi già. Những người thường xuyên ăn quả óc chó sẽ không phải đối mặt với hiện tượng giảm khoáng chất khiến xương bị yếu khi về già.

5. Thực phẩm của trí não

Quả óc chó là loại thực phẩm đặc biệt tốt với trí não. Các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra, axit béo omega 3 có trong quả óc chó giúp duy trì chất béo cấu trúc, loại chất chiếm đến 60% bộ não. Loại chất béo cấu trúc này giúp bộ não hoạt động đúng chức năng. Bộ não là trung tâm xử lý của cơ thể, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho nó sẽ giúp tăng cường trí nhớ và nhận thức. Nó cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và các vấn đề hành vi.

6. Tốt cho bệnh nhân tiểu đường

Quả óc chó đặc biệt tốt đối với bệnh nhân tiểu đường loại 2. Nó không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường mà còn giúp tạo ra insulin, một loại chất mà các bệnh nhân tiểu đường không có. Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim rất cao, vì vậy mà quả óc chó rất tốt với bệnh nhân tiểu đường.

7. Liều thuốc tự nhiên giúp nhuận tràng

Nếu bạn bị táo bón mãn tính thì quả óc chó sẽ giúp bạn tạo nên sự khác biệt. Quả óc chó có hàm lượng chất xơ cao, vì vậy mà chúng có tác dụng như thuốc nhuận tràng. Nhai vai hạt óc chó mỗi ngày bạn sẽ thấy ngay kết quả tuyệt vời của nó.

8. Chiến đấu với một số bệnh ung thư

Quả óc chó rất giàu chất chống oxy hóa và một số loại khác của chất chống oxy hóa. Hợp chất chống oxy hóa được gọi là axit ellagic, loại chất rất hữu ích trong cuộc chiến chống ung thư. Nó cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, do đó nó có thể giúp bệnh nhân ung thư phục hồi trong giai đoạn hóa trị hoặc xạ trị.

9. Tránh tình trạng mất ngủ

Tất cả chúng ta đều mất ngủ ở một thời điểm nhất định nào đó. Các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn vài quả óc chó trước khi đi ngủ sẽ ngăn ngừa chứng mất ngủ tốt hơn so với cách truyền thống là uống một cốc sữa ấm.
Cơ thể chúng ta sản xuất một loại hormone gọi là melatonin có trách nhiệm cho một số chức năng, trong đó có liên quan đến mất ngủ. Melatonin là những tín hiệu não rằng công việc đã được thực hiện đủ, cơ thể mệt mỏi và cần ngủ. Cơ thể thường tiết ra melatonin vào khoảng thời gian tương tự mà bạn ngủ mỗi đêm. Nhưng khi chúng ta già, hàm lượng melatonin sản xuất bởi cơ thể giảm. Đây là lý do tại sao rất nhiều người cao tuổi khó ngủ và thường ngủ chỉ 4-5 tiếng một đêm. Quả óc chó là một nguồn tự nhiên và phong phú chất melatonin. Vì vậy nhấm nháp vài quả óc chó trước khi đi ngủ là cách để bạn tránh hiện tượng mất ngủ

Nguồn internet

dimanche 13 mai 2012

.

 

GS André D. Bandrauk
là thầy đỡ đầu luận án Tiến Sĩ của Kim Đoan năm 1982

Album finissants 1983-1986 (Département de Chimie U de S)

Distinction

Le professeur André D. Bandrauk nommé officier de l'Ordre du Canada

André D. Bandrauk, professeur à la Faculté des sciences
André D. Bandrauk, professeur à la Faculté des sciences
Photo : Michel Caron
1 juillet 2011
Le professeur André D. Bandrauk, de la Faculté des sciences, est nommé officier de l'Ordre du Canada, l'une des plus prestigieuses distinctions honorifiques civiles du Canada. L'annonce a été faite hier à Ottawa par David Johnston, gouverneur général du Canada, parmi 50 nouvelles nominations au sein de l'Ordre du Canada, dont 15 officiers et 35 membres.
Le professeur Bandrauk est un pionnier et un leader mondial dans le contrôle et la transformation de la matière par la technologie du laser ultrarapide. Il est l'un des pères de la science attoseconde, qui scrute les phénomènes à l'échelle du milliardième de milliardième de seconde.
L'Ordre du Canada a été créé en 1967, durant l'année du centenaire du Canada, pour reconnaître l'œuvre d'une vie, le dévouement exceptionnel d'une personne envers la communauté ou une contribution extraordinaire à la nation. Au cours des 40 dernières années, plus de 5000 personnes de tous les milieux ont été investies au sein de l'Ordre.
Les récipiendaires seront invités à recevoir leur insigne au cours d'une cérémonie qui aura lieu à une date ultérieure.

Informations complémentaires



Professor Andrew D. Bandrauk, Faculty of Science, was named an Officer of the Order of Canada, one of the civilian honors Canada. The announcement was made ​​yesterday in Ottawa by David Johnston, Governor General of Canada, among 50 new appointments to the Order of Canada, including 15 officers and 35 members.

Professor Bandrauk is a pioneer and world leader in the control and processing of the material by the ultrafast laser technology. It is one of the fathers of attosecond science, which examines the phenomena scale of a billionth of a billionth of a second.

The Order of Canada was established in 1967, during Canada's centennial year, to recognize a lifetime, an exceptional person to the community and an extraordinary dedication to the nation. Over the past 40 years, more than 5,000 people from all walks of life have been invested into the Order.

Recipients will be invited to accept their insignia at a ceremony to be held at a later date.


Pierre Massé 

**********************
Giáo sư Andrew D. Bandrauk, Khoa Khoa học, được bổ nhiệm làm Cán bộ Huân chương Canada, một trong những người dân danh dự Canada. Thông báo này đã được đăng ngày hôm qua tại Ottawa do Ông  David Johnston, Toàn quyền Canada quyết định, trong số 50 người được huân chương của Canada có 15 sĩ quan và 35 thành viên.

Giáo sư Bandrauk một nhà lãnh đạo tiên tiến  trên thế giới trong việc khảo cứu và biến đổi các vật liệu bằng tia laser cực nhanh. Đây là một trong những nhà tiên phong của khoa học atto giây, nghiên cứu về các hiện tượng quy mô của một phần tỷ của một phần tỷ của một giây.

Huân chương Canada được đặt ra vào năm 1967, kỷ niêm một trăm năm thành lập của Canada; để vinh danh sự đóng góp đáng kể, của một công dân cho  cộng đồng và  cho đất nước. Trong 40 năm qua, hơn 5.000 người từ tất cả các tầng lớp xã hội đã được ghi tên vào Tăng đoàn.

Người nhận giải này sẽ được mời để đến lãnh huy chương trong một buổi lễ được tổ chức tại Ottawa vào đầu năm 2012

Pierre Massé

vendredi 11 mai 2012

Thơ cho mẹ


Thơ cho mẹ

Tháng năm nắng ấm Xuân về
Nhìn ra vườn, bụi hoa chuông Muguet
Bắt đầu ngát hương đó mẹ
Bên Âu Châu, hoa này được yêu thích
Tặng Mẹ Hiền, ngày Mother’s day
Mẹ có thích hoa Muguet không mẹ ?
Không lộng lẫy, nhưng lại ngát hương lâu
Con tin mẹ của con cũng sẽ  gật đầu
Vì nó khá ư là giống mẹ.
Không kiêu xa, nhưng thoang thoảng ngát hương


Làm ấm lòng, đàn con ngây thơ
Làm dịu lòng người yêu thương muôn thuở.
Mẹ ơi nơi chốn xa mẹ nhớ các con không?
Ở chốn này khi buồn, nhớ đến mẹ.
Sống chân tình, tấm lòng quảng đại
Suốt cuộc đời, chỉ biết đến hy sinh
Tuy xa mẹ nhưng các con luôn luyến nhớ
Đến mẹ hiền vào những lúc xuân sang
Nhắc đến mẹ với đàn con đám cháu,
Chúng bảo con bà ngoại hiền quá trời.
Luôn biểu tượng người mẹ hiền yêu dấu*

KĐ (11-05-2012)

* Mẹ hiền yêu dấu: http://kim-doan.blogspot.ca/2011/11/me-yeu-dau.html






Nguyễn Phi Dũng sưu tầm

Suy Tư về Ngày Hiền Mẫu


Sau 21 năm hôn phối, vợ tôi yêu cầu tôi đưa một người đàn bà khác đi ăn và xem ciné. Nàng nói: "Em yêu anh nhưng em biết người đàn bà kia cũng yêu anh và muốn có dịp được đi chơi với anh." Người đàn bà kia mà vợ tôi muốn tôi đến thăm là MẸ TÔI. Bà đã goá bụa 19 năm nay, còn tôi vì công việc và ba đứa con, tôi chỉ có thể thỉnh thoảng đến thăm bà.

Tối hôm đó tôi gọi cho mẹ tôi và mời bà đi ăn và xem ciné. Bà hỏi: "Có điều chi vậy? Con có khoẻ không?" Mẹ tôi là người thường hay nghi ngờ mỗi khi có cú điện thoại về đêm hay một cuộc viếng thăm bất ngờ, đều là dấu hiệu của một điềm xấu.


Tôi trả lời: "Con thấy con sẽ rất vui được mời mẹ đi chơi với con, chỉ có hai mẹ con mình mà thôi." Mẹ tôi suy nghĩ giây lát rồi đáp: "Mẹ cũng rất thích được như vậy."


Tối thứ sáu đó, sau khi tan sở, tôi lái xe đến đón mẹ tôi và tôi hơi hồi hộp. Khi tôi đến nhà bà, tôi cũng nhận thấy mẹ tôi có vẻ hồi hộp về cái hẹn này. Bà đã sẵn sàng với áo choàng để đón tôi ngay cửa. Mẹ tôi đã uốn tóc, và mặc bộ áo bà đã mặc để ăn mừng lần kỷ niệm hôn nhân lần cuối cùng với ba tôi.


Mẹ tôi tươi cười hớn hở, mặt bà rạng rỡ như thiên thần. Bà nói khi ngồi vào trong xe: "Mẹ bảo các bà bạn của mẹ, là mẹ sẽ đi chơi với con trai của mẹ, và họ đều thán phục. Họ háo hức muốn được nghe mẹ kể

lại về cuộc gặp gỡ của hai mẹ con chúng mình."

Hai mẹ con tôi đền một nhà hàng, mặc dầu không lịch sự lắm, nhưng rất sạch sẽ và ấm cúng. Mẹ tôi nắm lấy cánh tay tôi và bước vào tiệm y như bà là phu nhân một tổng thống. Sau khi ngồi vào bàn, tôi phải đọc thực đơn, vì mẹ tôi chỉ đọc được các giòng chữ lớn. Sau khi tôi đọc được một nửa danh sách các món ăn chính, tôi ngẩng lên và thấy mẹ tôi đang nhìn tôi chăm chú. Một nụ cười nuối tiếc nở trên môi.


Bà nói: "Khi con còn bé, mẹ thường phải đọc cho con nghe thực đơn." Tôi trả lời: "Vậy thì đã đến lúc mẹ phải thoải mái, và cho con có cơ hội để đáp trả."


Trong bữa ăn, chúng tôi nói chuyện vui vẻ, không có đề tài gì đặc biệt ngoài việc thông tin về những biến cố mới xẩy ra trong đời sống chúng tôi. Chúng tôi nói chuyện liên miên quên cả giờ đi xem ciné. Khi chúng tôi trở lại căn nhà của mẹ tôi, bà nói: "Mẹ sẽ đi chơi với con lần nữa, nhưng lần tới cho mẹ được mời con." Tôi đồng ý.


Vợ tôi hỏi khi tôi về đến nhà: "Làm sao? bữa hẹn của anh hôm nay ra sao?" Tôi đáp: "Hết sức tốt đẹp quá mức anh mong muốn."


Vài ngay sau, mẹ tôi qua đời vì tại biến mạch máu não trầm trọng. Việc này xẩy ra quá đột ngột, tôi không có dịp để làm một cái gì cho bà.


Ít lâu sau, tôi nhận được một lá thư với một bản sao biên lai cuả nhà hàng nơi chúng tôi đã dùng bữa lần trước. Đính kèm là miếng giấy có mấy hàng chữ: "Mẹ đã trả tiền cho bữa ăn này. Mẹ không chắc mẹ có thể trở lại đó với con; tuy nhiên mẹ đã trả cho hai phần ăn - một cho con và phần kia cho vợ con. Con không thể biết được bữa ăn hôm ấy với con làm mẹ vui sướng và cảm động thế nào. Mẹ yêu con, con của mẹ."

Vào lúc đó, tôi mới hiểu thấu tầm quan trọng của việc nói: "CON YÊU MẸ hay ANH YÊU EM" và dành cho những người thân yêu của tôi thời gian họ xứng đáng được sống với tôi.


Không có gì trong đời sống quan trọng hơn là gia đình. Xin hãy dành cho gia đình thời gian họ xứng đáng được hưởng, vì không thể nào trì hoãn và nói "để chờ dịp khác."


Có người nói, phải cần 6 tuần mới trở lại được bình thường sau khi sanh con... người đó không biết rằng, một khi đã làm mẹ, thì sự "bình thường" chỉ có được trong quá khứ mà thôi.


Có người cho rằng khả năng làm mẹ là bẩm sinh... người đó chưa bao giờ dắt một đứa con ba tuổi đi mua sắm.


Có người nói làm mẹ thật là buồn chán... người đó chưa bao giờ ngồi trong xe với một vị thành niên đang lái xe với một bằng lái của học viên.


Có người nói, nếu bạn là một người mẹ "tốt", con cái bạn sẽ thành "nguời tốt"..... người đó đã yên chí rằng đứa trẻ nào ra đời cũng có kèm theo những chỉ dẫn và giấy cam đoan không hư hại.


Có người nói, một người mẹ "tốt" không bao giờ la hét..... người đó chưa bao giờ bước ra cửa sau, đúng lúc con mình ném một trái banh qua cửa kính nhà bếp của người láng giềng.

Có người nói không cần phải học hỏi để làm mẹ... người đó chưa bao giờ kèm một đứa trẻ lớp Bốn học Toán.


Có người nói không thể nào yêu thương đứa con thứ hai bằng đứa con đầu lòng... người đó có lẽ không có con.

Có người nói có thể tìm được tất cả mọi câu hỏi về nuôi dưỡng con cái trong sách vở... người đó chưa bao giờ có đứa con nhé.

(From Little Teresa's email)