mardi 9 janvier 2018

Các bộ phận cần giữ ấm trên cơ thể mà bạn nên biết trong mùa đông

Mặc áo ấm, trùm chăn thôi chưa đủ mà bạn còn cần phải lưu ý giữ ấm các phần này của cơ thể để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Đầu và tai

Đầu là bộ phận cực kỳ quan trọng bởi đây là nơi lưu thông hàng trăm mạch máu trong toàn cơ thể. Do đó, nếu bạn để đầu bị lạnh sẽ dễ dẫn đến lạnh toàn cơ thể, đặc biệt là tình trạng ê buốt và đau nhức đầu, lâu ngày có thể dẫn đến các bệnh đau đầu mãn tính khó chữa.
Trong khi đó, đôi tai cũng quan trọng không kém bởi vùng da tai rất mỏng manh và nhạy cảm nên dễ bị tác động bởi không khí lạnh nhanh chóng. Do đó, nếu để đôi tai quá lạnh có thể gây cảm lạnh hoặc nhức đầu. Vậy nên, tốt nhất là bạn nên dùng mũ ấm trùm cả đầu và tai hoặc dùng riêng dụng cụ bịt tai để giữ ấm tốt hơn sẽ phòng ngừa nhiều bệnh dễ tấn công mùa lạnh.
Những bộ phận nhất định phải giữ ấm ngay lập tức để hạn chế mắc các bệnh do trời lạnh gây ra - Ảnh 1.

Cổ

Cổ là vùng trung tâm của thần kinh và là con đường duy nhất vận chuyển oxy cũng như dưỡng chất từ tim lên não. Nếu bạn chủ quan và để hở cổ vào mùa lạnh có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm họng, khàn giọng… thậm chí còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Do đó, vào mùa lạnh thì bạn cũng nên lưu ý giữ cho cổ luôn ấm bằng các loại áo cao cổ hoặc sử dụng khăn choàng. Một khi cổ được giữ ấm cũng giúp cơ thể hạn chế nhiều bệnh phát sinh.
Những bộ phận nhất định phải giữ ấm ngay lập tức để hạn chế mắc các bệnh do trời lạnh gây ra - Ảnh 2.

Mũi

Nếu bạn bảo vệ mũi không tốt vào mùa lạnh thì có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như sổ mũi, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang… thậm chí nặng hơn có thể gây ra tình trạng khô mũi, vỡ mao mạch, chảy máu mũi ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp.
Do đó, mũi tuy là bộ phận nhỏ xíu trên cơ thể nhưng bạn cũng cần lưu ý bảo vệ ngay khi trời lạnh. Tốt nhất là mỗi khi ra đường, bạn nên đeo khẩu trang che kín miệng lẫn mũi để hạn chế không khí lạnh xâm nhập. Đặc biệt, thỉnh thoảng bạn có thể dùng 2 tay xoa cho ấm rồi đặt lên 2 bên sống mũi sẽ giúp làm ấm mũi tức thì.
Những bộ phận nhất định phải giữ ấm ngay lập tức để hạn chế mắc các bệnh do trời lạnh gây ra - Ảnh 3.

Bụng

Bụng là bộ phận liên quan mật thiết đến hệ tiêu hóa và cực kỳ nhạy cảm khi trời bắt đầu trở lạnh. Nếu bạn không giữ ấm bụng tốt sẽ có thể dẫn đến tình trạng nhiễm lạnh bụng, nhu động ruột tăng lên gây đi ngoài, tiêu chảy, nặng hơn có thể gây mất nước, sốt cao và mất sức đề kháng nghiêm trọng.
Do mùa đông lạnh, hầu như bạn nào cũng mặc nhiều lớp áo để chống lạnh nên phần bụng được giữ ấm hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một điều là ngoài việc chống lạnh từ bên ngoài thì bạn cũng nhớ làm ấm bụng từ bên trong. Tốt nhất, bạn nên tránh các loại đồ ăn thức uống quá lạnh mà hãy tăng cường sử dụng nước ấm, thức ăn ấm để tăng độ ấm cho bụng hơn.
Những bộ phận nhất định phải giữ ấm ngay lập tức để hạn chế mắc các bệnh do trời lạnh gây ra - Ảnh 4.

Bàn chân

Bàn chân có lớp mỡ dưới da khá mỏng nên khả năng chịu lạnh rất kém. Ngoài ra, do bàn chân ở xa tim nhất nên việc lưu thông máu đến bộ phận này cũng kém hơn. Trong khi đó, bàn chân lại là bộ phận nhiều bạn bỏ qua nhất trong việc làm ấm khiến nhiệt lạnh buốt của đôi chân có thể truyền lên cả cơ thể. Từ đó, sức đề kháng cơ thể giảm sút và dễ mắc bệnh do trời lạnh gây ra.
Do đó, vào trời lạnh thì bạn cũng không nên quên các đôi tất ấm xinh xắn. Đặc biệt, không chỉ đi tất lúc ra ngoài mà ngay cả ở trong nhà, khi ngủ nếu trời quá lạnh thì việc đi tất sẽ giúp giữ ấm cơ thể hiệu quả hơn.
Những bộ phận nhất định phải giữ ấm ngay lập tức để hạn chế mắc các bệnh do trời lạnh gây ra - Ảnh 5.
Đây là các bộ phận cần giữ ấm trên cơ thể mà bạn nên biết. Nhờ đó sẽ không còn lo ảnh hưởng gì đến sức khoẻ vào mùa đông nữa.


Theo :   Trí Thức Trẻ

Hoàng Trần chuyển


Mùa đông: Đẩy lùi bách bệnh nhờ giữ ấm vùng bụng

Vùng bụng nơi 6 kinh âm đi qua, là nơi cư ngụ của “Điểm sự sống – Đan điền, nơi chứa nguyên khí của cơ thể”. Vì vậy mùa đông trời lạnh, nơi này càng phải được bảo vệ, đó cũng là bí quyết để bảo vệ cơ thể trước mọi bệnh tật.
Hoàng Đế nội kinh viết: “Ở tay có 3 âm kinh đi từ phủ tạng đến tay và 3 dương kinh đi từ tay lên đầu. Ở chân có 3 dương kinh đi từ đầu xuống chân và 3 âm kinh đi từ chân lên bụng”. Các âm kinh giao với dương kinh ở tay, chân; các dương kinh giao nhau ở đầu; còn các âm kinh giao nhau ở bụng.
Theo Trung y, “Âm thuộc hàn, hàn ắt ngưng tụ”, nên vùng bụng là nơi dễ bị “hàn ngưng” nhất do có 6 âm kinh. Đây cũng là lý do khiến chất độc, chất béo dễ tích tụ ở vùng bụng, lâu ngày sẽ làm tắc nghẽn kinh mạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành khí huyết. Cho nên có thể nói, sự tích ứ ở vùng bụng là nguồn gốc của trăm bệnh.
Vùng bụng là nơi đi qua của 6 Kinh âm.
Nghiên cứu cho thấy, khi chất béo tích tụ ở vùng bụng, các tế bào mỡ sẽ theo dòng chảy của máu mang các acid béo đến gan. Khi gan gặp những acid béo này, ngay lập tức nó sẽ sinh ra một loại lipoprotein mật độ thấp. Những lipoprotein này sẽ phá vỡ hệ thống lọc của gan để theo máu vào mạch máu và nội tạng rồi bám tụ trên các thành mạch gây sơ cứng động mạch, cao huyết áp, bệnh tim, v.v… Những căn bệnh phát sinh khi vòng bụng quá lớn sẽ rất khó chữa. Do đó, giảm số đo vòng bụng là cách tốt nhất để giảm béo, giảm cholesterol, hạ đường huyết và huyết áp.
Người xưa gọi “điểm sự sống” là “đan điền”. Vị trí của đan điền chính là huyệt Quan nguyên trên Nhâm mạch. Quan nguyên nghĩa là nơi “chứa nguyên khí của cơ thể”. Vì vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta cũng không được làm tổn hại nguyên khí, bởi một khi đã bị tổn hại, nguyên khí sẽ rất khó phục hồi.
Vị trí huyệt Quan nguyên (nơi được gọi là Đan điền), nơi chứa nguyên khí của cơ thể.
Trong cuộc sống, ta thấy có nhiều người chưa già đã yếu, nhưng cũng có không ít người tuổi cao mà vẫn tráng kiện. Điều này liên quan mật thiết đến việc điều dưỡng đan điền (hay nói khác hơn là vùng bụng) của chúng ta.
Qua kinh nghiệm của Y sư Thái Hồng Quang, là người Quảng Châu, Trung Quốc, chủ tịch Hội Nghiên cứu sức khoẻ kinh lạc quốc tế Hồng Kông từng chia kinh nghiệm của ông với nhiều trường hợp suy nhược, kiệt sức, stress, thậm chí mất cân bằng nội tiết tố hay mắc bệnh nan y đều có nguyên nhân từ vùng bụng. Do đó cần chú ý 3 vấn đề ở vùng bụng:
Nhiệt độ vùng bụng giảm
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ vùng bụng càng thấp thì cơ thể càng bất ổn. Thông thường, nhiệt độ vùng bụng trên 36°C thì cơ thể khoẻ mạnh; 34°C thì bị stress, mệt mỏi, kiệt sức; 32°C thì phát sinh bệnh tật; còn dưới 30°C thì sinh ra khối u. Đa phần các chứng kinh nguyệt không đều, mất cân bằng nội tiết tố, u xơ tử cung, tắc ống dẫn trứng hay vô sinh ở nữ, đều có liên quan đến hiện tượng hàn tử cung (là một trong những nguyên nhân gây vô sinh).
Hàn tích lai ở bụng nhiều dẫn đến tích trữ mỡ và độc tố.Vùng bụng là nơi dễ hình thành khối u
Vùng bụng là nơi âm kinh quy tụ, nên nếu ta không chú ý bảo vệ, nó sẽ nhanh chóng trở thành nơi tích mỡ và hàn khí, lâu dần sinh ra khối u mỡ, khối u dạng sợi, nốt ruồi son, nốt ruồi đen, dị ứng, nếp nhăn, v.v… khiến khí huyết kinh mạch bị tắc nghẽn.
Vùng bụng càng hàn thì vòng bụng càng lớn
Một khi vùng bụng bị nhiễm hàn, mỡ sẽ tích tụ lại làm tắc nghẽn kinh mạch, khiến cơ thể cứ béo dần, vòng bụng ngày càng to, các khối u cũng di căn ngày càng rộng. Vùng bụng là nơi có 9 kinh mạch đi qua, nên nếu tại đây xuất hiện khối u thì các kinh mạch nói trên sẽ bị tắc nghẽn, tạo nên một loạt phản ứng dây chuyền trong quá trình vận hành khí huyết. Do đó, nhiều bệnh nhân béo phì dù đã uống thuốc giảm cholesterol, hạ đường huyết và huyết áp nhưng vẫn không hiệu quả, bởi mấu chốt cần xử lý là vùng bụng. Một khi số đo vòng bụng giảm, việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả.
Giữ ấm vùng bụng là mấu chốt để cơ thể luôn khoẻ mạnh
Theo Trung y, nhiệt độ vùng bụng chính là tiêu chuẩn đánh giá mức độ stress và bệnh mãn tính. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu nhiệt độ trung bình của vùng bụng dưới 34°C sẽ gây hại cho sức khoẻ. Trẻ con được giữ ấm vùng bụng sẽ ít bị bệnh. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, ta nên chú ý giữ ấm vùng bụng để bảo vệ sức khoẻ.


Cao Sơn (ĐKN)

TS sưu tầm 

samedi 6 janvier 2018

Hãy thong thả Sống

Hãy thong thả Sống

Trần Mộng Tú



Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào.
Ta hối hả sống, vui, buồn, khỏe, yếu, ta cứ lướt qua rồi không ngoái đầu lại nhìn chuỗi ngày tháng ta đã tiêu hao của một đời người.
Cho đến khi có một người bạn vừa ngã bệnh, bệnh nặng, không biết sẽ mất đi lúc nào, lúc đó ta mới xa, gần, hốt hoảng gọi nhau.
Tưởng như chưa từng có người bạn nào “Chết” bao giờ...

Hay ta có một người thân trong gia đình, đang rất khỏe vừa báo tin bị bệnh hiểm nghèo. Gia đình, họ hàng cuống lên, sợ hãi như chưa nghe đến ai nói về cái chết bao giờ, chưa chứng kiến cảnh vào bệnh viện, cảnh tang ma bao giờ.
Cả hai người trên có thể đã ngoài 70 tuổi. Lạ thật ! Cái tuổi nếu có chết thì cũng đã sống khá lâu trên đời rồi, sao những người chung quanh còn hoảng hốt thế.
Hóa ra người ta, không ai muốn nghe đến chữ “Chết”, dù chữ đó đến với mình hay với người thân của mình.
Hình như không ai để ý đến mỗi sáng chúng ta thức dậy, nhìn thấy mặt trời mọc (nếu còn để ý đến mặt trời mọc) là chúng ta đã tiêu dùng cái ngày hôm qua của đời sống mình. Có người vì công việc làm ăn, cả tuần mới có thời giờ ngửng mặt nhìn lên mặt trời.
Buổi sáng còn tối đất đã hấp tấp ra đi, buổi chiều vội vã trở về lúc thành phố đã lên đèn, làm gì nhìn thấy mặt trời.
Nhưng mặt trời vẫn nhìn thấy họ, vẫn đếm mỗi ngày trong đời họ. Họ tiêu mất cái vốn thời gian của mình lúc nào không biết.
Tiêu dần dần vào cái vốn Trời cho mà đâu có hay. Rồi một hôm nào đó bỗng nhìn kỹ trong gương, thấy mình trắng tóc.
Hốt hoảng, tiếc thời gian quá! Khi nghe tin những người bạn bằng tuổi mình, bệnh tật đến, từ từ theo nhau rơi xuống nhanh như mặt trời rơi xuống nước, họ vừa thương tiếc bạn vừa nghĩ đến phiên mình.
Thật ra, nếu chúng ta bình tâm nghĩ lại một chút, sẽ thấy “Cái chết” nó cũng đến tự nhiên như “Cái sống”.
Đơn giản, mình phải hiểu giữa sống và chết là một sự liên hệ mật thiết, vì lúc nào cái chết cũng đi song song từng ngày với cái sống.
Dẫu biết rằng, đôi khi có những cái chết đến quá sớm, nhưng ta cũng đâu có quyền từ khước chết.
Tôi biết có người mẹ trẻ, con của bạn thân tôi.
Chị bị ung thư, chị cầu xin Thượng Đế cho sống đến khi đứa con duy nhất của mình vào Đại Học.
Chị không cưỡng lại cái chết, chị chỉ mặc cả với Thượng Đế về thời gian vì con chị lúc đó mới lên 3 tuổi.
Thượng Đế đã nhận lời chị. Ngày con chị tốt nghiệp Trung Học, chị ngồi xe lăn đi dự lễ ra trường của con và tuần lễ sau chị qua đời.
Trong suốt mười mấy năm trị bệnh, chị vẫn làm đủ mọi việc: chị đội tóc giả đi làm, đến sở đều đặn, lấy ngày nghỉ hè và ngày nghỉ bệnh đi trị liệu.
Những bạn làm chung không ai biết chị bị ung thư, ngay cả xếp của chị. Khi họ biết ra, thì là lúc chị không đứng được trên đôi chân mình nữa.
Chị sửa soạn từng ngày cho cái chết với nụ cười trên môi. Vẫn vừa đi làm, vừa cơm nước cho chồng con, ân cần săn sóc cha mẹ, hiền hòa giúp đỡ anh em trong nhà, chị mang niềm tin đến cho tất cả những người thân yêu của mình.
Sau ba năm chị mất, cậu con trai mỗi năm vẫn nhận được một tấm thiệp sinh nhật mẹ viết cho mình (Mẹ đã nhờ qua người dì gửi hộ).
Hôm sinh nhật 21 tuổi của cậu cũng vào ngày giỗ năm thứ ba của Mẹ, cậu nhận được tấm thiệp mừng sinh nhật mình, với dòng chữ nguệch ngoạc, chị viết cho con: “Mừng sinh nhật thứ 21 của con. Hãy bước vui trong đời sống và nhớ rằng mẹ luôn luôn bên cạnh con.
Tôi đọc những dòng chữ mà ứa nước mắt. Tôi nghĩ đến chị với tất cả lòng cảm phục. Chị là người biết sống trong nỗi chết.
Khi không thắng được bệnh tật, chị biết hòa giải với nó để sống chậm lại với nó từng ngày cho con mình. Chắc “Cái chết” cũng nhân nhượng với chị, thông cảm với chị như một người bạn.
Một chị bạn kể cho nghe về một bà bạn khác. Bà này mới ngoài sáu mươi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và tính nết vui vẻ, yêu đời.
Nhưng khi nào đi ra khỏi nhà bà cũng mang theo một bộ quần áo đặc biệt, đủ cả giầy vớ bỏ vào một cái túi nhỏ riêng trong va-li.
Hỏi bà, sao lại để bộ này ra riêng một gói vậy, bà thản nhiên nói: “Nếu tôi chết bất thình lình ở đâu, tôi có sẵn quần áo liệm, không phiền đến ai phải lo cho mình.”
Bà mang theo như thế lâu lắm rồi, tôi không biết có khi nào bà ngắm nghía mãi, thấy chưa dùng tới, bà lại đổi một bộ mới khác cho ưng ý không?
Giống như người phụ nữ sắp đi dự tiệc hay cầm lên, để xuống, thay đổi áo quần sao cho đẹp. Đi vào cái chết cũng có thể coi như đi dự một đám tiệc.
Tôi nghĩ đây là một người khôn ngoan, sẵn sàng cho cái chết mà bà biết nó sẽ đến bất cứ lúc nào.
Bà đón nhận cái chết tự nhiên, giản dị như đi dự tiệc, hay một chuyến đi xa, đi gần, nào đó của mình.
Nhưng không phải ai cũng nghĩ về cái chết giản dị như vậy. Phần đông muốn được sống lâu, nên bao giờ gặp nhau cũng thích chúc cho nhau tuổi thọ.
Thích hỏi nhau ăn gì, uống gì cho trẻ trung mãi. Loài người nói chung, càng ngày càng thích sống hơn chết. Họ tìm kiếm đủ mọi phương thuốc để kéo dài tuổi thọ. Người ta ức đoán, trong một tương lai rất gần, loài người có thể sống đến 120 tuổi dễ dàng với những môn thuốc ngăn ngừa bệnh tật và bồi dưỡng sức khỏe.
Rồi người ta sẽ còn tạo ra những bộ phận mới của nội tạng để thay thế cho những bộ phận gốc bị nhiễm bệnh. Gan, ruột, bao tử v.v.., sẽ được thay như ta thay những phần máy móc của một cái xe cũ. Chúng ta, rồi sẽ sống chen chúc nhau trên mặt đất này.
Chỉ tiếc một điều là song song với việc khám phá ra thuốc trường thọ người ta cũng phải phát minh ra những người máy (robot) để chăm sóc những người già này, vì con cháu quá bận (chắc đang chúi đầu tìm thuốc trường sinh) không ai có thời giờ chăm sóc cha mẹ già.
Theo tôi, ngắm nhìn hình ảnh một cụ ông hay một cụ bà lưng còng, tóc bạc, đang cô đơn ngồi trong một căn buồng trống vắng, được một người máy đút cơm vào miệng, thật khó mà cảm động, đôi khi còn cho ta cái cảm giác tủi thân nữa.
Nhưng sống như vậy mà có người vẫn thích sống.
Một người đàn ông ngoài bẩy mươi, bị bệnh tim nặng, đang nằm trong phòng đặc biệt (ICU) lúc mơ màng tỉnh dậy, nhắn với các con cháu là khi nào vào thăm không ai được mặc áo mầu đen. Ông kiêng cữ mầu của thần chết. Ông quên rằng thần chết, đôi khi, có thể đến với chiếc áo mầu hồng.
Thật ra, chính nhờ “cái chết” cho ta nhận biết là “cái sống” đẹp hơn và có giá trị hơn, dù có người sống rất cơ cực vẫn thấy cuộc đời là đẹp.
Những bậc thiên tài, những nhà văn lớn đã tự tìm về cái chết khi họ bắt đầu nhìn thấy cái vô vị trong đời sống như nhà văn Ernest Hemingway, Yasunari Kawabata và họa sĩ Vincent van Gogh, v.v… Chắc họ không muốn sống vì thấy mình không còn khả năng hưởng hết vẻ đẹp của “cái sống” nữa.
Họ là một vài người trong số nhỏ trên mặt đất này sau khi chết để lại tên tuổi trên những trang sử, lưu lại hậu thế, còn phần đông nhân loại, sau khi chết một thời gian, không để lại một di tích nào. Con cháu có thờ cúng được một hai thế hệ, sau đó tên tuổi mờ dần, mất hẳn theo ngày tháng, vì chính những kẻ thờ phụng đó lại tiếp theo nằm xuống cùng cát bụi.
Ðời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích. (Thánh Vịnh)
Thượng Đế khi đem mình vào đời, có hỏi ý kiến mình đâu. Nên chắc chắn là khi Ngài gọi mình đi cũng chẳng cần thông báo trước.
Chúng ta cứ thong thả sống từng ngày, khi nào chết thì chết, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, bông hoa nở rồi bông hoa tàn, thế thôi.
Tại sao ta phải cay cú với cái chết? Hãy dùng trí tưởng tượng của mình, thử hình dung ra một thế giới không có cái chết (*)
Chắc lúc đó chúng ta sẽ không còn không khí mà thở chứ đừng nghĩ đến có một phiến đất cho bàn chân đứng.

Trần Mộng Tú


Hồng Công sưu tầm

TÌM GẶP THIÊN CHÚA GIỮA LÒNG ĐỜI



Theo ánh sáng của ngôi sao lạ, ba nhà chiêm tinh đã tìm đến cung điện của vua Hê-rô-đê để thờ lạy kính bái, vì nghĩ rằng nếu có vị vua mới sinh thì ắt vua đó phải sinh ra nơi cung vàng điện ngọc, nơi chốn cao sang. Nhưng thực ra không phải thế. Khi ba vị đến ngay cung điện vua Hê-rô-đê và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người," thì vua Hê-rô-đê tỏ hết sức ngạc nhiên. (Mt 2, 2)

Bấy giờ "nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” (Mt 2, 4-6)

Thật bất ngờ, Chúa Cứu Thế không sinh ra trong cung vàng điện ngọc mà lại sinh ra trong nơi quê mùa heo hút, nơi làng Bê-lem là phần đất nhỏ bé của miền Giu-đa.

Như thế, nhờ ánh sáng từ Kinh Thánh soi sáng mà vua Hê-rô-đê, cả triều thần của vua cũng như ba nhà chiêm tinh biết được nơi Chúa Cứu Thế giáng sinh. Cũng nhờ ánh sáng nầy, ba nhà chiêm tinh tiếp tục đến tận nơi để thờ lạy và dâng lễ vật cho Người, tại một nơi nghèo nàn tầm thường mà ba vị không ngờ trước được.

Hôm nay, không có ngôi sao lạ nào xuất hiện trên bầu trời để soi đường cho chúng ta đi tìm Chúa, nhưng chúng ta có một ánh sáng khác rực rỡ hơn giúp ta tìm gặp Người. Đó là ánh sáng của Lời Chúa, như lời Thánh Vịnh: "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi." (Thánh vịnh 119, câu 105)

Vậy ánh sáng Lời Chúa soi đường cho chúng ta tìm thấy Chúa nơi đâu?

Ở nơi mà không mấy ai tin là có: Ở ngay trong nhà, trong xóm chúng ta. Thật quá bất ngờ !

Ba nhà chiêm tinh ngày xưa ban đầu cứ ngỡ rằng vua mới ra đời ắt phải sinh ra trong cung điện Hê-rô-đê, không ngờ Lời Chúa lại chỉ cho họ tìm gặp Đấng Cứu Thế mới sinh tại một làng quê Bê-lêm hẻo lánh, trong hình hài một trẻ sơ sinh yếu ớt, tại một túp lều nghèo nàn đơn sơ.

Chúng ta cũng thế, ban đầu chúng ta cứ tưởng Chúa chỉ ngự trên chốn trời cao, Chúa chỉ hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, chỉ ngự trong các thánh đường... Nào ngờ Chúa cũng hiện diện trong chính gia đình chúng ta, trong thôn xóm nghèo nàn của chúng ta.

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong tâm thư gửi các gia đình đã viết: "Thiên Chúa đồng hoá với con người, với những người trong gia đình. Thiên Chúa là một với người cha, người mẹ, người bạn trăm năm, người con cái trong gia đình."

Qua dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Giê-su tỏ cho thấy những ai cho những người đói khát đầu đường xó chợ một bát cơm thì Chúa nói là họ cho Chúa ăn. Những ai cho người rách rưới hoặc mình trần một manh áo, thì Chúa nói là họ đã cho Người mặc. Những ai cho người sa cơ thất thế không nơi nương tựa được trú ngụ một thời gian thì Chúa nói là họ đã cho Chúa trọ nhà… Nói như thế, Chúa Giê-su tự đồng hoá mình với mọi người chung quanh. Nói khác đi, bất cứ ai cũng được Chúa Giê-su nhìn nhận là chính Người. (xem Mt 25, 31-46)

Khi chưa nhận biết Đức Giê-su là Thiên Chúa, Phao-lô ra tay bách hại các môn đệ của Người dữ dội. Vì thế, ông đã bị quật ngã trên đường Đa-mát và có tiếng Chúa Giê-su vang lên giữa thinh không: "Sao-lô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Phao-lô hết sức kinh hoàng: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Có tiếng từ trời đáp: "Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ". (Cv 22, 6-9). Chính từ hôm đó, Sao-lô (tức thánh Phao-lô tông đồ) mới nhận ra các tín hữu cũng chính là Chúa Giê-su nên người thường nhắc nhở mọi người ghi tâm khắc cốt lời nầy: "Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?" (I Cr 6, 15).

Chính những Lời Chúa dạy trên đây là ánh sao sáng, còn sáng hơn sao Bê-lem năm xưa, soi sáng cho chúng ta biết Chúa đang ở ngay trong gia đình, trong làng xóm của chúng ta, để chúng ta đến hầu hạ phục vụ và dâng lễ vật cho Người.

Lễ vật của chúng ta không phải là vàng, nhũ hương và mộc dược nhưng là một tấm áo cho cha, một bát cơm cho mẹ, là sách vở bút mực cho con cái học hành, là sự ân cần săn sóc cho những người đau khổ chung quanh chúng ta.

Đó là những lễ vật quý báu mà Chúa Giê-su đang thiết tha chờ đợi. Ước gì chúng ta mau mắn và quảng đại hiến dâng cho Người.
LM Inhaxiô Trần Ngà

vendredi 5 janvier 2018

Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết

Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết

Kể từ khi bác sĩ Yersin tìm ra cao nguyên Lang Biang, Đà Lạt trở thành tên gọi quen thuộc có sức hút mãnh liệt đối với du khách. Vùng đất này vẫn còn ẩn chứa nhiều điều không phải ai cũng biết.

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/640/2017/lao-boc-nhan-luong-vang01-read-only-1514086124171.jpg

Ông Nguyễn Đức Hòa (phải) - Ảnh tư liệu
Xin giới thiệu với bạn đọc một số câu chuyện về Đà Lạt ít ai biết, hoặc đã biết nhưng chưa tỏ tường...

Kỳ 1: Lão bộc nhận lương bằng... vàng
Ngày 23-12-2017, bộ sưu tập "Báu vật triều Nguyễn tại Đà Lạt" với hơn 120 cổ vật quý giá được đưa ra trưng bày. 
Bà Đoàn Thị Ngọ, phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, đã ghi nhận một cách trân trọng rằng ông Nguyễn Đức Hòa là người có công giữ gìn và bàn giao chúng nguyên vẹn cho chính quyền sau năm 1975.

Ông Hòa là ai mà được quyền lưu giữ, bảo quản những cổ vật quý giá được làm từ ngọc, bạc, vàng, đá quý, ngà voi và mã não...? Không nhiều thông tin về ông cho đến khi chúng tôi lục lại những tư liệu cũ liên quan đến dinh Bảo Đại tại Đà Lạt.

Dinh Bảo Đại là một công trình kiến trúc hài hòa giữa phong cách Á - Âu đầu tiên của triều Nguyễn được xây dựng trong bốn năm (1934-1938). Tên gốc của công trình này là Palais Impérial nằm trên đường Darles (nay là đường Triệu Việt Vương), bao quanh là rừng thông mang tên Bois d’amour (Rừng tình) rộng gần 10ha. 
Sau năm 1975, có tên mới là Dinh 3. Trong biệt điện có một người quản gia tận tụy từ thời vua Bảo Đại qua chế độ Việt Nam cộng hòa cho đến sau ngày đất nước thống nhất. Đó là ông Nguyễn Đức Hòa (1926-2009). 
Sinh thời, giới văn nghệ sĩ và người dân Đà Lạt gọi ông là "lão bộc qua các triều đại".
Theo vua từ thuở mười ba
Trước năm 1945, dinh thự Palais Impérial là nơi sinh hoạt của gia đình vị vua cuối cùng của vương triều Nguyễn. Khi trở thành quốc trưởng và khai sinh ra Hoàng triều cương thổ (năm 1950), vua Bảo Đại đã sử dụng biệt điện này để ở và tiếp khách. 
Công trình kiến trúc này được xây dựng hai tầng, sắp xếp khéo léo từ trong ra ngoài.
Ông Nguyễn Đức Hòa sinh ra và lớn lên tại làng Dương Nỗ (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Năm 13 tuổi, được một người bác họ làm ở đội kỵ mã đưa vào Đại nội giúp việc và được thái hậu Từ Cung (bà Hoàng Thị Cúc, mẹ vua Bảo Đại) tin cậy cho theo hầu Bảo Đại.
Ngày 28-4-1949, Bảo Đại được Pháp đưa về Việt Nam. Ngày 14-4-1950, Bảo Đại ra dụ số 6/QT/TG xác định Đà Lạt là thủ phủ của Hoàng triều cương thổ và cao nguyên miền Nam. Ông Nguyễn Đức Hòa được theo vua lên Đà Lạt. Ông được vua Bảo Đại hết sức tin cậy.
Khi còn sinh hoạt trong dinh, vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu luôn giữ gìn nề nếp gia phong của hoàng tộc. Sau mỗi bữa tối, các hoàng tử, thái tử, công chúa đều được gọi lên phòng để hàn huyên và nghe vua, hoàng hậu giáo huấn, bảo ban. 
Sau khi Bảo Đại không còn làm vua nữa, ông Hòa được Việt Nam cộng hòa giữ lại làm việc trong dinh. Đây cũng là điều đặc biệt, có lẽ nhờ bản tính điềm đạm, hiền lành, trung thực của ông.
https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/640/2017/lao-boc-nhan-luong-vang02-read-only-1514086124172.jpg
Chậu ngọc bịt vàng cẩn đá qúy của vua Bảo Đại được ông Nguyễn Đức Hoà lưu giữ - Ảnh:

Bảo tàng Lâm Đồng cung cấp
Gìn giữ báu vật hoàng gia
Trước khi ông Hòa mất, chúng tôi có gặp ông và đề nghị ghi âm cuộc trò chuyện, ông vui vẻ đồng ý. Khi hỏi đến tiền lương, ông nói:
- Ngày còn phục vụ vua Bảo Đại, mỗi tháng tôi được 4 lượng vàng.
- Vậy một năm được 48 lượng vàng, bác tiêu sao hết?
- Tuổi trẻ ham chơi, tiêu hết rồi...
- Trong thời gian làm việc với Bảo Đại, có bao giờ bác thấy vợ chồng Bảo Đại to tiếng với nhau không?
- Có chứ! Nhưng mỗi lần cãi nhau thì họ chuyển sang nói bằng tiếng Pháp. Mình chịu. Ông tiếp: Vua Bảo Đại hay dành thời gian nói chuyện với tôi khi đi xa. Ông cũng có nỗi niềm riêng ít ai biết được.
Rồi ông cho biết thêm: "Dưới thời ông Ngô Đình Diệm, tôi được trả lương hằng tháng tương đương 5 lượng vàng, thời ông Nguyễn Văn Thiệu là 7 lượng vàng".
Sau ngày 3-4-1975, chính quyền quân quản cũng tiếp tục nhận ông làm nhân viên, lo các công việc trong dinh Bảo Đại và được hưởng lương theo quy định nhà nước cho đến khi qua đời.
Ông là lão bộc duy nhất được các chế độ khác nhau giữ lại làm quản gia ở dinh Bảo Đại, và là người được Từ Cung thái hậu tín cẩn giao giữ các két sắt có chứa tài sản (gồm tư trang và đồ dùng của gia đình). 
Về sau, tài sản này đã được đơn vị T78 thuộc Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Lâm Đồng bảo quản, cất giữ.
Năm 2000, ông Hòa là người đặt ra một số câu hỏi đề nghị những người có trách nhiệm trong chính quyền địa phương trả lời về sự mất còn của số tài sản là ngọc ngà châu báu tại dinh Bảo Đại trước đây. 
Ngày 17-2-2000, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu chủ tịch tỉnh Lâm Đồng làm rõ sự việc và báo cáo kết quả lên Thủ tướng.
Kết quả báo cáo như sau (trích):
"Nguồn gốc số tài sản này (gồm tư trang và đồ dùng gia đình) trước ở dinh III là tài sản của Từ Cung thái hậu (mẹ của vua Bảo Đại). Sau ngày 30-4-1975, đơn vị T78 thuộc Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Lâm Đồng tiếp nhận, bảo quản, cất giữ (có biên bản bàn giao và niêm phong cẩn thận). 
Đến cuối năm 1996, số tài sản đó được đưa sang Kho bạc Lâm Đồng tiếp nhận niêm phong cất giữ cho đến nay và bảo đảm còn nguyên trạng như khi tiếp nhận từ T78.
Sở dĩ tỉnh chưa có kế hoạch trưng bày các cổ vật này vì: Đây là những cổ vật quý, hiếm, có giá trị về lịch sử nên muốn trưng bày phải có chế độ bảo quản nghiêm ngặt. Ngoài ra, khi cho trưng bày thì phải đầu tư trang bị một số thiết bị chuyên dùng để phục vụ công tác bảo quản tránh hư hao xuống cấp đồ vật".
Cho đến khi mất, ông Hòa có hơn 60 năm gắn bó với dinh Bảo Đại, khu Rừng tình và những ký ức khó để nói tường tận về vua Bảo Đại.
https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/640/2017/lao-boc-nhan-luong-vang03-read-only-1514086124169.jpg
Bút ngọc của vua Bảo Đại được ông Nguyễn Đức Hòa lưu giữ cho đến khi bàn giao cho tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng cung cấp
Trưng bày báu vật triều Nguyễn trong festival hoa
Trong thời gian diễn ra Festival hoa Đà Lạt 2017 (từ ngày 23-12-2017 đến ngày 2-1-2018), Bảo tàng Lâm Đồng đã chọn cung Nam Phương Hoàng Hậu (số 4 Hùng Vương, Đà Lạt) làm nơi trưng bày giới thiệu bộ sưu tập "Báu vật triều Nguyễn tại Đà Lạt". 
Đây cũng là lần đầu tiên bộ sưu tập hiện vật độc đáo này ra mắt công chúng một cách đầy đủ về số lượng và chuẩn xác về thông tin với trên 120 cổ vật. 
Phần lớn các hiện vật này đều do Ngự xưởng triều Nguyễn chế tác từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, cá biệt có một ít hiện vật thuộc thế kỷ 18.

Kỳ 2: Nhà đá... thứ phi

Ngoài Nam Phương hoàng hậu - người vợ chính thức, vua Bảo Đại còn có các thứ phi và những cuộc tình.
https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/640/2017/nha-da-thu-phi01-1read-only-1514166251239.jpg

Chân dung thứ phi Phi Ánh - Ảnh tư liệu
Câu chuyện tình của cựu hoàng Bảo Đại và thứ phi Phi Ánh là lý do quyết định khiến tôi tìm hiểu thêm về căn biệt thự này và mua
Ông Nguyễn Trọng Phương
Qua sự "mai mối" của dược sĩ Phan Văn Giáo - thủ hiến Trung Kỳ, cựu hoàng Bảo Đại đã gặp Lê Thị Phi Ánh (sinh năm 1925).
Người tình đặc biệt

Năm 1949, được tin cựu hoàng Bảo Đại trở về nước lại lên ngay Đà Lạt, ông Phan Văn Giáo đã xuống tận phi trường Liên Khương đón vua Bảo Đại và giới thiệu Phi Ánh cho ông. 
Bà Lê Thị Phi Ánh là con út của ông Lê Quang Sáu ở Huế. Bác của Phi Ánh là ông Lê Quang Thiết, phò mã của vua Thành Thái.

Chúng tôi đã nhiều lần được gặp ông Nguyễn Đắc Xuân - một người luôn gắn bó với công việc nghiên cứu về Huế, đặc biệt là chuyện vua tôi nhà Nguyễn. 
Khi nhắc đến Đà Lạt và những câu chuyện liên quan đến những bà thứ phi của cựu hoàng Bảo Đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân rất vui và kể lại rành mạch. 
Bà Lê Thị Phi Ánh người trắng trẻo, cao ráo, mũi cao, mắt sáng, đẹp nhất trong bốn cô "phi". Đang lúc buồn, gặp Phi Ánh, Bảo Đại phải lòng ngay.
Không rõ Phan Văn Giáo đã "tâu" với Bảo Đại như thế nào mà sau khi ân ái với Phi Ánh, Bảo Đại đã "tặng" cho bà một số tiền lớn. Và thật bất ngờ, theo một người thân trong gia đình Phi Ánh cho biết, ông vua "ham chơi" đã bị nhân tình "thất lễ" bằng một cái tát. 
Phi Ánh giải thích cho Bảo Đại biết bà "muốn làm thứ phi của hoàng đế, chứ không phải là gái làm tiền". Bảo Đại vỡ lẽ, không những ông không phẫn nộ mà càng yêu quý Phi Ánh hơn. 
Bà Phi Ánh xuất thân trong một gia đình tử tế và giàu có với nhiều nhà cửa và biệt thự tại Huế. Bà Ánh gọi bà Lê Thị Kim Lộc (bà ngoại của giáo sư Phan Lương Cầm) là cô ruột.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân còn cho biết thêm: Bà Phi Ánh đã sinh cho vua Bảo Đại được 2 người con. Người con gái là Nguyễn Phước Phương Minh, sinh năm 1950 và qua đời tại Mỹ năm 2012. Người con trai là Nguyễn Phước Bảo Ân, sinh năm 1951 tại Đà Lạt. 
Sau năm 1975, bà Phi Ánh sống trong cô đơn tại Sài Gòn và qua đời vào năm 1986 ở tuổi 61.
https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/640/2017/nha-da-thu-phi02-1read-only-1514166275097.jpg
Biệt thự đá thời điểm cựu hoàng Bảo Đại mua tặng bà Phi Ánh - Ảnh tư liệu 
Nhà... đá tặng thứ phi
Cựu hoàng Bảo Đại đã mua một ngôi biệt thự bằng đá nằm trên đường René Robin (nay là đường Quang Trung, P.9, TP Đà Lạt) vào năm 1950, được người Pháp xây dựng theo kiến trúc Tây Ban Nha để làm quà tặng cho bà Phi Ánh. 
Đây là món quà tặng đặc biệt của cựu hoàng, nên còn có tên gọi khác là biệt thự Phi Ánh. Theo Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, biệt thự được xây dựng vào năm 1928.
Khác với các ngôi biệt thự khác, kiến trúc của biệt thự Phi Ánh nằm trên một diện tích sân vườn vừa phải. Biệt thự được xây phần lớn bằng đá chẻ, có lối đi rộng nối từ căn nhà bên này sang bên kia, có những ô cửa lớn được thiết kế thành những chiếc vòm cao gió lùa bốn phía. 
Trong biệt thự này có trưng bày các bức tượng vũ nữ, 12 phù điêu hai mặt trên tường, trong đó có 4 bức hoa sen cách điệu có hình hai đầu chim lạ. Một số bức tranh sơn dầu vẽ cựu hoàng Bảo Đại, thứ phi Lê Thị Phi Ánh trên tầng lầu phía bên trái nhìn từ ngoài vào.
Ông Đặng Nguyễn Văn Tích, giám đốc Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, cho biết biệt thự Phi Ánh sau năm 1975 được giao cho khoảng 30 hộ dân sống bên trong, khiến nó xuống cấp trầm trọng vì sử dụng không đúng công năng và quá tải bởi hơn trăm người cư ngụ, trong khi nó được thiết kế cho một gia đình. 
Sau này, nhà đầu tư đã bỏ tiền di dời dân ra khỏi biệt thự, thuê chuyên gia khôi phục nguyên trạng. Đây là căn biệt thự được đánh giá hồi sinh sau khi giao cho tư nhân sử dụng kinh doanh du lịch.
Sau nhiều lần sang tay đổi chủ, hiện nay biệt thự này có tên mới là nhà hàng Phù Đổng. Ông Nguyễn Trọng Phương - người Hà Nội, là người chủ mới nhất của biệt thự này - không chỉnh sửa nhiều mà cố giữ nguyên trạng, đặc biệt là hình dáng và vật liệu làm nên sự độc đáo của ngôi biệt thự là những khối đá xanh lớn. 
Ông Phương cho biết khi đến Đà Lạt có để ý nhiều biệt thự cổ, nhưng sau cùng ông quyết định mua biệt thự Phi Ánh: "Câu chuyện tình của cựu hoàng Bảo Đại và thứ phi Phi Ánh là lý do quyết định khiến tôi tìm hiểu thêm về căn biệt thự này và mua".
"Có hơi người thì biệt thự Phi Ánh mới có sức sống. Khi tiếp nhận nó, mở cánh cửa từng căn phòng, tôi cảm nhận hơi lạnh tràn từ góc nhà này sang góc nhà khác. Từ lúc đó, tôi biết căn nhà này không được đóng cửa dù chỉ một ngày" - ông Phương nói. 
Ông bóng gió rằng chính ký ức mãnh liệt của Đà Lạt thời Bảo Đại khiến căn nhà này có sức sống và độ bền bỉ hơn hàng trăm biệt thự cổ khác ở Đà Lạt.
Khi còn sống, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lập, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc tỉnh Lâm Đồng, nhận định biệt thự Phi Ánh có nét riêng biệt giữa 170 biệt thự cổ trên địa bàn TP Đà Lạt. 
Xét về độ độc đáo, nó có thể so sánh với bốn công trình đặc trưng của Đà Lạt là: Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (trước kia là Trường Grand Lycée Yersin, thành lập năm 1927), nhà ga Đà Lạt, nhà thờ Con Gà, Cục Bản đồ (trước là Nha Địa dư) dù có quy mô khiêm tốn hơn nhiều.
Trong một tài liệu mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Trân cho biết: sau ngày cựu hoàng bị Ngô Đình Diệm truất phế, bà con, ngay cả bên gia đình của bà Phi Ánh cũng không ai dám chứa chấp mẹ con bà, nên ba mẹ con phải ở nhà thuê, rày đây mai đó, thật mệt mỏi... 
Trong hoàn cảnh này, bà Phi Ánh đành phải bước thêm bước nữa cho đỡ cô đơn, vất vả. Các con của bà Phi Ánh và cựu hoàng Bảo Đại cũng có cuộc sống long đong, lận đận không khác gì mẹ mình.
https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/640/2017/nha-da-thu-phi04-1read-only-1514166309862.jpg

Một bức phù điêu bên trong biệt thự đá Phi Ánh được lưu giữ đến ngày nay -
Quan tâm đến người tình

Không riêng gì với thứ phi Phi Ánh, cựu hoàng Bảo Đại luôn quan tâm đến các thứ phi cũng như người tình của mình khi họ cùng lên Đà Lạt sinh sống với ông. 
Bà Bùi Mộng Điệp được cựu hoàng Bảo Đại mua tặng một ngôi biệt thự sang trọng của ông Basier trên đường Graffeuille, gần ngã ba Trại Hầm (giao giữa đường Hùng Vương và Hoàng Hoa Thám, P.10, Đà Lạt). 
Bà Jenny Woong (Hoàng Tiểu Lan, còn có tên là Tran Ny) được cựu hoàng Bảo Đại đưa về Đà Lạt và dành cho bà một ngôi biệt thự tại số 3 đường Babey (nay là đường Nguyễn Du).

TS sưu tầm 

jeudi 4 janvier 2018

Nguồn gốc "Bài Thánh Ca Buồn"-Nguyễn Vũ

"Bài Thánh Ca Buồn" là một hoài niệm thời xa xưa, cuối thập niên 50 thế kỷ trước, khi tác giả mới là một thiếu niên 14 tuổi hàng ngày đi lễ ở Nhà thờ Con Gà (Đà Lạt). Sở dĩ Nguyễn Vũ "siêng" đi nhà thờ đến vậy là vì anh "phát giác" có một cô gái rất đẹp và... rất ngoan đạo, hằng ngày vẫn đi lễ ngang qua ngõ nhà anh.
Trái tim non nớt của chàng trai mới lớn khiến Nguyễn Vũ thổn thức đến tội nghiệp! Chàng trai đi theo cô gái suốt 3 tháng, với 3 km đi - về mỗi ngày, "mòn nhẵn" con đường gập ghềnh nối liền hai ngôi nhà, Nguyễn Vũ thấp thỏm ôm mối tình câm. Trầy trật, chàng trai mới biết tên cô gái tên là Th., hơn anh 2 tuổi...
Cho đến một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, vừa tan lễ thì trời đổ mưa, cô gái nép vào một mái hiên trú mưa và Nguyễn Vũ trú ké bên cạnh. Văng vẳng từ đâu đó vọng ra bản thánh ca quen thuộc "Silent Night": "Đêm thánh vô cùng. Giây phút tưng bừng. Đất với trời, se chữ đồng..." Th. đứng trú mưa và hát theo nho nhỏ. Thu hết can đảm, chàng trai đưa tay vuốt hờ lên những hạt mưa bụi bám trên chiếc áo ấm của Th, khiến cô gái nhoẻn miệng cười và chỉ nói: "Cảm ơn nghen!" Mưa tạnh, người về hết mà Nguyễn Vũ vẫn ngẩn ngơ.
Câu nói "Cảm ơn nghen!" và ánh mắt của cô gái cứ ám ảnh hoài Nguyễn Vũ. Ba ngày sau, gia đình Nguyễn Vũ chuyển về Sài Gòn sinh sống. Từ dạo ấy, cứ mỗi lần nghe bài "Đêm Thánh Vô Cùng" trong các dịp Giáng Sinh, Nguyễn Vũ cho biết ông lại cảm thấy "tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của "người ấy". Với cảm xúc ấy, ông đã cho ra đời "Hai Mùa Noel" với những lời ca đượm màu chua xót về một mối tình dang dở:
Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường
Mùa Noel đó anh đón em vào tình yêu
Quỳ bên hang sâu nghe lời Kinh Thánh van cầu
Nhìn nhau không nói lên câu
Vì biết nói nhau gì đây...
Đêm nay giáo đường vang tiếng kinh cầu
Nơi xưa mình anh đứng
Không thấy bóng em đâu
Nửa đêm tan lễ
Bước anh bơ vơ trở về
Chợt nghe nước mắt
Rơi ướt trên bờ môi khô
Rồi Noel qua
Bao mộng ước cũng qua rồi
Gặp nhau chỉ để thương đau
Yêu nhau chi rồi (sao đành) xa nhau ...
Tuy nhiên, vẫn ôm trong mình một cảm xúc chưa nói nên lời, mãi 14 năm sau, Nguyễn Vũ mới trả được món nợ tinh thần ấy bằng ca khúc "Bài Thánh Ca Buồn", cũng sau một lần nghe lại bản nhạc "Đêm Thánh Vô Cùng" từ chiếc đĩa cũ. Như nhạc sĩ nói, "bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ - tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian - chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc" ông.
Kỷ niệm đẹp ấy đã để lại dấu ấn trong một bài ca đẹp. Nhưng, như Nguyễn Vũ cho biết: "Những hoài niệm bàng bạc trong ký ức tôi là câu tứ để hình thành bản nhạc. Tôi nghĩ cứ để y như thế chắc sẽ đẹp hơn. Hơn nữa, tôi đã có một gia đình êm ấm. Tôi cũng có nhiều chuyến trở về Đà Lạt, thâm tâm cũng có ý dò tìm, nhưng... bặt vô âm tín! Đà Lạt bây giờ đã thay đổi quá nhiều".
Cho dù người nhạc sĩ không bao giờ gặp lại "người tình trong mộng", nhưng từ nhiều thập kỷ nay, cứ đến dịp Giáng sinh, "Bài Thánh Ca Buồn" lại vẫn được hát lên, để "Vinh danh Thiên Chúa trên trời - Bình an dưới thế cho người thiện tâm", và cũng để vinh danh một tình yêu trong trắng.
Đặc biệt, "nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn...", nhạc phẩm này đã khiến mùa Giáng sinh - trong mắt những cặp trai gái yêu nhau - luôn đi kèm với nét thiêng liêng của những kỷ niệm, những hồi ức lung linh...

BÀI THÁNH CA BUỒN 
Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời thêm đẹp môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân
Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mông buồn...
Ref.
Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng phai màu
Em qua cầu xác pháo bay sau
Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu
Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi...

Kim Liên sưu tầm