dimanche 25 novembre 2018

MỘT SÀI GÒN CHƯA XA


MỘT SÀI GÒN CHƯA XA


Tùy bút

Nguyễn Thị Hậu

Chợ thiệp Sài Gòn

Hồi những năm 70, 80 của thế kỷ trước, Sài Gòn từng có một “ chợ ” bán thiệp quanh năm nhưng từ khoảng đầu tháng 11 trở nên tấp nập, rộn ràng và tươi vui muôn vàn màu sắc.

Đấy là thời gian Sài Gòn bắt đầu có những ngọn gió se se mát lạnh vào chiều tối, hơi sương lảng bảng quanh những ngọn đèn đường. Những đường phố khu trung tâm hình ảnh Ông già Noel đã xuất hiện sớm trên cửa kính quán xá nhắc nhở người qua đường mùa Giáng sinh đang đến, năm Dương lịch sắp hết. Một thành phố phóng khoáng và mang nhiều nét Tây phương như Sài Gòn thì mùa lễ hội cuối năm thường kéo dài từ Noel đến Tết âm lịch. Từ lúc này Chợ Thiệp ở trước Bưu điện trung tâm bắt đầu vào mùa cao điểm bán Thiệp Xuân.

Ngày thường nơi đây có những sạp bán bao thơ, bưu ảnh, giấy viết thư… Thời ấy người ta còn viết thư tay, bỏ bao thơ dán tem và gửi bưu điện. Tại đây bán các loại bao thơ đủ màu trắng xanh hồng tím hoa văn in nổi in chìm đậm nhạt đủ kiểu. Mỗi xấp là chục 12 chiếc cùng một màu hoặc nhiều màu, đơn giản nhất là bao thơ viền sọc xanh đỏ in chữ “ par avion ”. Bao thơ làm bằng loại giấy mịn màng, dày vừa đủ kín đáo nhưng cũng mỏng vừa đủ là “ cánh thư ”. Còn giấy viết thư là từng xấp mỏng, có kẻ hoặc không, góc tờ giấy cũng in màu nhạt và hoa văn chìm… Thời mới hòa bình những dòng chữ trên những tờ giấy đẹp như thế đã nối liền biết bao gia đình trong Nam ngoài Bắc. Rồi thiệp sinh nhật, thiệp chúc tốt lành… loại nào khi mua cũng được người bán cho vào chiếc bao nilon trong suốt và kèm theo bao thơ trắng tinh, làm người mua không thể chỉ mua một chiếc.

Vào mùa thiệp Tết sạp bán thiệp nở rộ trên vỉa hè và khoảng trống xung quanh Nhà Thờ Đức Bà. Mỗi sạp đơn giản là một chiếc bàn, hai bên đóng cái khung gỗ treo những chiếc khánh màu đỏ rực rỡ màu vàng lấp lánh xen lẫn những mẫu thiệp mừng Giáng Sinh và mừng năm mới của ta lẫn tây : Giáng sinh An lành, Merry Christmas, Cung chúc tân xuân, Chúc mừng năm mới, Happy New Year, Bonne Année… Vài năm sau tháng tư 75 còn có cả С Новым годом theo trào lưu học tiếng Nga… Thiệp Tây thì có ông già Noel và xe tuần lộc, ngôi nhà ấm áp ngọn đèn trong đên mưa tuyết, cây thông xanh lấp lánh trang kim… Thiệp Tết truyền thống có hình hoa đào hoa mai, cây nêu bánh chưng tràng pháo… dần dần có thêm nhiều thiệp vẽ bụi tre nhà lá dòng kinh cầu dừa thiếu nữ khăn rằn áo dài tóc bay theo gió… Là để gửi cho những người đã ra đi một chút hình ảnh quê nhà.

Chợ Thiệp bán từ sáng đến tối khi bưu điện đóng cửa vẫn còn vài sạp sáng đèn. Người mua từ già trẻ lớn bé giàu nghèo, từ người Sài Gòn đến du khách… mọi người đều chọn được những tấm thiệp đẹp ưng ý lại vừa túi tiền. Những tấm thiệp không chỉ có lời chúc xã giao lịch sự mà còn gửi gắm bao nỗi niềm thương nhớ…

Sài Gòn có nhiều nơi bán thiệp nhất là gần các nhà thờ, bắt đầu “ mùa thiệp ” là cho mùa Giáng sinh. Trong các Bưu điện hay nhà sách, các sạp báo và đồ lưu niệm ở đường Nguyễn Huệ cũng bán bưu ảnh thiệp tết… nhưng không đâu đông đúc và nhiều mẫu thiệp đẹp như chợ thiệp ở Bưu điện trung tâm. Đó cũng là một nơi mà người Sài Gòn chí ít cũng vài lần lui tới trong năm, như đi chợ Bến Thành, đến Thương xá Tax, dạo chơi bến Bạch Đằng… Nó cũng là nơi nhiều du khách nhớ đến bởi sự phong phú của văn hóa Việt tập trung ở đây qua những tấm thiệp muôn màu muôn vẻ.

Từ khoảng cuối những năm 1980 chợ Thiệp vắng dần, vì chất lượng giấy làm bao thơ, làm thiệp ngày càng kém, mẫu mã đơn điệu, chất lượng in lại xấu. Dù vẫn còn nhu cầu về thiệp trong các dịp lễ tết vẫn còn nhưng người ta không còn thói quen dạo chơi và mua thiệp cũng vì chợ đã bị dẹp vì “ lấn chiếm lòng lề đường ”. Khoảng mươi năm trước Chợ thiệp lại được nhóm họp ở đây với phong trào thiệp hand make : những chiếc thiệp hình vẽ ngộ nghĩnh, trang trí không đụng hàng, trẻ trung, hiện đại… Nhưng cũng chỉ sôi nổi được một thời gian vì internet đã phổ biến.

Bây giờ người ta viết thư gửi thiệp đều qua mạng, chẳng mấy ai còn nhớ đến những cánh thiệp Xuân được bày bán bên hông Bưu điện Sài Gòn thủa trước…

Xích lô Sài Gòn
Xích lô không chỉ là một phương tiện giao thông đặc trưng của đô thị Sài Gòn mà còn là một nét đẹp của văn hoá giao thông ở đây, bởi những lý do sau.

Xích lô Sài Gòn đẹp : năm 1975 từ Hà Nội về nhìn thấy những chiếc xích lô đậu sát vỉa hè những con đường Sài Gòn, tôi đã ngạc nhiên vô cùng : So với phần lớn những chiếc xích lô cũ kỹ thấp lè tè, sàn và ghế chỉ bằng gỗ, miếng nệm nếu có cũng dúm dó cũ mèm ở Hà Nội thì xích lô Sài Gòn thiết kế cao, gọn, nệm mui luôn có sẵn, có khi làm bằng vải hoa vui mắt, nhẹ nhõm, phù hợp với thời tiết nắng gió của Sài Gòn. Xe được lau chùi bóng loáng, tra dầu mỡ thường xuyên nên đạp nhẹ mà chạy nhanh, không có tiếng kêu cót két nặng nhọc làm người ta ngần ngại khi ngồi trên xe mà họ có thể thoải mái ngắm nhìn phố phường.

Xích lô Sài Gòn là một loại dịch vụ đô thị : Do cấu tạo xe, ghế của người đạp xe khá cao nên người đạp có tư thế đàng hoàng hơn, không phải cúi thấp gò lưng nặng nhọc đạp xe, khách và chủ xe có thể nói chuyện thoải mái với nhau suốt cả cuốc xích lô. Phần lớn những người đạp xích lô Sài Gòn ăn nói nhã nhặn, mời chào khách nhưng không chèo kéo hay doạ nạt, khách đi thì cám ơn mà khách không đi cũng… cám ơn luôn. Vui vẻ, sòng phẳng, xích lô Sài Gòn cho thấy sự bình đẳng trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ – một đặc trưng của văn hoá đô thị.

Xích lô Sài Gòn cho biết về người Sài Gòn : dù người đạp xích lô là người nhập cư hay người Sài Gòn thì ứng xử và lối sống của họ cũng khá giống nhau : có thể thấy những bác xích lô khi rảnh rỗi chưa có khách thì mở tờ báo ra đọc, hoặc có người ngồi trên xe lịch sự kéo mũ che mặt ngủ một chút. Họ tự trọng và không mặc cảm vì “ thân phận ” đạp xích lô. Phần lớn khách đi xe cũng không có thái độ coi thường người đạp xích lô mà tôn trọng, vui vẻ, khi xuống xe cám ơn đàng hoàng. Nhiều người chuyên đạp xe ban đêm vì ban ngày họ mần công chuyện khác, vì vậy người đạp xe ban ngày nếu đến chiều đã kiếm đủ tiền cho vợ đi chợ ngày mai thì thường nghỉ, nhường cho đồng nghiệp làm đêm, có khi cho mượn cả xe vì có người không đủ tiền mua xe riêng.

Do yêu cầu về giao thông, nhất là ở khu vực trung tâm thành phố nên từ nhiều năm nay, xích lô Sài Gòn hầu như không còn tồn tại, những nét văn hoá đẹp như trên cũng dần biến mất. Lưu giữ những chiếc xích lô phục vụ du khách cũng là phục hồi một nét đẹp của đô thị Sài Gòn.

Đêm nhớ về Sài Gòn



Vào khoảng thời gian này, khi khắp nơi nhộn nhịp mừng Giáng sinh và đón năm mới với bản nhạc Happy New Year thì trong tôi lại vang lên giai điệu một bài hát tình cờ được nghe trong một phòng trà trên đường Đồng Khởi, cũng vào một đêm cuối năm…

Lúc ấy, sau một thời gian thành phố sôi lên vì sự đổi thay bất ngờ, cuối năm tiết trời bỗng se lạnh sau hàng chục năm Nam Bộ chưa biết mùa đông, một số sinh hoạt văn hóa của Sài Gòn đã “ âm thầm ” trở lại : nhà hàng, phòng trà có ca nhạc, ca sĩ hát những bài ca “ giải phóng ” nhưng thỉnh thoảng, bất ngờ một bài “ nhạc cũ ” vang lên : Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Trầm Từ Thiêng, Trường Sa… Tôi, cô gái Hà Nội khi ấy tuổi vừa đôi mươi, từ giai điệu lời ca da diết “ để đêm đêm nhớ về Sài Gòn thấy mình vừa trở lại quê hương, đã gặp người một trời yêu thương…” biết mình đã thuộc về Sài Gòn như thể được sinh ra ở đây.

Không như Hà Nội hay Huế có cả một dòng nhạc để gọi tên hay nhớ về, những tình khúc sáng tác trước 1975 ở miền Nam hầu như ít bài có hai chữ Sài Gòn trên tựa hay trong lời ca, nhưng ai cũng có thể nhận ra hình ảnh Sài Gòn thấp thoáng trong ca từ và giai điệu… Cái chất sang cả mà gần gũi, cởi mở mà thâm trầm của Sài Gòn thấm vào trong từng nốt nhạc, để khi người ca sĩ cất lên tiếng hát thì dù quê đâu người nghe cũng thấy mình thuộc về Sài Gòn. Cho đến bây giờ, theo tôi có hai ca khúc lột tả được đúng nhất cái “ chất Sài Gòn ”, đó là “ Sài Gòn đẹp lắm ” của Y Vân và “ Đêm nhớ về Sài Gòn ” của Trầm Tử Thiêng. Nếu trong “ Sài Gòn đẹp lắm ” đây là một thành phố đông vui, trẻ trung, sôi động, rộn ràng của những người tứ xứ tụ về thì “ Đêm nhớ về Sài Gòn ” lại như lời tự sự của một đô thành từng trải qua bao biến động, có nỗi buồn chia ly và những thân phận ẩn trong đêm tối…

Sài Gòn không có ban đêm, một cuộc sống khác bắt đầu ở đây khi mặt trời đi ngủ, phổ biến nhất là sinh hoạt nghệ thuật ở phòng trà, quán cà phê, tụ điểm ca nhạc, sân khấu, rạp phim ở trung tâm đến quán nhậu ven kênh hay nơi hẻm nhỏ. Khi thành phố lên đèn ánh sáng rực rỡ thì cũng là lúc nhiều người bước vào cuộc mưu sinh, nghệ sĩ trên sân khấu hay ca sĩ “ kẹo kéo ” nơi vỉa hè đều mang lại cho đêm thành phố đầy ắp cung bậc cảm xúc. Và không đâu như trong dòng nhạc Sài Gòn xưa hình ảnh người ca sĩ mong manh sương khói khuất vào đêm khuya lại được nhiều nhạc sĩ đưa vào ca khúc của mình, như chia sẻ, trân trọng và có gì đó như xót thương…

Sau một ngày hối hả vội vàng mưu sinh, đêm xuống bên những cuộc bia rượu ồn ào vẫn có giây phút cô đơn, lắng lòng nghe tiếng hát mà nhớ một Sài Gòn đâu đó, ngay ngoài khung cửa kia hay cách xa ngàn dặm, có thể chạm vào hay chỉ nhìn thấy trong tưởng tượng… Với rất nhiều người Sài Gòn không chỉ là quê hương, là người thương trong trái tim lỗi nhịp khi nhớ về, Sài Gòn còn là một phần của cuộc đời ngắn ngủi. Bởi vậy người đi xa nhớ về Sài Gòn đã đành mà người ở Sài Gòn cũng không ngừng nhớ nhung thành phố. Nhớ ánh đèn vàng, nhớ quán xưa, nhớ con đường hoa dầu bay bay, nhớ cơn mưa chợt đến chợt đi, nhớ Sài Gòn như nhớ mẹ nhớ người tình nhớ bạn tâm giao…

Tưởng chỉ có những người từng trải đã vào tuổi 60 mới có những hoài niệm về một Sài Gòn coi lạnh lùng mà nồng nàn, ngỡ hờ hững cách xa mà thân quen ấm áp. Đâu dè lại bắt gặp niềm thương nỗi nhớ như thế đầy ắp qua từng lời ca nốt nhạc bolero mà người Sài Gòn, có rất nhiều người trẻ, bây giờ vẫn thường hát.

Đêm nhớ về Sài Gòn để cùng thức và cùng hát, có những con người đã nuôi dưỡng sức sống của Sài Gòn bằng một tình yêu như thế !
Nguyễn Thị Hậu


Kim Hạnh sưu tầm






vendredi 23 novembre 2018

15 cách kho thịt heo thơm ngon

15 cách kho thịt heo thơm ngon


Thịt kho là món ăn rất quen thuộc trong bữa cơm người Việt từ nông thôn đến thành thị. Nhưng mà kho mãi một kiểu thì chắc chắn là sẽ nhanh chán lắm. Vì  thế một chút biến tấu và thay đổi là các bạn sẽ có ngay một nồi thịt kho hương vị thơm ngon, mới lạ, hấp dẫn. Sau đây là tổng hợp 15 món thịt kho thơm ngon khó cưỡng với những nguyên liệu kết hợp đa dạng như trứng, dừa, chuối xanh... khiến cả nhà ăn hoài mà không thấy chán đâu nhé!
1.Thịt kho tàu truyền thống
Đây là món ăn được nhiều người yêu thích nhất, hương vị đậm đà, thịt mềm đánh bay nồi cơm trắng.
Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ: 500gr
– Trứng cút: 20 quả
– Nước mắm, tiêu, tỏi, ớt, đường, hạt nêm,
Cách làm:
– Rửa sạch thịt ba chỉ rồi thái thành các miếng hình chữ nhật vừa ăn rồi cho vào bát để ướp với nước mắm, hạt nêm, tiêu, tỏi băm và nước màu khoảng khoảng 1 tiếng để khi đun thịt sẽ đậm vị.
– Trứng cút đem luộc và bóc vỏ sạch.
– Cho thịt vào nồi đun cháy cạnh thì đổ nước dừa vào trên liwar vừa. Khi thấy nồi thịt kho sôi thì vặn nhỏ lửa và để liu riu.
– Nêm lại gia vị cho vừa ăn rồi đổ trứng cút vào kho cùng đến khi nước sốt gần cạn thì tắt bếp.
2.Thịt kho tiêu
Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ 500gr
– Hạt tiêu, đường, nước mắm, hạt nêm, gia vị
Cách làm:
– Mua thịt ba chỉ hoặc chọn thịt ở phần phía trên thăn có chút mỡ khi ăn sẽ không bị khô. Rửa sạch thịt dưới vòi nước rồi đem chần sơ qua nước sôi, vớt ra để ráo nước.
– Cho đường vào nồi để thắng đến khi có màu vàng cánh gián thì đổ thịt vào và đảo đều với phần tỏi đập dập.
– Rang thịt khi thấy đã săn và căng vàng thì cho gia vị bao gồm nước mắm, bột tiêu, đường, hạt nêm, dầu hào và đổ thêm chút nước lọc để tiếp tục kho.
– Đun trên lửa nhỏ khi thấy nước kho thịt chuyển sang dạng sệt thì tắt bếp. Rắc thêm chút hành thái nhỏ để tăng hương vị.
3.Thịt ba chỉ kho cá quả với chuối xanh
Nguyên liệu:
– 1 con cá (quả, trắm, chép, trôi... tùy ý)
– 4-5 quả chuối xanh, 1 củ riềng nhỏ, 1 nhánh gừng nhỏ, 2 củ hành khô, 2-3 quả ớt tươi (tuỳ độ cay)
– 200-300gr thịt ba chỉ
– Gia vị: hạt nêm, bột canh, mỡ nước hoặc dầu ăn, đường hoa mai vàng, bột nghệ, nước mắm ngon
Cách làm: 
Bước 1: Thịt ba chỉ rửa sạch ( có thể chần qua nước sôi), cắt miếng vừa ăn.
Cá sau khi mua về đánh sạch vảy rồi chà qua muối cho khỏi nhớt. Làm sạch ruột cá, rửa sạch, cắt khúc vừa ăn.
Bước 2: Ướp thịt ba chỉ và cá với 3 muỗng cà phê bột canh, 2 muỗng cà phê bột nêm, chút hành, riềng băm nhỏ, chút bột nghệ, chút xíu nước mắm. Để cá và thịt ngấm gia vị trong 30p. Thỉnh thoảng đảo hoặc xóc cá lên.
Riềng, gừng cạo sạch vỏ, thái lát mỏng. Ớt để cả quả hoặc thái miếng nhỏ ( tuỳ độ cay mà điều chỉnh).
Chuối xanh rửa sạch, để cả vỏ xanh bên ngoài hoặc tước vỏ tuỳ sở thích, cắt khúc bổ đôi thành miếng vừa ăn.
Bước 3: Cách thắng đường: Cho ít dầu ăn vào chảo, thêm 3-4 muỗng canh đường hoa mai vàng vào, đường tan ngả sang màu vàng cánh gián thì tắt bếp. Thêm vào chút nước trắng sẽ thu được nước đường.
Bước 4: Chuẩn bị nồi đế dày, lớp đầu tiên xếp riềng, gừng xuống đáy, tiếp theo một lớp chuối xanh. Cá sau khi ngấm gia vị thì đặt từng miếng lên trên lớp chuối, xen kẽ là các miếng thịt ba chỉ. Lớp trên cùng xếp thêm một lớp chuối, đặt ớt lên trên (nếu thích ăn thêm riềng thì xếp thêm một ít lên trên nữa nhé), rưới vài thìa dầu ăn hoặc mỡ nước lên trên.
Đổ phần nước đường vừa thắng đều nồi cá, thêm nước cho xăm xắp đun sôi cá, hạ nhỏ lửa đun đến khi cạn nước. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng nhưng không được lật cá. Nếu chuối, thịt, cá chưa nhừ mà nồi cá đã cạn nước thì cho thêm chút nước nữa và đun nhỏ lửa đến khi các nguyên liệu mềm nhừ, cạn nước là được.
Khi cá gần được rưới thêm vài thìa mỡ nước hoặc dầu ăn lên trên để nồi cá được đẹp, bóng bẩy hơn. Tắt bếp để cá nguội, khi ăn bật bếp lại cho cá nóng và nước cạn hẳn là ngon.
4.Thịt kho ruốc sả kiểu Huế
Nguyên liệu:
– 400g thịt ba chỉ
– 3 thìa cà phê mắm ruốc Huế
– 3 đến 4 nhánh sả
– Đường, nước mắm, ớt nếu bạn ăn cay
– Dưa leo, hành khô.
Cách làm 
Bước 1: Thịt ba chỉ rửa sạch, thái lát vừa ăn. Ướp thịt với chút muối, tiêu.Sả rửa sạch, thái nhỏ, sau đó xay hoặc dùng dao bằm nhuyễn.Mắm ruốc pha với nước lạnh, trộn đều cho mắm tan, lọc lại cho sạch cát.
Bước 2: Làm nóng dầu ăn, cho hành khô đã thái nhỏ vào phi vàng rồi tiếp tục đổ sả đã bằm nhuyễn vào, dùng đũa đảo đều để sả chín.
Nhanh tay đổ tiếp thịt ba chỉ vào, dùng đũa đảo đều, xào thịt với lửa lớn cho thịt săn lại.
Tiếp tục đổ nước mắm ruốc đã hòa tan với nước lạnh vào nồi thịt, đợi sôi bùng lên thì giảm lửa.
Đậy nắp nồi lại, đun liu riu.
Thỉnh thoảng mở nắp nồi ra đảo đều thịt, nêm chút xíu nước mắm, đường. Vì mắm ruốc đã mặn nên bạn không cần thêm nhiều muối. Nêm thịt hơi ngọt ngọt.
Khi thịt mềm, cạn bớt nước thì bạn tắt bếp, rắc ít hạt tiêu lên bề mặt thịt rồi lấy ra đĩa, ăn với cơm nóng rất ngon.
5.Thịt kho dứa (khóm / thơm)
Nguyên liệu:
– 500g thịt heo ba chỉ.
– 1 quả dứa chín ương.
–  3 củ hành khô.
–  Gia vị: nước hàng, hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu.
–  Ớt cay 1 quả.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu làm món thịt heo kho dứa.
– Thịt heo các bạn rửa sạch sau đó thái thành những miếng vuông vừa ăn.
–  Dứa các bạn gọt vỏ, cắt mắt dứa, sau đó thái những miếng vuông vừa ăn nhưng dày một chút.
–  Hành khô các bạn băm nhỏ.
–  Ớt bỏ hột thái nhỏ.
Bước 2:
– Đầu tiên các bạn tiến hành ướp thịt.
– Thịt heo các bạn cho ráo hết nước rồi cho vào một bát tô. Ướp thịt với các nguyên liệu sau: 3 muỗng nước hàng, 2 thìa cà phê hạt tiêu, 3 muỗng nước mắm, 2 thìa cà phê hạt nêm, ½ hành khô băm.
– Các bạn trộn thật đều các nguyên liệu để thịt heo được ngấm gia vị, ướp thịt 20 phút.
– Các bạn bắc một cái nồi lên bếp, cho một chút dầu ăn vô làm nóng. Sau đó, các bạn cho nốt chỗ hành khô còn lại vào phi thơm.
– Tiếp theo các bạn cho thịt heo vào đảo đều.
–  Khi các bạn thấy thịt săn lại thì các bạn cho thêm nước vào hầm nhừ thịt heo.
– Khi nước sôi các bạn đậy vung, cho thêm một ít ớt vào nữa, mở lửa liu riu.
– Tiếp theo, các bạn kiểm tra mực nước hầm thịt nếu nước đã cạn bớt thì các bạn cho dứa vào đun cùng.
– Các bạn kho dứa và thịt thêm 15 phút nữa, cho thêm ớt vào khuấy qua nhẹ tay và tắt bếp.
–  Múc thịt heo, dứa ra đĩa, tưới thêm nước dùng lên trên và ăn nóng với cơm.
6.Thịt kho củ cải
Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ
– Củ cải
– Gia vị: muối, nước mắm, đường, tiêu, tỏi, ớt, hạt nêm,
Cách làm:
– Thịt thái miếng ướp với nước mắm, đường, muối, bột ngọt, nước màu, hành băm trong khoảng 30 phút.
– Cho dầu vào nồi và phi hành tím cho thơm. Đổ thịt vào và rang đến khi săn lại thì cho củ cải vào để đảo cùng.
– Đổ thêm nước ướp và chút nước lọc vào nồi, đun trên lửa nhỏ.
– Khi thấy nồi thịt kho gần cạn nước thì nêm gia vị lại rồi tắt bếp.
7.Thịt kho dưa cải chua
Nguyên liệu:
– 300g thịt ba chỉ
– 250g dưa cải chua
– 2-3 thìa nước muối dưa
– 1 củ hành khô, nước màu dừa (nước hàng)
– Gia vị, nước mắm, tiêu, đường.
Cách làm:
Bước 1: Thịt ba chỉ rửa sạch, để ráo, thái miếng vừa ăn.
Bước 2: Hành khô bóc vỏ, rửa sạch, đập dập, bằm nhỏ. Sau đó ướp thịt ba chỉ với gia vị, tiêu, nước màu dừa, xíu đường, 2-3 thìa nước muối dưa và hành khô băm nhỏ ở trên để khoảng 15-20 phút.
Bước 3: Dưa cải chua rửa sơ, vắt nhẹ cho dưa ra bớt nước để khi kho dưa giòn hơn.
Bước 4: Cho thịt đã ướp ở trên vào nồi kho, đảo cho thịt săn lại. Thêm 1/2 chén nước sôi vào nồi, kho nhỏ lửa khoảng 10-15 phút. Sau đó cho dưa vào đảo đều, kho thêm khoảng 12-15 phút, thêm 1/2 thìa nước mắm ngon, đảo đều nêm nếm vừa ăn là được.
Tùy vào bạn muốn ăn thịt mềm hay không thì tăng giảm thời gian kho tuỳ ý nhưng dưa cải nên kho trong thời gian khoảng 15 phút để dưa ngấm gia vị và vẫn giữ được độ giòn.
Thịt ba chỉ dưa cải chua ăn với cơm trắng thực sự ngon đặc biệt trong những ngày trời trở lạnh như thế này.
8.Thịt kho quẹt với tôm khô
Nguyên liệu: 
– 200 gam tôm khô
– 1 ít hạt tiêu bột
– 5 muỗng canh nước mắm
– 3 muỗng canh đường trắng
– 1 muỗng cà phê bột ngọt
– hành tím và hành lá
– 100 gam thịt lợn ba chỉ ( mỡ nhiều hơn nạc nhé)
Cách làm:
Bước 1: Đầu tiên, bạn ngâm tôm khô vào một tô hay nồi nước lạnh, khoảng  20 phút, cho tôm mềm ra. Còn 100 gam thịt lợn ba chỉ thì bạn thái hạt lựu ra nhé.
Bước 2: Bạn làm nóng chảo trên bếp lửa ở nhiệt độ vừa, sau đó cho thịt lợn vào phi, đến khi thịt có màu vàng và khô lại thành tóp mỡ là được nhé. Hành tím và hành lá bạn làm sạch rồi thái mỏng, bạn cũng nhớ là để riêng phần đầu hành và phần thân hành nhé.
Bước 3: Cho bát thịt lợn ra bát, chỉ để lại một ít trong chảo thôi, sau đó, cho hành tím và đầu hành lá vào, bạn phi thật thơm, không nên để lâu quá, sẽ cháy hành. Sau đó, bạn pha nước nắm kết hợp bột ngọt, đường, đổ vào chảo với tôm khô và hạt tiêu, bạn thêm phần hành lá xanh vào luôn nhé, để lửa ở nhiệt độ vừa phải cho đến khi thấy hỗn hợp sánh lại là được nhé.
9.Thịt kho măng
Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ: 350 g
– Măng tươi: 1 củ
– Hành hoa, Hành củ, Nước hàng
– Gia vị: dầu ăn, mắm ngon, bột nêm, súp, mì chính
Cách làm:
Bước 1:Thịt ba chỉ rửa sạch cắt miếng vừa ăn
Bước 2: Ướp thịt với hành củ băm nhỏ, măng cắt con trì.
Bước 3: Cho ½ thìa bột nêm, 2 thìa mắm ngon, ½ thìa súp, 1 thìa dầu ăn.
Bước 4: Phi thơm hành khô với một ít dầu ăn
Bước 5: Cho thịt măng vào đảo đều, ninh nhỏ lửa
Bước 6: Tiếp đến cho 2 thìa nước hàng vào và ½ bát nước sôi đun đến khi nước cạn.
Bước 7: Tắt bếp cho hành hoa vào, trút thịt măng ra bát dùng với cơm nóng.
10.Thịt kho khoai sọ
Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ
– Khoai sọ ta
– Dầu hào, hành tím, hoa hồi, gia vị, đường, nước mắm
– Hành hoa
Cách làm:
– Thịt thái miếng rồi ướp với dầu hào, đường, bột canh, hành tím, hoa hồi.
– Khoai sọ cạo vỏ, rửa sạch cắt thành 4 miếng.
– Cho thịt vào nồi rang cháy canh rồi đổ khoai sọ vào, thêm nước xâm xấp mặt và nấu ở lửa vừa. Khi đã sôi hẳn thì vặn nhỏ lửa.
– Kiểm tra thấy thịt và khoai đã mềm thì tắt bếp.
11.Khổ qua dồn thịt kho tiêu
Nguyên liệu:
– 2 trái khổ qua rừng,
– 50 gram thịt heo xay
– 3 tai nấm hương khô
– Gia vị thông thường, nước tương, tỏi ớt
Cách làm:
Khổ qua cắt khoanh bỏ ruột rửa sạch, để ráo nước.
Trộn nhân thịt và nấm hương ngâm nở cắt hạt lựu. Nêm muối tiêu đường
Nhồi nhân thịt vào khổ qua
Tiếp đó đem miếng khổ quan nhồi thịt hiên sơ các mặt cho săn
Thêm nước tương, tỏi phi, ớt trái, gia vị tiêu đường, 2 muỗng canh nước lọc, kho cho thấm khoảng 20ph lửa nhỏ. Cạn nước thì thêm nước từng muỗng.
Múc ra ăn với cơm nóng rất ngon!
12.Thịt kho đậu phụ
Nguyên liệu:
-1 miếng đậu hũ, khoảng 400 gam
-1 bó hẹ
-2 muỗng cà phê dầu thực vật
-1 tép tỏi
-1 khúc gừng khoảng 2,5 cm
-1 chén thịt heo băm nhuyễn, khoảng 200 gam
-1 muỗng cà phê nước lạnh
-Gia vị ướp thịt: 1 muỗng cà phê muối,m1 nhúm tiêu đen, ½ muỗng cà phê rượu Thiệu Hưng, 1 muỗng cà phê bột bắp
Cách làm:
Bước 1: Cho tất cả các nguyên liệu ướp thịt vào chén thịt heo, trộn đều và ướp trong 15 phút.
Bước 2: Bắc một chảo không dính lên bếp, cho dầu ăn vào chảo và chiên đậu hũ cho đến khi vỏ ngoài của đậu hũ chuyển sang màu nâu. Công đoạn này sẽ chiếm của bạn từ 5 – 10 phút. Trong quá trình chiên đậu, bạn hạ lửa thấp để lớp ngoài của miếng đậu hũ không bị khô và sạm. Lật trở miếng đậu thường xuyên để đậu hũ vàng đều. Vớt miếng đậu ra ngoài và giữ lại phần dầu ăn trong chảo.
Bước 3: Cho tỏi, gừng vào chảo và chiên một lúc để tỏi chuyển sang màu vàng nâu và có mùi thơm. Thêm thịt heo băm nhuyễn vào chảo và xào cho đến khi thịt heo chín đều.
Bước 4: Đổ đậu hũ vào chảo, thêm muối, nước tương và nước lạnh. Nấu sôi liu riu với lửa nhỏ trong khoảng 5 phút. Thêm lá hẹ vào để tạo mùi thơm cho món ăn. Xào thêm một lúc nữa để làm mềm lá hẹ. Tắt bếp.
Bước 5: Cho món ăn ra tổ, thưởng thức cùng với cơm ngay khi món ăn còn nóng.
13.Thịt kho trám
Nguyên liệu :
– Thịt ba chỉ: 300g
– Quả trám: 200g
– Gia vị: Nước mắm, hạt nêm, muối, đường, ớt, gừng tươi, hành khô, nước hàng.
Cách làm:
– Trám mua về rửa sạch, tách hạt, ngâm với nước. Trước tiên các bạn cần om trám, sử dụng nước ấm (3 phần nước sôi, 2 phần nước lạnh) đậy vung để om trá. Khoảng 30phút sau thì vớt trám ra tách đôi bỏ hạt.
– Thịt mua về rửa sạch, thái miếng vuông. Gừng tươi thái chỉ, hoặc thái lát mỏng đều được. Hành khô bằm nhỏ.
– Ướp gia vị thịt: ướp thịt với mắm, muối, đường, hành khô, nước hàng vừa đủ chừng 20 phút. Sau đó cho thịt vào rang xém cạnh.
– Tiếp đến bạn cho trám vào kho lẫn thịt, cho thêm chút xíu nước vào đun nhỏ lửa đến khi nước cạn đồng thời trám cũng ngấm gia vị.
– Để lửa liu riu 30 phút cho trám, thịt chín mềm. Nêm nếm lại lần cuối thấy vừa thì tắt bếp.
Chú ý: Trong lúc nấu không được đảo nhiều kẻo miếng trám bị nát mà chỉ cầm hai quai nồi sóc lên thôi.
14.Thịt kho nấm rơm
Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ: 300g
– Nấm rơm: 150g
– Hành củ, hành lá, ớt.
– Gia vị: Nước mắm, bột nêm, đường, nước màu dừa, tiêu, muối
Thực hiện:
Bước 1: Thịt ba chỉ rửa sạch với chút muối, để ráo, thái miếng nhỏ. Chú ý: Khi kho với nấm rơm thì các bạn thái thịt nhỏ hơn một chút so với các món kho khác.
Bước 2: Ướp thịt với hành củ bằm nhỏ, nước mắm, bột nêm, nước màu dừa (hoặc nước hàng), xíu đường để khoảng 15-20 phút cho thịt ngấm. Nếu không quen tỷ lệ các loại gia vị, bạn có thể sử dụng gói gia vị thịt kho mua sẵn.
Bước 3: Nấm rơm cắt bỏ chân, phần dập nát, rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo có thêm chút muối khoảng 30 phút cho nấm sạch, trắng.
Nếu không có nước vo gạo bạn sử dụng nước lã có thêm chút muối là được. Sau đó, vớt ra rổ, rửa lại với nước cho sạch, để ráo.
Bước 4: Bắc nồi lên bếp, cho thịt vào đảo cho săn.
Bước 5: Khi thịt săn, thêm chút nước sôi sao cho ngập mặt thịt, kho với lửa vừa đến khi nước gần cạn, thịt chín mềm.
Bước 6: Cho nấm rơm vào đảo kỹ, kho thêm khoảng 5-7 phút nữa. Nêm nếm cho vừa ăn. Tắt bếp, rắc chút hành lá xắt nhỏ, ớt xắt và xíu tiêu là được.
Món này ăn nóng cùng với cơm rất ngon.
15.Thịt kho dừa
Thịt kho dừa mặn ngọt hòa quyện lại với nhau giúp bữa cơm ngon miệng hơn.
Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ ngon
– Cùi dừa bánh tẻ không non không già
– Nước hàng, gia vị, hành khô, hạt nêm, nước mắm, hành lá
Cách làm:
– Thịt ba chỉ cắt miếng chì vừa ăn, đem ướp thịt với bột canh, hạt nêm, đường, hành tím băm nhỏ trong khoảng 30 phút
– Cùi dừa cắt thành các miếng nhỏ vừa ăn.
– Đặt nồi lên bếp, khi đã nóng thì cho 1 – 2 thìa đường vào đun cùng một chút nước để tạo nước màu đẹp.
– Đổ thịt đã ướp vào nồi đun trên lửa lớn, kho khoảng 15 phút thì cho dừa vào để kho cùng đến khi nước kho gần cạn.
– Nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.

Với 15 món thịt kho trên đây, hi vọng bữa cơm nhà bạn sẽ luôn ngon miệng !

Anh Thư sưu tầm