samedi 9 février 2019

573 CÂU TỤC NGỮ VIỆT NAM

Tục ngữ  Viet Nam...  
(Theo Tự Điển VN của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ)


---------------
A
     1.  Ách giữa đàng, quàng vào cổ: Tự ý mình, liên lụy vào việc người khác.
2.    Ai ăn mặn, nấy khát nước: Ai làm quấy, làm ác thì sẽ chịu hậu quả.
3.    Ai chê đám cưới, ai cười đám ma: Nhà có việc thì tùy sức mà làm, sợ gì thiên hạ dòm ngó cười chê.
4.    Ai đội mũ lệch, xấu mặt người ấy: Ai làm quấy thì thiên hạ cười chê họ, mình không hơi sức đâu mà lo bao đồng.
5.    Ai giầu ba họ, ai khó ba đời: giầu nghèo đều có lúc, giầu không nên ỷ của, nghèo không nên thối chí.
---
6.    Ăn bánh vẽ: bị gạt bằng những lời hứa suông.
7.    Ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng: ăn ít, phải làm nhiều, không đáng công.
8.    Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt: điều xấu sẽ thành thói quen xấu
9.    Ăn cây nào, rào cây nấy: chịu ơn ai, phải giữ gìn, bênh vực người ấy.
10.Ăn có chỗ, đỗ có nơi: phải có thứ tự, ngăn nắp, đừng bừa bãi, cẩu thả.
---
11.Ăn có mời, làm có khiến: phải theo kỉ luật, đợi lệnh trên khi vào nơi lạ/ (Thấy cơm thì ăn, thấy việc thì làm, là khi ở chỗ quen).
12.Ăn có nhai, nói có nghĩ: trước khi nói điều chi, phải suy nghĩ kĩ như ăn phải nhai.
13.Ăn có thời, chơi có giờ: sống phải có giờ giấc, không nên làm theo hứng.
14.Ăn trông nồi, ngồi trông hướng: nên thận trọng, tránh lỗi lầm về tư cách
15.Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau:  người ích kỉ, trước lợi ích thì sốt sắng dành phần, trước khó khăn thì giả vờ để tránh.
---
16.Ăn cơm nhà nọ, kháo cà nhà kia: nói xấu người kia để người này cho mình hưởng lợi hơn.
17.Ăn cơm với bò thì lo ngay ngáy, ăn cơm với cáy thì ngáy o o: giầu có chưa chắc đã được an bình, vô tư hơn người nghèo.
18.Ăn cướp cơm chim: cậy quyền ăn chận, ăn bớt tiền bạc của người nghèo.
19.Ăn cháo đá bát: người vô ơn, chịu ơn người ta rồi nói xấu người ta. Hưởng xong rồi phá cho hư, không để người khác hưởng.
20.Ăn chắc mặc dày: thành thật, không môi mép, không đưa đẩy.
---
21.Ăn cho đều, tiêu cho sòng: nên xử công bằng, đứng đắn trong việc chi tiêu chung.
22.Ăn để sống, không sống để ăn: ăn uống để có sức khỏe mà làm việc, đừng tham ăn uống mà bị chê.
23.Ăn kĩ làm dối: chê người ăn thì không bỏ sót, nhưng làm thì giả dối cho qua lần.
24.Ăn kĩ no lâu, cầy sâu tốt lúa: kinh nghiệm, ăn uống, làm việc gì cũng nên làm kĩ càng, hiệu quả sẽ tốt hơn.
25.Ăn không, nói có: người đặt điều, đưa điều vu oan là người xấu.
--
26.Ăn không, ngồi rồi: người không lao động, làm việc, nhàn rỗi, không tốt.
27.Ăn lắm thì hết miếng ngon, nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ: không nên nói nhiều, kẻo nói lỡ lời (đa ngôn, đa quá).
28.Ăn lúc đói, nói lúc say: khi say rượu thường nói những lời dại dột, khó nghe.
29.Ăn mày đòi xôi gấc: nghèo mà ham của sang trọng, không xứng.
30.Ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối: không đi tu chùa mà ở thật thà, còn hơn đi tu mà gian dối.
---
31.Ăn một miếng, tiếng để đời: hưởng của bất chính, dù ít, cũng mang tiếng xấu lâu dài.
32.Ăn no ngủ kĩ, chẳng nghĩ điều gì: người không biết lo xa, được sung sướng, đầy đủ, không biết nghĩ đến tương lai.
33.Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành: khuyên sống ngay thật, đứng đắn thì lòng không phải thắc mắc lo ngại.
34.Ăn ốc nói mò: người gặp gì nói nấy, không có chi mới lạ, không có sáng kiến, suy đoán dông dài.
35.Ăn vóc, học hay: đã biết ăn ngon, phải biết học giỏi, học chăm.
36.Ăn xổi ở thì: tạm bợ, không chắc chắn, không lâu dài, không tình nghĩa.

B
37. Ba mặt một lời: chuyện xảy ra nhiều người đã nghe, đã thấy, không thể nghi ngờ, chối cãi.
38. Bán anh em xa, mua láng diềng gần: nên quí người thân cận.
39. Bán quạt mùa Đông, mua bông mùa hè: làm chuyện không hợp thời, chỉ rước lấy thất bại, bị chê cười.
---
40. Bắt cá hai tay: làm hai việc một lúc, lắm khi hỏng cả hai.
41. Bắt người có tóc, ai bắt kẻ trọc đầu: cư xử khôn khéo mới có lợi
42. Bé không vin, cả gãy cành: dạy trẻ phải bắt đầu từ nhỏ. Không dạy con khi nó còn trẻ, người còn lạ việc, lớn lên, quen thói, không dạy được nữa, không nghe nữa.
43. Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe: việc gì biết rành sẽ nói, bằng không thì nên nghe để học thêm.
44. Bỏ thương, vương tội: bứt rời ra thì không nỡ, mang theo thì khó khăn.
45. Bóc ngắn cắn dài: kiếm được ít tiền mà xài nhiều, không khôn.
---
46. Bói ra ma, quét nhà ra rác: bới móc chuyện người.
47. Bốc lửa bỏ bàn tay: tự mình làm nguy cho mình, chuyện hoãn làm ra gấp.
48. Bới bèo ra bọ: cố làm ra chuyện, dù chẳng có gì.
49. Bới lông tìm vết: cố gây chuyện.
50. Bớt thù thêm bạn:  kéo kẻ thù về phía mình, nhờ tha thứ, cư xử tốt.
51. Bụt trên tòa, gà nào mổ mắt: nếu kẻ lớn có tư cách lớn, kẻ dưới không dám khinh nhờn.
52. Buôn thần bán thánh: kẻ xấu, dựa vào chùa miếu, lấy danh nghĩa thần thánh Phật Trời, lợi dụng lòng mê tín của người ta mà làm tiền.

C
53. Cà kê dê ngỗng: nói lôi thôi lượt thượt hết chuyện này tới chuyện khác.
54. Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư: con cái cãi lời cha mẹ, phần nhiều đều hư, hơn nữa, theo đạo hiếu, đó là tội bất hiếu thứ nhất trong 3 tội bất hiếu.
Thời nay, nhất là ở nước văn minh, cần xét lại câu này. Nói chung, khi gặp điều không đúng, không vừa ý, con cái không nên cãi, nhưng nên nói lại tử tế, bình tĩnh, kính trọng.
55. Cá lớn nuốt cá bé: thói đời, thường mạnh hiếp yếu, cần giáo dục đạo làm người để bớt cái luật cạnh tranh ấy, để đời sống trường tồn, tốt đẹp.

56. Cả vú lấp miệng em:  ỷ lớn, nhiều lời, không cho đối phương lên tiếng.
57. Cách mặt xa lòng:  khi xa nhau thì quên mất tình nghĩa đã có.
58. Cái áo không làm nên thầy tu:  dáng bên ngoài không đủ nhận định giá trị con người.
59. Cái gì làm được hôm nay, đừng để đến ngày mai:  không nên chần chừ mà hỏng việc.
60. Cái gương tày liếp:  chuyện xấu to lớn đáng để làm gương cho người đời sau xem đó mà tránh

61. Cái khó bó cái khôn:  vì nghèo mà dù khôn ngoan, có nhiều sáng kiến hay tài nghề cũng không thi thố được
62. Cái miệng hại cái thân:  nói nhiều, khoe khoang tài hay sức giỏi, chỉ tổ làm hại thân mình
63. Cái nết đánh chết cái đẹp:  đàn bà có nết được quí trọng hơn xinh đẹp (vợ Hứa Doãn là Nguyễn thị nhan sắc rất kém. Khi làm lễ cưới xong, Hứa Doãn trông thấy vợ xấu muốn lập tức đi thẳng, bèn hỏi Nguyễn thị rằng:
-Đàn bà có tứ đức, nàng được mấy đức?
-Thiếp đây chỉ kém có "Dung" mà thôi. Kẻ sĩ có bách (100) hạnh, dám hỏi chàng được mấy hạnh?
-Ta đây có cả bách hạnh.
-Bách hạnh thì "đức" đứng đầu, chàng là người háo sắc, không háo đức, sao dám bảo là có đủ bách hạnh?
Hứa Doãn có sắc thẹn. Từ bấy giờ, vợ chồng yêu mến, kính trọng nhau suốt đời. (Cổ học Tinh hoa) 
64. Càng cao danh vọng, càng dày gian nan:  lắm khi vì danh vọng, địa vị cao mà hại đến thân
65. Cao chê ngỏng, thấp chê lùn, béo chê béo trục béo tròn, gầy chê xương sống xương sườn phơi ra:  cư xử thế nào cũng không vừa ý người khó tính

66. Cao không tới, thấp không thông:  kén chọn khó khăn, không vừa, không xứng
67. Có công mài sắt có ngày nên kim:  cố gắng thì việc khó thế nào cũng phải xong
68. Có cứng mới đứng đầu gió:  phải tài giỏi mới gánh nổi việc khó
69. Có chí làm quan, có gan làm giầu:  có quyết tâm gan dạ, gặp nguy hiểm khó khăn không chùn, sẽ làm nên sự nghiệp
70. Có đi có lại mới toại lòng nhau:  hưởng của người cần đền đáp cho cân

71. Có gan ăn cắp, có gan chịu đòn:  làm điều sai quấy phải chịu hậu quả, không nên trốn tránh
72. Có hoa hường nào không có gai:  gái đẹp nào cũng có mầm mống tai hại cho đàn ông
73. Có ít xít ra nhiều:  việc xảy ra giản dị tầm thường, nhưng kẻ nói lại thêu dệt cho ra to lớn, có thể sinh hậu quả không hay.
74. Có khó mới có khôn: làm xong việc khó, người ta có thêm kinh nghiệm
75. Có khó mới có mà ăn, ngồi không ai dễ đem phần tới cho:  gặp khó khăn vẫn cố gắng chịu đựng, lướt qua, mới thành sự để hưởng

76. Có lửa mới có khói:  việc gì cũng có nguyên nhân
77. Có mới nới cũ, mới để trong nhà, cũ để ngoài sân:  thường tình, phần đông ai cũng yêu chuộng của mới lạ, nên nâng niu chiều chuộng và chán vật cũ đã dùng lâu, nên để dẹp lại hoặc ruồng rẫy
78. Có nếp mừng nếp, có tẻ mừng tẻ:  an phận với nếp sống của mình, không trèo đèo, không tham vọng. Có con trai cũng mừng, con gái cũng quí
79. Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ:  khi nuôi con cực khổ mới hiểu công khó và lòng thương con của cha mẹ khi mình còn bé
80. Có ơn phải sợ, có nợ phải trả:  đã chịu ơn ai phải nể nang họ. Mắc nợ ai, luôn lo ngại không trả được, nên chịu ơn và vay nợ là cực chẳng đã

81. Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo:  con biết lội, té sông không chết, con ham trèo, rủi sẩy tay, có ngày bỏ mạng.
82. Có phúc làm quan, có gan làm giầu:  nhà có phúc, có con học giỏi thì được làm quan. Giầu có là nhờ gan dạ, dám mua bán lớn, dám mạo hiểm
83. Có sự thì vái tứ phương, không sự đồng hương không mất:  có tai nạn thì cầu Trời khấn Phật, lạy lục vái van, bình thường thì không biết đến Trời Phật. Có việc cần kíp thì đến lạy lục nhờ vả, xong việc thì quên luôn, không ngó tới
84. Có tài có tật:  người tài giỏi thường ỷ mình mà sinh tật kiêu căng tự đắc, ỷ tài mà không nghĩ đến ngày sau
85. Có tật có tài:  thường có bộ phận mang tật thì các bộ phận khác nảy nở hơn, khéo léo hơn, mạnh mẽ hơn, vd.người mù thì thính tai thính mũi. 

86. Có tích mới dịch ra tuồng:  mọi chuyện đều có nguyên nhân
87. Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược cũng không:  có nhiều tiền thì mua chi cũng được, dù mua tiên là nhân vật không tưởng.
88. Có tiếng mà không có miếng:  được người đồn là có tiền, có tài, nhưng kì thực không có
89. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành:  có tin tưởng thờ phượng thì có linh thánh, biết kiêng cữ thì bớt bệnh nạn
90. Có thực mới vực được đạo:  thân xác có ấm no mới bênh vực được đạo của mình

91. Coi người bằng nửa con mắt:  khinh người, không coi ai bằng mình
92. Coi Trời bằng vung:  tự đắc, kiêu ngạo, kể mình là tài giỏi hơn cả
93. Con cá sẩy là con cá lớn:   sẩy rồi sao biết nó lớn hay nhỏ, nên cứ khoe khoang
94. Con có khóc mẹ mới cho bú:  người có quyền lợi, có sự đòi hỏi mới thỏa mãn nguyện vọng
95. Con chẳng chê cha khó, chó chẳng chê chủ nghèo:  vì tình ruột thịt con cái không chê cha mẹ, chó đói kiếm ăn nơi khác rồi lại về với chủ

96. Con dại cái mang:  con làm điều lỗi thì cha mẹ mang trách nhiệm không dạy dỗ răn đe.
97. Con gái giống cha, giầu ba mươi họ, con trai giống mẹ, khó đến tận xương (kinh nghiệm)
98. Con gái mười bảy bẻ gẫy sừng trâu (kinh nghiệm)
99. Con hát mẹ khen hay:  vì chủ quan, thiên vị sinh ra bất công
100.  Con nhà lính, tính nhà quan:  kẻ thấp hèn mà học thói xa hoa sang trọng, kẻ tay sai mà lên mặt hống hách với dân làng, nên bị khinh
---
101.  Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh:  con cái không giống cha mẹ chỗ này cũng giống chỗ khác
102.   Con rô cũng tiếc, con giếc cũng muốn:  tham lam và do dự, được món này muốn món kia, lấy người này tiếc người nọ
103.    Còn mẹ ăn cơm với cá, chết mẹ liếm lá đầu đường:  có mẹ còn sống con được nuôi dưỡng tử tế
104.    Còn nước còn tát:  còn có thể chạy chữa thì gắng, cùng đường hết sức mới thôi
105.   Còn người còn của:  còn sống còn làm ra của khác, không nên tiếc của mà thiệt thân

106.  Còn tiền còn duyên nợ, hết tiền hết vợ chồng: lấy nhau vì của chứ không vì tình, nên khi hết của, bỏ nhau
107. Cõng rắn cắn gà nhà:  rước người ngoài về hiếp đáp người nhà
108.   Công nợ trả dần, cháo nóng húp quanh:  mắc nợ trả từ từ thì hết, cháo nóng quá cứ húp quanh bát mãi cũng xong (húp vội như con nhà giầu sẽ bị bỏng miệng)
109.   Cờ bạc là bác thằng bần, cửa nhà (ruộng vườn) bán hết tra chân vào cùm:   ai cờ bạc tất phải nghèo, và khi phạm tội cướp bóc để có tiền chơi sẽ bị tù tội
110.    Cờ đến tay ai người ấy phất:  dịp may đến với ai để người ấy hưởng

111.    Cơm chẳng lành canh không ngọt:  vợ chồng lục đục xào xáo cãi cọ nhau
112.  Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê:  nín nhịn đang cơn cãi vã, tránh đổ vỡ gia đình
113.   Của không ngon, nhà nhiều con cũng hết:  nhà đông con, đứa này chê, đứa khác xơi
114.   Của chồng, công vợ:  chồng làm ra, vợ gìn giữ, đó là của chung.
115.   Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân:  của do công lao làm ra mới đáng giữ, đáng xài

116.  Của người bồ tát, của mình lạt buộc:  hô hào thiên hạ làm lành làm nghĩa, mà chính mình thì sẻn, một đồng cũng chẳng bỏ ra
117.   Của rẻ của hôi, của để đầu hồi là của vứt đi:  đồ mua rẻ phần nhiều không tốt, vợ chồng lấy nhau dễ quá, thường ở không bền
118.   Cung chúc tân xuân:  nhân năm mới, xin cung kính chúc mừng
119. Cha chung không ai khóc:  của chung không ai thấy trách nhiệm giữ gìn
120. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính:  cha mẹ chỉ sinh hình hài chứ không sinh tính tình

121. Cháy nhà ra mặt chuột:  khi vỡ lở chuyện, mới thấy kẻ giả đạo đức
122. Chê anh một chai, phải anh hai lọ:   bỏ anh chồng say, lấy anh khác lại uống rượu nhiều hơn anh trước
123. Chết cả đống còn hơn sống một người:  nêu cao tinh thần đoàn kết
124. Chết vinh hơn sống nhục: sống bị chê bai, thà chết còn hơn
125. Chị ngã em nâng/ Tưởng là chị ngã em nưng, ai ngờ chị ngã em bưng miệng cười:chị em không biết giúp đỡ nhau

126. Chỉ một đường, đi một nẻo:  chỉ dạy cho rành rẽ mà làm không đúng
127.  Chín bỏ làm mười: xí xóa, bỏ qua, dễ dãi
128.  Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng:  ỷ thế địa phương, hiếp đáp người lạ
129. Chó đâu có sủa lỗ không, chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày:  việc gì cũng có nguyên nhân, có lí do
130.  Chó gầy hổ mặt người nuôi: người trên để người dưới đói khổ

131.  Chó ngáp phải ruồi:  thành công nhờ may mắn, chớ không vì tài giỏi
132.  Chó treo mèo đậy: phải cất dịp đi cho người dưới kẻo bị cám dỗ
133.  Chơi với chó, chó liếm mặt: người trên không đứng đắn, kẻ dưới khinh lờn
134.  Chuyện bé xé ra to: chuyện nhỏ, bị thêu dệt ra nhiều chi tiết
135.   Chuyện người thì sáng, chuyện mình thì quáng:  ngoài cuộc thấy rõ chi tiết chuyện hơn trong cuộc
136.   Chuột sa chĩnh gạo:  may mắn được làm rể nhà giầu, được vào nơi đầy đủ sung sướng
137. Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng xóm:  người hống hách, phách lối
138.  Chưa hết rên đã quên thầy:  quá bội bạc, phụ ơn người giúp mình
139.  Chưa khỏi vòng đã cong đuôi:  như trên
140.   Chửi cha không bằng pha tiếng:  không nên nhái giọng địa phương

D
141. Danh chánh ngôn thuận:  đúng danh nghĩa thì làm gì cũng xuôi thuận
142. Dĩ đức báo oán:  lấy ơn đức xử với kẻ thù để tiêu diệt mối thù
143. Dĩ hòa vi quí:  lấy sự hòa thuận nhau làm quí nhất
144.  Dùi đục chấm nước mắm:  ăn nói cộc cằn thô lỗ khó nghe
145. Dửng dưng như bánh chưng ngày Tết:  nguội lạnh, không muốn để ý tới

Đ
146.   Đa ngôn đa quá:  nói nhiều lỗi nhiều
147.   Đa nhân duyên, nhiều phiền não:  nhiều tình, nhiều khổ
148.    Đã trót phải trét:  lỡ làm ra việc gì, dù khổ cũng phải theo
149.  Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu:  đàn ông suy nghĩ xa hơn, mạnh sức hơn đàn bà
150.  Đánh trống bỏ giùi: người nông nổi cẩu thả, xong việc vứt bỏ bừa bãi

151.  Đào vi thượng sách:  trong nguy nan, trốn đi là cách hay hơn cả
152.   Đâm bị thóc, thọc bị gạo:  chọc tức, khiêu khích cả 2 đàng
153.  Đâm lao phải theo lao:  lỡ làm ra việc gì, dù khổ cũng phải theo
154. Đầu xuôi đuôi lọt:  đầu to mà qua được thì đuôi bé qua dễ dàng. Việc khởi đầu thường khó mà trôi chảy, những việc sau không khó khăn chi
155. Đầu voi đuôi chuột:  khởi đầu lớn lao, rốt cuộc tầm thường
156. Đi dối cha, về nhà dối chú:  kẻ gian xảo, bất hiếu
157.  Đi đêm có ngày gặp ma:  liều lĩnh mạo hiểm nhiều lần, thế nào cũng có ngày cũng thất bại to
158.   Đi guốc trong bụng:  tự hào hiểu rành mạch sự toan tính lo nghĩ của người
159. Đi (ra đường) hỏi già về nhà hỏi trẻ:  ngoài đường người già ít khuấy chơi, ở nhà trẻ con thường nói thật
160. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn:  đi xa sẽ thêm nhiều hiểu biết

161. Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy:  ăn mặc phải tùy hoàn cảnh, với người giầu, người nghèo, để khỏi bị khinh
162. Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết/ Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao: trước việc khó, chung nhau giải quyết sẽ thành công
163.  Đói ăn rau, đau uống thuốc:  đói thì rau gì ăn được cũng ăn, cần no bụng. Bệnh thì thuốc gì uống đuợc cũng uống, cần khỏi bệnh.
164. Đói ăn vụng, túng làm liều:  khi thiếu thốn khiến người ta làm việc phi pháp bất lương. 
164bĐói cho sạch, rách cho thơm:  khuyên dù nghèo đói cũng phải giữ danh dự mình
165.Đói đầu gối phải bò:  nghèo túng bắt buộc phải xoay xở
166.  Đổi trắng thay đen:  người ngược ngạo
167. Đồng bạc đâm toạc tờ giấy:  tiền bạc có thễ thay đổi luật pháp
168. Đồng tiền liền khúc ruột:  tiền bạc quý như thân thể, nên người ta bo bo giữ gìn
169.Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào:  cờ đến tay ai người ấy phấy. Ai có nhiệm vụ, họ cũng có sáng kiến giải quyết sự việc.
170.  Đời cha ăn mặn, đời con khát nước:  cha làm ác, con chịu hậu quả

171.   Đục nước béo cò:  tình thế lộn xộn là dịp tốt cho kẻ trục lợi 
172.  Đứng mũi chịu sào: giữ vai quan trọng, chịu trách nhiệm cho tất cả
173.  Đứng núi này trông núi nọ:  không an phận, lúc nào cũng phân bì
174.   Được chim bẻ ná, được cá quên nơm:  được việc rồi, quên ơn, bỏ người đã giúp mình nên việc
175. Được đàng chân, lân đàng đầu:  tham lam
176. Đứt dây động rừng:  nói một người, người khác nghĩ ngợi
177. Được làm vua, thua làm giặc:  trong cuộc tranh chấp, kẻ thắng được hơn, người thua chịu kém
178. Được lòng ta, xót xa lòng người:  phần mình sướng, tội nghiệp phần người
179.   Được tiếng khen ho hen chẳng còn:  được khen, nhưng mình mất quá nhiều công sức
180.  Được voi đòi tiên:  (giống câu 175) quá tham lam

181.  Đường đi ở miệng:  tới nơi lạ phải chịu hỏi người
182.  Đường đi hay tối, nói dối hay cùng:  nói dối quanh rồi cũng bị lộ
183. Đứa (người) đi chẳng bực bằng người chực nồi cơm:  chờ chực thời gian tâm lí ra như dài, sốt ruột

E
184. Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên:  việc hôn nhân con cái, cha mẹ nên hướng dẫn hơn thiệt, không nên ép buộc
185.  Ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung:  người học ít mà tự phụ, như ếch chỉ thấy trời to như miệng giếng thôi

G
     186.  Gà chết vì tiếng gáy (gà tức nhau vì tiếng gáy):  con người bị hại thường do lời mình nói ra khoe khoang
187.  Gai trên rừng ai vót mà nhọn, trái trên cây ai vo mà tròn:  mọi sinh vật kể cả tâm tánh con người, đều do một Đấng Thiêng liêng tạo ra, không ai muốn thế này hay thế khác mà được
188.  Gái có chồng như gông đeo cổ, gái không chồng như phản gỗ long đanh: cuộc hôn nhân có những đau khổ, nhưng người ta chấp nhận bước vào
189.Gái ngoan làm quan cho chồng:  giúp chồng học làm quan, giúp chồng lên chức
190.   Gái tham tài, trai tham sắc:  thường con gái thích lấy chồng giầu, con trai thích lấy vợ đẹp
191. Gậy ông đập lưng ông:  mình chịu hại do mình gây ra
192.  Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng:  ảnh hưởng nhau, gần ai giống người ấy

GI
193.                Già rồi còn chơi trống bỏi:  chê người già lấy vợ trẻ, người già còn mê nhan sắc
194.                Già bát canh, trẻ manh áo mới:  nhờ canh già ăn ngon, nhờ áo đẹp trẻ ngủ ngon
195.                Già néo đứt giây:  điều kiện khó quá, đòi hỏi quá sẽ hỏng việc
196.                Già sinh tật như đất sinh cỏ:  người già thường lẩm cẩm, khó tính, trách móc, nhiều đòi hỏi
197.                Giầu đâu ba họ, khó đâu ba đời:  đừng tự hào cũng đừng nản
198.                Giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn: thói thường chịu khó làm giầu thêm, ăn nhiều làm nghèo thêm
199.                Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh:  khi có giặc, đàn bà cũng có phận sự như đàn ông
200.                Giấy rách phải giữ lấy lề:  dù nghèo hay sa sút cách nào cũng phải giữ tư cách
201.                Giận cá chém thớt:  giận ai, hay tức mình vì duyên cớ nào, rồi gặp người nào cũng gây gổ, hoặc đánh đập con cái
202.                Giấu đầu hở đuôi:  giấu một việc mà sơ ý, nói ra một chi tiết, người ta biết cả chuyện
203.                Gieo gió gặt bão:  làm ra nguyên nhân, phải chịu hậu quả
204.                Gió chiều nào che chiều nấy:  tùy thời mà sống, muốn yên thân, người không lập trường riêng
205.                Giật đầu cá, vá đầu tôm/giật gấu vá vai:  mượn của người này trả cho người kia

H
206.                Hà tiện mà ăn cháo hoa, đồng đường đồng đậu cũng ra 3 đồng:  hà tiện không biết tính toán
207.                Há miệng chờ ho:  chờ một tai vạ sắp tới
208.                Há miệng chờ sung:  lười ở không, đợi bữa ăn
209.                Há miệng mắc quai:  mở miệng nói điều gì là đụng chạm, bị bắt lỗi, bị vạ
210.                Hai bàn tay trắng:  nghèo không có tiền bạc chi cả
211.                Hai sương một nắng:  cực khổ vất vả suốt ngày
212.                Hết chuyện nhà, ra chuyện người:  người nhiều chuyện, bới chuyện
213.                Hết khôn dồn dại:  nói nhiều quá, lỡ lời
214.                Hết nạc, vạc xương:  ăn cào cấu, không chừa lại gì
215.                Hết xôi, rồi việc:  ăn xong đi mất, không giúp gì người cho ăn

216.                Hoa thơm đánh cả cụm:  tham lam, lấy chị, lấy cả em
217.                Họa phúc khôn lường:  không dò trước được
218.                Học ăn học nói học gói học mở:  ở đời phải học biết cách sống
219.                Học chẳng hay, cày chẳng biết:  đàn ông hư, chẳng biết nghề gì
220.                Học thầy, không tày học bạn:  học trong trường và học thêm ngoài đời
221.                Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại:  nói nặng người, bị người chửi lại. Nhận quà người cho, phải liệu cho lại
222.                Hồng nhan bạc phận:  đàn bà đẹp thường có số phận mong manh
223.                Hùm chết để da, người ta chết để tiếng: tiếng tốt xấu, dù chết vẫn còn
224.                Hùm dữ chẳng ăn thịt con:  tình mẹ con bao giờ cũng thắm thiết, thiên tư

225.                Hứng tay dưới, với tay trên:  người tham lam, lừa lọc
226.                Hữu chí cánh thành:  có chí thì nên, sự việc sẽ thành công
227.                Hữu danh vô thực/ Có tiếng mà không có miếng: có địa vị, nhưng không có tài điều hành
228.                Hữu tài vô hạnh:  tài ba chưa đủ, nếu đức hạnh không tốt
229.                Hữu xạ tự nhiên hương:  có tài tự nhiên người biết, không cần khoe

I
230.                Ích kỉ hại nhân:  muốn lợi cho mình, nhưng làm hại người
231.                Ít kẻ yêu, hơn nhiều người ghét: sẽ có hại nhiều


K
232.                Kẻ cắp gặp bà già:  kẻ ranh mãnh gặp người ranh mãnh hơn
233.                Kẻ có tình rình người vô ý: người ngay thật thường thua người gian trá núp trong bóng tối
234.                Kẻ kia tám lạng người này nửa cân:  2 bên bằng nhau, 1 cân ta có 16 lạng (lượng)
235.                Kén cá chọn canh:  chọn bạn trăm năm cách kĩ càng là điếu tốt, nhưng không nên quá, vì con người ta không có ai tuyệt đối
236.                Kéo cày trả nợ:  làm việc vì phải làm, không sốt sắng lắm
237.                Kiếm củi 3 năm thiêu một giờ/ Khôn ba năm, dại một giờ: sự nghiệp xây dựng rất lâu,chỉ một lúc vô ý, dại dột mà tiêu tan hết, thường nói về trinh nữ...
238.                Kiến bò bụng:  đói bụng, ví như kiến bò
239.                Kiến tha lâu cũng đầy tổ:  kiên nhẫn mỗi ngày một ít, lâu ngày thành công
240.                Kì đà cản mũi:  ngăn cản việc người khác, vô tình hay có ý

KH
241.                Khẩu Phật tâm xà:  miệng nói tốt lành mà lòng độc dịa hại người
242.                Khen nhà giầu lắm thóc:  một lời khen thừa thãi
243.                Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm:  nghèo mà biết tiết kiệm thì không thiếu thốn
244.                Khéo nói hơn liều mạng:  ngoại giao dàn xếp được thì tốt hơn đánh nhau
245.                Khéo tay hơn hay làm:  làm việc có phương pháp thì thành công hơn
246.                Khéo vá hơn vụng may:  người nghèo mà tài thì hơn người giầu có
247.                Khỉ ho cò gáy:  vắng vẻ xa xôi, không người lui tới
248.                Khó bó khôn:  nghèo không thực hiện được cái hay của mình
249.                Khó người khó ta:  gây khó cho người, người cũng có thể gây rắc rối lại
250.                Khỏi (hết) rên quên thày/ Khỏi vòng cong đuôi: khi cần thì năn nỉ, xong việc thì quên người làm ơn
251.                Khố rách áo ôm:  nghèo khổ không nhà cửa, không đồ dùng
252.                Khôn ăn người, dại người ăn:  lẽ thường khôn dại trong cuộc tranh sống
253.                Khôn ba năm, dại một giờ:  sự nghiệp hay tiếng tốt, mất nhiều năm tạo ra, vì lỗi lầm trong chốc lát tiêu tan hết cả, thường nói về cờ bạc, trinh tiết
254.                Khôn chết, dại chết, biết sống:  khôn bị ghét, dại bị gìm, biết địch mạnh thì ẩn, địch yếu thì đánh
255.                Khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương, giở giở ương ương tổ cho người ghét:  khôn người ta nể, dại để học thêm, dại mà ra mặt khôn, người ta ghét
256.                Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già:  trẻ có khôn, không bằng người lớn, già có khỏe không còn trẻ như xưa
257.                Khôn ngoan hiện ra mặt, què quặt hiện ra chân tay:  người khôn mặt sáng, người què dễ thấy
258.                Khôn nhà dại chợ:  nạt nộ người nhà, khúm núm người ngoài
259.                Khôn sống mống chết:  khôn biết cân nhắc, tùy thời, dại cứ cố chấp sẽ thiệt thân
260.                Không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời:  xưa có thời cứ 3 năm chia lại ruông đất, nghèo mà cố gắng có thể thành giầu
261.                Không có lửa sao có khói:  đã có quả, phải có nhân
262.                Không thành công cũng thành nhân:  lời cụ Nguyễn Thái Học VNQDĐ 1930
263.                Không thầy đố mày làm nên: không nhờ ai chỉ dẫn thì không làm nên việc
264.                Không ưa thì dưa có dòi:  không thích thì kiếm chuyện, bới xấu

L
265. Lá lành đùm lá rách:  người khá giả giúp người nghèo đói
266. Lá rụng về cội:  con cái dù được ai nuôi dưỡng cũng tìm về cha mẹ đẻ
267.  Lạy ông tôi ở bụi này/ Ai khảo mà xưng):  người dại dột, tự cáo tội mình
268.  Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu:  lẽ thường, không nên vì bị chọc ghẹo mà làm lớn chuyện hại mình
269. Làm khách sạch ruột:  làm bộ từ chối mà chịu đói bụng
270. Làm lành lánh dữ:  làm điều tốt lành, tránh điều độc ác là luật tự nhiên con người
271.   Làm ơn mắc oán:  có khi làm ơn gây ra oán thù, mình bị hại
272.  Làm phúc nơi nao, cầu ao rách nát:  trách người làm phúc chỗ khác mà địa phương mình thì không
273.  Làm phúc quá tay, ăn mày không kịp:  trách người không biết suy tính đấn đo
274.  Làm rể nhà giầu, vừa được cơm no, vừa được bò cỡi:  mỉa mai người hành động chỉ để được ăn uống, hưởng lợi
275. Làm tớ người khôn hơn làm thầy kẻ dại:  ở với người khôn được nhiều lợi, với người dại mang nhiều tiếng xấu
276.Lành làm gáo, vỡ làm muôi: khéo lợi dụng tất cả, không bỏ phí gì, sao cũng được
277.  Lắm mối tối nằm không:  nhiều nhân tình, không ai làm vợ để xây dựng làm ăn
278.  Lắm sãi không ai đóng cửa chùa:  nhóm đông người, không ai điều khiển, không ai để ý làm việc chung
279.Lắm thầy thối ma, nhiều cha con khó lấy chồng:  nhiều ý kiến, không biết theo ai
280.Lấy vải thưa che mắt thánh:  làm việc gian để dối gạt kẻ trên, nhưng bị lộ
281.   Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam:  hướng nam luôn có gió thổi mát cho nhà nghèo
282. Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống:  kết hôn cần chọn con nhà đức độ, tránh gia truyền bệnh tật
283. Lấp sông lấp giếng, ai lấp được miệng thiên hạ: miệng đời tự do ăn nói, khó cản
284. Lệnh làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ: việc ai nấy lo, đừng xía vô việc người
285.Lệnh ông không bằng cồng bà:  nói về người chồng quá nể hay sợ vợ
286.  Liệu cơm gắp mắm, liệu con gả chồng:  con gái lớn thường sợ lỡ việc hôn nhân
287. Lo cho bò trắng răng:  lo những chuyện không ai cần mình lo
288. Lon ton như con với mẹ:  nói năng mừng rỡ hấp tấp vội vàng
289.Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau:  nói năng phải suy nghĩ trước sau để được việc mới hay
290. Lời thật mất lòng/ thuốc đắng đã tật.../lời thật trái tai: tự nhiên không thích lời nói trái tai
291. Lợn lành chữa ra lợn què:  đồ hư ít, chữa xong lại hư nhiều vì không biết sửa
292.  Lợn trong chuồng thả ra mà đuổi:  tự mình gây ra chuyện khó cho mình
293.  Lửa cháy còn đổ dầu thêm:  người ta đang nóng giận, lại nói thêm cho họ giận thêm
294. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén:  trai gái thân nhau quá, lâu ngày khó tránh sa ngã, vụng trộm
295.  Lửa thử vàng, gian nan thử đức:  phải chờ người qua gian nan mới biết giá trị
296. Lực bất tòng tâm:  có lòng muốn, nhưng không có sức làm
297. Lưỡi không xương , nhiều đường lắt léo:  lời nói dễ tráo trở, hiền ra dữ, làm hư việc, xấu tốt đều do miệng lưỡi, nói năng
298.  Lưỡi mềm lưỡi còn, răng cứng răng rụng:  mềm mỏng, nhịn nhục tránh được tai họa, cứng cỏi, háo thắng, thân khó an toàn

   Jan. 20. 2012 Tạ ơn Mẹ Maria
--------
Tập 2

M
  1. Ma cũ bắt nạt ma mới:  người cũ thường ỷ mình thạo việc, quen nhiều mà chèn ép người mới
  2. Ma chê cưới trách:  những đám ma đám cưới, dù cử hành đúng lễ đến đâu cũng bị người ta phê bình, chê trách, bởi lẽ phong tục mỗi nơi mỗi khác, ý mỗi người mỗi khác.
  3. Ma trêu quỉ ám:  dục tình quá mạnh, xúi con người mất cả lương tri,, quên cả khôn dại,tốt xấu, đến làm việc dại dột, loạn luân
  4. Mang nặng đẻ đau:  chỉ công khó nhọc của cha mẹ đối với con cái khi mang thai nặng nề, lắm khi bệnh hoạn vì cái thai, lúc sinh con thì phải trải qua cơn đau đớn kinh khủng, có khi chết vì trắc trở
  5. Mạnh về gạo, bạo về tiền:  giầu có đen cũng thay trắng được, sai quấy cũng ra phải được
  6. Máu chảy ruột mềm:  người cùng máu mủ họ hàng bị hoạn nạn thì mình cảm thấy đau đớn lây
  7. Máu loãng còn hơn nước lã:  bà con xa vẫn còn thân hơn người dưng
  8. Mất trộm mới rào giậu:  ngày thường không lo, bị hại mới đề phòng
  9. Mẹ gà con vịt: không phải con mình sinh ra (mẹ gà con vịt chít chiu, mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng)
  10. Mẹ hát con khen hay:  người cùng bọn tán tụng nhau. Óc chủ quan chỉ thấy cái hay của phe mình
  11. Mẹ cha nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày:  cha mẹ nuôi con không tính toán, con nuôi cha mẹ con tính toán, hạn chế, lẽ thường là vậy
  12. Mẹ tròn, con vuông: lời chúc đàn bà sinh con toàn vẹn, không bệnh tật, sức khỏe như trời tròn, như đất vuông
  13. Mèo già hóa cáo:  người tinh ranh, càng lớn tuổi càng nhiều kinh nghiệm gian xảo hơn
  14. Mèo khen mèo dài đuôi:  khoe mình, cái gì mình làm ra thì khéo thì hay
  15. Mèo mả gà đồng:  trai gái tư tình hẹn hò với nhau
  16. Mền nắn, rắn buông:  ăn hiếp người hiền lành, thật thà, gặp người cứng cỏi thì chịu thua
  17. Miếng ăn là miếng nhục:  ăn uống, quyền lợi thường làm cho anh em kình địch nhau
  18. Miếng giữa làng bằng sàng xó bếp:  nghèo được dân ca ngợi, hơn giầu mà âm ỉ trong nhà
  19. Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời:  việc tốt thì nhớ hoài, thù sâu ghim vào dạ
  20. Miệng kẻ sang có gang có thép:  người quyền quí nói ra được tôi tớ tuân theo
  21. Miệng nam mô, bụng bồ dao găm:  miệng nói hiền nhưng lòng ác độc
  22. Mỏng môi hay hớt:  kinh nghiệm dân gian
  23. Mồ cha không khóc, đi khóc đống mối:  giầu tình cảm, nhưng lầm chỗ
  24. Một câu nhịn chín câu lành:  nhịn được ai thì hậu quả tốt sẽ đến có khi không ngờ
  25. Một con én không làm nên mùa xuân:  một người dẫu tài cũng không làm nên việc, cần nhiều người
  26. Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ:  đồng bọn có tình thương nhau, một người mắc nạn, mọi người thông cảm
  27. Một cổ hai tròng:  một mình 2 gánh, vất vả, khó liệu
  28. Một chữ nên thày, một ngày nên nghĩa:  học với ai ít chữ, lấy nhau chưa lâu,cũng không nên bội bạc nhau
  29. Một đời ta, ba đời nó:  không nên hà tiện, lấy thân che của
  30. Một giọt máu đào hơn ao nước lã:  bà con dầu xa vẫn hơn người dưng
  31. Một mất mười ngờ:  khi mất vật gì, người ta thường ngờ cho tất cả những ai có thể ngờ
  32. Một miếng khi đói bằng gói khi no:  giúp người khi họ ngặt nghèo mới quí
  33. Một người làm quan, cả họ được nhờ:   ở nước chậm tiến người ta kiêng nể kẻ có quyền
  34. Mở miệng mắc quai:  vừa nói một lời đã chịu trách nhiệm
  35. Mũ ni che tai, việc ai cũng biết:  tu hành gác bỏ sự đời, nhưng lại tò mò làm ngược lại
  36. Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng:  muốn có danh thơm phải cố gắng nhiều, muốn làm hư danh thì không khó
  37. Mua pháo mượn người đốt:  góp công sức mình, mà người khác được khen
  38. Múa vụng chê đất lệch:  làm hư việc rồi kiếm cớ đổ thừa, không nhận mình dở
  39. Muốn ăn phải lăn vào bếp:  muốn được việc phải gắng sức
  40. Muốn là được:  nếu thật lòng, gắng sức làm, sẽ nên công việc
  41. Mưa lúc nào mát mặt lúc ấy: lợi dụng hiện tại, không nên đòi quá
  42. Mười voi không được bát nước xáo:  khoe khoang, hứa hẹn mà kết quả không ra gì
  43. Mượn đầu heo nấu cháo:  vay chỗ nọ bù đắp chỗ kia
  44. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên:  con người tính toán, trời cho xong việc mới được


N

  1. Nam nữ thọ thọ bất thân:  quan niệm các cụ xưa: trai gái trao hay nhận vật gì, không được dùng tay chạm vào nhau
  2. Nằm trong chăn mới biết chăn có rận(rệp):  có ở trong cuộc mới biết nỗi khó khăn của việc làm, hay điều xấu của người đồng bọn
  3. Năng nhặt chặt bị:  góp mỗi lúc một ít, lâu ngày sẽ thành nhiều
  4. Nắng chiều nào che chiều nấy:  không lý tưởng, theo thời cuộc mà xoay xở, bỏ cái cũ
  5. Nâng như trứng, hứng như hoa:  nương chiều quá lắm
  6. Ném đá giấu tay:  làm chuyện mờ ám, gây xáo trộn để người khác bị nghi oan
  7. Ném tiền qua cửa sổ:  phung phí tiền bạc, xài không đúng chuyện
  8. No mất ngon, giận mất khôn:  tức lên nói bừa, lỡ lời, gây hại
  9. No ra bụt, đói ra ma:  người đủ ăn dễ giữ đạo làm người, người túng thiếu hay làm liều
  10. Nói có sách, mách có chứng:  lời trình bày có nhân chứng, vật chứng
  11. Nói một đàng, quàng một nẻo:  người nói với ý này, người nghe bẻ ra ý khác, sinh cãi vã
  12. Nói ngọt lọt đến xương:  lời ngon ngọt dễ thấm, chuyện khó thành dễ, chuyện dở hóa lành
  13. Nói như đinh đóng cột:  nói chắc một lời, không sửa đổi
  14. Nói như nước đổ lá khoai (môn):  nói với người không biết nghe, không kết quả
  15. Nói dối sám hối bảy ngày:   nói dối luôn có hậu quả tai hại
  1. Nồi nào vung nấy:  chồng thế nào thì vợ thế ấy, vợ chồng rất xứng đôi
  2. Nợ như chúa chổm: nói về ông Lê Duy Huyên hồi chưa làm vua mắc nợ rất nhiều, sau ông lên làm vua Lê Trung Tông nhà Lê.  
  3. Nuôi ong trong tay áo:  chứa chấp nuôi dưỡng kẻ không biết điều thường bị chúng lấy ơn làm oán mà hại mình.
  4. Nước chảy đá mòn:  nước róc rách chảy lâu ngày cũng làm mòn đá, người tối dạ tới đâu cố gắng học cũng giỏi.
  5. Nước đến chân mới nhảy:  người không lo suy tính trước, nhiều khi lỡ việc.
  6. Nước lã vã nên hồ:  việc chẳng có chi hoặc rất nhỏ mà gây thành chuyện lớn.
  7. Nước mắt chảy xuôi:  tình cảm giữa người thân bao giờ cũng bắt đầu từ trên đi xuống.  Ông bà cha mẹ thương con cháu nhiều hơn là con cháu thương ông bà.

NG
  1. Ngang như cua:  nói ngược, không thuận tai, khó được chấp nhận
  2. Ngồi lê đôi mách:  tới nhà ai, kể chuyện hàng xóm và chê khen thêm bớt.
  3. Ngồi mát ăn bát vàng:  ở không mà được hưởng sung sướng.
  4. Ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm: tật xấu dễ thành thói quen
  5. Ngựa quen đường cũ:  thói quen khó bỏ, làm việc xấu dầu được khuyên bảo, cũng nhớ chuyện cũ mà làm quấy lại.
  6. Người ăn ốc, kẻ đổ vỏ: người được hưởng lợi bỏ đi, kẻ khác đến sửa sang tu bổ.
  7. Người ăn thì có, người mó thì không:  một đám người hầu hết chỉ ăn, không làm chi cả.
  8. Người ăn thì còn, con ăn thì hết:  cho người ta món quà, họ sẽ biếu lại món khác, cho con cái, chúng ăn hết, đâu biếu lại gì
  9. Người bảy mươi học người bảy mốt:  không ai dám phụ rằng khôn, rằng biết đủ mọi việc dù cho học nhiều cũng cần học hỏi thêm với người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm.
  10. Người đẹp về lụa, lúa tốt về phân:  người dầu không đẹp nhưng biết cách trang điểm, mặc quần áo tốt cũng dễ coi.
  11. Người đi không bực bằng người chực nồi cơm: một người đi, người ở lại, người ở lại muốn biết kết quả công việc và chờ đợi ở người kia nên thấy thời giờ đi rất lâu.
  12. Người gầy thầy cơm:  người ốm thường mạnh ăn
  13. Người khôn của khó:  người khôn như vật quý rất ít và khó tìm ra.
  14. Người không học như ngọc không mài:  người khôn cần học để biết sự đời, ngọc quí cần được mài dũa để thành vật trang sức quý giá.
  15. Người là vàng, của là ngãi:  mạng người bao giờ cũng quí hơn bất kì của cải nào dù cao giá đến đâu
  16. Người làm sao chiêm bao làm vậy:  người thế nào thì ước mơ thế ấy, người tham ước được của, người cờ bạc ước được tiền, người lành ước mơ có dịp giúp người.

NGH
  1. Nghe hơi nồi chõ:  hay tin nhà nào có đám tiệc hoặc đình chùa có cúng thì tìm đến kiếm ăn.
  2. Nghe như vịt nghe sấm:  nghe những lời lẽ cao siêu, những lời lẽ quá tầm hiểu biết nên chẳng hiểu chi hết.
  3. Nghèo (đói) cho sạch, rách cho thơm: giàu nghèo cũng nên giữ mình cho trong sạch, không gian tham, không làm sỉ nhục đến thanh danh.
  4. Nghèo rớt mồng tơi:  nghèo quá không đủ ăn, đủ mặc.
  5. Nghĩa tử là nghĩa tận:  chết là hết, thực ra còn nhiều niềm tin khác...

NH
  1. Nhà giầu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột: nhà giàu không quen cực khổ, hễ gặp phải trở ngại sơ sài hay đau ốm chút đỉnh là lo lắng lăng xăng, lại cũng sẵn tiền dám chịu tốn hao, ngược lại nhà nghèo đã quen dày dạn, và không sẵn tiền, nên để lây lất cho qua những cơn rủi ro
  2. Nhà giầu dẵm gai, bằng nhà khó gãy 2 xương sườn:  ý nghĩa như trên.
  3. Nhà ngói cây mít:  cất nhà thì nên cất nhà cho bền, trồng cây thì nên trồng cây mít vì loại này sống lâu, nghĩa bóng là cơ sở vững bền.
  4. Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm:  nhà nào được quét dọn sạch sẽ, bàn ghế lau chùi trơn bóng ai bước vào cũng nghe hơi thở nhẹ nhàng, không khí mát mẻ dễ chịu.  Mâm cơm cũng vậy, bát đĩa láng sạch không có mùi hôi, dầu đồ ăn chẳng ngon, ai dùng bữa cũng thấy ngon.
  5. Nhàn cư vi bất thiện:  ở không hay làm quấy.
  6. Nhát như thỏ đế:  rất nhát không khác gì giống thỏ rừng luôn luôn ẩn núp trong đám cỏ.
  7. Nhạt như nước ốc: nhạt lắm, không đậm đà niềm nở.
  8. Nhân vô thập toàn:  làm người không ai vẹn tròn được cả mười.
  9. Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc:  đến đâu phải trọng phong tục ở đó.
  10. Nhất con nhì cháu thứ sáu người dưng:  về mặt tình cảm phải lo con trước rồi mới đến cháu, có thừa lắm mới tới người xa lạ.
  11. Nhất cử lưỡng tiện:  một công hai việc, làm một lần mà xong cả hai.
  12. Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô:  dầu chỉ có một con trai cũng được kể là con mình, còn người con gái cũng kể như không có.  Con trai có con đều lấy họ nhà mình, con gái lấy chồng đều theo họ nhà chồng, đó là quan niệm thời trước.
  13. Nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò:  học trò hay nghịch ngợm phá phách không khác gì ma quỷ.
  14. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh:  chuyên một nghề cho giỏi, thì thân được sướng.
  15. Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ:  theo sự sắp hàng ngày trước, người theo nghề nghiên bút đứng trước người làm ruộng, nhưng khi đói kém thì người làm ruộng được đứng trên, vật gì cũng chẳng hơn đồng tiền bát gạo.
  16. Nhất tội nhì nợ: khổ nhất là phạm tội, bị gông cùm, xa vợ con, thứ nhì là mắc nợ lo chạy ngược chạy xuôi.  Ở đời cần tránh hai việc đó.
  17. Nhất vợ nhì Trời:  lời mai mỉa kẻ sợ vợ cho rằng trên đời kẻ ấy coi vợ trên hết rồi mới tới Trời, các việc khác ở sau.
  18. Nhi nữ thường tình:  tính thông thường của phụ nữ là yếu ớt, hay mủi lòng, bịn rịn chồng con.
  19. Nhịn đói nằm co, hơn ăn no phải làm: thà nhịn đói mà được ở không, sung sướng hơn là ăn no mà phải làm việc, đó là lý luận của kẻ lười biếng.
  20. Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa:  đông người mà thiếu tổ chức phân công cho rành thì công việc không chạy, việc thì đôi ba người dành làm, việc thì không ai ngó tới.
  21. Nhổ râu ông nọ cắm cằm bà kia:  làm việc lộn xộn, việc của ngưòi này cho là của người khác.
  22. Như mèo thấy mỡ:  mèo thích mỡ, mừng rỡ vì bắt gặp điều mong ước đúng ý nguyện hay sở thích

Ô
  1. Ông ăn chả bà ăn nem:  vợ chồng phân bì nhau để tranh nhau làm quấy thường là đi cờ bạc hay trai gái với người khác.
  2. Ông nói gà bà nói vịt, ông bảo làm thịt, bà bảo để nuôi:  kẻ nói thế này, người nói thế khác không hợp ý nhau rồi kiếm chuyện cãi nhau.
  3. Ông thầy khoe tốt, bà cốt khoe hay:  ai cũng khoe tài mình để kể công.
  4. Ông Trời còn chẳng vừa lòng thiên hạ:  trời đất tuy rộng lớn người ta còn có chỗ hờn như mưa chiều nắng gió...không ai ở cho vừa lòng người, hễ được lòng người này thì mất lòng người kia, vì quyền lợi cá nhân luôn luôn xung đột, ý mỗi người mỗi khác.

Ơ
  1. Ở bẩn sống lâu:  lời tỏ sự lời biếng.
  2. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài:  do ảnh hưởng của hoàn cảnh, của giáo dục, của sự chung đụng hằng ngày mà con người có tính tốt hay xấu
  3. Ở chọn nơi, chơi chọn bạn:  nếu biết chọn nơi cao ráo mát mẻ hay tiện lợi cho cuộc làm ăn thì nên chọn, cũng nên chọn người tốt mà chơi để học hỏi thêm điều hay.
  4. Ở hiền gặp lành:  ăn ở hiền lành thì được nhiều cảm tình của người chung quanh, nên được nhiều người giúp đỡ làm ăn xoay sở dễ chịu.
  5. Ớt nào là ớt chẳng cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng:  đàn bà ai cũng có máu ghen, mà hễ ghen thì mất sáng suốt làm nhiều điều có hại cho gia đình và mất danh giá của chồng.  Làm đàn ông phải biết điều đó mà tránh cho vợ ghen tương.

PH
  1. Phấn giồi mặt ai nỡ giồi chân:  theo lẽ thường ở đời ai cũng làm điều phải để nêu danh thơm tiếng tốt.
  2. Phóng lao phải theo lao:  đã bắt đầu làm việc gì, dầu khó cũng phải theo tới cùng mới hay
  3. Phú quí sinh lễ nghĩa:   giàu sang rồi bày đặt khuôn phép nọ kia cho rắc rối.
  4. Phúc đức tại mẫu:  con nhờ đức của mẹ.

Q
  1. Qua sông phải lụy đò:  Muốn qua sông phải năn nỉ người ta chở thuyền đò.  Muốn xong việc mình phải hạ mình năn nỉ người giúp.
  2. Quan nhất thời, dân vạn đại:  người chức việc chỉ làm một thời gian dài vắn, còn dân thì làm dân muôn đời, dầu chức trọng quyền cao thế nào khi về già cũng trở về với dân
  3. Quen mui thấy mùi ăn mãi:  được lợi một lần ăn quen khai thác mãi. 
  4. Quí hồ tinh bất quí hồ đa:  cái quý là ở chỗ tinh ròng, phẩm chất, chớ không ở số nhiều về lượng
  5. Quít làm cam chịu:  người này gây tội mà người khác bị oan ức.
  6. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách:  nước nhà còn hùng hay phải mất, một người dân thường cũng có trách nhiệm

R
  1. Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ:   việc ngoài đường thì nên hỏi người lớn, người quen, việc trong nhà thì nên hỏi trẻ vì chúng hay nói thật, không biết dối quanh.
  2. Rán sành ra mỡ:  có ít muốn lợi nhiều.
  3. Râu ông cắm cằm bà:  lấy chỗ nọ vá chỗ kia để làm lợi cho mình. 
  4. Rối như canh hẹ:  chuyện khó giải quyết.  Hẹ nấu chín rối vào nhau khó múc.
  5. Rủ nhau làm phúc, chớ rủ nhau đi kiện:  nên kiếm người làm tốt, hơn là rủ nhau đi kiện cáo, gây thù oán.
  6. Rút giây động rừng:  nói một người động những người khác
  7. Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay:  ruộng đất rộng, tiền của nhiều chưa hẳn là sung sướng, vì còn sợ lo mất trộm, có ngày phải đói, nhưng có sẵn một nghề trong tay thì không sợ đói.
  8. Rượu vào lời ra:   rượu uống vào thì ngà ngà say rồi sinh hứng nói chuyện lung tung nhiều khi đến cãi nhau.

S
  1. Sa cơ lỡ bước:  rủi ro, lầm lỡ trong một lúc mà hại lâu
  2. Sai một li đi một dặm:  tính sai một bước, việc có thể thất bại to.
  3. Sáng tai ọ, điếc tai cày:  người làm biếng, bảo nghỉ thì nghe rất rõ nghỉ liền, nhưng bảo làm thì giả bộ không nghe cứ lờ đi mà chơi mãi.
  4. Sau cơn mưa trời lại sáng:  hết hoạn nạn đến vinh quang. 
  5. Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì:  em trai thường giúp anh, em gái sẵn lòng giúp mẹ
  6. Sẩy đàn tan nghé:  trâu con mà bị lạc đàn tức thì bị thú dữ ăn thịt.  Còn trẻ mà bỏ cha mẹ ở nhà đi hoang thế nào cũng hư.
  7. Sấm bên đông động bên tây:  nói người này để nhắc nhớ người khác.
  8. Sinh con ai dễ sinh lòng:  mẹ sinh hình hài con cái còn lòng nó thì tự nó có hoặc do ảnh hưởng bên ngoài hoặc do Trời ban cho.
  9. Sinh, lão, bệnh, tử:  sinh ra, rồi già, rồi bệnh, rồi chết, 4 cái khổ của con người theo Phật giáo.
  10. Sinh kí, tử qui:  sống ở, chết về.  Quan niệm xem đời là cõi tạm, chỗ ở đời đời là niết bàn hay thiên đàng, bởi vậy sống không mừng, chết không sợ.
  11. Sinh li tử biệt:  sống thì xa nhau, chết thì biệt hẳn.Cảnh đau đớn giữa người thân với nhau.
  12. Sinh vô gia cư, tử vô địa táng:  quá nghèo sống không nhà ở, chết không đất chôn.
  13. Sông có khúc, người có lúc:  sông có khúc cạn khúc sâu, khúc quanh khúc thẳng, con người có lúc làm nên, có lúc suy sụp, bởi vậy không nên nản chí
  14. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi:  xem mạch bắt thuốc xong thì lấy tiền, còn bệnh có lành hoặc có chết, làm nên hay hư không cần biết đến nữa.
  15. Sống để bụng, chết mang theo:  giữ việc bí mật cho đến chết chớ chẳng nói ra hoặc ôm mối thù trong lòng để chờ ngày trả thù cho bằng được
  16. Sống đục sao bằng chết trong:  sống một đời nhục nhã sao bằng chết mà danh được trong sạch
  17. Sống khôn chết thiêng:  khi còn sống đã có trí khôn hiểu biết mọi việc bây giờ chết rồi cũng nên linh thiêng mà chứng giám phù hộ.
  18. Sống tết, chết giỗ:  cha mẹ còn sống thì mình phải  nuôi dưỡng kính trọng, mỗi ngày tết trong năm đều phải có lễ tết cho cha me, khi chết thì thờ kính cúng giỗ đàng hoàng.
  19. Sợ người nói phải, hãi người cho ăn:  người nói phải sử xự đàng hoàng mình sợ đã đành, người mà mình làm công để sống cũng phải sợ, vì không vậy mình sẽ mất bát cơm.
  20. Suy bụng ta ra bụng người:  ý mình thế nào thì ý người khác cũng vậy, nên ăn ở thế nào cho phải, chứ đừng dành cả phần lợi cho mình mà để thiệt cho người.  Bụng mình xấu rồi tưởng người ta cũng xấu như  mình.
  21. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay:  óc chủ quan khiến ai cũng thấy chỉ có mình là hay là giỏi, nhất là hay dành phần phải về mình.

T
  1. Tai bay vạ gió:  tai họa từ đâu đến cách bất ngờ.
  2. Tai nghe không bằng mắt thấy:  nghe lời đồn đãi hoặc nghe người nói lại không đáng tin bằng chính mắt mình thấy.
  3. Tai vách mạch rừng:  trẻ vô tình nghe lóm câu chuyện rồi đồn thổi ra ngoài, dù mình chỉ nói với người thân trong nhà.
  4. Tay làm hàm nhai:  nghèo làm bữa nào ăn bữa nấy chứ không có dư.
  5. Tay xách nách mang:  mang xách đùm đề.
  6. Tam sao thất bản:  sao đi chép lại vài lần thì sai hẳn nguyên văn.  Kẻ nói đi người nói lại không thể đúng sự thật được.
  7. Táng tận lương tâm:  tàn nhẫn, làm một việc hết sức độc ác không kể tình nghĩa hay phải trái chi cả.
  8. Tắt lửa tối đèn:  lúc nhà có việc bất cứ lớn nhỏ đều cần có lối xóm giúp đỡ.
  9. Tiên học lễ hậu học văn:  trước học cách sống, sau học chữ nghĩa
  10. Tiên trách kỉ, hậu trách nhân:  trước cần trách mình, sau mới trách người.
  11. Tiền dâm hậu thú:  lấy trước cưới sau.
  12. Tiền mất tật mang:  chữa trị hết tiền mà bệnh tật vẫn còn
  13. Tiền rừng bạc bể:  giàu có, tiền bạc man vàn
  14. Tiền trao cháo múc:  mua bán sòng phẳng không nợ nần
  15. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống:  nghèo có đồng nào xài hết đồng nấy
  16. Tiếng chào cao hơn mâm cỗ:  xã giao lịch thiệp, kính trọng nhau quý hơn miếng ăn.
  17. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày làng:  làm phải, làm quấy đều có người hay biết và đồn đãi xa gần
  18. Tiếng ong tiếng ve:  lời thủ thỉ xui giục.
  19. To gan lớn mật:  bạo dạn, dám làm những việc to tát, nguy hiểm.
  20. Tốt danh hơn lành áo:  ăn ở hiền lành càng sinh nhiều lợi cho có tiếng tốt với đời hơn là lo cái mã cho đẹp.
  21. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn:  nên trọng cái thực chất bên trong còn cái vỏ bên ngoài càng lòe loẹt càng tố cáo cái hèn kém bên trong.  Ca dao có câu:  “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”.
  22. Tốt thì khoe ra, xấu xa đậy điệm:  cái gì tốt thì đem ra khoe, cái gì xấu thì che giấu mất đó là tánh tự nhiên của người thường.  Bởi vậy thấy cái gì tốt của người chớ vội tin rằng tất cả những gì của người ấy cũng đều tốt, biết đâu họ còn nhiều cái xấu đang được che lấp.  Ngược lại, khi biết được cái xấu của người ta, ta nên thản nhiên cho đó là lẽ tự nhiên chớ đừng giận sao người ta gạt mình hoặc moi móc ra mà làm cho người ta phải xấu hổ.
  23. Tốt lễ dễ xin:  nói lên tình trạng tham nhũng, không ngay thẳng. Lễ lỡi làm mù mắt quan xét.
  24. Tới đâu hay đó:  cứ để sự việc xảy ra tự nhiên, hi vọng sẽ tìm được cách đối phó
  25. Tùy cơ ứng biến:  tùy việc xảy ra mà tìm cách cư xử, không theo khuôn khổ nào.
  26. Tự ti mặc cảm:  tủi phận vì thấy thấp kém, dầu có nhiều chỗ khác bằng, hơn người.
  27. Tương kính như tân:  vợ chồng nên kính trọng như khách mới sống cả đời với  nhau được.
  28. Tửu nhập ngôn xuất:  uống rượu vào, say sưa ăn nói lung tung.

TH
  1. Tha phương cầu thực:  đi làm ăn ở xứ xa.
  2. Thả mồi bắt bóng:  bỏ cái đã nắm trong tay để theo tìm cái mới rồi đặt hy vọng vào
  3. Thác trong hơn sống đục:  giữ lòng trong trắng mà chịu chết hơn làm việc nhuốc nhơ để được sống.
  4. Thay trắng đổi đen:  mưu mẹo gian xảo, thay đổi sự việc
  5. Thay lòng đổi dạ:  ăn ở bội bạc với người cũ, trước thương sau ghét, trước trung hậu, sau phản
  6. Tham bữa cỗ bỏ bữa cày:  bữa cỗ ngon cũng kém hơn bữa cày
  7. Tham quyền cố vị:  ham quyền chức mà tìm đủ cách để củng cố địa vị không kể quyền lợi chung của dân của nước, người nước nào cũng nhiều kẻ như vậy
  8. Tham sinh úy tử:  thói thường người ta ai cũng ham sống sợ chết.
  9. Tham tài hiếu sắc:  người nữ muốn lấy chồng giỏi, người nam muốn lấy vợ đẹp
  10. Tham thì thâm:  người tham lam hay làm điều càn dỡ không cân nhắc lợi hại.
  11. Tham thực cực thân:  ham ăn, ăn nhiều quá thường sinh hại thân.  Vì quá tham lam danh lợi mà làm điều phi pháp phải tù đày cực khổ.
  12. Tham trăng quên đèn:  mê người có sắc đẹp hơn hoặc giàu có hơn mà ruồng rẫy vợ/chồng cũ
  13. Tham vàng bỏ nghĩa:  vì miếng mồi danh lợi mà phải bỏ cái nghĩa đáng lẽ mình phải giữ đối với một người nào đó.
  14. Thanh thiên bạch nhật:  thời gian giữa ban ngày
  15. Thao thao bất tuyệt:  nói hay viết cách trôi chảy, không vấp
  16. Thăm ván bán thuyền:  Người bội bạc, vừa quen  người mới, đã phụ bạc người cũ. Vừa biết có ván tốt, đã tính bán chiếc thuyền đang dùng.
  17. Thắm lắm phai nhiều: cái gì quá độ cũng chóng nhạt phai 
  18. Thằng chết cãi thằng khiêng:  đã thất bại lại còn chống chế với người đang tìm phương cách cứu mình.
  19. Thắt lưng buộc bụng:  ăn tiêu dè dặt, tiết kiệm lại, sợ thiếu thốn về sau.
  20. Thầy bói nói dựa:  phần nhiều thầy bói chỉ dựa theo lời hay sắc mặt của thân chủ mà đoán, nếu thấy sai họ mau miệng sửa lại.
  21. Thấy của tối mắt:  thấy tiền của nhiều quá thì động lòng tham, không nghĩ đến nhân nghĩa hay luật pháp.
  22. Thấy người sang bắt quàng làm họ:  thấy ai được thiên hạ yêu chuộng hay kính nể thì tìm cách làm thân.
  23. Thần giao cách cảm:  sự giao cảm giữa hai người ở cách xa hai nơi.
209.                Thập tử nhất sinh:   lúc bệnh nặng, coi như sắp chết
210.                Thất bại là mẹ thành công:  nhờ thất bại mà có kinh nghiệm để thành công. Không nên thối chí mà bỏ.
211.                Thật thà là cha quỷ quái:  gian dối xảo quyệt thế nào cũng không quí bằng thành thật
212.                Thật thà như đếm:  thật thà lắm, việc chi biết chắc mới nói chứ không đoán chừng.
213.                Theo đóm ăn tàn:  nịnh bợ,  dù hưởng lợi không là bao
214.                Thề sống thề chết:  nhất định đem mạng sống ra thề cho người ta tin.
215.                Thế thái nhân tình:  thói đời và tình người.
216.                Thiên thời, địa lợi, nhân hòa:  ba điều kiện chính để thành công: vận trời, thế đất, lòng người
217.                Thọc gậy bánh xe:  bày ra điều làm trở ngại công việc của người ta đang tiến hành.
218.                Thợ may ăn giẻ, thợ mã ăn hồ:  làm nghề gì cũng có ăn gian chút đỉnh đó là việc nhỏ mọn thường tình, nên bỏ qua
219.                Thơm (Tốt) danh hơn lành áo:  ở đời giàu nghèo mà được tiếng tốt, hơn giàu mà mang tiếng xấu.
220.                Thua trời một vạn, không bằng thua bạn một ly: thua Trời là tự nhiên, đừng để thua bạn cùng giống với mình
221.                Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn:  trong nhà vợ chồng hòa thuận nhau thì việc chi dầu khó mấy cũng xong.
222.                Thuốc đắng giã tật, lời thật mất lòng:    thuốc đắng trị mau lành bệnh, lời thật khó nghe nhưng rất có ích để nên tốt.
223.                Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân: thời gian minh chứng cho biết hơn thiệt
224.                Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi:  nuông chiều con là làm cho con hư hỏng, không nhất thiết phải đánh đập, nhất là khi nóng nảy.

TR

225.                Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa:  Chê người hay việc không vừa ý, lại gặp người hay việc khác còn tệ hơn nhiều. 
226.                Tránh  ma chẳng xấu mặt nào: thua người mạnh hơn mình về sức lực, không bị ai chê cười cả.
227.                Trăm con ếch cũng bắt được con ếch:  chịu khó và bền chí thế nào cũng thành công.
228.                Trăm hay không bằng tay quen:  giỏi về lý thuyết mà không thực hành cũng không bằng người làm quen giàu kinh nghiệm.
229.                Trăm voi không được bát nước xáo (giống như mười voi không được bát nước xáo): nói nhiều, hứa nhiều không có kết quả
230.                Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết:  hai người, hai phe, hai nước đánh nhau, dân chúng hay người ở gần bị họa lây.
231.                Trâu chậm uống nước đục:  chậm chân thì dùng của thừa thãi, chịu nhiều thiệt thòi
232.                Trẻ cậy cha, già cậy con:  con còn trẻ nhờ cha mẹ nuôi dưỡng, che chở.  Khi cha mẹ già, nhờ lại con, đó là quan niệm gia đình của người phương Đông.
233.                Trẻ vui nhà, già vui chùa:  trẻ con làm cho gia đình vui vẻ, nhờ chúng hay đùa giỡn,  người già siêng đi chùa, nhà thờ làm vui cảnh chùa nhà thờ
234.                Trèo cao té đau:  càng ham ở địa vị cao, khi thất bại, càng khổ đau
235.                Trên đe dưới búa:  kẹt giữa hai sức mạnh không lối thoát.
236.                Trên kính dưới nhường:  cách ở đời của người lịch sự hay đứa con hiếu thảo
237.                Trêu cò, cò mổ mắt:  khinh người kém thế hay yếu sức, trong đường cùng để bảo vệ danh dự người ta sẽ chống lại mình.
238.                Trói gà không chặt:  người yếu sức không làm nên việc lớn.
239.                Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay:  người có trách nhiệm trong nhà chưa hay biết mà tiếng tăm đã đồn đãi xa gần.
240.                Trong đầm gì đẹp bằng sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn:  chung lộn với kẻ xấu mà không giống họ.
241.                Trốn việc quan đi ở chùa:  tìm cách tránh làm phận sự gia đình.
242.                Trông gà hóa cuốc:  không tinh mắt, trông vật này ra vật khác.  Lầm lẫn việc này với việc kia.
243.                Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon:  xem tướng người mà đối xử cách trọng hay khinh
244.                Trống đánh xuôi  kèn thổi ngược:  cùng phe mà kẻ nói này, kẻ nói khác.
245.                Trời cao có mắt:  Trời ở trên cao thấu hiểu mọi việc làm thiện ác của người đời để rồi chẳng sớm thì muộn cũng thưởng phạt.
246.                Trời cho hơn lo làm:  mọi của do làm ra hay do may mắn đều có gốc là do trời cho cả.
247.                Trời đánh còn tránh bữa ăn:  việc quan trọng cách nào, cũng phải lịch sự, đợi người ta dùng bữa xong sẽ nói, sẽ làm
248.                Trời sinh trời dưỡng:  Trời đã sinh con người, đồng thời cũng lo nuôi dưỡng, nếu ta siêng năng làm việc thì không sợ chết đói, có bệnh cũng cứ bình tĩnh lo thuốc thang.

V

249.                Vạch áo cho người xem lưng:  bày cái dở cái xấu của mình hay của phe mình một cách vô ý thức cho người ta thấy.
250.                Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm:  vắng người có quyền trong nhà, kẻ dưới vượt quyền, lên mặt ức hiếp bạn bè
251.                Vắt cổ chày ra nước:  ráo riết, khai thác triệt để.
252.                Vắt chanh bỏ vỏ:  bạc bẽo, dùng đến hết sức người ta, giục bỏ không thương tiếc
253.                Vặt đầu cá, vá đầu tôm:  lấy cái nọ bù vào cái kia, thiếu vẫn hoàn thiếu
254.                Vẽ đường cho hươu chạy:  chỉ đường cho người rành việc hơn mình.
255.                Việc người thì sáng, việc mình thì quáng:  việc của người, mình không trách nhiệm thì giải quyết dễ dàng, việc của mình thì khó giải quyết êm đẹp.  Lỗi lầm của người, mình đứng ngoài trông thấy rất rõ, lỗi của mình thì mù mờ, giấu nhẹm
256.                Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng:  việc của mình, không bị ai thúc giục, bỏ qua không lo đến, việc của người khác thì tỏ ra sốt sắng giúp đỡ
257.                Vỏ quít dày, móng tay nhọn:  dầu khôn ngoan, lanh lợi, xảo trá đến đâu, cũng có kẻ đồng tài, hoặc cao hơn chống lại.
258.                Vong ân bội nghĩa:  lời chê trách người đã mang ơn rồi tỏ ra bội bạc với người ấy.
259.                Vơ đũa cả nắm:  không phân biệt người tốt kẻ xấu, việc hay việc dở.
260.                Vụng chèo, khéo chống:  có lỗi nhưng tìm cách chống đỡ để khỏi chịu trách nhiệm
261.                Vụng múa, chê đất lệch:  làm vụng về hoăc sai lầm rồi kiếm cớ chạy tội.
262.                Vừa ăn cướp, vừa la làng:  làm quấy lại to tiếng thanh minh, đánh lạc hướng

X

263.                Xanh vỏ đỏ lòng:  tuy xấu bên ngoài, nhưng lòng dạ rất tốt
264.                Xấu đều hơn tốt lỏi:  đều đặn với nhau, còn hơn điều tốt mà so le lệch lạc
265.                Xấu gỗ hơn tốt nước sơn:  hôn nhân: trọng người có đức tốt hơn người có sắc đẹp
266.                Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ:  người xấu bụng thì hay khoe tốt cho mình, người dốt lại hay mượn lời của thánh hiền nói để loè người ta.
267.                Xôi hỏng bỏng không:  để hư việc lớn, quay sang việc nhỏ cũng hỏng luôn.
268.                Xởi lởi trời gởi của cho, so đo trời co ro lại:  rộng rãi với người, Trời ở rộng cho, keo kiết với người, Trời không cho nữa
269.                Xúc tép nuôi cò:  uổng công làm việc vô ích cho ai mà bị phản bội


Y
  1. Y phục xứng kì đức:  người địa vị nào đối xử, ăn mặc theo vị ấy
  2. Yêu con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi:  cha mẹ nuông chiều, con sẽ hư
  3. Yêu nên tốt, ghét nên xấu:  Tình yêu che lấp mọi khuyết điểm, khó khăn
  4. Yêu nhau lắm, cắn nhau đau:  càng yêu nhiều, khi giận nhau càng trả đũa mạnh
  5. Yêu nhau như chị em gái, dái nhau như chị em dâu, đánh nhau vỡ đầu là anh em rể:  cùng khúc ruột thì tự nhiên thân nhau hơn
  6. Yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già, già để tuổi cho:  trẻ yêu ai yêu nó, già thích ai trọng mình.

Phở 79 – nhà hàng đầu tiên của Orange County được giải thưởng danh giá ‘Oscar ẩm thực’


Phở 79 – nhà hàng đầu tiên của Orange County được giải thưởng danh giá ‘Oscar ẩm thực’

Thiện Lê/Người Việt



Một nhân viên bưng phở đến bàn cho khách. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)
GARDEN GROVE, California (NV) – Nhắc đến ẩm thực Việt Nam ở Hoa Kỳ, ai cũng phải nói đến phở, món ăn có thể được coi là đại diện cho người gốc Việt. Little Saigon có rất nhiều tiệm phở, nhưng Phở 79 trên đường Hazard, thành phố Garden Grove, vừa nhận được giải thưởng danh giá mang tên “James Beard Foundation Awards.”
Giải thưởng của tổ chức James Beard được nhiều người gọi là “giải Oscar ẩm thực” vì được trao cho các đầu bếp giỏi nhất, các nhà hàng ngon nhất hay các tác giả, ký giả chuyên viết về ẩm thực hay nhất.
Hằng năm, tổ chức này sẽ trao giải thưởng vào ngày 5 Tháng Năm, để vinh danh ngày sinh của ông James Beard, một người cống hiến rất nhiều cho ẩm thực Hoa Kỳ.
Ngoài Phở 79 ra, chưa có nhà hàng nào khác ở Orange County nhận được giải thưởng cao quý này. Nhiều nhà hàng khác ở quận hạt từng vào được vòng bình chọn bán kết, nhưng chưa bao giờ nhận được giải thưởng James Beard Foundation Award.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, người quản lý buổi sáng của Phở 79, trả lời phỏng vấn của báo Người Việt. (Hình: Thanh Long/Người Việt)

Tổ chức James Beard công bố trên Instagram hôm Thứ Hai, 28 Tháng Giêng, Phở 79 sẽ cùng bốn nhà hàng ở Los Angeles là Guelaguetza, Yuca’s, Langer’s Deli và Phillipe The Original nhận giải thưởng trong mục “Các nhà hàng bất hủ ở Hoa Kỳ.”
Vì sao có tên “Phở 79?”
Sau khi nghe tin, ông Nguyễn Tiến Dũng, người quản lý buổi sáng của Phở 79, cho phóng viên Người Việt biết: “Phở 79 chúng tôi từng nhận nhiều giải thưởng ẩm thực của các thành phố hay các tờ báo, nhưng đây là lần đầu tiên nhận được giải thưởng cao quý này, như giải Grammy của ẩm thực. Khi nghe tin, chúng tôi rất bất ngờ vì không nghĩ mình được chọn.”
Cũng theo ông Dũng, tổ chức James Beard lựa chọn cả ngàn nhà hàng ở khắp nước Mỹ và ông không ngờ họ lại chọn một nhà hàng Việt Nam như Phở 79.
Ông cho rằng tiệm mình được chọn là vì có sự đóng góp lâu đời cho Orange County và góp phần đưa món phở vào dòng chính (mainstream) của nước Mỹ.

Phở 79 trên đường Hazard ở Garden Grove. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Ông Dũng còn kể về những ngày khởi đầu của tiệm.
“Tiệm của chúng tôi thành lập năm 1982 nhưng chọn con số 79 vì nó có ý nghĩa riêng và người Mỹ, thế hệ con cháu sau này đặt câu hỏi ‘tại sao lại là Phở 79?’ Chúng tôi là thuyền nhân và năm 1979 là năm chúng tôi vượt biên.”
Là một tiệm phở lâu đời ở Little Saigon, Phở 79 có rất nhiều thực khách lâu năm, đủ mọi sắc dân, không chỉ có người gốc Việt thôi. Hầu hết ai đến đây cũng gọi một tô phở nóng hổi theo sở thích của mình.

Ông David Evans, thực khách hơn 15 năm của Phở 79. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Những người “yêu” Phở 79 nói gì?
Một thực khách lâu năm là ông Phước Trần, cư dân Westminster, cho biết: “Tôi đến đây ăn từ ngày tiệm mới mở và đến đây mỗi tuần ít nhất một lần, không ăn ở tiệm thì cũng mua về nhà. Người Mỹ họ có câu ‘vote with your feet’ có nghĩa là tiệm ăn phải ngon thì người ta mới đến. Ở Little Saigon có cả trăm tiệm phở, nhưng không ngon như Phở 79 vì tiệm này có phẩm chất không hề suy giảm và tiền nào của đó trong bao nhiêu năm rồi. Tôi còn từng gặp một số thanh niên vừa đi lính về phải đến đây ăn.”
Đối với ông Phước, nhà hàng Phở 79 nổi tiếng và đông khách cũng là một khuyết điểm vì không có chỗ đậu xe và phải xếp hàng đợi lâu. Vì vậy, ông thường đến vào Thứ Ba hoặc Thứ Tư vì đây là hai ngày ít khách nhất và lúc nào đến đây ông cũng phải gọi phở vè giòn.
Loại thịt được nhiều thực khách gọi nhất của Phở 79 là đuôi bò. Theo ông Dũng, sau khi tiệm báo cho khách đuôi bò đã hầm xong rồi, chỉ một, hai tiếng đồng hồ là khách gọi hết sạch, khiến nhiều người đến sau chán nản và thậm chí bỏ về chỉ vì không có đuôi bò và chờ cho đến khi có mới quay trở lại.

Bà Kay Nguyễn cùng ông Michael Clifford từ San Jose đến lần đầu thử Phở 79. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Một trong những thực khách hay gọi đuôi bò là ông David Evans, cư dân Westminster. Ông nói: “Tôi ăn ở đây cũng 15 năm rồi và một tuần tôi đến đây ăn hai lần. Lúc nào đến tôi cũng gọi số 23 trong thực đơn (phở tái chín) và một phần đuôi bò. Từ thịt đến bánh phở, cái gì tôi cũng thích vì cho tôi năng lượng và giúp tôi trở lên cao to. Đuôi bò ở đây rất mềm, mùi vị rất ngon và tôi ăn lúc nào cũng no.”
Khi nghe tin này, ông Trung Bảo, một nhà báo sống ở Đà Nẵng, trong thời gian đi học ở Hoa Kỳ từng ghé Phở 79, nhận xét: “Phở 79 ngon nhất trong tất cả các quán phở tôi từng ăn qua. Không có quán nào ở Việt Nam có thể nấu được tô phở đậm đà đến như vậy. Nếu phở Sài Gòn nổi tiếng với nước béo, tương đen còn phở Hà Nội với vị thanh của nước dùng do hồi, thảo quả mang lại thì phở 79 có đủ hết. Cái quan trọng nhất đó là người ta tìm được đúng cái hương vị của món phở mà họ luôn luôn nhớ khi rời khỏi Việt Nam. Ăn phở bằng chính ký ức của mình, điều đó làm tô phở ngon hơn.”

Khách đợi tính tiền hay mua phở về nhà ăn cũng phải đợi lâu vì quá đông khách. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Thực khách lâu năm có nhiều lời khen ngợi, còn những người lần đầu ăn Phở 79 thì sao? Bà Kay Nguyễn đi cùng ông Michael Clifford từ San Jose đến và đây là lần đầu họ thử Phở 79.
Bà Kay nói: “Tôi nghe tiếng Phở 79 nên muốn đến đây thử và ngon thật. Mùi vị phở của tiệm này rất đúng, khác với những tiệm tôi từng ăn. Thịt cũng rất tươi và bánh cũng ngon nên tôi rất thích.”

Các giải thưởng ẩm thực của Phở 79. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Còn ông Clifford cho hay: “Tôi từng ăn phở ở San Jose, ở Việt Nam và đây là tiệm phở ngon nhất đối với tôi từ trước đến nay.”
Vì nhận được giải thưởng James Beard Foundation Awards là một vinh dự lớn đối với các nhà hàng, ông Nguyễn Tiến Dũng vui vẻ nói.
“Đây là giải thưởng cao quý nhất nên chúng tôi rất hãnh diện cho mình và hãnh diện cho người Việt Nam sống ở Quận Cam. Tổ chức James Beard nhìn nhận người Việt Nam là một phần của nước Mỹ và phở là một món ăn của người Mỹ. Ngoài ra, họ còn công nhận sự đóng góp của người Việt Nam cho ẩm thực Mỹ và công nhận sự thành công của người Việt tại Quận Cam.”  (Thiện Lê)

Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com

Tuổi già hải ngoại và niềm vui Internet

Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc (email, chat) giữa mọi người với nhau.

Chúng ta, trong đó có bạn và cả tôi nữa, ít nhiều đều là dân ghiền Internet chẳng khác nào mình ghiền… một loại ma túy tinh thần nào đó.

Lợi ích của Internet thì đã quá rõ ràng rồi, tuy nhiên nó cũng đã bị một số người chỉ trích và kết án thậm tệ như là một trong nhiều nguyên nhân gây nên tội phạm trong xã hội.

Ngoài ra, nó còn bị American Psychiatric Association gán thêm cho một tội khác nữa, đó là việc lạm dụng Internet một cách thái quá có thể làm cho người sử dụng bị xáo trộn về tâm thần, một hiện tượng mà các nhà tâm lý học gọi là Internet addiction disorder hay IAD.

Cũng may là American Medical Association đã không nhìn nhận IAD là chẩn đoán của một bệnh lý thật thụ.



Tuổi già và Internet tại Hoa Kỳ


Riêng đối với người cao tuổi tại Hoa Kỳ, The Nielson Company cho biết số senior sử dụng Internet đã tăng 55% từ 11.3 triệu cụ Nov 2004 lên 17.5 triệu Nov 2009. Số giờ các cụ ngồi gõ internet cũng tăng 11% trong khoảng thời gian 5 năm nói trên nghĩa là từ khoảng 52 giờ trong một tháng lên trên 58 giờ /tháng.

Hiệp hội người hưu trí Hoa Kỳ (AARP) cho biết có lối 40% những người trên 50 tuổi nói rằng họ rất thoải mái mỗi khi sử dụng internet đặc biệt là các mạng xã hội chẳng hạn như Facebook, Linked In, và Twitter.

Trong số 1360 cụ được thăm dò thì có 27% đã kết nối vào các trang mạng xã hội.

Internet giúp họ có thêm kiến thức về thế giới. 31% cụ thường sử dụng Facebook và trong nhóm nầy có 73% dùng trang Facebook để liên lạc với thân nhân và con cháu.

Phúc trình của Nielson Company cho biết email cá nhân là cách liên lạc phổ biến nhất của các cụ trên 65 tuổi, sau đó là xem và in bản đồ, thời tiết, xem hóa đơn, trả tiền online, xem và gởi hình ảnh, đọc và nghe tin tức, tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề sức khỏe, hoạch định kế hoạch đi du lịch, nghiên cứu thực đơn nấu nướng, tham khảo tình hình tài chánh, thị trường chứng khoán…


Một cái ghiền dễ thương




Một khảo cứu về việc sử dụng Internet và cell phone do JWT Survey thực hiện trên 1011 người Hoa kỳ từ 18 tuổi trở lên gồm có 42% đàn ông và 58% đàn bà, đã đi đến kết luận là dân Mỹ đứng đầu thế giới về vụ ghiền Internet.



Cao niên và Internet.




Cell phone và Internet chiếm một chỗ đứng quan trọng trong đời sống của người Mỹ, bởi vậy nếu hỏi họ có thể chịu đựng được bao lâu nếu không có Internet thì:

* 21% trả lời hai ngày

* 19% trả lời vài ngày

* một trong năm người trả lời là họ có thể chịu đựng được một tuần lễ.

*Bất luận tuổi tác, 59% đàn ông và 50% đàn bà đều có thể chịu đựng tình trạng thiếu Internet chỉ trong vài ba ngày mà thôi.

Cảm giác chung của họ là nếu vì lý do nào đó mà không có Internet khi họ muốn, thì họ có cảm tưởng như hơi thiếu một cái gì đó rất quan trọng.

Nói chung, 28% người được thăm dò nhìn nhận họ dành rất ít thời giờ cho những sự tiếp xúc trực tiếp mặt đối mặt, vì họ bận xem Internet hoặc Cell phone hoặc nghe nhạc mp3 hay bận chơi games điện tử.

Còn 20% thú nhận dành ít thời gian hơn lúc xưa cho những chuyện vật lộn trên giừơng!


Xem email bất cứ chỗ nào




- 25% thú nhận thường đem Internet lên tận giường ngủ (laptop hoặc cell phone) để xem. Trước khi ngủ, họ check email cuối cùng và đôi khi họ ngủ quên mà trong tay vẫn còn cầm cái cell phone.

- 43% cho biết họ để email mở thường trực cạnh bên giường để có thể nhận biết giữa đêm nếu có ai gởi mail đến.

- 59% người Mỹ đọc email khi vừa về tới nhà.

- Đọc ở nhà chưa đủ, một số 12% còn xách laptop hoặc mang cell phone theo vô nhà thờ để check email trong lúc Cha đang làm lễ ở phía trước.

- 37% check email lúc họ đang lái xe.

- 53% check email luôn cả lúc họ đang ở trong phòng toilet.


Chơi game và nghe nhạc




Thật không ngờ chính phái nữ có nhiều máy để chơi games nhất: 44% ở phụ nữ so với 39% ở nam giới.

34% người được thăm dò cho biết họ có iPod hoặc dụng cụ cá nhân khác để nghe nhạc.

Đa số là giới trẻ chiếm 49% so với 15% những người trên 55 tuổi.


Internet thay đổi lối sống của nhiều người

- 73% người được thăm dò cho biết họ đã thay đổi cách mua sắm của họ. Càng ngày họ càng có khuynh hướng mua sắm kiểu online nghĩa là qua Internet.

- Internet được rất nhiều người ưa thích vì tính tiện dụng của nó.

- Internet giúp chúng ta phương tiện trau dồi kiến thức và sự hiểu biết qua hai công cụ tìm kiếm rất thực tiển đó là Google và Yahoo. Kế đến, email cá nhân thường được tham khảo qua cái laptop hoặc qua iphone cá nhân.

Có một điểm tiện lợi là các địa chỉ Hotmail và Gmail có thể được mở ra xem ở bất cứ một computer nào khác hoặc kể cả qua iphone. Giới trẻ thường trao đổi tin tức cho nhau qua email.

Mười websites dẫn đầu về số lần truy cập 2011-2012

1- Google-USA

2-Facebook-USA

3- Youtube- USA

4- Yahoo-USA

5- Baidu.com-China

6- Wikipedia-USA

7- Blogger-USA

8- Window Live-USA

9- Twitter-USA

10- QQ.com-China


Internet sau khi qua đời:
nỗi lo của người thân còn sống





Chúng ta tự hỏi, sau khi mình chết thì những trang mạng, facebook, compte email, v.v… của mình sẽ ra sao?

Sau đây là tóm lược từ bài "Internet après la mort" của Protegez vous.ca

Facebook:

Trên 300 triệu người sử dụng. Đây là nơi hẹn hò thường xuyên của dân internaute. Họ trao đổi tin tức, tâm sự, hình ảnh, v.v…

Sau khi viễn du tiên cảnh, chủ compte facebook để lại cho gia đình cũng như bạn bè cả khối hình ảnh và kỷ niệm còn ghi trong trang mạng xã hội nầy. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, facebook gom góp những điểm chánh yếu và làm một profile (hồ sơ-tiểu sử) của người quá cố. Lúc đó chỉ có những bạn của facebook mới có thể mở và gởi message của họ vào trong đó. Những thông tin quá nhạy cảm, như địa chỉ và tình trạng statut gia đình đều bị rút bỏ. Bạn bè và thân nhân không thể vào xem những message quá riêng tư của người khuất bóng.

Khi có lời yêu cầu từ gia đình, facebook sẽ đóng compte lại.

Gmail

Thân nhân có thể xin phép để được xem Gmail của người quá cố. Họ phải chứng minh là đại diện chánh thức và là người có trách nhiệm trong việc thừa kế. Phải trưng giấy khai tử và các bằng chứng đã có gởi message Gmail lúc trước, khi người đó còn sống. Các chứng từ có thể gởi cho Gmail bằng Fax hoặc qua bưu điện.

Yahoo

Lề lối bảo mật của Yahoo cao hơn Gmail và Hotmail. Trong bất cứ trường hợp, Yahoo không bao giờ cho phép người thân vào xem compte điện thư của người đã quá cố. Thân nhân có quyền xin Yahoo đóng compte lại.

Theo Yahoo, thân nhân có quyền vào xem compte người quá cố nếu tên của họ có ghi trong di chúc.

Window live hotmailHotmail tự động đóng bất cứ compte nào nếu không sử dụng trong 270 ngày và địa chỉ sẽ được phân phát cho người mới.

Muốn vào xem compte của người quá cố, người thân phải chứng ninh họ là người thừa kế, trình bằng lái xe và tờ khai tử. Có thể gởi qua fax hoặc bằng bưu điện.

MyspaceKhông có đường lối rõ rệt. Khi có yêu cầu của thân nhân, Myspace có thể xóa bỏ compte của người đã chết.


Internet và tôi


Internet đã giúp tôi trau giồi thêm kiến thức, giải trí và thoát ly phần nào ra khỏi nỗi niềm cô đơn của tuổi hoàng hôn.

Bước đầu làm quen với Internet cũng rất khó khăn vì lớn tuổi nên rất bảo thủ và rất e ngại những kỹ thuật quá mới mẻ.

Nhưng các con tôi thì nhất quyết kéo, đẩy ông già tía của chúng nó vô làm quen với internet cho kịp với bước tiến của xã hội. Thú thật tôi rất lo.

Chủ động là thằng con trai của tôi. Lúc đó đang học trung học. Nó đi mua máy móc, lúc đầu thì mấy cái desktop PC to tổ chảng. Mua về nó tháo mở bung cái máy ra, lấp ráp thêm bộ phận nầy, gắn thêm cái nọ, load thêm chương trình kia…Nó tự làm. Tôi không biết nó học ở đâu và từ bao giờ nên tôi ngại quá. Lỡ ráp vô máy không chạy thì mất toi tiền. Nhưng rồi mọi việc cũng đều tốt đẹp.

Sau một thời gian vài năm, nó biểu tôi quăng bỏ đi vì máy đó “hết hay”, chạy chậm và to quá, quê lắm. Mua laptop hay hơn, nhanh hơn và gọn hơn. Nó nói sao thì tôi nghe vậy chớ mình có biết ất giáp gì đâu. Chỉ biết hỏi nó là có tốn tiền lắm không.

Rồi nó chỉ tôi các cách sử dụng căn bản, load cho tôi cái fonts VN và một số program cần thiết khác, chỉ cách mở file, gởi bài đi v,v…Mấy cái chuyện như scan virus thì nó làm cho tôi lúc nào thấy cần vì nó nghĩ là nếu có chỉ tôi cũng không chắc gì tôi làm được như ý nó muốn.

Thế rồi năm 2006, nó lấy vợ và dọn sang miền Tây Canada lập nghiệp và làm việc luôn trong ngành computer… Nó đi qua bên dó xa gần 4000 km làm tôi chới với, biết hỏi ai bây giờ mỗi khi có problem về computer hay internet? Lo lắm. Lúc còn ở chung nhà với tôi, mỗi khi có rắc rối về máy móc, TV, đèn đuốc, laptop, v.v… hay không hiểu cái gì thì tôi chỉ cần réo lên một tiếng là nó chạy lại liền. Nó chỉ cần gõ lên bàn phím lốc cốc 6-7 cái là ok hết. Tôi cố nhìn theo nhưng không kịp. Có khi nó làm chậm lại và nói tôi phải nhìn cho kỹ, kỳ tới nếu có xảy ra problem nầy thì gõ y như vậy. Rồi nó trấn an tôi. “Không có gì phải lo hết. Nếu có problem, báo cho con biết con sẽ sửa cho”. Lúc đầu tôi không mấy hiểu nó muốn nói gì nhưng lúc sau nầy hễ có problem là tôi email hay phone cho nó. Nó trả lời là phải gõ nút nầy nút nọ thì mình làm y vậy là ok.

Nếu thấy trường hợp khó thì nó nói “ Đừng tắt Internet, để tối con sửa cho. Goodnight Pa” Khi đó thi tôi mới hiểu là nó làm remote assistance.

Sáng sớm hôm sau, khi nhìn lên màn hình laptop thấy Notepad ghi chữ DONE.

Thở phào nhẹ nhõm.

Thật ra, có nhiều khi chuyện không có gì, chỉ cần gõ “đúng nút” là được. Sau nầy tôi “biết khôn” hơn, mỗi khi có problem lạ thì tôi vô google tìm trong các forum của những nạn nhân có cùng một vấn đề như mình. Họ chỉ cách giải quyết. Tóm lại vạn sự khởi đầu nan. Lúc đầu thì thấy khó vì chưa quen cách sử dụng mà thôi.

Tại sở làm, các đồng nghiệp của tôi đều thuộc thế hệ trẻ tuổi nên sử dụng computer và internet là chuyện quá tự nhiên. Họ chỉ dẫn tôi làm cái gì thì tôi biết cái đó, đủ để làm việc mà thôi. Tây họ gọi kiểu nầy là vừa làm vừa học (apprendre sur le tas). Còn khó quá, thì phone cho technical assistance của cơ quan nó giúp.

Còn nhớ, vào những năm 90, mỗi khi gởi rapport hay công văn thì thường là phải đánh máy và gởi qua bưu điện, vừa mất thời gian và vừa lâu lắc hết sức. Sau đó thì lần lần các thủ tục hành chánh đều đuợc làm bằng computer hết. Mỗi nhân viên CFIA đều được cơ quan cấp cho một địa chỉ email cá nhân với mã số đặc biệt của nhà nước… để sử dụng trong nội bộ với nhau.


Cao niên và Internet.




Vui buồn một kiếp tha hương

“…Trong vòng vài chục năm gần đây, nhờ sự phổ biến rộng rãi của Internet, nên các bạn lớn tuổi của tôi đã có thêm được một nguồn vui mới – khiến làm tăng thêm phẩm chất của cuộc sống – và như vậy là có thêm điều kiện để thực hiện được cái lý tưởng “Sống lâu và Sống có ích” như nhiều người đã tâm niệm từ bấy lâu nay...”(Ngưng trích, Đoàn Thanh Liêm- Niềm vui của tuổi già trong thời đại internet)

Nhờ internet mà từ hơn 8 năm nay tôi thưòng xuyên gõ bài gởi đi khắp bốn phương trời…Đó là một niềm vui, một hobby của tôi trong tuổi xế chiều.

Tôi gõ để tự mình trau giồi thêm kiến thức, để tự học hỏi, để tự mình giải khuây, để khỏi nghĩ quẩn, để khỏi bị trầm cảm, để khỏi bị bệnh Alzeihmer, để thoát ly và cũng để giảm bớt stress trong cuộc sống, v.v...

Thế cho nên tôi gõ cho người đọc nhưng thật sự ra là tôi cũng đồng thời gõ cho chính tôi, cho cuộc sống của mình được thêm phần ý nghĩa hơn.

Tôi rất vui sướng vì ít ra mình cũng có nhiều may mắn và tự do làm được những gì mình ưa thích trên đời.

“Giờ đây đừng khóc sầu chi đàn ơi!
Lên vai cùng lê đôi gót tha hương.
Mình dìu nhau khắp nơi chân trời,
tìm vần thơ ngát hương đời
để dệt thành câu hát quê hương”
(Lam Phương- Kiếp tha hương)


Gọi là Ghiền Internet có đúng hay không?



Chắc là đúng thôi, nhưng không phải là một loại ghiền ghê gớm bệnh hoạn như ghiền rượu, ghiền thuốc lá, xì ke, ghiền casino, v.v…

Ghiền Internet có thể giúp chúng ta giải tỏa stress, giải khuây, thoát ly, thêm nhiều bạn bè mới, cải thiện mối giao tiếp xã hội, du lịch trong không gian, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, tăng thêm kiến thức, v.v…

Nhờ đó, nó còn giúp chúng ta hiểu được thêm nhiều khía cạnh của nhân sinh cũng như các hỉ nộ ái ố cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống!

Có nghiên cứu gần đây của Đại học Los Angeles cho thấy người già cả mà ghiền Internet thì tốt lắm vì các cụ sẽ cải thiện được trí nhớ rất nhiều. Theo thăm dò cá nhân, có lối 90% cao niên thường xem Internet trong ngày. Nhờ sử dụng internet mà các cụ cảm thấy bớt lẻ loi trống vắng nên bớt bị trầm cảm.

Theo Phoenix Center, việc sử dụng thường xuyên internet rất tốt cho sức khỏe tâm thần của người già và giúp cho họ tránh được bệnh trầm cảm và bệnh lú lẫn Alzheimer. Một khảo cứu của Semel Institute for Neuroscience and Human Behavior, đại học UCLA Hoa Kỳ cũng kết luận là Internet giúp kích thích não và cải thiện trí phán đoán.

[Theo các nhà chuyên môn về bệnh tâm thần thì vấn đề trầm cảm (depression) có khuynh hướng gia tăng trong nhóm người trung niên và cao niên VN sống tại Little Saigon-Quận Cam]. (Theo newamericamedia. org-More Older Vietnamese American Seeking Help for Depression)

“Mental health professional and community volunteer Suzie Dong-Matsuda explained that although mental problems tends to be stigmatized among Vietnamese Americans, she is witnessing an increase in adults in midlife and older who seek help for depression among Vietnamese Americans in Orange County’s Little Saigon.”


Kết luận







Càng về già, cái gì cũng lần lần mất bớt đi hết…Cũng may, Internet đem đến những nguồn vui ảo giúp chúng ta sống những ngày còn lại không đến đổi quá vô vị.

Duy chỉ còn lại một vấn đề nho nhỏ là đôi khi em LapTop bị một số bà xem như là một tình địch đáng ngại của họ. Chuyện các bà ghen với cái computer cũng rất thường hay thấy xảy ra lắm.

Nhiều ông ôm computer suốt ngày, không thèm ngó ngàng gì đến chuyện trong nhà ngoài ngõ và thậm chí còn quên luôn sự hiện diện của bà nhà nữa nên bị mấy bả ghen, tức, cằn nhằn cự nự thì cũng không có gì là oan đâu.

Internet là con dao hai lưỡi, có mặt tốt nhưng cũng có mặt xấu của nó.

Nó là kho tàng kiến thức, nhưng đồng thời cũng là một cái thùng rác vĩ đại.

Điều quan trọng là chúng ta phải biết lựa chọn sao cho đúng mà thôi…Mà thế nào là đúng, thật khó biết?

Câu trả lời cũng còn tùy theo hoàn cảnh và cá tánh của mỗi người nữa.

Thôi, nếu thích quá thì cứ việc làm, cứ việc ghiền thả cửa đi. Đây là xứ tự do mà.

Lo làm chi cho thêm mệt. Cứ vui vẻ an hưởng tuổi già phải không các bạn./.

Bs Nguyễn Thượng Chánh


Thúy Lan sưu tầm