mardi 23 octobre 2012

Những Quan Niệm Sai Lạc về Thuyết Tiến Hóa và Thuyết Sáng Tạo




Những Quan Niệm Sai Lạc Về  Thuyết Tiến Hóa Và Thuyết  Sáng Tạo
(Bài số 4)
Chu Tất Tiến, M.S.P.

Một tiêu đề có tính chất sai lạc vẫn xẩy ra từ nhiều thập niên trong giới truyền thông và ngay cả trong một số cơ quan giáo dục là Thuyết Sáng Tạo chống lại Thuyết Tiến Hóa (Theory of Creationism v/s Theory of Evolution). Nhiều bài báo mang tựa đề  “Creation versus Evolution” với nội dung ghi lại các lý luận đối kháng giữa những người tin theo Thuyết Sáng Tạo và những người bảo vệ lý luận về Thuyết Tiến Hóa. Có nhiều bài báo còn tăng cường độ của cuộc tranh cãi thành “Chiến Tranh giữa hai lý thuyết” (The War between two theories). Thật ra, nếu phân tích theo Sử Học, Khoa Học Nhân Văn và Khoa Học Nhân Chủng, thì vấn đề không đơn giản như vậy mà phức tạp hơn nhiều.

1-Danh từ “Thuyết Sáng Tạo” (Theory of Creationism), hầu như đã được tạo ra vào năm 1929, dựa theo những tư tưởng của cuốn Genesis (Sách Sáng Thế), một trong những kinh Thánh Cựu Ước bên Thiên Chúa Giáo. Cuốn Genesis viết rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ và muôn vật và loài người trong 7 ngày. Từ đó, mà những người theo Thiên Chúa Giáo chỉ Tin theo Kinh Thánh mà không có sự nghiên cứu, thì tin rằng việc Sáng Thế được tạo ra trong 7 ngày , và 7 ngày này tương ứng với 7 ngày trong tuần lễ theo Dương Lịch. Cũng từ đó, mà những người vô thần muốn chống đối Thiên Chúa Giáo dùng con số 7 ngày này mà ngạo cợt người theo đạo Chúa, khiến nhiều người theo Chúa lúng túng vì chỉ biết Tin mà không chứng minh được. Vì thế mà sau này, nhiều nhà khoa học Thiên Chúa Giáo đã nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về Thuyết Sáng Tạo và giải thích rằng “Thuyết Sáng Tạo tin vào một Đấng Toàn Năng đã tạo dựng nên vũ trụ”, còn vấn đề 7 ngày kia chỉ là một thể dụ ngôn, không có thật.

1-Trong mục đích tạo ra những ấn tượng cụ thể để người đọc dễ hiểu, người Do Thái cổ đã viết về những việc mà Thiên Chúa làm theo phương pháp “tổng hợp và xếp loại”, nghĩa là cứ những sự vật tương tự nhau thì cho vào một nhóm. Hơn nữa, hồi đó, quan niệm thời gian với đa số con người còn là một ý niệm mù mờ, chưa có đồng hồ, chưa có Dương Lịch, nên người Do Thái cổ không tường thuật theo trình tự thời gian hiện tại (chronological order), nghĩa là có 1 rồi mới có 2, có 2 rồi mới có 3 hoặc có ngày thứ nhất rồi mới sang ngày thứ 2… vân vân. Dựa theo thể “tổng hợp và xếp loại” đó, người Do Thái cổ cho Trời và Đất vào một ngày, Nước và Không Khí chung một thời gian, Ánh sáng và bóng tối cùng một thời gian, rồi các sinh vật trên không, trên biển, trên đất vào chung một ngày, cuối cùng là ngày dành cho Con Người và cho con người chỉ huy các sinh vật , động vật, và thực vật đã được thiết lập.

2-Lý do thứ hai để bổ sung cho vấn đề này là câu hỏi: “Nếu ngày thứ tư mới có mặt trời và mặt trăng, mới thực sự là “1 Ngày” thì làm sao có thời gian gọi là “Ngày thứ Nhất” khi mặt trời chưa hiện ra buổi sáng, mặt trăng chưa hiện lên ban đêm?

3-Câu hỏi quan trọng nhất là : “Nếu con người được tạo ra sau cùng, làm sao con người biết được những chuyện xẩy ra trước đó?” Và, nếu có nhân vật Adam, thì nhân vật này cũng chết từ vạn đời trước, khi mà con người chưa có chữ viết, làm sao mà ông Adam có thể ghi chép lại hay kể cho con cháu nghe về những chuyện mà ông biết đã xẩy ra thời đó?
Do đó, các nhà nghiên cứu khoa học có thể kết luận: Cuốn Genesis là một cuốn thuộc về ẩn dụ, và nếu có con số 10 vạn năm Sáng Thế gì đó, cũng chỉ là một con số ẩn dụ của những người viết sách cổ điển, khi chưa có cách tính tuổi trái đất, khi con người chưa có trình độ khoa học để so sánh A = A, B ~ C, chưa có thể đoán rằng, người đời sau suy đoán ra tuổi của vũ trụ là khoảng 13 tỷ năm. (Con số này cũng chỉ là một giả thiết, chưa có thể kiểm chứng một cách xác thực).

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng cần nói là nếu cho rằng Thuyết Sáng Tạo chỉ đơn giản là một quan điểm tin vào sự thiết lập ra vũ trụ bởi một Đấng Vô Hình, đầy quyền phép, ở ngoài và trên vũ trụ, có khả năng nhìn thấy tư tưởng, ước muốn của từng con người để ban ơn hay giáng họa tùy cá nhân, thì thuyết này không phải mới chỉ được lập từ năm 1929, mà đã có từ khi loài người mới có trí khôn, biết suy nghĩ về các hiện tượng xẩy ra quanh mình.

-Khi con người thờ Thần Lửa, là con người tin rằng: “Lửa” = một quyền lực ngoài con người vật chất và cai trị con người.
-Người La Mã, Hy Lạp cổ, và các nước Âu Châu thờ các thần (God và Goddess) của mình, họ cũng tin rằng: Các đấng Thần Linh = quyền lực trên loài người.
-Trước khi đạo Thiên Chúa du nhập vào Á Châu và Việt Nam, những người Á Châu, người Việt có tín ngưỡng, tin vào “hồn, linh hồn, vong linh”, tin Thuyết Luân Hồi, Nhân Quả, họ cũng tin rằng có Đấng Thiêng Liêng đầy quyền năng đang chi phối không những thế giới nhân loại mà còn một thế giới vô hình, mà mắt người không thể thấy, chỉ huy đời đời kiếp kiếp sự đầu thai của các hương linh vào thế giới hiện tại.

Như thế, Thuyết tin vào sự Sáng Tạo của một Đấng toàn năng nào đó, không phải là một điều mới mẻ cho nhân loại mà đã có từ trong huyền sử và sẽ tiếp tục được dẫn giải theo cách này hay cách khác cho đến ngày tận thế.

2-Danh từ Thuyết Tiến Hóa (Theory of Evolution) được giới thiệu bởi Charles Darwin vào năm 1859, với cuốn “On the Origin of the Species by Means of Natural Selection.” Trong cuốn này, Darwin đã hệ thống hóa nguồn gốc của các sinh vật, và ông quan niệm rằng, các sinh vật đã “tự” biến thể từ các hình thức (form) đơn giản thành phức tạp để có thể sống còn. 

Ông cũng cho rằng chỉ các sinh vật, động vật nào có sự phát triển hoàn chỉnh, thích hợp với môi trường mới có thể tồn tại, còn các sinh vật, động vật “không biết” tự điều chỉnh cơ thể mình thì bị tiêu diệt. Thật ra, công trình biên khảo của Darwin và những kết luận của ông không phải do ông bất ngờ mà tìm ra, mà là sự thừa hưởng, pha trộn của rất nhiều nghiên cứu trước đó cả hơn 2,000 năm. Aristotle (338-322 B.C) đã từng nghiên cứu về nguồn gốc các chủng loại. Đến thế kỷ 18, George Buffon đã cho rằng nhiều chủng loại có cùng một nguồn gốc. Và đến đời “ông nội” của Charles Darwin là Eramus Darwin, năm 1790, đã kết luận là tất cả mọi sinh vật, động vật trên trái đất đều do một đơn bào (single cell) phát triển từ đơn giản đến phức tạp. Đến năm 1809, Jean-Baptiste Lamarck đã cho phổ biến một lý thuyết cho rằng các sinh vật đã tiến hóa một cách tự nhiên (spontaneous) từ đơn giản đến phức tạp như ông nội của Darwin đã từng viết. Cùng thời và cùng tư tưởng với Darwin, còn có Lyell, Hooker, và Wallace, cả ba nhà khoa học này cũng làm những việc tương tự như Darwin, nhưng chỉ có mình Darwin là khôn khéo, biết tập hợp những sự nghiên cứu của người khác và công việc của mình để tạo ra thành công lớn nhất, khiến người ta quên đi những đóng góp lớn lao của lý thuyết này từ các khoa học gia khác. Từ đó, người ta “chụp mũ” cho lý thuyết về sự tiến hóa là “Lý Thuyết của Darwin” (Darwin’s Theory) cho dù lý thuyết này cũng còn thiếu sót rất nhiều về phương diện khoa học Nhân Văn, Nhân Chủng, và khoa học Thực Nghiệm. Chính Darwin đã từng xác nhận là ông thiếu sót những mắt xích quan trọng trong việc trình bầy Thuyết Tiến Hóa. Ngay trong Chương 1 của cuốn “On the Origins of Species”, ông viết: "Những định luật chi phối sự kế thừa (di truyền) thì hoàn toàn không được rõ! (The laws governing inheritance are quite unknown.) Chỉ nguyên một câu khẳng định này, Darwin đã thú nhận là ông mù tịt về các định luật chi phối sự tiến hóa. Một cách gián tiếp, ông đã có sự suy nghĩ về một quyền lực siêu nhiên nào đó đã thúc đẩy sự tiến hóa theo ý muốn của Đấng ấy mà Darwin không thể chứng minh được! (Đến ngày ông mất, ông đã yêu cầu mở cánh cửa sổ phòng ông nhìn ra phía nhà thờ Thiên Chúa Giáo, để ông được nghe hát những bản thánh ca rồi mới nhắm mắt, ra đi)
Như vậy, có hai điều căn bản về Darwin cần được giải tỏa:

-Darwin không phải là một người duy nhất khám phá ra thuyết Tiến Hóa. Ông vừa là nhà khảo sát và cũng là người tổng hợp các nghiên cứu của các nhà khảo sát khác.  
-Mắt xích Tiến Hóa của Darwin có nhiều lỗ hổng khổng lồ không thể lấp đầy, như Luật nào chi phối sự tiến hóa và những thực tế Thoái Hóa chống lại sự Tiến Hóa.
Thí dụ về sự Thoái Hóa chống lại sự Tiến Hóa:

-Thoái hóa về môi trường: Trái đất càng ngày càng ấm lên khiến cho việc ngập lụt sẽ xẩy ra làm mặt đất dần dần biến mất. Các sự va chạm của các tầng địa cực càng ngày càng nhiều và càng mạnh khiến cho các cuộc động đất, sóng thần càng ngày càng hung dữ, xóa sổ nhân loại. Một khi mà hoạt động của núi lửa, động đất tăng, thì khí hậu cũng thoái hóa, làm cho trái đất nóng lạnh bất thường và thay đổi liên miên khiến nhân loại sẽ bị thoái hóa dần, mặc cho ý muốn của con người là tha thiết muốn tiến hóa.

-Thoái hóa về cơ thể: Sự kiện này xẩy ra cho nhân loại từ khi có sự hiên diện của con người. Sau vài chục năm sống thì da thịt, xương cốt, tế bào con người dần dần thoái hóa. Tế bào não mỗi ngày mỗi chết đi, không có gì thay thế. Sụn xương sống tẹt đi, khiến con người lùn xuống. Da mỗi ngày mỗi nhão, không đàn hồi. Các bắp thịt sơ cứng và yếu dần. Đặc biệt là bộ ngực phụ nữ khi trẻ thì đẹp, hấp dẫn mê hồn, đôi khi làm cho người ta ngất ngây, nhưng khi về già thì chẩy xuống, nhão nhẹt, trông như một túi da, nhìn vào thấy ớn. Bộ phận sinh dục đàn ông cũng chỉ xuống đất và hoạt động tình dục đàn ông cũng thoái hóa, mặc dù tất cả mọi người đều có nhu cầu rất cao muốn sống còn và hưởng thụ. Nguyên lý “tranh đấu để sống còn và kẻ nào mạnh sẽ sống mãi (survival for the fittest) của Darwin bị lỗ hổng này phá hủy!

-Thoái hóa về xã hội: Xã hội càng ngày càng nhiều người xấu, gây chiến tranh, đổ máu khắp nơi, vũ khí mỗi ngày mỗi tăng sức phá hủy, khiến cho con người chết nhiều hơn. Giá trị gia đình dần dần bị xói mòn, con người trở thành những cá nhân cô đơn. Sự liên hệ  giữa con người và xã hội mỗi ngày mỗi thoái hóa cùng với niềm tin vào tôn giáo. Dần dần, xã hội sẽ tự hủy diệt, cho dù còn có con người!

Kết luận: Thuyết Sáng Tạo, nói chung, không đứng ra kình chống với Thuyết Tiến Hóa, vì Thuyết Sáng Tạo đã có từ ngàn năm trước và được hệ thống hóa từ thế kỷ thứ Nhất sau Thiên Chúa trong khi Thuyết Tiến Hóa sinh sau, đẻ muộn và mới được hoàn chỉnh từ thế kỷ thứ 19 do Darwin đại diện (không phải do Darwin sáng tạo!). Thuyết Tiến Hóa được phổ biến trong một phạm trù hẹp của những nhà khảo cứu, mà không được đa số nhân loại có lòng tin vào Đấng Tối Cáo chấp nhận. Thuyết Tiến Hóa được phổ biến qua nhiều nhà khảo sát có công tổng hợp và xếp loại rất công phu, tuy nhiên, vì trình độ trí thức của thế hệ Darwin còn hạn chế, nên công trình này còn rất nhiều thiếu sót, lỗ hổng không thể lấp đầy, nhất là khi so sánh với những khám phá sau này của thế hệ Ipad, Iphone, và Italk (sẽ có Ithink, chỉ cần nghĩ ra điều gì đó, thì computer thực hiện ngay!), thì thuyết Tiến Hóa sẽ chỉ còn là một giả thuyết căn bản làm bàn đạp cho nhiều công trình khoa học thực sự khác, giúp tìm hiểu thêm về nguồn gốc của các chủng loại cũng như phương pháp làm sao để sống còn của con người mà không còn giá trị gì về khoa học cả. Dĩ nhiên, Thuyết Tiến Hóa sẽ còn là một dụng cụ thích hợp cho những kẻ Cộng Sản Vô Thần dùng làm võ khí tấn công những người có Tín Ngưỡng trong một thời gian dài. Vì thế, nhiệm vụ của những người làm khoa học (Nhân Văn, Nhân Chủng, Thực Nghiệm) cần phải làm sáng tỏ những lỗ hổng của thuyết này, hầu cho nhân loại được sống yên vui trong luân lý của một xã hội không có bọn Cộng Sản vô thần là bọn đã và đang vung tay hủy diệt môi trường, phá nát các quan hệ văn hóa, xã hội, gián tiếp làm cho trái đất bị thoái hóa đi đến chỗ tận diệt.

Chu Tất Tiến.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire