jeudi 30 août 2018

3 kiểu tôn trọng.

3 kiểu tôn trọng.

Người thông minh, ưu tú, có cái nhìn sâu rộng thì đối với bất kể ai cũng đều tỏ thái độ khiêm nhường, tôn trọng. Đặc biệt, khi một người có địa vị cao trong xã hội mà biết tôn trọng người không bằng mình thì đó chính là một loại mỹ đức.

Người ta thường nói: “Tôn trọng cấp dưới chính là một loại mỹ đức, tôn trọng khách hàng chính là một loại ý thức, tôn trọng đối thủ là một loại độ lượng, tôn trọng tất cả mọi người là một loại giáo dưỡng”.
Nhưng con người thường vốn ích kỷ, luôn muốn người khác tôn trọng mình mà lại không muốn phải tôn trọng người khác, thậm chí có đôi khi còn khinh miệt người khác. Đương nhiên người như vậy sẽ không bao giờ có được sự tôn trọng của mọi người.
Kỳ thực quan hệ giữa người với người là mối quan hệ tương trợ lẫn nhau, đạo lý này dù ở đâu cũng vậy. Muốn được người khác tôn trọng thì mình phải tôn trọng người khác trước.
Bất kể người khác địa vị cao hay thấp cũng đều phải đối xử bình đẳng, không nên vì ti tiện mà coi thường, không nên vì địa vị cao mà nịnh hót. Sau đây là 3 cách thức tôn trọng người khác, nếu làm được thì đi đâu bạn cũng sẽ được chào đón và gieo được nhân duyên tốt đẹp.
Muốn được người khác tôn trọng thì mình phải tôn trọng người khác trước. 
1. Khiêm tốn bản thân, tôn trọng học người khác, chính là “phong độ”
Năm 1998, có một chàng thanh niên trẻ vừa tròn 28 tuổi cùng vài người bạn hợp tác mở một công ty nhỏ về lĩnh vực Internet viễn thông. Một lần chàng thanh niên này đi tham gia một hội nghị giao lưu các doanh nghiệp viễn thông.
Hôm đó, khi tới nơi chàng trai phát hiện bản thân mình thua kém rất xa với mọi người. Mọi người đến tham gia đều ăn mặc rất thời thượng, quần tây áo comple phong độ lịch sự. Còn bản thân cậu thì vừa mới lập nghiệp, không tiền không địa vị, chỉ mặc một bộ đồ quá đỗi bình dân, không những vậy quần áo lại cũ có chút phai màu.
Tham gia hội nghị, chàng trai chỉ giấu mình trong góc phòng không dám giao tiếp với ai, sợ người khác chú ý. Sau khi hội nghị kết thúc, mọi người náo nhiệt trao đổi danh thiếp cho nhau, cơ bản không có ai chú đến chàng thanh niên.
Khi chàng thanh niên chuẩn bị đứng dậy ra về, thì đột nhiên có người cất tiếng bắt chuyện: “Sao lại về sớm vậy? Lần này đến đây tôi vẫn còn chưa có cơ hội quen biết những chàng trai trẻ như cậu sao đã vội ra về”.
Chàng trai quay mình lại, thì một người đàn ông trung niên đang tươi cười bước đến. Hoá ra đây chính là ông chủ doanh nghiệp vừa lên phát biểu khai mạc hội nghị.
Chàng trai không khỏi kinh ngạc, lúng túng hỏi: “Chào ông, không biết ông tìm tôi có việc gì không?”.
“Không có gì đặc biệt cả, chỉ là muốn giao lưu các doanh nghiệp trẻ các cậu, học hỏi chút tư duy mới của những người trẻ”.
Lúc này chàng trai trẻ chỉ đành thật thà nói: “Thứ lỗi, tôi không phải là doanh nghiệp gì, đối với lĩnh vực Internet viễn thông hiểu biết không nhiều, tôi chỉ là có một công ty nho nhỏ muốn đến đây học hỏi chút kinh nghiệm”.
“Ồ thì ra là vậy!”.
Người chủ doanh nghiệp đứng nhìn chàng trai trẻ một chút rồi lớn tiếng cười nói cởi mở: “Không hiểu biết cũng không sao, đối với lĩnh vực này rất nhiều doanh nghiệp không hiểu cũng là lẽ thường, không biết thì từ từ học. Đây là danh thiếp của tôi, cậu cầm lấy, hi vọng chúng ta có cơ hội hợp tác”.
Sự việc diễn ra khá nhanh lại bất ngờ khiến cho chàng trai rất cảm động. Chàng trai đặt tấm danh thiếp trân trọng lên bàn làm việc, hàng ngày luôn nhìn nó để nhắc nhở bản thân phải học tập giống như người chủ doanh nghiệp lớn đó, học cách khiêm nhường bản thân, tôn trọng người khác.
Mười mấy năm sau, chàng trai trẻ năm xưa nay đã thành một nhân vật tầm cỡ có tiếng trong lĩnh vực viễn thông. Chàng trai đó chính là chủ tịch tập đoàn 360, Chu Hồng Y, một tỷ phủ nổi tiếng Trung Quốc.
Trong các buổi diễn thuyết của mình, Chu Hồng Y nhắc lại câu chuyện năm xưa, ông nói: “Một tấm danh thiếp nặng bao nhiêu? Nhưng ông chủ doanh nghiệp năm xưa đã gọi tôi là một doanh nghiệp và trao cho tôi tấm danh thiếp, điều này đã đem đến cho tôi sự tự tin và dũng khí không gì có thể sánh được. Trong suốt cuộc hành trình đi đến thành công của mình, tôi luôn cảm nhận sức nặng của tấm danh thiếp này một cách sâu sắc”.
Chu Hồng Y chủ tịch và Giám đốc điều hành công ty Qihoo360. (Ảnh: linkedin.com 
2. Thay đổi góc nhìn, tôn trọng người khác, chính là “độ lượng”
Năm 1993, một chàng trai từ nông thôn bước ra, với mong muốn ôm mộng làm diễn viên. Cậu thi vào trường điện ảnh Bắc Kinh nhưng bị trượt ngay từ vòng sơ tuyển, cậu lưu lại thành phố sống lang bạt, làm nghề diễn viên quần chúng.
Một lần cậu có cơ hội được đóng diễn viên quần chúng, cậu vô cùng phấn khích, thời gian quay chỉ có 4, 5 giây nhưng cậu rất chú tâm thực hiện sao cho tốt nhất.
Điều không may xảy ra với cậu là trong lúc quay phim do sơ ý cậu đã va vào diễn viên chính. Đạo diễn nhìn thấy một diễn viên quần chúng lại va chạm với diễn viên chính thì tức tối đi tới mắng cậu thậm tệ. Cậu vội vàng xin lỗi và cật lực giải thích rằng bản thân mình không cố ý.
Thật bất ngờ, lúc này diễn viên chính chủ động bước tối vỗ vào vai cậu: “Chúng ta đều là diễn viên, trong lúc diễn có sự va chạm là điều không tránh khỏi, không cần thiết phải để bụng làm gì”.
Thật khó tả, một cảm giác ấm áp tràn ngập trong lòng cậu, đây là lần đầu tiên có người gọi cậu là một diễn viên, điều này với cậu đó niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Mấy người khác bên cạnh chứng kiến cảnh tượng như vậy liền nói: “Cậu ta va vào anh, đạo diễn thay anh giáo huấn cậu ta cũng đâu có gì không được cơ chứ, ngược lại anh lại an ủi cho cậu ta”.
“Không, không, tuy cậu ta va vào tôi nhưng cậu ta hoàn toàn không cố ý, nếu như tôi oán trách cậu ta, ngược lại tôi trở thành kẻ nhỏ nhen hẹp hòi. Không oán trách người vô ý đó là điều tôn trọng tối thiểu chúng ta nên làm”.
Chàng trai trẻ đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, đứng đó hồi lâu không nói lên lời, từ tận đáy lòng mình. Cậu hạ quyết tâm, bắt đầu kể từ ngày hôm nay cậu sẽ nỗ lực hết mình để thành một diễn viên chân chính.
Mười năm sau… Lúc này cậu đã là một diễn viên chính, bộ phim đầu tiên cậu đóng vai chính đã giành được giải thưởng danh giá Golden Unicorn tại liên hoan phim Tokyo Nhật Bản và tiếp sau đó là con đường thành công vang dội sau này trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Chàng trai năm đó chính là diễn viên nổi tiếng Quách Hiểu Đông.
Làm người đối nhân xử thế, chúng ta cần có được một thái độ giống như người diễn viên chính kia, gặp phải những mạo phạm không cố ý, chúng ta nên đứng từ góc độ đối phương mà nhìn nhận vấn đề. Dùng một tâm thái bình đẳng để tôn trọng người khác, như vậy con đường giao tiếp với xã hội của chúng ta sẽ ngày một rộng mở và được đón nhận nhiều hơn nữa sự tôn trọng, kính phục của mọi ngườ
Quách Hiểu Đông (18/12/1974) nam diễn viên Trung Quốc nổi lên khi thủ vai chính trong bộ phim điện ảnh Ấm. (Ảnh: imdb.com) 
3. Quan tâm bình đẳng đến người khác, đó chính là cao độ
Năm 1990, một chàng trai trẻ sau khi thi rớt đã xin làm bảo vệ cho một công ty điện ảnh. Mỗi ngày cậu đều tận lực hết mình làm việc nhưng lại luôn bị đồng nghiệp chế nhạo, nhưng ngược lại cậu không khi nào oán trách mà sớm đã quen với cuộc sống như vậy.
Vào một buổi sáng giám đốc công ty tuyên bố, vì để khích lệ mọi người có tính tích cực trong công việc tối nay sẽ chọn một số người làm việc ưu tú đi ăn tiệc với chủ tịch tại khách sạn. Mọi người ai lấy đều hứng khởi hi vọng mình được chọn trong số đó.
Trong lòng chàng trai trẻ nghĩ mình chỉ là một bảo vệ nhỏ nhoi sẽ không ai chú ý tới, không thể nào có cơ hội được đi ăn cơm với chủ tịch. Cậu nghĩ mọi người đi ăn cơm vui vẻ, mình cũng cần xin nghỉ phép một buổi để tự thưởng cho mình một hôm nghỉ ngơi, dù sao mình cũng làm việc rất chăm chỉ trong suốt thời gian qua rồi.
Tới giờ nghỉ trưa, cậu đến phòng giám đốc xin nghỉ phép, vị giám đốc hỏi: “Sao đột nhiên lại xin nghỉ phép vậy?”.
Cậu nghĩ có lẽ mọi người đều đi hết rồi nên giám đốc sẽ không cho mình nghỉ nên cậu nói: “Tôi cảm thấy trong người không được khỏe”.
“Vậy à!” vị giám đốc tỏ vẻ có chút hơi buồn rồi lắc đầu.
Cậu nghĩ: “Lẽ nào giám đốc biết mình nói dối?”.
Vị giám đốc vỗ vai cậu nói: “Sức khỏe không tốt vậy thì cậu chịu khó nghỉ ngơi cho tốt nhé! Tối nay cậu không tham gia được tôi sẽ bảo Tiểu Trần mang một ít rượu ngon và chút đặc sản của khách sạn về cho cậu, thức ăn sẽ bị nguội, cậu hâm nóng lại rồi hãy ăn”.
Cậu ngẩn người đứng đó, trong lúc cậu vô tình bỏ đi cơ hội được ăn cơm cùng chủ tịch, giám đốc lại ân cần quan tâm tới cậu như vậy. Giám đốc đã suy nghĩ đến cậu, vì cậu mà kêu người mang thức ăn ngon về trong khi cậu chỉ là một bảo vệ nhỏ nhoi. Điều này đã làm cho cậu cảm động vô cùng.
Nhiều năm sau, cậu không ngừng phấn đấu để cuối cùng trở thành một MC nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc, Mạnh Phi.
Nhờ sự quan tâm của giám đốc nhiều năm sau, cậu không ngừng phấn đấu để cuối cùng trở thành một MC nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc, Mạnh Phi. (Ảnh:chinatimes.com) 
Trong cuộc sống bình thường, giữa bạn bè với nhau chuẩn bị ít thức ăn cho nhau cũng là bình thường, nhưng đối với Mạnh Phi đây lại vô cùng cảm động và ghi nhớ cho đến tận ngay nay. Nguyên nhân là bởi cậu cảm nhận được sự tôn trọng của một vị giám đốc tôn trọng một nhân viên bảo vệ nhỏ nhoi dưới quyền mình, đây là điều rất đáng kính phục.
Trong lúc cậu cảm thấy không ai quan tâm đến mình, không ai tôn trọng mình nhưng tối hôm đó khi đồng nghiệp mang thức ăn về cho cậu, tuy nó đã không còn nóng nhưng trong lòng cậu lại tràn ngập sự ấm áp.
Nếu mỗi người đều có thể học được 3 loại tôn trọng này và dùng nó đối đãi với mọi người xung quanh, dần dần chúng ta sẽ phát hiện quanh mình toàn là quý nhân.
Biết tôn trọng người khác cũng có nghĩa là biết bắc cầu nối trái tim với trái tim. Tôn trọng những người ở xung quanh bạn, điều đó giúp bạn có thêm nhiều tình hữu nghị và đem lại cho bạn nhiều cơ may thành công giống như là gieo một nhân duyên tốt đẹp sau này vậy.
Trần Anh chuyển

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire